Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong suốt nửa năm đầu đời có chỉ số thông minh (đo khi trẻ được 5 tuổi) cao hơn đến 11 điểm so với trẻ ăn các loại sữa khác và thức ăn đặc. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới do Viện Quốc gia Sức khỏe Trẻ em ở Maryland (Mỹ) và Đại học Trondheim (Na Uy) phối hợp tiến hành.
Nghiên cứu còn cho thấy, các bé bú mẹ cũng giỏi hơn trong việc phân tích hình ảnh hay giải câu đố.
Các nhà khoa học khuyến cáo nên áp dụng việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cho cả các bé bị nhẹ cân khi mới sinh.
Cho những trường hợp người mẹ phải cho bú bình
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ trong sáu tháng đầu, từ khi lọt lòng cho đến khi ăn được bột. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng được cái may mắn tiết ra được đủ sữa cho nhu cầu phát triển của con mình đối với những người này, họ phải trông cậy vào những nguồn sữa nhân tạo khác như: Sữa tươi động vật (sữa bò, sữa dê), Sữa bột béo, Sữa bột không béo (còn gọi là sữa bột gầy), Một số công thức sữa bột trên thị trường, Sữa đặc có đường
1. Sữa tươi động vật (sữa bò, sữa dê):
Luôn luôn phải được đun sôi tiệt trùng trong khoảng 10 phút. Khi đun nên khuấy đều trên bếp và tránh để lửa nóng quá, dễ bị trào. Muốn tránh cho khỏi bị trào, có thể thả vào xoong sữa vài ba hòn bi bằng thủy tinh - loại trẻ em hay chơi - sữa sẽ sôi mà không bao giờ trào!
Nên lựa chọn nhà nuôi bò (hay dê) nào vắt sữa sạch sẽ, hợp vệ sinh, buôn bán không gian dối, và nhất là không pha trộn nước vào sữa.
Dù sao, trong hai tháng đầu sau sanh, có muốn nuôi trẻ bằng sữa bò hay dê, cũng phải pha thêm nước theo tỷ lệ một phần sữa tươi nguyên chất pha với một phần nước, có thêm 5% đường cho vừa ngọt. Lý do là vì đứa trẻ sơ sinh thận còn yếu chưa thanh lọc được phần urê thừa (dạng chuyển hóa cuối cùng của chất đạm) và nồng độ muối khoáng ở sữa bò hay sữa dê cao hơn sữa người nhiều.
Từ 6 tháng trở đi là có thể cho uống sữa bò hay dê nguyên chất
(không cần pha thêm nước) mỗi ngày một cháu uống khoảng 1/2 lít - ngoài những bữa bột hay khoai tán với đủ mọi loại thực phẩm đa dạng thích hợp với nhóm tuổi này. Sau đây là những số lượng sữa có thể dùng cho mỗi bữa:
3kg 4kg 5kg 6kg
Sữa tươi (ml) 70 100 150 180
Nước (ml) 20 20 0 0
Đường (g) 5 10 10 10
Calo 64 103 135 153
Protein (gr) 3.1 3.0 4.5 5.4
Lượng sữa tươi dùng mỗi bữa tùy theo số cân của trẻ
2. Sữa bột béo:
Loại sữa bột này có khả năng giữ gìn bảo quản được khá lâu, nếu đậy kín và để ở nơi thoáng mát. Sữa này có màu trắng ngà, bột tơi rời, mịn, không vón cục, dùng muỗng để đong, muỗng không dính bột (vì có chất béo, nên giữ được lòng muỗng trơn). Khoảng 130g sữa bột béo tương đương với 1 lít sữa tươi nếu ta thêm nước cho đủ một lít. Có thể sử dụng với liều lượng như sữa tươi (xem phần trên).
Sau đây là lượng sữa bột béo dùng cho mỗi bữa tùy theo số cân của trẻ
3kg 4kg 5kg 6kg
Sữa bột béo (ml) 12 15 20 20
Nước (ml) 90 120 150 180
Đường (g) 10 10 10 15
Calo 98 112 136 156
Protein (gr) 2.6 3.3 4.4 4.4
Cách pha sữa: Muốn tránh khi pha cho khỏi bị vón cục, có thể làm một trong hai cách:
- Cho sữa bột vào ly trước hoặc là đổ nước vào ly trước.
- Theo cách thứ nhất, tất cả mọi thứ đều phải khô ráo trước khi thêm nước: ly, muỗng, sữa, đường cát. Bạn hãy lấy muỗng trộn thật đều sữa và đường dưới dạng khô, rồi rót nước vào, vừa rót vừa khuấy đều.
- Theo cách thứ hai, sau khi để lượng nước cần thiết vào ly, múc sữa bột bằng một muỗng khô ráo, đổ sữa lên trên mặt nước và khuấy đều, sau cùng có thể thêm đường theo ý muốn và khuấy tiếp.(Trở về)
3. Sữa bột không béo (còn gọi là sữa bột gầy):
So với sữa bột béo, sữa bột không béo có các đặc tính sau đây: màu trắng tươi (trong khi sữa bột béo trắng ngà). Sữa bột gầy ngả sang màu ngà và vàng phần nhiều là sữa cũ, quá hạn sử dụng nên đã biến chất. Mới mở bao hay hộp ra, sữa có dạng tơi rời, thuần nhất, không vón cục. Ngay khi đã ra lẻ trong bao nylon trong suốt, lấy tay nắm bên ngoài sẽ có cảm giác các hạt sữa cọ nhau kêu "rin rít" khác với sữa bột béo, cho cảm giác mềm dẻo hơn (do ảnh hưởng của chất béo)
Mở bao nylon ra, phải mau đóng lại vì sữa này hút ẩm rất mau: muỗng múc rất mau dính loang lỗ sữa bột trắng, sữa trong hộp lớp mặt trên cũng có khả năng thành một mảng trên phần tơi rời bên dưới.
Sau đây là lượng sữa bột gầy dùng mỗi bữa tùy theo số cân của trẻ.
3kg 4kg 5kg 6kg
Sữa bột gầy (ml) 7 10 15 15
Nước (ml) 90 120 150 180
Dầu (ml) 5 10 10 10
Đường (g) 5 5 5 10
Calo 90 120 138 182
Protein (gr) 2.5 3.3 5.4 5.4
Cách pha: Cũng có thể áp dụng như sữa bột béo. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người, đối với sữa bột gầy, phần nhiều chỉ có cách pha thứ nhất (nghĩa là trộn phần khô trước, rồi mới rót nước vào ly) là có hiệu quả. Cách pha thứ nhì chỉ đạt hiệu quả tốt (là không vón cục) nếu gặp được sữa bột đóng hộp, bảo quản tốt, và còn trong thời hạn sử dụng, chưa bị quá "date"! (Trở về)
4. Một số công thức sữa bột trên thị trường
Điều cần biết là những loại công thức này đã được pha chế để cho thích nghi với các nhu cầu của đứa trẻ tùy theo loại tuổi: phần nhiều nhãn hiệu sữa nào cũng có hai công thức chính, một cho trẻ dưới 6 tháng, một cho trẻ trên 6 tháng.
Những sữa này rất tiện cho người pha, chỉ cần theo hướng dẫn in phía ngoài hộp, nhưng giá tiền thường khá cao, nên người ta thường có khuynh hướng pha loãng (chưa đủ liều lượng) để tiết kiệm.
Đối với những người mẹ bị mất sữa vì một lý do nào đó (sanh mổ, bị bệnh phải cách ly với con...) những công thức này thực sự rất có ích trong việc nuôi dưỡng đứa bé, song giá cao nên thường vượt ra khỏi khả năng mua của những gia đình nghèo.
Lưu ý là nếu nuôi con bằng sữa hộp (bột) thì cần từ 7 đến 10 hộp 450 - 500g/tháng mới đủ cho một em bé.
Cần chú ý khi mua, nên chọn cho đúng, thứ sữa bảo đảm là hàng thật, bảo quản đúng quy cách, ở nơi thoáng mát và nhất là còn trong thời hạn sử dụng.
Nếu lỡ mua phải loại sữa cũ (quá date), nhiều khi mở ra sẽ có nguy cơ sữa bị trở mùi hôi do chất béo bị ôxýt hóa. Sữa sẽ bị ngả màu vàng sậm và nếu có pha với nước, chỉ một lúc là thấy lắng thành hai lớp: một lớp nước tương đối trong phủ trên phần cặn bên dưới do sữa đã bị biến chất và không còn hòa tan đều thành một nhũ tương đục, trắng, thuần nhất. Cho con dùng sữa này thì rất có thể thấy cháu "bú nhiều mà chẳng lên cân được bao nhiêu"! (Trở về)
5. Sữa đặc có đường
Đây là loại sữa thông dụng nhất trên thị trường Việt Nam, với giá phải chăng và dễ bảo quản ở nơi khí hậu nóng, không cần phải có tủ lạnh cũng để dành được vài ngày, không sợ hư vì hàm lượng đường rất cao (khoảng 40% trọng lượng).
Tuy nhiên, về mặt giá trị dinh dưỡng mà nói, sữa đặc có đường là loại DỞ NHẤT để nuôi trẻ con: chỉ khi nào hết không còn thứ nào khác để lựa chọn, thì mới phải dùng đến sữa này, vì những lý do sau:
- Nếu pha ngọt vừa miệng, thì sữa đã quá loãng không đủ hàm lượng (do phải thêm nước).
- So với năng lượng, thì tỷ lệ chất đạm quá thấp, dùng thuần sữa đặc để nuôi con có nguy cơ không lớn nổi vì thiếu chất đạm!
- Tỷ lệ đường cao khiến cho trẻ nuôi bằng sữa này hay bị hư răng nhất là hay "sún răng cửa" (và đặc biệt là răng cửa hàm trên hơn là hàm dưới).
- Sữa này thường thiếu vitamin A trừ khi đã được bổ sung đặc biệt (trong trường hợp này nhà sản xuất chắc chắn có ghi bên ngoài hộp).
Sau đây là lượng sữa đặc có đường dùng mỗi bữa tùy theo số cân của trẻ (cần thêm sữa bột gầy và dầu)
3kg 4kg 5kg
Sữa đặc có đường (ml) 25 30 40
Nước (ml) 65 90 110
Dầu 3 5 5
Sữa bột gầy (muỗng 5 ml) 1.3 2.3 4.3
Calo 90 120 138
Protein (gr) 2.5 3.6 5.4
Trên đây là những loại sữa có nhiều trên thị trường Việt Nam và cách pha hợp lý để đạt hiệu quả dinh dưỡng cao nhất trong việc nuôi dưỡng các cháu dưới 6 tháng.
Từ 6 tháng tuổi trở đi, tức là thời hạn bắt đầu có thể cho uống sữa bò tươi nguyên chất mà không cần pha thêm nước, cần đa dạng hóa cách cho ăn, cách chế biến (đổi món) cho đỡ nhàm chán.
Sữa có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn hơn là để y nguyên, uống chóng chán, dù biết rằng rất bổ! Thí dụ như làm yaourt hoặc là có thể thêm một số chất để sữa được thêm phong phú về mặt mùi vị cacao. Hoặc vắt thêm chanh hay cam, quýt, ướp lạnh, chất chua của trái cây làm cho casein của sữa hơi sánh đặc lại, cộng thêm với mùi thơm của trái cây chẳng khác yaourt là bao mà lại thơm hơn. Thêm trứng và đem hấp chín, bạn sẽ biến sữa thành bánh flan. Cũng thành phần này nếu bạn cho vào cối làm kem có thêm hương vị dâu, vani, cacao hay sầu riêng... thì ly sữa đã trở thành một món các cháu sẽ đòi chứ không cần phải ép mới chịu uống nữa! Sau cùng, để giúp bạn trong việc cân, đong, đo, đếm, xin giới thiệu một số dụng cụ thông dụng mà gia đình nào cũng có: đó là tách, ly, muỗng lớn và muỗng nhỏ.
Tách (200ml) Muỗng canh (10ml) Muỗng càphê (5ml)
Sữa tươi 200g 10g 5g
Sữa đặc có đường 275g 9g 1g
Sữa bột toàn béo 110g 8g 1.5g
Sữa bột gầy 85g 7g 2g
Đường 205g 10g 5g
Dầu --- 10g 5g