Các nhà khoa học Mỹ đã hiểu vì sao trên đường di chuyển dọc theo thành tử cung, phôi mới hình thành không trôi tuột đi mà lại dừng bước và làm tổ ở đó. Một loại protein bám dính đặc biệt được tiết ra trên bề mặt phôi chính là "thần cứu mệnh" giúp nó bám rễ ở dạ con.
Sự thất bại trong việc làm tổ của phôi trong tử cung là nguyên nhân của 3/4 các ca sẩy thai. Thông thường, sau khi phôi được hình thành, không có gì đảm bảo là nó sẽ gắn được vào thành tử cung. Các nhà khoa học tại Đại học California ở San Francisco (UCSF) đã tìm ra bí quyết vì sao một số phôi trụ lại được.
Theo nhóm nghiên cứu, vào khoảng 6 ngày sau khi thụ thai, các phôi nói trên tiết ra một loại protein bám dính mang tên L- selectin. Chúng tương tác với các phân tử nằm trên thành tử cung của người mẹ và tạo nên môi trường dính như keo. Lúc này, giống như khi quả bóng tennis lăn qua một mặt phẳng phủ sirop, phôi sẽ bị chững lại. Nó gắn với thành tử cung và tự nuôi dưỡng bằng máu của mẹ, qua rau thai.
Phát hiện này mở ra triển vọng mới trong việc điều trị cho những phụ nữ vô sinh hoặc bị sẩy thai sớm. Nó cũng giúp hiểu rõ hơn nguyên nhân của các ca rau bong non, trong đó rau thai không thể gắn với thành tử cung và bong sớm hơn thời hạn, gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và con.
Nhóm tác giả đã làm thủ tục xin bản quyền phát minh cho việc sử dụng protein L-selectin trong xét nghiệm chẩn đoán sớm những bất thường liên quan tới quá trình làm tổ của phôi ở phụ nữ vô sinh. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học của Mỹ số ra hôm qua.