Biến Bất Kỳ Ai Thành Khách Hàng

Chương 3: Đích đến của bạn là gì? Đặt mục tiêu kinh doanh và marketing

“Ta có thể đạt được điều mà ta mong muốn và tin tưởng.” 

 --MARK TWAIN 

Ích lợi của mục tiêu

Ở chương này, bạn sẽ đặt mục tiêu doanh thu và marketing cho kế hoạch Biến bất kỳ ai thành khách hàng! dài 28 ngày. Trong kế hoạch này, chúng ta sẽ sử dụng các phương pháp đặt mục tiêu rất nhiều lần, vì vậy hãy cùng tìm hiểu triết lý cốt lõi của mục tiêu:

1. Chọn một mục tiêu có thể thúc đẩy bạn, nhưng phải thực tế.

2. Nỗ lực tối đa để đạt được nó.

3. Khi mục tiêu trở nên thiếu thực tế thì hãy thay đổi.

4. Tự thưởng cho bản thân không chỉ vì kết quả mà còn vì nỗ lực đã bỏ ra để đạt được nó.

Tự thưởng là yếu tố then chốt của quá trình này. Trong marketing, ta không thể đoán trước được điều gì. Có khi bạn làm việc cực kỳ chuẩn xác mà vẫn không đạt được kết quả mình muốn. Nếu bạn chỉ tự thưởng cho bản thân khi đạt được thành quả thì có nghĩa là tất cả nỗ lực để đạt được thành quả đó đã bị phớt lờ. Đồng thời, bạn sẽ có cảm giác là mình thất bại.

Hãy tạo thói quen tự thưởng cho bản thân vì nỗ lực mình đã bỏ ra, dù kết quả đạt được là gì. Để làm được điều này thường xuyên, bạn luôn cần có một mục tiêu. Giả dụ bạn đặt mục tiêu thực hiện 10 cuộc gọi chào hàng trong ngày thứ hai và bạn đã thực hiện thì bạn xứng đáng được thưởng, kể cả khi không ai trong số đó đồng ý mua hàng trong ngày. Nếu không đặt ra mục tiêu trong ngày thì bạn sẽ chẳng có lý do gì để tự thưởng cho bản thân, cũng như chẳng có cách nào chống lại nỗi thất vọng mà bạn có thể gặp phải.

Phương pháp này đặc biệt quan trọng với Nguyên liệu thành công. Cuốn brochure là thành phần cốt yếu tạo nên thành công cho công việc kinh doanh của bạn, nhưng chỉ mình cuốn brochure thôi thì không thể mang đến khách hàng cho bạn. Bạn phải gọi điện thoại, gửi thư … thì brochure mới biến thành doanh thu được. Vì vậy, trước tiên bạn cần phải tự thưởng cho bản thân vì tất cả những nỗ lực cho việc hoàn thành cuốn brochure.

Đặt mục tiêu marketing hàng tháng, hàng tuần và thậm chí là hàng ngày có thể mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích. Cái lợi đầu tiên là củng cố sự tập trung. Nhìn vào mục tiêu hàng ngày sẽ khiến chúng luôn hiện diện trong tâm trí bạn. Biết rằng mình chỉ có 28 ngày để đạt kết quả mong muốn sẽ kéo sự chú ý của bạn vào marketing và giúp bạn tránh xa những thứ gây xao lãng.

Thứ hai, mục tiêu sẽ tạo ra các căn cứ. Bằng cách thường xuyên kiểm tra mức độ nỗ lực và so sánh nó với thành quả đạt được, bạn sẽ kiểm soát được mức độ tiến triển thực tế của mình. Bạn sẽ nhận ra ngay khi có vấn đề, chẳng hạn như bạn làm việc thiếu nhiệt huyết hoặc đang phung phí khoảng thời gian quý báu cho marketing để làm những việc như dọn dẹp ngăn bàn làm việc. Bạn cũng có thể biết được khi nào bạn đã làm đủ và có thể nghỉ một ngày mà không cảm thấy áy náy.

Mục tiêu cũng sẽ cho bạn phương hướng. Trong 28 ngày tới, bạn sẽ không còn phải lo nghĩ làm cách nào để tìm kiếm được thêm khách hàng. Tờ Hướng dẫn công việc hoàn thiện sẽ chỉ ra chính xác những điều cần làm. Mỗi khi cảm thấy không chắc chắn về bước tiếp theo cần làm, hãy tự hỏi: “Lựa chọn (hoặc hành động, quyết định) nào sẽ đưa mình nhắm trúng mục tiêu đặt ra?” Sự nhắc nhở đó là tất cả những gì bạn cần để không bị chệch khỏi con đường dẫn đến đích.

Cuối cùng, mục tiêu tạo cho bạn động lực. Hãy dán tờ Hướng dẫn công việc lên tường mà bạn có thể thường xuyên nhìn thấy. 

Phải có kế hoạch

“Có hàng trăm cách tiếp thị bản thân”, đó là lời khẳng định của Rick Fettke, bậc thầy tư vấn kiêm tác giả cuốn Extreme Success (tạm dịch: thành công tột đỉnh). “Bạn có thể tạo ra một gói quảng cáo rồi gửi đến các phương tiện truyền thông, phát biểu tại các buổi hội thảo và gặp gỡ về kinh doanh, hoặc gửi bưu thiếp, email và fax hàng tháng.”

“Bạn có thể thực hiện bất kỳ việc nào trong số đó, nhưng bạn có muốn làm không? Bạn không thể làm tất cả mọi việc cùng lúc. Bí quyết marketing hiệu quả là khiến cho một số người cùng nghe nói về bạn liên tục, lặp đi lặp lại. Cách duy nhất để làm được điều này mà không bị mệt mỏi, nản chí là lập kế hoạch kinh doanh và marketing rồi kiên trì thực hiện nó. Kế hoạch của bạn cần phải cụ thể, đo lường được và khả thi (cùng với một chút mạo hiểm), bao gồm các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Tạo lập những thói quen thành công hàng ngày cho bản thân cũng sẽ giúp bạn từng bước hoàn thành mục tiêu.”

“Tôi áp dụng hệ thống Biến bất kỳ ai thành khách hàng! với khách hàng nhằm mang đến cho họ một kết cấu dễ sử dụng để thu hút các mối kinh doanh. Nó khiến họ phải hành động, và hành động sẽ đưa tới kết quả.”

RICH FETTKE, MCC

www.fettke.com 

Hãy tự khởi động một cuộc thi xem bạn có thể hoàn thành các Công việc hàng ngày vào thời điểm nào trong ngày, rồi cố gắng phá kỷ lục của chính mình. Đưa ra phần thưởng cho mỗi lần hoàn thành kế hoạch Nguyên liệu cho Thành công, hay khi đạt được một phần nhất định trên con đường dẫn đến đích của chương trình này. Nghĩ ra một trò chơi về marketing hoặc kinh doanh và tự đặt ra luật chơi cho mình. Bạn càng vui vẻ, thoải mái bao nhiêu thì 28 ngày tiếp theo sẽ càng dễ dàng bấy nhiêu.

Vậy thì mục tiêu là gì?

Khi định nấu một bữa ăn, bạn phải biết mình sẽ nấu món gì trước khi bắt đầu. Để chọn được đúng những Nguyên liệu cho Thành công và đưa ra những lựa chọn chính xác nhất từ Thực đơn Kế hoạch Hành động, trước tiên bạn cần xác định xem mình muốn tạo ra cái gì. Đó chính là mục tiêu.

Mục tiêu là sự thể hiện ý định của bạn. Nó là tuyên bố cá nhân của bạn về những gì bạn muốn, những gì bạn dự định sẽ tập trung vào, và những gì bạn dự định sẽ hoàn thành. Có mục tiêu kinh doanh và marketing nghĩa là bạn đã có được đích đến trong hành trình kinh doanh của mình. Khi biết được đích đến là gì thì bạn mới có thể chọn được con đường đúng đắn để đi đến đó. Và bạn cũng phải xác định được đích rõ ràng để biết khi nào mình đến nơi.

Nhiều năm trước, một bậc thầy về đặt mục tiêu đã dùng từ viết tắt SMART để miêu tả năm đặc điểm quan trọng của một mục tiêu hiệu quả:

Specific (Cụ thể). Mục tiêu giải thích rõ ràng và chính xác kết quả mà bạn muốn đạt được.

Measurable (Đo lường được). Mục tiêu mô tả đích của bạn bằng những cụm từ có thể đo đếm được, nhờ đó bạn sẽ xác định được khi nào mình hoàn thành mục tiêu, cũng như tiến độ của bạn tại một thời điểm nhất định.

Achievable (Khả thi). Mục tiêu có thể thực hiện được trong bất kỳ giới hạn nào.

Realistic (Thực tế). Mục tiêu có thể đạt được trong khoảng thời gian đề ra và với nguồn lực sẵn có.

Timely (Thời hạn). Đặt ra một ngày chính xác để hoàn thành mục tiêu.

Dưới đây là một số ví dụ của những mục tiêu SMART mà bạn có thể đặt ra cho 28 ngày của chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng!:

• Ký được hợp đồng với hai khách hàng mới trước khi chương trình kết thúc

• 15 cuộc hẹn thanh toán mỗi tuần, bắt đầu từ tuần 2

• 22 giờ lập hóa đơn mỗi tuần trong vòng một tháng

• Thương vụ trị giá 6.000 đô-la được đặt hàng cho tháng sau

• Tám triển vọng đủ điều kiện trước khi chương trình kết thúc

Mục tiêu cho chương trình sẽ giúp bạn bắt đầu hành động. Nếu có một cái đích phải đạt được trong một khoảng thời gian nhất định thì bạn sẽ thực hiện được những công việc mà đáng lẽ sẽ bị xếp xó trong danh sách những việc phải làm. Mục tiêu cũng sẽ giúp bạn đánh giá mức độ hiệu quả. Nếu bạn đang tiến gần đến mục tiêu thì tức là các hành động của bạn đã cho kết quả tốt; nếu không thì chứng tỏ chúng không hiệu quả, hoặc chưa đủ hiệu quả.

Hình 3-1: Điền vào tờ Hướng dẫn công việc

5

Giờ thì bạn đã sẵn sàng để đặt mục tiêu. Hãy trả lời các câu hỏi ở phần tiếp theo và viết câu trả lời lên tờ Hướng dẫn công việc. Xem tờ hướng dẫn mẫu ở Hình 3-1.

Bước đầu tiên để đặt mục tiêu cho chương trình là xác định xem bạn đang bắt đầu từ đâu. Bạn đang có bao nhiêu giao dịch? Hãy trả lời câu hỏi này bằng bất kỳ con số nào bạn thường sử dụng để đo lường giao dịch bạn đang có. Chẳng hạn như bạn có thể chọn (1) số lượng khách hàng bạn đang có, (2) số lượng cuộc hẹn thanh toán được sắp xếp hàng tuần hoặc hàng tháng, (3) số giờ lập hóa đơn bạn bỏ ra hoặc kỳ vọng, hoặc (4) số lượng giao dịch quy ra tiền mà bạn nhận đặt hàng hoặc đã gửi hóa đơn.

Nếu bạn chưa có cách nào để đo lường lượng giao dịch phù hợp với mình thì hãy cân nhắc cách nào thể hiện nỗ lực marketing của bạn nhiều nhất. Thước đo nào cho thấy rõ ràng nhất liệu chiến lược marketing của bạn có đang thành công hay không? Dưới đây là một số ví dụ:

15

 Một điểm quan trọng đáng lưu ý là những thước đo trên đây đều dựa vào những con số mà bạn có thể dễ dàng cập nhật và theo dõi. Trong suốt chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng!, hàng ngày bạn sẽ đo lường tiến độ đạt mục tiêu, nhờ đó sẽ luôn biết chính xác vị trí hiện tại của mình. Giả sử bạn là một nhà thiết kế nội thất, bạn có thể dễ dàng theo dõi số tiền công trên tất cả các hóa đơn hơn là lợi nhuận bạn kiếm được trên từng hóa đơn. Hãy chọn một thước đo mà bạn có thể theo dõi hàng ngày.

Khi đã chọn được thước đo cho mình, hãy tự hỏi bạn thực sự muốn có được lượng giao dịch là bao nhiêu? Bạn không nên đưa ra một con số mà bạn nghĩ là sẽ đạt được vào cuối tháng, mà hãy nghĩ tới một con số thật lớn. Đừng quá lo lắng về tính khả thi của nó, hãy cho phép mình suy nghĩ lớn lao hơn. Bất kỳ câu trả lời nào bạn đưa ra ở đây cũng chính là hướng đi của bạn.

Từ ước mơ đến ý tưởng đến mục tiêu

“Ở giai đoạn đầu của một ước mơ, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy ý tưởng của bạn là hay, hoặc thời điểm nào thích hợp để thực hiện nó”, đó là lời khuyên của Marcia Wieder, tác giả cuốn Making Your Dreams Come True (tạm dịch: Biến ước mơ thành hiện thực). “Ở thời điểm đó, điều thiết yếu là bạn phải tin tưởng vào bản thân và ước mơ của mình. Niềm tin của bạn là nền tảng, là nơi bạn có thể đứng vững mà tuyên bố, ‘Tôi sẽ biến nó thành hiện thực vì nó rất quan trọng với tôi, và vì tôi tin tưởng vào ước mơ của mình.’ Sau đó, hãy chứng minh rằng bạn thật sự tin tưởng vào bản thân mình bằng hành động.”

“Hãy gọi điện thoại, viết thư, lập kế hoạch hành động, thuê người tư vấn và nói lên ước mơ của bạn. Hãy hành động và hành động ngay bây giờ!”

MARCIA WIEDER

www.dreamcoach.com

Bạn đã biết điều bạn thật sự muốn – mức độ giao dịch mà bạn vừa đưa ra – vậy nó sẽ cho bạn những gì? Nó có đem lại cho bạn một thứ hữu hình mà bạn vẫn luôn ước ao có được, chẳng hạn như đủ thời gian và tiền bạc cho hai tuần du lịch biển nhiệt đới? Hay điều bạn muốn là một cái gì đó mơ hồ, như sự thanh thản trong tâm hồn, hoặc cảm giác thành công? Không có câu trả lời chính xác duy nhất nào cho câu hỏi này, vì vậy hãy chọn một điều gì đó khiến bản thân bạn háo hức, đầy cảm hứng và mãn nguyện. Câu trả lời này chính là nguồn động lực cho bạn.

Vẫn với thước đo đã chọn, mục tiêu của bạn cho một tháng kế hoạch Biến bất kỳ ai thành khách hàng! là gì? Ba khách hàng mới? 18 cuộc hẹn thánh toán mỗi tuần? 20 giờ lập hóa đơn hàng tuần? Hay 5.000 đô-la lợi nhuận hàng tháng? Chính mục tiêu này sẽ cho bạn minh chứng rằng kế hoạch của bạn đang đi đúng hướng (hay không).

Hãy ghi nhớ mô hình SMART khi lập kế hoạch tháng. Mục tiêu cho kế hoạch phải đo lường được. “Có thêm khách hàng” không phải là mục tiêu, mà là mong muốn. Để mục tiêu có thể giúp bạn kiểm tra tiến độ, nó phải ở dạng con số bởi bạn sẽ đo lường tiến độ của mình theo số lượng trong suốt chương trình. Mục tiêu của bạn cũng nên vượt quá tầm với của bản thân một chút. Phải thực tế, nhưng cũng nên thách thức chính mình bằng một mục tiêu tham vọng một chút.

Điểm cuối cùng là nếu bạn đạt được mục tiêu tháng thì phần thưởng là gì? Tự tặng cho mình một món quà, dành thêm chút thời gian nghỉ ngơi, hay ăn một bữa tối đặc biệt? Hãy chọn một thứ gì đó mà bạn thấy nó biểu trưng cho thành công và khiến bạn muốn có được nó khi chương trình kết thúc.

Chỉ với việc trả lời các câu hỏi trên, bạn cũng đang trên đường tiến tới thành công rồi. Đó chính là một phần kỳ diệu của quá trình đặt mục tiêu. Khi bạn đặt ra một mục tiêu cụ thể rồi thường xuyên kiểm tra tiến độ hoàn thành thì các hoạt động hàng ngày của bạn sẽ dần dần đi theo hướng đạt được mục tiêu đó. Thay đổi trong hướng đi này xảy ra mà không cần đến bất kỳ nỗ lực có ý thức nào từ phía bạn. Và tất nhiên, thêm nỗ lực vào một hướng đi đã được định sẵn sẽ nâng cao tiến độ đến không ngờ, như bạn sẽ thấy ở chương 4.

Kiểm tra tính thực tế của mục tiêu

Một mục tiêu thực tế đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của bạn. Chọn đích quá dễ dàng sẽ khiến bạn không phải cố gắng. Bạn phải nỗ lực nhiều hơn mức cần thiết thì mới có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nhưng nếu đặt mục tiêu quá cao thì bạn sẽ sớm nản chí. Vậy thế nào mới là một mục tiêu thực tế? Dưới đây là bốn cách kiểm tra mức độ thực tế của mục tiêu đặt ra. Bạn có thể chọn bất kỳ cách nào, hoặc thậm chí là cả bốn cách:

1. Bài kiểm tra “khuôn mặt thản nhiên”. Cách thứ nhất là tuyên bố mục tiêu của bạn với một người khác, bằng giọng nói mạnh mẽ và tự tin. Nếu bạn vẫn giữ được khuôn mặt thản nhiên thì có lẽ đó là mục tiêu thực tế. Cách thứ hai là tự hỏi bản thân: “Mình có thật sự làm được không?” Nếu câu trả lời trung thực nhất mà bạn có thể đưa ra là “Có!” thì chắc chắn rằng bạn đã có được một mục tiêu thực tế.

2. Trải nghiệm trước đây. Nếu phương pháp “khuôn mặt thản nhiên” có vẻ quá đơn giản thì hãy xem xét lại những kinh nghiệm trước đây của bạn. Đã có tháng nào bạn đạt được mức độ thành công tương đương với mục tiêu hiện tại chưa? Nếu có thì tức là mục tiêu của bạn là thực tế, dù cho hoàn cảnh hiện tại có khác trước thế nào. Nếu trước đây đã làm được thì bây giờ bạn cũng sẽ làm được. Và hãy nhớ rằng bạn đã đặt mục tiêu hơi quá tầm một chút, vì vậy nếu bạn đã đến gần mục tiêu hiện tại trong một tháng nào đó trước đây thì nó vẫn được coi là thực tế.

3. Phân tích số liệu. Nếu bạn nhận được một câu trả lời lửng lơ từ phương pháp thứ nhất hoặc thiếu kinh nghiệm để có thể áp dụng phương pháp thứ hai thì hãy nhìn vào các con số. Giả sử bạn muốn có thêm bốn khách hàng trong tháng này. Bạn sẽ phải thuyết trình trước bao nhiêu người để có được bốn khách hàng mới? 8? Hay 12? Bạn sẽ phải liên hệ với bao nhiêu người để sắp xếp được ngần ấy người đến nghe bài thuyết trình? 40? Hay 120? Đừng lo nếu bạn không có câu trả lời chắc chắn; hãy dự đoán.

Dù bạn nghĩ con số đó là bao nhiêu đi nữa thì bạn có chắc là mình có ngần ấy mối quan hệ, cùng với thời gian và nguồn lực để liên hệ với tất cả họ không? Hãy làm một vài phép tính. Bắt đầu từ vị trí hiện tại của bạn, với nguồn lực sẵn có, liệu bạn có thể thực hiện những nỗ lực cần thiết để đạt tới mục tiêu đã đề ra trong vòng một tháng?

4. So sánh ngang hàng. Trong số những người được cho là ngang hàng với bạn, đã có ai hoàn thành một mục tiêu kinh doanh tương tự trong vòng một tháng chưa? Các đồng nghiệp và đối thủ của bạn với cùng khoảng thời gian trong nghề có đạt được mức độ giao dịch như vậy không? Nếu có thì tức là bạn đã đặt mục tiêu thực tế, cho dù mục tiêu ấy có vẻ không khả thi trong thời điểm hiện tại.

Muốn gì thì hãy viết ra

“Viết ra những gì mình muốn là nền tảng của mọi thành công”, đó là lời tuyên bố của Sunny Hills, một nhà tư vấn thành công, hàng tuần đăng tải những lời động viên gửi tới bạn đọc của 65 quốc gia từ nhà mình ở Maui. “Chúng ta thường tập trung nói lên những điều mình không muốn. Nhưng nếu chỉ hướng đến những điều tiêu cực thì đó sẽ chính là những gì chúng ta nhận được. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ đóng lại các cánh cửa; còn suy nghĩ tích cực sẽ giúp cho cánh cửa cơ hội rộng mở. Nếu biết hướng bản thân tập trung vào những gì mình muốn thì chúng ta sẽ có được nó.

“Nhiều năm trước, khi lần đầu đọc cuốn Cách nghĩ để thành công của Napoleon Hill, tôi đã viết ra điều mà tác giả gọi là ‘mục đích quan trọng nhất’ trong đời, bao gồm những gì tôi mong muốn và thời điểm đạt được chúng. Tôi đã suy nghĩ tham vọng hết mức có thể và ghi lại những gì mình muốn. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đạt được những thứ đã viết ra. Vài năm sau, tôi nhìn lại mảnh giấy đó và thấy rằng mình đã đạt được tất cả những gì ghi trên đó.”

“Hãy bắt đầu hình dung cụ thể những gì bạn muốn và viết chúng ra giấy. Bạn có thể sử dụng những mục tiêu trên giấy đó làm động lực đưa bạn tới thành công.”

SUNNY HILLS, CPCC

www.sunnythoughts.com

Muốn thành công, phải thực tế

“Một thành viên trong nhóm tôi nói rằng những thứ cô ấy có được từ chương trình Biến bất kỳ ai thành khách hàng! còn quý giá hơn nhiều so với việc đạt được mục tiêu mà cô đề ra”, Ricki Rush, nhà tư vấn kiêm huấn luyện viên và tác giả cuốn Becoming Your True Self (tạm dịch: Trở thành con người đích thực của bạn) hồi tưởng. “Cô ấy đã học được cách đối xử tốt với bản thân. Điều cô ấy đã khám phá ra là cô ấy vẫn luôn đặt ra những mục tiêu phi thực tế – quá cao hoặc quá lớn lao – và chính chúng đã liên tục đẩy cô đến chỗ thất bại.

“Cô ấy hiểu rằng mình cần phải đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn, thực tế hơn. Sau đó, cô ấy đã được hưởng mùi vị chiến thắng, và chính nó đã làm giảm bớt nỗi căng thẳng mà trước đây cô thường xuyên phải chịu đựng. Bằng cách tập trung vào những bước nhỏ hơn, cô ấy thấy rằng mình được tiếp thêm năng lượng và sức tập trung trí tuệ của cô cũng đã rõ ràng hơn trước rất nhiều.”

RICKI RUSH, CPCC, CHT

www.lifeworks-coaching.com

Nếu bất kỳ bài kiểm tra nào trong số này khiến bạn cảm thấy mục tiêu của mình là không thực tế thì hãy thay đổi ngay lập tức. Chẳng có gì là vui vẻ, và thậm chí là chẳng có mấy giá trị, khi cứ gắng sức để đạt mục tiêu vốn không thể đạt được.

Gợi ý cuối cùng: nếu bạn mới khởi nghiệp, hãy cân nhắc đến việc đặt mục tiêu dựa trên một con số nhất định những người tiêu dùng tiên phong, những khách hàng triển vọng đã liên hệ, hoặc những bài thuyết trình đã trình bày hơn là bán được hàng. Hãy nhớ lại lượng thời gian của chu kỳ marketing cho nhà tư vấn hệ thống máy tính ở chương trước. Nếu bạn đang gây dựng các mối quan hệ từ con số 0 thì chốt hợp đồng trong 28 ngày tiếp theo có lẽ là điều nằm ngoài tầm với của bạn.

Liệu bạn có đang kháng cự lại quá trình này?

Có phải bạn đã đọc trọn vẹn phần thảo luận về đặt mục tiêu nhưng vẫn chưa đặt ra một mục tiêu nào? Hay bạn đã nghĩ ra mục tiêu nhưng lại tự nhủ: “Chẳng việc gì phải đặt mục tiêu thật. Đây chỉ là một bài tập”? Vậy thì hãy đặt câu hỏi tại sao. Hoặc tốt hơn là hãy tự hỏi bản thân, điều gì đang cản trở bạn?

Bạn có đang sợ hãi? Vì điều gì? Bạn sợ thất bại? Thành công? Xúc phạm người khác? Tự biến mình thành trò cười? Bạn từng có trải nghiệm không mấy thú vị với việc đặt mục tiêu, vì vậy bạn đang lảng tránh nó? Dù là điều gì đang ngăn cản bạn chọn một mục tiêu chân thật, nghiêm túc và khả thi thì cũng hãy gạt nó sang một bên. Chương trình này sẽ không hiệu quả nếu bạn không đặt ra được một mục tiêu thực tế.

Hãy viết hoặc vẽ ra những nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn, thảo luận về chúng với cộng sự, nhóm hành động, người tư vấn hoặc một người bạn. Hãy làm tất cả những gì cần thiết để tìm ra điều đang cản trở bạn, sau đó không để nó ngăn cản bạn nữa. Hãy thử đặt mục tiêu một lần nữa, hoặc là lần đầu tiên. Hãy tin tưởng vào quá trình này, bởi nó thực sự hiệu quả.

Vui vẻ để thành công

“Từ vô số cuộc nói chuyện với những người bán hàng hàng đầu trong suốt những năm tháng qua, chúng tôi thấy rằng tất cả họ đều có một điểm tương đồng”, đó là lời nhận xét của Brian Tracy, tác giả của 30 cuốn sách về kinh doanh và động lực, trong đó có cuốn Những đòn tâm lý trong bán hàng. “Đó là, họ đều dành thời gian vạch ra một kế hoạch rõ ràng cho bản thân và cuộc sống tương lai.”

“Ngay cả nếu họ bắt đầu quá trình đặt mục tiêu và lên kế hoạch chiến lược cá nhân với một chút hoài nghi thì cuối cùng họ cũng đều trở thành những tín đồ trung thành. Những người bán hàng đó đều rất kinh ngạc trước sức mạnh kỳ diệu của việc đặt mục tiêu và lên kế hoạch chiến lược. Trong công việc bán hàng của mình, họ thường thành công hơn hẳn so với những gì họ tin là có thể, và họ cho rằng thành công có được là nhờ quá trình suy nghĩ cân nhắc về tất cả các khía cạnh trong công việc và cuộc sống của mình, hình thành nên một bản đồ viết tay chi tiết và không ngừng nỗ lực hướng tới mục tiêu.”

“Hạnh phúc được định nghĩa là ‘Dần dần hoàn thành một ý tưởng hoặc mục tiêu xứng đáng.’ Khi làm việc dần dần, từng bước tiến tới một mục tiêu quan trọng, bạn sẽ luôn có được cảm giác thành công và thắng lợi. Bạn sẽ thấy lạc quan và có động lực hơn. Bạn thấy mình kiểm soát cuộc sống của chính mình tốt hơn, hạnh phúc hơn và mãn nguyện hơn. Với cảm giác của một người chiến thắng, bạn sẽ sớm hình thành đà tâm lý giúp bạn vượt qua trở ngại và nghịch cảnh trên con đường tiến đến chỗ hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất đối với bạn.”

BRIAN TRACY

www.briantracy.com

Giữ vững mục tiêu

Khi đã xác định được đích đến cho bản thân, hãy nói về nó với một người khác. Nếu bạn đang làm việc với một cộng sự, một nhóm hoặc một người tư vấn thì bạn đã có nơi để chia sẻ mục tiêu của mình. Còn nếu không thì hãy nói với một người bạn hoặc đồng nghiệp. Tuyên bố thành lời sẽ đem đến cho mục tiêu tính xác thực nhiều hơn là chỉ viết nó ra. Thêm nữa, kể với người khác về những gì bạn dự định hoàn thành cũng sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy bạn tiến đến mục tiêu.