Maupassant lúc ấy có mặt ở đấy vặn lại:
- Thế cái việc ông viết những cuốn tiểu thuyết lớn mà chỉ dựa trên những tin đăng báo và hàng tháng trời không bước ra khỏi nhà thì giải thích ra sao đây?
Zola nín lặng.
Maupassant cầm lấy mũ, đi ra. Việc bỏ về của ông có thể coi như một cử chỉ nhục mạ. Nhưng ông không sợ điều đó. Ông không cho phép ai, kể cả Zola, phủ nhận trí tưởng tượng.
Maupassant, cũng như mọi nhà văn khác, rất coi trọng trí tưởng tượng, môi trường tuyệt diệu cho sự phồn vinh của ý sáng tác, đất đai mang vàng bạc đến cho thơ văn.
Trí tưởng tượng là cội nguồn sáng tạo của nghệ thuật, là vầng thái dương vĩnh cửu và là Chúa Trời của nó, như các nhà thơ cao hứng trong khu La tinh đã nói.
Nhưng cái mặt trời chói lọi kia của trí tưởng tượng lại chỉ có thể cháy sáng khi được cọ xát với mặt đất. Nó không thể cháy trong khoảng không trống rỗng. Trong khoảng trống rỗng - nó tắt.
Trí tưởng tượng là gì? Dễ nhất là trả lời theo cách Gaidar đã trả lời những câu hỏi hóc búa như thế. Anh ngờ vực nhìn người nói chuyện với mình và hỏi:
- Cậu lại định cho tớ vào bẫy chứ gì? Đừng hòng! Tớ không bao giờ nói ra đâu.
Muốn cho chính mình cũng ít nhiều hiểu được rõ ràng hơn một số khái niệm thì tốt nhất là hãy phân tích chúng như kiểu ta nói chuyện với trẻ con.
Trẻ con thường đặt câu hỏi: "Cái này là cái gì?". "Cái này dùng để làm gì?", "Tại sao lại như thế?". Chúng chưa chịu yên chừng nào chúng ta chưa toát mồ hôi để tìm cho ra câu trả lời, dù chỉ tạm được, cho những câu hỏi của chúng.
Nếu người nói chuyện với ta là một đứa trẻ đã nói được chữ "tưởng tượng" thìcâu chuyện ắt cũng phải diễn ra như thế này:
- Thế thì tưởng tượng là cái gì vậy?
Nếu ta trả lời đại khái rằng tưởng tượng là "mặt trời của nghệ thuật" hoặc "cái thiêng liêng nhất trong những cái thiêng liêng" của nghệ thuật, thì ta sẽ như chim chích lạc vào rừng, chỉ còn một cách thoát ra là chuồn cho nhanh khỏi người tiếp chuyện.
Trẻ con đòi cái gì cũng phải rõ ràng. Vì thế chúng ta buộc lòng phải trả lời người tiếp chuyện chúng ta rằng "trí tưởng tượng là một đặc tính nằm trong bản chất người".
- Nhưng đặc tính gì kia chứ?
- Đó là thuộc tính của con người sử dụng vốn quan sát đời sống, ý nghĩ và tình cảm, tạo ra được bên cạnh thực tại một cuộc sống do mình bịa ra với những con người và những sự kiện, cũng lại do mình bịa ra nốt. (Tất nhiên, điều đó phải nói cách sao để cho đơn giản hơn).
- Tại sao lại như vậy? - người tiếp chuyện ta sẽ hỏi - Đã có cuộc đời thật rồi cơ mà. Hà cớ phải bịa ra một cuộc đời khác?
Bởi vì cuộc đời thực là lớn lao, phức tạp, con người không bao giờ có thể biết hết cuộc đời trong mọi mặt của nó. Mà có nhiều cái con người còn không thể trông thấy được nữa kia, không trải qua được nữa kia. Chẳng hạn, con người không thể đi ngược dòng thời gian ba trăm năm về trước để làm học trò của Galilee[2], tham dự cuộc công phá Paris năm 1814, hoặc ngồi ở Moskva mà sờ những cột đá hoa ở Acropolis[3]. Hoặc vừa đi lang thang trong phố xá Roma, vừa nói chuyện với Gogol. Hoặc ngồi họp trong nhà quốc hội Convent để nghe những lời nói của Marat[4]. Hoặc đứng trên boong tàu để nhìn xuống Thái Bình Dương đầy sao. Có thể giản đơn vì người đó chưa bao giờ trông thấy biển. Mà con người lại muốn biết, muốn nhìn thấy, muốn nghe thấy tất cả, muốn được trải qua tất cả. Và đấy, trí tưởng tượng cho con người những gì mà thực tại chưa kịp cho hoặc không thể cho con người. Trí tưởng tượng lấp đầy chỗ trống trong đời sống con người.
Tất nhiên ở chỗ này bạn sẽ quên khuấy mất người nói chuyện với mình và bắt đầu nói những chuyện mà người đó không tài nào hiểu nổi.
Ai có thể vạch một ranh giới rõ ràng giữa trí tưởng tượng và tư duy? Mà làm gì có nó cơ chứ, cái ranh giới ấy.
Trí tưởng tượng tạo ra định luật hấp dẫn, nhị thức Newton[5], câu chuyện bi thảm về chàng Tristan và nàng Iseult[6], bức xạ nguyên tử, dinh Bộ Hải quân ở Leningrađ, bức "Mùa Thu Vàng" của Levitan, bài Marseillaise[7], vô tuyến điện, hoàng tử Hamlet[8], tương đối luận và bộ phim Bamby.
Tư duy của con người mà vắng trí tưởng tượng thì không thể khai hoa kết quả, cũng như tưởng tượng mà không có thực tế thì nó cũng tuyệt đường sinh nở.
Có một câu thành ngữ Pháp: "Những ý nghĩ vĩ đại đều từ trái tim mà ra". Có lẽ nên nói cho đúng hơn là những ý nghĩ vĩ đại từ toàn bộ con người mà ra. Trái tim, trí tưởng tượng, lý trí, đó chính là môi trường sản sinh ra cái mà ta gọi là văn hóa.
Nhưng có một điều mà trí tưởng tượng mạnh mẽ của chúng ta cũng không hình dung nổi. Đó là sự mất đi của trí tưởng tượng, nghĩa là của tất cả những gì trí tưởng tượng đẻ ra. Nếu trí tưởng tượng mất đi, con người sẽ hết là con người.
Trí tưởng tượng là món quà vĩ đại của thiên nhiên, nó vốn có sẵn trong thiên tính của con người.
Như tôi vừa nói, không có thực tế thì trí tưởng tượng không thể tồn tại. Nó được nuôi dưỡng bằng thực tế. Mặt khác, tưởng tượng ở một mức nào đó lại ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, đến công việc và ý nghĩ của chúng ta, đến quan hệ của chúng ta đối với mọi người.
Pisarev đã nói rất đạt về cái đó. Ông nói rằng: nếu như con người không thể mường tượng thấy tương lai trong những hình ảnh sáng sủa và trọn vẹn, nếu như con người không biết mơ ước thì không gì có thể buộc con người vì cái tương lai ấy mà vất vả dựng nên những công trình, tiến hành một cuộc đấu tranh bền bỉ, có khi phải hy sinh thậm chí tính mạng mình.
Hạt bụi viễn xứ nào tôi bắt gặp
Trên lưỡi dao. Và thế giới quanh tôi
Bỗng bừng lên rực rỡ tinh khôi
Trong tấm áo choàng sương lung linh màu sắc.
Đó là thơ của Blok. Một nhà thơ khác viết:
Vũng nước nhỏ đọng hương biển lớn
Sa mạc gió về trong viên đá con con.
Ôi hạt bụi của những xứ sở xa xôi và hòn đá trên đường. Hoạt động bất kham của trí tưởng tượng thường khởi đầu từ những hạt bụi ấy, những hòn đá ấy. Nhân việc này, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện về một hidalgo[9] già người Tây Ban Nha.
Có thể, nhà quý tộc đã được hưởng những ngày sung sướng, nhưng đến thời gian câu chuyện này xảy ra thì ông đang sống đạm bạc trong trang trại của mình ở Castilla[10]. Cơ ngơi của ông là một miếng đất nhỏ với một ngôi nhà đá ảm đạm của tổ tiên để lại, giống như một nhà ngục thời nông nô.
Nhà quý tộc sống một mình. Trong nhà chỉ có một bà vú đã già. Bà lão vất vả lắm mới nấu được bữa cơm xoàng cho ông chủ và không còn nhớ gì hết. Đến nỗi có nói chuyện với bà cũng vô ích.
Ngày này qua ngày khác, nhà quý tộc ngồi lỳ trong chiếc ghế bành tơi tả bên cạnh cái cửa sổ gô-tích. Chỉ có tiếng hồ dán rạn vỡ trong các gáy sách phá tan cái im lặng tĩnh mịch.
Thỉnh thoảng ông mới ngó ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài, sừng sững một thân cây khô đen như sắt và ở chân trời là một bình sơn tẻ ngắt kéo dài. Địa phương này ở Tây Ban Nha thật hoang vắng và lạnh lẽo, nhưng nhà quý tộc đã quen với nó.
Ông không còn trẻ trung gì để dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mệt nhọc, đầy gió bụi với đủ thứ chuyện bực mình có thể xảy ra. Mà phiêu lưu làm chi trong khi ông không còn bạn bè, thân thuộc trên khắp đất nước của hoàng gia.
Cuộc đời ông trước kia ra sao cũng ít người biết đến. Người ta nói rằng ông đã có vợ và một mụn con gái xinh đẹp, nhưng cả hai đều đã qua đời vì bệnh dịch hạch trong cùng một tháng. Từ ngày ấy ông đóng cửa nằm lì trong nhà. Cả đến những người lữ hành tình cờ ghé lại vì mưa gió hoặc vì lỡ độ đường, bất đắc dĩ lắm mới ông mới cho họ vào nhà.
Một hôm, có một người đàn ông da sạm nắng gió vận áo choàng thô đến gõ cửa nhà ông và buộc con lừa già vào thân cây đen. Trong bữa ăn tối, bên lò sưởi rực hồng, y kể cho nhà quý tộc nghe rằng nhờ ơn Đức Mẹ y vừa mới trở về toàn vẹn sau một chuyến vượt biển nguy hiểm sang phía Tây: chả là đức vua bị một gã người Ý tên là Colombus[11] dỗ ngon dỗ ngọt đã cử sang đó mấy đoàn thuyền.
Họ đi suốt mấy tuần lễ qua đại dương và được nghe giọng nói của những người con gái của biển lớn - những nàng tiên cá. Những người con gái với làn tóc dài quấn lấy thân như tấm chăn đơn, ngọt ngào xin họ cho lên sưởi ấm trên thuyền.
Thuyền trưởng hạ lệnh cho mọi người không được trả lời những câu năn nỉ của những cô gái đầu người mình cá nọ. Thủy thủ phẫn nộ. Họ đã mòn mỏi vì thèm khát tình yêu và những cặp đùi mềm mại của đàn bà.
Chuyện đó chấm dứt bằng một cuộc nổi loạn thất bại. Ba kẻ cầm đầu bị treo lên gióng buồm.
Cứ như thế họ đi và gặp một vùng biển chưa từng thấy, phủ đầy rong. Trong rong có những bông hoa lớn màu xanh. Họ liền làm lễ cầu Chúa và bắt đầu đi vòng qua vùng biển rong kia cho đến khi bất thần nhìn thấy ở phía chân trời trước mặt một dải đất mới tuyệt đẹp, chưa ai biết tới bao giờ. Gió từ đất liền mang theo tiếng ì ầm dịu dàng của rừng và hương say ngây ngất của cây cỏ.
Thuyền trưởng bước lên đài quan sát, rút gươm khỏi vỏ và giơ lên trời. Ở mũi kiếm bùng lên một ngọn lửa vàng - dấu hiệu báo rằng cuối cùng họ đã tìm ra đất nước Eldorado, nơi ngọn núi nào cũng đầy bạc, vàng và châu báu.
Nhà quý tộc im lặng nghe câu chuyện của khách.
Ra đi, người đàn ông lấy trong túi da ra một cái vỏ ốc màu hồng ở xứ Eldorado tặng nhà quý tộc già để cảm ơn ông đã cho ăn và ngủ lại. Đó là một thứ đồ chơi, không đáng giá, vì thế nhà quý tộc vui lòng nhận.
Người đàn ông đi rồi thì đến đêm trời nổi giông. Những tia chớp chậm chạp sáng lên và tắt đi trên bình nguyên sơn thạch.
Cái vỏ ốc nằm trên bàn, bên giường nhà quý tộc.
Nhà quý tộc chợt tỉnh giấc và nhìn thấy cái vỏ ốc sáng rực lên trong ánh chớp của lửa trời. Trong lòng ông lóe lên và tắt đi hình ảnh của một xứ sở thần tiên đầy ánh sáng hồng, bọt biển và mây trắng.
Tia chớp tắt. Nhà quý tộc đợi đến tia chớp sau và nhìn thấy trong vỏ ốc cái xứ sở kia rõ nét hơn lần trước. Từ những bờ biển dựng đứng, những dòng thác rộng chảy ra biển, sủi bọt và lấp lánh. Cái gì đây? Có lẽ là những dòng sông. Nhà quý tộc như cảm thấy cả cái tươi mát của những dòng sông ấy. Bụi nước phả vào mặt ông.
Ông ngỡ cảm giác đó là của giấc mơ chưa dứt, đứng dậy, kéo ghế lại bên bàn, ngồi đối diện chiếc vỏ ốc, cúi xuống và không hiểu sao mà tim đập mạnh, ông cố quan sát kỹ những chi tiết khác của cái xứ sở nằm trong vỏ ốc kia. Nhưng những tia chớp thưa dần và sau cùng tắt hẳn.
Nhà quý tộc không dám châm nến, sợ ánh sáng thô lỗ của nó sẽ làm ông tin rằng những gì ông đã thấy chỉ là ảo giác và không có xứ sở nào trong lòng vỏ ốc hết.
Ông ngồi cho đến sáng. Trong ánh nắng bình minh cái vỏ ốc chỉ còn là một cái vỏ ốc bình thường. Trong lòng nó chẳng có gì khác ngoài cái ánh sáng mờ như sương phải khó khăn lắm mới nhận thấy. Hệt như cái xứ sở bí ẩn kia trong một đêm đã lùi xa ra hàng ngàn dặm.
Ngay ngày hôm ấy nhà quý tộc đi Madrid và quỳ xuống trước mặt vua, cầu xin đức kim thượng ban cho ông một đặc ân; cho phép ông tự bỏ tiền ra sắm một chiếc thuyền để đi về phương Tây tìm cái xứ sở không ai biết tới kia.
Nhà vua vốn nhân đức liền chấp nhận lời cầu khẩn của ông. Sau khi ông lùi ra, nhà vua nói với tả hữu:
- Nhà quý tộc kia rõ là một thằng khùng! Hắn ta có thể tìm được cái gì với độc một chiếc thuyền thảm hại? Nhưng thôi kệ, Trời soi đường chỉ lối cho cả những kẻ mất trí. Chưa biết chừng lão già ấy lại mang về được cho ngai vàng của ta những miền đất mới cũng nên.
Suốt mấy tháng trời nhà quý tộc đi về hướng Tây. Ông ăn rất ít và chỉ uống nước. Sự hồi hộp khiến thân hình ông quắt lại. Ông cố không nghĩ đến cái xứ sở thần tiên kia, sợ rằng chẳng bao giờ ông có thể đặt chân đến đấy. Và sợ rằng khiu ông được nhìn thấy nó thì nó lại là một bình nguyên đáng ngán toàn cỏ và những cột bụi xám ngoét bị gió xua đuổi.
Nhà quý tộc cầu xin Đức Mẹ, đừng bắt ông phải thất vọng.
Tượng Đức Mẹ khắc mộc mạc bằng gỗ gắn ở mũi thuyền. Đức Mẹ bay nhanh, nghiêng ngả đàng trước con thuyền lướt sóng. Đôi mắt xanh của Đức Mẹ mở to đăm đăm nhìn về phía biển xa. Trên làn tóc mạ vàng đã rạn nứt và chiếc áo choàng đỏ thẫm bạc màu, những giọt nước bắn lên lấp lánh.
- Xin Đức Mẹ hãy chỉ đường dẫn lối cho chúng con! - nhà quý tộc cầu khẩn - Không lẽ nào lại không có xứ ấy. Con nhìn thấy nó rõ lắm mà, trong giấc mơ cũng như trong lúc tỉnh.
Một hôm, vào lúc chiều tối, thủy thủ vớt được một cành cây gãy. Đó là dấu hiệu gần tới đất liền.
Cành cây phủ dày những lá lớn giống như những chiếc lông đà điểu. Từ lá cây bốc lên một hương vị ngọt ngào và tươi mát.
Đêm ấy trên thuyền không ai ngủ.
Và cuối cùng, trong ánh sáng rực rỡ của ban mai, một xứ sở tráng lệ với những bức tường đá muôn màu của những rặng núi kéo dài từ đầu này đến đầu kia biển cả hiện ra. Những dòng sông trong suốt từ những rặng núi ấy đổ xuống đại dương. Trên màu xanh của rừng hàng đàn chim vui vẻ bay lượn. Lá rừng rậm đến nỗi chim chóc không luồn vào trong được và vì thế chúng cứ phải lượn mãi trên những ngọn cây.
Một hương vị tràn trề hạnh phúc của hoa trái từ trong bờ bay ra. Tưởng như mỗi ngụm hương vị đó đưa cái bất tử vào trong lồng ngực.
Mặt trời lên và cái xứ sở ngập trong bụi nước bay ra từ những dòng thác bỗng bừng lên đủ mọi màu sắc, những màu sắc chỉ có được khi ánh mặt trời khúc xạ trong những bình pha lê nhiều cạnh.
Đất nước ấy long lanh như một dải thắt lưng bằng kim cương mà nữ thần trinh bạch của trời và ánh sáng đã bỏ quên trên bờ biển.
Nhà quý tộc quỳ xuống, giơ hai tay run rẩy về phía mảnh đất chưa người biết tới và nói:
- Cảm ơn người, tiên kiến của ta. Lúc ta đã gần đất xa trời ngươi cho ta thèm nhớ những điều mới lạ và bắt tâm hồn ta phải mệt mỏi vì mơ ước được nhìn thấy một xứ sở hạnh phúc. Nếu không thì không khi nào ta được trông thấy nó và đôi mắt ta sẽ khô đi, sẽ mù đi trước cảnh bình nguyên đơn điệu. Ta muốn lấy tên con gái ta là Florenzia đặt cho mảnh đất hạnh phúc này.
Từ đất liền hàng chục cầu vồng nhỏ chạy ra đón con thuyền. Trước cảnh đó nhà quý tộc hoa mắt. Mặt trời đã thắp những chiếc cầu vồng đó trong bọt thác, nhưng không phải chúng đang chạy lại gần thuyền mà chính là thuyền đang đi lại gần chúng.
Những cánh vải rít trên cột buồm và những lá cờ lễ vừa được kéo lên hân hoan bay phần phật.
Nhà quý tộc ngã sấp xuống boong tàu ẩm ướt và ấm áp. Ông đã cấm khẩu. Trái tim mệt mỏi của ông không chịu đựng nổi niềm vui độc nhất và vĩ đại mà Chúa đã ban cho ông ngày hôm ấy.
Nhà quý tộc qua đời.
Người ta nói rằng đất nước về sau này mang tên Florida đã được tìm ra là như thế.
Có lẽ cũng chẳng cần giải thích câu chuyện đó. Nhưng cũng nên đánh dấu lại những khâu chính của nó để cho một ý nghĩ này thêm sáng tỏ. Đó là trí tưởng tượng được cuộc sống sinh ra, đến lượt nó đôi khi lại có lần ngự trị cuộc sống.
Người khoác áo choàng thô đã đánh thức trí tưởng tượng trong nhà quý tộc. Từ phút đó, trí tưởng tượng đã choán hết tâm trí nhà quý tộc già và chỉ vì thế mà ông đã nhìn thấy trong lòng chiếc vỏ ốc một xứ sở kỳ lạ.
Một trong những đặc tính của trí tưởng tượng con người tin ở nó. Nếu không có lòng tin ấy, trí tưởng tượng sẽ chỉ là một trò chơi vô vị của trí óc, là chiếc kính vạn hoa vô nghĩa của con trẻ.
Niềm tin vào hình ảnh tưởng tượng chính là cái động lực buộc con người tìm trong cuộc đời cái mà mình tưởng tượng ra, chiến đấu để biến nó thành sự thực, cái động lực ấy buộc con người đi theo tiếng gọi của tưởng tượng, như nhà quý tộc kia đã đi theo và sau hết - tạo ra trong thực tế cái mà mình tưởng tượng thấy.
Nhưng trước hết và mạnh hơn hết, tưởng tượng gắn bó với nghệ thuật, văn học và thi ca.
°
Sự phong phú về liên tưởng chứng tỏ sự phong phú của thế giới bên trong của nhà văn. Có cái phong phú ấy thì ý nghĩ nào, đề tài nào cũng có thể lớn phổng lên bởi những nét sinh động bám vào nó.
Có những nguồn nước khoáng đậm đặc. Chỉ cần đặt vào đấy một cành lá hay một cái đinh, cái gì cũng được,trong một thời gian ngắn chúng đã được rất nhiều tinh thể trắng bao bọc và biến thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đối với ý nghĩ của con người được đặt trong nguồn trí nhớ của chúng ta, trong cái môi trường đậm đặc của liên tưởng, hiện tượng cũng tương tự như vậy. Ý nghĩ biến thành tác phẩm nghệ thuật.
Có thể đưa ra bất cứ thí dụ nào về liên tưởng. Nhưng cần phải nhớ rằng liên tưởng ở mỗi người đều liên quan chặt chẽ với cuộc đời, tiểu sử, ký ức của họ. Vì thế những liên tưởng ở người này có thể hoàn toàn khác hẳn liên tưởng ở người kia. Cùng một từ gợi những liên tưởng khác nhau trong những con người khác nhau. Nhiệm vụ của nhà văn là truyền đạt, hoặc như người ta thường nói, làm cho những liên tưởng của mình đến được với người đọc và gợi lên ở người đọc những liên tưởng tương tự.
Lomonosov đã đưa ra một thí dụ đơn giản về liên tưởng trong cuốn "Tu từ học" của ông. Theo lời Lomonosov thì liên tưởng "là năng khiếu tinh thần từ một vật đã thấy, nghĩ ngay đến, một cách tổng quát, những vật khác có liên quan chặt chẽ với nó, thí dụ: khi trong óc nghĩ đến cái tàu thủy thì ta tưởng tượng ra cùng một lúc với nó biển, trên đó tàu thủy đi, với biển, - bão, với bão - sông, với sông - tiếng động ở bờ biển, với bờ biển - những tảng đá v. v...
Đó là kiểu liên tưởng gọi là liên tưởng "giáo khoa". Thông thường, liên tưởng phức tạp hơn nhiều lắm.
Tiện đây tôi xin đưa một ví dụ về liên tưởng.
"Lúc này tôi đang viết trong một ngôi nhà nhỏ trên những cồn cát ở vịnh Riga. Trong phòng bên, một con người vui tính đang đọc to những vần thơ của mình. Đó là nhà thơ Immermanis, người Latvya. Anh vận chiếc áo len đan màu đỏ. Tôi đã nhìn thấy một chiếc áo len như thế đã lâu lắm, từ trước chiến tranh, trên mình nhà đạo diễn Eizenshtein. Tôi gặp Eizenshtein[13] trong một phố Alma-Ata. Ông đang cầm một gói sách vừa mới mua. Sách ông chọn hơi lạ: chỉ dẫn về chơi bóng chuyền, hợp tuyển giáo khoa lịch sử trung cổ, sách học đại số và cuốn Susima của Novikov Priboy.
- Đạo diễn phải biết đủ thứ. Và tìm cách biểu hiện bằng hình ảnh cho đủ mọi thứ - Eizenshtein nói.
Tôi hỏi:
- Cho cả những công thức đại số sao?
- Dĩ nhiên! - Eizenshtein trả lời.
Nhà thơ Vlađimir Lugovskoy lúc ấy đang viết một bài thơ trường thiên. Trong đó có một chương nói về Eizenshtein dưới đầu đề: "Alma-Ata[14], thành phố của những giấc mơ". Trong bài thơ có tả những chiếc mặt nạ Mehico treo trong phòng Eizenshtein. Ông tha chúng về sau chuyến đi Trung Mỹ.
Nói chung, toàn bộ lịch sử xâm chiếm châu Mỹ là lịch sử sự xỏ lá của loài người. Cần phải đặt tên cho nó như vậy. Cái tên "Xỏ Lá" được đặt cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử thì rất đạt. Nó sẽ kêu vang như một cái tát.
Ôi, những cuộc tìm kiếm đầu đề cực nhọc, thường xuyên.
Nghĩ ra tên sách là một cái tài riêng. Có những người viết hay nhưng lại không biết đặt tên cho tác phẩm của mình. Và ngược lại.
Cũng như có những người kể chuyện hay nhưng lại viết tồi. Họ chỉ biết tán. Cần phải có một tài năng khỏe như Gorky để có thể kể nhiều lần chỉ một câu chuyện thôi và rồi lại viết nó ra một cách mới, khác hẳn câu chuyện miệng. Mà kể chuyện thì Gorky rất tuyệt. Một câu chuyện thật ở miệng ông lập tức được phong phú thêm bằng rất nhiều chi tiết. Cứ mỗi lần kể, cũng một câu chuyện ấy, những tình tiết lại mỗi lúc mỗi nhiều thêm, mỗi khác đi, nó thành ra lý thú hơn. Những câu chuyện miệng của Gorky thực ra là những sáng tác chính cống. Vì thế mà Gorky chán ngán hết sức khi phải tiếp xúc với đám người nhạt nhẽo và chính xác dám nghi ngờ tính xác thực của những chuyện ông kể. Ông chau mày, thôi không kể nữa, và hình như ông đã nói: "Sống với các đồng chí trên thế giới này ngán lắm, các đồng chí ạ!". Nhiều nhà văn cũng có tài dựa trên cơ sở những sự kiện thật tạo ra những chuyện kể miệng như thế. Đặc biệt là Mark Twain[15]. Một nhà phê bình chiến đấu cho những sự thật vặt vãnh đã buộc Mark Twain vào tội dối trá. Mark Twain nổi đóa: "Ông làm gì có quyền phán xét tôi nói dối hay không nói dối, trong khi chính ông không biết cả đến cách nói dối tồi tệ nhất và cũng chẳng hiểu người ta nói dối như thế nào? - Mark Twain nói với nhà phê bình - Muốn quả quyết một cách mạnh dạn như thế cần phải có nhiều kinh nghiệm trong chuyện đó, ông bạn ạ. Mà ông thì không có kinh nghiệm và không thể nào có nó được. Trong lĩnh vực này, ông là kẻ dốt nát và ngu ngốc".
Inf kể lại rằng trong một thành phố nhỏ ở quê hương Mark Twain ông thấy có tượng Tom Sawyer, Huckleberry Finn. Trong bức tượng, Finn nắm đuôi một con mèo chết. Ờ nhỉ, tại sao ta lại không dựng tượng các nhân vật văn học? Thí dụ tượng Don Quixote[16] hay Gulliver[17], Pavel Korchagin, Tatiana Larina, Taras Bulba, Pier Bezukhov, Ba chị em của Chekhov, Maksim Maksimych hay Bela của Lermontov?[18]
Tất cả những điều tôi viết ra ở trên là cái dây xích liên tưởng. Số lượng những liên tưởng có thể là vô tận. Nếu như đặt mắt xích đầu vào mắt xích cuối của các liên tưởng ấy lại bên nhau - cái áo len đỏ và tượng Bela - thì, lẽ dĩ nhiên, tất cả đường đi của liên tưởng sẽ giống như sự mê sảng.
Tôi nói nhiều về liên tưởng chỉ vì nó tham gia rất chặt chẽ trong sáng tác.
Trong câu chuyện dài dòng về trí tưởng tượng ở trên kia chỉ có một điểm là rõ ràng: nếu không có tưởng tượng thì không có văn xuôi thật sự và cũng chẳng có thơ.
Có lẽ Bestuzhev - Marlinsky đã nói về tưởng tượng hay hơn hết thảy:
"Cái hỗn mang là tiền thân của sự sáng tạo ra một cái gì chân thực, cao cả và nên thơ. Chỉ cần có tia sáng của thiên tài chọc thủng bóng tối ấy. Những hạt nhỏ đấu tranh với nhau, ngang sức nhau còn lại tới nay sẽ được tình yêu và sự hòa hợp làm cho tái sinh, chúng sẽ cùng chảy vào một hạt mạnh mẽ nhất, sẽ gắn chặt với nhau, sắp xếp thành những tinh thể lóng lánh, sẽ hiện lên như những ngọn núi, sẽ tràn trề như biển, và một sức sống sinh động sẽ viết những chữ tượng hình khổng lồ lên trên thế giới mới".
Đêm đến và sức mạnh của tâm hồn từ từ trỗi dậy. Tạm thời nó chưa có tên. Ta sẽ gọi nó bằng cái gì đây? Tưởng tượng, hoang tưởng, sự thâm nhập vào những lỗ hổng nhỏ nhất của ý thức con người chăng, cảm hứng chăng? Niềm phấn khởi trong tâm hồn hay là sự bình yên? Niềm vui hay nỗi buồn? Ai biết được!
Tôi tắt đèn và đêm bắt đầu từ từ sáng. Ánh tuyết phản chiếu ngấm vào đêm tối. Vịnh biển trong băng. Như một chiếc gương mờ khổng lồ, nó ánh lên đêm tối và biến đêm tối thành cái tranh tối tranh sáng trong suốt.
Trông rõ những ngọn thông Baltic. Ngoài xa, những chuyến tàu chạy điện đi ngang, dội lên tiếng ầm ầm lớn dần đều đặn. Và lại yên lặng, cái yên lặng đặc biệt, tưởng chừng nghe rõ cả tiếng xào xạc nhỏ nhất của những cây tùng bách ngoài cửa sổ và tiếng lách tách khe khẽ khó hiểu. Tiếng ấy trùng hợp với những tia sáng lóe ra từ những vì sao. Có lẽ băng giá từ những vì sao rơi xuống và khe khẽ kêu lên những tiếng lách tách và leng keng.
Trong nhà vắng lặng. Một mình tôi. Ngay cạnh tôi là biển cả ngoài trăm dặm. Bên kia những cồn cát là những đầm lầy rộng lớn và những khu rừng thấp... Không ai có bên mình. Nhưng chỉ cần đốt đèn lên, ngồi xuống trước bàn và bắt đầu viết bất kỳ về một chuyện nào đó, thế là cảm giác cô độc đã mất đi rồi. Tôi không phải chỉ có một mình. Từ căn phòng nhỏ hẹp này tôi có thể nói chuyện với hàng vạn người, với cả thế giới. Tôi có thể kể cho họ nghe bất cứ câu chuyện nào, làm cho họ vui hoặc buồn, gợi lên trong họ sự suy nghĩ hoặc niềm căm giận, tình yêu và lòng trắc ẩn, làm người dẫn đường, cầm tay họ mà dắt họ đi trong cuộc đời. Cuộc đời được xây dựng ở đây, trong bốn bức tường này, nhưng nó vượt thoát ra vũ trụ.
Cầm lấy tay họ mà đưa họ đi đón bình minh. Bình minh nhất định sẽ đến. Ở đàng đông nó đã bắt đầu chọc thủng màn đêm và soi sáng chân trời bằng một màu xanh rất nhạt tạm thời còn xa lắc.
Tôi vẫn chưa biết mình sẽ viết gì. Ý nghĩ trong tôi không khác gì nỗi bồi hồi, niềm mong ước muốn truyền đạt cho người khác tất cả những gì đang tràn ngập trí óc tôi, trái tim tôi, toàn bộ con người tôi. Ý nghĩ có trong tôi, nhưng nó sẽ đổ đi đâu, sẽ tìm được cách diễn đạt nào, chính tôi cũng chẳng rõ. Nhưng tôi biết tôi sẽ viết vì ai. Tôi sẽ nói chuyện với cả thế giới. Thật là khó, gần như không thể nào mường tượng ra bằng hình ảnh khái niệm đó - cả thế giới.
Bao giờ ta cũng nghĩ về một người nào đó, dù chỉ là một em gái bé có đôi mắt sáng long lanh, cái em bé đã chạy trên cánh đồng cỏ đón tôi để khi chạy tới nơi, nắm lấy khuỷu tay tôi mà nói, thở dốc vì chạy nhanh:
- Cháu đợi chú ở đây đã lâu lắm rồi. Cháu đã hái được một bó hoa và đọc thuộc lòng chín lần chương thứ hai cuốn Evgeny Onegin[19]. Mọi người đang đợi chú ở nhà, quanh đi quẩn lại có bằng ấy người, buồn lắm. Chú kể cho mọi người nghe ngay đi, lúc chú ở hồ có chuyện gì xảy ra và nhớ bịa thêm một cái gì cho thú vị. Hay không, chú đừng bịa, mà cứ kể như thực ấy, bởi vì cứ thế thôi trên những cánh đồng cỏ này đã đẹp lắm và hoa tường vì đã bắt đầu nở lần thứ hai. Thú quá, chú ạ!
Mà cũng có thể, tôi sẽ kể cho một người đàn bà mà cuộc sống của người đó gắn bó với cuộc sống của tôi, bởi những năm khó khăn, sung sướng và dịu dàng, gắn bó chặt chẽ đến nỗi ngày nay không có gì có thể làm chúng tôi sợ hãi.
Mà có thể, tôi viết cho bạn bè tôi. Vào tuổi tôi, bè bạn mỗi năm một thưa dần.
Nhưng nói cho cùng, tôi viết cho những ai muốn đọc những dòng này.
Tôi không biết tôi sẽ viết gì. Có lẽ tại tôi muốn nói quá nhiều và còn chưa chọn được trong những ý nghĩ của mình một ý nghĩ có khả năng như cục nam châm hút được tất cả những ý nghĩ khác về nó và bắt chúng nằm vào trong câu chuyện một cách gọn gàng.
Trạng thái ấy quen thuộc đối với tất cả những người cầm bút.
Turgenev nói:
- Không phải vô cớ mà những nhà thơ đã nói đến cảm hứng. Tất nhiên nàng thơ không phải từ đỉnh Olympus xuống với họ và mang tới cho họ những bài ca viết sẵn, nhưng trong họ có một tâm trạng đặc biệt, giống như là cảm hứng. Những vần thơ của Fet[20] bị người ta giễu cợt rất nhiều, trong đó ông nói rằng chính ông cũng không biết mình sẽ hát gì, nhưng "bài ca tự nó sẽ chín", đã nói lên rất đúng tâm trạng trên. Có những phút ta cảm thấy muốn viết nhưng chưa biết ta sẽ viết gì, có điều ta biết trước rằng mình sẽ viết. Tâm trạng ấy được các nhà thơ gọi là "thiên giáng". Những phút ấy là nguồn khoái cảm duy nhất của người nghệ sĩ. Nếu không có những phút như thế thì chẳng ai muốn viết. Sau đó, khi phải xếp dọn cho có thứ tự tất cả những gì đang quay cuồng trong đầu, khi phải biểu hiện tất cả những cái đó trên mặt giấy, thì cái ray rứt mới bắt đầu".
Đang đêm bất thần xuất hiện một âm thanh. Đó là tiếng còi của một con tàu thủy ở xa. Nó từ đâu đến đây, trong vùng băng giá này?
Ngày hôm qua báo chí Riga loan tin có một chiếc tàu phá băng từ Leningrađ vào vịnh. Chắc đấy là tiếng còi của nó.
Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện của một viên hoa tiêu tàu phá băng kể rằng khi len lỏi qua vịnh Phần Lan, ông bắt gặp trên mặt băng một ôm hoa đồng giản dị đã héo. Hoa bị tuyết phủ đầy. Ai đã đánh rơi chúng ở đây, trên hoang mạc băng tuyết này? Chắc chúng đã rơi từ một con tàu nào đó khi nó phá vỡ lớp băng mỏng đầu tiên.
Hình tượng nảy ra. Với một sức mạnh không hiểu nổi vì sao mà có, nó dẫn ta tới với một câu chuyện thần kỳ còn chưa rõ nét.
Cần phải khám phá ra điều bí ẩn của những bông hoa chết cóng kia. Mọi người đều cùng đoán. Người nào trông thấy những bông hoa kia cũng đều có những phỏng đoán của mình.
Tôi cũng có những phỏng đoán của tôi, mặc dầu tôi không trông thấy những bông hoa ấy. Không biết có phải chính là những bông hoa của em gái bé chạy lại đón tôi đã nhặt trên những đồng cỏ không? Hẳn vẫn là những bông hoa ấy. Nhưng tại sao chúng lại rơi trên băng? Cái đó chỉ có thể xảy ra trong một chuyện thần tiên, thứ chuyện không thèm đếm xỉa đến giới hạn trong thời gian cũng như trong không gian.
Tự nhiên ta nghĩ ngay đến mối quan hệ đặc biệt, thuần túy đàn bà đối với hoa. Nó khác hẳn với cái mà cánh đàn ông chúng ta có. Đối với chúng ta, hoa là vật trang trí. Đối với đàn bà, hoa là những sinh vật, những vị khách từ cái thế giới mà chúng ta, những người lớn tuổi và bận rộn làm ăn chỉ thấy nó khi đi ngang và nhìn nó bằng cái nhìn kẻ cả.
Đáng giận là buổi bình minh vào sáng quá nhanh. Ánh sáng ban ngày có thể xua đi những ý nghĩ mà tôi vừa nói trên, làm cho chúng trở thành tức cười dưới tầm mắt những người nghiêm nghị.
Gặp ánh mặt trời, nhiều câu chuyện huyền hoặc co rúm lại và lẩn đi như những con sên thu mình vào trong vỏ.
Đúng thế, câu chuyện thần tiên, tuy còn chưa rõ nét, nhưng nó đã ra đời. Hầu như không thể nào ngăn nổi những câu chuyện thần tiên, những truyện ngắn truyện dài, một khi chúng đã hình thành. Cái đó chẳng khác gì giết chết một sinh mạng. Chúng ta bắt đầu tự lớn lên trong ý thức của chúng ta.
Và cuối cùng, đã đến lúc câu chuyện thần tiên được đưa lên mặt giấy. Phần nhiều khi viết nó ra, ta cũng cảm thấy chật vật chẳng khác gì muốn truyền đạt bằng lời cái hương thơm phảng phất của cỏ. Khi viết truyện, hầu như ta phải nín thở để khỏi làm bay mất lượt bụi mỏng manh phủ trên mình nó. Và phải viết cho thật nhanh, bởi vì ánh thấp thoáng của hình bóng và những cảnh riêng biệt nhẹ nhàng, trôi qua nhanh lắm. Không được chậm chạp, không được tụt lại đàng sau bước chạy của trí tưởng tượng.
Câu chuyện thần tiên đã viết xong. Và ta lại muốn một lần nữa, với lòng biết ơn, được nhìn vào trong những đôi mắt sáng long lanh, nơi câu chuyện sẽ sống mãi đời đời.
Chú thích:
[1] Émile Zola (1840-1902), nhà văn Pháp.
[2] Galileo Galiee (1564-1642), nhà vật lý và thiên văn người Ý.
[3] Acropolis (tiếng Hi Lạp akros = cao nhất,: polis = thành phố), công trình kiến trúc ở Athenaa, thế kỷ 5 trước C. N.
[4] Marat, Jean Paul (1743-1793), nhà báo, nhà chính trị nổi tiếng trong cuộc Đại cách mạng Pháp 1789.
[5] lsaac Newton (1643 - 1727) nhà toán học kiêm vật lý học Anh.
[6] Tristan và Iseult, truyền kỳ về một chuyện tình bi thảm thời trung cổ, trong đó hai người yêu nhau chỉ được đoàn tụ sau cái chết. Nhạc sĩ Wagner đã làm một opera theo đề tài này. Câu chuyện dân gian truyền khẩu còn có tên là Tristram và Iseult, Tristan và Isolde.
[7] La Marseillaise, quốc thiều Pháp, được phổ biến rộng rãi trong Đại cách mạng Pháp 1789, đầu tiên do Rouget de Lisle, sĩ quan trong quân đoàn sông Rhin sáng tác cho quân đoàn.
[8] Nhân vật trong vở kịch cùng tên của Shakespeare.
[9] Tước quý tộc thấp nhất trong các hàng quý tộc Tây Ban Nha.
[10] Một tiểu vương quốc phía Bắc Tây Ban Nha.
[11] Columbus, Christopher (hoặc, theo tiếng Ý Cristoforo Colombo, tiếng Tây Ban Nha Cristóbal Colón) (1451-1506), nhà du hành hàng hải Ý - Tây Ban Nha, người đầu tiên tìm ra châu Mỹ.
[12] Mikhail Vasilyevich Lomonosov (1711-1765), nhà văn, nhà hóa học, nhà thiên văn học Nga.
[13] Sergey Mikhailovich Eizenshtein (1898-1948), đạo diễn phim, nhà lý thuyết điện ảnh Nga.
[14] thủ đô của Cộng hòa Kazakhstan.
[15] Mark Twain, bút danh của Samuel Langhome Clemens (1835-1910), nhà văn Hoa Kỳ.
[16] Bản dịch ở Việt Nam trong thập niên 60 có tên Đôn Kihôtê.
[17] Nhân vật trong cuốn "Gulliver Du Ký" của Johnathan Swift (1667-1745, bút danh của Isaac Bickerstaff).
[18] Các nhân vật trong các tác phẩm lớn của các nhà văn nhà thơ cổ điển Nga và Liên Xô (cũ).
[19] Tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ A. Pushkin.
[20] Nhà thơ Nga đầu thế kỷ 20.