III
Trương đứng lại nhìn cái biển đồng:
"Bác sĩ TRẦN ĐÌNH CHUYÊN
Chuyên trị bịnh đau phổi và đau tim"
Bên cạnh phòng khám bệnh là bệnh viện của Chuyên mới mở. Trương cau mày tự nhủ:
- Trong lúc mình thế này thì nó cứ giàu ùn lên mãi.
Trương nhìn quần áo và lấy làm bằng lòng về các nếp mới ủi xong, còn thẳng thắn.
- Chuyên khó lòng biết mình nghèo khổ, mình phải tỏ ra cho Chuyên biết là mình còn sống mà sống sung sướng nữa. Xem anh ấy nghĩ sao?
Chàng xoa tay đi đi lại lại trong phòng khách đợi đến lượt mình. Một lúc sau Chuyên ở trong phòng bên bước ra. Trương nhìn lại nhìn thẳng vào mặt Chuyên và đợi xem Chuyên sẽ ngạc nhiên như thế nào. Chàng thấy Chuyên không ngạc nhiên gì cả, giơ tay bắt tay chàng, nhe răng ân càn hỏi:
- Anh Trương lâu lắm không gặp anh. Có việc gì đấy?
Trương ngầm nghĩ:
- À! Thì ra nó không thèm nhớ đến nữa.
Chàng tức ứ lên cổ, hai tay bắt đầu run.
Chàng không giữ được nữa:
- Anh cười à? Cười gì?
Chuyên chưa nhận thấy vẻ giận dữ của Trương, giọng nói bỡn thân mật:
- Lâu ngày không gặp anh, mừng thì cười chơi chứ cười gì?
- Anh không biết tôi ốm sắp chết đến nơi à?
Chuyên chột nhớ ra: phải, đã lâu lắm, Trương có khám bệnh, chàng có nói lỡ câu gì? Chuyên dần dần nhớ lại rõ hết cả. Thấy Trương nói Trương sắp chết, chàng mừng rỡ, chàng sung sướng nữa, sung sướng thấy lời dự đoán của mình đúng với sự thực. Chuyên liếc mắt nhìn Trương, nhưng sao Trương vẫn kỏe mạnh nhưng thường. Bán tín bán nghi, chàng bịa ra một câu nói mập mờ:
- Tôi thấy nói từ độ ấy anh chịu khó chữa lắm cơ mà?
Trương tưởng là Chuyên biết rõ các việc chàng làm nên nói mỉa chàng:
- Vâng tôi chịu khó chữa lắm. Anh biết à? Người ta nói đến tai anh hay là anh xem nhật trình?
- Sao lại xem nhật trình?
Trương nghĩ thầm:
- Không, Chuyên chưa biết. Càng may.
Chàng cười vui vẻ, nói tránh đi:
- Nghĩa là nếu cứ tin đúng như lời anh nói thì tất cả đã được đọc trong nhật trình bản cáo phó về cái chết của tôi.
Chuyên co người rụt cổ cười để hở cả lợi. Trương tử hỏi tại sao Chuyên lại có thể cười được vì một câu nói không có gì đáng buồn cười. Trương nhìn Chuyên và lúc đó chàng thấy Chuyên có vẻ "ngốc" quá, chàng đâm ra muốn cười và cất tiếng cười thật to theo Chuyên.
Bao nhiêu cái tức giận chứa chất trong lòng tự nhiên tiêu tan đi hết. Chàng thấy tức Chuyên là vô lý. Chuyên không lừa chàng, chính Chuyên là người đã bị chàng đánh lừa. Bây giờ không biết có nên cho Chuyên vào tròng một lần nữa không?
Chuyên nói:
- Đấy tôi đã bảo anh đừng lo. Phải thế mới khỏi bệnh. Người ta chữa bằng ý chí nhiều hơn là bằng thuốc.
- Anh nói rất phải. Tôi cứ phải tự bảo tôi: thế nào cũng khỏi, tất phải khỏi. Mà bây giờ thì tôi đã khỏi hẳn rồi, hay nói cho đúng sắp sửa khỏi hẳn không bao giờ đau ốm nữa.
- Anh vào đây tôi xem một lần nữa.
Chuyên nói chen vào trước khi Trương nói hết câu nên không để ý đến nghĩa bóng câu nói của Trương.
Trương bận về ý nghĩ riêng nên đi theo Chuyên như cái máy. Lúc vào chàng không có ý định để Chuyên khám bệnh. Đối với chàng bây giờ ốm nặng hơn hay khỏi hẳn đằng vào cũng vậy. Chàng lãnh đạm, chán nản hết cả. Chàng không hiểu tại sao tình yêu Thu trước kia lại làm chàng tiếc đời và đau khổ đến như vậy. Giờ thì chàng được sống và mất hẳn tâm ái tình đó, nhưng chàng không thấy khổ lắm vì mất hẳn tình yêu của Thu và cũng không thấy vui lắm vì còn được sống ở đời.
Chuyên tắt đèn, cho máy điện chạy và nói lẩm bẩm mấy câu. Trương không để ý nghe vẫn theo đuổi ý nghĩ riêng: chàng thấy sống ở đời như bị giam vào trong một cái buồng tối và chỉ muốn thoát ra khỏi. Cái tưởng quyên sinh đã nhiều lần hiện ra, nhưng chàng biết không có sức để đầy cánh cửa nặng nề ấy. Thế mà chỉ có một cái tội chết là có thể giúp chàng chuộc đươc hết các tội lỗi, làm ngắn cái khổ phải chịu một cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa, cái khổ sống gượng này còn lớn gấp mấy cái khổ tiếc đời trước kia.
Tiếng Chuyên lọt vào tai chàng:
- Bây giờ anh có thể bớt lo được rồi. Nhiều hy vọng ghê lắm. Có thể nói là khỏi.
Trương mỉm cười ngầm nghĩ:
- Giá Chuyên bảo mình mai kia ngoẻo có phải hơn không?
Tuy không tin gì lời của Chuyên, nhưng chàng vẫn không giữ được một thoáng vui thầm hiện ra trong lòng khi nghe tiếng chuyên nói bệnh chàng đã gần khỏi.
Chuyên nói bằng tiếng Pháp:
- Gần hết biến thành sẹo cả rồi.
Trương cười bước xuống đất:
- Thành sẹo. Thế trông có xấu đi nhiều không?
Ra đến ngoài buồng giấy, Trương sực nghĩ đến cái thất vọng ban sáng, cái thất vọng đã làm chàng thấy nhói ở quả tim khi biết Thu không đến hãng Etrier. Chàng hỏi:
- Thế còn quả tim?
Chuyên cho là Trương nhớ đến câu nói lầm của chàng độ trước.
- Quả tim! Phổi khỏi thì tim cũng khỏi.
- Chắc không?
- Cái gì chứ cái ấy là chắc lắm. Anh tin ở tôi.
Trương cầm mũ bắt tay từ biệt Chuyên.
Chàng thấy lạnh ở đầu và vội vàng đội mũ nhanh.
- Quái lạ, sao Chuyên không để ý đến cái đầu cạo trọc của mình.
Cũng vừa thấy Chuyên để ý tới. Chàng nói:
- Phải đấy, mùa hè hớt thế lại mát. Theo lối Nhật Bản đấy mà.
Trương cười:
- Đấy là theo lối lýnh mới đằng hay nói cho đúng theo lối tù nhà pha.
Trương nói đùa và cười thật vui vẻ, vờ như đã quên bằng việc trả tiền khám bệnh… Còn Chuyên thật tình không muốn lấy tiền của Trương nhưng chàng khó chịu rằng Trương quên không nghĩ tới.
Trương giơ tay lên xốc lại cổ áo, cố làm cho Chuyên tưởng là định lấy ví trả tiền.
Chuyên nói:
- Thôi, chỗ anh em.
Trương mỉm cười cám ơn rồi đi ra. Khi ngang qua hiệu cao lâu trong đó chàng đã ngồi uống và phê với Quang một lần, Trương bất giác ngừng lại nhìn vào.
- Không biết bây giờ Quang làm gì? Đã lâu lắm không gặp.
Trương buồn rầu nhận thấy rằng chỉ trừ những ngày thơ ấu sống êm đềm trong gia đình, còn thì suốt đời bao giờ chàng cũng có độc, lúc này chàng mới biết rằng chàng không hề có một người bạn thân nào có thể an ủi được chàng. Mà như vậy lỗi ở cả chàng, không ai yêu chàng lâu chỉ vì tính chàng, chàng cũng không yêâu ai được lâu bền. Tự nhiên chàng thấy tình yêu của chàng nhạt hẳn trước khi biết Chắc chắn là Thu không yêu chàng nữa.
- Mình ích kỷ quá sợ phải khó chịu vì người ta không yêu mình nữa nên mình phải liệu không yêu người ta ngay từ trước.
Trương vào một hiệu cao lâu ăn cơm rồi về nhà sớm để viết nốt bức thư định đưa cho Thu hôm thứ bảy này.
Buổi chiều nóng và oi ả. Trương kéo cái chõng ra ngồi ở sân sau đọc lại đoạn đã bắt đầu bức thư. Xem xong chàng xé nhỏ vứt đi vì không lấy làm vừa ý. Trương ngồi suy nghĩ định lại cách viết cho thật khéo, chàng thấy rất khó khăn vì bây giờ chàng không chân thật nữa, nhưng phải làm cho Thu tưởng chàng chân thật hơn trước.
Có nên viết nữa không?
Trương thấy không nên chút nào, chàng cũng thấy không muốn lắm nữa, nhưng thôi thì chắc không thể thôi được. Yên lặng để cho Thu xa chàng, để cho Thu khinh thường chàng, còn chàng, chàng chỉ việc nhẫn nhục và chết rấp ở một xó nào, không thể thế được, không đời nào chàng chịu thế.
Cái ý muốn của chàng lúc đó chàng thấy nó bừng bừng ở trong người, không có lẽ phải nào ở đời làm ác được, họa chăng chỉ có cái chết bất thình lình đến ngăn cản được chàng.
Một tiếng chim kêu nhỏ và thanh khiến Trương ngửng đầu nhìn lên cành soan tây. Chàng mỉm cười đưa mắt tìm. Đã năm sáu hôm nay, chiều nào cũng vậy, có một đàn chim khuyên bay đến cây soan tây, rối rít kêu gọi nhau một lúc rồi lại bay đi. Nó đến đúng giờ lắm nên Trương chắc vẫn chỉ là một đàn chim và cái cây này là cái trạm kiếm ăn cuối cùng của chúng nó trước khi về tổ. Trương tự nhiên sinh ra yêu mến trong mỏi đàn chim nhỏ chiều nào cũng đêm lại cho chàng một lúc vui rít; chàng tiếc rằng chúng đến vội vàng quá hình như chúng sợ trời tối. Chàng sung sướng khi nào thấy một con nấn ná ở chậm lại, chàng cố tìm để thấy con chim ấy lẹ làng bay trên các cành lá. Nhưng có tiếng gọi ở xa, con chim cuối cùng kêu lên mấy tiếng rồi cũng bay vụt đi mất. Đàn chim bay để lại trong lòng chàng một sự trống rỗng mông mênh.
Trương lại cúi xuống và bắt đầu viết nắn nót hai chữ "Em Thu" trên trang giấy. Một tràng tiếng ve kêu khàn khàn khiến Trương ngửng đầu nhìn. Có một con chim đen tựa như con chèo bẻo bay đi bay lại rồi đậu yên ở cuối cành cây. Miệng con chim nó ngậm một vật gì, Trương chưa nhìn rõ. Bỗng có một tiếng ve kêu rít lên, tiếng kêu to và gắt, nữa chừng bị ngắt cụt: Trương hiểu là con ve sầu đã bị con chim nuốt chửng. Chàng nhớ đến một bài đăng trong tạo chí khoa học nói về cái chết của con ve, tiếng kêu lên về buổi chiều mùa thu trong mỏ một con chim thường là tiếng kêu cuối cùng, tiếng kêu thương để kết liễu đời những con ve chỉ biết ca hát ròng rã suốt mấy tháng hè.
Trời tối dần: Trương ngừng bút vì không nhận rõ chữ mình viết trên trang giấy. Chàng ngửng nhìn con đường đất dẫn lối vào trong làng khe rào gỗ đã đổ nghiêng. Mấy người đi ngang, quần áo họ Trương thấy trắng hẳn lên trong bóng chiều mờ ờ. Tiến họ nói nghe xa như ở một thế giới khác đưa lại. Tự nhiên thấy lòng mình êm ả lạ lùng: vô cớ chàng nghiêng đầu lắng tai nghe và lẩn với tiếng những người qua đường, chàng thấy tiếng Nhan thỏ thẻ bên tai:
- Em vẫn đợi anh trong ba năm nay…
Cùng một lúc hiện ra hai con mắt đẹp hẳn lên vì sung sướng nhìn chàng sau bức giậu xương rồng, một buổi sáng mùa thu ở quê nhà.
Trương ngồi yên như thế lâu lắm, hai ngón tay chàng cầm lỏng lẻo tờ giấy trắng trên mới có viết có hai chữ "Em Thu".
IV
Em Thu, "Giờ mới đến lúc anh nói rõ hết mọi sự thực với em. Anh chỉ viết cho em tất cả có hai bức thư. Một bức thư đầu tiên ở ấp và bức thư cuối cùng trước khi không bao giờ còn được trông thấy em nữa.
"Người sắp đi xa chỉ xin em trước khi đọc bức thư này saÜn lòng tha thứ cho một người đau kho, mặc dầu người ta đau khổ, vì chính những việc tự mình gây ra đau khổ quá rồi thì người ta có nhiều hi vọng được người khác thương tha thứ cho hết các tội lỗi.
"Chắc trong hơn một năm nay em cũng không biết phong phanh rằng anh mắc bệnh ho, nhưng có một điều em không biết và không ai biết cả trừ thầy thuốc và anh…"
Viết đến đây, Trương thoáng nghĩ đến Mùi và bức thư giao cho Mùi. Chàng cố nhớ lại để viết theo đúng bức thư trước.
"Bệnh ho của anh nặng hay nhẹ, cái đó không quan hệ gì, chỉ có một điều quan hệ nhất là anh chắc chắn rằng anh sẽ chết".
Trương gạch mạnh mấy cái dưới hai chữ "Chắc chắn" để Thu chú ý.
"Anh chắc chắn sẽ chết ngay trong lúc anh được biết chắc chắn rằng em yêu anh. Còn gì khổ cho anh hơn. Anh nghĩ không gì hơn là xa em ra. Độ ấy anh đã xa được em. Nhưng anh đã chịu bao nhiêu đau khổ để có thể xa được em và cũng từ lúc xa em là lúc anh bắt đầu "chết".
"Vì không cần gì nữa, anh đã tự phá hủy đời anh. Anh bỏ học và có bao nhiêu tiền anh đem phung phí hết trong các cuộc vui. Anh có thích gì đâu! Nhưng không lẽ cứ chịu ngồi đấy đợi cái chết đến. Ngồi yên cũng không thể được. Anh chỉ có một thân một mình, anh không biết lấy ai để an ủi. Có em, có mình em thôi, nhưng phải xa em ra, cố làm cho em ghét anh.
"Bây giờ anh mới thấy chơi bời liều lĩnh như vậy là vô lý, là dại dột vô vùng. Nhưng hồi đó, biết mình chắc chết nên công việc ấy tự nhiên lắm. Phải thế, không thể khác được. Chơi bời đủ mọi cách nhưng anh chỉ thấy chán nản, thấy đau khổ. Đến nỗi về sau anh lại mong cái chết đến, đến thật mau để anh khỏi chịu khổ như thế mãi. Giá mà không có em? Không có em, anh sẽ không còn tiếc gì đời nữa, coi cái chết nhẹ như không. Nhưng tại sao vậy, bây giờ anh chưa đoán ra, tại sao em lại đến với anh hôm đó. Em yêu anh nhưng em lại cũng thương nữa, cũng có lúc anh lại thấy hy vọng trở lại vì em, nhớ em. Nhưng dầu em muốn thế nao đi nư84a cũng không thể cưỡng lại số trời, chữa khỏi được một người thế nào cũng chết.
"Em Thu ơi! Tội của anh bắt đầu từ đây và xin em tha lỗi cho anh. Anh lừa dối em, anh đã lừa dối em một cách khốn nạn. Anh tự xét không còn xứng đáng với tình yêu của em nữa, nhưng anh yêu em quá yêu quá lắm nên anh không dám nói ngay sự thực cho em biết. Anh giấu em và dùng em phải, anh đã dùng em để khuây khỏa những ngày còn sống thừaanh khốn nạn đến nỗi cứ nuôi lấy tình yêu của em để được chút sung sướng vớt vát lại đôi chút ở đời cũng như trước kia anh dùng những gái nhảy, ả đào, gái giang hổ để mau vui trước khi từ giã cõi đời. Xin lỗi em, xin lỗi em Thu, người mà anh đã yêu nhất trên đời, mà anh biết chắc sẽ yêu mãi mãi đến muôn vàn năm".
Viết đến đây, Trương nhếc mép mỉm cười, chàng chép miệng "hà" một tiếng rồi viết:
- "Thu tha lỗi cho anh, anh đã khổ quá rồi. Yêu em đến như thế mà không thể sống ở đời để thờ phụng được em. Em ơi, em có biết không, viết đến đây anh thấy nước mắt cứ tràn ra, anh khóc cho tình yêu của anh với em, đáng lẽ…"
Thực tình Trương cũng thấy thổn thức khi viết mấy dòng chữ ấy, nhưng không đến nỗi nước mắt cứ tràn ra như chàng viết trong thư. Trương nhớ đến chuyện Madame Bovary và anh chàng nhân tình của bà Bovary lấy nước rỏ vào bức thư giả vờ như mình đã khóc. Chàng nhớ lại khi đọc đến đoạn ấy hồi đó Trương còn đi học chàng rất đỗi ghê sợ cho lòng quỷ quyệt của đời người và thấy rùng rợn ngượng giùm cho sự giả dối của anh chàng. Trương nghĩ nếu rỏ nước ngay vào câu này một cách rõ ràng quá Thu tinh ý tất cả sẽ cho chàng đã định tâm, đây không phải nước mắt mà chỉ là nước lã hay nước bọt. Thu sẽ sinh nghi và việc của chàng sẽ hỏng mất. Lát nữa ở một câu khác chàng sẽ rỏ mấy giọt nước, như thế tự nhiên hơn. Trương viết tiếp:
"Nhắc lại làm gì nữa thêm đau lòng. Nhắc lại làm gì nữa những cái sướng của anh khi được gần em, cả hôm ở thầy chùa nữa, em còn nhờ không, em Thu. Nhưng rồi anh phải xa em, phải xuống Hải Phòng tìm việc lắm. Anh nghĩ không sống được bao lâu nên việc làm đối với anh nặng nhọc quá. Lúc nào anh chỉ muốn được gần em, được chết bên em. Thế là xảy ra việc đáng tiếc ấy. Đáng tiếc đến bây giờ chứ độ ấy anh cần gì. Được, anh sẽ trả tiền cho họ, lên Hà Nội với em. Thua, anh sẽ chịu ngồi tù và đợi cái chết đến. Nếu em ghét anh ư? Càng hay, vì anh chỉ mong thế để em khỏi đau khổ khi biết tin anh chết. Nhưng anh biết rằng em vẫn yêu anh. Thế mà bây giờ… anh vẫn hãy còn sống, có lẽ sống lâu như mọi người khác. Thầy thuốc đã bảo anh biết rằng bệnh anh tự nhiên khỏi hẳn. Chính thầy thuốc cũng không ngờ, không hiểu tại sao lại có sự lạ lùmg ấy. Vì anh khỏi hẳn nên mới có bức thư này gửi cho em…"
Trươngngừng lại, chàng nghĩ thầm rằng Thu đọc đến đây chắc hỏang hốt tưởng mình sẽ lấy Thu làm vợ. Không thể thế được, cái đó đã cố nhiên rồi như trong thân tâm chàng cũng không thấy thích lắm. Suốt đời ở bên Thu, lúc nào cũng gắn sức để có xứng đáng với tình yêu của Thu, gắng sức yêu, cố mà yêu, để cho khỏi thẹn với tầm ái tình cao quý, vẫn đinh ninh từ trước đến giờ. Trương thấy trước rằng một đời sống như thế sẽ khó khăn quá, chật vật quá.
Trương đọc lại bức thư từ đầu, chàng ngạc nhiên thấy bức thư đúng như hệt sự thực tuy không một lúc nào chàng thấy mình thành thực cả.
Bên cạnh có tiếng hát ru con từng đoạn đứt khúc, rời rạc. Trương vừa lắng tai nghe vừa viết:
"Bây giờ anh khỏi hẳn rồi, nhưng anh tự xét không còn xứng đáng với em nữa. Em đừng cãi. Anh thấy thế lắm, đó là một điều nhất định rồi. Em ở trên cao, như một nàng tiên trong sạch đứng trong vầng ánh sáng không vẫn chút bụi. Còn anh? Nói làm gì nứa Anh đã sa ngã xuống vũng bùn lầy đen tối, nhem nhuốc, anh khỏi rồi, kkhông sợ chết nữa, nhưng bây giò chỉ có cách chết, có một cách hủy thân đi mới thực sự là biết yêu em, biết tự trọng, biết quý em. Đã có lúc, có nhiều lần anh nghĩ đến kế ấy nhưng anh thấy rõ hèn nhát quá."
Trương lại mỉm cười khi hạ bút viết hai chữ "hèn nhát" vì chính chàng hèn nhát nên mới kinh sợ không dám thi hành kế đó. Trương không hiểu anh chàng nào đã cho tự tử là hèn nhát: anh chàng ấy không hiểu một tý gì về tâm lý.
- Thử cho anh ấy một trường hợp cần đến tự tử anh ấy biết thân.
Trương để ý nghĩ loanh quanh:
- Các nhà luân lý học ở nhà trường dạy người ta: tự tử là hèn nhát, để mong người ta đừng tự tử, thực là những anh chàng ngốc. Cứ bảo người ta tự tử là anh hùng cũng chẳng ai muốn anh hùng làm gì, mà cũng chẳng một người nào tự tử chỉ vì sợ mình là hèn nhát cả.
Trương viết tiếp:
"Em Thu, chỉ là một cách là đi xa. Anh sẽ đi thật xa không cho em biết ở đâu, và thề không bao giờ trông thấy mặt em nữa. Xin em quên anh đi: thật yêu thương anh thì chỉ còn một cách ấylà hơn cả.
Cái vui ở đời anh có lẽ không bao lâu nữa, ở chốn xa xôi, anh được tin em lập gia đình."
Nghĩ đến việc dự định, Trương rùng rình trừng trừng nhìn ngọn đèn hoa kỳ. Chàng thấy trước mắt lóe ra từng vòng tròn ánh sáng xanh đỏ.
"Anh được biết em sung sướng. Anh không ao ước gì hơn nữa. Không được hạnh phúc lấy em làm vợ thì anh xin em cái quyền yêu em như thế vậy. Xin em đừng buồn phiền vì sự thực thế nào em đã biết. Em nên biết nhìn rõ sự thực, em đừng liều. Không phải là không yêu nhau đâu… chính thế mới là yêu, thực là biết yêu nhau. Em nghe anh đấy. Anh yêu em đến như thế nào em đã biết rồi, anh dựa vào để tự cho mình có quyền đối với em, bắt em phải nghe theo.
"Anh sửa soạn cả rồi. Độ ít bữa nữa, anh sẽ đi. Trước khi đi, anh chỉ xin em ban cho anh một điều, như ban cho một người hấp hối chết. Trước khi không bao giờ còn được mặt nhau nữa, anh muốn gặp em lần cuối cùng, được trông thấy em, được nói chuyện với em. Hoặc…"
Trương ngừng lại ngầm nghĩ:
- Chỗ này phải khéo lắm mới được.
"…Về chơi chùa Láng hoặc nếu sợ gặp người quen thì ta đi đến cảnh nào xa hơn, hoặc vào một hiệu cà phê nào nói chuyện, tùy liệu sau, nhưng gặp nhau ở một cảnh đẹp, ngoài ánh sáng mặt trời có lẽ thích hơn".
Trương định tâm nếu Thu nhận lời chàng sẽ dùng tiền còn lại, thuê ô tô đưa Thu về mạn Đông Triều. Tại sao mạn Đông Triều, chàng cũng không rõ. Chàng nhớ lại đã lâu lắm chàng có đi qua đấy một lần và từ đó không bao giờ trở lại nữa. Miền ấy đối với chàng có vẻ một miền xa xôi để chàng quên hết những chuyện cũ, quên hết trong tay Thu trước khi từ giã cõi đời. Đi qua bến đò Đông Triều, nước trong và phẳng, nhìn về phía xa có một dãy đồi chạy dài theo ven sông. Trên đồi có một rừng thông rất rộng mà có lẽ khách du lịch Hà Nội ít người đã đặt chân tới.
Trong bức thư Trương có ý một cách rất mập mờ về chỗ đi chơi để Thu không nghi ngờ là chàng định tâm sửa soạn từ trước. Chắc chắn là thế nào Thu cũng nhận lời, dẫu Thu không còn yêu chàng nữa.
- Còn gì hơn? Chỉ một lần này thôi là thoát khỏi hẳn cái anh chàng kỳ quặc và bận bịu ấy. Ta liệu tỏ rất khéo cho Thu biết rằng nếu Thu từ chối, Thu sẽ bị ta quấy rầy một cách khó chịu vô cùng. Thu cũng không sợ ta xúc phạm đến vì một là từ trước đến nay ta vẫn rất kính trọng Thu, hai là đi chơi ở một nơi như chùa Láng chẳng hạn, thì còn có gì sợ hãi, cho dầu Thu vẫn nghi là ta có tà tâm.
Chàng viết tiếp:
"Hôm sau anh sẽ đợi em trả lời. Không khó gì cả. Tối mai đúng chín giờ anh sẽ đến nhì cửa buồng em. Nếu đóng cả hai cánh là em từ chối. Nếu em nhận lời thì em đóng một bên cánh cửa và mở một bên. Em nhớ thắp đèn sáng trong buồng. Ngày thường em bớt tóc thì hôm đó em vấn tóc trần và nhớ đeo kính đen để người ta khỏi nhận ra em. Đúng tám giờ sáng thứ tư em đến phố này vắng lắm. Anh sẽ đợi em ở đấy, muốn cho kín đáo, có ô tôi đưa chúng ta đi chơi".
Trương loay hoay rẽ sang bên cạnh lối đi đến phố chàng ở, vì chàng cũng nhân tiện muốn cho Thu biết chỗ chàng để phòng xa.
"Em biết cho rằng anh phấp phỏng đợi em trả lờ lắm đấy. Chẳng lẽ em nỡ từ chối một việc cỏn con ấy, từ chối anh, người đã yêu em hơn hết cả mọi sự trên đời, giờ phải tự ý xa em và chỉ dám xin em một cái ơn huệ cuối cùng này thôi. Nếu em từ chối thì khó lòng anh đi được nữa. Mong em đến, em Thu, em đến để giúp anh có can đảm xa em, cái kỷ niệm cuối cùng ấy sẽ an ủi anh mãi mãi và sẽ như tia nắng ấm áp chiếu vào cuộc đời lạnh lẽo của anh sau này.
"Không phải lỗi ở em, vì em, vì có em sống trên đời, sự tình cờ rủi cho anh gặp em nên anh mới đau khổ đến thế, đau khổ mà sung sướng. Dẫu sao, anh cũng cám ơn em, cám ơn em đã cho anh biết thế nào là tình yêu như người tin đạo cám ơn Chúa đã bắt mình chịu đau khổ.
"Xa em, anh vẫn thờ phụng em ở trong lòng.
"Người đã đuợc cái diễm phúc em thương đến."
Trương ký tên rồi nhúng tay vào chén nước trên bàn rỏ mấy nhọt vào quãng giữa bức thư. Chàng lấy tay áo thấm qua cho nước làm hoen nhòe mấy chữ.
Trương không buồn đọc lại bức thư, tắt đèn nằm yên đợi giấc ngủ đến. Nhà bên cạnh hôm nay cũng tắt đèn sớm, chắc là không có khách. Một lúc sau lại có tếng hát rời rạc và buồn thiu:
- Sân lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Buồn trong cửa bể chiều hôm…
Tiếng người chồng gắt:
- Hát buồn bỏ mẹ. Thôi im đi cho người ta ngủ.
Trương mỉm cười: tấn kịch nhỏ ấy đủ diễn hết cả nỗi buồn của đôi vợ chồng sa sút một đêm vắng khách, cũng đương nằm ngủ không được vì nhớ quê hương.
Trương nhớ lại ban chiều đi qua nhà chớp bóng thấy có tên Spencer Tracy, một nọ chàng lầm vì đã cho "họ" giống Robert Tracy. Chẳng nghĩ loanh quanh để khỏi bận tâm đến bức thư nữa và sau cùng ngủ đi lúc nào không biết.