Biết rằng bú mẹ là tốt nhất cho trẻ nhưng vẫn có những vấn đề liên quan làm bà mẹ bối rối. Phải thế nào khi mẹ bị bệnh, mang thai, có kinh, quan hệ vợ chồng...?
1. Khi mẹ bị bệnh, có nên tiếp tục cho bé bú mẹ không?
Mẹ bị bệnh thường là một lý do làm mẹ ngưng cho con bú một thời gian. Thật ra, có rất ít trường hợp cần thiết phải ngưng sữa mẹ. Nhiều bà mẹ không biết rằng: bắt đầu cho bé ăn một loại thức ăn nhân tạo khác còn đáng lo ngại hơn là cho bé bú sữa của mẹ đang bệnh.
A. Mẹ nghĩ rằng khi mình bệnh thì không thể cho con bú:
Bà mẹ cần hiểu rằng: Vẫn có thể tiếp tục cho con bú ngay cả khi mẹ bị bệnh. Nếu mẹ sợ mình lây bệnh cho con thì thực tế trẻ đã có thể bị lây từ trước khi mẹ phát bệnh (lây qua đường hô hấp, nước bọt hoặc qua sữa...). Mặc khác, khi mẹ bệnh thì trong người sẽ tạo được kháng thể chống lại bệnh tật. Lúc này cần phải cho trẻ bú mẹ nhiều hơn để nhận được các chất bảo vệ này.
- Khi mẹ bị bệnh phải điều trị thì nên báo cho bác sĩ biết rằng mình đang trong thời kỳ cho con bú. Bác sĩ sẽ chọn loại thuốc an toàn nhất cho cả mẹ và bé mà không cần ngưng cho bú. Trong thời gian dùng thuốc, mẹ cần quan sát các thay đổi nơi em bé để thông báo với bác sĩ.
- Chủng ngừa cho bé theo đúng lịch để tạo sức đề kháng chống bệnh, hoặc chữa bệnh cho bé cũng bằng cùng một loại thuốc với mẹ.
- Nếu mẹ không muốn cho con bú, có thể vắt sữa cho uống bằng muỗng. Như vậy có thể duy trì nguồn sữa để mẹ tiếp tục cho bú khi hết bệnh.
B. Mẹ nghĩ rằng mình bị mất sữa khi bị bệnh:
Hiện tượng mất sữa xảy ra do mẹ không cho trẻ bú hoặc cho bú ít đi chứ không phải do mẹ bị bệnh. Cần cho trẻ bú đều đặn hoặc vắt sữa trong khi bị bệnh và cố gắng cho trẻ bú lại càng sớm càng tốt thì không bị mất sữa.
Nếu mẹ bị sốt, mất nước vì ra mồ hôi nhiều mà không được bù lại, lượng sữa cũng có thể bị giảm. Vì vậy mẹ nên uống nhiều nước, uống sữa... khi bị bệnh.
C. Mẹ phải nhập viện:
Trường hợp mẹ phải nhập viện để điều trị hoặc để nuôi trẻ bệnh khác, bé ở nhà được nuôi bằng sữa bò hoặc bột ngũ cốc. Bé có thể bị bệnh vì thức ăn mới, và sẽ không chịu bú lại sau một thời gian xa mẹ. Vì vậy nên:
- Cố gắng cho bé ở cạnh mẹ để có thể tiếp tục được cho bú mẹ. Nếu mẹ phải nhập viện, có thể nhờ người mang trẻ đến bệnh viện, hoặc vắt sữa mang về... Trong trường hợp phải cho bé uống thêm sữa ngoài, nên pha các loại sữa bột cho uống bằng ly hay bằng muỗng.
- Cố gắng vắt sữa và cho bú mẹ lại càng sớm càng tốt để không bị giảm lượng sữa cũng như mất sữa. Nếu lượng sữa bị giảm sau khi xuất viện, mẹ vẫn có thể hồi phục sữa mẹ. Lượng sữa của mẹ sẽ được phục hồi như cũ nếu cho bé tiếp tục bú.
- Nếu bé không chịu bú mẹ, cần phải tập cho bé bú mẹ trở lại từ đầu.
D. Khi bầu vú có vấn đề:
- Nếu là do tắc tia sữa (tắc ống dẫn sữa), các cách giải quyết như sau:
Đắp ấm và xoa tròn từ chỗ tắc (sờ thấy khối u cục trong vú) đi dần về phía núm vú, và vẫn cho bú vú bên đó.
Nếu vú căng tức nhiều thì có thể vắt bớt một ít sữa cho đỡ đau và giúp bé có thể ngậm vú được.
Có thể cho bé bú ở những tư thế khác nhau trong các bữa bú (bú nằm, tư thế dưới cánh tay...).
Sau đó cần tìm xem nguyên nhân nào làm tắt sữa để phòng tránh (do cho bú trễ, cho bú không thường xuyên, bé ngậm bắt vú kém, mẹ tỳ quá mạnh các ngón tay vào bầu vú khi cho con bú, mặc áo ngực quá chặt...).
- Nếu bị đau núm vú hay nứt vú: Tiếp tục cho bú bên vú không đau.
Nếu nứt núm vú thì sau cữ bú, lấy vài giọt sữa cuối thoa lên chỗ nứt cho mau lành.
Xác định nguyên nhân gây đau đầu vú: do dứt trẻ đang ngậm vú khỏi vú quá nhanh, trẻ ngậm vú chưa đúng, bị nhiễm nấm ở vú... để khắc phục kịp thời.
- Hỏi ý kiến bác sĩ trong trường hợp bị nhiễm trùng ở vú (viêm vú, áp xe vú...). Vẫn có thể cho trẻ bú bên vú lành. Có khi phải vắt sữa ra vì sữa còn đọng trong vú sẽ dễ gây áp xe hơn. trở về
2. Sinh hoạt vợ chồng có ảnh hưởng gì đến sữa mẹ?
Các bà mẹ thường cho rằng sinh hoạt vợ chồng làm sữa của họ không tốt. Đây là một sai lầm vì sinh hoạt vợ chồng không ảnh hưởng gì đến sữa mẹ, cái cần quan tâm là mẹ có thể có thai lại. Các bà mẹ cần tìm biện pháp ngừa thai thích hợp nhất cho mình). trở về
3. Trong thời gian cho con bú, mẹ có thể mang thai lại không?
Việc cho con bú mẹ thường xuyên sẽ làm chậm kinh nguyệt trở lại và chậm có thai, do đó giúp người mẹ sinh thưa hơn. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp kế hoạch hóa gia đình hữu hiệu cho người mẹ.
Cần thảo luận vối chồng về lần sinh kế tiếp (vài năm sau...) để chọn lựa một biện pháp tránh thai tốt nhất cho mình cho đến khi có thể sinh lại. Điều này phải thực hiện trễ nhất vào lần khám hậu sản cuối cùng (khoảng 6 tuần sau khi sinh), vì sau thời gian này mẹ có thể có thai lại, trong khi trẻ còn đang cần sữa mẹ.
- Thuốc viên ngừa thai: Các loại thuốc ngừa thai phối hợp có estrogen và progesteron không thích hợp trong lúc này, vì estrogen có thể làm giảm lượng sữa mẹ. Loại thuốc viên ngừa thai chỉ có progesteron thì không làm giảm tiết sữa, đôi khi còn giúp tăng lượng sữa tạo ra.
- Thuốc ngừa thai dạng chích: Depo provera không làm giảm tiết sữa mà có thể gây tăng tạo sữa cho nên rất thích hợp cho các bà mẹ đang cho con bú.
- Dụng cụ tử cung (đặt vòng): Vòng tránh thai không ảnh hưởng đến sữa mẹ cho nên rất thích hợp cho các bà mẹ còn cho con bú mẹ. Tuy nhiên, không nên đặt vòng trong 6 tuần sau khi sinh vì sẽ dễ bị sút ra cũng như bị lạc vòng...
- Bao cao su, màng ngăn âm đạo, kem diệt tinh trùng, viên tạo bọt...: Các phương pháp này đều thích hợp cho việc bú mẹ nếu cả hai vợ chồng cùng chấp nhận. trở về
4. Mẹ có nên tiếp tục cho con bú khi có thai trở lại?
Mẹ có thai vẫn có thể tiếp tục cho con bú mẹ, ít nhất là đến khi thai máy (lúc này đứa trẻ sinh liền trước đó đã hơn 4 tháng tuổi và có thể ăn dặm được). Mộtsố bà mẹ mang thai vẫn cho con bú cho đến khi sinh đứa trẻ thứ hai và cho cả hai trẻ cùngbú mẹ. Điều này rất có lợi khi bà mẹ có thai lại quá sớm mà trẻ chưa đủ lớn để có thể cai sữa được.
Một số bà mẹ cai sữa vì sợ có hại cho trẻ hoặc cả hai trẻ. Tuy nhiên, việc cai sữa quá sớm là rất nguy hiểm cho bé, và y học cho thấy vẫn an toàn nếu mẹ đang mang thai tiếp tục cho con bú mẹ.
Khi mẹ có thai lại, thường thấy có hiện tượng căng sữa và lượng sữa tiết ra có thể giảm vì có sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể. Đến cuối thai kỳ, sữa non bắt đầu được sản xuất.
Mẹ cần biết:
- Việc cho bú mẹ trong thời gian mang thai không có hại gì cho cả hai đứa trẻ.
- Nếu mẹ cần phải cai sữa trẻ thì giảm từ từ. Cai sữa đột ngột có thể gây nguy hiểm và làm trẻ dễ bị mắc bệnh.
- Mẹ cần được ăn uống tốt hơn vì phải nuôi đến ba người. trở về
5. Kinh nguyệt và nuôi con bằng sữa mẹ:
Một số bà mẹ đang cho con bú có thể cảm thấy ngực căng khi hành kinh. Tuy nhiên, chất lượng sữa vẫn không thay đổi và cũng không ảnh hưởng gì đến trẻ. Vì vậy, mẹ yên tâm khi cho trẻ bú mẹ trong thời gian hành kinh.