Nhưng Bao Công nổi tiếng là người xét án giỏi, công minh, khám phá ra nhiều vụ án động trời trong đó có vụ Quách Hòe dùng “mèo đổi chúa”, hay là chuyện Trần Sỹ Mỹ phụ bạc người vợ chung thủy, hiếu nghĩa Tần hương Liên... Ông được coi là Thần Tượng của Công Lý, chỉ có ông mới giải được nỗi oan ngất trời như Lý Thần Phi bị đổi con (sau này là Tống Nhân Tông), hoặc những người tôi mà tai bay vạ gió hoặc bị quyền thần, gian thần bày mưu hãm hại. Ông trở thành nhân vật huyền thoại được lưu truyền trong dân gian. Nhưng sở dĩ ông làm được những công trạng lớn đầy uy tín với triều đình và trong dân chúng, chính là nhờ giải môn sinh và tùy tòng giúp việc. Đó chính là Công Tôn Sách, Triển Chiêu (Nam Hiệp), Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ, Âu Dương Xuân (Bắc Hiệp), Tưởng Bình, Đinh Triệu Lang, Trẩm Trọng Nguyên, Bạch Ngọc Dương, tức đám hảo hán lừng danh đời Tống hết lòng vì công việc.
“Thất hiệp ngũ nghĩa" chính là tập hợp những truyện lưu truyền trong dân gian về tài dò xét, võ nghệ tuyệt luân, đến đi đúng lúc, khi nhẫn nại kiên trì, lúc bôn tẩu thần tốc, xuất quỉ nhập thần của giàn hảo hán dưới trướng của Bao Thanh Thiên... Tuy Thất hiệp ngũ nghĩa không được liệt vào hạng sách văn chương cực hay của Trung Quốc như Thủy Hử, Tam Quốc, nhưng nó cũng có một vị trí nhất định, đặc biệt nó được rất đông người đọc từ thế hệ này sang thế hệ khác say sưa đọc. Có người cho Thất hiệp ngũ nghĩa là tiền thân của truyện kiếm hiệp Trung Hoa... Cũng là một lý... Nhưng thật ra Thất hiệp ngũ nghĩa đề cao hảo hán, đại hiệp không phải như lời bịa ra vô lối về các miếng võ, miếng chưởng sau này, mà chính là đề cao lòng khẳng khái, phóng khoáng, thích diệt ác, trừ gian, cứu người hiền đức, lương dân bị lâm vào những bước đường cùng oan uổng...
Thông thường hảo hán, nghĩa hiệp hay sống ở ngoài vòng pháp luật, và họ thường có thứ luật giang hồ riêng. Nhưng ở trong Thất hiệp ngũ nghĩa này, chính họ lại cộng tác đắc lực với Bao Thanh Thiên (đại diện cho Vương Triều Tống), bởi ông và họ cùng một mục đích: đấu tranh cho công lý, cho thiện thắng ác... Mà điều đó, người viết Thất hiệp ngũ nghĩa đã nói rõ ở những trang cuối cùng tập sách của mình: "Phàm kẻ hiệp khách nghĩa sĩ, thường hành động khác nhau ví như Thẩm Trọng Nguyên thời thật là khó. Tự mình đã chịu cái danh giúp giặc làm càn. Trước mặt Trương Dương Vương, Trọng Nguyên vẫn phải giả phụ họa theo chúng, chứ không hề bàn mưu định kế gì, lại dùng cái thông minh của mình để dò xét nội tình chúng. Đến như Bắc Hiệp (Âu Dương Xuân) và Nam Hiệp (Triển Chiêu) kia, đi đến đâu cứu khổ phò nguy, ai chẳng gọi là nghĩa hiệp thế mà sánh với Trọng Nguyên lại dễ dàng hơn, không thể bì kịp. Vì Trọng Nguyên thì phải tùy cơ ứng biến, quỷ trí đa đoan, đến lúc việc đã xong, rồi mới được vào hàng nghĩa hiệp. Thế chẳng phải là việc khó khăn hay sao?".
Vậy ra hảo hán cũng có những người phải náu mình làm việc nghĩa âm thầm!
Bởi vì, họ đều cùng một mong ước xã hội công bằng, pháp luật nghiêm minh, mong diệt trừ tham quan, lại nhũng, mong một đời sống người lương thiện được bảo trợ, một cuộc sống yên lành và mọi mầm ác phải diệt thường xuyên, diệt tận gốc...
Thất hiệp ngũ nghĩa tưởng như một truyện kiếm hiệp, một thứ văn chương giải trí, nhưng đâu có phải như thế! Từ truyện Thất hiệp ngũ nghĩa mà điện ảnh Đài Loan, Hồng Kông đã khai thác, làm phim truyền hình đến hàng trăm tập và rất ăn khách.
Lần tái bản này, được sự đồng ý của Nhà xuất bản Kim Đồng (in lần đầu năm 1989), chúng tôi in theo bản in đó.
Ngô Văn Phú
2. Huyền Thoại Bao Công
Ấm no, sung sướng, cũng như sự thật và lẽ công bằng, vẫn là niềm khao khát chính đáng của con người từ bao đời. Nhưng ở trong xã hội còn áp bức, bóc lột, con người nhiều khi không thực hiện được ước mơ tốt đẹp đó. Vì vậy nhân dân đã sáng tạo ra những câu chuyện cổ tích, huyền thoại hay dã sử để gửi gấm khát vọng của mình.
Từ buổi bình mình của lịch sử nhân loại, đã xuất hiện những ông bụt, ông tiên như ông Bụt trong truyện Tấm Cám hiện lên hỏi "Làm sao con khóc?" rồi dùng phép thuật cứu giúp người lành, trừng phạt kẻ ác. Đến thời trung cổ, lại có những hiệp sĩ cưỡi ngựa dong ruổi lên đường, dùng thanh gươm nghĩa hiệp để cứu khốn phò nguy, như kiểu Robin Hood, hiệp sĩ rừng xanh của Anh, hay Rôlăng, hiệp sĩ trên thung lũng Rôngxơvô của Pháp. Đến thời phong kiến, kiểu "hiệp sĩ" trung cổ lại trở thành lỗi thời, như anh chàng Đôn Kihôtê cưỡi con ngựa Rốtxinăng đi dẹp sự bất bằng trên cõi đời nhưng lại đánh nhau với cối xay gió, tuy bề ngoài có vẻ lố bịch, nực cười nhưng bên trong vẫn ánh lên ngọn lửa nhiệt tình muốn xóa sạch bất công áp bức, cho con người hạnh phúc, tự do. Ở Việt Nam, hình ảnh Lục Vân Tiên "giữa đường thấy sự bất bình mà tha?" đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, sau đó lại lên đường đi đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước trong truyện nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, có lẽ là điển hình trọn vẹn nhất về mẫu người hiệp sĩ trong chế độ phong kiến.
Nhưng trong xã hội phong kiến, không phải cứ dẹp xong giặc ngoại xâm là tức khắc mọi người đều sung sướng và bình đẳng, mà còn có áp bức, bất công, do vẫn tồn tại chế độ bóc lột. Dưới khuôn khổ nhà nước phong kiến, nhân dân lại sáng tạo ra hình ảnh vị quan công minh liêm chính, cầm cân nảy mực cho công lý, dùng pháp luật thẳng tay trừng trị kẻ gian ác, bất lương, cứu người lương thiện mắc vòng oan uổng. Muốn vậy không thể chỉ dùng sức mạnh và lưỡi gươm mà đủ, trước hết phải vận dụng trí tuệ sáng suốt, tài quan sát và óc phán đoán tinh vi, nhậy bén, mưu trí thông minh để vén mở màn bí mật che giấu mưu mô của kẻ ác, đưa chúng sa bẫy để nhân đó lật mặt trái của chúng, bắt chúng thừa nhận tội lỗi. Và cuối cùng phải có một trái tim nóng bỏng thiết tha với hạnh phúc của nhân dân, một cái đầu kiên cường dũng cảm, không chịu khuất phục, nhượng bộ trước một thế lực tàn ác muốn bóp méo pháp luật, thay đen đổi trắng, bịt miệng người bị oan, bao che cho kẻ có tội.
Cũng như nhân dân nhiều nước khác trên thế giới, nhân dân Trung Quốc đã sáng tạo ra hình tượng Bao Công, vị quan xử án công minh chính trực, khẳng khái vô tư đã khám phá ra không biết bao nhiêu vụ án ly kỳ, cứu bao người lương thiện bị oan và thẳng tay trừng trị kẻ phạm pháp, dù chúng được những nhân vật chóp bu trong chính quyền phong kiến như vua, thái hậu nâng đỡ, dù chúng ở những địa vị cao như quý phi (vợ lẽ vua), quốc trượng (bố vợ vua), phò mã (con rể vua), thái giám (người bố già nuôi vua từ nhỏ).
Bao Công không phải là một nhân vật hoàn toàn hư cấu mà xuất phát từ một nhân vật lịch sử có thật, đó là vị quan Long đồ các đại học sĩ, lệnh doãn phủ Khai Phong, tên là Bao Chửng (chữ Chửng có nghĩa là cứu vớt, ngụ ý cứu vớt nhân dân) dưới triều vua Tống Nhân Tông (thế kỷ 11) có tài xử án. Ngoài những chuyện vụ án có thật do chính Bao Công xử, nhân dân còn thêm thắt vào nhiều mẩu chuyện khác, có thể do vị quan khác xử, có thể hoàn toàn hư cấu, để xây dựng một hình tượng trọn vẹn về một con người cầm cân nẩy mực cho pháp luật, luôn đứng về phía công lý và chính nghĩa. Từ những "thoại bản" rời rạc cho những nghệ nhân hát rong kể khắp nơi, có người đã tập hợp lại bổ sung thêm, soạn thành bộ tiểu thuyết Thất hiệp ngũ nghĩa. Ở đây Bao Công không đơn độc, mà có một tập thể người tốt giúp đỡ: đó là bảy người hiệp khách và năm người nghĩa sĩ, những phần việc trong quá trình xét xử được lần lượt phân công cho từng người thích hợp, mọi người đồng tâm hiệp lực tìm ra manh mối vụ án dẫn đến kết quả mỹ mãn. Ngoài một số chi tiết mang màu sắc hoang đường do chưa thoát khỏi ảnh hưởng của đầu óc mê tín thần quyền, hay mượn cớ đánh lạc hướng giai cấp thống trị đương thời: trong truyện có nhiều chi tiết phù hợp với khoa học, kết hợp với thực tiễn quan sát và tư duy lôgich, khiến người ta liên tưởng đến phương pháp làm việc của thám tử Sêlốc Hôm trong truyện của Cônân Đôilơ. Như vậy là tinh thần hiệp sĩ đã được kết hợp với tinh thần khoa học.
Thất hiệp ngũ nghĩa là một truyện cổ khuyết danh Trung Quốc, nói lên ước mơ của những người lương thiện cùng khổ, hy vọng có một xã hội công bằng. Ban biên tập đã sử dụng bản dịch cũ của Phạm Văn Điều, do Tín Đức thư xã xuất bản năm 1952 ở Sài Gòn°. Bản dịch này có nhiều chữ cổ, văn cổ và tiếng địa phương. Để cuốn sách đến với bạn đọc hiện đại, ban biên tập đã hiệu đính trên tinh thần làm gần gũi hơn với ngôn ngữ phổ thông đại chúng và hiện đại.
Trong khi chờ đợi một bản dịch tốt hơn trên cơ sở nguyên bản, những người làm công việc biên tập đã cố gắng đạt tới sự dễ hiểu mà vẫn trung thành với bản chính. Vì khả năng điều kiện có hạn, không khỏi sai sót mong các bạn đồng nghiệp và bạn đọc góp ý, giúp đỡ để khi tái bản, cuốn sách được hoàn chỉnh hơn.
Hoài Anh
° Do không biết địa chỉ của ông Phạm Văn Điều, nên chúng tôi không liên lạc được, mong ông thông cảm.