Chiếc xe dừng lại rồi Bardin nhảy xuống.
— Sao, tìm được chưa?
— Hỏi chơi! Hàng vạn chiếc xe như thế này làm sao tìm được ra nhanh thế? Tất cả mọi người phải cùng đi tìm một lượt. Có người tiếp không?
— Còn hai toán sau chúng ta. Ông cảnh sát trưởng chắc sẽ la om sòm vì tôi huy động hết cả toán dự bị.
— Nếu cô gái bị giết thì chính ông Biện lý sẽ la om sòm với lão McCann đấy. Rồi, bắt đầu làm việc thôi.
— Ê! Khoan đã. - Bardin nắm tay Conrad. - Nhìn xem ai kia.
Một thanh niên cao to, tóc cắt ngắn, mặc sơmi đỏ bỏ ngoài quần bước tới, hai tay ôm đầy búp bê, chậu hộp kẹo, đủ thứ... Một cô gái tóc vàng mặc áo dài trắng đi bên cạnh.
— Có phải hai người kia không?
— Trong vùng này có cả hàng ngàn người ăn mặc như thế. Nhưng ta cũng thử hỏi xem.
Anh tiến lại Buster Walker.
— Anh từ đường Lennex đến phải không?
— Ơ, phải. Nhưng sao ông biết?
Conrad nhìn Bunty.
— Còn cô là cô Boyd?
— Phải, - Bunty nghẹn người trả lời.
Conrad ra dấu Bardin lại gần.
— Họ đấy. Anh lo cho họ đi.
Bardin lớn tiếng nói:
— Tôi là thanh tra Bardin. Cô Coleman đâu?
— Frances à? - Buster há hốc miệng hỏi. - Có gì cần cô ta thế?
— Trả lời nhanh, nhanh lên. - Bardin rống tướng lên.
— Chúng tôi để cô ấy trong khu vui chơi.
— Một mình à?
— Không, với Burt.
— Burt... gì?
— Burt Stevens. Gì thế?
Conrad chen vào:
— Có phải tên Stevents có cái bớt trên mặt không?
— Đúng rồi, phía phải nơi mặt.
— Anh có chắc đó là Stevens không?
— Anh ta bảo thế. Có chuyện gì không?
— Nhưng anh không chắc phải không?
— Không. - Bunty xen vào. - Lúc mới gặp anh ta, tôi thấy hơi kỳ kỳ. Các ông hiểu cho, chúng tôi phải ra tắm biển: Frankie, Buster, Terry Lancing và tôi. Terry gọi điện thoại cho biết anh ta không đến được nhưng sẽ nhờ anh bạn Burt đến thay và người kia đến. Hắn nhận rằng hắn là Burt Stevens.
— Các người bỏ cô Coleman ở đâu?
— Họ đi chơi một vòng trong mê cung.
— Mê cung nào?
— Mê cung bằng gương. Ở đầu đường phía gần vòng đu quay lớn. Tôi mong các ông cho biết có chuyện gì xảy ra?
— Tôi không có thì giờ. - Conrad trả lời cụt ngủn. - Hai người đứng ở đấy. Có thể chúng tôi cần đến các người. - Anh quay sang Bardin. - Ta đi.
Anh gạt đám đông chạy tới trước. Bardin còn nán lại ra lệnh:
— Vây hết mê cung. Không cho ai ra cả. Các anh biết phải đối phó với tên nào rồi. Coi chừng Moe. Nhất định hắn sẽ liều lĩnh bắn để thoát đấy.
Rồi ông quay gót chạy theo Conrad để lại Buster và Bunty sững sờ nhìn nhau.
Ánh sáng mặt trời lấp lánh trên nòng súng của Moe.
Trong một thoáng, Frances sợ đến chết khiếp khi nhìn thấy Moe. Linh tính cho nàng biết phải đương đầu với một tên giết mướn nhà nghề và gã sắp ra tay. Nàng tung người chạy. Moe bóp cò. Tiếng nổ vang như một trái bom. Frances rú lên khi nhìn thấy gương vỡ loảng xoảng bay tung lên.
Nàng chạy vào khúc quanh, nghe có tiếng chân đuổi theo phía sau. Nàng ngã quị xuống thì vừa vặn gã bắn phát thứ hai. Frances lấy hai tay ôm lấy mặt chạy bất kể trời trăng.
Moe đứng sững trước đống kính vỡ chồng chất. Gã biết rằng không thể để lâu hơn được nữa. Hắn ngước nhìn bóng người mặc áo xanh chạy trốn trước mặt, nhắm kỹ vào giữa hai vai, tay xiết mạnh cò, tin chắc lần này không thể trật được.
Lúc đó gã nghe một cú đập mạnh vào vai cùng lúc một tiếng nổ vang lên. Bàn tay nắm khẩu súng hơi trật nhẹ, phát ra tiếng đạn. Gã loạng choạng ngước nhìn lên.
Một người đứng nơi đầu một bức tường tay cầm súng. Moe nhận ra viên chánh điều tra của văn phòng Biện lý. Hắn nằm nhoài xuống đất để tránh viên đạn thứ hai. Máu chảy ròng ròng dọc cánh tay ra đến đầu ngón. Gã nhìn về phía trước nhưng cô gái đã mất hút. Gã gầm gừ tức giận.
Conrad đứng cách gã khoảng mười lăm mét, cách hai hành lang nhưng anh biết gã còn ở đấy.
Một tá cảnh sát viên leo tường và bao vây mê cung. Conrad chỉ về phía Moe.
— Nó còn ở đấy.
Moe nhỏm dậy bắn vào Conrad. Theo linh tính, Conrad nghiêng mình tránh đạn và mất thăng bằng té nhào trong hành lang.
Các anh cớm đặt thanh ngang qua hành lang rồi khi đã qua liền rút đi. Khi đến chỗ Moe thì gã biến mất. Một vết máu còn lại chứng tỏ gã đã bị thương. Một cảnh sát ngồi trên tường hỏi Conrad.
— Có bị thương không sếp?
— Không, không sao. Tôi ở đây. Các anh cố gắng trục hắn ra và báo cho tôi biết. Gặp cô gái cũng báo ngay. Thôi lẹ lên.
Trong hành lang bên cạnh, Moe nhìn người cảnh sát lom khom đi trên bờ tường, gã giơ súng nhằm vào đầu anh ta. Một tiếng nổ, người cảnh sát chới với, giơ hai tay lên trời, rơi xuống lối đi song song với lối của Moe. Moe nắm chặt cánh tay bị thương, cắm cổ chạy. Nhìn vào một tấm gương, gã thấy một bóng xanh. Cô gái đang ở ngã rẽ gần đấy và nhìn quanh quẩn không biết nên chạy theo lối nào. Moe đổi súng sang tay trái, nhắm vào ngực cô. Khẩu súng rung rung trong tay gã. Bỗng có tiếng loa vang lên:
“Cô Coleman! Cô Coleman! Chú ý! Cảnh sát đang tìm cô! Cô hãy la lên để chúng tôi biết cô ở đâu, Phải coi chừng! Cần nhìn về hai phía! Tên sát nhân vẫn còn luẩn quẩn trong đó...”
Frances thở một hơi dài, vừa nhẹ mình vừa sợ hãi. Nàng nhìn sang hai bên rồi tim như muốn bật ra khỏi lồng ngực khi thấy một bóng đen cách khoảng hai mươi mét, khẩu súng nhằm vào người nàng. Nàng nhắm mắt lại và rú lên. Tiếng nổ như xé tai, nàng cảm thấy buốt nơi tay và gục xuống. Moe nhìn thấy nàng ngã lăn, ánh mắt đắc thắng. Gã nghe có tiếng bước chân nhưng vẫn cứ bắn. Viên đạn trúng vào tấm gương cách trên tấm thân nàng chỉ chừng ba hay bốn centimètres.
Tiếng bước chân chạy lại gần và Moe quay mình lại. Conrad dừng lại nơi đầu hành lang. Anh vừa kịp thấy Moe quì gối, súng giơ cao và phía sau gã là xác một cô gái mặc áo xanh.
Moe bấm cò, Conrad nhảy lùi về phía sau. Kính vỡ tung bắn vào mặt. Anh nằm dài xuống. Moe thấy anh giơ súng lên. Hai phát nổ cùng một lúc. Viên đạn của Moe chỉ xuyên qua mũ Conrad. Thật may cho anh chàng thám tử. Moe buông súng lăn ra.
Hai viên thanh tra vụt xuất hiện và nhảy đến bên anh.
— Cẩn thận đấy, - Conrad nói và tiến lên trong hành lang.
Nhưng Moe không còn cục cựa được nữa. Một anh cớm lật gã lên. Gương mặt tên giết người giật giật vài cái vì đau đớn và sợ hãi. Hai mắt nhìn lên trời xanh. Lúc Conrad đến xem, hàm răng gã khép lại và từ trong cổ họng thoát ra hơi thở cuối cùng.
Dolorès ngồi trần truồng trên ghế cao, thân hình đỏ bừng vì loạt xoa bóp vừa xong. Ả tỉ mỉ ngồi chùi từng cái móng chân. Ả vừa mới bơi xong và theo thói quen tắm lại nước ngọt để rửa sạch muối biển. Ả có vẻ suy nghĩ tợn và mất vẻ vui tươi ngày thường.
Một giờ trước, Jack Maurer đã nói thẳng mục đích của chuyến đi du thuyền đến một nơi nào đó, không hẳn có thể trở về trong ba tuần hay một tháng. Ả nghĩ rằng Maurer ra đi là theo lời khuyến cáo của Abe về vụ June Arnot. Ả biết chuyện dan díu của lão với June ngay từ đầu và cảm thấy ảnh hưởng của ả với lão càng ngày càng xấu đi nên lo sợ cho địa vị của mình. Cái chết của June không làm ả yên tâm vì không có cô June này thì có cô June khác. Việc giết June còn làm Dolorès hoảng hốt thực sự. Đó là một lời cảnh cáo. Maurer lúc trở về sẽ không còn cần đến chuyện ly dị mà chỉ cần giết ả là gọn. Do đó phải tạo cơ hội thoát ra khi Maurer ra đi.
Ả mặc áo vào đi về phía quầy rượu. Abe Gollowitz ngồi trên ghế cao, nhâm nhi ly martini. Lão là hy vọng độc nhất của ả. Ả thấy lợm giọng một chút. Ả chỉ có thể núp sau mấy lão già bụng phệ vì chỉ lũ ấy mới có quyền và có tiền cho ả tiêu xài. Ôi! Giá như Abe có vóc dáng như chàng Seigel hấp dẫn đẹp trai, mạnh khỏe kia. Có lúc ả muốn thử bắt bồ với Seigel nhưng rồi lại không dám.
Dolorès nhìn Gollowitz. Ả biết lão chỉ chờ ngày thay thế Maurer. Nhưng liệu lão có đủ mạnh để bao bọc ả không? Ả tiến lại với nụ cười khiêu gợi.
— Chào Abe! Sao, Jack đi rồi à?
Lão cuống quít nhảy xuống ghế, gương mặt bừng sáng.
— Phải, anh ấy đi rồi. (Ánh mắt lão như muốn lột truồng ả). Chà, thân hình cô thật tuyệt mỹ. Tôi không biết ca tụng làm sao cho xứng đáng đây.
Dolorès nhún vai, leo lên chiếc ghế cao bên cạnh.
— Tôi cũng không biết. Nhưng Jack không chú ý đến điều đó đâu Abe ạ.
Lão thốt ra tiếng càu nhàu.
— Jack không biết gì về cái đẹp cả.
— Này Abe! Jack gặp chuyện rắc rối phải không?
— Không, không có gì đâu. Anh ấy bỗng nhiên...
— Abe, xin anh. Tôi chỉ tin cậy có mình anh thôi. Có phải Jack bị vướng không...?
Gollowitz liếc nhìn về phía sau xem có ai không.
— Anh ấy có thể bị rắc rối. Chúng tôi nghĩ tốt hơn là anh ấy nên tránh mặt một thời gian.
— Về chuyện June à?
Gollowitz ngập ngừng rồi gật đầu.
— Tổ chức nghĩ sao hả Abe? Có phải Jack đến lúc tàn đời rồi không?
— Này Dolly, tốt hơn là đừng nói, nhưng vì cô cứ muốn biết nên tôi phải trả lời là tôi không biết gì hết. Anh ấy đã không điều hành công việc của tổ chức mấy tháng nay rồi. Lại còn có ý định buông hết nữa chứ.
Dolorès không biết chuyện này nhưng cố giấu sự ngạc nhiên. Ả biết rằng nếu bỏ qua cơ hội này thì không còn lúc nào thoát khỏi tay Maurer nữa. Ả hạ giọng:
— Nếu Jack có bề gì thì anh thay quyền phải không?
Gollowitz biết ả đã đề cập đến chỗ nguy hiểm nên nói lửng lơ:
— Tất cả là còn tùy nơi tổ chức... Có lẽ họ kiếm được người khác.
— Nếu thế thì lạ đấy. - Rồi ả vụt ngước mắt nhìn lên, nét nhìn mời mọc - Abe, nếu anh thay thế, anh sẽ nghĩ đến tôi chứ?
— Dolly, đến lúc đó thì cô không có gì phải lo sợ nữa hết.
Ả nhìn lão với đôi mắt biết ơn. Ả biết mình thắng rồi. Gollowitz cố dằn ý muốn nắm tay ả.
Tiếng chuông điện thoại vang lên. Người hầu bàn cầm ống nghe và đặt xuống, quay sang Gollowitz:
— Thưa ông Gollowitz, ông Seigel muốn gặp ông trong văn phòng ông ấy. Gấp lắm.
Gollowitz càu nhàu. Thằng cha Seigel không làm nổi việc một mình.
Seigel đang đi qua đi lại trong phòng. Mặt hắn tái mét chảy dài xuống như mớ giẻ rách và sặc sụa mùi whisky. Hắn thầm thì:
— Chúng giữ được con nhỏ rồi!
— Sao? Ai?
— Bọn cớm! Hai thằng chó chết kia làm hư việc hết.
Gollowitz thấy lạnh buốt sống lưng. Hay thật! Vừa mới tạm nắm quyền trong tay là mọi thứ đổ nhào hết. Tổ chức sẽ cho là lão bất lực, không để lão thay thế Maurer nữa. Lão gầm lên:
— Jack đã bảo anh hạ nó mà! Nó còn sống sao?
Seigel lùi lại. Hắn chưa bao giờ thấy Gollowitz như thế cả.
— Hai thằng ngu ngốc đó đưa con nhỏ vào mê cung trong khu giải trí. Chắc có đứa nào to nhỏ với bọn cớm nên bọn họ đến trước khi hai gã kia hạ con nhỏ. Moe đã bị giết.
— Cảnh sát giữ được con nhỏ? Sau khi anh đã nghe Maurer ra lệnh rồi à? Anh không nghe McCann nói gì sao? Trời ơi! Sao mà anh ngu ngốc đến thế!
— Tôi đã báo trước với ông Maurer. Không có thì giờ dò đường đi nước bước thì gặp tai vạ như thế đấy. Người đông quá. Hai thằng kia không thể nào đến sát nó được.
— Câm mồm! - Gollowitz la lên. - Cái kiểu bào chữa mất tinh thần đó không được đâu. Maurer đã ra lệnh và anh không tuân lệnh đó.
— Gleb và Weiner lãnh nhiệm vụ giết con nhỏ, - Seigel chữa lại, mặt trắng bệch như vôi.
— Và anh là người chịu trách nhiệm? Anh tính làm gì đây? Tìm lại nó đi! Xoay sở làm sao thì làm nhưng phải nhanh lên.
— Con nhỏ đang ở trong tay Biện lý. Đó là nơi độc nhất mà ta không thể đến được.
Gollowitz cố sức kìm cơn tức giận. Maurer chưa bao giờ gặp tình cảnh này.
— Nếu con nhỏ thấy Jack ở nhà June Arnot thì ta tiêu rồi. Tổ chức tan vỡ hết.
— Phải ngăn nó nói. - Seigel gợi ý. - Có lẽ lão McCann lo được.
Gollowitz nhăn mặt.
— McCann à? Không! Ta phải tự lo lấy. Con nhỏ hiện ở đâu?
— Chúng mang nó về ở nơi nào đó trong Tòa biện lý.
Gollowitz suy nghĩ rồi ngẩng đầu lên.
— Anh nói Gleb bị hạ? Còn Weiner thì sao?
— Tôi không biết. Hắn biến mất tiêu.
Gollowitz xanh mặt chồm tới:
— Anh không biết à?
— Nó sắp trở về đây. Nhưng để rồi nó biết tay tôi.
— Khốn nạn! - Gollowitz gầm lên. - Con nhỏ sẽ tả hình dạng nó, một thằng đui cũng thấy cái bớt trên mặt nó. Nếu thằng khốn nạn đó nói ra là ta tiêu. Hiểu chưa? Con nhỏ chỉ là một nhân chứng. Còn Weiner sẽ phải lo cứu mạng nó. Nó sẽ khai hết. Phải tìm cách bịt miệng nó lại. Huy động tất cả các tay súng. Anh cũng đích thân đi tìm đi.
Seigel hiểu là lão luật sư có lý, hắn lấy từ hộc bàn ra khẩu 45.
— Tôi sẽ tóm được nó.
Conrad chưa bao giờ thấy ông Biện lý hoang mang đến thế. Anh vừa thuật lại về cái chết của Moe và việc tìm ra Frances Coleman. Forest hỏi:
— Cô ta bây giờ ở đâu?
— Trên lầu 10. Cô Fielding và một cô y tá ở chung với cô. Jackson và Morris giữ cửa. Ba cảnh sát trông chừng thang máy. Tạm thời cô ta không còn lo gì cả.
— Cô ta có bị thương không?
— Sợ hãi nhiều hơn là bị thương. Chỉ có một mảnh kính cắt nơi cánh tay.
— Khi nào anh có thể hỏi cô ta?
— Sau khi cô ấy nghỉ ngơi.
— Được rồi. Còn Weiner?
— Ai nấy đều lo tóm Gleb nên để hắn thoát. Cảnh sát đang truy tìm.
— Phải tìm ra hắn trước bọn Maurer, - Forest nghiêm khắc nói. - Paul ạ, nếu nó khai thì ta sẽ tóm hết được cả băng. Tôi sẽ gỡ cho nó.
— Nó có cái bớt trên mặt thì không thể đi xa được đâu. Radio đã thông báo nhân dạng của hắn giữa chương trình phát thanh và yêu cầu mọi người cảnh báo cho ta biết tức khắc.
Máy nội đàm reo lên. Forest cầm máy nghe rồi lầu bầu và lại có dáng thỏa mãn.
— Ta đã quậy lên được chút gì rồi. Maurer đã trốn trên du thuyền hai giờ trước đấy. Đi đâu không biết. Giá như mà cô gái ấy thấy được một chút gì.
— Chắc ta cũng sẽ biết, - Conrad trả lời mà bản thân cũng không kìm được nôn nóng. - Ông muốn tự mình hỏi cô ta không?
— Thôi anh làm đi. Chuyện này anh khéo hơn tôi.
Conrad bước lên lầu. Nơi đầu hành lang, Jackson và Morris mỗi người ngồi một ghế giữ cửa, ôm khẩu tiểu liên trong lòng. Conrad không muốn có sơ hở nào hết. Frances là nhân chứng quá quan trọng nên băng Maurer cố công tìm mọi cách để khử nàng. Anh hỏi Jackson:
— Có gì lạ không?
— Êm hết. Thầy thuốc vừa ở đây ra.
Conrad gõ cửa, Madge ra mở.
— Đừng bắt cô ấy nói nhiều, cần để cô ta nghỉ ngơi.
— Không lâu đâu, - Conrad nói.
Frances nom xanh xao, nằm dài trên trường kỷ ngước nhìn Conrad với vẻ lo âu.
Conrad thấy cổ họng như khô lại. Khuôn mặt nàng trên tấm hình đã hớp hồn anh. Anh biết mình đã yêu nàng rồi. Kỳ lạ thật vì anh chưa hề trao đổi với nàng lời nào. Anh đứng lặng một lát không tìm ra được ý tưởng nào hết.
— Cô Fielding chắc có báo cho cô biết tôi muốn gặp cô. Tôi là Conrad chánh điều tra viên của tòa biện lý. Sức khỏe cô đã khá chưa, cô Coleman?
— Tôi... tôi đã khá rồi, Cảm ơn. - Nàng nói giọng thật nhỏ. - Tôi muốn về nhà.
— Chúng ta sẽ xem xét việc này sau. - Anh nói trấn an. - Tôi muốn hỏi cô một vài điều. - Anh kéo ghế đến ngồi bên cạnh. - Tôi không nán lại lâu đâu. Cô cần phải nghỉ ngơi.
— Không cần. Tôi chỉ muốn về nhà ngay.
— Cô Coleman, cô có bà con họ hàng nào không? Có ai để chúng tôi báo tin không?
Frances vụt quay mặt đi.
— Tôi không có ai hết.
Conrad hiểu ngay là cuộc nói chuyện tiến hành không dễ dàng gì.
— Cô Coleman, vào tối ngày mùng 9, lúc 7 giờ cô có đến thăm cô Arnot?
— Vâng.
— Cô có thể cho tôi biết lý do vì sao cô đến đấy không?
Nàng hơi đỏ mặt và nhìn quanh quất như muốn tìm một biện pháp gì để trốn chạy.
— Thôi được, bỏ qua vấn đề này. Thế cô có gặp cô Arnot không?
— Có.
— Cô ở lại với cô ấy trong bao nhiêu lâu?
— Khoảng 5 phút. Không hơn.
— Cô biết vì sao tôi hỏi cô những câu hỏi ấy không? - Conrad nhẹ nhàng nói, mắt nhìn thẳng vào mặt nàng.
— Tôi... tôi đoán là vì cái chết của cô Arnot.
— Đúng rồi. Cô ấy bị ám sát.
Conrad thấy Frances giật mình và mím chặt môi.
— Sau khi từ biệt cô Arnot, cô làm gì?
— Thì tôi rời khỏi nhà.
— Cô có đi theo đường ra cổng không?
— Có.
Conrad rút khăn mùi xoa lau tay. Câu hỏi tiếp theo sẽ quyết định số phận của Maurer.
— Trong khi cô ở trang viên, cô có thấy ai khác ngoài người gác cổng và cô Arnot không?
— Tôi... chắc là không.
Nàng nhìn đăm đăm vào những hình vẽ trên tấm chăn đắp.
— Này cô Coleman! Câu này hệ trọng vô cùng. Tôi xin cô suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. Cô biết cô Arnot bị giết ngày 9, sau khi cô đến thăm ít phút. Tôi hy vọng cô nhìn thấy bọn sát nhân. Như vậy có chắc là cô không thấy người nào khác không?
Một khoảng im lặng kéo dài thật lâu. Conrad nhận thấy nàng run người lên dưới lớp chăn. Rồi nàng nói:
— Chắc!
— Cô không thấy ai hết?
— Không.
Nếu Frances nhìn thẳng vào mặt anh mà trả lời như vậy thì anh tin ngay. Đằng này nàng cứ nhìn tấm chăn đắp trong khi tay nắm chặt lại. Anh dịu dàng hỏi:
— Cô đi đến gặp cô Arnot bằng xe hơi phải không?
Nàng lạ lùng ngước mắt nhìn lên. Conrad thấy rõ ràng là nàng đang tự hỏi anh giương cái bẫy gì đây.
— Không... Tôi đi bộ.
— Khi ra khỏi “Ngõ Cụt”, cô thấy ai trên đường phía biển không? Một cái xe chẳng hạn?
— Không, không có gì hết.
— Thế mà đó là con đường kẻ sát nhân đi, - anh kiên nhẫn giải thích. - Vì chỉ có thể đến “Ngõ Cụt” bằng phía đường cái thôi. Thật lạ là khoảng 15 phút lúc cô Arnot bị giết, cô lại không thấy ai hết.
Mặt nàng trông càng tái hơn và cứ nhìn ra cửa mong có ai đến làm gián đoạn cuộc thẩm vấn này. Tuy biết rằng nàng nói dối nhưng Conrad thấy thương cảm hơn và phải cố gắng lắm mới tiếp tục làm nhiệm vụ thẩm vấn nàng.
— Khi nói chuyện với cô Arnot, cô ấy có nói với cô là đang chờ ai không?
Càng lúc Frances lại càng run rẩy hơn. Tiếng nói gần như tắt đi.
— Tôi không biết gì hết về những chuyện này. Tôi van ông, xin ông chớ hỏi nữa. Tôi... tôi thấy không được khỏe. Tôi muốn về nhà.
— Cô Coleman, tôi hiểu cô. Xin lỗi tôi đã làm rộn cô. Xin cô ngủ một lát. Ngày mai ta nói chuyện lại.
— Nhưng tôi không muốn nói, - nàng chợt rú lên. - Tôi chỉ muốn được yên. Tôi không thể ngủ, tôi muốn về nhà.
— Thật tiếc là cô phải ở lại đến ngày mai, - Conrad nói. - Một tên giết người còn trốn thoát. Chúng tôi không thể để cô về chừng nào chưa tóm được hắn.
— Nhưng hắn không làm hại gì tôi cả. - Nàng chồm dậy la lớn. - Hắn đã nói là tôi tin hắn. Các ông không có quyền giữ tôi ở đây.
Rồi Frances tung tấm chăn gượng dậy.
— Tôi không muốn ở lại đây! Các ông không có quyền buộc tôi ở lại.
Conrad thấy mặt nàng trắng bệch, mắt quay tròn. Anh nhảy chồm tới vừa kịp ôm nàng đang ngất đi.
Quán rượu lão Sam đối diện với biển là nơi lui tới của dân bến tàu, thủy thủ và gái làng chơi. Quán có một phòng dài trần thấp có thể cho khách hàng ngồi uống và nói chuyện mà không ai thấy, không ai quấy rầy.
Pete Weiner ngồi tận trong cùng, nơi nhìn được ra cửa. Một chai scotch trên bàn và cái gạt tàn thuốc lá đầy tràn. Pete thấy lạnh buốt, tim thắt lại. Ở bên Frances, hắn còn có can đảm nhưng bây giờ sự hoảng sợ làm người hắn tê liệt không còn biết xử sự ra sao. Hắn rút vài tờ bạc ra đếm. Mười lăm đôla và vài xu. Hắn không có xe hơi. Nhà ga chắc bị canh chừng. Hắn mong tìm được một chỗ ẩn trong vài ngày. Nhưng không có tiền khó mà làm gì được.
Hắn chợt nghĩ đến Frances. Hắn chạy theo nàng nhưng lạc mất và tìm được lối ra, đi lẩn vào đám đông người tò mò đứng nhìn cảnh sát bao vây mê cung. Pete nghe tiếng súng nổ, tin rằng Moe đã giết Frances nhưng sau đó lại thấy xe cứu thương chở xác Moe và cảnh sát dẫn Frances đi. Bây giờ hắn chỉ còn lo cho thân hắn.
Hắn rời khu giải trí thật nhanh vì biết rằng những tên giết người của Jack Maurer thế nào cũng đuổi theo nên hắn tạm nấp trong quán Sam. Hắn biết mình chỉ còn sống thêm vài giờ nữa thôi. Ló mặt ra đường là ăn đất ngay. Hắn biết rõ lắm. Một chiếc xe hơi chạy vụt ngang qua, một tràng đạn bắn hắn đổ gục. Nhưng hắn lại không thể ngồi đây suốt ngày.
Một bóng người nghiêng xuống bàn, tim hắn muốn tung ra. Hắn ngước mắt nhìn lên: Một phụ nữ trẻ đang mỉm cười với hắn. Cô ta chống tay hỏi:
— Chào Mắt Đổ Lửa, anh muốn có bạn vui chơi tí chút không?
Hắn nhìn cô trừng trừng, cố nén xúc động. Cô ta tiếp:
— Nhà tôi ở gần đây thôi. Nào vui chơi một chút giải sầu đi.
Pete nghĩ đến cách giải quyết hay ho mà cô ta vô tình vạch ra. Vào nhà rồi, hắn sẽ giữ cô ta lại chờ cho đến đêm xuống. Nhưng rời quán lúc này có nên không? Ở gần đây là bao xa? Vài mét hay vài trăm mét? Hắn hỏi:
— Em ở đâu?
— Bên kia đường, cưng à, - cô gái trả lời. - Ở một góc đường thôi. Anh đến chứ?
— Tốt. - Rồi hắn đứng dậy trả tiền.
Hắn bước nhanh qua quán, cô gái đeo cứng lấy hắn, cười:
— Anh có vẻ đang hoảng hốt đấy. Hay đây là lần đầu tiên của anh?
Hắn không buồn trả lời. Ra ngoài nắng chói chang, hắn thấy như mình trần truồng, ai làm gì cũng được. Hắn lo lắng nhìn mặt từng người trong đám đông, sợ gặp một dáng người quen.
— Ta đi đâu đây?
— Đây này. Chắc anh hài lòng chứ?
Cô kéo hắn ra khỏi bờ biển đi vào một con đường nhỏ hai bên nhà cửa lụp xụp. Hắn theo cô vào một hành lang tối mờ mờ và thở phào nhẹ nhõm khi khóa xong cửa lại. Lên lầu 2 cô dừng lại trước một cánh cửa.
— Đây rồi. Ồ! Con mẹ thuê dọn dẹp nhà cửa chi mà ngốc lạ. Mụ khóa cửa mất rồi. Cưng đợi một lát đi. Em xuống nhà lấy chìa khóa dự phòng giấu ở hộp thư nhé.
Pete rút khăn mùi xoa lau gáy, lấy thuốc hút rồi ra lan can nhìn xuống phòng chờ. Cô gái đã đến dưới nhà rồi. Cô dừng lại và ngước mắt nhìn lên. Pete cảm thấy một nỗi hoảng sợ mơ hồ khi đọc trong mắt cô gái một nỗi kinh hoàng chết chóc. Hắn vụt hiểu ngay là mình đã chui đầu vào bẫy. Bọn giết người không thể đến quán Sam để giết hắn, nên phải mướn cô gái làm trung gian đưa hắn đến nơi không có nhân chứng.
Hắn nghe có tiếng chìa khóa vặn sau lưng vội vàng thọc tay vào túi. Hắn quay lại vừa vặn thấy cửa mờ từ từ. Không chần chừ một giây, hắn nhảy sang phải và bắn về phía trên tay nắm. Viên đạn làm tung các miếng gỗ lớn. Có tiếng lầu nhầu rồi tiếng thân người đổ ập sau cánh cửa.
Hắn phóng xuống cầu thang ra phòng chờ ào ào như một chiếc xe lu. Cô gái tròn mắt khiếp hãi nép mình bên tường tay ấp ngực, rú lên. Hắn phóng ra cửa nhưng dừng phắt lại vì thấy hai gã đang bước vào. Đó là Goetz và Conforti, hai tay giết người đáng sợ nhất trong băng Maurer. Hắn lùi lại, ruột đau thắt, chạy vào khu phòng chờ.
Hắn chộp được cô gái trong lúc cô này định phóng lên cầu thang. Hắn nắm vai cô, xoay lưng lại làm bia đỡ đạn và đi giật lùi vào hành lang.
— Đừng la! Không thì tao giết. Có lối ra phía sau không?
Cô ta giãy giụa nhưng nhận ngay một báng súng vào vai.
— Tao nhắc lại, có lối ra phía sau không?
— Có.
Cửa mở ra. Goetz nhảy vào phòng chờ. Pete bóp cò. Cô gái rú lên vì thấy lửa nóng bên mang tai. Goetz quị xuống, gương mặt đen xạm của gã nhăn nhó vì đau đớn.
— Đừng bắn! - Cô gái la lên khi thấy Goetz cố gượng nâng khẩu 45 lên.
Pete vẫn tiếp tục đi giật lùi kéo theo cô gái. Hắn thấy Goetz nhắm về hướng hắn, hắn vội cúi đầu xuống, hoàn toàn núp sau người cô gái.
Lưng Pete chạm một cánh cửa, hắn còn bắn thêm một phát nữa làm mũ Goetz văng ra. Goetz bóp cò ba lần. Các viên đạn ghim vào người cô gái và Pete thấy thân hình cô gái giật giật ba lần. Cô gái ưỡn người, tuột khỏi tay hắn rồi lăn xuống bất động. Pete lần mò tìm ra tay nắm mở cửa ra.
Conforti lúc này đã vào hẳn trong phòng chờ. Gã vừa giơ súng lên thì Pete bắn ngay. Không cần biết viên đạn trúng vào đâu, hắn cắm đầu chạy qua một cổng gỗ vào một con hẻm.
Pete lẩn vào một đám đông trên lề đường và giấu súng vào trong áo. Hắn đứng lại thở dốc. Thấy một taxi, hắn rối rít vẫy. Chiếc xe ghé lại.
— Đến khu giải trí!
Và hắn giật mạnh cánh cửa. Nhưng sau lưng, hai bàn tay đã nắm chặt người hắn. Hai cảnh sát viên vây quanh.
— Đứng im! Weiner, chúng tao bắt mày. Jack tước súng nó đi. Ta dùng taxi đưa hắn về cơ quan. Nhanh lên.
Pete liếc mắt thấy một chiếc xe to đen đâm thẳng đến. Hắn la lên:
— Coi chừng!
Hắn vùng ra khỏi tay người cảnh sát, tung mình nằm rạp xuống sàn. Tiếng lạch tạch liên thanh nổi lên trên tiếng ồn ào xe cộ. Chiếc taxi rung mạnh dưới làn đạn. Một cảnh sát viên bị trúng ngay giữa mặt, cái đầu chỉ còn là một đống máu và xương nát bấy.
Người cảnh sát thứ hai cũng kịp nằm đè lên người Pete. Thiên hạ chạy toán loạn, miệng la hét ầm ĩ, nhiều người bị thương nằm la liệt trên lề đường. Chiếc xe đen phóng mất dạng. Người cảnh sát đứng dậy miệng rít lên:
— Khốn nạn! Bọn khốn nạn!
Anh ta kéo Pete ra khỏi taxi đẩy vào một tiệm:
— Mày vào đấy và ngồi yên!
Pete bị nhét vào ngồi giữa hai quầy hàng và người cảnh sát đứng trấn ngay cạnh hắn tay lăm lăm khẩu súng.
Chiếc xe đen quay lại tấn công lần thứ hai. Người đi đường chạy tán loạn vào trong các nhà. Xe hơi leo lên lề để tránh chiếc xe đen phóng ngay giữa đường. Pete kêu lên:
— Coi chừng! - Và hắn đẩy người cảnh sát để nằm lăn xuống đất.
Anh chàng cảnh sát liều lĩnh và ngu ngốc như con trâu tơ, bắn ngay vào chiếc xe đen. Một tràng liên thanh bắn lại. Anh cớm như tan ra từng mảnh vì hứng cả loạt đạn vào người.
Chiếc xe đen dừng lại. Goetz và Conforti nhảy ra khỏi ghế ngồi, miệng thở hồng hộc. Conforti cầm khẩu Thompson, Goetz cầm súng lục nơi hai tay. Conforti vừa bắn vừa đi tới.
Pete thấy đạn găm vào lề đường và cái chết càng lúc càng đến gần hắn. Hắn lôi xác người cảnh sát ôm choàng lấy, mắt nhắm lại mà cảm thấy máu tràn lên mặt. Xác chết giật giật mỗi khi đạn ghim vào. Tim Pete đập thình thịch. Hắn vừa nghe còi hú và tiếng súng chát chúa của cảnh sát.
Goetz vụt chửi thề và quay lại trong khi ba chiếc xe cảnh sát xông tới. Gã giơ súng lên nhưng chiếc xe đi đầu tăng tốc độ, quất gã nằm dài trên lề đường. Conforti không thèm nhìn lại phía sau, cứ xông tới cánh cửa tiệm. Pete thoáng thấy hai cái cẳng dài ngoẵng của gã kia nên cố thu mình lại thật nhỏ sau lưng xác chết.
Conforti nhìn thấy hắn rồi nên kéo xác người cảnh sát ra trong khi Pete vẫn cố sức bám vào dây lưng. Pete rú lên:
— Đi đi! Đừng làm thế!
Rồi Conforti buông khẩu súng, bước tới một bước, gã gập mình về phía trước. Một thoáng sau, những khuôn mặt ngạo mạn của các anh cớm bao vây hắn. Conforti nắm chặt khẩu Thompson giơ nòng lên. Pete mắt đảo ngược trợn trừng nhìn thấy ngón tay Conforti căng ra trên cò. Phía sau Conforti có những tiếng nổ giòn. Khuôn mặt mỏng dính của tên giết mướn nhăn lại vì đau đớn. Mắt gã trở nên lạc thần. Khẩu Thompson nảy lên trong tay kẻ đang hấp hối.