Bắt Sóng Cảm Xúc - Bí Mật Lực Hấp Dẫn

CHƯƠNG 8: PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN

Anh sinh viên ngành nhân chủng học người Úc 21 tuổi Peter Mathews bị lạc giữa một khu rừng ở Chiapas, Mexico. Nhưng anh sắp khám phá ra một bí mật cổ xưa.

Một tháng trước, Peter vẫn còn ngồi trên giảng đường Đại học Calgary, Canada, miệt mài nghiên cứu cuốn sổ ghi chép luôn mang theo bên mình. Nếu một người bình thường nhìn vào thì chỉ thấy những con số gồm ba chữ số và những biểu tượng vẽ bằng bút chì. Nhưng với những cặp mắt tinh tường thì hình ảnh và biểu tượng đó đang tái hiện cả một nền văn minh – chiếc chìa khóa giúp Peter tìm hiểu về lịch sử vùng đất mà anh đang khám phá.

Len lỏi giữa những tán lá rậm rạp, anh biết rằng bên dưới thảm thực vật phủ dày xung quanh là những ngôi đền đá sừng sững do người Maya xây dựng vào khoảng năm 600. Qua nhiều thế kỷ, những cấu trúc uy nghi một thời đã bị xói mòn, đổ nát, chỉ còn lại vài bức tường đá vôi có khắc chữ tượng hình của người Maya. Rủi thay, chữ viết đó lại là một loại văn tự cổ mà hậu duệ của người Maya đã lâu không còn nhớ đến. Các chuyên gia mật mã tài ba trên thế giới cũng không tài nào lý giải được những ký hiệu này.

Tất cả những gì còn lại là vài con số chỉ ngày tháng, một số biểu tượng chỉ “mặt trời”, “mặt trăng” và “dòng sông”, đôi lúc còn có tên của một thủ lĩnh người Maya. Chữ viết của người Maya vào thời đó đơn thuần chỉ là một chuỗi nét phác thô sơ và không người bản xứ nào trên lục địa Châu Mỹ phát triển dạng chữ viết này thành một loại ngôn ngữ viết hoàn chỉnh.

Các nhà nhân chủng học cho rằng người Maya ít nhiều tuân theo luật chơi Pictionary(*), tức là họ có ngôn ngữ nói và sử dụng hình vẽ để truyền đạt các khái niệm cơ bản, chẳng hạn như dòng chữ “Năm 1108, nhiều mưa, được mùa”.

Đây là điểm xuất phát của Peter Mathews. Anh đã tham gia một dự án đặc biệt của trường, nghiên cứu về kiểu chữ tượng hình của người Maya qua các bức ảnh cận cảnh chụp tại Palenque. Dù thành phố cổ phía Nam Mexico này không phải là nơi lưu giữ các di tích quan trọng nhất của nền văn minh Maya, nhưng chỉ ở đây mới có bức tường đá khắc chữ vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn qua năm tháng.

Peter, với tính tỉ mỉ và cẩn trọng, miệt mài phân tích những nét chạm khắc ở Palenque và đối chiếu chúng với những con số trong bảng danh mục ký tự đã tìm ra trước đó. Chẳng hạn, một vòng tròn nhỏ vẽ bên trong một hình vuông lớn sẽ tương ứng với con số 511, còn ký hiệu tương tự một con đại bàng đeo kính và khăn xếp thể hiện số 750… Trong cuốn sổ của Peter chi chít những con số chỉ ngày tháng được chạm khắc trên đá ở Palenque và hàng loạt ghi chú chi tiết về ý nghĩa của những ngày tháng đó.

Mọi chuyện cứ như được sắp đặt sẵn vậy – ngay lúc Peter hoàn thành bảng danh mục thống kê, vị giáo sư hướng dẫn của anh bất ngờ nhận được lời mời tham dự hội thảo tại Palenque. Người tổ chức buổi hội thảo, cô Merle Robertson, rất hứng thú với những công trình cổ của người Maya. Buổi hội thảo được tổ chức tại nhà riêng của Merle trong rừng, gần các di tích Maya. Giáo sư của Peter không thể tham dự và trường quyết định cử Peter thay thế.

Và giờ đây Peter đang có mặt trong rừng Chiapas, dò dẫm tìm đường đến Palenque.

✦✦✦

Peter chia sẻ với chúng tôi nhiều năm sau đó: “Khi bước đi trên con đường lầy lội, tôi không biết mình đang ở đâu và nhà cô Merle Robertson ở hướng nào”. Đột nhiên, Peter nghe thấy một giọng phụ nữ: “Peter? Peter! Cậu là Peter Mathews phải không?”. Peter nghĩ đó là Robertson, bởi vì chỉ có cô mới biết tên anh. Nhưng hóa ra không phải. Đó là Linda Schele.

Linda Schele, giảng viên mỹ thuật, đã đến Palenque nhiều năm trước trong kỳ nghỉ Giáng Sinh để nghiên cứu kiến trúc Maya. Cô năng động, hoạt bát và thích tìm hiểu những ngôn ngữ khó. Linda khá hòa đồng và như một thỏi nam châm bên cạnh Peter trau chuốt và tỉ mỉ. Hai năm trước, Linda cùng chồng trở lại Mexico thăm di tích Palenque. Ngay lập tức, cô bị cuốn vào những nét chạm khắc tinh vi đầy bí ẩn. Chuyến tham quan kéo dài hai giờ trở thành một hành trình dài. Linda nhớ lại: “Chúng tôi ở đó 12 ngày, cho đến khi các em sinh viên và David, chồng tôi, phát bực vì trễ chương trình. Tôi đành miễn cưỡng đồng ý cùng mọi người đến Yucatán, nhưng 24 giờ sau, tôi đã quay lại Palenque”. Hơn hai năm sau, Linda trở lại đó một lần nữa.

Peter hồi tưởng: “Linda là người nồng nhiệt, lại hiểu biết. Dù bạn nói về đề tài nào, cô ấy cũng hào hứng chia sẻ”.

Vừa bắt chuyện, Peter và Linda đã nhận ra cả hai có chung niềm say mê đối với những nét chạm khắc kia và cuộc trò chuyện nhanh chóng xoay quanh những chữ viết trên ngôi đền cổ. Ngay lập tức, họ cảm thấy thân thiết với nhau, dù tình cảm đó chắc chắn không phải là tình yêu. Peter nhìn nhận: “Một cảm giác hòa điệu thật kỳ lạ. Sự hào hứng và nhiệt tình của Linda chẳng mấy chốc đã lan sang tôi. Tôi không thể giải thích được, chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã bắt sóng cảm xúc của nhau”.

Những ngày sau đó, Peter và Linda luôn sát cánh bên nhau. Khi Linda đề nghị làm người hướng dẫn cho Peter, anh gần như nhảy cẫng lên. Peter nhớ lại: “Chúng tôi cùng khám phá các di tích. Tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái”.

Với những lập luận và hiểu biết của chúng ta về hiện tượng bắt sóng cảm xúc, chúng ta có thể nhận ra yếu tố kết nối Peter Mathews và Linda Schele. Hai người là thành viên trẻ tuổi nhất và có chung đam mê nghiên cứu chữ viết Maya. Những buổi trò chuyện tại nhà Merle hay những lúc đi dạo trong rừng đã xóa bỏ khoảng cách giữa họ. Và không khí của buổi hội thảo đã tạo nên một cộng đồng thống nhất, gắn kết các thành viên tham gia – điều này càng giúp Peter và Linda xóa dần mọi rào cản khoảng cách.

Khi cảm thấy tâm đầu ý hợp, chúng ta có xu hướng nhìn người đang cùng bắt sóng cảm xúc với mình dưới lăng kính lạc quan nhất. Đổi lại, đối phương cũng nhìn chúng ta bằng ánh mắt thiện cảm – điều này thật sự tạo ra một sự khác biệt rất lớn: Chúng ta có xu hướng sống thật với bản thân mình nhất.

Điều này không chỉ đơn giản là đối xử nhân hậu và chân thành với người bạn mới; mà còn hơn thế nữa, chúng ta sẽ trở nên cởi mở, sáng tạo và phát huy hết tiềm năng. Nhờ có sự hòa hợp, chúng ta không những trải nghiệm được cảm xúc gắn kết, mà còn nhận ra chính mình theo một cách thức khác tốt đẹp hơn.

Peter kể: “Giờ nghỉ trưa ngày hội thảo cuối cùng ở Palenque, hầu hết mọi người đều đi tham quan những công trình gần đó để thư giãn. Nhưng Linda và tôi dành hết thời gian đó để tranh luận những biểu tượng và ngày tháng trong cuốn sổ ghi chép tôi mang theo”.

Cho đến thời điểm này, cộng đồng nhân chủng học vẫn cho rằng xấp xỉ 800 chữ tượng hình của người Maya trên ngôi đền cổ chỉ tượng trưng cho những khái niệm cơ bản, sơ khai. Peter cùng Linda muốn bác bỏ giả thuyết này. Anh nhớ lại cách họ giải mã bí ẩn: “Chúng tôi mạnh dạn sắp xếp các ký tự ngày tháng theo trình tự thời gian. Chúng tôi chợt nảy ra ý tưởng và bắt tay thử nghiệm ngay”. Cả hai liên tục sắp xếp, rồi lại đảo vị trí các dòng chữ đã được mã hóa và cố gắng tìm manh mối về thông điệp của bản văn tự cổ.

Các chuyên gia đã tìm cách giải mã ký tự Maya suốt nhiều thập niên, song bí ẩn vẫn còn là bí ẩn. Peter, chàng sinh viên 21 tuổi chưa tốt nghiệp và không có nhiều kinh nghiệm về mật mã, và Linda, cô giáo mỹ thuật tình cờ đến nơi này vào kỳ nghỉ lễ – cả hai thật sự không có lý do gì để cố sức tìm ra lời giải cho câu đố hóc búa như thế. Nhưng cả hai đều không nản chí.

Gần hết giờ nghỉ trưa, Peter và Linda tập trung nhìn vào những đoạn ghi ngày tháng được viết gần những ký tự tượng trưng cho họ tên của các vị thủ lĩnh. Họ trích lược và sắp xếp từng phần trên giấy. “Chúng tôi chỉ thử một cách ngẫu nhiên thôi, nhưng đột nhiên, một trình tự hiện ra trước mắt. Sau bốn năm dòng ngày tháng, mọi thứ dường như trở nên rõ ràng”.

Đây là những gì Peter và Linda phát hiện ra sau khi chuyển mã ngày tháng của người Maya sang lịch Gregory(*):

Tên thủ lĩnh                                                                 Ngày tháng tương ứng
23 tháng 3, năm 603
Thủ lĩnh Shield Pacal                                                   29 tháng 7, năm 615
28 tháng 8, năm 683

68 năm, 33 ngày

23 tháng 5, năm 635
Thủ lĩnh Chan-Bahlum                                                10 tháng 1, năm 684
20 tháng 2, năm 702
18 năm, 40 ngày

5 tháng 11, năm 644
Thủ lĩnh Hok                                                                   30 tháng 5, năm 702
? tháng 8, năm 720

18 năm, 72 ngày

13 tháng 9, năm 678
Thủ lĩnh Chaac                                                                  Không xác định
30 tháng 12, năm 721

Không xác định

23 tháng 1, năm 671
Thủ lĩnh Chac-Zutz                                                             17 tháng 6, năm 723
20 tháng 8, năm 731

8 năm, 64 ngày

Mặc dù vẫn còn thiếu vài dữ liệu, nhưng ý nghĩa của chúng dần trở nên rõ ràng khi bạn kết nối các mắt xích lại với nhau. Chẳng hạn, nhìn vào dòng ngày tháng thứ ba ứng với Thủ lĩnh Shield Pacal: ngày 28 tháng 8, năm 683, chúng ta nhận thấy ngày tháng này liên quan đến dòng ngày tháng thứ hai của Thủ lĩnh ChanBahlum: ngày 10 tháng 1, năm 684. Peter và Linda phát hiện ra dòng ngày tháng thứ hai thể hiện thời gian vị thủ lĩnh tiếp nhận ngôi vị, còn dòng cuối ghi nhận thời gian cai trị của mỗi vị thủ lĩnh.

Khi xem dòng ngày tháng thứ ba của mỗi vị thủ lĩnh và so sánh với dòng ngày tháng thứ hai của vị thủ lĩnh tiếp theo, chúng ta sẽ nhận thấy có sự liên quan:

28 tháng 8, năm 683

20 tháng 2, năm 702

? tháng 8, năm 720 30 tháng 12, năm 721

10 tháng 1, năm 684

30 tháng 5, năm 702

Không xác định

17 tháng 6, năm 723

Trong mỗi trường hợp, hai mốc thời gian chỉ cách nhau vài tháng. Linda và Peter cho rằng điều này không hề ngẫu nhiên. Một trong những ngày quan trọng nhất cuộc đời của một vị thủ lĩnh chính là ngày ông ấy lên nắm quyền, ngay sau khi vị thủ lĩnh tiền nhiệm qua đời. Họ kết luận rằng dòng ngày tháng thứ hai thể hiện ngày vị thủ lĩnh tiếp nhận quyền lực, và dòng thứ ba thể hiện ngày vị thủ lĩnh qua đời. Thủ lĩnh Shield Pacal mất vào ngày 28 tháng 8 năm 683; người kế vị là thủ lĩnh Chanbahlum lên nắm quyền chỉ vài tháng sau, tức ngày 10 tháng 1 năm 684. Theo Linda và Peter, dòng ngày tháng đầu tiên chính là ngày sinh của vị thủ lĩnh.

Trước thời điểm đó, những gì chúng ta biết về thủ lĩnh Shield Pacal chỉ là những biểu tượng mơ hồ. Nhưng lúc này, thông tin về ông đã hiện ra rõ nét. Peter cùng Linda đã tìm ra: ông sinh năm 603, lên nắm quyền lúc 12 tuổi và qua đời ở tuổi 80. Vài tháng sau, vị thủ lĩnh kế tiếp, Chan-Bahlum, lên ngôi ở tuổi 48. Khi ChanBahlum qua đời, Hork, 57 tuổi, trở thành vị thủ lĩnh… Các mảnh ghép còn lại hiện ra sau một phép toán đơn giản cho biết chính xác thời gian nắm quyền của từng vị thủ lĩnh.

Peter và Linda đã giải được câu đố hóc búa làm đau đầu các chuyên gia suốt nhiều thập niên. Họ khám phá ra rằng những nét chạm khắc tại Palenque đã ghi lại một giai đoạn cai trị của các vị thủ lĩnh Maya. Sau khi chuyển mã các biểu tượng còn lại, chúng ta có một bản văn tự phức tạp và hoàn chỉnh hơn về lịch sử nền văn minh vĩ đại này. Chỉ trong vài giờ, Peter và Linda đã đạt được thành tựu mà các chuyên gia không thể làm được trong nhiều thập niên.

Linda chia sẻ: “Chúng tôi bất ngờ phát hiện thành công lịch sử hàng trăm năm của đế chế Maya và tìm ra tên của tám vị thủ lĩnh. Giống như hiểu được thông điệp ghi trên Hòn đá Rosetta(*) vậy. Đó là một khoảnh khắc kỳ diệu không thể nào quên”.

Ba mươi năm sau, Peter – giờ là giáo sư khảo cổ học tại Đại học La Trobe của Úc – cố gắng xâu chuỗi các sự kiện dẫn đến bước đột phá Palenque. Peter nói với chúng tôi: “Linda và tôi hiểu ý nhau đến nỗi ở một mức độ nào đó, cả hai có thể tạm quên sự khác biệt tính cách của nhau. Nhờ có chung niềm đam mê mà chúng tôi vận dụng được toàn bộ kiến thức mình có để đạt tới thành tựu to lớn ấy”. Chia sẻ của Peter đã gợi lên ý tưởng phát triển cá nhân qua hành động thực tiễn.

✦✦✦

Các giáo sư Trường quản lý Kellogg và Trường Wharton của Đại học Pennsylvania đang tìm cách định lượng hiệu quả của sự phát triển cá nhân.

Đối tượng nghiên cứu của họ là các sinh viên MBA năm thứ nhất đang theo học các khóa căn bản của chương trình như kế toán, tài chính, quản trị và phân tích thống kê.

Các nhà nghiên cứu chọn ra một nhóm và yêu cầu họ ghi tên 10 bạn học họ cảm thấy thân thiết và thoải mái nhất khi ở cạnh. Sau khi thu thập và phân tích các câu trả lời, nhóm nghiên cứu thông báo sẽ chia nhóm này thành các nhóm nhỏ gồm ba người. Nhưng các sinh viên không biết nửa nhóm trong số đó được sắp xếp gồm các bạn thân thiết với nhau ngay từ đầu và nửa nhóm còn lại gồm các bạn cùng lớp nhưng không thân.

Các nhóm ba người không được phép dùng máy tính hay các thiết bị khác (trừ bảng đen). Tất cả phải thật thoải mái và sẵn sàng để bắt đầu cuộc khảo sát.

Ở thử thách đầu tiên, mỗi nhóm ngồi quanh một chiếc bàn có các dụng cụ lắp ráp, ống hút, que gỗ và mì ống. Yêu cầu đặt ra là họ phải sử dụng các công cụ này để tạo nên mô hình ba chiều trừu tượng (chẳng hạn hai khối lập phương và một hình chóp, hay một hình trụ cao bao quanh là các hình khối) theo một hình vẽ được cung cấp.

Sau đó, các nhóm bước vào thử thách thứ hai. Họ được giao một chồng hồ sơ ứng tuyển, mỗi hồ sơ gồm sơ yếu lý lịch, bài luận, văn bằng và thư giới thiệu, và nhóm có nhiệm vụ đánh giá mỗi hồ sơ ứng viên theo sáu tiêu chuẩn: trình độ học vấn, kỹ năng giao tiếp, khả năng tập trung, động lực, triển vọng nghề nghiệp và các hoạt động ngoài trời. Sau khi cân nhắc mỗi ứng viên, các nhóm phải quyết định “chấp nhận”, “từ chối” hay đưa vào danh sách “dự bị”. Kết quả đánh giá của mỗi nhóm sẽ được so sánh với kết quả của hội đồng tuyển sinh tại trường.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những nhóm gồm các sinh viên chơi thân ngay từ đầu sẽ hoàn thành cả hai thử thách tốt hơn những nhóm cùng lớp nhưng không thân. Nhưng điều ngạc nhiên nằm ở khoảng chênh lệch: Nhóm đầu xếp được nhiều hình khối hơn 20% và đánh giá kết quả tuyển sinh chính xác hơn 70% so với nhóm còn lại.

Đây có phải là kết quả của sự phát triển cá nhân bên trong một tập thể gắn kết? Nhóm nghiên cứu đã tìm câu trả lời bằng cách ghi âm lại cuộc trò chuyện giữa các nhóm khi họ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ở thử thách thứ nhất, nhiệm vụ không khó lắm, đoạn băng ghi âm cho thấy các thành viên chưa từng bắt sóng cảm xúc vẫn tỏ ra khá hòa nhã với đồng đội, tuy họ chưa cố hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Không khí làm việc của các nhóm này khá trầm lắng. Trái lại, nhóm các sinh viên là bạn thân luôn tỏ ra hào hứng với công việc. Họ có xu hướng khích lệ tinh thần cho đồng đội cao gấp ba lần và các cuộc đối thoại diễn ra vô cùng sôi nổi.

Thử thách thứ hai áp lực hơn vì ba người khó có cùng quan điểm về một quyết định quan trọng. Ở thử thách này, các nhóm là bạn thân tập trung vào nhiệm vụ hơn. Tuy xảy ra nhiều tranh cãi, nhưng đều là mâu thuẫn công việc, không phải xung đột cá nhân. Trong khi đó, các nhóm không thân cố giữ hòa khí, tránh gây bất bình để có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Trong mối quan hệ hình thành từ sự gắn kết tức thời, chúng ta dám thẳng thắn bày tỏ ý kiến vì biết rằng đối phương sẽ lắng nghe một cách khách quan, ngay khi cả hai bên không cùng quan điểm.

Trong hai cuộc thử thách trên, rõ ràng nhóm sinh viên là bạn thân thể hiện sự hứng khởi, say mê và tập trung cho công việc hơn. Họ nhìn thấy những mặt tốt nhất của nhau. Họ động viên nhau khi cần và sẵn sàng tranh luận để tìm ra giải pháp tối ưu. Đây chính là điểm mấu chốt để đạt hiệu quả trong bất kỳ công việc và ngành nghề nào.

Như vậy, cách mỗi thành viên hòa hợp với nhóm có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với sự thành công chung. Ngược lại, năng lượng, niềm đam mê, lòng nhiệt tình, sự phấn khởi và háo hức của nhóm sẽ giúp mỗi thành viên phát huy các giá trị tốt đẹp nhất.

Peter Mathews và Linda Schele vẫn tiếp tục cộng tác và giữ mối quan hệ thân thiết trong nhiều năm sau thành tựu khảo cổ học giá trị đó. Năm 1997, Linda được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy và không còn sống được bao lâu nữa. Peter chia sẻ với chúng tôi: “Điều khiến tôi bất ngờ chính là khoảng thời gian tôi ở cạnh Linda trong những ngày tháng cuối đời của cô tại Texas. Chúng tôi luôn vui vẻ và lạc quan. Linda và tôi huyên thuyên trò chuyện từ 10 giờ tối hôm trước đến tận 3 giờ sáng hôm sau mà vẫn chưa hết chuyện. Chúng tôi hoàn toàn mất đi cảm nhận về thời gian, giống như lần ở Palenque vậy. Tuyệt vời biết mấy… Chúng tôi đều cảm thấy thanh thản và bình yên. Đó là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho cả hai chúng tôi”.