Trận Na Uy thu hút tâm trí của Hitler trong một tháng. Ngày 26 tháng tư, ông lại bắt đầu nói đến cuộc tấn công nước Pháp.
Jodl viết trong cuốn nhựt ký của ông : "Fuhrer cho biết ý định hạ lệnh thi hành kế hoạch vàng vào khoảng từ mùng một tới mùng bảy tháng năm"
Bốn hôm sau ông lại nói đến lần nữa.
"Fuhrer ra lệnh là từ mùng 4 tháng năm, mọi sự phải được sẵn sàng để việc thi hành kế hoạch vàng có thể bắt đầu một ngày sau ngày ban hành lệnh".
Trong mùa đông nhưng công việc liên tiếp đã hoàn bị thời dụng biểu cuộc tấn công của quân Đức. Cái thời hạn sáu ngày, được dự liệu hồi tháng 11, đã được thay thế bởi một lời loan báo rất giản dị trước phút thi hành mấy tiếng đồng hồ, và, nói theo từng chữ một, cuộc tấn công có thể bắt đầu ngày một ngày hai.
Cũng như thời dụng biểu, cách bố trí lực lượng cũng đã được thay đổi nhiều lần. Mật độ và giá trị các đoàn quân đặt trước mặt Arđennes đã được tăng cường không ngừng.
"Ngày 13 tháng Hai, nhựt ký của Jodl ghi, một phúc trình của quân đội về sự phân phối các lực lượng trừ bị khiến Fuhrer lại mở lại vấn đề trọng tâm. Ổng nhận xét là có quá nhiều chiến xa được chỉ định đóng ở những vùng chiến lược thứ yếu và, đặc biệt là các Sư đoàn Thiết giáp thuộc Lộ quân thứ tư sẽ không đem lại hiệu quả tốt trong vùng bố phòng là nơi họ phải giao chiến. Những Sư đoàn này sẽ thiếu ở các Lộ quân 12 và 14".
Do đó Hitler định xếp đặt lại việc bố trí các lực lượng và tăng cường thêm nữa cho các lộ quân đối diện với Sedan. ông nói: "Địch quân sẽ không ngờ phải chịu một cuộc đụng độ mạnh của chúng ta trong vùng này. Những tài liệu chúng bắt được nơi hai người sĩ quan không quân bị rớt ở Bỉ sẽ làm cho họ càng tin chắc rằng chúng ta chỉ có ý chiếm bờ biển Bỉ - Hòa Lan ".
Bộ tham mưu bắt đầu làm việc. Cánh quân đi bộ Đức gồm có quân đoàn B do Tướng von Bock chỉ huy hành quân tại vùng phía Bắc Liège và Quân đoàn A do Tướng von Rundstedt chỉ huy, sẽ xuất phát từ Luxembourg.
Toán thứ nhứt (quân đoàn B bị yếu đi vì hai Sư đoàn 1 và 5 Thiết giáp bị trích lấy tăng cường cho toán A, toán nầy còn có thêm Sư đoàn 9 Thiết giáp lấy ở lực lượng trừ bị.
Các biện pháp trên, ký ngày 18 tháng Hai đưa đến những hậu quả cực đoan cho Hitler, để đối đầu với những đơn vị tinh nhuệ ưu tú của các đạo quân Anh-Pháp dàn trận từ Maubeuge ra tới biển, Hitler chỉ đưa những đơn vị tương đối yếu kém. Trái lại, ở phía cạnh sườn trong vùng Ardennes, trước mặt sông Meuse, ông đã bố trí một con cừu đực khổng lồ : những Sư đoàn ưu tú nhứt và tất cả binh chủng Thiết giáp của ông.
Vào lúc đó, đúng ngày 17 tháng Hai, nghĩa là bốn ngày sau các quyết định chiến lược ngày 13 tháng Hai và vài giờ trước khi lệnh liên quan tới các quyết định đó, đã xảy ra một cuộc gặp gỡ duy nhứt giữa Hitler và một người mà người ta tranh luận cho rằng có thể là cha đẻ của kế hoạch Sedan là Tướng von Manstein.
Lệnh triệu vời không phải chỉ có một mình Manstein. Ông đưọc mời tới ăn trưa với bốn vị Tướng lãnh khác, cũng mới được cử làm Tư lệnh quân đoàn như ông, Geyr Von Schweppenburg, Schmidt, Reinhardt và Glumme. Rommel cũng có mặt trong số các người dự tiệc và dĩ nhiên cùng với Keitel và Jodl.
Sau bữa ăn, Hitler giữ Manstein ở lại, đưa vào phòng bên cạnh và hỏi ý kiến về việc chỉ huy cuộc tấn công vào phía Tây.
Ông thuật lại : "Tôi không biết là Hitlcr biết hay không biết về kế hoạch của chúng tôi. Dù sao, tôi cũng phải nói là ông đi vào những ý kiến mà các đạo quân thuộc toán A đã chủ trương từ mấy tháng nay, một cách nhanh chóng lạ lùng, ông hoàn toàn chấp nhận các đề nghị của tôi..."
Những lời trên đây có vẻ khôi hài, vì người ta biết rõ Hitler đã quen sống với chủ ý của kế hoạch Sedan cả nhiều tháng và ông mới xếp đặt cách bố trí có những hậu quả cực đoan. Ồng giữ không nói điều đó với Manstein, theo nguyên tắc Hitler nghĩa là mỗi người chỉ được thông báo những gì liên quan tới mình mà thôi.
Trong cuốn nhựt ký của Jodl, ông đã thuật lại cuộc gặp gỡ như sau :
"Sau bữa ăn trưa, Manstein nhắc lại cái ý kiến của ông đối với các cuộc hành quân của toán A.
Ông nói rằng quyết định không ở phía Tây sông Meuse, mà ngay trên sông
Meuse, giữa Sedan và Charleville.
"Nếu địch vượt sông Meuse, chúng ta có thể đánh và cũng vượt sông cùng một lúc. Do đó, ở phía Nam phải có những lực lượng Thiết giáp hùng hậu, hoặc đừng có gì cả. Tất cả những gì còn lại phía sau đều không thích hợp".
° ° °
Ngay từ ngày đầu tiên, quân Đức đã tiến nhanh chóng về hướng Bastogne, cách tuyến xuất phát của họ độ 32 cây số.
Bastogne là một thị trấn nhỏ, cổ kính và đẹp đẽ, được mang biệt danh là Ba lê của vùng Ardennes và có một ngôi giáo đường từ thế kỷ thứ XV. Vị tướng có nhiệm vụ tiến chiếm Bastogne tên là Heinrich von Luttwitz. Ông ta có dưới quyền Quân đoàn 47 thiết kỵ, gồm Sư đoàn 2 thiết kỵ và Sư đoàn thiết giáp Lehr, cộng với Sư đoàn thứ 26 Wolksgrenadiers. Đây là lệnh tấn công mà ông đã thảo ra: "Nếu thành phố được phòng thủ một cách khinh suất, các Sư đoàn thiết kỵ phải tấn công tức khắc. Nếu nó được phòng thủ chu đáo từ chu vi ngoài các Sư đoàn thiết kỵ sẽ bao vây và sẽ tấn công vào mặt hậu. Nếu hai phương sách đó không thành công, các Sư đoàn sẽ tiếp tục tiến về sông Meuse và để cho Sư đoàn 26 Wolksgrenadiers lo việc tiêu diệt Baslogne".
Song, vào trưa ngày 17 tháng mười hai, một sĩ quan phòng nhì của quân đoàn đến báo cho Luttwitz biết là rất nhiều công điện của Đồng minh rất quan trọng vừa chặn bắt được : Một, hoặc có thể hai sư đoàn không vận Mỹ đang đóng trong vùng phụ cận thành phố Reims đã lãnh lịnh gấp rút chuyển đến Bastogne.
"Anh chắc chắn về sự chuyển quân đó chứ ?" Đại tướng hỏi.
Phòng nhì đã đoan chắc về chuyện đó. Những sự đối chiếu đã không đề ra một sự nghi ngờ nào. Von Luttwitz đi tới đi lui suy nghĩ.
"Đây, tôi kết luận, ông nói sau đó vài phút. Thứ nhứt, các sư đoàn đó sẽ không hành động như là các toán quân không vận, bởi vì chúng được đưa tới ngay mặt trận. Vậy thì sẽ không có hành quân nhảy dù tập hậu chúng ta. Thứ hai : quân Mỹ quyết định sử dụng các toán quân không vận đó như bộ binh thường, điều này chứng tỏ là họ đã cạn quân trừ bị, trong vùng kế cận. Tất cả điều đó quá tốt đối với tôi. Chúng ta xem bản đồ một chút. Anh nói là các toán quân đó rời khỏi Reims khi nào ?
- Chúng chưa rời Reims. Chúng phải di chuyển tối nay, vào khoảng 20 giờ.
- Vậy thì, chúng ta đến trước chúng. Chúng phải vượt 160 cây số. Không có gì thay đổi hết trong kế hoạch của ta. Chúng ta phải tiếp tục tiến với tốc độ tối đa, nhưng trong vòng trật tự.
Tốc độ tối đa không làm chóng mặt trong vùng núi Ardennes. Tuy nhiên buổi chiều ngày 18, Đại tướng Rayerlein, Sư đoàn trưởng Sư đoàn thiết giáp Lehr, đã có thể điện thoại cho vị chỉ huy của ông ta biết là đơn vị của ông đã đến một làng cách Bostogne không đầy năm cây số.
"Tốt lắm, von Luttwitz nói. Cứ tiếp tục tiến, càng sớm càng hay. Anh vào Bastogne bố trí và tiếp đón quân Mỹ một cách thích đáng. Sư đoàn 2 thiết kỵ và quân Wolksgrenadiers theo sau".
Đây là một đoạn trích từ nhật ký tiến quân của Sư đoàn thiết giáp Lehr mà người ta có thể thiết dựng lại theo các lời cung khai sau này của von Bayerlein.
18 tháng mười hai, 22 giờ - Sư đoàn lại tiếp tục tiến. Nó gồm một tiểu đoàn Bộ binh, mười lăm xe thiết giáp và vài khẩu đại bác. Trời tối đen như mực. Con đường đến Bastogne rất hẹp và rất xấu. Xích sắt của những chiến xa đi đầu nhào nát tuyết và mặt đất và làm thành một lớp bùn dầv trong đó các xe kế tiếp bị lún đến phân nửa.
23 giờ - Trong một giờ qua, đoàn quân đã chỉ vượt được có một cây số. Một khẩu đại bác được xe kéo đi lọt xuống một đường mương và lật gọng. Người ta đem một chiến xa đến để kéo nó lên ; trong khi kéo, nó lại bị "banh", và làm nghẽn lối. Người ta thử làm một con đường khác cạnh con con lộ, nhưng không được. Cuối cùng chiếc chiến xa chạy lại. Các chiếc xe lại bắt đầu tiến thật chậm.
2 giờ sáng - Ngừng lại.
Chỉ còn không đầy hai cây số nữa là đến Bastogne. Von Bayerlein chỉnh đốn lại hàng ngũ. Trong lúc đó, quân SS dẫn tới một thường dân Bỉ, cư dân của một làng kế cận. Đại tướng hạch hỏi anh ta :
- Anh có thấy lực lượng Mỹ trong vùng không?
- Thưa có, lúc nửa đêm, tôi thấy năm mươi chiến xa và nhiều xe khác nữa chạy ngang qua về hướng Đông.
- Về hướng Đông ? Không thể được, nếu vậy thì chúng tôi đã đụng đầu rồi.
- Không phải trên con đường nầy. Trên con đường Longvilly, nó đi từ Bostogne và gần như song song với con đường nầy. Họ đã đi về phía Đông.
Von Baycrlein suy nghĩ. Nếu người thường dân nầy nói thật, sự đe dọa rất trầm trọng. Đoàn quân có thể bị đánh bọc hậu. Đại tướng tung một toán thám sát với súng báo hiệu đi xem xét tình hình và ông sửa đổi lại đội hình của đoàn quân để có thể để lại phân nửa số chiến xa ở phần hậu vệ, đoạn ông cho đánh một công điện cho von Luttwitz. Tất cả những việc động binh và liên lạc đó làm mất rất nhiều thời giờ. Năm giờ sáng, điệu văn trả lời của Von Lutlwitz đến :
"Sư đoàn 2 thiết kỵ và toán Wolksgrenadiers sẽ bảo vệ hậu vệ của anh khi tiến tới. Tiếp tục tiến vào Bastogne."
5 giờ 30 - Đoàn quân lại tiếp tục di chuyển. Ngay lúc ấy, một tiếng nổ kinh hồn lấn át cả tiếng nồ ầm ầm của các động cơ. Chiến xa đi đầu vừa cán phải một trái mìn. Dừng lại, von Bayerlein phái một đội gỡ mìn tiến lên trong khi người ta ra sức đẩy khỏi con dường chiếc thiết giáp bị hư hại. Không một biểu hiện nào của địch. Toán gỡ mìn trở về lúc 6 giờ 30 báo cáo là con lộ đã được dọn sạch tất cả mìn bẫy cho đến vùng phụ cận liền với Bastogne.
Von Bayerlein ra lệnh :
"Tiến tới !"
Một lần nữa, sư đoàn Lehr lại tiến. Cuối cùng Bastogne đã hiện ra trong bầu trời xám xịt của bình minh mùa đông. Tứ bề vắng ngắt, không thấy một người nào, khòng một đám khói, Các chiến xa Đức tiến chầm chậm về phía thành phố nhỏ, trên con đường vắng ngắt...
Bỗng nhiên, một tiếng nổ phát ra ngay chính giữa đoàn quân, bùn sình văng lên tung tóe. Một trái mìn còn sót lại chăng ? Không. Kìa nhiều tiếng nổ khác, nhiều tia bùn sình khác; một hỏa lực súng cối và đại liên rót vào thành phần tiền vệ, từ hai bên con lộ. Và gần như liền sau đó, người ta nghe tiếng đại bác bắn đến từ Bastogne. Quân Mỹ đã đến đó trước.
Danh tánh của người thường dàn Bỉ bị Von Bayérlein vặn hỏi vẫn không được biết và người ta cũng không hề biết được tại sao người nầy đã thêm thắt sự quan trọng của lực lượng Mỹ được nhìn thấy trong đêm. Y làm như vậy một cách tự nguyện hay bị bắt buộc : chỉ có một đội tuần thám của Sư đoàn 101 không vận Mỹ đã tiến trên con đường đi Longvilly. Dù sao mặc lòng, chính người vô danh đó, khi cung cấp một tin tức không chính xác, đã làm mất thì giờ của vị tướng Đức quá lo lắng bảo vệ thành phần hậu vệ của ông ta và cho phép phần lớn của Sư đoàn Mỹ thắng cuộc chạy đua đó. 7 giờ sáng, von Bayerlem đanh một công điện nữa cho vị chỉ huy ông : "Quân Mỹ đã bố trí đông đảo trong Bastogne. Một cuộc chạm súng ác liệt đă xảy ra ngay ngưỡng cửa thành phố. Đơn vị của tôi đã thiệt mất tám mươi người và nhiều chiến xa. Địch sẽ chỉ có thể bị tiêu diệt nếu hai Sư đoàn thiết kỵ và Sư đoàn Wolksgrenadiers tấn công cùng một lúc".
Von Luttwitz trả lời : "Không bao lâu nữa Sư đoàn 2 thiết kỵ sẽ đến, song nó sẽ để Baslogne qua một bên và theo đuổi con đường về hướng Sông Meuse. Anh phải tiến chiếm thành phố với Sư đoàn của anh được tăng viện thêm bởi quân Wolksgrenadiers".
° ° °
Ở Q.G Miền tây, các sĩ quan tham mưu và tùy viên chiêm nghiệm khuôn mặt lạnh lùng như tượng đá của von Rundstedt cúi xuống tấm bản đồ. Công cuộc khởi thế công nầy mà ông đã không tán thành nguyên tắc một minh thị, giờ đây Thống chế đã đẩy mạnh nó cách mãnh liệt chừng nào hay chừng ấy. Khai thác yếu tố bất ngờ, lợi dụng tối đa thời tiết xấu, như thế là chất liệu của tất cả các mệnh lệnh mà ông đọc một cách mau lẹ, với một giọng trầm trầm, không bao giờ gặp lại.
Buổi sáng ngày hai mươi tháng mười hai, ông cho hỏi von Luttwitz rằng, tình thế ở Bastogne đã đến đâu rồi.
"Sư đoàn thiết giáp Lehr và Sư đoàn 26 Wolksgrenadiers đã bao vây thành phố, nơi đó địch vẫn còn kháng cự, vị tướng nầy trả lời. Đây là Sư đoàn 101 không vận Mỹ".
Von Luttwitz thêm :
"Như đã dự định, Sư đoàn 2 thiết kỵ đã vượt qua Bastogne và vừa vượt sông Ourthe tiến về Saint Hubert.
- Điều đó, tôi đã biết - Von Rucdstedt nói.
Nhiều đơn vị thiết giáp của các Đạo quân thứ V, thứ VI và thứ VII đã vượt qua một mạch tất cả vùng rừng núi Ardennes, chĩa các mũi dùi tới trước một cách táo bạo. Con đường sắt Nancy - Namur đã bị đe dọa. Ở Marche. Một toán của Sư đoàn I thiết kỵ SS đã đến La Gleize cách Liège 40 cây số. Công cuộc khởi thế công trong toàn bộ đã phô bày ra hình ảnh của một chiếc kềm to lớn hướng mũi về phía Tây-Bắc-Tây và giữa hai gọng kềm đó có nhiều toán quân Mỹ đang tháo lui hoặc đang chống cự. Các sĩ quan ở QG Miền Tây nhìn đồ hình đó với sự thích chí.
"Chúng ta đừng nên quên rằng, von Rundstedt nói với họ, mục đích của chúng ta không phải là bao vây các toán quân địch ở tuyến đầu hoặc tuyến thứ hai. Chúng ta phải tiến hết sức về hướng sông Meuse, Bruxelles và Anvers. Toàn thể bộ máy của công cuộc khởi thế công phải tiến tới thật nhanh, chứ không phải chỉ có các thành phần tiền vệ".
Đây là tại sao Thống chế đã chủ tâm rất nhiều đến hai ốc đảo kháng cự đó của quân Mỹ, mà các thuộc cấp của ông đã coi thường và chỉ để cho các thành phần hậu vệ lo việc càn quét : Saint Vith và Bastogne.
Ở Saint Vith, trong vòng đai phòng thủ chu vi ngoài, các Bộ binh Mỹ đã liều chết trong hầm trú ẩn của họ ; nhiều thành phần thiết kỵ Mỹ ở các vị trí quá về phía Bắc đã xuống đấy thay thế họ. Quân Đồng minh đã chống giữ vững vàng trên điểm giao tiếp ở phía Bắc ấy. Ngày 21 tháng mười hai, von Rundstedt được biết rằng, mặc dù thời tiết rất xấu, nhiều phi cơ vận tải và nhiều máy liệng đã tiếp tế được cho quân Dù Mỹ đang cố thủ ở Bastogne, thả dù hoặc đem đến tận nơi cho họ vũ khí đạn dược và quân nhu quân dụng. Quân Dù tiếp tục chống cự mãnh liệt. Trái lại, những người phòng ngự Saint Vith yếu dần, và bó tay. Saint Hubert đã bị chiếm, cùng với Libramont, quá nửa về phía Nam, và Rochefort, quá về phía Bắc. Mũi kềm của công cuộc khởi thế công đã đào một cái túi rộng và sâu trong phòng tuyến Đồng minh.
Ngày 22 tháng mười hai, Von Luttwitz báo cho biết là ông đã gửi một tối hậu thư, mà ông giữ bản sao, cho quân phòng ngự Bastogne tối hậu thư đó như sau :
"Gửi vị tư lệnh Mỹ của thành phố bị bao vây Bastogne.
"Cơ vận của chiến tranh hay biến đổi. Lần nầy, các lực lượng Mỹ đã bị bao vây bởi nhiều lực lượng thiết kỵ mạnh mẽ của Đức. Nhiều đơn vị khác của Đức đã lấy Marche và đã đến Sainl Hubert, đi ngang qua Hombres, Sibret, Le Tillet. Libramopt đang nằm trong tay quân Đức. Chỉ còn có một cách có thể cứu vãn được một sự tuyệt diệt toàn bộ các lực lượng Mỹ bị bao vây : đó là sự đầu hàng một cách danh dự của thành phố. Để có thể suy nghĩ kỹ, một thời gian hai tiếng đồng hồ được chấp thuận, bắt đầu với sự đưa văn thư này.
"Nếu đề nghị này bị bác, một pháo đội Đức và sáu đại đội đại bác phòng không nặng sẵn sàng tuyệt diệt các lực lượng Mỹ đang ở trong Bastogne, hoặc gần Bastogne, Lệnh khai hỏa sẽ dược ban ra ngay sau khi mãn kỳ bạn hai giờ này.
"Tất cả những sự thiệt hại về nhân mạng thường dân sẽ do các cuộc pháo kích ào ạt gây ra sẽ trái với các quan niệm nhân đạo của người Mỹ. "
Bức tối hậu thư đã do bốn sứ giả Đức mang cờ trắng đến trao cho quân Mỹ lúc 11 giờ 30. Von Rundstedt để tờ giấy lên bàn không nói một tiếng nào cả. Quá trưa một chút, ông hỏi là vị tư lệnh Mỹ đã hành động ra sao.
"Họ không nhận, von Luttwitz nói trong điện thoại. Vị tư lệnh Mỹ là Đại tướng Anthony Mac Cauliffe".
Von Rundstedt yêu cầu trình ông nội dung đích thực của văn thư trả lời. Von Luttwitz đã dự trình văn thư ấy, nó chỉ mang độc có một chữ : "Nuts!" Sự tương đương, trong tiếng lóng của Mỹ, với câu trả lời của Cambronne ở Waterloo.
(Pierre Cambronne, Đại tướng Pháp, sinh ở Nantes (1770-1842 . Ông chỉ huy một Đoàn quận ở Waterloo, bị quân địch kêu gọi đầu hàng, ông đã trả lời : "Quân phòng ngự thà chết chứ không hàng". Theo một bản khác, ông chỉ trả lời có một tiếng gần năm mẫu tự, được mệnh danh, từ đó là "Tiếng của Cambronne"
Von Rundstedt không nao núng song có vẻ nghĩ ngợi. Một giờ sau đó, ông nhận được sự xác nhận một tin tức trong buổi sáng theo đó Saint-Vith hiện hoàn toàn nằm trong tay quân Đức và đã được quét sạch.
(Người ta không nói rõ cho tôi biết là tất cả các toán quân Mỹ chống giữ Saint-Vith đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt giữ, Thống chế nói. Tôi muốn biết điều ấy".
Vị tướng tư lệnh Đạo binh thiết kỵ thứ VI SS trả lời : "Một phần các toán quân Mỹ ở Saint-Vith, gồm trước hết các thành phần của các Sư đoàn 106 và 28 Bộ binh, đã bị tiêu diệt hay bắt giữ. Một phần của Sư đoàn VII thiết kỵ Mỹ đã rút lui thành công về hướng Bắc".
Đối với vị chỉ huy quân sự thật sự, tất cả mọi cử động của địch đều có ý nghĩa. Vì trời âm u (thời tiết may mắn như mong muốn von Rundstedt không nhận được tin báo của phi cơ, song các toán quân chạm địch đã báo cáo : ở đây, người ta tiến vào dễ dàng, ở kia, người ta đụng phải một sự kháng cự. Trưa ngày 22 tháng mười hai, vị Tổng tư lệnh Miền Tây đã có thể thấy rằng, qua tất cả các bản báo cáo ấy, trong toàn bộ, địch quân đã khuất phục trước chính diện của công cuộc tổng công kích, song đã chống cự càng lúc càng thêm vững vàng trong các giao điểm ở phía Bắc, trong khu vực Malmédy - Stavelot.
Chiều lại, một công điện đến nơi : "Tấn công của Mỹ từ phía Bắc trong khu vực Arlon - Luxembourg". Von Rundstedt đã nói điều ông ta đã nghĩ lúc bấy giờ : "Ở cương vị của họ, tôi cũng làm đúng y như vậy".
Quân Anh Mỹ, bị bất ngờ, nhưng không hốt hoảng, đã củng cố các vị trị của họ ở phía Bắc và ở phía Nam trước sức tiến của quân Đức và họ thử cắt đứt các toán quân được tung về phía trước bằng cách tấn công từ phía Nam, hay đúng hơn, từ phía Bắc và từ phía Nam, sự dụng binh hoàn toàn cổ điển và rất dễ dàng được nghĩ đến. Cách dụng binh độc nhứt có thể, đối với Von Rundsteđt, gồm việc tiếp tục đẩy mạnh mãi công cuộc tổng công kích với cùng một sự mãnh liệt: Nến ông thành công trong việc cô lập các đạo binh Anh và Gia nã đại ở Bỉ và đạt đến thật nhanh các mục tiêu quan hệ đến sự sống còn đối với quân Đồng mình, bọn này bắt buộc phải rút lui. Một loại chạy đua về tốc độ lại bắt đầu.
Von Rundstedt cảm thấy hưng phấn trong ông khí chất của một chiến lược gia, ông gần như quên là ông đã không muốn có công cuộc khởi thế công nầy. Chung qui, cuộc đua trên bản đồ và trên địa thế đã lý thú hơn, làm phấn khởi hơn là công cuộc chống giữ từng bước một các biên thùy của đất nước. Một đại đội thiết giáp tiến về Dinani vừa chiếm Celles cách sông Meuse có tám cây số. Một xe Đức thuộc thành phần tiền vệ đã đến cả Dinant. Xế chiều ngày 22 tháng mười hai, vị Thống chế ba lần bị bãi chức và ba lần được triệu hồi đã có quyền nghĩ rằng, dù cho số phận của đất nước ông đã được định đoạt, riêng ông, ông đã có thể tạo cho mình một sự toại ý cuối cùng trên phương diện chức nghiệp, một sự đột kích cuối cùng sẽ làm địch quân rung rinh.
Ông đã có quyền duy trì ý nghĩa đó trong vòng độ một tiếng đồng hồ.
Lúc 17 giờ, viên trưởng phòng tư của ông đến báo cho ông biết là rất nhiều đơn vị thiết giáp tiên phong đã phải dừng lại, vì thiếu nhiên liệu : đơn vị, đúng ra, phải đến sông Meuse, quá về phía Bắc một đại đội của Sư đoàn I thiết ky SS, và nhiều đơn vị khác nữa. Những lời kêu gọi đòi thêm xăng của các người lái chiến xa đã vang lên không ngừng qua máy truyền tin.
"Sự chậm trễ của các xe citerne phải chăng chỉ do tình trạng quá xấu của các con lộ ? Von Rundstedt hỏi.
- Thưa Thống chế, đúng vậy. mặt đường đã bị các xích sắt của chiến xa dẫm nát. Các xe citerne đến sau, khi nhiều đoàn thiết giáp đã đi qua gặp nhiều nỗi khó khăn to tát vì phải tiến trong bùn sình, và chúng thường bị mắc lầy. Sự vượt qua các ngôi làng nhỏ rất gay go vì những khúc quanh khúc khuỷu trên các con đường hẹp, với những nhà cửa chồng chất lên nhau...
- Tôi thấy điều đó. Đành vậy, phải chỉ thị khắp mọi nơi dành ưu tiên tuyệt đối cho các xe citerne, nếu chưa làm."
Von Rundstedt vẫn thản nhiên, song ông cảm thấy một sức nặng lại đè lên mình. Hình ảnh của một cuộc đột kích nhanh nhẹn vinh diệu đã bỗng chốc trở nên mờ mịt một cách lạ kỳ.
Mọi sự trì trệ của công cuộc tổng công kích có nghĩa : sự thất bại của công cuộc khởi thế công. Một cuộc tiến quân gian nan sẽ không đe dọa được cả những mục tiêu mà người ta đã ấn định sẽ thay thế cho cuộc chạy đua lấy mau làm thỏa ý ấy, đúng theo quy tắc cũng như trên lược đồ. Phải đối phó với các cuộc phản công ở hai bên canh sườn, địch quân sẽ có thời giờ tăng viện để tấn công ngay chính diện, sự bất bình đẳng giữa các lực lượng sẽ lại nổi bật lên. Von Rundstedt đã tưởng tượng ra các sự biến động đó như là ông đã trải qua rồi.
Người ta có thể thử làm gì để đưa xăng đến các chiếc thiết giáp đang nằm đường một cách gấp rút? Không có gì cả. Hitler đã phát động công cuộc khởi thế công của ông xuyên qua một vùng gập ghềnh với những con đường nhỏ và thật xấu, và thực sự như thế, ông ta đã làm địch bất ngờ. Song, cho đến một sự khai triển mới của tình hình - thí dụ cho đến sự chinh phục các trục lộ lớn Aix, Liège và Trèves- Arlon- các công cuộc tiếp tế phải qua các con đường nhỏ và quá xấu ấy, mà các xích sắt của chiến xa đã làm cho xấu hơn. Không phải là vận số đã an bài, mà chính là sự luận lý, cũng như bản chất của các sự việc.
Sau khi xem lại tình trạng của các đơn vị thiết giáp thiếu xăng và quan sát lại tấm bản đồ, von Rundstedt cho rằng công cuộc khởi thế công vẫn còn có thể tiếp tục đạt đến các mục tiêu đã định với 40 phần trăm cơ hội thành công, với điều kiện là các chiến xa đã bị bất động phải được tiếp tế xăng nhớt vào ngày hôm sau. Nếu chúng không được tiếp tế và nếu các đơn vị khác cũng lại thiếu liệu, khúc tuyến biểu thị sự may mắn sẽ đi xuống, một cách thẳng đứng.
Và, sáng ngày hôm sau, 23 tháng mười hai, vị Tổng tư lệnh miền Tây đã không cần phải hỏi lại xem coi các đơn vị đi tiên phuông ấy đã được tiếp tế chưa. Các báo cáo đầu tiên cho biết rằng, ngay từ lúc đầu của cuộc tổng công kích, ông đã lo ngay ngáy, ông đã tự cấm đoán mình không được nghĩ đến : Trên toàn vùng Ardennes, trời đã trở tối. Bầu trời trong xanh, tuyết chói lọi dưới ánh nắng. Và trong vùng ánh sáng trong như pha lê, nhiều ngàn máy bay Anh và Mỹ chói lọi và gầm thét.
Quân Đồng minh đã không chặn đứng được công cuộc Tổng công kích ở vùng Ardennes và cuối cùng chỉ mang lại được sự quyết tâm nhờ vào không quân của bọ. Ở Bastogne và ở Saint Vith, các người phòng ngự trước hết đã chống cự không có không quân. Patton đã bắt đầu xua quân về hướng Bastogne không có sự yểm trợ của không quân. Dù cho không có không quân, quân Đồng minh, họ đã dự bị rất nhiều sự dự trữ cũng như quân trừ bị, rốt cục cũng sẽ chế động và chặn đứng được cuộc Tổng công kích đó, đã bị trì trệ vì những sự khó khăn trong công cuộc tiếp tế xăng. Nhưng, chắc chắn, công cuộc chiến đấu sẽ dài hơn và gay go hơn.
Cả đến ngày hôm nay, rất nhiều sử gia quân sự có khuynh hướng trình bày hoạt động của không quân trong một cuộc chiến trên bộ như là một "phần đảm phụ", như là một sự trợ giúp cho hoạt động của các chiến xa và của Bộ binh. Họ đã làm điều đó cách ít hoặc nhiều ý thức, có lẽ sợ rằng làm giảm thiểu công trạng của các chiến sĩ đánh bộ, có lẽ tại vì họ làm việc cốt nhất trên các báo cáo hành quân và các báo cáo của các đơn vị không quân ít gây dẫn khởi và, mặt khác các vị chỉ huy các đơn vị đánh bộ ghi chép hoạt động của không quân trong khu vực của họ bằng những danh từ chuyên môn và trừu tượng, cũng ít gây dẫn khởi. Khi người ta quan sát tình thế ở cấp một người lính thường (hoặc một thường dân , người ta thấy là cục diện của cuộc chiến trên bộ thay đổi tùy theo không quân có can thiệp hay không, và sự can thiệp nầy có thể cấu thành yếu tố chính của cuộc chiến.
Phải tưởng tượng lại các đoàn xe citerne và xe chở đầy quân lính. Chúng hiện diện trên khắp vùng Ardennes, trên mỗi con đường nhỏ và cả trên các con đường mòn trong rừng rậm và tất cả các cái đó chậm chạp đi về hướng Tây - Bắc - Tày. Từ các độ cao của một bầu trời vừa được giải tỏa các đám mây mù, các phi công đồng minh có thể quan sát sự vận chuyển đó y hệt như sự vận chuyển của máu trong một hệ thống động mạch. Sứ mệnh đầu tiên của họ là chặn đứng sự chuyển vận đó bằng cách bắt buộc các chiếc xe nằm lại tại chỗ và làm cho tất cả các con đường không còn lưu thông được nữa.
° ° °
Các thành phố và các thôn xóm luôn luôn nằm cạnh các con đường. Chúng bị phá tan, bị biến đổi thành những đống vôi gạch đổ nát, không làm sao đi ngang qua được. Sant Vith, tựu trung, đã cam chịu số phận khủng khiếp đó. Nhiều đại phi đội xuất hiện, lập thành nhiều tầng, Toàn thể con đường chính, được bứng lên cách mặt đất mười thước, nguyên một khối và rơi xuống ầm ầm. Các cư dân ở Houffalize, ẩn nấp dưới thung lững, cạnh con sông Ourthe nước trong xanh, và cho đến bấy giờ đã được chiến tranh xá miễn, thấy nhiều máy bay màu trắng bạc bay đến trong vùng trời xanh, giữa hai hàng núi đá cao ngất, và một phút sau đó Houffalize đã không còn nữa. Các oanh tạc cơ đã dội bom không ngớt trên toàn vùng "chiếc túi" của cuộc tiến quân Đức, kéo dài đến 100 cây số từ tuyến xuất phát.
Nhiều chấm đen động đậy trên tuyết, quân lính và thường dân tìm sự che chở nơi các cây cối. Các oanh tạc chiến đấu cơ, bay thấp, khám phá ra, đuổi bắt các xe cộ, các đoàn quân ẩn nấp trong rừng cây sapin, tiêu diệt chúng bằng những quả bom, những trái hỏa tiễn và những tràng đại liên. Dầu xăng dành cho các xe thiết giáp đi tiên phong bùng cháy khắp nơi thành những ngọn đuốc vàng, cao không tưởng tượng được, bao bọc bởi khói đen...
Ngày 23 và 24 tháng mười hai, các vị chỉ huy trưởng của các đơn vị đó, họ đã tin tưởng là sẽ vỗ cánh bay thẳng một mạch đến bến vinh quang, đã lần lượt nhận được một mệnh lệnh nặng nề không chịu nổi :"Phá hủy các chiến xa, xe cộ và các khẩu đại bác. Rút bộ về hướng đông để tái hợp vói phần chủ yếu của các "lực lượng Đức".
Vài cuộc rút quân ấy đã được nhiều sĩ quan Mỹ bị bắt làm tù binh trong cuộc tiến quân của Đức" kể lại chi tiết một cách thú vị. Thiếu tá H.D. Mac Cown nói về Trung tá Waffen SS Feoder Pieper với một sự giao cảm, "vị sĩ quan đẹp trai hai mươi chín tuổi", ông đã phải đi về hướng Đông với ông nầy cho đến khi tìm được cơ hội trốn thoát.
Quân Đức rút bộ trong đêm đã quay lại lần cuối cùng để im lặng nhìn một biển lửa đang bốc cháy : Các khí cụ tối tân mới toanh đang được thiêu hủy. Người ta cốt tiến trong đêm tối, vì các oanh tạc chiến đấu cơ, ban ngày, đã sấn tới tất cả những gì động đậy - y như ở Normandie.
"Chúng tôi không ngớt trèo lên và tuột xuống các ngọn đồi gồ ghề, vượt qua các con rạch nhỏ, đi qua những quãng rừng rậm rạp và tránh xa tất cả các con đường và các làng mạc, Thiếu tả H.D. Mac Cown đã kể lại. Tất cả các sĩ quan luôn luôn khuyến dụ binh sĩ gắng sức và cười đùa trước các dấu hiệu yếu đuối của họ. Tôi không mang theo gì cả ngoài chiếc túi con trống rỗng, song qua tình trạng của chính bản thân mình tôi cảm biết được sự mệt nhọc của những người có nhiệm vụ phải mang theo các vũ khí nặng nề. Tôi đã nghe lập đi lập lại lời cảnh cáo rằng tất cả những ai rớt lại sau đuôi hàng quân đều sẽ bị bắn bỏ. Tôi đã thấy nhiều người đi bằng đầu gối và đôi bàn tay, Tôi đã thấy nhiều người khác bị thương, đã được bạn mình xốc nách dìu đi khi leo lên những con dốc hiểm trở"...
Phần chủ yếu của các lực lượng Đức vẫn chưa bị bắt buộc rút lui, tại nhiều nơi, các lực lượng đó vẫn tiếp tục tiến tới mặc dù các cuộc oanh tạc, song với một sự chậm chạp không tưởng tượng được và với những sự thiệt hại nặng nề. Trong khu vực phía Nam, Đạo quân của Patton tiến về phía Bastogne, nơi quân nhảy dù vẫn còn kháng cự. Ngày 25 tháng mười hai, von Rundstedt thấv von Manteuffel, tư lệnh Đạo quân thiết kỵ thứ V đến Q.G của ông.
- Tôi có cảm tưởng là chúng ta không thể thực hiện công cuộc tổng công kích đúng y như trong kế hoạch lâu hơn nữa, vị tướng nầy nói với ông.
- Dĩ nhiên là không, chúng ta không thể. Thế nhưng Đại bản doanh chỉ sẽ nhận biết sự không thể làm được nầy khi nó biểu hiện một cách thảm hại.
- Tôi đến trình ông một ý kiến. Tại sao không, thử làm một cuộc hành quân giới hạn ở phía đông sông Meuse ? Thay vì xua đạo binh của tôi về hướng Namur, như đã ấn định trong kế hoạch, tôi sẽ quay về hướng Liège. Như vậy, tôi sẽ dùng sông Meuse che cho cạnh sườn trái của tôi.
Vị Tổng tư lệnh Miền Tây lắc đầu :
- Sông Meuse không cấu thàuh một sự che chở thực sự. Sự ưu thắng của không quân địch quá mạnh. Vả lại, Fuhrer sẽ không chấp nhận một sự sửa đổi nào của kế hoạch tiên thiên.
- Tôi tin đã tìm ra cách làm Ngài chấp nhận sự sửa đổi này, Von Manteuffel nói với một vẻ thỏa ý. Tôi biết là Fuhrer đã không vừa ý ngay từ đầu của cuộc tổng công kích khi thấy đạo binh SS thứ VI đã tiến chậm hơn đạo binh của tôi. Ngài đòi hỏi tất cả các sự tăng viện phải dành cho Đạo binh nầy. Như vậy tôi sẽ gọi sự dụng binh mà tôi đề nghị : Sự động binh để giúp đạo binh SS thứ VI tiến tới".
Một chút vui vẻ chua chát thoáng qua vể mặt của Von Rundstedt.
"Hãy đề nghị kế hoạch đó, ông nói. Chúng ta sẽ xem lại".
Hitler đã không bị mắc mưu. Ỏng nghe cái tựa, đoạn những chữ đầu tiên của bản văn, ông chặn Jodl lại, ông nầy đang đọc bản bảo cáo cho ông nghe :
"Ý kiến nầy thật ngu ngốc; không có thay đổi gì cả. Nói với họ nên tấn công mãnh liệt hơn một chút. Chứng ta đang bị chậm trễ theo như trong kế hoạch của tôi. Tại sao một số ít lính Mỹ ở Bastogne vẫn chưa bị tiêu diệt ?"
Hitler đã hoàn toàn không tự phác họa nổi tình hình ở Bastogne. Trong những ngày đầu tiên, nhóm ít lính nhảy đù đã chống giữ mà không lo nghĩ sẽ bị tiêu diệt, và, bây giờ, chính các người bao vây Bastogne đã thấy nhiệt độ lên cao một cách phi thường trong khu vực. Gần như liên tiếp, hàng hàng lớp lớp các oanh tạc chiến đấu cơ đã đến từ phía Bắc, từ phía Nam hoặc từ phía Tây và vùng chu vi của Bastogne đã trở nên một vòng sắt máu khủng khiếp. Những người bao vây đã bị thiệt hại nhiều hơn là những người bị vây.
Không quân đã trải ra cùng tấm thảm tàn phá ấy trước các hàng quân của Patton, đoàn quân nầy từ phía Nam đi lên. Vị tướng Đức cỏ nhiệm vụ ngăn chặn với bất cứ giá nào không cho đạo binh nầy tiến đến Bastogne tên là Heinz Kokott. Ông ta đã nhận trực tiếp từ G.Q.G. những mệnh lệnh khủng khiếp. 12 giờ trưa ngày 25 tháng mười hai, ông gọi điện thoại yêu cầu người ta cho phép ông ngưng lại một lúc cuộc thảm sát quân lính của ông.
"Cuộc thảm sát nào ? Hitler cho người trả lời. Anh có điên không ? Bastogne phải ở trong tay chúng ta, anh sẽ chịu trách nhiệm điều này trên mạng sống của anh".
Ngày hôm sau 26, vài chiến xa Mỹ từ phía Nam đi lên đã tiến được vào trong thành phố. Ngày 28, sự tiếp hợp được thiết lập một cách vững chắc.
Bastogne không còn là một ốc đảo kháng cự bị cô lập nữa, mà là một mũi dùi của phòng tuyến Đồng minh, mũi của một cái gai nhọn hướng về phía Bắc, và nó đã làm giảm thiểu cái túi lòi ra của quân Đức về phía Tây còn lại một hành lang, rộng khoảng 40 cây số và chỉ có vỏn vẹn một con đường đúng với tên gọi của nó. Hitler đã không thể không thấy điều đó trên bản đồ.
"Ông phải tái chiếm Bastogne, ông ta đã bảo, nói mỗi ngày nhiều lần với Von Rundstedt. Ông có trong tay hai mươi bốn sư đoàn. Tập trung các lực lượng lại, trích lấy bớt quân sĩ ở cánh Bắc của ông, làm một việc gì chớ ! Hãy tấn công Bastogne, đừng để địch nghỉ một giây nào cả".
Các máy bay đánh đuổi nã theo các toán quân Đức và phá nát, làm rối loạn vùng đất ở Ardenner mà cuộc tổng công kích đã chiếm được hiển nhiên đã không được ghi trên bản đồ. Bấy giờ, hai mươi bốn Sư đoàn ở đó như bị dính nhựa, thiệt mất tại chỗ nhiều quân lính và khí cụ. Để thử giảm bớt một chút áp lực đỏ, không quân Đức đã tung ra ngày 1 tháng giêng năm 1945 một cuộc tấn công bạt mạng, tung mình tới trước các phi đoàn oanh tạc và các đoàn oanh tạc chiến đấu cơ, bay là là sát mặt đất, tấn công các sân bay lân cận. Một phần ba máy bay Đức đã bị bắn hạ. Rất nhiều máy bay đồng minh bị phá hủy, nhất là đang đậu trên mặt đất. Sự ưu thế của không quân đồng minh đã lớn đến nỗi kết quả đó vẫn không hề hiện lên trên hình trạng của trận đánh. Von Rundstedt gọi điện thoại về G.Q.G. trần thuật tình hình, và ông kết luận :
"Tôi yêu cầu được rút các lực lượng Miền Tây về biên giới Đức".
Hitler cho trả lời :
"Hãy ở tại chỗ và chiến đấu, chúng tôi tấn công ở Alsace".
Quan niệm vè cuộc tấn công nầy đã đến với ông ta vài ngày trước đó.
"Địch quân chuyển quân từ phía Nam lên phía Bắc để tìm cách cắt đứt cuộc tổng công kích của chúng ta và tái chiếm Bastogne. Vậy thì chúng đã làm mỏng đi phòng tuyến của chúng. Các vị trí của chúng ở phía Nam vùng Ardennes đã bị làm cho yếu đi. Chúng ta phải tấn công về phía ấy. Mười bốn Sư đoàn sẽ tấn công. Phải giải thoát sông Sarre, tái chiếm Strasbourg và đẩy địch lui qua bên kia vùng núi Vosges".
Vị Tổng tư lệnh tối cao các quân lực đã nói như thế. Cuộc hành quân bắt đầu ngày 1 tháng giêng. Vài ngày sau, báo chí và đài phát thanh Đức loan báo nhiều tin chiến thắng: Một đòn đầu cầu đã được thiết lập trên hữu ngạn sông Rhin ở Gambsheim, cách Strasbourg 15 cày số về phía Bắc ; quân Mỹ đã rút lui về phía Bắc cánh rừng Haguenau : các chiến xa Đức đã can thiệp thắng lợi ở phía Nam Strasbourg giữa sông 111 và sông Rhin, tiến sâu về phía Bắc. Cuộc tấn công gọng kìm vào thủ phủ vùng Alsace đã thành rõ ràng, Haguenau và Bischwiller gần như hoàn toàn bị phong tỏa... Có gì xác thực trong tất cả cảc tin tức đó ? Tất cả đều thực. Điều đó đã như vậy cách sao? Làm thế nào quân Đức, đã bị chận đứng thật gắt gao ở Ardennes, đã có thể tiến sâu một cách vô can về phía Nam ? Một cái nhìn thoáng về phía Đồng minh sẽ cho chúng ta biết.
Hitler đã không lầm lẫn trong sự suy luận về chiến thuật của ông. Đúng là Đạo binh thứ III của Mỹ (Đại tướng Patton đã di chuyển về hướng Bắc và Đạo binh thứ VII (Đại tướng Patch đã lãnh lịnh chiếm giữ một phần khu vực của Đạo binh thứ III. ở Aisace, đạo binh thứ I của Pháp (de Lattre de Tassigny , đã phải, nó cũng vậy mở rộng khu vực của mình ra về phía Bắc. Tóm tắt, tất cả đội binh thứ VI đó (Đại tướng Devers đã phải trải dài ra 100 cây số. Vậy thì các Sư đoàn Đức đã bắt đầu xuyên thủng một vùng khá mỏng.
Eisenhower đã tuyệt đối cự tuyệt không để cho bị xúc động vì sự công kích đỏ. Ông quay điện thoại gọi Devers.
"Đây là các cuộc tấn công thanh đông kích tây. Quân Đức thực sự không mạnh. Tôi muốn thanh toán cực diện trong vùng Ardennes trước đã. Vùng đồng bằng ở phía Bắc Aisace không cho chúng ta một lợi lộc trực tiếp nào. Ví như quân Đức tiến thêm một chút về phía đó, chúng ta sẽ tống cổ chúng sau. Cốt nhứt là đừng bao giờ để cho một phần quân sĩ của ông bị vây hãm. Nếu cần, cứ rút lui đến tận vùng Vosges.
- O.K. Devers trả lời, ông bắt đầu lo liệu.
Rút lui đến tận vùng núi Vosges, điều đó có nghĩa trước hết là bỏ Strasbourg. Strasbourg đã được quân Pháp tái chinh phục và trấn giữ. Tin tức nầy gây tác dụng của một quả bom trong các Ban tham mưu của Pháp trong Đội quân thứ VI (các toán quân Pháp thuộc thành phần của Đội quân nầy là : Đạo binh thứ I của Pháp (de Lattre de Tassignygồm các Quân đoàn I (Béthouart và II (Monsabert , cộng với Sư đoàn 2 Thiết giáp (Leelerc , Sư đoàn I Bộ binh, Sư đoàn 9 Bộ binh thuộc địa và Sư đoàn 27 sơn cước . Đại tướng De Gaulle được báo động, chạy đến Q.G của Eisenhower. Ông này giải thích kế hoạch của mình cho De Gaulle rõ, kế hoạch gồm lo một việc này sau việc khác để tiết kiệm quân số Đồng minh, về mặt quân sự, kế hoạch hoàn toàn đúng. Thế nhưng De Gaulle không thể chịu đựng được sự di tản chiến thuật tạm thời ra khỏi Strasbourg. "Ông ta lưu ý tôi rằng, từ cuộc chiến tranh năm 1870, Strasbourg đã có giá trị của một biểu tượng đối với dân tộc Pháp, Eisenhower kể lại. Ông ta quan niệm rằng nếu để mất thành phố nầy, dù tạm thời, cũng sẽ làm cho quốc gia ông ngã lòng và có thể gây ra một sự nổi dậy công khai, ông tuyên bố với tôi là ông thích tập họp tất cả các lực lượng của ông lại chung quanh Strasbourg hơn là rút bỏ thành phố ! Trong một bức thư ông mang đến cho tôi, ông báo cho tôi biết là ông sẽ hành động ngoài các mệnh lệnh của tôi, nếu tôi từ chối phòng thủ Strasbourg từng đường phố một. Tôi nhắc cho ông ta biết là nếu không tuân lệnh tôi, thì quân đội Pháp sẽ không được yểm trợ về quân nhu đạn dược cũng như lương thực, và tôi cũng không ngần ngại nói thẳng với ông ta rằng tình thế hiện tại đã không xảy ra nếu quân đội Pháp đã tiêu trừ chiếc "túi" vùng Colmar." Ngày hôm đó Winston Churchill có mặt ở Q.G., đã chứng kiến cuộc mật đàm, mà không nói gì cả, ông chỉ trầm ngâm ngậm điếu xì gà. Rốt cuộc Eisenhower đã chấp nhận một sự nhượng bộ: "Tôi thông báo cho Đại tướng De Gaulle biết là tôi sẽ yêu cầu ngay lập tức Devers rút những vùng lồi ra trên tuyến phía Bắc của ông ta về, song chuẩn bị ở khúc giữa, phòng thủ chặt chẽ Strasbourg". Những mệnh lệnh chi tiết hơn đã cho thấy là thực ra, chính những đơn vị quân Pháp thuộc Đội quân thứ VI đã được giao phó phòng giữ vùng Alsace, kể cả Strasbourg. Chúng đã không nhận được một sự trợ giúp nào, đặc biệt không có sự yểm trợ của không quân. Do đó mới có những sự thành công khởi thủy của quân Đức, Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy ngay phần kế tiếp.
Các phương cách dùng để diệt dần quân Đức trong vùng Ardennes tuyệt đối không hề bị xao lãng, đối với chúng tình thế đã trở nên càng lúc càng không còn chịu nỗi nữa. Các con đường ngổn ngang những xác chiến xa và xe cộ bị cháy, những nhà cửa sụp đổ. Nhiều toán tù binh người Nga và người Ý (một số trong họ đã từng chiến đấu với quân Đức chống lại quân Nga, trước khi chạy sang phe Đồng minh và bị bắt làm tù binh ! , được xe vận tải chở tới, dọn dẹp các ngã tư đường và các con lộ xuyên qua các làng mạc và thôn xóm. Mỗi giờ nhiều lần, người ta thấy họ quăng các dụng cụ và chạy tứ tán, nằm sát xuống mặt đất, trong khi những tiếng bom nổ lại biến thành hỗn độn những gì đã vừa được thu dọn một cách khổ nhọc.
"Người ta không thấy một chiếc máy bay nào của mình cả, chúng đâu cả rồi?" các binh sĩ đã viết về cho gia đình. Dưới một bầu trời trong xanh rực rỡ ánh sáng, trời lạnh như cắt. "Bây giờ tôi biết quà đầu năm của tôi là gì rồi: hai chân tôi lạnh cóng. Tôi đau đớn khủng khiếp và không thể chợp mắt được một phút nào cả. Ở đây nhiều người đã học cầu nguyện, nếu họ chưa biết".
Về cuộc tấn công của họ ở Alsace, nó đã bị chận đứng. Đà nhảy vọt của cuộc tấn công không tăng được thêm một chút nào nữa ngoài các vị trí đã được kể ở trên, bởi vì các lực lượng được đem xử dụng, trong thực tế, kém quan trọng hơn trong các tài liệu của bộ tham mưu rất nhiều. Mười bốn Sư đoàn, Hitler đã quyết định như thế. Trên mười bốn đơn vị ấy, sáu là quân Wolksgrenadiers, các toán quân được thành lập một cách hấp tấp và chưa hề ra trận lần nào. Không có một đơn vị nào mà quân số nhiều hơn phân nửa cấp số bình thường cả. Vùng đất chiếm được đã phải trả một giá thật đắt.
Trong lúc ấy, Strasbourg vẫn còn bị đe dọa, cho nên tướng de Lattre de Tassigny quyết thanh toán vùng "túi" Colmar, mà sự biện hữu đã làm Eisenhower rất bực mình. Cuộc tấn công bắt đầu ngày 20 tháng giêng giữa Thann và Mulhouse, dưới một thời tiết thật xấu và không có không quân yểm trợ. Trong suốt một tuần lễ, các toán quân Pháp đã tiến tới một cách khó khăn trên một địa thế hiểm trở qua các khu rừng rậm, các khu thợ thuyền và các hầm mỏ potasse. Các trận đánh giống thời 14-18 nhiều hơn là các cuộc hành quân siêu cơ giới của Anh Mỹ. Thế nhưng, ngày 27, các đoàn quân đã đến được dọc theo con kinh Colmar. Eisenhower hoàn toàn vững lòng về phía Ardennes, quay nhìn Về phía khu vực nầy của trận tuyến.
"Xem nào hiện chúng ta đang ở đâu ?"
Người ta trình cho ông biết, ông quyết định kết thúc. Ông đem Quân đoàn 21 của Mỹ tăng viện nguyên vẹn cho Đạo binh thứ I của Pháp và ra lệnh cho các lực lượng Không quân tham chiến. Quân Đức tan rã. Ngày 2 tháng hai, các chiến xa của Đệ ngũ Sư đoàn thiết kỵ tiến vào Colmar. Ngày 8, vùng Alsace hoàn toàn được giải phóng.
Sáng sớm cùng ngày, Thống chế Von Rundstedt nhận được một tin báo của Đội binh H, có nhiệm vụ phòng vệ đoạn cuối phía Bắc của phòng tuyến Siegried, Đại tướng Schlemm, Tư lệnh Đạo binh nhảy dù thứ nhứt, vừa điện thoại :
"Tôi đã bị đánh thức bởi tiếng gầm thét của pháo binh trong khu rừng Reichswald. Tiếng động đã quá dữ dội để người ta có thể cho đó là một điều bình thường. Hơn một ngàn khẩu đại pháo của địch đã bắn xối xả vào các vị trí của tôi. Tôi cảm thấy cuộc tổng tấn công đã bắt đầu".
Von Rundstedt trầm ngâm đặt bức công điện xuống bàn, kế bên một bức khác mà nội dung cũng sinh tác dụng không kém : bảy Sư đoàn thiết giáp và ba Sư đoàn bộ binh, cho đến bây giờ được đặt dưới quyền sử dụng của ông, phải tiến ngay về chiến tuyến Miền Đông.
Đức quốc đã bị kềm kẹp giữa hai biển lửa....