Bên Dòng Sông Trẹm

Chương 5

Docsach24.com
au một đêm kinh khủng, Mỹ Lan mở bừng mắt thì ánh nắng đã tràn vào nhà tự bao giờ. Ánh nắng vàng chói len lỏi qua khe cửa và những chỗ hở nhảy múa trong căn nhà chật hẹp. Bên ngoài chim chóc hòa vang một điệu líu lo. Nhìn mây trắng, Mỹ Lan đã biết hơn chín giờ. Bản tính tự nhiên nàng vẩn vơ mỉm cười. Nàng hơi lấy làm lạ tại sao nãy giờ các cửa vẫn đóng kín mít.

Có tiếng đằng hắng ở phía sau. Bà lang Bảy từ dưới nhà bếp khệ nệ bưng lên một thau nước ấm.

Thấy Mỹ Lan đã thức, bà lang Bảy nhe hai hàm răng rụng hết cười:

- Con thức sớm đấy! Đêm hôm con làm bác phải một phen thất đảm.

Bà hạ thấp giọng:

- Nhưng ai cũng đều thế cả, người con gái mới sanh lần đầu tiên là một chuyện vô cùng khó khăn.

Bà đặt thau nước lên đầu giường:

- Con ngồi dậy rửa mặt cho khỏe. Con nhìn sang bên cạnh xem.

Mỹ Lan buộc miệng reo to mừng rỡ:

- A! Đứa bé! Con của tôi?

Một đứa bé hồng hào, hai mắt nhắm híp, đang ngủ ngon lành trong cuộn chăng bông.

Bồi hồi cảm động vì sung sướng, Mỹ Lan nhìn đứa bé không chớp mắt. Thì ra đêm hôm, lúc nàng ngất lịm là lúc nàng cho chào đời một đứa trẻ. Nhớ lại những chuyện xảy ra trong đêm vừa qua, Mỹ Lan nhận thấy một cảm giác vui lẫn buồn dâng ngập tâm hồn.

Bà lang Bảy mỉm cười hiền hậu:

- Con có phước lắm, đầu lòng đã sanh con trai!

Gượng ngồi trỗi dậy, Mỹ Lan cúi đầu hôn nhẹ lên đôi má no tròn của con trai. Mặt thằng bé hao hao giống hệt mặt nàng.

Bỗng dưng hai giọt lệ trào ra khoé mắt Mỹ Lan. Nàng đau đớn nói lầm thầm:

- Thằng bé không cha!... Nó không có cha để hôn và dạy dỗ nó!

Bà làng Bảy đặt tay lên vai Mỹ Lan:

- Con đừng than khóc nữa vô ích. Những gì qua ta cho qua luôn là hơn. Nhắc lại chỉ làm cho lòng mình đau đớn và thối chí, vì nó là kỷ niệm không tốt đẹp. Thằng bé không cha, là một sự thiếu sót, nhưng có làm gì những thằng cha bất nghĩa, bất nhân. Con sẽ đóng luôn vai trò một người cha hiền đức của thằng bé. Từ nay trở đi, con cần phải can đảm và cương nghị. Một người mẹ và một người cha không thể thiếu sót được những đức tính đó.

Mỹ Lan gạt nước mắt:

- Những lời khuyên bảo của bác rất quý báu nhưng...

Ngập ngừng giây lâu, nàng hỏi:

- Khi thằng bé lớn lên... Nếu nó hỏi cha nó là ai thì con phải trả lời ra sao?

Bà lang Bảy không nghĩ ngợi:

- Thì con cứ thản nhiên bảo cha mầy đã chết rồi!

Mặt Mỹ Lan bừng sáng, nàng cương quyết:

- Phải, cha thằng bé đã chết hẳn rồi, chết hẳng ở lòng con kể từ đây. Những kẻ phản bội đều là những kẻ hèn hạ. Và người cao thượng chẳng bao giờ oán trách kẻ đê hèn. Lỗi một lời nguyền... ta không ngờ...

Bà lang Bảy gật gù tỏ ra vẻ hài lòng:

- Con đã không làm tủi hổ Thới Bình thôn, nơi đã sản xuất những chàng trai anh dũng và những cô gái kiêu hùng. Lời thề chỉ để dành cho những kẻ hèn nhát. Người can đảm và chơn thật chẳng bao giờ thề thốt. Nếu không tin ở lòng mình thì còn làm gì được nữa.

Mỹ Lan đăm đăm nhìn thằng bé như đặt hết tin tưởng vào nó:

- Con nhứt quyết, con sẽ luôn luôn làm chủ định mệnh, làm chủ lòng con!

Thằng bé cựa mình trong chăn bông, nó mở mắt hấp háy nhìn ánh nắng.

Bà lang Bảy bẹo nhẹ cằm thằng bé:

- Cháu dễ dãi và khấu khỉnh lắm. Thế mới được chứ, ai lại vòi vĩnh và khóc ụ ẹ tối ngày như con nhà giàu ấy. Con nhà nghèo phải khác nhiều cháu nhé!

Lần đầu tiên có con Mỹ Lan ngượng nghịu bồng thằng bé trên tay. Nàng đu đưa con trai:

- Con trai của mẹ phải luôn luôn ngoan ngoãn, dễ dạy, không mẹ đánh đòn đấy!

Thằng bé ngọ ngoạy trong vòng tay của Mỹ Lan.

Mỹ Lan hôn lên trán thằng bé:

- Con có nhận ra mẹ và hiểu những lời mẹ nói không?

Bà lang Bảy cười hề hà:

- Ái chà! Mẹ cháu thật là ngây ngô! Cháu bé chưa hiểu lời mẹ đâu, chờ vài năm nữa.

Mỹ Lan vụt đăm chiêu buồn bã quay sang phía bà lang Bảy:

- Hiện thời thằng bé là nguồn hạnh phúc duy nhứt của đời con. Nếu không có nó con đã chết từ lâu. Con đặt tất cả tình thương vào nó. Nhưng con tha thiết mong mỏi đến lớn lên nó sẽ chẳng giống cha nó.

Bà lang Bảy thở dài:

- Bác cũng mong mỏi như thế, và bác tin rằng không khí hiền lành của Thới Bình thôn sẽ đào luyện nó nên một người đáng kể. Nhưng... con luôn luôn nhắc nhở đến Triệu Vĩ, kẻ đã trốn tránh bổn phận làm cha. Con vẫn còn yêu nó?

Mỹ Lan cúi mặt đáp:

- Bác ạ, ái tình rất kỳ lạ! Con không dối được lòng con, chẳng hiểu sao con vẫn yêu Triệu Vĩ, mặc dù chàng đã phản bội. Có lẽ vì đấy là mối tình đầu và cũng có lẽ mối tình duy nhất của con. Làm sao quên được mối tình duy nhất của đời mình hở bác? Bác đã trải qua thời kỳ yêu đương và mộng thắm, hẳn bác biết rõ?

Bà lang Bảy lắc đầu:

- Thú thật với con, cái thời xuân sắc của bác không giống như cái thời xuân sắc của con gái bây giờ. Hồi đó ái tình gần như là không có và nếu có thì cũng mỏng manh và mơ hồ lắm. Phụ nữ không yêu tự do như thời này và có lẽ tất cả đều tuân theo số mệnh. Số mệnh đã đóng vai chánh trong công việc kết hợp của trai gái. Ái tình (nếu có) chỉ phát sinh trong tình yêu gia đình, tình yêu con cái.

Mỹ Lan trầm ngâm nói:

- Như thế mà hạnh phúc đấy, bác ạ! Ái tình làm cho người ta đau khổ. Con người chỉ là nạn nhân của ái tình. Yêu làm chi? Tại sao người ta lại yêu? Yêu để tìm hạnh phúc hay yêu để đau khổ?

Nâng cao giọng căm hờn:

- Ái tình!... Yêu! Hạnh phúc! Rồi đi đến mục đích cuối cùng!... tình yêu tan vỡ và đau khổ!...

Thằng bé sợ hãi vụt thét lên. Mỹ Lan nín bặt, dỗ dành con:

- Con trai mẹ làm gì khóc như thế? Giận mẹ à? Mẹ xin lỗi con nhé...!

Không biết thằng bé có nghe gì không, nhưng nó thôi khóc.

Nàng hôn túi bụi khắp mặt mũi thằng bé làm nó quơ lia lịa hai ban tay nhỏ xíu.

Mỹ Lan cười ròn:

- Ái chà!... Con mẹ lại láu lỉnh thế à?

Đứng nhìn cảnh trìu mến giữa mẹ con Mỹ Lan, bà lang Bảy cũng cảm thấy vui lây. Từ đây, dưới mái nhà tranh xơ xác, cuộc sống cô độc của bà đã có thêm hai người bạn tốt.

Từ xa vọng lại một tràng pháo dài phá tan sự yên lặng của đồng ruộng. Thằng bé giật mình khóc lên lần nữa. Mỹ Lan vừa dỗ con vừa ngạc nhiên lẩm bẩm:

- Súng nữa à?... Nhưng bây giờ làm gì còn súng nổ!

Bà lang Bảy vẫn thản nhiên:

- Cháu đừng lo ngại, đấy chẳng phải là súng liên thanh của phi cơ địch, mà là tiếng pháo nổ.

Mỹ Lan cau mày:

- Có phải Tết đâu mà người ta lại đốt pháo?

Bà lang Bảy bước ra ngoài nhẹ mở cánh cửa lá và nói:

- Nếu bác không lầm thì hôm nay ở dưới xóm có đám hỏi của...

Bà lang Bảy vụt ngưng ngang. Mỹ Lan liền hỏi vọng ra:

- Đám hỏi của ai đấy bác?

Nén một tiếng thở dài, bà lang Bảy đáp nhỏ:

- Đám hỏi của Triệu Vĩ!... Bác sĩ Thạch và nhà gái có xuống dự tiệc!

Mỹ Lan nói như đang nói trong giấc mơ:

- Đám hỏi của Triệu Vĩ! Bà Triệu Phú hỏi con gái của bác sĩ Thạch cho Triệu Vĩ! Hèn gì hắn chẳng phản bội lời thề!

Một niềm đau xót dâng ngập tâm hồn, Mỹ Lan chua chát:

- Mấy tháng ở Sài Gòn hắn lo công việc dạm hỏi... Hắn xem ta vẫn là một đứa con gái nhà quê ngu dại! Đám hỏi của Triệu Vĩ cử hành đúng vào ngày con ta mở mắt chào đời.

Tuy can đảm nhưng Mỹ Lan không giấu được sự đau khổ hiện ra ngoài mặt, nàng nhìn con mà rưng rưng nước mắt:

- Con ơi, cha con đã chết kể từ ngày hôm nay. Con chẳng bao giờ nhìn thấy mặt cha. Con mồ côi cha từ lúc trong bụng mẹ.

Nàng đưa hai tay bụm mặt khóc oà:

- Triệu Vĩ ơi, anh tệ bạc đến thế là cùng! Từ đây chúng ta chì còn gặp nhau trong giấc mơ thôi!...

Những hồi pháo dài liên tiếp nổ làm lòng Mỹ Lan thêm đau đớn. Nàng vội vàng bịt kín hai lỗ tai và nhắm chặt mắt lại như kẻ trốn tránh những ám ảnh rợn người.

Hôm nay, đám hỏi; ngày mai, đám cưới. Thế là hết. Đám cưới của Triệu Vĩ là đám tang của đời nàng.

Chen lẫn trong tiếng pháo nổ vui tươi, có một người đàn bà trẻ tuổi sớm đau khổ thổn thức khóc cho đời mình, khóc vì một hình ảnh đã mất vĩnh viễn.

Bà lang Bảy lặng lẽ thở dài. Ngoài kia, ánh nắng đang tràn ngập đồng quê đầy sức sống.

Mỹ Lan ôm chặt con trai vào ngực như để tìm một sự an ủi, một nguồn sống duy nhứt còn sót lại của đời nàng.