- Tin mới toanh đây? Mình không đến nổi uổng công khi đánh đường đến Xanh-phơlua... Cận có lý đấy Ti-đu ạ. Cách xếp chữ đầu tiên của cậu là đúng đấy. Những chữ viết hoa đầu dòng của bài thơ chỉ đơn giản xê dịch lên hai nấc trong thứ tự an-pha-bê là chính xác! Chúng ta không hiểu được bởi vì những dòng đó là tiếng Đức.
Các bạn trẻ đều trố mắt lên:
- Bằng tiếng Đức à? Cậu tin thế ư?
Ma-đi kể tỉ mỉ việc cô đi đến Xanh-phơlua ra sao, cô đứng xem tờ áp phích có dòng chữ Đức rồi cô tìm gặp giáo sư tiếng Đức như thế nào.
- Tuyệt vời? - Tông-đuy reo lên - Cậu thật tuyệt vời, Ma-đi ạ.
- Không tuyệt vời lắm đâu vì tớ chưa có được bản dịch đầy đủ. Chúng mình còn thiếu mất một từ chủ chốt nhất, quan trọng nhất.
- Thế bản dịch đó thế nào?
- Về phía đông năm mét, cách.... Thế thôi.
- Tại sao giáo sư lại không tìm ra nghĩa của từ cuối cùng?
- Mình cũng chẳng biết nữa. Giáo sư đã tra cứu kỹ trong từ điển Đức - Pháp mà không có từ đó. Chắc là từ thổ âm.
Tông-đuy luồn tay dưới chiếc mũ nồi gãi cái đầu trọc lóc và nói:
- Làm sao chú của Gămbađu lại có cái chuyện quái gở viết di chúc cho cháu bằng tiếng Đức nhỉ? Thế ông ấy biết tiếng Đức à? Và Gămbađu cũng biết tiếng Đức chứ? Vì bài văn vần đó viết cho anh ta mà lỵ. Lạ lùng thật! Quả là lạ lùng!
- Chúng ta lại đến "lều vịt" đi! - Nha-phơ-rông đề xuất - Biết đâu Gămbađu có thể giải thích được cho chúng ta.
Năm giờ chiều. Từ sáng, bầu trời đã âm u tạo nên một trận mưa nhỏ khá lạnh, so với mùa này còn nóng bức là do khí hậu của vùng cao nguyên ở đây (Hồ Mô-bơ-rắc dương 680 mét so với mực nước biển).
Gămbađu vẫn ngồi ở nhà, cửa đóng kín, bếp lò khói um. Anh đang nhen lửa dưới đít chảo ba chân. Ma-đi dùng mọi lời lẽ rất thận trọng để giải thích cho anh biết làm sao mà cô biết được tờ di chúc của anh để lại bằng tiếng Đức. Gămbađu không hề ngạc nhiên, anh chỉ gật đầu như tán thưởng.
- Anh biết tiếng Đức à? - La Ghiơ hỏi.
- Chú tôi nói được tiếng Đức và đã dạy cho tôi. Chú tôi không hề học nhưng đã ngồi tù bốn năm bên Đức, trong một trại tù. Thời gian đó đủ cho ông biết ít nhiều ngôn ngữ của đất nước đó.
- Còn anh?
- Khi ông ra khỏi trại giam, trở về quê thì tôi còn nhỏ ông đã dạy cho tôi, cốt để cho tôi biết... Lâu ngày quá, tôi đã quên tiệt.
Rồi với cái nhìn lo âu, Gămbađu hỏi:
- Cô có cho ai biết bài thơ đó không?
- Anh yên tâm đi - Ma-đi nói dứt khoát để xoa dịu anh - Tôi chỉ cho một người tuyệt đối không biết gì về bài thơ cả: một giáo sư dạy tiếng Đức ở Xanh-phơlua. Giáo sư không hề hỏi tôi một lời nào.
Nét mặt của con người đi khập khễnh đó giãn ra:
- Ông ấy đã dịch bức thư như thế nào?
- Giáo sư đã dịch ra thế này: Về phía đông năm mét, cách Prons. Giáo sư không tìm được ra nghĩa của chữ Prons là gì, có thể đó là một từ ngữ địa phương, ở nơi chú anh bị cầm tù... Anh có ý kiến gì về lời dịch đó không?
Gămbađu lắc đầu:
- Tôi đã nói với các anh là tôi quên tiệt rồi.
Để lần lại trí nhớ, anh nhắc lại nhiều lần: "Về phía đông năm mét, cách... Về phía đông năm mét, cách...".
- Chịu, chẳng nhớ gì cả - Anh lại bực bội với chính mình. Anh nhăn nhó, giật tóc, giật râu, tự trách mình:
- Rõ ngu... Tôi là một thằng ngu!
Một phút im lặng, rồi Bít-xtếck hỏi:
- Chú anh hồi ở bên Đức bị giam ở tỉnh nào?
- Ở Pô-mê-ra-mi.
- Vậy thì cái từ không dịch được có thể là tiếng địa phương của tỉnh ấy đấy.
- Có khả năng.
- Chú anh làm bài thơ lạ lùng đó lúc nào?... Khi còn ở bên Đức hay khi về nước rồi?
- Khi chú tôi đang còn bị giam... bởi vì chú tôi dạy tiếng Đức cho tôi sau khi về làng Mô-bơ-rắc cũ được một thời gian ngắn.
Gămbađu lại nhíu lông mày, tập trung suy nghĩ, anh nhắc lại: "Về phía đông năm mét, cách.... Về phía đông năm mét, cách...".
Mặc dù hết sức cố gắng nhưng anh không tài nào nhớ ra.
- Thôi, anh đừng nghĩ nữa. Tối nay đi ngủ biết đâu anh nhớ lại cũng nên? - La Ghiơ động viên anh - Sáng mai chúng tôi lại đến.
Những người "Bạn đồng hành" lại rời "lều vịt". Bên ngoài mưa đã tạnh. Không khí đã trở lại mát mẻ. Nha-phơ-rông đề nghị:
- Trước khi chuẩn bị cho bữa tối, chúng mình tranh thủ xuống bờ hồ một lát đi!
Mực nước tiếp tục hạ thấp hơn hôm trước. Tất cả sáu người cùng với con chó Ka-phi dạo trên khoảng đất trống đã trơ ra khi nước rút; bỗng nhiên, Tông-đuy chỉ tay về trước:
- Xem trước mặt kìa! Ở phía bờ hai nhà địa chất đang làm gì kia?
Hai người khách trọ của quán ăn đang dạo trên bờ nước, đầu cúi xuống như đang tìm gì. Cả hai đeo sau lưng cái giỏ giống nhu cái gùi. Nha-phơ-rông thắc mắc:
- Là những nhà địa chất, sao lại có vẻ như những tên đánh trộm cá. Dù thế nào mình cũng phải xem họ đựng cái gì trong những chiếc giỏ đó... Hừ, bắt cá bằng tay không giữa ban ngày!... Cả gan thật!
Nhưng ngay khi đó, quay nhìn về phía kia của hồ nước, nơi con sông Xê-unl đổ vào, Ma-đi nói:
- Còn một người nữa kia kìa. Ông ta làm gì thế nhỉ?
Nhìn từ xa thì dường như người đó đang đi dạo, tay đút túi quần, lửng thững. Bít-xtếck nói:
- Tớ nhận ra rồi; đó là người khách trọ thứ ba của quán ăn. Lão cũng vậy, lão làm gì thế nhỉ? Lão ta có phải là cán bộ địa chất đâu?
Cả sáu người bạn lấy làm lạ, nán lại quan sát ba nhân vật lạ lùng đó, vì sao họ quan tâm nhiều đến hồ nước? Nhưng rồi gió lại nổi lên, Ma-đi nói:
- Chúng mình về đi kẻo cảm lạnh, vả lại đã bảy giờ rồi.
- Ta ăn tối ở đâu nhỉ? - Ti-đu hỏi.
- Lại nhà hàng thôi - Nha-phơ-rông đáp.
Bà chủ quán tiếp họ bằng nụ cười xởi lởi. Theo bà bọn trẻ này thật dễ thương, còn con Ka-phi nữa, nhiều khi bà ta đã gia ân, dành cho nó những món ăn thừa của khách còn lại.
- Món ăn chưa chuẩn bị xong, các cô cậu vui lòng chờ cho một lát được không?
Tập trung vào bàn, những người "Bạn đồng hành" lại trao đổi với nhau về bức thư di chúc và cái từ khó hiểu chưa tìm ra. Mười lăm phút sau, hai nhà địa chất vẫn đeo giỏ trên lưng và leo thẳng lên phòng ở và sau đó lại xuống ngay. Người nghỉ trọ thứ ba đến lượt cũng trở về và ngồi ngay vào bàn ăn, với vẻ trầm mặc.. Sau đó, bà chủ quán mang món canh đến. Chính lúc này Ma-đi nảy ra ý đúng lên hỏi thăm phòng "toa-lét".
- Ở lầu một, cuối hành lang cô ạ.
Ma-đi biết số phòng của ba người khách trọ do hàng ngày cô thấy họ đến lấy chìa khóa trên tấm bảng gần quầy. Bước vội dọc hành lang, Ma-đi liếc mắt lên các chữ số gắn trên cửa phòng. Số 3 và số 5 cạnh nhau là hai phòng của hai nhà địa chất. Sác-chi-ê ở phòng số 9. Ma-đi đi thẳng đến “toa-lét” rồi quay lại ngay. Cô để ý thấy phòng số 3 cánh cửa hé mở, chìa khóa còn cắm trong ổ. Cô không thắng nổi sự tò mò, lướt nhanh vào, đảo nhanh mắt một lượt khắp phòng vẫn còn sáng do ánh sáng ban ngày sót lại. Cái giỏ còn nằm trên bàn, nắp đã nâng lên. Cô đến nhìn vào trong thấy có bốn năm chiếc túi con bằng vải trắng buộc túm lại bằng sợi dây rất mảnh. Hối hận về sự tò mò của mình, cô bước xuống phòng ăn và nói nhỏ với các bạn của mình:
- Cửa phòng của một nhà địa chất bỏ ngỏ, mình đã bước vào. Cái giỏ vẫn mở và nằm trên bàn, trong đó có những túi nhỏ bằng vải... Tóm lại là không có cá mú gì cả.
- Cậu có mở một túi ra xem không?
- Mình không dám, nhưng cửa không khóa, và cái giỏ không đậy nắp thì mình nghĩ rằng trong đó chẳng có gì phải giấu giếm cả.
Những người "Bạn đồng hành" thì cố kéo dài bữa ăn ra. Hai nhà địa chất hay mạo danh là địa chất cũng ngồi nói chuyện với nhau một cách bình thản; còn Sác-chi-ê thì đang ngồi đọc tờ Núi rừng, tờ nhật báo Cơlécmông-Phêrăng. Đột nhiên, ông ta gập báo lại và bước ra, mặc dù bên ngoài trời rất tối.
- Chúng ta đi theo xem ông ta làm gì bên ngoài! - La Ghiơ nói.
Nhưng những người "Bạn đồng hành" chưng hửng vì Sác-chi-ê chỉ bước mấy bước trên đường, phì phèo điếu thuốc lá rồi về ngủ.
Đã chín giờ tối, sáu người trẻ tuổi cũng trở về nhà trọ. Về đến nhà thì con Ka-phi xồ đến cửa và một lần nữa nó lại kéo ra một mảnh giấy trắng ở bên dưới gầm cửa.
- Đưa đây Ka-phi! - chủ của nó dứt khoát nói - Đưa đây!
Tờ giấy vẫn là một miếng bìa cứng bằng tấm danh thiếp không có tên, không có địa chỉ. Ti-đu đọc:
“Hãy rời ngay khỏi Mô-bơ-rắc khi xe máy của chúng mày đã chữa xong! Đây là lời cảnh cáo lần cuối cùng!"
Tông-đuy cau mày lại:
- Sao? Xe máy của chúng mình sao?...
Cậu lao về nhà để xe, cửa bị bật khóa và mở tung; cậu giận dữ kêu lên:
- Đồ phá hoại!
Mười hai lốp xe đều bị chọc thủng xăm và ngay cả lốp xe rờ-moóc chở Ka-phi, nó cũng chẳng trừ...