Mỗi lần về lại ngôi nhà nơi mình sinh ra và sống những năm thơ ấu, bao giờ ông Kim cũng bồi hồi nhớ lại những năm tháng sống trong đói rách, nhọc nhằn. Nhất là khi nhìn lên hai bức di ảnh truyền thần của bố mẹ ông đặt trên ban thờ. Hai bức di ảnh này được ông Hạo, anh trai ông lấy từ trong thẻ căn cước thời Pháp thuộc đem đi vẽ truyền thần nhưng rất giống. Mẹ ông thời ấy còn mặc yếm, đầu quấn khăn, còn bố ông mặc áo khách cổ cao, cài khuy giữa. Có lẽ chiếc áo này mượn của ai đó để chụp ảnh làm căn cước chứ từ nhỏ cho đến khi lớn lên, ông Kim chưa thấy bố ông mặc bao giờ. Theo thời gian, hai bức di ảnh đã ngả sang màu ám khói nhưng riêng đôi mắt của cả hai người thì còn rõ nét. Đôi mắt như đau đáu điều gì đó mà không sao nói ra được. Ngôi nhà ông đang ngồi ăn giỗ với bà con họ mạc đã được sửa lại để làm nơi thờ phụng chứ xưa kia chỉ là ngôi nhà tranh lụp xụp, cửa gài bằng phên tre. Mỗi bận gió bấc về là lùa thông thống vào nhà phát ra âm thanh rú rít nhiều lúc nghe đến rợn người. Góc bếp kia là nơi mẹ ông thường ngồi nhặt rau, khêu ốc chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Hình ảnh người mẹ gầy guộc, tóc quấn trần, mặc váy yếm vá chằng vá đụp ngồi nhặt những củ khoai teo tóp cho vào nồi đất khắc đậm vào tâm khảm ông không khi nào phai. Mỗi lần nghĩ đến mẹ là hình ảnh ấy lại hiện lên. Một buổi chiều rét như có hàng ngàn, hàng vạn mũi kim châm vào da thịt, hai anh em Kim đi mò ốc ở đầm Tám Vó trở về cũng là lúc ông bố vác cày dắt theo con bò bước liêu xiêu trong cơn gió bấc đi vào sân. Trên người ông chỉ mặc độc chiếc quần đùi và chiếc áo nâu có mấy miếng vá ở vai. Ông đặt cái cày xuống góc sân, cho bò vào chuồng, vơ một nắm rơm khô cho bò ăn, xong đâu đó mới bước vào nhà. Bà mẹ đang ngồi nhặt những củ khoai teo tóp cùng với đứa em gái lên bảy cho vào nồi đất hỏi:
- Hôm nay nhà vẫn cày cho ông Cả Giảng đấy à?
- Vẫn. Tôi vừa gặp bác Khán Hộ ở đầu ngõ. Bác ấy thúc nhà ta còn ba hào sưu, sáng mai phải đưa ra đình làng để nộp u nó ạ.
- Lấy đâu ra ba hào bây giờ?
- Tôi tính cầm mảnh vườn này cho bác Lí Ban rồi tìm cách chuộc lại sau.
Mẹ Kim ngừng nhặt khoai:
- Ngô khoai chưa đủ ăn lấy gì mà chuộc?
- Không có tiền chuộc thì cho thằng Hạo qua ở thế chân chứ không nộp cho làng, làng phạt còn nặng hơn.
- Nhưng sao năm nay sưu cao thế, những ba hào?
- Làm sao mà tôi biết được. Làng bảo sao mình chỉ biết nghe vậy – Nhìn thấy hai anh em đang đứng lắng nghe, ông hỏi – Hai anh em lại đi mò ốc về đấy à?
Người mẹ đáp thay cho hai con:
- Chúng nó đi mót khoai về lại rủ nhau đi bắt ốc luôn đấy ông ạ.
- Rét thế này sao bà cho hai anh em nó đi. Không khéo chết cóng mất.
- Tôi cũng ngăn nó rồi. Nhưng hai anh em chúng nó bảo bố đi cày về ngày nào cũng ăn rau chấm nước muối sợ bố ốm không đi cày thuê cho người ta được thì chẳng biết lấy gạo đâu mà ăn.
Ông bố đi ra giếng múc nước rửa chân tay rồi vào nhà lấy cái quần dài màu nâu chằng chịt miếng vá mặc vào bước ra ngồi bệt xuống hiên hút thuốc lào.
- Rét mướt thế này, đi bắt cua bắt ốc làm gì cho khổ hả các con.
- Bắt được nhiều ốc vui quá quên cả rét bố ạ – Kim cầm giỏ ốc đưa khoe với bố – Bố xem này. Hôm nay hai anh em con bắt gần đầy giỏ đấy.
- Bố thấy rồi. Đưa ốc cho u, hai đứa ra giếng rửa chân tay đi rồi vào đốt rơm lên mà sưởi kẻo chết cóng bây giờ.
Kim đưa giỏ ốc cho mẹ:
- U ơi, hôm nay nấu ốc chuối cho cả nhà ăn một bữa cho đã u nhé.
- Hai buồng chuối nhà mình còn non quá. Hay để u nấu cháo với khoai lang nhé. Ốc nấu với khoai lang cho thêm một nắm gạo vào ăn cũng ngon lắm. Ông thấy thế có được không?
- Con nó thích ăn chuối nấu ốc thì bà cứ nấu cho chúng ăn. Chuối non cũng được. Trời đã rét ăn cháo vào, đêm đi đái vài lần là chẳng còn gì trong bụng.
Bà mẹ nghe ông bố nói vậy liền bảo với anh trai Kim:
- Thích ăn chuối ốc thì thằng Hạo ra chặt cả buồng chuối vào đây cho u. Thằng Kim ra nhặt khoai hộ u để u đi luộc ốc.
Hạo vào bếp lấy dao đi ra vườn, còn Kim đến nhặt khoai với em gái.
Ông bố rít thêm một điếu thuốc lào đứng lên nói:
- Tôi đi qua chỗ bác Lí Ban một lát. Nếu về muộn bà cho mấy con ăn trước kẻo chúng nó đói.
- Bố qua nhà bác Lí Ban làm gì hả bố? – Kim hỏi.
- Bố qua hỏi bác ấy có cần người chăn trâu không, bố cho con qua chăn trâu cho bác ấy.
- Bố nói thật chứ?
- Bố đùa thôi. Bố đi qua bác Lí Ban có chút việc.
- Cho con đi với. Biết đâu bác Lí Ban thuê con chăn trâu thì sao.
Bố Kim ngẫm nghĩ thế nào đó liền bảo cậu cùng đi. Nhà Lí Ban to nhất làng Đại Phúc. Ngôi nhà trên năm gian lại thêm cái nhà bếp ba gian, tất cả đều lợp ngói, sân lát gạch mộc có chậu cây cảnh. Trong chuồng, ba con trâu đang thong dong nhai cỏ. Ông Lí Ban mặc quần dài trắng, trên người khoác một chiếc áo dạ của lính khố xanh, chân đi guốc mộc đang đứng tỉa cây cảnh ở sân. Thấy hai người vào, một đàn chó từ trong nhà xồ ra sủa inh ỏi. Ông Lí Ban quát chó xong, hỏi ông bố:
- Chú Liệp đấy à. Có việc gì mà hai bố con qua tôi vào giờ này?
- Kính lạy bác Lí ạ. Có việc cần nên mới qua hầu bác.
- Anh em chú bác trong họ chứ có xa xôi gì mà kính lạy với kính thưa. Có việc gì đấy xem tôi có giúp được không?
- Dạ thưa bác, chiều nay em gặp bác Khán Hộ, bác ấy bảo nhà em còn ba hào suất sưu chưa nộp, mai phải đem ra đình nộp cho làng để làm thẻ thuế thân. Chẳng giấu gì bác nhà em cạn kiệt quá rồi nên em qua cầu bác.
- Chú định vay à?
- Bác mà thương em cho em vay thì phúc cho nhà em quá.
Lí Ban cười:
- Chú nghĩ tiền của tôi là lá đa lá mít hay sao. Chú vay thì lấy gì mà trả? Mà có cho vay thì tôi cũng phải tính lãi như người khác. Không trả được lãi mẹ đẻ lãi con thì chú tính sao?
- Bước chân qua đây em cũng không tính chuyện vay của bác, vì bác hỏi nên tiện mồm em mới nói thế. Nhà em có gần hai sào vườn đang ở, em qua đây là muốn cầm hai sào vườn cho bác. Bác cho em vay ba hào vừa đóng đủ suất sưu thôi chứ không dám vay nhiều. Lúc nào có tiền em qua xin lại bác.
Lí Ban ngắm Kim từ đầu đến chân rồi hỏi:
- Cái thằng lớn của chú năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Dạ thưa bác, thằng Hạo nhà em năm nay mười lăm ạ.
- Chú đã tập cho nó cày bừa gì chưa?
- Thưa bác, em đi cày thuê cho thiên hạ nên ruộng nhà đều giao cho cháu cả đấy ạ.
- Thôi, tôi chẳng tính chuyện cầm cố gì mấy sào vườn chó ỉa không khắp của chú. Chú cho thằng lớn chú qua ở đi cày đi bừa cho tôi, tôi cho chú vay ba hào để nộp cho làng rồi trừ vào tiền công của cháu sau này. Tôi cần người, chú cần tiền, thế đã được chưa? Nếu chú chịu như vậy thì tối nay tôi viết giấy, sáng mai chú qua đây điểm chỉ và tôi đóng triện vào rồi tôi đưa tiền cho chú đem ra đình nộp cho làng.
- Vâng. Bác đã dạy thế thì em xin nghe.
- Cùng họ mạc, tôi thấy cái cảnh nhà chú tôi giúp chứ ai dạy chú. Cháu nó có qua làm cho tôi thì coi như tôi nuôi hộ con cho chú chứ không coi là người ăn kẻ ở như người khác, chú không phải lo.
- Bác ơi, hay bác để cho anh cháu ở nhà đi cày giúp bố cháu, còn cháu qua ở chăn trâu cho bác?
Ông Lí Ban nhìn Kim từ đầu đến chân rồi cười:
- Người mày như cái cọng rơm, ngồi trên lưng trâu gió thổi bay mất, tao lấy gì đền cho bố mày?
- Cháu chỉ lùa trâu đi ăn chứ cháu không cưỡi.
- Tao nói đùa cho vui vậy thôi chứ trâu nhà tao có những ba con, đã có người chăn rồi.
Hai bố con trở về nhà.
Bà Liệp hỏi:
- Bác ấy có chịu cho vay không ông?
- Bác ấy đang khan người làm nên muốn nhà mình cho thằng Hạo qua ở công cho bác ấy, bác ấy cho vay rồi trừ vào tiền công.
- Ông bảo sao, cho thằng Hạo qua ở à?
Ông Liệp thở dài:
- Bà bảo tính sao được nữa. Thôi thì cứ cho con qua ở với bác ấy. Nhà mình chỉ có hai sào đất công, tôi kèm thằng Kim làm thay anh nó.
- Bố bảo con qua đi ở cho nhà bác Lí Ban hả bố?
- Bố đang cần tiền để đóng sưu cho làng con ạ. Nhà bác ấy khan người làm, với lại nhà ta và nhà bác Lí Ban là chỗ họ hàng, bác ấy thương tình muốn bớt cho nhà ta một miệng ăn, con qua đó giúp bác ấy. Công việc cày bừa ở nhà bố vừa đi cày thuê cho người ta, vừa kèm cặp thằng Kim tập cày bừa để thay chân con.
- Thằng Kim mới mười hai tuổi làm sao mà cầm nổi cày hả bố?
- Em cầm được.
- Bố bảo bố tập dần cho em chứ có bắt nó đi cày ngay đâu. Đói no gì bố cũng muốn các con ở với bố mẹ. Nhưng cảnh nhà ta không thể nên đành phải cho con đi ở, bố mẹ cũng đau lòng lắm nhưng chẳng biết làm sao được.
- Ở với bác Lí Ban chứ có ở với thiên hạ đâu mà bố phải lo nghĩ. Con thấy hai bác ấy hiền lắm – Hạo nói.
Bữa cơm tối ấy diễn ra lặng lẽ chẳng ai nói thêm lời nào.
Từ đó, hôm nào bố đi cày, Kim cũng lẽo đẽo theo sau.
Ông Liệp vút roi vào không khí thúc bò đi, mồm giục vắt, vắt.
- Con có để ý đường cày của bố không đấy?
- Có bố ạ.
- Đã làm kiếp con nhà nông là phải giỏi cày bừa con ạ. Có đói đi cày thuê cũng có người cần tới, chẳng ai bỏ thóc gạo ra thuê những người làm vụng, làm dối đâu. Con thấy bố đấy. Cày bừa cho nhà này chưa xong đã có người khác đến tìm rồi.
- Bố ơi. Cùng một làng với nhau cả sao có người ruộng nhiều có người ruộng ít hả bố.
- Bố cũng chịu. Chắc là cha ông người ta để lại nhiều thì có nhiều, nhà nào ông cha để ít thì ruộng ít con ạ.
- Làng mình ai nhiều ruộng nhất hả bố?
- Nhiều nhất là ông Khán Hộ, kế đến là ông Cả Giảng, sau đó đến bác Lí Ban nhà ta.
- Sao hôm nay không thấy anh Hạo đi cày bố nhỉ?
- Ruộng của bác Lí Ban phần lớn ở dưới đồng Thị. Chắc anh con cày ở dưới ấy.
- Con thương anh Hạo quá bố ạ. Chắc mấy hôm nay đêm nằm ngủ một mình anh ấy buồn lắm.
- Nhà bác ấy có đến năm, sáu người làm chứ có phải chỉ một mình thằng Hạo đâu. Thôi, con chú ý xem bố cày mà học. Con nhớ những chỗ đất cứng thấy bò đi ngắc ngứ là con phải lắc lắc cái cày mấy cái cho nhẹ cày, bò đỡ mệt. Con xem bố làm đây – Vừa nói, bố ông lắc lắc cái cày làm mẫu – Khi cày con hơi nghiêng tay cày về một phía cho đường cày úp lấy nhau trông vừa đẹp mắt vừa không lỗi đất. Muốn đất rã về bên trái, con hơi nghiêng tay cày về bên trái, muốn đất rã về bên phải, con hơi nghiêng tay cày về bên phải. Vút roi thì phải vút thật mạnh tay trâu bò mới sợ. Nhớ đừng đánh nó nhiều nó sinh ra dạn roi. Cũng phải biết thương trâu bò con ạ. Nó là người bạn gắn đời mình với con nhà nông…
…
Ông Hạo vỗ nhẹ vào vai ông Kim khiến ông giật mình:
- Có gì không anh?
- Tôi lạy ông bà, bố mẹ rồi, chú vào lạy đi để còn hạ cỗ. Thời buổi máy bay máy bò này tập trung đông người một chỗ chẳng có lợi.
Ông Kim bước vào chiếc chiếu trải dưới đất, lạy bốn lạy, vái thêm mấy cái rồi bước ra về ghế ngồi.
Ông hỏi Đạo, em con ông chú đang làm chủ nhiệm Hợp tác xã:
- Hợp tác xã quê ta vụ vừa rồi ra sao?
- Lúa chán lắm bác ạ. Gặt một sào không lấy nổi năm, sáu chục cân thóc.
- Làm ăn kiểu gì mà tệ hại thế?
- Bác còn lạ gì đồng đất quê ta chưa nắng đã hạn chưa mưa đã úng.
- Không tìm ra được giải pháp gì để trị được cái bệnh ấy à?
- Bác bảo giải pháp gì được.
- Xã ta có đầm Tám Vó, diện tích mặt nước chẳng thua kém gì đầm Voi ở Linh Sơn, đầm Dơi ở Vĩnh Hòa. Sao không nghiên cứu làm thử một vụ lúa, một vụ cá có được không?
- Năm ngoái lãnh đạo đã bàn chuyện này rồi bác ạ. Nhưng sau khi bàn luận thấy đầm Tám Vó của ta tuy diện tích đầm rộng thật nhưng diện tích mặt nước chẳng có bao nhiêu. Mưa một trận thì nhìn đầm mênh mông, nhưng chỉ nắng mấy hôm thì chẳng biết nước rút đi đâu.
Ông Hạo góp chuyện:
- Ban lãnh đạo xã mấy lần bảo tôi nói với chú xem tỉnh có đầu tư cho xã ta được một hệ thống nông giang không. Tôi mấy lần định lên gặp chú nhưng bận mùa màng nên chưa đi được. Chú xem có giúp cho bà con được không?
- Em lo việc cho thiên hạ thì được nhưng lo việc cho quê hương thấy thật khó. Có lẽ bác, chú Đạo và bà con ở quê phải thấy cái khó đó của em.
- Chúng em hiểu nên chẳng khi nào dám phiền hà đến anh. Mọi người chỉ động viên nhau làm sao giữ được cái tiếng cho dòng họ mình, đừng để ai coi khinh là dựa vào thần thế của bác mà làm điều này điều nọ.
- Giữ tiếng tốt nhất cho tôi, cho dòng họ là phải biết tìm cách làm ăn sao cho bà con được no đủ. Thanh niên ra trận không có người Bê quay^[Tức đào ngũ. “Đi B” là cách gọi lên đường chiến đấu ở miền Nam.]. Lãnh đạo Hợp tác đừng bớt xén của xã viên một xu để đút túi. Trên nói dưới nghe, đồng lòng đồng sức xây dựng quê hương. Đồng đất quê ta đúng là có những đặc điểm không hề thuận lợi cho sản xuất. Cùng nằm trên một trục đường mà xã trên, xã dưới đất đai màu mỡ, thả cây gì xuống cũng theo nắng theo gió mà lên. Còn ta lọt ở giữa thì đất thuộc vào hàng chó ăn đá gà ăn sỏi. Xưa nay làm cật lực vẫn nghèo. Để tôi về thử nói với trưởng Ty nông nghiệp tỉnh cử một tổ các cán bộ kỹ thuật về nghiên cứu thử xem lí do vì sao. Sau đó sẽ tìm cách cải tạo lại đất đai, xem nó phù hợp với giống lúa, giống cây gì thì đầu tư vào giống ấy. Tôi có giúp quê hương cũng chỉ giúp được thế thôi.
- Bác mà giúp cho quê ta được thế thì còn gì bằng.
- Vừa rồi tôi xuống xã Hồng Vân, ở đó có nhiều cách làm ăn rất hay. Chú và các cán bộ trong Ban quản trị nên bỏ một ngày kéo nhau xuống đấy tìm hiểu học tập xem kiểu cách làm ăn của người ta như thế nào. Cái gì áp dụng được cho Hợp tác xã quê ta thì mạnh dạn áp dụng. Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân mới mở mày mở mặt ra được chứ cứ bó gọn trong khuôn khổ những quy định của trên, làm gì cũng sợ sai thì đói khổ chưa thể rời khỏi bà con một sớm một chiều đâu chú ạ.
- Thú thật với bác, đôi lúc chúng em cũng muốn phá bung ra để sắp xếp làm ăn theo cái nghĩ của mình nhưng sợ làm sai rồi ảnh hưởng đến bác nên lại thôi.
- Làm cho bà con làng xóm no tôi càng mừng chứ việc gì mà sợ ảnh hưởng.
Ông Khê, bác họ của ông Kim, người cao tuổi nhất của xã Đại Phúc cười móm mém:
- Các ông các bà có ai ngờ cái thằng Kim suốt ngày cởi truồng lội bắt ốc bắt cua ngoài đầm Tám Vó giờ thành bí thư tỉnh ủy của tỉnh ta không các ông các bà?
- Phúc nhà cả – Bà Thẩn ngồi giường bên nói sang – Ngày xưa hai cụ nghèo thật đấy nhưng ăn ở hiền lành nên trời mới cho vậy.
Ông Kim nhìn lên hai tấm di ảnh của bố mẹ mình. Lòng ông rưng rưng.