Bà Triệu Phú muốn có cháu bé bồng ẵm. Triệu Vĩ đành quên hết mọi tội lỗi của người mẹ để làm hài lòng người, vì dẫu sao chàng vẫn là con. Vợ của Triệu Vĩ là Ngọc Anh, con gái thứ của bác sĩ Thạch ở chợ Bạc Liêu. Ngọc Anh, cũng như bao con gái thành thị khác, nàng có chút ít vốn liếng học thức và chút nhan sắc. Tánh tình nàng dễ chịu, nhưng nàng vẫn tránh không khỏi cái bệnh thông thường của con gái nhà giàu: kiêu hãnh và ích kỷ.
Ngọc Anh về làm dâu bà Triệu Phú mà chẳng hề yêu trước Triệu Vĩ và cũng chẳng biết rõ Triệu Vĩ có yêu mình không, nàng nhắm mắt bước theo chân định mệnh, đúng hơn sự lựa chọn của cha mẹ. Nàng tin tưởng cha mẹ nàng rất sáng suốt trong lúc chọn lựa người bạn đời cho nàng. Hơn nữa, Triệu Vĩ cũng dễ thương, học giỏi và giàu. Có được chồng như thế cũng đã là vinh dự lắm rồi. Ngọc Anh đã có thể tự hào với các bạn gái đồng tỉnh: Ta có một người chồng xứng đáng. Cô con gái hay tự phụ và thích hư vinh này đâu có hiểu nỗi lòng Triệu Vĩ vì chàng rất kín đáo. Triệu Vĩ ngậm miệng bước chân vào một cuộc hôn nhân miễn cưỡng.
Đám cưới của con trai bà Triệu Phú cử hành một cách trọng thể: một đám cưới lịch sử của Thới Bình thôn. Xe cộ đậu chật đường: tài tử giai nhân lượn dập dìu. Những người dân quê sống hờ hững sau chiến tranh trố mắt nhìn sự hoang phí của đám người thành thị.
Đêm hôn lễ đó, giữa những tràng vỗ tay hoan hô vang dậy và những lời chúc tụng hạnh phúc, Triệu Vĩ ngập ngừng nắm tay Ngọc Anh với một cõi lòng đã chết. Một nụ cười tươi tắn nở trên môi Triệu Vĩ nhưng có ai ngờ đâu lòng tân nhân đang thổn thức.
Trong lúc các máy ảnh thi nhau bấm lắc cắc và cô dâu đang tràn trề hạnh phúc, thì Triệu Vĩ đang đứng ngây người tưởng đến người con gái đã chết vì yêu chàng. Những lời thề thốt, hứa hẹn bên bờ sông Trẹm văng vẳng bên tai Triệu Vĩ. Chàng ngỡ mình đang sung sướng nắm tay Mỹ Lan trong ngày cưới để thực hiện giấc mộng đẹp đẽ nhứt của hai người.
Sau ngày hôn lễ ít lâu, Triệu Vĩ nhận được tin Mỹ Lan còn sống và nàng đã trở thành tu sĩ sau khi đứa con trai của nàng bị chết cháy trong một vụ hỏa hoạn đáng nghi ngờ. Lòng Triệu Vĩ lại một lần đau nhói. Chàng đã phạm nhằm hai tội ác: gián tiếp giết con và hủy hoại cuộc đời xuân sắc của người yêu. Làm sao chàng chuộc lại tội lỗi? Luôn luôn lương tâm Triệu Vĩ bị sự hối hận dày xéo. Tâm hồn chàng không phút nào được yên ổn. Chàng kéo lê chuỗi ngày dài chán nản vô vị bên cạnh người vợ mà chàng chẳng hề yêu.
Hạnh phúc đời chàng đã tiêu tan mất hết. Người ta vẫn ngỡ chàng sung sướng lắm. Sống miễn cưỡng bên người vợ mà mình không yêu còn gì khổ sở hơn nữa. Không yêu nhưng Triệu Vĩ phải luôn gượng gạo mỉm cười với vợ, ra dáng săn sóc và yêu thương vợ. Bổn phận người chồng bắt buộc Triệu Vĩ làm như thế. Hơn nữa, vợ chàng là một người đàn bà vô tội. Ngọc Anh chỉ là nạn nhân đáng thương của cha mẹ nàng. Triệu Vĩ không thể oán trách được. Họa chăng chỉ có Ngọc Anh tự oán trách mình, vì nàng đã lấy nhầm một người chồng không yêu nàng.
Gần một năm trường Triệu Vĩ đóng vai anh chồng bất đắc dĩ bên cạnh Ngọc Anh. Triệu Vĩ nhận thấy rõ Ngọc Anh không hợp với chàng. Ngọc Anh thuộc vào hạng gái của xã hội phong lưu mà bấy lâu nay Triệu Vĩ hằng khinh bỉ. Một hạng gái tự cao tự đại về cái nhan sắc, cái học lực, cái giàu sang của mình. Bề ngoài trông họ có vẻ lắm nhưng bên trong của họ rỗng tuếch. Triệu Vĩ đã chán ngán hạng gái đó lắm rồi, không ngờ đời chàng lại sa vào tay họ.
Triệu Vĩ đứng trong cửa sổ ném mắt nhìn những cánh đồng rộng bao la sa ngút ngàn.
Hoàng hôn đang từ từ buông rũ. Những đợt nắng vàng rơi hoi hóp trên ngàng cây nội cỏ. Một biển lúa xanh rờn lao xao gợn sóng theo từng luồn gió thổi. Những chùm lúa nặng trĩu nuôi sống dân quê, nuôi sống toàn dân rung rinh phơi mình dưới ánh mặt trời.
Nhiều tốp nông dân thả dọc theo bờ mẫu sung sướng nhìn công trình khó nhọc của mình sắp có kết quả. Rồi đây sẽ đến mùa lúa chín. Dân quê reo mừng ca hát tưng bừng. Dân quê yêu lúa cũng như yêu quê hương họ. Trải qua bao nhiêu thế hệ, người dân quê Việt Nam đã đem máu đào tô thắm những mẩu đất màu mỡ. Họ thề nguyện giữ gìn từng tấc đất đã nuôi sống họ, nuôi sống đồng bào họ. Không một kẻ nào được quyền giẫm chân lên vùng đất thấm mồ hôi nước mắt của họ. Lòng người dân quê dào dạt tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc, yêu hơn cả bản thân họ.
Buổi chiều của đồng quê dịu hiền và êm ả, chứa chan nhiều thú vị.
Triệu Vĩ đau đớn. Lòng chàng buồn vô hạn. Chàng thấy nhớ nhung Mỹ Lan. Mỗi buổi chiều vàng là mỗi lần Triệu Vĩ cảm thấy sầu thấm thía, chàng không sao quên được dĩ vãng, quên những lời đã hứa hẹn với Mỹ Lan. Bao nhiêu hoàng hôn trôi qua. Triệu Vĩ không cần nhớ. Chàng chỉ đinh ninh trong trí mỗi buổi chiều đều có một người con gái đứng trong song cửa nhà chùa hướng mắt nhìn về phía dòng sông Trẹm mà lòng tê tái. Người con gái xuân sắc đó đã cắt bỏ mái tóc xanh để giữ trọn một lời nguyền với kẻ đã lỗi thề. Mỉa mai thay!
Đang trầm lặng thả hồn trong những ý nghĩ đau buồn nhứt. Triệu Vĩ không dè vợ chàng đến đứng sau lưng tự bao giờ. Ngọc Anh nhẹ đặt tay lên vai chồng và âu yếm hỏi:
- Anh nghĩ gì mà xem anh không được vui? Hình như buổi chiều nào anh cũng ra đứng bên cửa sổ nhìn đâu đâu?
Tiếng nói của vợ kéo Triệu Vĩ trở về với thực tại. Chàng quay lại và gượng mỉm cười:
- Có gì đâu mà không vui! Mỗi buổi chiều anh đều ra đứng bên cửa sổ vì đó là một thói quen thường lệ.
Chàng kéo câu chuyện sang ngả khác:
- Em nhìn xem, những ngọn lúa xanh rập rờn uyển chuyển đứng xa trông giống như làn sóng biển nhấp nhô.
Ngọc Anh nhìn theo hướng chồng chỉ nhưng nàng chẳng thấy gì là thích thú. Nàng lắc đầu nói:
- Anh thi sĩ lắm. Em chỉ nhìn thấy lúa là lúa. Ở đây buồn quá, anh ạ! Hôm nào chúng mình ra tỉnh chơi, sẵn dịp đi thăm ba má và các anh em luôn. Lâu rồi chẳng về thăm nhà.
Câu nói của Ngọc Anh làm Triệu Vĩ chán vợ thêm. Ở chung càng lâu chàng càng nhận thấy rõ Ngọc Anh không giống chàng một tí nào hết, từ tâm tánh đến sở thích. Chàng đã biết vợ vốn thích cuộc sống ồn ào nhộn nhịp của thành đô xa mãi. Sống lẫn lộn với đám dân quê bần hèn, Ngọc Anh chán nản vô cùng. Hộp phấn, cây son, lọ dầu thơm, những chiếc áo lụa đắt tiền nhứt của nàng đã trở thành vô dụng. Nàng đã chẳng có dịp nào để xài đến nó.
Ngọc Anh cũng lấy làm lạ không hiểu sao chồng nàng lại vùi được tuổi xanh ở nơi đây, phí cuộc đời một cách vô ích. Đáng lý ra hai vợ chồng nàng phải sống ở thành thị nơi có nhiều cuộc vui thích thú mà đời sống của tuổi trẻ luôn luôn trẻ trung sôi nổi.
Thấy chồng chẳng trả lời, Ngọc Anh lại nói:
- Dạo này anh làm việc lu bù, ban ngày phí nhiều sức, ban đêm ngủ ít chẳng có thời giờ giải trí, em lo ngại lắm, không khéo anh đau thì khổ.
Triệu Vĩ muốn hét lớn lên: “Cái đau đớn của tâm hồn khổ gấp ngàn lần đau đớn của thể xác”. Nhưng chàng có dằn lòng dịu dàng nói:
- Cảm ơn em có lòng lo cho anh, nhưng sức khỏe của anh dạo này dồi dào lắm.
Chàng nói tiếp xa xôi:
- Anh chỉ sợ tâm hồn mang bệnh thôi!
Không hiểu câu nói bóng gió của chồng, Ngọc Anh cười thản nhiên:
- Anh rõ ngớ ngẩn! Tâm hồn có bao giờ bệnh được?
Triệu Vĩ lại một lần nữa dằn lòng mới khỏi buột miệng:
“Biết đâu tâm hồn em đang bệnh mà em chưa được biết đấy, em ạ! Còn anh, anh đã biết được cái bệnh của tâm hồn anh”.
Nói vu vơ với chồng vài câu chuyện, Ngọc Anh trở ra ngoài sau khi đã hôn lên trán chồng. Triệu Vĩ cũng hôn trả lại vợ, nhưng chàng thấy cái hôn đó nhạt nhẽo làm sao. Chàng chẳng hiểu Ngọc Anh có cảm thấy sung sướng với cái hôn của chàng chăng?
Đợi cho khuất bóng vợ, Triệu Vĩ ôm đầu khổ sở:
- Trời ơi! Có ai hiểu được nỗi khổ cho lòng ta? Mẹ ta đã giết chết cuộc đời tuổi trẻ của ta! Mất Mỹ Lan, đời ta còn có nghĩa gì nữa. Đành rằng vợ ta vô tội, ta đã mang đủ bổn phận làm chồng, nhưng ai bắt buộc được ta khi mà tình cảm của ta đã chết theo tình cảm của Mỹ Lan.
Triệu Vĩ bực tức nắm chặt hai chấn song gỗ:
- Làm sao ta sống được bên cạnh một người vợ mà ta chỉ biết có xác thịt thôi, còn tâm hồn, ta chẳng hề biết tới? Rồi đây con ta sẽ ra đời, trời ơi! Một đứa bé kết tinh do những phút vô vị mà ta đã gắng gượng làm tròn bổn phận một người chồng. Đứa con thiệt thọ của ta, thần hỏa đã cướp mất rồi. Đời ta mất một lượt hai hình ảnh thân yêu.
Trong bóng hoàng hôn mờ dịu, vẵng lên một hồi chuông công phu buồn ảo não. Tiếng chuông ngân nga kéo dài lê thê mà dư âm tưởng như không bao giờ dứt. Tiếng chuông xoa dịu lòng người hay khơi những vết thương rướm máu của lòng người?
- Tiếng chuông của Linh Sơn tự! Mỗi buổi chiều tiếng chuông quái ác đều ngân lên để nhắc nhở tội ác của mẹ ta và của ta. Tiếng chuông này sẽ hành hạ ta suốt đời. Ta chẳng bao giờ tìm được sự yên ổn bởi vì ta vẫn còn yêu Mỹ Lan mãi mãi.
Đôi mắt sáng rực lên một cách căm hờn lẫn khổ sở, Triệu Vĩ hậm hực:
- Trời ơi! Ta không thể sống như thế này mãi được, ta sẽ chết lần mòn vì tuyệt vọng. Ta phải tự thoát ly ra khỏi hoàn cảnh ngang trái đã giam hãm ta bấy lâu nay, ta phải phá đổ một cái gì để xây lại một cái khác, nếu ta không muốn cho đời ta bế tắc vĩnh viễn. Hạnh phúc của ta là Mỹ Lan, cuộc đời của ta là Mỹ Lan. Tại sao ta để yên cho định mệnh cướp mất Mỹ Lan mà chẳng mảy may chống giữ? Hèn nhát! Mỹ Lan đã nói đúng. Trên đời không có định mệnh, mà chỉ có ý muốn của con người thôi. Ta đã đọc nhiều lần câu nói bất hủ của F. Nietzsche: “Hạnh phúc đời người ở trọn trong hai chữ Tôi muốn”. Tại sao ta lại hành động trái với ý muốn của ta để hủy hoại hạnh phúc của đời ta? Khốn nạn! Ta là thằng đàn ông khốn nạn!
Triệu Vĩ tự oán trách, tự nguyền rủa mình.
Chuông chùa Linh Sơn vẫn thỉnh thoảng đỗ hồi buồn não nuột.
- Ta phải đến Linh Sơn tự! (Triệu Vĩ cương quyết). Ta phải tìm gặp Mỹ Lan vì nàng là lẽ sống duy nhất của đời ta!
Trong phút chốc, gia đình, bổn phận, danh dự đều nhòa lần trước mắt Triệu Vĩ. Chàng chỉ thấy độc một hình ảnh Mỹ Lan, người con gái đau khổ với đôi mắt luôn luôn đẫm lệ.
Không ngần ngại, Triệu Vĩ hấp tấp xuống cầu thang, chẳng cho người nhà hay biết.
Chiều đã vàng lắm rồi. Tất cả mọi sự hoạt động trong xóm đều ngừng từ lâu. Đường sá vắng vẻ. Những nóc nhà tranh bốc khói. Vài con thửng bay tít trên trời cao buông ra một bản nhạc bi sầu làm buồn thêm lòng người đang nặng trĩu nhiều tâm sự. Triệu Vĩ bước nhanh không chú ý đến mọi vật và mọi người xung quanh. Chàng đi theo tiếng gọi của kẻ vô hình.
Một đám trẻ nhỏ đang trững giỡn trước sân trường “Bình dân học vụ” đều ngừng tay và im bặt khi trông thấy bóng Triệu Vĩ.
Một thằng lớn nhất bọn khẽ nói với các bạn:
- Cậu hai kìa chúng mầy ơi!
Thằng khác xen vào:
- Có phải cậu Hai, con bà Triệu Phú?!
Thằng lớn gật đầu đáp:
- Phải đấy, cậu Hai đã làm chị Mỹ Lan của chúng mình đi tu đấy mà!
- Chúng bây có nhớ chị Mỹ Lan không? Chị Mỹ Lan thường cho chúng mình quà và dạy chúng mình mấy bản dân ca ấy!
Cả đám trẻ đồng nhao nhao lên đáp một lượt:
- Nhớ lắm, tao thương chị Mỹ Lan nhiều lắm. Chị đã dạy cho chúng mình hát nhiều bài ca.
Thằng lớn nhất bọn lấy mắt ra hiệu với các bạn nó và hướng mắt về phía Triệu Vĩ đang đi tới mà cất cao giọng trong trẻo:
“Hỡi anh trai tráng trên đường...”
Đám trẻ còn sót lại vừa vỗ tay vừa đồng thanh hò lớn:
“Hò lơ hó lơ...”
Thằng lớn nhất bọn mỉm cười và nối lời các bạn bằng một giọng lý lắc:
“Anh mê phú quý...”
Đám trẻ la lớn hơn trước:
“Hò lơ hó lơ...”
Lần này cả đám trẻ (kể cả thằng lớn nhất bọn) đồng hô ăn rập:
“Bỏ người xưa.
Hò lơ hó lơ, lắng tai nghe hó lơ hò lờ”.
Dứt câu hò cả bọn đồng phá lên cười vang ầm, tiếng cười làm đau xót lòng Triệu Vĩ.
Hổ thẹn, Triệu Vĩ chẳng dám nhìn bọn trẻ láu lỉnh, chàng rảo bước để trốn tránh một lối hò khinh bỉ quái ác. Nhưng bên tai chàng dường như cứ văng vẳng cái câu:
“Anh mê phú quý bỏ người tình xưa.
Hò lớ hò lơ, lắng tai nghe hó lơ hò lơ”.
Triệu Vĩ chua xót rên rỉ:
- Trời ơi! Ai hiểu được lòng ta! Có lẽ Mỹ Lan cũng khinh bỉ ta như bọn trẻ vừa rồi! Nàng cho ta là kẻ phản bội, tham phú phụ bần.
Đến trước cửa chùa Linh Sơn, Triệu Vĩ dừng bước bên ngoài hàng rào dâm bụt. Chàng chưa dám vào chùa, không hiểu sao chàng bỗng có cảm tưởng chàng đến đây để làm ô uế cửa Phật, làm xáo trộn một đời tôn nghiêm đáng kính và nhất là làm xao động một tâm hồn đang tìm sự yên tĩnh.
Ngôi chùa Linh Sơn cổ kính nằm im lìm trong bóng chiều buông rũ, trông hiền lành như đức Phật Thích Ca đang ngồi tĩnh tọa.
Vài chiếc lá vàng lẫn lá xanh ngập ngừng lìa cành. Vài cánh hoa tàu úa rơi chập chờn. Khói trầm hương nguyện trong ngàn lá thắm.
Những tu sĩ sống biệt lập với mọi người. Họ tìm sự yên lặng và (có thể) sự lãng quên trong câu kinh, lời kệ. Họ lần theo bước đi của đức Phật và hy vọng một sự giải thoát linh hồn.
Triệu Vĩ thầm nghĩ:
“Nhà chùa ôm ấp nhiều con người với nhiều tâm sự khác nhau. Biết đâu họ lại chẳng như mình. Muốn lãng quên mà không bao giờ quên được. Nhưng ta biết chắc họ tranh đấu nhiều lắm, tranh đấu để chiến thắng và để khỏi sa ngã. Họ hơn ta ở chỗ họ có một đức Phật từ bi luôn luôn ở bên cạnh để an ủi và khuyến khích. Còn ta, ta hoàn toàn cô độc, ta chỉ có sự đau khổ và những kẻ làm cho ta đau khổ nhiều thêm mãi”.
Triệu Vĩ ngập ngừng, do dự, nửa muốn vào, nửa muốn không. Chàng miên man tự hỏi:
“Biết Mỹ Lan có tiếp ta? Hay là nàng lại xua đuổi ta? Nàng nhờm gớm ta?”
Sau một hồi lâu suy nghĩ, cuối cùng tiếng gọi của ái tình chiến thắng. Chàng nhất định vào chùa để gặp Mỹ Lan. Có chuyện gì xảy tới cũng mặc.
Cố giữ vẻ bình tĩnh, Triệu Vĩ lâm râm cầu nguyện:
- Lậy Phật tổ, ngài hãy tha thứ cho sự lầm lỗi của đệ tử. Con biết con sẽ làm nhơ bẩn cửa Phật nhưng con đang đi tìm hạnh phúc đây. Ngài là đấng thiêng liêng cao cả yêu thương loài người, hẳn ngài luôn luôn muốn cho loài người được sung sướng và hạnh phúc. Ngài hãy giúp đỡ con mang hạnh phúc trở về với đời con.
Triệu Vĩ mạnh dạn bước qua cửa ngõ nhà chùa. Sư cụ Minh Đức đang tưới hoa trước sân, vội vàng tiến đến chào ông khách:
- Bần đạo kính chào quý khách!
Triệu Vĩ chắp hai tay kính cẩn xá vị sư già:
- Không dám, kính chào sư cụ!
Sư cụ Minh Đức mỉm cười hiền lành:
- Quý khách đến đây vào giờ này để viếng chùa hay có chuyện chi?
Triệu Vĩ lễ phép:
- Sư cụ hãy tha thứ cho sự làm rộn của con. Con đến đây có một chuyện rất quan trọng. Con muốn tìm một người quen.
Sư cụ Minh Đức nhanh miệng:
- Chẳng hay quý khách muốn tìm ai?
- Dạ! Con muốn tìm người con gái tên là Mỹ Lan?
Nhíu mày nghĩ ngợi giây lâu, sư cụ Minh Đức lắc đầu:
- Ở đây, chẳng có người con gái nào tên Mỹ Lan hết.
Sợ nhà sư từ khước, Triệu Vĩ khẩn cầu:
- Bẩm sư cụ, một người con gái đã vào tu ở chùa Linh Sơn gần một năm nay, một người con gái rất đẹp.
Sư cụ Minh Đức biết ngay người con gái mà Triệu Vĩ nói chính là ni cô Diệu Linh. Nhớ lại câu chuyện bi thảm mà Mỹ Lan đã kể cho mình nghe hôm mới đến chùa xin thí phát, sư cụ Minh Đức đoán được ông khách quý là Triệu Vĩ, chàng trai đã phản bội người tình nghèo.
Sư cụ nghiêm trọng:
- Xin lỗi quý khách, nếu bần đạo không lầm thì quý khách là con trai bà Triệu Phú?
Triệu Vĩ gật đầu:
- Dạ phải! Mỹ Lan có ở đây?
Sư cụ Minh Đức nhìn thẳng vào mặt Triệu Vĩ và chậm rãi nói:
- Mỹ Lan tức là ni cô Diệu Linh, một đệ tử trung thành của nhà chùa. Tôi thành thật cho quý khách biết hiện thời không còn Mỹ Lan trên mặt đất này nữa, chỉ có ni cô Diệu Linh thôi. Quý khách hiểu ý tôi?
Biết hòa thượng không muốn cho mình gặp Mỹ Lan, Triệu Vĩ van cầu:
- Con có một câu chuyện quan hệ cần nói gấp với ni cô Diệu Linh. Sư cụ làm ơn giúp tiểu sinh.
Sư cụ Minh Đức cao giọng:
- Quý khách nỡ nào đành lòng xáo trộn tâm hồn của một kẻ đang tìm sự yên tĩnh dưới chân Phật? Quý khách đã làm đau khổ ni cô Diệu Linh nhiều rồi, bần đạo mong mỏi quý khách để yên cho ni cô Diệu Linh quên lần cái dĩ vãng đen tối. Mặt hồ đang phẳng lặng, quý khách ném một hòn sỏi cho xao động mặt nước được ích lợi gì?
Triệu Vĩ vẫn không thay đổi thái độ:
- Con van sư cụ. Con cần phải giãi bày một câu chuyện với ni cô Diệu Linh. Con không muốn ni cô Diệu Linh mãi oán hận con. Câu chuyện này sư cụ không thể hiểu nổi. Con hứa chắc với sư cụ là sau khi đã gặp mặt ni cô Diệu Linh và nói chuyện xong xuôi, con chẳng bao giờ đặt chân trở lại Linh Sơn tự lần thứ hai. Có lẽ sư cụ không hẹp lượng với một kẻ có lòng. Con hứa trước với sư cụ, con không làm xao động ni cô Diệu Linh.
Trước sự van xin khẩn thiết của ông khách trẻ tuổi, sư cụ Minh Đức đành phải nhận lời nhưng ông ân cần dặn dò:
- Nể lòng quý khách bần đạo mới ưng chịu đấy. Bần đạo hy vọng quý khách đừng làm khổ một kẻ đã xuất gia đầu Phật. Quý khách hãy chịu khó đứng đây chờ một lát.
Dứt lời, sư cụ Minh Đức quày quả bước vào trong. Một chập sau ông trở ra với ni cô Diệu Linh.
Ni cô Diệu Linh mặc chiếc áo cà sa màu nâu đã gần phai màu. Đầu ni cô quấn một chiếc khăn cũng màu nâu. Mặc dù khoác áo nâu sồng ni cô Diệu Linh vẫn còn đẹp như tự hồi nào. Đôi mắt ni cô là cả một trời buồn khổ.
Vừa chạm mặt người tình cũ, ni cô Diệu Linh dừng bước. Mặt tái ngắt, ni cô buông miệng:
- Trời!... Triệu Vĩ!...
Sư cụ Minh Đức gật đầu:
- Phải, đấy là Triệu Vĩ, kẻ đã phản bội con! Con hãy can đảm và tỏ ra xứng đáng là một đệ tử của nhà chùa!
Sư cụ nhanh nhẹn trở vào phương trượng.
Triệu Vĩ chạy tới trước mặt ni cô Diệu Linh. Đôi tình nhân cũ gặp nhau ngay ngưỡng cửa nhà chùa.
- Triệu Vĩ!
- Em Mỹ Lan!
Thế rồi yên lặng. Bốn mắt trăng trối nhìn nhau, hai con tim đập rộn rã. Ông khách và ni cô đứng chết điếng mà lòng xáo trộn dữ dội. Một năm trời xa cách, trải qua nhiều đau khổ, nay gặp lại nhau trong một hoàn cảnh ngang trái, hai người chẳng biết mở miệng nói gì.
Lâu lắm ni cô Diệu Linh lấy lại sự bình thản. Nàng nói với giọng lạnh lùng:
- Kính chào ông! Ông đến đây làm gì nữa?
Câu hỏi của ni cô chẳng khác nào như một bàn tay bóp nghẹt tim Triệu Vĩ. Chàng ngước mắt nhìn thẳng vào mắt ni cô và đau đớn nói:
- Mỹ Lan, anh muốn em đừng nói với anh bằng những lời ấy!
Ni cô Diệu Linh chắp hai bàn tay nõn nà trước ngược:
- Nam mô A di đà Phật. Sao ông lại nói thế? Tôi là ni cô Diệu Linh, chứ chẳng phải Mỹ Lan nào hết.
Triệu Vĩ định nắm tay Mỹ Lan nhưng trước thái độ nghiêm trang của nàng, chàng ngần ngại không dám.
Triệu Vĩ tha thiết nói:
- Mỹ Lan, anh van em, anh chịu chết một cách thảm khốc hơn là nghe giọng nói chua cay của em vừa rồi. Em hãy tha thứ cho anh.
Ni cô Diệu Linh chận ngang:
- Ấy chết, sao ông lại nói thế? Ông có lỗi gì mà tôi phải tha thứ! Tôi mong ông đừng nói tiếp những lời như thế mà có tội với trời Phật.
Trước giọng nói mỉa mai của người yêu cũ, Triệu Vĩ hỏi nhanh:
- Anh biết anh có lỗi với em nhiều lắm và anh cũng biết luôn em rất khinh bỉ anh. Nhưng chúng ta đã hiểu lầm nhau Mỹ Lan ạ! Chúng ta là nạn nhân đáng thương hại. Anh chẳng hề phản bội em.
Ni cô Diệu Linh nghiêm khắc:
- Câu chuyện đó đã qua rồi, nó thuộc về dĩ vãng. Hiện giờ chúng ta chẳng còn dính líu với nhau nữa. Tôi muốn ông hãy để tôi yên với số phận của tôi. Ông nên nhớ một đệ tử cửa Phật không thể nghe được những câu chuyện đời viển vông.
Triệu Vĩ cười cay đắng:
- Em không nên xua đuổi anh, mặc dù ngày nay chúng ta là hai kẻ đi hai con đường khác nhau. Anh gặp em lần này là lần cuối cùng và câu chuyện mà anh sắp đem nói tuy có lạt lẽo lắm nhưng anh cần phải nói, vì anh không muốn có một sự hiểu lầm giữa chúng ta.
Chàng ngừng một giây. Ni cô Diệu Linh không ngắt ngang nữa vì nàng biết không bịt được miệng Triệu Vĩ.
Triệu Vĩ thong thả kể rõ ràng từ đầu đến cuối câu chuyện âm mưu của bà Triệu Phú và Năm Hương cho Mỹ Lan nghe, đoạn chàng kết luận:
- Em hẳn thấy anh luôn luôn yêu em và trung thành với em. Ngỡ em đã tự vận nên anh mới lấy vợ, nhưng suốt một năm trời này anh sống cạnh vợ anh với hình ảnh của em. Anh chẳng bao giờ quên mối tình của chúng ta và những lời thề nguyện. Mẹ anh và Năm Hương bày ra mưu sâu để làm chia rẽ chúng ta. Còn chúng ta là nạn nhân, chúng ta là những kẻ chết tâm hồn. Phận làm con, anh không thể hờn oán mẹ anh mặc dù người đã giết chết đời anh. Hiện giờ anh đang sống mà như đã chết. Anh biết em cũng thế. Trước một sự đã rồi, trước một mưu sâu bày trí khéo léo chúng ta đã sa bẫy. Đời anh chết đã đành rồi. Còn đời em anh chịu trách nhiệm gián tiếp. Lương tâm anh luôn luôn xáo động, anh không thể sống yên ổn được. Hôm nay anh tìm đến đây để cầu xin em tha thứ cho tội lỗi của mẹ anh và của cả anh nữa.
Đứng im nghe Triệu Vĩ kể dứt câu chuyện, Mỹ Lan bồi hồi cảm xúc. Cõi lòng cằn cỗi của nàng tự bấy lâu nay dường như tươi trẻ lại trong phút chốc. Sự thật Triệu Vĩ không phản bội nàng và vẫn yêu nàng. Đôi mắt âu sầu của ni cô bừng sáng một giây nhưng dịu lại ngay.
Nàng cố nén một tiếng thở dài, đăm chiêu nói:
- Mãi đến nay tôi mới rõ được tấm lòng sắt đá của ông. Ông hãy tha thứ cho sự nghi ngờ của tôi bấy lâu. Như thế tôi cũng sung sướng được đôi phần vì tôi đã yêu không lầm một người. Chúng ta không hợp được với nhau, âu đấy là số mệnh. Bây giờ tôi mới hơi tin ở định mệnh. Tôi chẳng oán trách ông và mẹ ông. Ông cứ yên tâm. Tôi cũng chẳng buồn phiền số phận tôi. Tôi chỉ thương tiếc đứa trẻ vô tội đã bỏ mình trong ngọn lửa. Đời tôi chỉ còn có nó là nguồn hạnh phúc duy nhứt nhưng nó đã mất.
Giọng nàng run run gần như muốn khóc thành tiếng:
- Ông hãy trở về đi và yên vui với hạnh phúc gia đình.
Triệu Vĩ đau khổ cướp lời:
- Đối với anh, gia đình là ngục tối. Anh chỉ tìm được đau khổ và tuyệt vọng bên cạnh gia đình. Anh muốn thoát ly khỏi nơi đã giết chết hạnh phúc của đời anh. Anh đã ghê tởm gia đình, ghê tởm tất cả mọi người chung quanh anh. Sống mãi bên cạnh một tình thương gượng gạo, một người vợ mà mình không yêu, anh sẽ trở thành một người điên rồ mất thôi.
Ni cô Diệu Linh thương hại nhìn Triệu Vĩ bằng đôi mắt dịu dàng. Nàng thấy lòng mình đau đớn khi biết người yêu cũ vẫn nhớ mãi hình bóng mình và chàng đang tuyệt vọng vì mất lẽ sống. Nàng dư hiểu cái khổ của kẻ đã mất hạnh phúc.
Ni cô Diệu Linh buồn rầu an ủi Triệu Vĩ:
- Ông không nên nuôi nấng những ý tưởng như thế. Cuộc đời bao giờ cũng là cuộc đời và thực tại bao giờ cũng vẫn là thực tại. Ông là một người có lòng, một kẻ có nhiều đức tính tốt, hẳn ông biết bổn phận làm con, một người chồng và nhứt là ông đừng nên làm khổ vợ ông, một người đàn bà vô tội. Vợ ông đã đặt tất cả lòng thương và lòng tin cậy vào ông. Hãy yêu vợ con và yêu gia đình. Rồi ông sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Triệu Vĩ cười mỉa mai:
- Anh chẳng bao giờ tìm thấy hạnh phúc bên cạnh một người vợ mà anh không yêu. Nếu em ở địa vị của anh, em cũng sẽ như anh thôi.
Ni cô Diệu Linh không cãi vì Triệu Vĩ nói đúng. Nhưng nàng vẫn cố gắng khuyên nhủ Triệu Vĩ:
- Đành rằng như thế, nhưng bổn phận trên hết, ông ạ! Ông hãy nghĩ tới bổn phận, và đừng nghĩ khác hơn nữa. Nếu ông không yêu vợ ông thì ông cũng phải yêu con ông. Vả lại, một khi đôi trai gái đã thành chồng vợ với nhau rồi, tình không còn là hệ trọng, mà chỉ có nghĩa mới đáng kể. Nếu ông không có tình với vợ ông, thì ông cũng phải có nghĩa, nghĩa phu thuê.
Con người nếu lấy nghĩa làm đầu, tôi tin chắc ông sẽ tìm gặp hạnh phúc trong tình cha con và trong nghĩa vợ chồng. Ông đã hiểu thế nào là đau khổ. Ông có thể để vợ ông phải đau khổ vì ông? Ông đành lòng nhìn hạnh phúc của một gia đình sụp đổ vì sự ích kỷ của ông? Hãy quên tình riêng mà nghĩ đến tình chung. Nếu không lương tâm ông sẽ đay nghiến ông nhiều hơn nữa, và suốt đời ông sẽ luôn luôn đau khổ vì những hình ảnh không đâu.
Triệu Vĩ nhìn thẳng vào mắt Mỹ Lan:
- Những lời em vừa nói chỉ là những lời an ủi suông! Chưa chắc gì em nói như thế mà lòng em không đau xót? Đi tìm hạnh phúc của đời mình một cách gượng gạo, miễn cưỡng và trong sự chán nản, tuyệt vọng là một điều vô lý. Vợ chồng càn phải yêu thương lẫn nhau mới sống được lâu dài. Gia đình cần phải có những bàn tay hăng hái đồng xây dựng mới được bền vững. Con người là con người, chớ đâu phải là tiên thánh. Chỉ có những thằng điên mới gặp hạnh phúc bên cạnh một người vợ mà nó không thương (nếu chẳng muốn nói là ghét). Nhưng đã là thằng điên thì còn nói làm gì. Người ta luôn luôn giả dối, luôn nói toàn những lời mà lòng họ không hề nghĩ tới. Anh là một người phàm tục nên anh không thể nghe theo những lời khuyên bảo, an ủi của em.
Ni cô Diệu Linh lảng tránh đôi mắt khó chịu của Triệu Vĩ. Nàng nhìn ra ngoài cửa ngõ mà lòng xao xuyến.
Mạnh bạo hơn, Triệu Vĩ bước tới nắm tay người yêu cũ. Ni cô giật nhanh tay về:
- Nam mô a di đà Phật, ông không nên làm như thế. Vì ở đây là chốn cửa thiền!
Triệu Vĩ vẫn không nao núng, chàng tha thiết nói:
- Mỹ Lan, anh yêu em mãi mãi! Anh không bao giờ tìm được hạnh phúc nếu thiếu em và cả em cũng thế. Anh hiểu rõ lòng em hơn ai hết. Tiếng chuông lời kệ chỉ là nguồn an ủi bất đắc dĩ của em. Trời sinh hai chúng ta để sống chung với nhau. Em hãy trở về với anh để cùng anh xây dựng một cuộc đời mới.
Ni cô Diệu Linh cảm động:
- Nhưng còn vợ anh, con anh, mẹ anh, gia đình anh.
Triệu Vĩ đáp nhanh:
- Anh từ bỏ tất cả! Anh sẽ li dị với vợ anh. Mẹ anh không có quyền gì đối với anh nữa. Còn gia đình của anh là của em đó.
Trong phút chốc, ni cô Diệu Linh muốn xiêu lòng vì những lời khẩn thiết của Triệu Vĩ. Nhưng giọng cầu kinh đều đều của sư cụ từ trong phương trượng vọng ra nhắc nàng nhớ đến bổn phận, hiện tại của nàng.
Ni cô Diệu Linh đau đớn lắc đầu:
- Ông không nên dãy đạp lên bổn phận của ông. Ông không có quyền làm khổ mẹ, vợ và con ông. Ông hãy hy sinh hạnh phúc nhỏ nhen của ông để mưu cầu hạnh phúc lớn lao cho cả gia đình ông. Ở đời có nhiều người ta phải làm trái với ý muốn của mình. Có thể đấy là định mệnh. Ông có còn nhớ một ngày nào đó ông đã bảo với tôi là định mệnh giải quyết tất cả? Bây giờ ông hãy tuân theo định mệnh và định mệnh muốn ông trở về với gia đình ông. Câu chuyện ái tình của chúng ta hiện thời hãy xem nó là một giấc mơ ngắn ngủi. Chiếc cốc đã bể ra làm hai mảnh. Có hàng gắn lại được cũng còn nhiều vết nứt rạn. Ông hãy quên tôi đi, vì tôi quên ông rồi.
Triệu Vĩ ngắt ngang:
- Em nói dối em chẳng bao giờ quên anh. Chỉ có cái chết mới làm cho em quên anh thôi. Anh đọc thấy rõ những ý nghĩ thật sự của em trong đôi mắt u buồn của em.
Ni cô Diệu Linh nuốt niềm cay đắng xuống tận đáy lòng. Nàng cố dằn để khỏi bật lên tiếng khóc. Nàng thấy rõ nàng phải hy sinh để cho vợ con Triệu Vĩ được hưởng hạnh phúc. Số phận nàng đã được định đoạt rồi. Nàng không có quyền làm dang dở đời một kẻ khác. Thà nàng chịu đau khổ một mình. Nàng không muốn mang tiếng là kẻ đoạt chồng người.
Nàng có thể giũ bỏ mảnh áo nâu sồng để trở về thế gian bên cạnh Triệu Vĩ. Như thế nàng sẽ gặp được hạnh phúc thật sự. Nhưng lương tâm sẽ đời đời nguyền rủa nàng. Đức Phật Thích Ca đã hy sinh tất cả danh vọng giàu sang, vợ đẹp, con ngoan để đi tìm hạnh phúc cho lũ chúng sinh đau khổ. Còn nàng - một đệ tử cửa Phật chẳng lẽ nàng không dám hy sinh hạnh phúc cỏn con của đời nàng để gầy dựng hạnh phúc cho nhiều kẻ khác?
Bên tai ni cô, những lời nói của sư cụ Minh Đức lại rõ mồn một. Ni cô Diệu Linh tự bảo thầm:
- Ta đã thề trước tượng Phật, ta đã hứa trước mặt hòa thượng, ta không thể sa ngã và lầm lỗi vì một phút nhẹ lòng. Kẻ phản bội muôn đời vẫn mang tiếng xấu.
Ni cô Diệu Linh lấy lại sự bình thản. Nàng chậm rãi nói:
- Tôi rất cảm ơn lòng chung thủy của ông. Nhưng mọi chuyện đã lở dở hết rồi, không chắp nối lại nguyên lành được. Ông hãy trở về với gia đình và tin tưởng rằng tôi đã mãn nguyện và sung sướng.
Nàng hạ thấp giọng:
- Nếu còn đứa con, họa chăng... nhưng nó đã chết rồi. Hiện thời tôi đã là một tu sĩ, một người trung thành của đạo.
Triệu Vĩ run giọng chặn ngang câu nói của ni cô với một chút hy vọng mỏng manh bừng trong đôi mắt:
- Em có thể trở về với đời mà vẫn làm tròn bổn phận đối với đạo. Chẳng phải gõ mõ tụng kinh khoác áo nâu sồng lẩn lút trong nhà chùa mới là người tu hành, em ạ! Đạo ở lòng người chứ chẳng phải ở bộ áo bên ngoài. Đức Thích Ca đã hy sinh bản thân ngài để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Tại sao em lại có thể ích kỷ khư khư giữ chặt cái đạo để làm cho đời một kẻ khác đau khổ? Đạo và đời phải luôn luôn đi chung với nhau. Anh tin chắc Đức Thích Ca sẽ tha thứ cho em và Ngài còn khuyến khích em trở về với thế gian để giúp đỡ nhân loại một cách cụ thể.
Bao nhiêu dân nghèo đang chờ đợi em, sao lại không thể trở về với họ? Những việc làm thiết thực lợi ích của em ở ngoài xã hội còn quý gấp vạn lần em ngồi trong chùa tụng kinh cầu nguyện vu vơ. Người ta vơi bớt phần nào khổ sở là ở sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của em chứ đâu phải là nhờ ở những tràng kinh của em đâu.
Hãy trở về với đời để giúp ích cho xã hội, Mỹ Lan em! Như thế em mới đáng là một đệ tử của đạo, một môn đồ của đức Phật chí tôn. Em đừng nên lạm dụng và xuyên tạc làm lạc mất ý nghĩa cao quý của người sáng lập ra đạo. Xã hội với đà kiến thiết đang chờ đợi em. Em hãy nhìn ra ngoài kia xem, Thới Bình thôn với bao nhiêu nông dân giàu ý chí đang trỗi dậy mãnh liệt. Em hãy trở về tiếp tay và phụ sức với họ. Em có thể hèn nhát trốn tránh bổn phận một con người, một công dân? Những khúc hát tươi trẻ của “Ngày mới” đang vang lồng lộng ở ngoài xa kia, trên những cánh đồng lúa nuôi sống toàn dân. Đôi mắt em vẫn còn sáng tỏ? Đôi tai em vẫn còn nghe rõ? Em hãy trả lời câu hỏi của anh!
Ni cô Diệu Linh khẽ gật đầu, không đáp.
Triệu Vĩ cười nhạt:
- Ừ, đôi mắt em vẫn còn sáng tỏ, đôi tai em vẫn còn nghe rõ. Tại sao em không chịu nhìn một xã hội đồng quê mới mẻ đang đứng vùng dậy? Tại sao em không chịu nghe những bài hát tươi vui của anh chị em nông dân đang vui với đời sống mới lan rộng khắp nơi nơi? Tại sao?
Triệu Vĩ dứt lời, ni cô Diệu Linh nghiêm trang nói:
- Ông hãy về đi và đừng nói nữa! Tôi van ông! Vợ ông chờ ông! Ông hãy về đi!
Triệu Vĩ đau khổ nhìn Mỹ Lan:
- Em đuổi anh?
Ni cô Diệu Linh gật đầu nghẹn ngào:
- Tôi đuổi anh... Anh hãy về đi! Về đi! Anh!
Triệu Vĩ biết không lay chuyển nổi ý định của Mỹ Lan, chàng chua chát nói:
- Anh không biết nói gì với em nữa. Lần này là lần cuối cùng chúng ta gặp mặt nhau. Em không bằng lòng trở về chung sống với anh, nhưng em đã hiểu rõ lòng chung thủy của anh, anh đã mãn nguyện đôi chút.
Chàng hơi cao giọng:
- Trước khi vĩnh biệt nhau mãi mãi, anh cầu chúc em sẽ tìm gặp chân hạnh phúc dưới bóng đức Phật từ bi bác ái.
Trước giọng nói mai mỉa lẫn đua xót của Triệu Vĩ, ni cô Diệu Linh tê tái cả cõi lòng. Miệng nàng đã bắt buộc phải thốt những lời mà thâm tâm nàng không hề muốn. Nàng đã cố ý giẫm chân chà đạp tất cả hạnh phúc của đời nàng. Còn gì đau đớn hơn nữa. Tình ái và đạo hạnh đang dằn vặt tâm hồn người tu sĩ trẻ tuổi. Nàng cố sức chống chọi trước hai ngả đường.
Hoàng hôn đã tàn hẳn. Vầng trăng tròn vừa ló dạng khỏi ngọn tre xanh ở cuối làng. Ánh sáng trong xanh bàng bac bao phủ lấy ngôi chùa cổ kính nằm trang nghiêm dưới bóng Điệp. Mùi trầm hương tỏa ngào ngạt. Vị sư già vẫn tụng kinh gõ mõ đều đều.
Ni cô Diệu Linh ngước mắt nhìn trăng, cho lòng bớ xao xuyến. Vô tình nàng buột miệng:
- Lại một đêm trăng!
Triệu Vĩ thở dài:
- Mỹ Lan, câu nói vừa rồi của em chứng tỏ em vẫn chưa quên dĩ vãng, chưa quên những đêm trăng êm đẹp mà đôi ta ngồi cạnh bờ sông Trẹm. Tại sao em cứ mãi tự làm trái với ý muốn của lòng em? Hãy nghe theo tiếng gọi của tim em vì đó là lời kêu gọi đứng đắn nhứt. Em hẳn còn nhớ có một đêm trăng chúng ta từ biệt nhau và chúng ta đồng mong mỏi ngày sum hiệp vĩnh viễn? Chúng ta phải lấy nhau vào một mùa trăng em ạ! Vầng trăng tươi đẹp và sáng rỡ thế kia, tại sao ta lại để lòng ta tan nát? Có bao giờ ai nỡ để cho vầng trăng sầu úa vì lòng người chưa nguyên vẹn!
Ni cô Diệu Linh chớp nhanh hai mí mắt, nàng nói nhỏ như đang nói trong mơ:
- Mùa trăng êm ả xưa, nay đã không còn nữa! Trăng xanh lạt lẽo lắm rồi. Trăng thề đã quên mất những lời hứa hẹn của thế nhân. Đêm đã xuống rồi, anh hãy về đi, sắp đến giờ em lễ Phật.
Chẳng để cho Triệu Vĩ kịp nói, ni cô Diệu Linh móc trong túi áo ra một đóa hoa lài héo úa. Nàng trao đóa hoa tàn cho Triệu Vĩ:
- Năm xưa anh tặng em đóa hoa này, giờ em trả lại cho anh vì em không có quyền giữ nó nữa. Cánh hoa đã tàn hương đã lạt, nhưng có lòng hoa còn tinh khiết.
Trước câu nói ý nghĩa của Mỹ Lan, Triệu Vĩ tiếp lấy đóa hoa, chàng ấp đóa hoa tàn lên ngực:
- Anh sẽ giữ mãi đóa hoa tàn này cũng như giữ mãi hình ảnh của em!
Ni cô Diệu Linh ngậm ngùi:
- Cám ơn anh! Em ao ước anh sống vui bên cạnh vợ hiền và con ngoan, nếu anh còn nghĩ tới em!
Triệu Vĩ tha thiết nhìn vào mắt người tình cũ:
- Em cứ yên tâm. Anh sẽ làm theo ý em muốn.
Chàng dằn giọng:
- Vì chúng ta chỉ là hai nạn nhân của một tàn tích phong kiến cũ và... chúng ta là hai kẻ hy sinh!
Ni cô Diệu Linh nối lời Triệu Vĩ:
- Phải, chúng ta là hai kẻ hy sinh, hy sinh hạnh phúc của riêng mình để tạo hạnh phúc cho những kẻ khác!
Bốn mắt hoen mờ ngấm lệ nhìn nhau lần cuối cùng. Hai tấm lòng xúc động mạnh. Hai con tim rạn nức hòa tấu bản đàn dang dở. Thời gian và hơi thở như ngừng đọng lại.
- Vĩnh biệt anh!
- Vĩnh biệt em!
Triệu Vĩ quay bước nhanh ra cửa ngõ, bóng chàng in dài trên nền đất cứng.
Nhìn hút bóng Triệu Vĩ đi trơ vơ trên bờ mẫu vắng quanh, ni cô Diệu Linh không dằn lòng được nữa, sự chịu đựng đã vượt quá sức nàng. Ni cô ôm mặt khóc ròng.
- Thế là hết! Triệu Vĩ anh ơi! Em chẳng bao giờ quên anh đâu.
Chuông chùa lạnh buồn đỗ dồn trong đêm trăng mờ nhạt.
Ra khỏi Linh Sơn tự, Triệu Vĩ nhận thấy chàng đã rời bỏ mọi nguồn hạnh phúc của đời chàng. Rảo bước trên bờ mẫu quanh co. Triệu Vĩ nghe văng vẳng bên tai những lời vĩnh biệt và khuyên nhủ của Mỹ Lan. Chàng đi thẳng một mạch ra sông Trẹm. Đứng lặng nhìn dòng nước lững lờ trôi, Triệu Vĩ đau đớn:
“Dòng sông Trẹm ngày nào đã chứng kiến những giờ phút êm đẹp của ta. Đêm nay, cũng dòng sông này mi có biết lòng ta đang tan nát? Rừng U Minh vẫn xanh, dòng sông Trẹm vẫn đỏ, hai lòng vẫn sắt son, cớ sao tình chúng ta đổ vỡ?”
Im lặng như tờ, cái im lặng thường khi rất dễ chịu đối với Triệu Vĩ, nhưng hôm nay chàng thấy khó chịu vô cùng. Ánh trăng vàng lạt lẽo làm sao. Còn nghĩa lý gì chứ trăng đã phai mất lời ước hẹn.
Triệu Vĩ ngồi phệt xuống bãi cỏ lẩm bẩm:
- Mỗi đêm trăng đều có một màu sắc khác nhau! Ta không ngờ ta yêu Mỹ Lan vào một đêm trăng và vĩnh biệt nhau cũng vào một đêm trăng.
Đâu đây lũ trùn dế hèn mọn rên rỉ não nùng làm sầu thêm lòng người.
Trong sự yên lặng triền miên, một giọng hò thanh cao cất lên và lan dần theo dòng nước sông Trẹm đang lờ đờ chảy.
“Thuyền anh đã nhẹ, chèo lẹ không theo, bớ anh ơi!
Khuyên anh bớt mái, khoan chèo đợi em”
Giọng trong trẻo vừa dứt, một giọng đàn ông hò đáp lại:
“Đây đã chèo lơi đặng chờ người tri kỷ, em ơi!
Giáp mặt chuyện trò cho phỉ ước mơ”
Giọng hò trong trẻo ban nãy lại nổi lên:
“Đêm thanh gió mát, nghe ai đó hát cũng thỏa tâm tình.
Gặp mặt anh đây là bán lộ trình, bớ quân tử ơi!
Hỏi thăm quân tử gia đình ở đâu?”
Triệu Vĩ lắng tai nghe những câu hát huê tình đối đáp giữa đôi trai gái trên sông.
“Nước biết, non xanh, người bạn lành thật là khó kiếm. Anh dạo chơi cũng hiếm, chưa chọn lựa được chỗ nào, em ơi!
Bận lo buôn bán anh ra vào Cần Thơ.
Đó ở dưới thuyền buôn, thả luông tuồng theo nhịp, có phải là:
Ngũ hồ ký tính Đào Công Nghiệp, tứ hải giao du Yến Tử Phòng, linh đinh nay lớn mai ròng, quân tử ơi!
Vậy đã có loan phòng hay chưa?
Thùng thùng! Nghe nói tốt tươi, thiệt như người biết học, như quả là:
Xuyên Sơn Yến mách Côn Can Ngọc, việc hải lao tầm Lệ Thủy Kim.
Lôi thôi nay nổi mai chìm bớ bạn ơi!
Chọn nơi gá nghĩa, ngặt tìm chưa ra”
Người con trai đa tình trên sông chuyển sang giọng âu yếm:
“Nước dưới sông lửng đửng, mây đưa gió dật dờ, tơ duyên đã buộc sậm sờ, bớ bạn ơi!
Qua đây, bậu đó, còn ngờ đâu xa?”
Người con gái thương hồ chẳng chịu kém:
“Trăng trên trời rành rạch, đêm thanh tịnh tiêu điều, lá lay tại mối chỉ điều, bớ bạn ơi!
Thương thì nói vậy, chớ còn nhiều chỗ lo”
Giọng người con trai cương quyết:
“Lo chi cho lắm, rối rắm lòng buồn, đó thạo nghề buôn đây thông việc bán, đôi ta khai sóng mở một ngôi hàng, phước nhờ được chút giàu sang, anh sắm cho em vài cặp hột, ít lượng vàng em ơi!
Nhiễu nho vân xuyến lụa hàng thiếu chi”
Người con gái tỏ vẻ không bằng lòng:
“Mới gặp nhau đây, anh đã gài sự quấy, tiền tài không trọng mấy nhơn nghĩa mới lâu dài, e khi nhiễu cũ vàng phai, anh ơi!
Sắc suy nghĩ tuyệt, anh bỏ ra ngoài không thương”
Anh chàng trai liền đánh tan sự ngờ vực của người bạn đồng tình.
“Ấy sự ước mơ, em ngờ nói thiệt, đây cũng biết trọng nghĩa khinh tài, em ơi!
Quyết tình gá tiếng lâu dài với em?”
Xuôi theo dòng nước nhẹ chảy, hai chiếc tam bản thương hồ từ từ lướt ngang mặt Triệu Vĩ. Chàng đưa mắt nhìn theo cô gái đang đẩy mái chèo và nghe tiếp sự khôn ngoan của cô gái:
“Phụ mẫu sở sinh em để cho phụ mẫu định, bớ bạn ơi! Trong việc vợ chồng chờ lịnh mẹ cha”
Anh lái buôn nài nỉ người đẹp một lời hứa hẹn:
“Đợi tin song thân em là phải vậy, em ơi!
Song quyết một lời rồi, anh mới cậy mai đông”
Người con gái vẫn dè dặt:
“Thông kinh sử ấy phần nam tử, giữ nết na là phận nữ nhi, xử sao vẹn chữ xướng tùy, bớ anh ơi!
Tiếng ừ thì dễ, em lo vì ngày sau”
Anh lái buôn xuống nước ỉ ôi:
“Miễn bậu đành ừ, qua chẳng từ lao khổ, dẫu đằng sơn cầm hổ, dầu nhận hải tróc long, trước sau giữ trọn lòng, bớ em ơi!
Vào lòn ra cúi, anh đánh sóng theo em”
Cô gái nhứt quyết chờ lịnh mẹ cha rồi mới hứa hẹn:
“Em ừ bốc bấy chừ, cha mẹ từ chẳng khứng có phải hại anh đau ngồi đau đứng, bảo anh lo ngược lo xuôi, trước sau lại không vui, bớ anh ơi!
Chi bằng anh cậy mối, nói hồi ban sơ”
Chàng trai đa tình vẫn theo lải nhải:
“Đó quyết cậy mai, đây phận hoài chẳng khứng bớ em ơi!
Cha chả! Có một tiếng ừ, vàng xướng mấy cân”
Người con gái ranh rảnh:
“Một tiếng phải! Ngàn vàng không đổi, anh ơi.
Huống hồ việc vợ chồng biết xứng mấy cân”.
Hai chiếc thuyền buôn đã trôi xa tít, chỉ còn thấy hai vệt đen mờ hiện thấp thoáng dưới ánh trăng mờ.
Triệu Vĩ thở dài chán nản:
- Một mối tình sắp thành hình! Chàng lái buôn trẻ tuổi đó sung sướng hơn ta nhiều. Ta thèm khát cuộc sống bềnh bồng và mối tình giản dị của gã. Đời ta sẽ không còn những đêm trăng vàng êm đẹp. Từ nay ta phải cố gắng mới sống trong bổn phận và để tơ tưởng mãi một hình bóng bất diệt.
Chàng ngước mặt nhìn trăng đau đớn:
- Mỹ Lan ơi! Hình ảnh em sẽ ngự trị mãi mãi ở lòng anh. Chẳng có một người nào bôi xóa được cái hình ảnh duy nhất đó. Em vùi tuổi xanh dưới mái Phật đường. Anh chôn cuộc đời trong ngục tù của gia đình. Chúng ta chỉ là hai kẻ có lòng gặp nhau trên ngã ba đường đời, rồi xa nhau vĩnh viễn.
Triệu Vĩ thẫn thờ quay gót trở về nhà.
Ánh trăng xanh huyền hoặc vẫn rải trên những lối mòn. Người đàn ông tuyệt vọng thở dài lẩm bẩm:
“Lại một mùa trăng! Mùa trăng gặp gỡ và mùa trăng ly biệt!”.