Bé không chịu bú mẹ thường làm cho các bà mẹ cai sữa sớm và luôn cảm thấy bị tách rời khỏi con, có cảm giác bị thất bại trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Một số cách bé biểu hiện từ chối bú mẹ:
- Bé ngậm vú nhưng không chịu bú hoặc bú rất yếu.
- Đôi khi bé khóc và chống lại khi mẹ cố gắng cho bú.
- Bé ngậm vú đang bú nhưng sau đó nhả vú ra và khóc hoặc bị ho sặc.
- Có một số trẻ chỉ bú một bên vú và từ chối bú vú bên kia. Những nguyên nhân và cách giải quyết khi bé từ chối bú mẹ:
- Bé bị đau do sang chấn, vết thương hay bầm máu...sau cuộc đẻ: giúp mẹ tìm cách bế mà không chạm vào vùng bé bị đau.
- Bé bị bệnh: điều trị cho bé theo từng bệnh.
- Đẹn lưỡi (tưa, nấm): đến bác sĩ để được chữa trị.
- Bé mọc răng: uống thuốc hạ sốt, kiên nhẫn tiếp tục cho bú.
- Bé bị ngạt tắc mũi: mẹ làm thông mũi bé bằng cách hút mũi, lấy mũi bằng tampon, dụng cụ hút mũi hoặc hút bằng miệng, giữ ấm trẻ. Bà mẹ nên cho trẻ bú những lần bú ngắn và bú nhiều lần hơn bình thường.
- Khi trẻ bị bệnh, nếu trẻ không thể bú được thì giúp mẹ vắt sữa ra ly, chén và cho trẻ ăn bằng muỗng.
- Do tư thế bú sai: mẹ sửa lại cách cho con bú đúng.
- Nếu tia sữa quá mạnh làm cho bé ngộp, sặc: mẹ dùng hai ngón tay trỏ và giữa đặt trên và dưới núm vú, kẹp nhẹ để giảm bớt lượng sữa chảy ra. Nếu sữa mẹ quá nhiều, có thể vắt bớt sữa đầu ra ly, cho bú hết sữa cuối trước rồi cho uống phần sữa trong ly sau nếu bé còn uống được.
- Những thay đổi làm trẻ khó chịu: cần cố gắng làm giảm sự ngăn cách mẹ con, giảm thiểu những thay đổi nếu có thể. Mẹ nên ngưng sử dụng loại xà phòng, nước hoa hoặc thức ăn mới lạ làm bé khó chịu.
Giúp đỡ mẹ cho bé bú lại:
- Mẹ luôn gần gũi với bé.
- Cho bú bất cứ lúc nào bé muốn.
- Giúp bé ngậm vú đúng cách.
- Cho bé uống sữa mẹ bằng lý hoặc muỗng: khi phải vắt sữa ra ly hoặc những trường hợp cần thiết phải cho uống sữa ngoài (sữa bột, sữa hộp) thì nên cho bé uống bằng ly hoặc bằng muỗng.
- Tránh sử dụng bình và đầu vú cao su vì có thể làm cho bé bỏ vú mẹ sau này.