Bướm trắng

Phần 2

IV

Trời tối xe mới đến ấp. Tài xế cho xe đỗ giữa cái sân rộng có thắp mấy ngọn đèn bão. Người nhà chạy ra đón tới tấp trong đó Trương nhận thấy có bà Bát và bà Nghi, thân mẫu của Thu. Bà Bát hỏi:

- Sao mãi đến bây giờ mới về?

Thu nói:

- Xe hai lần chết ở dọc đường.

Bà Bát trông thấy

Trương xuống xe tỏ vẻ mừng rỡ.

- Kìa cả cậu Trương cũng về nữa kia. Anh Mỹ mời cậu ấy lên nhà khách đi. Các cậu chắc đói lắm thì phải. Gần tám giờ rồi còn gì.

Nghe bà Bát nói, Trương mới sực nhớ là từ sáng chưa ăn cơm, chỉ uống có một chén cà phê với Quang. Chàng nhớ lại cuộc hỏi đốc tờ và lấy làm lạ rằng lúc này chàng không bận tâm đến việc ấy nữa.

Chàng có nghĩ đến cũng chỉ thoáng qua. Tay chàng lại sờ vào cuốn sổ mà sáng ngày đã định đốt đi.

Trương cố ý tìm nhưng không thấy Thu đâu nữa. Nàng chắc sẽ bận bịu với những người trong họ và công việc nhà, khó lòng chàng gặp luôn được. Trương theo Mỹ vào chào cụ Thượng rồi lại ra ngay vì cụ đã già lắm không ngồi tiếp chuyện lâu được. Ngoài phòng khách rất đông người, nhưng toàn người trong làng họ cả, Trương không buồn bắt chuyện với ai, ngồi nhìn các bức hoành phi, câu đối đợi lúc ăn cơm:

- Người nhà ăn cơm cả rồi. Đến lúc ăn thế nào chẳng có Thu cùng ngồi ăn.

Nhưng đến khi ăn, Trương cũng không thấy Thu đâu. Lúc chàng rửa tay, một đứa bé mà chàng đoán là em Thu chắp tay sau lưng, đứng dang hai chân tò mò nhìn chàng. Tuy không thích gì đứa bé, chàng cũng nháy mắt nhìn lại nó để làm thân, ngay lúc ấy chàng nhận thấy mình tầm thường và cuộc ái tình của chàng với Thu cũng tầm thường. Một thiếu nữ đẹp, một cậu em trai và mấy công tử làm thân với em để được gần chị, cái cảnh ấy đã nhiều lần Trương nhìn thấy và trước kia chàng tự xét chàng sẽ rất tầm thường nếu chàng là một trong những công tử "bám theo". Bây giờ không ngờ chàng ở trong cái cảnh huống ấy. Trương tự nhủ:

- Nhưng cần gì tầm thường! Yêu nhau thì đến thế nào đi nữa cũng không sợ, còn sợ gì cái tầm thường.

Nghĩ vậy nhưng chàng vẫn mang máng thấy rằng chàng có thể chịu hết các thứ điêu đứng, tủi nhục vì yêu Thu, chịu hết chỉ trừ cái sự tầm thường.

Trương rủ Mỹ và Hợp đi xem qua nhà nhưng ý chàng chỉ cốt gặp mặt Thu, chàng tò mò muốn biết cái đời thân mật của Thu ở trong gia đình, Thu có nói nàng đã sống hơn mười năm ở đây và tỏ ra yêu mến chốn này lắm. Đến trước thềm một căn nhà đèn sáng trưng, ba người gặp bà Bát đứng nói chuyện. Trương đưa mắt nhìn vào trong nhà thấy đông các bà các cô đương rộn rịp sửa sọan cỗ bàn. Bà Bát nói:

- Ở nhà nóng ruột đợi xe về.

Hợp nói đùa:

- Chắc không nóng ruột đợi chúng con nhưng nóng ruột đợi các thức vay, bóng hòm xe.

Trương vui vẻ nhận thấy có nhiều thiếu nữ đẹp vì nếu chỉ có một mình Thu là đẹp trong đám người toàn xấu, chàng sẽ không được tự do. Thu ở phòng bên kia đi ra, trông thấy Trương nàng đứng lại, ngập ngừng một lát rồi quả quyết đi về mấy người đứng.

Bà Bát hỏi Thu:

- Chắc cháu mệt lắm.

- Cũng khá mệt.

- Khi nào mệt thì về nhà cũ mà ngủ với dì. Sợ đông khách, dì đã dọn cái buồng chứa tơ mà ngủ cho tĩnh.

Trương lóng tai hồi hộp hình như việc Thu ở đây là một việc rất quan trọng. Mỹ hỏi:

- Thế còn chúng cháu ngủ ở đâu?

- Cũng ở đấy.

Bà Bát nhìn Trương nói tiếp:

- Anh Mỹ với cậu Trương ngủ ở buồng ngoài chỗ cái sập gụ. Không có màn nhưng được cái không có muỗi đâu mà sợ.

Mỹ nói:

- Ngủ thế nào cũng được, miễn là xa chỗ khách khứa. Bây giờ ta về luôn đấy nghỉ vì mấy lần đẩy xe mệt quá.

Trương náo nức như người thành công một việc ước định đã lâu, chàng nghĩ thầm:

- Không nhân dịp này thì không bao giờ nữa.

Trương lại nhút nhát, cho việc mình dự định táo bạo quá.

- Giá mình không yêu Thu lắm thì việc ấy rất dễ. Không yêu thì thành hay không thành mình cần quái gì. Đằng này mình yêu, ngộ lỡ hỏng thì chết mất.

- Hay ta đợi ít lâu nữa đã?

Trương mỉm cười vì chàng nghĩ đến cái chết nó cũng đương đợi chàng: không lẽ lại đợi đến khi sắp chết.

Mấy người cũng đi về phía vườn sau. Trong vườn đen, chỉ còn rõ con đường lót gạch Bát Tràng mờ mờ trắng. Thỉnh thỏang Trương phải cúi đầu cho khỏi chạm vào cành cây, dưới một cái ao gần đấy. Bóng một cành tre in ngược, ngọn trúng vào giữa một đám sao trông như một cây bông vừa tỏa hoa lấp lánh. Trương nói:

- Các anh trông có giống một cây bông người ta đốt không. Chỉ khác là hoa đứng yên một chỗ mãi không rơi xuống.

Thu nói:

- Cây bông xòe ra một tí hoa lại tách ngay người ta mới thích trông.

Yên lặng một lát, nàng nói tiếp:

- Nghĩa là cái gì nó mong manh mới quý.

Lần đầu tiên Trương để ý đến sức học của Thu. Chàng biết mang máng là Thu đã đỗ bằng thành chung nhưng chàng không dò cho biết rõ.

Chàng chỉ biết nhiều câu nói, nhiều cử chỉ của Thu đã tỏ ra nàng có trí thông minh, biết rộng và có thể hiểu được những ý nhị phức tạp. Yêu một người con gái chỉ đẹp thôi không có linh hồn phong phú, hơi lạ lùng thì tình yêu ấy chỉ là tình yêu vật chất tầm thường. Trương thấy Hợp vịn vào vai mình. Hợp nói:

- Cái nhà này trước để cho cậu tôi ở… Ông cậu mà độ nọ anh gặp tôi đi đưa đám ma ấy mà.

Trương hỏi:

- Hôm nào nhỉ?

Chàng làm như quên hẳn hôm đó, hôm gặp Thu lần đầu mà không bao giờ chàng có thể quên. Nói xong chàng nhìn Thu dò xét.

Lúc đó năm người đã vào đến sân, chỗ có ánh đèn, Hợp nói:

- Sau cùng chúng mình lên xe điện.

Trương vẫn ngơ ngác như chưa nhớ ra.

Hợp nhìn Thu:

- Aø hôm ấy có cả Thu nữa, cô Thu nhỉ. Cô ngủ gà ngủ gật trên xe điện mãi.

Trương cũng nhìn Thu và thấy vẻ mặt nàng trở nên lãnh đạm. Chàng đoán là Thu đương khó chịu vì chàng không nhớ đến hôm đó, Thu khó chịu vì chắc chắn là Thu xưa nay vẫn yên chí chàng phải nhớ hôm đó.

Chàng mỉm cười, thầm hỏi Thu:

- Có đúng như thế không? Tôi phải nhớ nhưng tôi làm như không nhớ để trêu chơi đấy.

Trương thấy Thu hơi cau mày nhìn chàng khi chàng mỉm cười: chàng vui thích được thấy Thu có vẻ giận dỗi. Thu ngoảnh lại nói với Hợp:

- Hôm nào nhỉ, em cũng chẳng nhớ nữa.

Hợp bật lên cười:

- Cô này hay. Hôm đưa đám cậu mà cô không nhớ à. Dễ thường phải ăn cháo lú cả hay sao mà không ai nhớ cả.

Thu vội nói:

- Đi đưa đám thì em nhơ.ù Nhưng em chỉ nhớ vỏn vẹn có thế thôi. Còn từ đấy trở đi thì em không nhớ gì cả, em nhớ làm gì!

Nói xong Thu hối hận đã trót nói thêm câu sau rõ nghĩa quá mà lại vô lý nữa vì có ai hỏi gì đâu. Nàng nhìn theo Trương, Trương cũng nhìn nàng một lúc lâu. Bà Bát đứng trong nhà nói ra:

- Không và còn đứng cả ngoài ấy làm gì nữa?

Trương nói đùa với bà Bát:

- Chúng con đương dở bàn một việc rất quan trọng.

Chàng nói với Hợp:

- Aø, tôi nhớ ra rồi. Hôm ấy cô Thu bận tìm người cai phu mà người cai phu theo ý anh thì vào hàng làm mấy hớp rượu lấy sức. Phải, tôi nhớ ra rồi.

Trương đưa mắt nhìn Thu muốn bảo:

- Đấy cô xem. Tôi nhớ rõ lắm. Cô đừng giận vội.

Hợp định nhắc đến đám ma để nói cho Trương biết ông cậu mắc bệnh đau đớn, khổ sở đã hơn mười năm nay, cái chết là một sự thoát nợ cho ông ta và cả họ. Chàng không ngờ câu chuyện cứ quanh quẩn ở chỗ nhớ quên hôm đưa đám, không quan hệ gì. Chàng ngơ ngác nhìn Trương không hiểu vì cớ gì Trương lại bận tâm về việc nhớ lại hôm đưa đám quá đến thế, chàng quên thì quên, có làm sao đâu. Hợp tự trách:

- Tại mình hỏi. Mình nhớ, mình cứ yên trí là ai cũng nhớ. Lỗi tại mình.

Chàng theo Thu bước vào nhà, không kịp nói chuyện với Trương về bệnh của ông cậu chàng. Trương đưa mắt nhìn quanh. Thu đã vào phòng bên, cởi áo len mặc một cái áo nhiễu trắng.

Nàng kéo các ngăn tủ lục lọi, Trương đã biết đấy là nhà Thu mà vẫn làm lạ thấy Thu đi lại xem xét các đồ đạc bày trong nhà.

Hợp nói:

- Chúng ta ở luôn đây rồi đi ngủ thôi. Anh Trương mai hãy xem nhà, bây giờ tối xem gì rõ.

Trương đáp:

- Cũng được.

Chàng mỉm cười: chàng có cần gì xem nhà lắm đâu.

Thu nói:

- Em cũng chẳng cần về bên nhà nữa. Ngộ mẹ em mắng thì đã có dì đấy.

Bà Bát nói:

- Cô cứ đi nghỉ, mới về mệt ai bắt làm. Vả lại chẳng ai mong cô về để giúp đỡ. Cô thì chẳng được tích sự gì.

Thu cười:

- Con chẳng được tích sự gì cả à! Thích nhỉ… càng được ngủ yên.

Hớp với Trương nằm ngủ ở nhà ngòai, còn Mỹ, Thu và bà Bát nằm ngủ ở buồng trong. Trương đoán là giường Thu sát ngay bức vách gỗ liền ở đầu sập. Mới vào giường, Trương đã nằm yên không nói, làm như đi mệt cần ngủ ngay.

Ở buồng bên, bà Bát và Thu thì thầm nói chuyện.

Trương vừa nghĩ vơ vẫn vừa lắng tai nghe. Ở ngoài vườn tiếng ếch nhái ran lên từng loạt, thỉnh thỏang có tiếng chẫu chuộc nghe lõm bõm như tiếng chân rút mạnh của một người lội trong bùn.

Trương quay lại cái ý tưởng thế nào cũng phải chết mà việc đi về ấp của Thu làm lãng quên. Mới từ sáng đến giờ đã bao nhiêu việc dồn dập tới. Trương nhớ đến mấy bông hoa cẩm chướng và hàm răng của Chuyên nhe ra khi Chuyên xem ngực chàng. Trương cảm thấy mình ghét Chuyên lạ lùng. Nghĩ loanh quanh mãi không có mạch lạc gì, Trương nhắm mắt lại cố ngủ.

Ở buồng bên tiếng Thu nói:

- Dì ạ, con về luôn, nhưng lạ thật đã đến hơn một năm con mới ngủ đêm ở ấp.

Trương ho khẽ một tiếng. Chàng thấy Thu ngừng lại rồi một lúc sau nàng nói như thỏ thẻ bên tai chàng:

- Ầm quá nhỉ.

Trương nhận thấy tiếng kéo chân và tiếng cựa của Thu trên lát giường. Chàng ngủ đi lúc nào không biết.

Lúc chàng thức dậy thì trời còn tối, ngọn đèn để đầu tủ đã tắt. Ở bên kia vườn có ánh đèn sáng và tiếng người nói. Trương đoán lúc đó vào quãng bốn giờ sáng và người ta dậy mổ lợn, mổ bò. Hợp nằm xoay về phía trong, hơi thở đều đều, ở buồng bên yên không một tiếng động. Tiếng ếch nhái vẫn đều đều kêu ran ở ngoài, nhưng Trương nghe thấy xa hơn tiếng kêu lúc ban tối.

Trương thấy một nỗi buồn thấm hồn, lạnh lẽo, chàng chợt nghĩ ra điều gì khẽ động vào vai Hợp, Hợp vẫn ngủ say không biết. Trương chống khủyu tay, ngửng đầu lên: có ánh đèn ở buồng bên kia chiếu qua bức vách gỗ. Trương tìm chỗ hở có nhiều ánh sáng nhất ghé mắt nhìn sang. Mới đầu chàng chỉ thấy ánh sáng toe ra thành vòng tròn, chàng chớp mắt và một lúc lâu nhìn quên, chàng thấy một mảnh trắng của tấm chăn hiện ra. Trương nghiêng đầu nhìn chếch sang một bên, nhưng mặt Thu bị khuất sau một chiếc gối. Chàng nhìn qua xuống phía dưới: trên nền vải trắng một bàn tay của Thu hiện ra trước mắt chàng. Mấy ngón tay thon để xoãi ra và khẽ lên xuống theo điệu thở. Trương yên lặng nhìn như vậy lâu lắm. Sao lúc đó chàng thấy chàng khổ sở thế: chàng cũng không hiểu tại sao, chàng mang máng thấy đời người đẹp vô cùng, trong sự sống có bao nhiêu cái đẹp mà riêng mình chàng bị hất hủi. Đối với đời chàng như người được ngắm có cái bàn tay.

Trương nằm xuống, thấy bùi ngùi như sắp khóc. Chàng có thể giữ được, nhưng chàng lại muốn khóc nên cố nuôi nỗi buồn cho nước mắt ràn ra. Một dòng nước chảy qua thái dương xuống bàn tay. Chàng nhìn về có ánh sáng lọt qua, gọi thầm:

- Em Thu, em Thu…

Đến lúc đó Trương mới nhất quyết viết thư cho Thu. Chàng không thấy lưỡng lự như mọi lần nữa mặc dầu chưa có chứng cứ gì rõ rệt là Thu cũng yêu chàng. Trương nhất quyết chỉ vì chàng thấy náo nức muốn biết: rồi sẽ ra sao. Chàng thấy việc sắp tới đây hay hay và chàng nghĩ nếu phải chết tức khắc thì chàng chỉ tiếc rằng không kịp đợi xem việc ấy xảy ra như thế nào. Trương ở trong tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống.

V

Trương đương ngồi uống nước với Hợp thấy Thu ở ngoài vườn đi vào. Chàng đoán là Thu dậy sớm để sang bên nhà làm giúp. Thu ngưng lại nghiêng người, tay vịn vào cột, hỏi Hợp:

- Các anh xơi gì để em bảo nó làm.

Thu đưa mắt nhìn Trương và Trương thấy hai con mắt nàng nhìn mình như muốn thầm hỏi điều gì. Chàng giật mình:

- Hay có lẽ Thu thấy mình khóc lúc ban đêm?

Chàng cúi mặt, mặc cho Hợp định liệu ăn sáng. Lúc Thu sắp quay đi, Trương ngửng lên cố lấy giọng tự nhiên, bạo dạn nói với Thu:

- Cô làm ơn bảo cho tôi xin một tờ giấy.

Thu nói:

- Có đấy, để em đi lấy cho.

Nàng đi về phía tủ lấy ra một tập giấy đưa cho Trương.

- Đây anh tha hồ viết.

Trương mỉm cười nói:

- Không, tôi dùng viết thư. Tôi cần độ một tờ thôi, nhiều lắm là hai.

Chàng nói tiếp thêm:

- Hôm qua đi bất thình lình quá. Giờ phải viết thư được bảo cho chủ nhà biết.

Ăn xong, Trương cầm giấy và một quyển sách bìa cứng ra vườn viết. Khi ngang qua cửa sổ buồng trong, chàng chợi bắt gặp Thu đương ngồi ghé ở gường thay áo.

Trương đi vòng một cái giếng xây, ra ngồi trên cái ghế đá đặt cạnh gốc khế. Ở chỗ ấy khuất không ai nhìn thấy chàng. Trương rút bút chì định viết, bỗng ngừng lại:

- Mình dốt quá. Viết một bức thư về cho chủ nhà mà phải tìm chỗ kín. Có phải mình gan không? Về nhà ngồi ngay giữa phòng khách viết, hẳn không ai nghi.

Chàng đứng dậy trở về nhà. Khi qua khung cửa sổ, chàng chú ý nhìn như không có Thu ngồi ở đấy nữa, chỉ có chiếc áo cánh nàng vừa thay vắt ở đầu giường. Trương đứng nhìn lại chiếc áo cánh một lúc, dáng tự lự rồi đi thẳng.

Ngồi một lúc, Trương đã viết được gần hai trang. Chàng lật giấy đọc lại từ đầu. Đọc lại những đoạn nói bịa ra và nói quá thêm. Trương hơi ngượng như chàng tự nhủ ngay:

- Bịa hay không bịa thì cần gì. Điều cần nhất là mình có yêu Thu hay không? Nếu mình chân thật yêu thì bịa gì đi nữa mình vẫn cũng là chân thật.

Chàng xóa thật kỹ câu: "Anh vừa khóc vừa viết câu này" vì chàng thấy vô lý, ngồi ở giữa nhà khóc thế nào được, có khóc thì khóc tối hôm qua, nhưng đó là chuyện khác. Trương sợ nhất những câu có thể để cho Thu tưởng lầm rằng chàng giả dối.

Chàng cúi viết nốt. Thu trở về, đi ngang qua mặt chàng rồi vào phòng bên. Trương vờ mải viết không ngửng lên. Một lát Thu lại ra. Nàng hỏi Trương:

- Anh viết nhiều thế. Mau lên, còn ăn cơm chứ!

Trương giật mình nhìn vào bàn tay Thu, chàng vừa sực nghĩ tới chiếc áo cánh. Thu không hiểu sao Trương chăm chú vào tay mình. Nàng thấy ngượng và rờn rợn sợ, nhìn hai con mắt Trương nàng lại xao xuyến cảm thấy một nỗi đau không duyên cớ, như hôm gặp trên xe điện. Trương giơ bức thư lên cho Thu nhìn, nếu chàng yên lặng không nói gì chắc Thu sẽ hiểu: chàng lại sợ Thu hiểu nên vội nói luôn:

- Không có bút mực tôi phải viết bút chì không được lẽ phép lắm đối với... bà chủ nhà.

Trương nhìn theo Thu khi nàng khuất sau cái thành bể xây, Trương gấp vội bức thư bỏ vào túi. Chàng nhìn cửa buồng bên một lúc rồi đi vào buồng. Chàng đến gần bên giường. Nhìn qua cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong hai bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm hơi cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa xông lên ngây ngất. Trương cảm thấy mình khổ sở vô cùng, chàng thấy làm lạ sao mình lại đau khổ đến thế, đau khổ như một người sắp chết, cảm tưởng ấy giống hệt như cảm tưởng đêm qua khi chàng nhìn trộm bàn tay của Thu trên tấm chăn.

Trong lúc ấy Thu đã đi gần đến nhà khách bỗng quay trở lại. Nàng mang máng thấy có vẻ gì bất thường trong cử chỉ của Trương vừa rồi. Như cái máy, nàng quay trở lại, nàng cũng không biết tại sao và quay lại để làm gì. Đi khỏi cái bể xây, Thu dừng lại vì thoáng thấy Trương trong buồng. Nàng chăm chú nhìn và khi đã hiểu: nàng đứng yên lặng, khắp người rờn rợn như có ai sờ vào da thịt mình. Thấy Trương bỏ chiếc áo vào chỗ cũ, nàng giật mình, đứng lùi khuất sau thành bể.

Thu đi ngoặt ra phía sau nhà thóc, nơi mà nàng biết không ai đến bao giờ, nàng ngồi xuống bực gạch, hai tay ôm má cúi nhìn mũi giầy. Nàng thương hại cho Trương và bàng hoàng lo sợ.

Nàng bứt rứt như phạm một tội nặng: để cho Trương yêu mình khổ sở đến như thế. Thu cho rằng mình có lỗi đối với Trương, nhưng trong thâm tâm nàng một nỗi vui sướng mà nàng không ngờ đến dần dần nở ra làm nàng nóng bừng hai má và hoa mắt. Nàng để tay lên ngực, mắt nhìn vào quãng không rồi khẽ lắc đầu:

- Mình cũng yêu đến thế kia à?

Nàng tự hỏi như người lấy làm lạ, chưa tin lòng mình. Nhưng nàng không thể không tin được nỗi sung sướng tự nhiên và chân thật của nàng lúc đó. Thu ngồi như thế lâu lắm, nàng không muốn ra vì nàng thấy trước rằng nhìn ai nàng cũng sẽ ngượng và ngượng nhất là gặp Trương.

Còn Trương, Trương yên trí là không ai thấy mình, chàng lại ra ngoài ngồi viết nốt bức thư. Đã ký tên. Trương lại xóa đi, viết thêm:

- Tôi chỉ cốt cho Thu biết vậy thôi, chứ tôi không dám xin Thu một thứ gì cả. Yêu hay không yêu, Thu cũng không cần cho tôi biết. Nếu Thu không yêu mà tỏ cho tôi biết tức Thu giết tôi. Thu cần gì phải thế vì tôi có dám xin thứ gì đâu. Tôi không dám chắc ở tình yêu của Thu, nhưng tôi chắc Thu không phải là người ác. Vậy xem xong bức thư này, xin Thu đốt ngay đi và xem như nó là không có. Thu không phải gì bận tâm gì về sau cả: Thu cứ để mặc tôi yên lặng yêu Thu. Vẫn biết đó là quyền của tôi. Thu muốn cấm cũng không được, nhưng tôi cũng xin Thu cái hạnh phúc được yêu Thu mà không dám mong Thu yêu lại. Tôi nói ra được cho Thu biết là tôi cũng thỏa mãn rồi. Tôi không mong gì hơn là Thu cũng yên lặng như tôi yên lặng yêu Thu bấy lâu".

Trương ký tên, cầm bút nghĩ một lúc, rồi lại viết thêm:

- "T.B Xin Thu nhớ rằng nếu Thu cho ai xem bức thư này vì Thu không yêu, cũng không thương tôi và nếu Thu lại lấy đó để chế diễu một người đau khổ lắm rồi thì tức Thu giết một mạng người.

Thế là nhất quyết viết thư để biết rõ "Sự thể ra sao", đến lúc viết chàng lại nhút nhát sợ cái kết quả của việc làm. Chàng nhớ đến cái ý nghĩ của Chàng lúc mới yêu Thu: tiện thì yêu không tiện thì thôi. Chàng đoán Thu cũng như chàng, nên không dám đòi hỏi gì nhiều để Thu phải bận tâm quá. Nếu Thu không yêu, Thu chỉ việc đốt thư rồi ngơ đi như không, nếu tình yêu của Thu mới nhóm, còn e lệ thì bức thư không làm nàng sợ hãi đột ngột quá.

Bức thư viết xong, nhưng ba bốn hôm sau chàng vẫn chưa đưa. Có lần Trương đã toan xé đi nhưng chàng nghĩ có xé rồi cũng viết cái khác nên lại thôi.

Một buổi sáng Hợp rủ Trương đi xem một cái chùa cổ cách đây dăm cây số, hai người đã đến cổng ấp, bỗng Trương giật mình bảo Hợp:

- Anh đứng đây đợi một lát. Tôi bỏ quên cái này…

Chàng để Hợp đấy đi thẳng về nhà. Khi đi qua sân, Mỹ hỏi:

- Anh chưa đi à?

- Đi rồi, tôi quên cái này về lấy.

Chàng vừa nói vừa nghĩ thầm:

- Miễn là Thu còn khâu ở trong buồng.

Lúc chàng đến phòng giữa, tiếng Thu trong buồng hỏi ra:

- Các anh chưa đi à?

- Đi rồi, tôi quên cái này về lấy.

Trương lúc bức thư cầm gọn trong tay, đi về phía cửa buồng. Chàng vờ chưa nghe rõ câu Thu hỏi.

- Cô hỏi gi chúng tôi?

Trương ném bức thư lên chiếu ngay trước mặt Thu, chàng không thấy Thu ngạc nhiên lắm. Nàng chỉ hơi ngơ ngác, tỏ vẻ muốn nhận thư nhưng còn lưỡng lự. Trương nói nhanh:

- Cô cứ bình tĩnh đọc hết không có gì đâu.

Chàng quay đi ngay cho Thu hết lưỡng lự vì chàng nhận thấy nếu đứng lại một lúc nữa thì Thu sẽ từ chối.

Ra khỏi vườn, Trương mới bắt đầu thấy tim đập mạnh. Chàng hồi hộp như có vệc quan trọng nhất trong đời xưa vừa xảy đến, Cái sân gạch chàng thấy rộng mênh mông và trời như cao hẳn lên. Trương những người đi lại trong nhà như lạ lắm, mắt chàng nhìn thấy họ, nhưng chàng có cảm tưởng là họ không có ở đấy.

Trương giật mình nghe tiếng Hợp hỏi:

- Anh bỏ quên gì thế?

Chàng không nghĩ đến điều đó. Nhưng cũng may chàng tìm ra ngay:

- Tôi bỏ quên khăn mùi xoa.

Trương thò tay vào túi quần và đờ người ra một lúc. Chàng bỏ quên khăn mùi xoa thật.

Hai người đi chơi chiếu mới về. Trương đoán lúc này Thu đã xem thư rồi và ý nàng đã định. Về tới nhà, Trương lo sợ quá, chàng thấy hình như có sự thay đổi khác thường ở trong gia đình Thu. Tiếng Mỹ nói ở nhà khách, chàng thấy lạ tai, có vẻ giận dữ. Ai ai cũng hình như ngóng đợi một sự gì một sự rất không hay sắm xảy ra. Mỹ vẫy tay gọi chàng lên nhà khách:

- Hai anh lên đây. Có thứ rượu này ngon lắm.

Đến lúc đó Trương mới an tâm. Chàng tự bảo:

- Mình vô lý. Thu nói ra cho mọi người biết làm gì…

Chàng nói với Mỹ:

- Chùa đẹp quá, sao trường Bác Cổ không có người về chữa, để mục nát.

Trương ngừng nói vì nghe tiếng Thu ở phòng bên cạnh. Thu cũng đột nhiên ngừng lại. Sự tình cờ xui giữa lúc đó không có tiếng ai cả. Trong sự yên lặng, hai người cách nhau một bức vách cũng biết là đương yên lặng nghe nhau.

VI

Trương lại thấy không có mới lạ nữa. Hôm đưa thư, chàng đã bị xúc động đến một bực rất cao nên sau đó chàng cảm thấy rõ cái bằng phẳng, cái yên ổn nhạt nhẽo của cuộc đời. Tuy là cuộc đời sống gần Thu. Trương nhớ đến cái thú thần tiên khi hai người nhìn nhau lần thứ nhất, một giọt sương sáng long lanh nhưng rồi lại tắt đi ngay. Không có cảm giác gì bền cả, sau lúc đó hai người nhìn nhau lại không thấy có cái gì khác lúc chưa đưa thư. Chính chàng đã yêu cầu Thu đừng tỏ ý thuận hay không thuận mà sao chàng lại khó chịu vì cái yên lặng của Thu đến thế.

Trương tính từ khi về ấp đến giờ đã được sáu hôm, còn hai hôm nữa thôi chàng phải trở về Hà Nội sống xa Thu.

- Thế rồi sau ra làm sao?

Có bóng người qua lá cây. Trương ngửng lên nhìn. Hợp với Thu đứng ngoài hiên nhà cũ. Thu dựa mình vào cột nhà mải cúi khâu một chiếc áo. Trương đoán là nàng vá áo cho Hợp và Hợp đứng đấy đợi nàng vá xong. Trương vẫn ngồi yên trên thành giếng khơi, làm như không để ý đến họ.

Một lát sau Thu ngửng nhìn ra ngoài vườn, nói một mình:

- Hôm nay đẹp quá.

Câu nói của Thu gợi Trương để ý đến cảnh nắng trong vườn.

Trời ấm và trong. Trên một cây bàng nhỏ, những lộc mới đâm, màu xanh non hơi phớt hồng, trông như một đàn bướm ở đâu bay về đậu yên. Chàng nghĩ cây bàng năm nào cũng nhớ đâm lộc, đã bao lần rồi, vẫn chỉ như thế mà không chán. Chàng thấy cây cỏ cũng như người, khao khát được sống, tuy đời bao giờ cũng giống như bao giờ.

Một ý tưởng vụt đến trong trí chàng như một sự ăn năn.

- Mình đi đến đâu?

Chàng mong mỏi viết thư cho Thu, nay Thu đã nhận được thư của chàng, có phần chắc là Thu cũng đã yêu chàng, nhưng sao chàng vẫn thấy không thỏa mãn. Tình yêu không giúp chàng gì cả, chỉ xui chàng đương làm hại đến đời Thu một cách độc ác không ngờ. Cố nhiên là chàng không lấy được Thu làm vợ rồi. Chàng đứng dậy tức bực:

- Mình đi đến đâu? Mình vô lý hết sức.

Hợp gọi Trương lại. Thu vẫn cố thâu nhưng klhông biết là Trương đến. Nàng mặc một chiếc áo nhiễu trắng, bên vai lấp lánh hàng cúc thủy tinh trong sáng như nước. Nàng vẫn tóc trần, cài lược nên Trương trông thấy nàng hơi lạ, có vẻ đẹp khác mọi lần. Nàng hơi chau mày chăm chú khâu, Trương không nhìn rõ mặt nàng khuất sau hàng mi đen và dài.

Lúc đó Trương cảm thấy rất rõ rệt rằng chàng là một người thừa đối với đời, đối với Thu. Giữa vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân, cạnh người đẹp mà chàng yêu, Trương vẫn riêng thấy lẻ loi, trơ vơ với nỗi buồn nản thầm kín của lòng mình. Trương đứng lại ở dưới sân, chỗ có ánh nắng.

Mãi không thấy Thu nhìn mình, chàng khó chịu rồi quay đi một cách vội vàng, có ý cho Thu biết mình khó chịu. Hợp hỏi:

- Anh đi đâu đấy?

Trương đáp:

- Trời đẹp, tôi đi ra ngoài chơi một lát.

Vừa nói chân vừa bước nhanh vì chàng không muốn Hợp cùng đi với mình. Trương thấy trong lòng ứa lên một nỗi giận không đâu. Chàng không rõ giận ai, giận Thu hay giận mình.

Trương đi qua mấy túp nhà tranh lụp xụp của dân ấp rồi rẽ về phía mấy quả đồi. Chàng trèo qua hai, ba cái dốc đến một chỗ khuất, có bóng cây, rồi nằm xuống cỏ ngửa mặt nhìn lên. Trương tưởng như tìm được một chỗ yên tĩnh rồi thì giải quyết xong ngay cái ý định tự tử vẫn lởn vởn trong óc chàng từ khi đứng nhìn Thu.

- Có nên không? Có lẽ thế là hơn cả.

Trương cố tưởng tượng ra lúc mình uống thuốc phiện, giấm thanh và nằm đợi cái chết đến. Chàng chắc cũng chẳng khác gì bây giờ, chỉ khác là một đàng chết ngay, một đàng cái chết còn lâu mới đến. Nhưng chàng thấy khó nhất là lúc cầm cốc để lên miệng uống. Không, tự nhiên vô cớ chàng không thể nào có can đảm ấy được. Phải có một tức tối nào đấy làm chàng mê dại hay có một sự bắt buộc cấp bách. Chàng mỉm cười:

- Thế thì mình tự tử thế nào được?

Trương nghĩ nếu làm thế nào rủ được Thu cùng tự tử thì cái chết của hai người sẽ êm ái lắm.

- Hay là ta giết Thu.

Trương lấy làm lạ rằng chưa bao giờ nghĩ đến việc giết Thu, ý tưởng ấy đến đột ngột quá nên Trương sợ hãi, mắt nhìn trừng trừng vào quãng không một lát. Trương lắc đầu rồi cố nằm yên không dám nghĩ nữa. Gió thổi lay động những ngọn cỏ làm chàng thấy ngứa ở má và ở tai. Một con bọ như một hạt đỗ màu đỏ thắm bò trên đầu gối chàng, xòe cánh toan bay rồi lại cụp vào. Trương ngầm nghĩ:

- Không biết con bọ ấy nó có những ý tưởng gì trong óc mà nó sống làm cái gì?

Trương giơ tay bắt con bọ và nghĩ đến lúc này nó nhất quyết bay đi thì nó sẽ không chết. Chàng bóp mạnh cho đến khi con bọ nát nhừ trong hai ngón tay.

- Nó chết hay không cũng không có gì khác.

Bóng một đám mây chạy qua người khiến Trương đưa mắt nhìn lên. Từng đám mây trắng và cao yên lặng bay trong ánh sáng rực rỡ. Ở dưới cánh đồng có tiếng đứa bé con gọi trâu.

Trương duỗi chân, và quặt hai tay lên đầu làm gối, lạ nhất là ngay trong lúc đó có ý tưởng tự tử và giết người, Trương lại thấy trong mình khoan khoái, mạch máu lưu thông đều đều và hơi thở nhẹ nhàng. Sức nóng của ánh nắng mặt trời đã thấm vào quần áo vào làm cho da thịt chàng ấm ấp dễ chịu.

- Chắc chắn là cơn vui của bệnh lao nó đến đấy thôi!

Trương đứng dậy trở về nhà. Lúc tới cổng, chàng dừng lại vì có một ý nghĩ vụt đến.

- Hay là ta nói rõ cho Thu biết rồi muốn ra sao thì ra.

Nghĩ vậy nhưng chàng đã thấy trước là không được. Chàng lại sợ hãi nữa. Nói cho Thu biết, ngộ lỡ Thu hắt hủi, thì chắc chắn là chàng sẽ giết Thu.

Khi về đến nhà cũ, Hợp và Thu vẫn còn đứng ở ngoài hiên. Trương có cảm tưởng như vừa ở một thế giới khác trở về. Chàng nhớ lại cái ý định giết Thu lúc này, và bất giác nhìn vào cổ Thu. Lúc đầu chàng nhìn thấy vẻ đẹp cả cái cổ tròn màu trắng dịu và non như một búp hoa Ngọc lan sắp nở.

Thu quay lại phía Trương nhưng vẫn không ngừng khâu, cất tiếng nói:

- Anh đi xa tới đâu?

Trương đáp:

- Tôi không đi tới đâu cả.

Chàng nói tiếp:

- Thấy trời đẹp cứ đi, chứ cũng chẳng biết là đi đến chỗ nào.

Thu nói:

- Mà hôm nay trời đẹp quá nhỉ!

Trương nhìn Thu tìm cách dò xem ý nghĩ của Thu đối với mình làm sao từ khi nhận được thư. Chàng nói giọng bông đùa:

- Lát nữa phải viết thư cho bà chủ nhà mới được.

Hợp hỏi:

- Hôm nọ anh viết thư rồi cơ mà?

- Giờ viết cái nữa cho bà khỏi mong.

Thu nói, vẻ ngây thơ:

- Anh viết làm gì nữa. Viết một cái…

Trương hồi hợp đợi, nhưng Thu ngừng lại vì nàng không tìm được câu nào có hai nghĩa để Trương hiểu mà Hợp không nghi ngờ.

Trương cho rằng Thu định bảo mình từ nay đừng viết thư cho nàng nữa. Chàng cúi mặt, nhìn xuống đất một lúc lâu, rồi nói:

- Nói đùa đấy, chứ bà ấy cần gì mình mà phải viết thư. Cái thư trước tôi cũng chẳng định bụng gửi. Viết rồi chẳng lẽ lại không gửi… Vả lại mai tôi về.

Hợp nói:

- Anh không đợi chúng tôi à?

- Sáng mai tôi về có chút việc cần, giờ mới nhớ ra. Chẳng đợi các anh nữa.

Trương thấy Thu nhếch mép mỉm cười, mắt vẫn nhìn xuống kim khâu. Nhưng lần này vẻ kiêu hãnh của Thu chỉ làm chàng bực tức. Chàng bỏ đi và càng khó chịu vì lúc đi ngang qua mặt Thu, Thu không thèm ngửng lên nhìn. Đi xa rồi Trương lẩm bẩm:

- Kiêu ngạo!

Chưa lần nào chàng giận Thu đến như vậy, tuy nghĩ lại chàng không thấy Thu làm gì đáng để chàng giận. Từ lúc đưa Thư, Trương tưởng như mình có quyền giận Thu nên chàng cũng thấy mình đễ giận hơn trước.

Trương rút cuốn sổ ra biên:

- Từ nay nhất định xa Thu. Mình làm hại đời Thu một cách vô lý.

Chàng gấp mạnh cuốn sổ bỏ vào túi, có cái khoan khoái tự đắc của một người vừa quả quyết hy sinh một cách cao thượng. Nhưng trong thâm tâm, chàng chỉ thấy nỗi chán nản mông mênh và chàng không muốn tự nhận rằng cái cớ chính xin chàng bỏ Thu đi chỉ vì sự chán nản ấy. Lúc đó chàng thấy tình yêu chỉ đem lại cho chàng những đau khổ và những bực tức không đâu.

Trương nghĩ đến nỗi vui sướng hôm ngồi với Quang khi định tâm không cần gì cả và cái cảm tưởng được như một con chim xổ lồng nhẹ nhàng trong sự tự do không bờ bến. Trương trầm ngâm một lát rồi tự bảo:

- Phải đấy. Sao mình lại định tâm làm hại đến đời Thu. Mình không cần gì cả nhưng…

Chàng ngừng lại vì chưa tìm cách diễn tả ý tưởng vừa vụt đến, một ý tưởng mà chàng thấy rất đúng:

- Phải đấy… mình muốn được tự do thì phải đừng có liên lụy đến người khác mà nhất là đừng làm hại đến ai. Mình đối với thân mình thì tha hồ.

VII

Ra khỏi ga. Trương đứng dậy giơ tay đón những giọt mưa rơi lấm tấm, chàng nghĩ bụng:

- Mưa này thì có thể đi bộ được.

Trương chưa định đi đến đâu mà về ngay nhà lúc đó thì chàng không từng nghĩ tới. Ở ấp ra đi chàng khó chịu vì người nào cũng cho chàng về ngay là một sự tự nhiên tuy chính chàng đã nhắc đi nhắc lại rằng có một việc cần kíp bắt buộc chàng về ngay, không thể được. Thu không nói gì cả. Trương tưởng bỏ đi đột ngột để cho có vẻ khác thường, cho xứng đáng với sự hy sinh của mình, nhưng đến lúc lên xe ra ga, chàng cũng nhận thấy việc mình đi không có gì lạ lùng cả, chàng về Hà Nội tất sẽ gặp nhau luôn. Trương lại thấy nẩy ra cái ý trở lại thăm Thu khi Thu về Hà Nội:

- Chưa có gì đổi khác. Mình còn thể đến với Thu như thường được.

Có người phu xe hạ càng xe mời. Trương hỏi:

- Về Bạch Mai bao nhiêu?

- Thầy cho ba hào.

Trương đứng yên nghĩ ngợi. Chàng hỏi thuê xe về nhà mà chàng lại không muốn về nhà một chút nào cả. Chàng bảo phu xe:

- Một hào đấy.

Có người khác gọi xe, anh phu xe vội vã bỏ Trương chạy đi. Trương nghĩ bụng:

- Nếu có bằng lòng đi một hào thì mình cũng phải về nhà vậy.

Trương rút khăn lau tay, lau trán nhưng một lúc sau trán và tay ướt đẫm. Trương khó chịu nhất là hai tay ướt, để trong túi quần cũng bắt đầu ẩm.Chàng vòng cánh tay thu hai bàn tay để lên ngực là chỗ khô và ẩm nhất; nước mưa chảy làm chàng càng cay và ngứa ở sau gáy và hai bên má. Đương đi, Trương lắc đầu lẩm bẩm:

- Không, nhất định không.

Chàng quả quyết không quay về với Thu nữa và cái ý định ấy làm chàng đau khổ. Tuy quả quyết vậy và tuy đã biết là sẽ theo đúng ý định. Trương vẫn nhận thấy mình tự ý xa Thu là vô lý, cũng vô lý như lúc này tự nhiên, không ai bắt cả, chàng đi dưới mưa, đày đọ cho thân mình khổ.

Một cái bảng có ánh đèn sáng làm Trương ngừng lại nhìn: "Phòng cho thuê". Cánh cửa chấn song hé mở để lộ ra một con đường đi thẳng vào trong bóng tối. Ở tận phía trong có ánh đèn lấp lánh qua lá cây ướt.

Trương lại bước đều đều. Chàng không rõ đã đi đến đâu. Tiếng cười nói ồn ào bên tai chàng quay nhìn sang bên phải. Qua cửa sổ, chàng thấy ở trên tường có treo bức ảnh và một cái bảng đen vẽ mấy cái bánh xe có răng cưa. Trương nhận ra mình đã đi đến trường Bách Nghệ. Tiếng cười đùa của bọn học trò sao chàng nghe thấy chán nản thế! Chàng đứng lại, tẩn mẩn nhìn mãi cái bánh xe vẽ trên bảng đen và cố đoán xem nó là cái máy gì. Nhìn một lúc lâu, chàng rút ví và giơ ra ánh đèn điếm số tiền còn lại. Tất cả còn được năm đồng rưỡi. Chàng tự bảo:

- Phải đấy, tội quái gì về nhà. Năm đồng đủ, miễn là tìm chỗ cho xoàng.

Chàng nghĩ đến một nhà "xăm" ở gần vườn Bách thú. Tự nhiên chàng muốn tìm một chỗ nào rất xa nơi chàng ở cho có vẻ lạ lùng và nhất là để về sau khỏi phải đi qua trông thấy luôn.

Trương đi về phía nhà thờ. Chàng bước nhanh hơn trước và từ lúc đó chàng có cái cảm tưởng sắp phạm một tội gì. Những lần đi đêm trước, chàng không có cái cảm tưởng khó chịu ấy bao giờ.

- Mình có làm hại đến ai đâu? Vô lý hết sức!

Chàng cũng không thấy cái thú hồi hợp như mọi lần: giờ chỉ là sự bắt buộc không thể cưỡng được. Đi mãi mới gặp xe: chàng toan gọi thì lúc đó vừa đến gần nhà một người bạn làm nghề viết báo mà chàng thường lại chơi. Chàng không dám cất tiếng gọi, sợ Linh nhận được tiếng mình.

Mưa có một phần nặng hạt hơn trước. Trương ngửng lên gác trọ của Linh. Cửa sổ nhỏ, lộ ra một khoảng tường xanh nhạt có treo bức tranh lụa và mẩu màn trắng đã cũ. Trương Đoán Linh còn thức và đương ngồi làm việc. Chiếc cửa sổ có ánh vàng, như mở ra cho Trương thấy qua màn bụi mưa đêm, tất cả các êm đềm nhạt nhẽo của cuộc đời. Lạ nhất là chàng thấy mình buồn hộ Linh. Chàng lẩm bẩm:

- Cuộc đời người ta chỉ sống có thế thôi à?

Chàng cũng không hiểu tại sao chỉ có thế và thế là thế nào, nhưng câu này chàng thấy rất đúng để tả cái cảm tưởng của chàng lúc đó!

Chiếc xe đến nơi, Trương bước lên không mặc cả. Khi xe đến trước cửa phủ Toàn quyền, chàng bảo xe đỗ, trả tiền, rồi đi chân vào Bách thú.

Trước khi vào "xăm", Trương đưa mắt nhìn hai bên như sợ có người quen trông thấy. Người bồi chạy ra: Trương lấy điệu bộ một tay chơi đã thạo, nét mặt cau có, hất hàm hỏi ngươi bồi:

- Gọi cho tôi bất cứ người nào. Mau lên và mua cho tôi chai rượu bia.

Nghĩ đến số tiền còn lại ít ỏi, Trương vội nói tiếp:

- Hãy thôi đừng mua rượu nữa.

Chàng hầm hầm mở cửa như người tức giận điều gì. Trong cái giường nệm trắng, Trương muốn ngã lưng xuống ngay và ngủ đi một giấc không biết gì nữa. Có tiếng quả nắm quay cửa, chàng nói:

- Cứ vào.

Một lúc sau, Trương ngồi ngửng lên. Người con gái chơi đêm và chàng nhìn nhau một lúc, cái nhìn bỡ ngỡ hơi ngơ ngác, trong ngầm ý dò hỏi của hai người khiến Trương thốt lên nhớ đến chàng và Thu nhìn nhau lần đầu tiên sau khi đưa thư.

Đêm ấy gần hai giờ sáng chàng mới chợp đi một giấc. Lúc chàng tỉnh dậy nhìn đồng hồ mới có ba giờ. Trương lấy làm lạ vì chàng tưởng mình đã ngủ được nhiều lắm: Chàng nhắm mắt để có ngủ lại nhưng biết trước là không bao giờ ngủ được.

Trương ngồi dậy, lưng dựa vào thành giường và lắng tai nghe. Ở ngoài mưa vẫn rả rích. Qua vải màn, chàng chăm chú nhìn chiếc lịch treo trên tường: lịch có chua cả ngày Annam. Chàng lẩm bẩm:

- Hai mươi giấc tốt hăm mốt nữa đêm. Hôm nay hăm ba chắc là có trăng

Chàng buồn nghĩ đến những cảnh mưa trong trăng, đến những quãng không rộng rãi mờ mờ và một cái bến đò ở rất xa với con thuyền ngủ im dưới mưa… Liên miên chàng nghĩ đến Thu, giờ này chắc đang ngủ yên và cũng như đêm nào, bàn tay nàng đương đặt trên nền chăn trắng với mấy ngón tay thon đẹp để xoãi và khẽ lên xuống theo nhịp thở. Trương đưa mắt nhìn người con gái nằm cạnh, hai tay bỏ xuôi, ngực đều đều lên xuống. Nàng cũng mặc chiếc áo cánh lụa hơi giống chiếc áo của Thu. Trương nằm xuống gục đầu vào ngực cô gái, nhắm mắt lại muốn quên. Người con gái giật mình thức giấc, toan đẩy Trương ra, nhưng nghĩ lại, chiều khách, nàng giơ tay nhẹ vuốt tóc Trương, Trương thầm nhủ:

- Không thể được, mình không sao bỏ được Thu.

Mãi đến chiều, Trương mới về nhà. Chàng không thấy buồn lắm nhưng chàng tưởng. Vừa đi vừa lầm nhẩm tính xem hôm nào tiện về quê để bán ngôi nhà cho bà Hàn Thoại. Bà ấy muốn mua lắm chắc sẽ được giá cao. Ngày mai chàng sẽ nói với bà chủ nhà để cuối tháng lên phố ở:

- Mình sẽ nói mình hết bệnh, ra Hà Nội đi học cho gần.

Chàng dự định sắp đặt cuộc đời của mình như một người vừa đi xa trở về. Khi qua vườn thấy cây hồng trắng nở nhiều hoa, chàng chọn ngắt một bông đẹp nhất. Lên tới buồng chàng tìm cái cốc rót đầy nước rồi cắm bông hồng ngồi nhìn mê mải một lúc và có cái cảm giác trong sạch ngây thơ của một đứa bé lần đầu được nhìn thấy một cảnh đẹp lắm.

Ăn xong Trương đi ngủ ngay, đệm chăn ấy sao chàng thấy êm ái thế. Chàng co người kéo chăn lên tận cằm và nằm yên đợi giấc ngủ đến. Ngoài cửa sổ lấp lánh mấy ngôi sao. Chàng thiu thiu sắp ngủ: những ngôi sao chàng thấy xa dần mờ hẳn đi và hiện ra hai con mắt đen của Thu. Hình như nàng mặc áo tang, đội mấn, tóc xõa đi theo một chiếc áo quan và chính chàng lại nằm trong chiếc áo quan ấy, người chàng liệm toàn vải trắng. Phảng phất cả mùi thơm của những vòng hoa. Trương ngủ đi lúc nào không biết.