ăm 668 khi Địch Nhân Kiệt đến trấn nhậm tại Phổ Dương, một thành phố nhỏ nằm cạnh sông Hoàng Hà thuộc tỉnh Giang Tô. Cứ tưởng rằng ngài sẽ có những ngày tháng yên bình sau biến cố khủng khiếp trong vụ án “ Vụ giết người trên chiếc thuyền hoa” tại Hán Dương. Tuy nhiên khi vừa mới nhận nhiệm sở mới thì ngài đối mặt với vụ án giết người, hiếp dâm tại phố Bán Nguyệt. Hung thủ bị kết tội là một chàng thư sinh trói gà không chặt đã tạo nên mối nghi ngờ nơi quan án sát.
Cùng lúc đó tin đồn về một ngôi chùa Phật giáo nơi có bức tượng Phật bà quan âm linh thiêng sẽ giúp cho những phụ nữ hiếm muộn có con nhưng cùng với nó là những lời đồn đãi của dân chúng về lối sống xa hoa, sự giàu có không thể lý giải được của những tu sĩ tại chùa. Đâu là sự thật của vấn đề này?
Một bà già đến công đường để kiện về một mối thù truyền kiếp giữa hai gia đình Lương – Lâm và những oan khuất mà bà phải gánh chịu từ đó đến nay. Ai là thủ phạm của tất cả những tội ác này.
Tất cả những điều này sẽ được giải đáp trong truyện “ Bí mật quả chuông ” của tác giả Robert Van Gulik
Sáu năm đã trôi qua kể từ ngày tôi bỏ nghề buôn trà thịnh vượng do cha tôi truyền lại để về sống tại trang viên của gia đình tôi ở bên ngoài cổng thành phía Đông. Tại nơi ẩn cư yên tĩnh này, cuối cùng tôi đã có thể chuyên tâm vào trò tiêu khiển yêu thích của mình: sưu tập những vật lạ đã từng đóng một vai trò trong lịch sử khoa hình sự.
Nhưng triều đại nhà Minh rạng rỡ của chúng ta đang là một triều đại trật tự và thanh bình, cho nên hiện tại rất hiếm có những hành vi bạo lực. Do đó, để tìm thấy những vụ án bí ẩn được các quan toà sáng suốt giải quyết một cách tài tình, tôi đã phải lục tìm về quá khứ. Công việc tìm kiếm say mê đã cho phép tôi tập hợp được một bộ sưu tập đáng chú ý gồm các đồ vật có liên quan đến những vụ án nổi tiếng: Một hung khí đã được dùng để tiến hành một vụ ám sát ghê sợ nào đó, một vật dụng của một kẻ chuyên trộm cổ vật đã dùng ngày nào và biết bao những vật lạ khác đại loại như vậy.
Một trong những vật quý báu nhất của tôi là mảnh gỗ mun có hình dáng thuôn dài trên đó có khắc bài thơ tứ tuyệt sau:
“Quan án phải như phụ mẫu muôn dân
Coi sóc dân lành, giúp người già yếu
Nếu có phải trừng phạt nghiêm minh,
Thì nỗi lo chính của Người vẫn là ngăn ngừa điều xấu.”
Và những tài liệu lưu trữ cũ xác minh rằng quan án Địch Nhân Kiệt đã sử dụng chiếc búa gỗ này để điều khiển phiên toà, còn bài thơ đó có nhiệm vụ luôn luôn nhắc nhở ngài nghĩ về nghĩa vụ thiêng liêng của mình với nước với dân.
Tôi trích bài thơ trên dựa vào trí nhớ chứ cái di vật ấy thì tôi không còn giữ nữa. Biến cố khủng khiếp xảy ra với tôi cách đây hai tháng vào mùa hè vừa qua đã buộc tôi phải từ bỏ hoàn toàn công việc nghiên cứu tội phạm học, và tôi ngờ rằng tất cả mọi vật trong bộ sưu tập của tôi là có liên quan đến những tội ác đẫm máu thời xa xưa. Hiện nay, tôi bắt đầu sưu tập đồ sứ men ngọc; và cái trò tiêu khiển yên tĩnh này phù hợp hơn nhiều với bản tính ôn hoà của tôi.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn phải làm cho xong một việc trước khi có thể sống thanh thản: tôi phải làm sao rũ bỏ được hoàn toàn những nỗi ám ảnh vẫn thường quấy rầy giấc ngủ của tôi. Và cách duy nhất giúp tôi thoát khỏi những cơn ác mộng ấy là tôi phải viết ra giấy kể lại những điều bí mật lạ lùng mà tôi đã phát hiện ra một cách thật là đặc biệt. Chỉ khi đó tôi mới có thể vĩnh viễn quên đi cái biến cố khó chịu đã làm cho tôi suýt phát điên lên.
Cuối cùng, vào buổi sáng mùa thu đẹp trời như sáng hôm nay, khi ngồi trong căn phòng lịch sự ngoài vườn hoa và khoan khoái ngắm nhìn vẻ duyên dáng của hai nàng hầu đang đưa những ngón tay thon dài hối hả sửa sang những cây hoa cúc, tôi mới dám hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra vào cái ngày khủng khiếp ấy.
Hôm ấy là ngày mồng chín tháng tám âm lịch, một ngày đã khắc sâu mãi mãi trong kí ức tôi. Trời về chiều làm cho cái nóng trở nên khó chịu. Tôi cảm thấy bực dọc và quyết định sai gia nhân rước kiệu đi dạo. Khi gia nhân hỏi tôi muốn đi đâu, tôi trả lời không cần suy nghĩ là đi thăm cửa hiệu đồ cổ của ông Liễu.
“Rồng Vàng” là tên của một cửa hiệu bán đồ cổ mở ngay trước cổng đền thờ Khổng Tử. Chủ cửa hiệu, ông Liễu, là một người láu lỉnh, hám của, nhưng ông biết nghề của mình và thường tìm được cho tôi những đồ mỹ nghệ thú vị được coi là đã từng có một vai trò nho nhỏ trong những câu chuyện hình sự từ thời xa xưa. Không biết tôi đã vui thú bao lần tại cái cửa hiệu lúc nào cũng đầy ắp báu vật của ông.
Hôm ấy, khi bước vào cửa hiệu, tôi chỉ thấy anh chàng làm công. Anh ta bảo là ông chủ thấy trong người không được khoẻ lắm và đang ở trên lầu, tại căn phòng trong đó có trưng bày những đồ vật quý báu nhất.
Thế là tôi lên gác. Ông Liễu, vì bị đau đầu, nên đã đóng hết các cửa sổ lại để ngăn bớt cái nóng ngột ngạt từ bên ngoài vào, do đó trong cảnh tranh tối tranh sáng, căn phòng vốn quen thuộc đối với tôi bỗng trở nên kỳ lạ… thậm chí có vẻ thù địch. Phản ứng của tôi là muốn ra về ngay tức khắc, nhưng nghĩ đến cái lò lửa đang đợi tôi ngoài đường, tôi đành quyết định ngồi lại một lát và để chờ ông chủ hiệu chỉ cho xem vài vật tầm thường lạ mắt. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành, cầm lấy cây quạt lông ngỗng quạt lấy quạt để.
- Cửa hiệu xoàng xĩnh của tôi hôm nay chẳng có gì đáng để trình ngài xem, - ông Liễu cúi đầu nói.
Tuy nhiên, sau khi đảo nhanh con mắt quanh mình, ông bước tới góc nhà lấy ra một chiếc gương có chân đế sơn đen, rồi đem đặt trước mặt tôi.
Sau khi ông phủi bụi xong chiếc gương, tôi mới thấy đó là một chiếc gương dùng để sửa sang đầu tóc. Loại gương này làm bằng bạc được gắn trên một chiếc hòm vuông, thường được các quan chức dùng để soi khi đội mũ lụa đen trước khi đến nha môn. Căn cứ vào những vết rạn ở chỗ quét sơn, có thể đánh giá rằng chiếc gương này có tuổi thọ khá lâu đời; tuy nhiên nó không phải là của hiếm, và nó không có giá trị lớn lắm dưới con mắt của những người sành sỏi.
Nhưng bỗng nhiên tôi nhìn thấy những nét chữ nhỏ bằng bạc khảm trên khung gương. Tôi cúi sát người để nhìn và phát hiện ra những dòng chữ như sau:
“Tài sản của quan án Địch, Phổ Dương”
Tôi cố kìm giữ tiếng reo vui: chiếc gương này của quan án sát Địch nổi tiếng! Và theo các tài liệu lưu trữ quốc gia thì khi quan án Địch làm quan huyện Phổ Dương – một huyện nhỏ thuộc tỉnh Giang Tô - ông dã gỡ rối được ít nhất ba vụ án bí hiểm với một sự sáng suốt phi thường. Tiếc thay chi tiết của những kì tích này đã không được bảo tồn cho đến ngày nay.
“Địch” không phải là một cái họ phổ biến, cho nên cái gương này chắc chắn là của ông quan án nổi tiếng kia. Tôi không còn cảm thấy mệt mỏi do nóng bức nữa. Trong thâm tâm, tôi thầm vui sướng vì sự dốt nát đã không để cho ông Liễu nhận ra đây là di vật của vị thám tử tài giỏi nhất, đã từng sống vào thời thịnh vượng của Đế quốc Trung Hoa cổ đại.
Cố làm ra vẻ dửng dưng, tôi sửa lại tư thế ngồi thoải mái trong ghế bành và xin ông Liễu pha cho một tách trà. Khi ông ta vừa đi xuống nhà dưới là tôi vội vàng đứng bật dậy để xem xét chiếc gương. Khi mở ngăn kéo của chiếc hòm dùng để làm đế gương, tôi nhìn thấy chiếc mũ vải đen, loại mũ của các quan án sát.
Tôi thận trọng giở chiếc mũ vải lụa mốc ra. Một lớp bụi rơi ra từ các đường may, nhưng trừ một số lỗ thủng do mối xông, còn thì có thể nói chiếc mũ vẫn lành lặn. Tôi kính cẩn run tay cầm chiếc mũ và tự nhủ: đây chính là chiếc mũ của quan án sát Địch, chiếc mũ mà ngài đã từng đội khi điều khiển phiên toà.
Có lẽ, chỉ có Thượng Đế tối cao biết được tại sao tôi lại bị cái ý nghĩ ngông cuồng phi lí xúi giục đội cái mũ quí giá ấy lên cái đầu không xứng đáng của tôi. Tôi liếc mắt soi vào gương để xem hiệu quả của việc mình làm ra sao. Thời gian đã làm cho lớp bạc tráng gương bị mờ đi, cho nên thoạt đầu tôi chỉ thấy trong gương một hình bóng mờ nhạt, nhưng bỗng nhiên hình bóng của đường nét đó hiện lên rõ ràng và tôi nhận thấy một bộ mặt xa lạ có vẻ mệt nhọc đang chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt cháy bỏng.
Đúng lúc đó tôi nghe thấy một tiếng sấm nổ đinh tai. Căn phòng tối sầm lại. Tôi cảm thấy như mình bị ngã xuống một chiếc vực không đáy và mất hết mọi khái niệm về thời gian và không gian. Tôi bắt đầu trôi nổi giữa những đám mây dày đặc, mà dần dần chúng biến thành hình người. Tôi mơ hồ nhận ra bóng dáng một người con gái trần truồng, đang bị một tên đàn ông hãm hiếp mà tôi không nhìn rõ mặt. Tôi muốn lao tới cứu người con gái bất hạnh, nhưng tôi không tài nào nhấc nổi chân. Tôi muốn kêu cứu nhưng không cất nổi tiếng. Thế là tôi lại bị cuốn vào một chuỗi những biến cố khủng khiếp khác, lúc thì phải chịu cảnh tra tấn đau đớn, lúc thì phải chịu bất lực đứng nhìn.
Khi tôi từ từ bị chìm đắm trong một hồ nước đọng hôi thối, thì có hai người con gái tươi trẻ giống như hai nàng tỳ thiếp của tôi, chạy lại cứu tôi. Nhưng đúng lúc tôi sắp nắm được tay họ thì có một luồng nước mạnh cuốn tôi đi. Tôi xoay tròn trong xoáy nước sủi bọt và bị kéo dần vào giữa vực thẳm, rồi từ từ chìm nghỉm trong dòng xoáy khủng khiếp. Sau đó bỗng nhiên, tôi thấy mình bị đóng kín trong một ngăn tối chật hẹp, trong khi một vật nặng ghê gớm từ từ đè xuống người tôi. Tôi lấy hết sức vùng vẫy hòng thoát khỏi cái khối nặng không thể chịu được ấy. Vô ích. Tôi dò dẫm sờ soạng, nhưng chỉ sờ thấy một vách ngăn bằng sắt nhẵn nhụi. Nhưng, đúng lúc tôi sắp chết ngạt thì cái sức ép đó bỗng buông tôi ra và tôi vội vã hít lấy hít để luồng không khí trong lành. Tuy nhiên, đến khi tôi muốn cử động, thì tôi bỗng hoảng sợ nhận ra là thân thể mình bị gắn chặt xuống đất, chân tay bị kéo dang ra, cổ tay và cổ chân tôi bị trói bằng những sợi dây to dày, đầu dây mất hút trong đám sương mù xám xịt. Tôi cảm thấy dây trói căng ra… Một nỗi đau đớn khủng khiếp xâm chiếm tay chân tôi và một sự kinh hoàng khó tả làm cho tim tôi gần như ngừng đập: tôi vừa hiểu ra rằng mình sắp sửa bị xé xác. Tôi kêu thét lên và tỉnh khỏi cơn mê.
Một biến cố bất ngờ tại cửa hàng đồ cổ
Tôi thấy mình vẫn đang ở nhà ông Liễu, trong tư thế nằm dài trên sàn và toàn thân ướt đẫm mồ hôi lạnh. Quì bên cạnh tôi là ông chủ hiệu đang hốt hoảng gọi tên tôi. Chiếc mũ đen cũ kĩ đã văng ra khỏi đầu tôi và đang nằm giữa đống mảnh gương vỡ nát.
Ông chủ hiệu buôn đỡ tôi ngồi lên ghế bành, trong khi tôi vẫn chưa hết cơn run rẩy. Sau đó, ông kề tách trà vào tận môi cho tôi uống.
Ông giải thích cho tôi hiểu rằng ban nãy, khi ông vừa xuống nhà lấy ấm trà, thì nghe thấy một tiếng sấm nổ vang trời, tiếp theo là một trận mưa như trút nước kéo xuống, làm cho ông phải vội vàng quay trở lại lên gác để đóng cửa sổ lại cho chắc và thế là ông nhìn thấy tôi nằm ngất trên sàn nhà.
Tôi im lặng một lúc lâu trong khi nhấp từng ngụm trà thơm, sau đó tôi kể cho ông Liễu nghe một chuyện vu vơ tôi vừa nhớ ra và nói dối rằng mình hay bị choáng váng bất ngờ. Thế rồi tôi nhờ ông gọi kiệu cho tôi và ra về ngay trong cơn mưa như thác đổ. Mặc dù đám gia nhân đã cẩn thận che kiệu bằng một tấm giấy dầu, nhưng khi về tới nhà, tôi vẫn bị ướt như chuột lột.
Tôi vội đi nằm ngay trong cơn đau đầu dữ dội. Bà vợ cả của tôi hốt hoảng vội sai người đi mời thầy thuốc, và khi ông ta đến thì thấy tôi đang mê sảng.
Trong suốt hai tháng trời tôi ở trong tình trạng sống dở chết dở. Bà vợ cả tôi khẳng định rằng sở dĩ cuối cùng tôi qua khỏi là hoàn toàn nhờ bà nhiệt thành cúng vái và thắp hương hàng ngày tại đền thờ thần y học. Riêng tôi, thì tôi cho rằng sở dĩ tôi khỏi bệnh là nhờ hai tỳ thiếp của tôi ngày đêm thay nhau túc trực bên giường và cho tôi uống thuốc theo đơn của ông thầy thuốc tài giỏi.
Cuối cùng, khi tôi lại sức và có thể ngồi dậy được, ông thầy thuốc muốn nghe tôi kể lại những gì đã xảy ra ở nhà ông Liễu. Tôi chẳng muốn kể lại gì, nên chỉ nói rằng tôi đã bị choáng đột ngột. Ông bác sĩ liếc nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, nhưng không gặng hỏi gì thêm. Đến khi chào tôi ra về, ông mới dửng dưng nhận xét rằng căn bệnh sốt đau đầu như thế này, đôi khi chỉ xảy ra khi người ta sờ mó vào những vật đã từng đóng một vai trò trong một câu chuyện án mạng cổ xưa nào đó. Những vật này toả ra ám khí độc hại và gây nguy hiểm cho đầu óc người nào chạm vào chúng.
Khi ông bác sĩ sáng suốt đi khỏi, tôi liền cho gọi viên quản lí của tôi vào. Tôi ra lệnh cho ông ta đóng gói bộ sưu tập những di vật về tội phạm học của tôi vào bốn cái hòm lớn và gửi cho ông Hoàng, chú của vợ cả tôi. Mặc dầu bà vợ cả của tôi không hết lời khen ngợi ông ta, nhưng trên thực tế, ông chú họ Hoàng này là một lão bỉ ổi, thích gây chuyện kiện tụng mọi người. Tôi viết một bức thư vô cùng nhã nhặn gửi kèm theo món quà, để thông báo cho ông ta biết rằng tôi muốn biếu ông ta toàn bộ kho sưu tập di vật tội phạm học, để tỏ lòng thành kính sâu sắc đối với sự hiểu biết thấu đáo của ông ta về dân luật và hình luật. Tôi cũng phải thổ lộ với độc giả rằng tôi vẫn còn căm thù ông chú họ Hoàng này lắm, kể từ cái ngày mà thủ đoạn gian trá ông ta đã chiếm của tôi một mảnh đất đẹp. Tôi khát khao mong sao cho khi xem xét bộ sưu tập của tôi, ông ta sẽ vớ phải một trong những đồ di vật chết chóc đem lại cho ông ta một biến cố tai ác chẳng kém gì biến cố tôi đã gặp phải tại cửa hiệu của ông Liễu.
Giờ đây tôi sẽ cố kể lại một cách mạch lạc những sự kiện mà tôi đã trải qua trong giây phút ngắn ngủi khi tôi đội chiếc mũ của quan án Địch. Tôi dành cho độc giả độ lượng, quyền được quyết định xem chuyện của tôi kể về ba tội ác ngày xưa đã cung cấp cho họ những sự kiện đích thực tới mức nào – những sự kiện mà tôi đã phát giác một cách khác thường, hay đó chỉ là những điều bịa đặt do cái bộ óc kém cỏi của tôi trong cơn sốt quay cuồng nghĩ ra. Tôi đã không bỏ công tham khảo tài liệu lưu trữ lịch sử của thời đế chế để xác minh các sự kiện; bởi vì như tôi đã tuyên bố ở trên, tôi hoàn toàn từ bỏ kiểu tìm kiếm này. Những chủ đề đau buồn ấy không còn lôi cuốn tôi nữa, vì hiện nay tôi đang thích thú chuyên tâm sưu tập những đồ sứ màu lục tuyệt diệu thuộc đời Tống.
Sáng nay Địch công vừa đến nhận nhiệm vụ tại trụ sở mới của mình là huyện Phổ Dương. Mãi đến chiều tối, ngài vẫn còn ngồi trong phòng làm việc ở sau công đường, để nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của huyện. Hai ngọn nến to cắm trên hai cây đèn nến bằng đồng soi sáng chiếc bàn ngổn ngang giấy tờ tài liệu. ánh sáng lung linh nhảy múa trên bộ quan phục bằng gấm xanh và trên chiếc mũ vải lụa đen láng bóng. Thỉnh thoảng ngài lại vuốt bộ râu dài màu đen rất đẹp hoặc mân mê hai hàng râu quai nón mọc dài, nhưng không bao giờ ngài ngừng đọc lâu.
Ngồi sau một chiếc bàn nhỏ hơn đặt đối diện với bàn của quan án sát, ông Hồng Lượng (người giúp việc không rời của quan án) đang xem xét tập hồ sơ của toà án. Hồng Lượng là một người đàn ông đã có tuổi, hơi gầy. Ông để râu cằm và ria mép lơ thơ bạc trắng, mặc chiếc áo thụng nâu đã phai màu và đội chiếc mũ chỏm nhỏ bé che chiếc đầu hói. “Sắp nửa đêm rồi”, ông nghĩ và liếc trộm con mắt sang cái bóng cao to của quan án. Hồng Lượng đã làm một giấc ngủ trưa, nhưng còn ông chủ của ông thì không hề chợp mắt suốt cả ngày hôm nay. Mặc dù ông biết là quan án sát có một thể tạng vững như thép, nhưng ông Hồng Lượng không khỏi lo lắng.
Là người hầu già của dòng họ Địch, ông Hồng Lượng đã từng bế bồng quan án sát tương lai khi cậu còn là một cậu bé. Về sau, khi cậu bé đã trưởng thành và lên kinh đô để dự khoa thi, thì Hồng Lượng lại đi theo hầu cậu chủ, và khi Địch Nhân Kiệt – tên cậu chủ - được bổ làm quan huyện, thì ông theo cậu về tỉnh lẻ. Giờ đây Phổ Dương là nhiệm sở thứ ba của quan án sát Địch. Suốt mấy năm nay, Hồng Lượng đã trở thành quân sư, đồng thời là người bạn trung thành của quan án sát. Quan án thường kể, không những chỉ những chuyện riêng, mà kể cả những việc quan của mình cho ông nghe, và ý kiến của Hồng Lượng thường tỏ ra rất có ích. Để cho ông có một chức vị chính thức, quan án đã gọi ông là chấp sự của toà án, và thế là ông được mọi người gọi là “Chấp sự Hồng” còn khi nói chuyện thân mật thì thường gọi là lão Hồng.
Vừa giở tập tài liệu, lão Hồng vừa nghĩ đến một ngày vất vã, mệt nhọc mà ông chủ của mình vừa trải qua. Sáng nay, khi quan án sát cùng đoàn tuỳ tùng của mình – gồm các bà vợ, các con và gia nhân – tới Phổ Dương, quan án đã tới ngay phòng tiếp khách của toà án, trong khi đoàn tùy tùng tiếp quản khu dinh thự nhà riêng của quan án nằm ở phía bắc nha môn. Tại đây, cùng với sự trợ giúp của viên quản gia, bà vợ cả trông coi việc chuyển đồ và bắt đầu sắp xếp nhà cửa. Quan án Địch không còn có thời gian để đi xem nhà ở mới, vì trước tiên ngài phải tiếp nhận dấu ấn của huyện nha từ tay quan án Phụng, người tiền nhiệm của ngài. Xong buổi lễ bàn giao ấy, ngài bắt đầu xem qua nhân lực thường trực của toà án, từ viên chánh thư lại và đội trưởng các bộ đầu đến viên cai ngục và đội cận vệ. Đến trưa, ngài chủ trì một bữa tiệc thịnh soạn tiễn biệt ngài quan huyện cũ, sau đó ngài tiễn quan án Phụng cùng đoàn tùy tùng ra tới tận cổng thành theo đúng tục lệ. Khi quay về, quan án Địch lại tiếp những người dân đầu tiên của Phổ Dương đến chào mừng ngài.
Sau đó, ngài ăn vội bữa tối tại phòng làm việc của mình, và tại đây, ngài bắt đầu liếc qua tập hồ sơ của huyện đường. Đám thư lại sốt sắng đem tới cho ngài những tập tài liệu lưu trữ đựng trong những hộp da lớn. Sau hai tiếng đồng hồ ngài cho họ lui, còn ngài thì vẫn không hề tỏ ra là muốn đi nằm.
Cuối cùng, sau khi buông tập tài liệu mà ngài vừa xem xong, ngài ngả người trên ghế bành, rồi vui vẻ nhìn sang người bạn trung thành của mình.
- Thế nào, lão Hồng, làm một tách trà chứ? – Ngài mỉm cười hỏi.
Lão Hồng vội vàng đi lấy ấm trà đang để trên chiếc bàn một chân. Trong khi ông rót trà thì Địch công lên tiếng:
- Thượng Đế đã ban biết bao phước lành cho huyện Phổ Dương. Tập tài liệu này cho ta thấy rằng đây là một mảnh đất màu mỡ. Người dân không hề biết đến hạn hán, lụt lội, còn nông dân thì làm ăn thịnh vượng. Được xây dựng bên bờ con sông lớn chảy từ bắc xuống nam, thành Phổ Dương có một địa thế đặc biệt thuận lợi. Tàu thuyền thường ra vào trú tại cổng thành phía tây. Du khách không ngớt đi về và công việc làm ăn không thể chê vào đâu được. Ở đây cũng là nơi giao lưu giữa sông và kênh đào, làm cho nguồn cá trở nên dồi dào, tạo nguồn lợi cho đám dân nghèo. Sự có mặt của một đội quân đồn trú tương đối lớn làm cho thương mại phát triển. Như vậy là dân chúng ở đây sống sung túc, hài lòng với số mệnh của mình và sẵn sàng nộp thuế đúng hạn. Cuối cùng phải nói tới một điều là vị tiền nhiệm của ta, quan án sát Phụng, rõ ràng là một người có năng lực và đầy nhiệt tâm: mọi giấy tờ đều được giải quyết ngày nào xong ngày ấy và hoàn toàn ngăn nắp.
Nét mặt của lão Hồng trở nên tươi tỉnh.
- Thật là vui khi được nghe những điều như vậy, thưa đại nhân - Ông đáp – Những khó khăn mà chúng ta gặp phải tại nhiệm sở trước ở Hán Dương luôn luôn làm tôi lo lắng cho sức khoẻ của ngài ( xem truyện “ Vụ giết người trên chiếc thuyền hoa “ )
Rồi vừa vuốt bộ râu cằm lưa thưa, ông vừa nói tiếp:
- Trong khi tra cứu các văn bản gốc của toà án, tôi đã phát hiện thấy tình trạng phạm tội ở đây không cao lắm. Và những tội ác hiếm hoi ấy đã được xét xử công minh. Chỉ còn một vụ là đang còn chờ toà giải quyết. Đó là một vụ hãm hiếp đê tiện kéo theo án mạng mà quan án Phụng đã gỡ rối trong vòng vài ngày. Khi nào tìm hiểu hồ sơ thì ngài sẽ thấy là chỉ còn phải giải quyết một vài chi tiết vụn vặt nữa thôi.
Địch công cau mày:
- Những chi tiết vụn vặt ấy đôi khi lại đẻ ra những vấn đề lớn đấy. Hãy kể cho ta nghe vụ việc đi!
Lão Hồng nhún vai:
- Đây không phải là một chuyện quá phức tạp. Người ta đã tìm thấy xác cô gái con một ông hàng thịt họ Tiểu trong phòng của cô ta. Khám nghiệm tử thi cho thấy đây là một vụ hãm hiếp. Cuộc điều tra phát hiện ra rằng nạn nhân có người tình là một chàng thư sinh thoái hoá có họ là Vương. Ông hàng thịt buộc cho chàng trai tội giết người. Sau khi quan án Phụng xác minh lời khai của nguyên cáo và nghe các nhân chứng, thì sự việc trở nên rõ ràng là chàng Vương chính là kẻ giết người, nhưng anh ta không chịu nhận tội. Quan án Phụng liền đem anh ta ra tra khảo. Tiếc thay, anh ta đã bị ngất trước khi kịp nhận tội. Sự ra đi của quan án Phụng đã ngăn không cho ngài kịp đi xa hơn nữa trong việc giải quyết vụ án. Nhưng vì kẻ giết người đang còn bị giam trong ngục và rằng những chứng cứ chống lại anh ta đủ để người ta có thể đem anh ta ra tra khảo, nên trên thực tế vụ án coi như đã kết thúc.
Địch công im lặng một lát, tay vuốt râu ra chiều nghĩ ngợi, sau đó ông nói:
- Ta muốn nghe vụ việc kĩ hơn, lão Hồng.
Khuôn mặt của lão Hồng bí xị.
- Nhưng sắp nửa đêm rồi, thưa đại nhân - ông ngập ngừng đáp – tốt nhất ngài nên đi nghỉ và có một giấc ngủ ngon thì hơn. Chúng ta còn nhiều thời gian để xem xét vụ này.
Quan án lắc đầu:
- Dù bác mới chỉ kể ngắn gọn, nhưng ta đã thấy câu chuyện có vẻ mâu thuẫn lạ lùng. Sau khi ta đã xem tất cả những tài liệu hành chính này rồi thì một vấn đề hình sự chính là cái ta cần để tẩy sạch đầu não! Uống trà đi, rồi lấy tư thế thoải mái mà kể cho ta nghe tóm tắt sự việc.
Lão Hồng rất hiểu ý quan án. Thế là với vẻ phục tùng, ông xem mấy tờ giấy rồi bắt đầu tường trình:
- Cách đây đúng 10 ngày, trưa ngày 17 tháng này, một ông hàng thịt tên là Tiểu Phú Hãn đến kêu khóc dưới chân quan án Phụng trong buổi tiếp dân hôm ấy. Ông này có một cửa hàng nhỏ tại phố Bán Nguyệt, ở góc tây nam thị trấn. Có ba nhân chứng cùng đi theo ông: Ông Cao, trương tuần phường cửa Nam; ông Long, thợ may ở nhà đối diện với nhà ông Tiểu, và ông trưởng phường hàng thịt. Ông hàng thịt Tiểu trình lên quan án Phụng bản cáo trạng buộc tội Vương Hiến Tông, thí sinh đang chuẩn bị cho khoa thi cử; anh chàng họ Vương này là một thư sinh nghèo cũng sống gần nhà ông hàng thịt. Ông Tiểu khẳng định anh Vương đã bóp cổ con gái duy nhất của mình, cô Ngọc Trinh, tại căn phòng của cô ta và đã ăn cắp đi hai chiếc trâm vàng. Theo ông Tiểu, anh khoá Vương là tình nhân của con gái ông từ sáu tháng nay. Tội ác được phát hiện khi người ta không thấy cô gái xuống nhà để dọn dẹp nhà cửa như thường lệ.
- Cái hàng thịt họ Tiểu này, - Địch công ngắt lời – hoặc là một kẻ hoàn toàn ngu đần, hoặc là một tên vô lại tham lam! Làm sao mà ông ta có thể cho phép con gái mình tiếp một người đàn ông ngay trong nhà mình được, biến ngôi nhà ông ta thành nhà chứa? Chả trách án mạng đã xảy ra ngay trong nhà ông ta!
Lão Hồng lắc đầu phản đối:
- Không, thưa đại nhân. Những điều giải thích của ông Tiểu làm cho sự việc xuất hiện dưới một vẻ hoàn toàn khác!