Bảy Năm Sau

Chương 35

Gió nổi lên ở boong trên của tàu, nơi các du khách được tận hưởng tầm nhìn trọn vẹn bốn phía trên sông Seine.

Khuôn mặt kín như bưng, Nikki hút thuốc, tì tay lên thành tàu, ánh mắt nhìn chăm chăm về phía xa tới vẻ oai nghiêm và đồ sộ của cầu Alexandre-III. Thân cầu cong hình cánh cung, được tô điểm bằng lọat tượng và nhiều lớp mạ vàng, vắt ngang sông Seine chỉ bằng một nhịp.

Sebastian đến chỗ cô. Cô cảm nhận được sự có mặt của anh ở phía sau, nhưng đoán là anh tới không phải để xin lỗi.

- Tai nạn mà Camille phải chịu là lỗi của tôi, cô thừa nhận mà không quay người lại, nhưng anh đừng quên hoàn cảnh khi ấy. Lúc đó, hai chúng ta đã hoàn toàn buông xuôi, chúng ta cãi vã triền miên, anh còn chẳng thèm nhìn tôi nữa…

- Không gì có thể tha thứ cho cách cư xử của cô, anh cắt ngang.

- Thế còn anh, cách cư xử của anh, anh nghĩ là đáng tha thứ sao? Cơn giận bùng lên trong cô.

Tiếng vang từ giọng cô thu hút ánh mắt của những người có mặt trên boong. Một cặp đôi cãi nhau thường là cảnh tượng thú vị…

Nikki vẫn tiếp tục với vẻ hung hăng không hề suy giảm:

- Sau khi ly hôn, anh đã tống cổ tôi khỏi cuộc đời anh, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể duy trì mối quan hệ, đương nhiên là không phải với tư cách nhân tình nhân ngãi, không phải thế, nhưng chí ít cũng trên tư cách những người làm cha làm mẹ.

- Cô thôi ngay những lời cao siêu triết lý đó đi: chúng ta là vợ chồng hoặc chúng ta không phải là như thế.

- Tôi không đồng ý. Lẽ ra chúng ta có thể có được quan hệ tốt đẹp. Nhiều người đã làm được điều như thế.

- Quan hệ tốt đẹp ư? Cô giễu tôi đấy à?

Cô quay người lại nhìn anh. Trong ánh mắt anh, sau vẻ mệt mỏi và cơn giận dữ, vẫn ánh lên chút tình yêu thương.

- Đã có bao thời khắc đẹp đẽ trong câu chuyện hai ta, cô nhấn mạnh.

- Và cũng có bao điều đau đớn, anh vặn lại.

- Nhưng phải thừa nhận là anh đã không cư xử cho ra dáng một người lớn có trách nhiệm vào thời điểm chúng ta ly hôn.

- Nếu cô tốt đẹp ra dáng được hơn thì hẵng chê bai người khác…, Sebastian xẵng giọng vặc lại.

Nikki lấn tới:

- Tôi nghĩ anh vẫn chưa biết chính xác mức độ ảnh hưởng từ các hành vi của mình. Anh đã chia cắt hai đứa con song sinh của chúng ta! Anh đã cướp của tôi đứa con gái và anh đã cắt đứt với con trai mình! Thật kinh tởm!

- Nhưng cô đã chấp nhận thỏa thuận đó, Nikki.

- Bởi tôi bị buộc và bị ép phải làm vậy! Vì với cả đống luật sư anh đã thuê và hàng triệu đô la trong tay, có thể anh sẽ giành được quyền nuôi dưỡng cả hai đứa trẻ.

Cô để vài giây trôi qua, rồi quyết định hỏi cho ra nhẽ điều cô vẫn luôn giữ trong lòng.

- Thực ra, anh chưa bao giờ thực sự muốn trông nom Jeremy, có phải không? Cô hỏi khẽ.

Sebastian vẫn im lặng.

- Tại sao anh lại ruồng bỏ chính con trai mình? Cô nài nỉ, hai mắt ngấn lệ. Đó là một thằng bé đáng yêu, nhạy cảm và mong manh. Nó lúc nào cũng chờ đợi một lời khen ngợi hay một dấu hiệu quan tâm từ anh, nhưng chẳng bao giờ điều đó xảy ra…

Sebastian chịu đựng những lời trách móc mà anh biết là đúng. Nhưng Nikki vẫn muốn biết:

- Tại sao anh chưa bao giờ cố hiểu nó?

Anh do dự một lúc, rồi nhân nhượng:

- Bởi vì điều đó quá khó khăn.

- Điều gì quá khó khăn?

- Bởi vì thằng bé quá giống cô. Nó mang nét mặt của cô, điệu cười của cô, ánh mắt của cô, cách nói chuyện của cô. Khi tôi nhìn thấy nó, tôi như thấy chính cô. Và như thế thật quá sức chịu đựng, anh thú nhận, mắt nhìn đi nơi khác.

Nikki không chờ đợi điều này. Ngây người mất một lúc cô mới nói được thành câu:

- Anh quá để tâm đến lòng tự ái của bản thân mà quên đi tình yêu dành cho con trai mình ư?

- Tôi đã làm tốt phần việc của mình đối với Camille, anh nhấn mạnh. Con bé chín chắn, thông minh và được dạy dỗ đến nơi đến chốn.

- Anh có muốn biết sự thật không, Sebastian? Cô hỏi, mắt ngấn lệ. Camille là một quả bom nổ chậm. Anh đã giữ con bé trong vòng kiểm soát của mình cho đến tận lúc này, nhưng điều đó sẽ không kéo dài đâu. Và khi con bé vùng dậy, có thể anh sẽ phải hối hận đấy.

Sebastian nhớ tới vỉ thuốc tránh thai mà anh phát hiện được trong phòng con gái. Anh dịu lại, tiến tới ôm cô trong vòng tay.

- Em nói đúng, Nikki. Anh xin em, chúng ta đừng tranh cãi nữa. Hãy gắn bó với nhau trong thử thách này. Anh sẽ thay đổi cách cư xử với Jeremy và em có thể tới thăm Camille bất cứ khi nào em muốn. Anh hứa là mọi chuyện sẽ ổn thỏa.

- Không, quá muộn rồi. Điều tồi tệ đã xảy ra. Giờ thì không thể sửa chữa được nữa.

- Không, chẳng có gì là không thể sửa chữa, anh kiên quyết khẳng định.

Trong khi con tàu lướt đi dưới nhịp cong cong của cầu Nghệ thuật và cầu Pont-Neuf, họ cứ ở yên trong vòng tay nhau một lúc.

Rồi mỗi người lại giữ khoảng cách với người kia.

Con tàu lướt đi dọc theo bờ sông ngang tầm các quầy sách trên kè Saint-Michel. Có thể nhận ra cung điện Conciergerie trên đảo Cité và, ở cuối đảo, là dáng vẻ gô tíc của nhà thờ Đức Bà. Xa xa, những dinh thự xa hoa trên đảo Saint-Louis in bóng lên nền trời vẫn hửng sáng dù đã về khuya.

- Giờ chúng ta thử giải mã bí ẩn của chiếc chìa khóa này đã, Nikki đề xuất sau khi đã dập đến điếu thuốc lá thứ ba. Chắc chắn chúng ta đã bỏ lỡ dấu hiệu gì đó. Vụ dàn xếp này hắn phải mang ý nghĩ gì đó. Phải tìm cho ra thứ mà chiếc chìa khóa này có thể mở được…

Cả hai cùng nhau đi hết dọc rồi lại ngang boong tàu trên, tìm kiếm một ổ khóa hay một lỗ khóa mà không được. Gió thổi mạnh khiến trời đêm thêm lạnh. Thấy Nikki run rẩy, Sebastian bèn choàng áo vest của anh lên người cô. Ban đầu cô từ chối, nhưng anh cứ cố nên rút cuộc cô để mặc anh.

- Nhìn kìa! Đột nhiên anh kêu lên, tay chỉ về một dãy thùng kim loại để áo cứu hộ.

Có sáu thùng tất cả, chiếc nào cũng có một khóa bảo vệ. Họ bồn chồn thử tra chìa khóa vào tất cả ổ khóa, nhưng không có chiếc nào mở được.

Mẹ kiếp…

Nản chí, Nikki lại châm một điếu thuốc nữa, hai người lặng lẽ hút chung điếu thuốc, tựa vào thành boong. Hai bờ sông đen kín người, tạo thành, như một dãy họa tiết, những “Dòng sông Seine cuộc đời” nhỏ bé: trong không khí náo nhiệt, những gia đình đi dã ngoại, những cặp tình nhân hôn nhau, một cặp tình nhân lớn tuổi hơn thì khiêu vũ bên mép nước như trong một bộ phim của Woody Allen. Xa xa, những phường vô lại vật vờ, vài nhóm thiếu nữ vừa cười cợt vừa trỏ ngón tay thối về phía người qua đường, một gã lang thang đang hút điếu cỏ dài đến một thước. Đồ uống có cồn ở khắp nơi: rượu nho, bia, rượu vodka.

- Đi nào, chúng ta vào trong thôi, cô lầm bầm. Em thấy lạnh.

Họ cùng xuống khoang dưới.

Trong phòng khách, không khí đang hồi náo nhiệt. Lúc đầu bữa còn rụt rè, giờ các thực khách đã đang hát vống cả lên. Một khách du lịch người Mỹ thậm chí còn quỳ gối trước vị hôn thê để cầu hôn.

Nikki và Sebastian trở lại bàn họ. Món chính đã được mang ra. Trong đĩa của Sebastian, một miếng phi lê bò nguội đặt cạnh thứ xốt trứng bơ Béarn đã đông lại. Bên đĩa của Nikki là hai con tôm khốn khổ đang đấu tay đôi trên chiếc bánh kẹp cơm Ý. Lúc họ mới ăn được vài miếng món ăn nguội ngắt, một nghệ sĩ violon tiến lại gần rồi chơi những nhịp đầu tiên của bản Tình ca. Lần này, Sebastian đuổi anh ta đi mà chẳng nể nang gì.

- Rót rượu cho em đi, Nikki yêu cầu.

- Em đừng uống nữa, sẽ say đấy. Mà chai rượu của chúng ta cũng hết rồi.

- Thế thì sao, nếu em muốn say thì sao! Đấy là việc của em! Đấy là cách để em đối mặt với chuyện đang xảy ra với chúng ta.

Nikki đứng dậy rồi lướt mắt qua nhiều bàn tìm kiếm một chai rượu nào đó. Cô tìm thấy một chai mới vơi một chút trên bàn để thức ăn thừa gần quầy bar rồi mang về chỗ mình.

Cô tự rót thêm một ly trước ánh mắt rụng rời của chồng cũ.

Bực mình, Sebastian ngoảnh mặt đi nhìn sang phía cửa kính. Lại điểm đến mới trong chặng du ngoạn, chiếc tàu tới trước tấm lưới thép ở cầu Charles-de-Gaulle. Hiện tại hơn các công trình trước đó, cầu Charles-de-Gaulle trông như một chiếc cánh máy bay chuẩn bị rạch ngang bầu trời. Rồi chiếc tàu soi sáng hai bên bờ bằng những ngọn đèn pha công suất lớn, hé lộ một cảnh khốn cùng bất ngờ: dưới gầm cầu, vô số người vô gia cư đã sắp hành lý, dựng lều bạt, bếp lò. Một “màn diễn” khiến các du khách cảm thấy khó chịu và làm dịu ngay không khí cho đến lúc đó vẫn rất vui nhộn. Điều này phản ánh “hội chứng Paris” trứ danh. Hằng năm, các đại sứ quán lại phải làm thủ tục hồi hương cho hàng chục du khách bị choáng, đến mức phát bệnh, bởi sự chênh lệch giữa hình ảnh lý tưởng về Paris vẫn được quảng bá trong các bộ phim và hình ảnh phũ phàng hơn trong thực tế của thủ đô nước Pháp. Trên tàu, sự xáo trộn này không kéo dài. Con tàu lại tiếp tục hành trình về phía những ngọn tháp kính của “Thư viện lớn”, trước khi quay đầu ở bờ kè Bercy để trở lại bờ hữu ngạn, tiến về Paris lịch sử trên những tấm bưu thiếp và tờ rơi quảng bá du lịch. Âm nhạc bởi vậy càng lôi cuốn hơn và cảm giác khó ở đã hoàn toàn tiêu tan.

Thêm một ngụm rượu.

Bề ngoài, rượu khiến tâm trí Nikki rối loạn, nhưng nó cũng khiến sự nhạy cảm của cô tăng lên. Cô tin chắc mình đã để vuột mất một điều gì đó, một thứ hiển nhiên. Thậm chí, cô còn chẳng cố tập trung nữa. Những phân tích theo lý trí không phải là điều sẽ giúp cô tìm lại được Jeremy, mà chính là bản năng của một người mẹ. Trong tình huống kiểu như thế này, sự nhanh nhạy của các cảm xúc hiệu quả hơn nhiều tính lô gíc và lý trí.

Không cố kiểm soát cảm xúc, cô mở hết các van để cảm xúc tự bộc lộ. Cô để mặc nước mắt tuôn rơi và mặc cho các hình ảnh lộn xộn trong đầu mình. Hiện tại, quá khứ đan xen với nhau. Tuy nhiên, cô cần tìm ra ranh giới, tìm ra một vị trí tốt để quan sát. Không phải để mình bị cảm xúc nhấn chìm, mà sử dụng nó theo cách hợp lý để nắm bắt được thông điệp từ đó.

Lòng bồn chồn lo lắng, cô nhìn ra cửa kính. Tất cả trộn lẫn với nhau trong đầu cô đến phát nôn. Những kỷ niệm xoay tròn, biến dạng, đan xen cho đến khi hòa quyện với nhau.

Nhạc rất to. Xung quanh cô, mọi người đang gõ nhịp. Trên sàn nhảy, nhân viên nhà hàng bây giờ đảm nhiệm vị trí dẫn dắt. Các nhân viên phục vụ cả nam lẫn nữ đưa chân theo điệu nhạc Nga.

Kalinka kalinka kalinka maya…

Cô uống thêm một ngụm rượu. Dù trong phòng khí nóng, Nikki vẫn run lập cập. Kết hợp với ánh đèn trên sàn nhảy, đoạn điệp khúc này khiến cô thấy đau đầu.

Kalinka kalinka kalinka maya…

Con tàu đang trở về điểm xuất phát. Qua cửa kính, cô nhìn thấy ban công cùng các gương mặt điêu khắc trên cầu Pont-Neuf, rồi hình bóng của cầu Nghệ thuật hiện lên trên nền trời, Cô ngắm nhìn hàng rào trên cầu. Chúng lấp lánh hàng nghìn tia sáng. Cô nheo mắt lại và nhận ra hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn ổ khóa treo dọc thân cầu.

- Em biết cái chìa khóa này mở thứ gì rồi! Cô reo lên.

Cô chỉ cho Sebastian máy phát những đoạn phim hướng dẫn được gắn vào bàn ăn. Cúi xuống màn hình nhỏ xíu, họ đọc giai thoại được gán cho công trình này:

“CŨNG NHƯ CẦU PIETRA Ở VÉRONNE HAY CẦU LUZHKOV Ở MATXCƠVA, CẦU NGHỆ THUẬT TỪ VÀI NĂM NAY TRỞ THÀNH ĐỊA ĐIỂM YÊU THÍCH CỦA CÁC CẶP TÌNH NHN, HỌ ĐẾN ĐY ĐỂ GẮN ‘KHÓA TÌNH YÊU’, BIỂU TƯỢNG CHO SỰ KẾT NỐI VỮNG CHẮC.

DÙ ĐÃ CÓ VÀI THAY ĐỔI, NHƯNG NGHI THỨC VẪN ĐƯỢC GIỮ NGUYÊN: CÁC CẶP TÌNH NHN GẮN KHÓA VÀO HÀNG RÀO TRÊN LAN CAN CẦU RỒI NÉM CHÌA KHÓA QUA VAI XUỐNG SÔNG SEINE VÀ NIÊM PHONG TÌNH YÊU CỦA HỌ BẰNG MỘT NỤ HÔN.”

- Chúng ta phải xuống tàu!

Họ hỏi một nhân viên lễ tân để biết thêm thông tin. Tàu sẽ cập bến ở cầu Alma trong vòng chưa đầy năm phút nữa.

Đang trong tâm trạng phấn khích, Nikki và Sebastian lại gần lan can để lên cầu tàu ngay khi con tàu cập bến.

Tàu L’Amiral lướt qua trước mặt tiền cung điện Louvre, bến Champ-Élysées, rồi dừng hẳn tại bến đón khách của nó, tại cầu Alma.

Trong lúc cả hai vội vã xuống thuyền, Nikki bỗng kéo tay áo chồng cũ.

- Khoan đã! Có cảnh sát!

Sebastian nhìn lên kè sông. Một người phụ nữ mặc áo khoác da và một gã trai trẻ với những bước chân dứt khoát đang chuẩn bị leo lên thành tàu.

- Em nghĩ thế à?

- Họ là cảnh sát, em bảo anh rồi mà! Anh nhìn đi.

Phía xa, anh nhận ra chiếc Peugeot 307 sơn phù hiệu với màu sắc của Cảnh sát quốc gia.

Sebastian bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ. Hai cảnh sát hiểu rằng họ đã bị đối tượng nhận ra nên nhảy bổ lên cầu tàu.

Nikki và Sebastian quay ngược trở lại. Trước khi trở lại boong trên, Sebastian chộp được trên bàn ăn một con dao chắc hẳn đã được dùng để cắt một miếng thịt bò nướng quá tay.