Tự Làm Các Bộ Công Cụ Luyện Phát Âm
Các thẻ cho Chương 3
Trong phần này, tôi sẽ chỉ cho bạn cách xây dựng một bộ công cụ luyện phát âm cho ngoại ngữ mới. Bạn sẽ thấy vui khi dùng chúng; bạn nghe một loạt các âm điên rồ mới, học những cách viết kỳ lạ cũng như những từ ví dụ (và có thể cả bảng chữ cái, tùy thuộc vào ngoại ngữ của bạn). Sau đó, bạn nhấn các nút trên máy tính/điện thoại thông minh hoặc dùng hết bộ thẻ trong chiếc hộp Leitner cho đến khi những âm và những cách viết đó ăn sâu vào não bạn. Bên cạnh việc đem lại cảm giác vui thích, chúng còn giúp bạn tiết kiệm một lượng lớn thời gian, bởi chúng khiến phần còn lại của ngoại ngữ trở nên dễ nhớ hơn (có lẽ bạn vẫn còn nhớ cuộc thảo luận của chúng ta về mjöður trong Chương 2).
Trước khi bắt đầu, chúng ta cần lưu ý: Có thể mất thời gian để thực hiện các bộ công cụ này. Chúng kết hợp rất nhiều thông tin cùng lúc – băng ghi âm, cách viết chính tả, các ký tự ngữ âm, và một loạt từ ví dụ. Tôi sẽ chỉ cho bạn từng bước một các bộ công cụ này, nhưng có một lựa chọn khác có thể giúp bạn bỏ qua tất cả những công việc vất vả này: Rất có thể tôi đã làm xong một bộ công cụ luyện phát âm cho ngoại ngữ của bạn rồi. Nếu bạn nhìn vào các hướng dẫn sắp tới và cảm thấy có chút ngại ngần, vậy hãy kiếm một bộ công cụ đã được làm sẵn trên trang web của tôi (Fluent-Forever.com/chapter3). Chúng có hiệu quả, tạo cho người dùng sự thích thú khi sử dụng, và tôi không biết có bất kỳ cách nào nhanh hay dễ dàng hơn thế để học cách phát âm một ngoại ngữ mới. Tôi làm ra chúng bởi vì tôi muốn quá trình này có thể trở nên dễ dàng hết mức có thể. Tôi không muốn bạn la hét và bỏ chạy trước khi bắt đầu học từ vựng.
Nếu tôi chưa tạo ra được một bộ công cụ luyện phát âm cho ngoại ngữ của bạn, hoặc nếu bạn là người thích tự mày mò làm mọi thứ, vậy chúng ta sẽ bắt đầu ngay bây giờ.
Bước một: Làm quen với công việc
Hãy đọc phần giới thiệu về hệ thống bảng chữ cái và các âm trong ngoại ngữ mới ở các cuốn sách ngữ pháp và phát âm của bạn. Thông thường, bất kỳ âm nào có vấn đề sẽ được chỉ ra và bàn luận kỹ càng. Hãy đọc và tập nghe chúng, bằng cách (1) sử dụng các bản ghi âm đi kèm với cuốn sách của bạn hay (2) dùng các bản ghi âm trên Forvo.com. Các âm khó nghe là ưu tiên hàng đầu của bạn, và cuốn sách của bạn nhiều khả năng sẽ bàn về chúng, đồng thời cung cấp cho bạn các cặp từ tối thiểu. (Ví dụ, sách giáo khoa tiếng Hàn thường bắt đầu với những từ đáng sợ và gần như không thể phân biệt được như: pul [cỏ], ppul [còi] và bul [lửa]). Hãy tập nghe chúng nhiều lần hoặc biến chúng thành các bài kiểm tra cặp từ tối thiểu theo hướng dẫn trên mạng của tôi, cho đến khi bạn bắt đầu phân biệt được các âm.
Khi có thể nghe thấy sự khác biệt giữa mỗi âm, hãy tập trung vào tất cả các âm mới mà lưỡi bạn khó phát âm. Nếu cuốn sách của bạn không bàn về cách tạo ra những âm đó, hãy chuyển đến phần Phụ lục 4 và xem cách các âm đó được tạo ra trong miệng bạn. Hãy vừa bắt chước các bản ghi âm vừa để ý đến vị trí của lưỡi, môi và cổ họng cho đến khi bạn hiểu làm thế nào để tạo ra những âm đó. Nếu gặp khó khăn nghiêm trọng với một âm nào đó, hãy tham khảo trên YouTube hoặc trao đổi với một gia sư trên italki.com cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái.
Lúc này, bạn đã có thể bắt đầu làm một số thẻ. Bạn sẽ tạo ra từ 80 thẻ (với tiếng Tây Ban Nha) cho đến 240 thẻ (với tiếng Nhật), một việc sẽ tiêu tốn của bạn một đến ba giờ để thiết kế và ba đến tám ngày để học, với cường độ 30 phút mỗi ngày. Trong quá trình này, bạn sẽ học được một loạt các từ mới, nghe một loạt các bản ghi âm, và bắt đầu làm quen với ngoại ngữ mới của mình.
Nếu đang sử dụng Anki, bạn hãy tải về bản ghi âm các từ ví dụ, và đưa chúng vào thẻ học của mình. Nếu muốn, hãy bỏ qua ký hiệu phiên âm ( ) cho các thẻ ví dụ trong cuốn sách này. Mặt khác, nếu bạn đang sử dụng một hộp Leitner, bạn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những ký hiệu phiên âm. Trong khi đang học với thẻ, cũng hãy đảm bảo rằng bạn vẫn thường xuyên nghe các bản ghi âm như một cách học bổ sung. Không có tác dụng gì với việc ghi nhớ rằng âm ä trong tiếng Đức nghe giống âm ɛ nếu bạn còn không biết âm ɛ nghe như thế nào (Nó nghe giống âm “eh”).
Bước hai: Tìm kiếm các thông tin
Chúng ta sẽ kết nối ba mảnh thông tin với mỗi âm trong ngoại ngữ mới của bạn:
• Âm: Âm này là âm nào? Nó có đặc điểm gì? (Nếu đó là một âm mới, bạn phải dùng lưỡi, môi và dây thanh âm như thế nào để phát âm?
• Nguồn tài liệu: Cuốn sách ngữ pháp/phát âm của bạn, phần Phụ lục 4, các bài viết “IPA for Spanish/ French/ Whatever” (IPA cho tiếng Tây Ban Nha/Pháp/bất cứ ngôn ngữ nào khác) trên Wikipedia, Forvo.com
• Chính tả: Dùng những chữ nào để viết âm này?
• Nguồn tài liệu: Cuốn sách ngữ pháp, từ điển bạn lựa chọn hoặc một cuốn Lonely Planet Phrasebook bỏ túi.
• Từ ví dụ: Từ ví dụ cho âm này là gì?
• Nguồn tài liệu: Phần chú giải thuật ngữ trong cuốn sách ngữ pháp của bạn hoặc phần từ điển cụm từ bỏ túi.
Bước ba: Làm thẻ học
Con đường chuyên sâu/bình thường/“làm mới”: Làm hai loại thẻ với mỗi âm (Tôi đã đơn giản hóa các thẻ này xuống đến mức chỉ còn những thứ cần thiết nhất, do đó các tấm thẻ đều như nhau ở cả ba con đường.)
Loại thẻ 1: Chữ này đọc lên sẽ như thế nào?
(Ví dụ, chữ ä như trong từ Lächeln [nụ cười] của tiếng Đức đọc lên sẽ là [bản ghi âm]/lɛçln)
THÔNG TIN VỀ TIẾNG ĐỨC TRONG NGÀY!
Tiếng Đức viết hoa mọi danh từ của nó, đó cũng là lý do tại sao tôi đang làm thế ở đây!
Loại thẻ 2: Từ ví dụ này viết như thế nào?
(Ví dụ, [bản ghi âm của từ Lächeln (nụ cười)]/lɛçln viết ra sẽ là L-ä- c-h-e-l-n)
LOẠI THẺ 1: CÁCH VIẾT CHÍNH TẢ NÀY ĐỌC LÊN SẼ THẾ NÀO?
CÁC TÀI LIỆU Ở TRONG TẦM TAY BẠN
Bạn sẽ tìm thấy một danh sách đầy đủ các nguồn tài liệu về phát âm trong phần Hãy làm điều này ngay ở Chương 3. Với các bài kiểm tra cặp từ tối thiểu, hãy tới Fluent- Forever.com/chapter3.
Đây là nơi bạn sẽ bắt đầu kết nối cách phát âm với chính tả. Bạn sẽ cần các từ ví dụ cho mỗi cặp chính tả và phát âm trong ngoại ngữ của mình. Bạn chắc chắn sẽ tìm thấy một danh sách những từ ví dụ như vậy trong phần mở đầu của cuốn sách ngữ pháp, nhưng nếu không, bạn có thể tham khảo Wikipedia (tìm từ khóa “IPA for Spanish” [IPA cho tiếng Tây Ban Nha], “IPA for French” [IPA cho tiếng Pháp], v.v..) Nếu đang sử dụng Anki, cứ thoải mái bỏ qua phần ký hiệu phiên âm; bạn chỉ cần chọn lấy các từ ví dụ và tìm bản ghi âm cho mỗi từ đó.
BẠN CẦN GHI NHỚ CÁC THÔNG TIN QUAN TRỌNG SAU:
• Âm: Cách viết chính tả này đọc lên sẽ như thế nào? Bạn có thể đọc nó lên không? Nếu cùng một cách viết chính tả này có thể viết ra vài âm khác nhau (như nhóm từ sau trong tiếng Anh: tough/ though/through/thought), vậy bạn sẽ làm một thẻ cho mỗi âm trong các âm khác nhau đó, cùng với một ví dụ thích hợp cho mỗi âm. (Ở đây chữ ä trong Lächeln đọc lên nghe giống như “eh”).
CÁC ĐIỂM THƯỞNG (NẾU CÓ THỂ NGHĨ VỀ CHÚNG KHI ÔN TẬP LẠI THẺ, BẠN SẼ NHỚ CHÚNG DỄ HƠN VÀO CÁC LẦN SAU):
• Toàn bộ từ: Bạn có thể phát âm toàn bộ từ này, chứ không chỉ từng âm của nó không?
• Từ ví dụ: Bạn có thể nghĩ ra bất cứ từ nào khác cũng sử dụng âm này không? Bạn có thể nhớ cách viết chính tả, cách phát âm, hoặc nghĩa của nó không?
Hãy sử dụng bản ghi âm của toàn bộ từ ví dụ (Lächeln) thay vì của từng âm đơn lẻ (“eh”). Một phần bởi rất khó để tìm được các bản ghi âm cho từng âm đơn lẻ trong một ngôn ngữ. Thậm chí còn rất khó để tạo ra các bản ghi âm như thế. Hãy nhớ rằng đây là các âm, thay vì chỉ là các chữ cái, và đôi khi các âm xuất hiện một mình. Dù chúng ta có thể biết cách phát âm chữ u, nhưng khó có thể phát âm chính xác âm “u” như trong từ put mà không có p và t ở gần. Vì vậy, hãy lấy các bản ghi âm của toàn bộ từ ví dụ. Bạn sẽ có thể tìm thấy chúng trên Forvo.com.
Bất cứ khi nào có thể, hãy chọn những từ ví dụ dễ hình dung. Nhìn chung, sách giáo khoa sẽ cung cấp cho bạn một danh sách các từ ví dụ cùng cách viết chính tả của chúng trong chương đầu tiên hoặc chương thứ hai. Nếu những từ ví dụ này cụ thể và dễ hình dung (ví dụ: p trong pizza, gn trong gnocchi), hãy sử dụng chúng. Nếu không (a cho abstraction), hãy tìm các từ có cách viết chính tả tương tự trong phần chú giải từ mới ở cuối sách. Nếu cuốn sách giáo khoa của bạn không bàn về phát âm, hãy bỏ nó đi ngay lập tức và kiếm một cuốn khác tốt hơn.
Khi đã có những ví dụ hấp dẫn cho mỗi cặp phát âm và chính tả, hãy chọn một hình ảnh cho mỗi từ ví dụ trên Google Hình ảnh và gắn nó vào mặt trước của mỗi tấm thẻ. Việc này sẽ giúp bạn nhớ lại cách viết chính tả, phát âm và từ ví dụ trong tương lai.
Bạn có thể sử dụng các thẻ này để học một bảng chữ cái mới. Ở đây, chúng ta đang học chữ p trong tiếng Nga, có cách viết khá giống biểu tượng toán học cho số pi (п) vậy. Để học được nó, chúng ta sẽ sử dụng từ “hộ chiếu” trong tiếng Nga, mà đọc lên nghe như “pahspert”.
NẾU BẠN ĐANG HỌC TIẾNG TRUNG HOẶC TIẾNG NHẬT
Cả hai ngôn ngữ này sử dụng các ký tự mà chủ yếu đại diện cho toàn bộ thay vì âm. Vì hiện tại chúng ta đang tập trung vào các âm, nên chúng ta sẽ sử dụng những hệ thống chữ viết thay thế. Đối với tiếng Trung Quốc, bạn nên tìm học các âm theo cách viết Pinyin (như là Nĭ Hǎo, thay vì 你好), và trong tiếng Nhật, bạn nên học với cách viết Hiragana và Katakana, hai hệ thống chữ viết được dùng trong tiếng Nhật có chứa các thông tin về phát âm.
LOẠI THẺ 2: VIẾT TỪ NÀY THẾ NÀO?
Bạn có thể tái sử dụng mỗi từ ví dụ của mình để khắc sâu các quy tắc chính tả trong ngoại ngữ mới. Ở đây, chúng ta sẽ tái sử dụng từ tiếng Đức Lächeln (nụ cười). Các thẻ trông sẽ như thế này:
BẠN CẦN GHI NHỚ CÁC THÔNG TIN QUAN TRỌNG SAU:
• Cách viết chính tả: Bạn có nhớ cách viết từ này không?
KHÔNG CÓ ĐIỂM THƯỞNG NÀO CẢ! CHỈ RIÊNG CÁCH VIẾT CHÍNH TẢ ĐÃ ĐỦ PHỨC TẠP RỒI!
Các thẻ này có thể sẽ hơi khó học trong thời gian đầu. Mỗi thẻ kết hợp một loạt các quy tắc chính tả cùng một lúc. Bởi chưa học được hết tất cả các quy tắc đó, bạn có thể sẽ khó nhớ đúng chính tả từng từ. Đừng lo lắng! Trong vòng vài ngày, bạn sẽ học qua tất cả các cách viết chính tả và các cách phát âm có thể, và bạn sẽ bắt đầu dễ học hơn nhiều. Hệ thống nhắc lại cách quãng sẽ đảm bảo rằng bạn có thể ôn lại thẻ một cách hiệu quả, và chẳng mấy chốc bạn sẽ nói được các từ tiếng Đức.
Bước bốn: Làm theo hệ thống nhắc lại cách quãng và Học bằng thẻ học
Hãy học 30 thẻ học mỗi ngày. Trong quá trình học, bạn sẽ cho hệ thống nhắc lại cách quãng của bạn biết những gì bạn nhớ. Nếu đang sử dụng Anki, bạn sẽ nhấp vào một trong các nút tương ứng với “Yup, I remember” (Có, tôi có nhớ) hoặc “Oops, I forgot” (Rất tiếc, tôi quên mất rồi), và nó sẽ tự động sắp xếp lại các thẻ của bạn cho phù hợp, để bạn luôn ôn lại từng tấm thẻ của mình ở thời điểm lý tưởng gần nhất, trước khi quên chúng. Nếu đang sử dụng một chiếc hộp Leitner, bạn sẽ làm theo các quy tắc của trò chơi chiếc hộp Leitner, di chuyển thẻ mà bạn nhớ lên trên và những tấm thẻ mà bạn quên xuống dưới. Khi làm điều này được một hoặc hai tuần, bạn sẽ sẵn sàng để chuyển sang học từ vựng (Chương 4).