Con nít làng tôi lớn lên như thế! Lớn lên từ cánh đồng mỗi mùa ban tặng một thứ sản vật, có cái cầm được có cái không, nhưng tất cả đều đáng yêu đáng nhớ. Mùa hạ cho thóc trảy vỏ bóc ra gạo trắng. Mùa thu toóc rạ đốt lên khói đồng xoáy vào mắt, cay! Mùa đông có lũ cá lội ngược nước chảy vào những chiếc nơm đặt ở cống. Còn mùa xuân thung thăng bầy én về, thung thăng lũ trẻ đi bẫy én... Dường như mùa xuân, cánh đồng dành riêng cho lũ con nít thì phải?
Làng tôi là khuông đất nhỏ, không sông không biển, được bao quanh bởi ba làng khác; chính vì thế mà ngày nhỏ tôi lọt giữa những ngọn lúa bờ đê và không định vị được phương hướng. Đến một hôm mặt trời chỉ cho tôi hướng đông hướng tây ứng với chân trời nó mọc và lặn. Mùa xuân năm ấy bầy chim én bay về giúp tôi biết được hướng bắc hướng nam theo chiều bay của chúng. Tôi cảm ơn loài chim mùa xuân này, én đã dạy cho tôi bài học về sự định hướng quê nhà, để đi xa tôi không đánh mất mình giữa bốn chiều quỹ đạo mông lung. Cũng nhờ cái hướng đàn chim đó mà tôi nhận ra làng mình như một cái bẫy dang tay đón lấy mùa xuân, ôm chặt những đứa con tha hương trở về, như tôi hôm nay.
Nhà tôi hướng ngõ về phương nam và quay lưng về phương bắc. Vào một ngày xuân thuở trước, tôi nghe sau lưng nhà những tiếng sột soạt vờn gió, chạy lui xem thì thấy mấy cánh én nhỏ về đậu trên bờ ruộng. Rồi chúng bay vút theo hướng nam sà xuống cánh đồng trước mặt nhà. Mấy tấm ruộng ngày giêng đang xanh thắm hệt một tấm áo choàng, bỗng nhiên được đơm thêm những chiếc cúc đen nhỏ. Và những chiếc cúc én ấy như muốn báo với người làng một mùa ấm êm sắp tới.
Én đầu mùa bạo dạn, chúng dừng lại rất lâu trên đồng làng, vỗ cánh lượn đi lượn lại trên đám lúa non. Lúc đầu một vài con, sau là từng đàn, cứ thế chúng kéo nhau về làm dạ hội chính giữa đồng làng. Mắt lũ trẻ rói lên theo nắng xuân để chuẩn bị chơi một trò mới mà chỉ độ này mới có.
Cái bẫy én rất đơn giản, đứa nào cũng có thể tự làm được. Lấy đoạn tre ngắn, một đầu chẻ ra rồi nêm vào giữa nét chẻ một hòn đá để tạo thành cái nạng chãng ba. Dùng sợi chỉ buộc qua một cái vòng thòng lọng. Mồi bẫy én là ruồi, ruồi đen nhỏ hoặc ruồi xanh càng tốt. Bắt ruồi xong thì cột vào giữa cái vòng dây chỉ thòng lọng đó. Nhớ là phải dùng chỉ mảnh để én không phát hiện ra. Cắm bẫy giữa đồng, để cái chặng mồi cao hơn ngọn lúa chừng một gang tay. Én về ngang đồng thường bay sà sà thấp ngang mặt ngọn lúa để tìm mồi, thế nên phải đặt bẫy sao cho đánh lừa được chúng. Giữa một cánh đồng mênh mang lúa xanh, tự dưng nổi lên chấm đen con ruồi mồi, lũ én tranh nhau bay đến đớp và cái dây thòng lọng thắt lại.
Hôm thằng Cưng làm bẫy, mấy đứa tôi ngồi quanh xem nó vót tre buộc chỉ, rồi về nhà làm theo. Con nít làng tôi chơi với nhau và học nhau là chính, tất cả những trò chơi hay kinh nghiệm làm đồng đều thế cả, một đứa biết thì tất cả biết, không giữ riêng mình làm gì.
Làm xong bẫy và nơm mồi ruồi, chúng tôi mỗi đứa cầm theo độ dăm cái bẫy ra đồng, chia nhau vùng ruộng và cắm bẫy. Cắm xong thì kéo nhau vào trong ngõ đứng chờ. Nắng rói mấy tia hồng hồng xuyên qua lớp sương mai, đàn chim én bay ngang qua, lượn đi lượn lại trên những chiếc bẫy. Khi một con én mắc vào chiếc bẫy nào đó là cả lũ con nít lại réo toáng lên cùng nhau chạy ra xem.
Chúng tôi lấy bẫy én làm trò để chơi cho vui là chính. Thế nên mỗi khi có én mắc bẫy thì gỡ ra, chuyền tay nhau mỗi đứa nắm giữ một lúc như cầm lấy cái may mắn đầu năm, xong rồi thả ra cho chúng bay đi. Cánh én được trả tự do vút thẳng lên bay lượn mấy vòng mừng rỡ. Cũng nhờ sự độ lượng nhân ái ấy mà năm nào vào mùa xuân én cũng về nhiều; bởi chúng quý con nít làng tôi, chúng biết lũ trẻ sẽ không nhẫn tâm giết hại nên chẳng ngại ngần lấy mình ra làm trò cùng vui.
Những thằng Cưng, thằng Hụ, thằng Tí, con Xíu và tôi ngày ấy giờ lớn cả rồi. Bầy én năm xưa chắc cũng ít về lại, có con đã chết và con nào còn sống chắc cũng già lắm. Nhưng mùa xuân thì cứ trẻ mãi, mỗi năm đúng hẹn lại về. Trong cái miên man suy tưởng ấy, ai như tôi đang khóc!
Có một cánh én vừa vút ra từ ngực tôi, vượt muôn ngàn dặm trở về làng. Và tôi nghe từ phía cánh đồng trước nhà mình những tiếng reo vui của lũ con nít.
Minsk 12.2008
HOÀNG CÔNG DANH