Bụi hồng mù mịt, vó ngựa gập ghềnh. Bao Công vừa đi vừa nghĩ: "Ta từ nhỏ đã chịu biết bao nhiêu gian khổ, nhờ anh chị thương tình, rước thầy cho học, may sao long vân gặp hội, nhẹ bước công danh, ai dè đâu, nay rủi ro một chút mà vinh hoa đã như ngọn đèn dưới gió, thời còn mặt mũi nào mà trở lại quê nhà, âu là dời bước tới kinh đô chờ ngày toan liệu”. Còn đương nghĩ ngợi chợt tới một núi kia nghe tiếng đồng la inh ỏi, trong núi túa ra một lũ lâu la. Cầm đầu là một tướng mặt đen, mình thấp hình dáng khôi ngô, hét lên một tiếng, lâu la bắt trói thầy trò Bao Công giải lên sơn trại, đem buộc vào cột chờ cho bốn vị đại vương tới. Thầy trò Bao Công bị trói ước một giờ mới thấy Đại vương thứ tư hớt hải chạy về nói: "Khổ rồi! Khổ rồi! Ngu đệ mới gặp một người hành khách, tưởng đâu ra đón đường thu của, ai dè người ấy võ nghệ cao cường, nếu ngu đệ chậm chân ắt không còn tính mạng, vậy trong các anh ai ra bắt nó để rửa hận cho em?". Đại vương thứ nhất và Đại vương thứ nhì chịu ra đi. Hai người nai nịt, cưỡi ngựa ra khỏi trại thấy người hành khách đứng trên sườn núi, liền phóng ngựa tới. Đại vương thứ nhất vừa trông thấy mặt người khách, cười ầm lên: "Tưởng là ai, té ra huynh trưởng, vậy xin mời lên sơn trại đàm đạo chơi “.
Nguyên núi này tên là Thổ Long Cang, nơi giặc cướp ẩn núp. Có hai người là Trương Long, Triệu Hổ trước theo họ Bàng, sau biết chúng nó là lũ quyến gian không chịu phụ tá, nên bỏ ra đi. Rồi tới núi này, gặp bọn lâu la, liền thu phục và xưng làm chúa tướng. Sau bọn Vương Triều, Mã Hán xuống thi, bị bọn Bàng Thái sư đuổi ra, cả hai giận lắm, cũng về ngang núi này gặp Trương, Triệu mời lên sơn trại kết làm anh em. Vương Triều làm anh cả, Mã Hán thứ hai, Trương Long thứ ba, Triệu Hổ thứ tư.
Nói về người lạ ấy cùng với Mã Hán về tới sơn trại, thấy buộc trong cột hai người, bèn chạy ra xem, bất giác hỏi to lên rằng: "Thế nào mà huyện tôn lại ở đây?”. Bao Công liếc xem liền nói: "Có phải Triển nghĩa sĩ đó hay không?". Vương Triều nghe hai người đáp liền chạy lại mở trói cho Bao Công và mời lên thỉnh đường chuyện vãn. Triển Chiêu hỏi nguyên do, Bao Công nhất nhất thuật cả việc mình, ai nghe tới cũng lắc đầu than thở. Triển Chiêu bảo bốn anh em họ Vương phải tạ tội với Bao Công, xong rồi phân ngôi chủ khách cùng ngồi, lâu la bưng rượu thịt lên, sáu người xúm nhau ăn uống, chén thù chén tạc, câu chuyện lại qua, thật là ý hợp tâm đầu lắm. Bao Công nhân hỏi bốn anh em họ Vương rằng: "Tôi xem các ngài rõ thật là tay hiệp sĩ, sao lại ẩn núp rừng sâu núi hiểm làm vậy?". Vương Triều đáp: "Nhân vì gian nịnh chật triều, trung thần phải lánh mặt nên chúng tôi mượn núi này, tạm dung thân". Triển Chiêu nói: "Bốn anh em rất may, nay mới gặp được Bao huyện tôn, tuy người đương phải buổi long đong, song biết đâu sau này triều đình lại chẳng nhớ công mà phục chức hay sao? Đến chừng ấy tưởng các ngài cũng nên bỏ nơi tăm tối mà theo đàng quang minh, đem cả tài năng mà giúp cho dân nước, há chẳng quý sao?". Bốn anh em họ Vương rập nhau đáp rằng: "Triển gia đã dạy các em rất vừa lòng, chừng nào Bao huyện tôn hưởng lại phấn nước hương vua, thời chúng tôi nguyện hết sức chen vai cất gánh". Sáu người vui vẻ, ăn uống tới canh ba, tiệc mới tàn.
Sáng ngày thầy trò Bao Công và Triển Chiêu cùng cáo biệt lên đường, bốn anh em họ Vương tỏ tình lưu luyến chẳng đành cho đi, song thấy lòng khách quả quyết, nhắm không thể ép cầm, nên cùng nhau đưa xuống núi. Khi tới đường rẽ, Bao Công và Triển Chiêu quyến luyến quá chừng dường như không nỡ chia tay.
Từ khi thầy trò Bao Công ra đi, cứ đường kinh đô thẳng tới, ngày kia đi ngang qua cửa chùa Đại Tướng Quốc, Bao Công bỗng nặng đầu hoa mắt, ngã phục xuống ngựa. Bao Hưng lật đật chạy lại đỡ, thấy hai mắt Bao Công nhắm cứng, kêu hoài không lên tiếng, kinh hoảng khóc òa, làm cho náo động tới tận trong chùa.
Chùa ấy, nguyên có một vị cao tăng, học hành sâu rộng, nghề y dược, tướng bốc lại càng hay, tục danh là Gia Cát Toại, pháp hiệu Liễu Nhiên, lúc ấy đương ngồi dưỡng thần, nghe ngoài cửa có tiếng người kêu khóc, bèn bước ra xem. Thấy vậy hòa thượng liền bước lại chẩn mạch, rồi kêu chúng tăng ra khiêng vào để nằm bên căn phía đông, còn mình hối hả hốt thuốc trao cho Bao Hưng nấu đổ cho Bao Công.
Đến canh hai thuốc ngấm, Bao Công lần lần tỉnh lại, mở mắt ra, thấy đèn đuốc sáng trưng, một bên Bao Hưng đứng hầu, một bên một vị hòa thượng ngồi trên ghế. Bao Công liền hỏi: "Đây là chỗ nào?". Bao Hưng liền đem việc vừa xảy ra và nhờ ơn hòa thượng cứu giúp thuật cả lại. Bao Công nghe muốn trổi dậy đáp tạ. Hòa thượng cản lại không cho và bảo rằng: "Trong mình còn yếu, chẳng nên cử động sớm, nên tĩnh dưỡng ít lâu”. Cách vài ngày Bao Công đã khỏe, ra tạ ơn hòa thượng, cùng người chuyện vãn giây lâu. Hòa thượng liền hỏi thăm tên tuổi quê quán, biết là người lương đống, song còn đương chịu cái nạn một trăm ngày, qua khỏi thời vô sự. Vì vậy hòa thượng mời ở lại chùa, khi bàn về việc nước, khi lại cùng ngọn bút hòa vần, lúc xem trăng lên, lúc vơi chén rượu, thật là tâm đắc vô cùng. Ở như vậy gần ba tháng. Ngày kia Bao Công đi với Liễu Nhiên hòa thượng ra trước cửa chùa ngắm cảnh, chợt có một gã nhà bếp tay xách giỏ rau đi ngang, thấy Bao Công, đứng nhìn không chớp mắt, nhưng Bao Công nào có để ý tới.
Nguyên gã ấy là nhà bếp của Vương thừa tướng, vì Hoàng thượng (Nhân tôn) chiêm bao thấy hiền thần, tỉnh dậy nhắm chân dung vẽ ra bức Long đồ; truyền lệnh Thừa tướng sai người tìm kiếm. Thừa tướng vâng chỉ, về rước thợ giỏi họa lại nhiều bản, rồi chia cho bọn Ngu Hầu mỗi người cầm một bản đi tìm kiếm. Ngày ấy gã nhà bếp đi qua chùa Tướng Quốc, gặp được Bao Công, nhìn với người trong bức Long đồ không sai một mảy. Lật đật chạy về cho Ngu Hầu hay, Ngu Hầu vào chùa thời thấy một vị đạo nhân ngồi đánh cờ với hòa thượng, xem kỹ rồi trở về báo cho Thừa tướng. Thừa tướng mừng lắm, truyền đi kiệu vào chùa, sãi nhỏ vào bạch với hòa thượng, Liễu Nhiên ra rước vào Thiền đường. Vương thừa tướng nói: "Trong chùa này được bao nhiêu tăng chúng? Ý tôi muốn phát cho mỗi người một đôi giày, vậy phiền hòa thượng vui lòng giúp cho". Hòa thượng vâng lời, cho kêu các tăng chúng ra lãnh giày. Vương thừa tướng ngó chăm chăm, không thấy người nào giống như đồ họa, liền hỏi hòa thượng rằng: "Chúng tăng lĩnh đủ chưa? Còn ai nữa không kêu ra?". Hòa thượng nói: "Chỉ còn một người, mà người ấy không bao giờ chỉ vì một đôi giày mà phải hạ mình chịu ơn ai cả, nếu thượng quan muốn thấy mặt nên lấy lễ đãi mới được”. Vương thừa tướng đáp: "Được, việc ấy không khó gì, phiền hòa thượng dắt vào ra mắt “. Vào tới phương trượng, Bao Công không thể trốn tránh, cực chẳng đã phải tới thi lễ. Vương thừa tướng đáp lễ lại và nhìn kỹ thấy hình dáng giống hệt người trong bức Long đồ, cả mừng hỏi rằng: "Túc hạ tôn danh quý tánh là chi?". Bao Công liền thưa: "Phế viên là Bao Chửng, nhân xử án Ô bồn (cái chậu đen) mà bị cách chức". Vương thừa tướng nói: "Án ấy quá ư quái đản, lão phu thật khó tin”. Bao Công nghiêm sắc mặt đáp: "Lẽ thời ít có, nhưng việc quyết chẳng không, xưa nay những lẽ trái oan, thường mượn tang chứng làm chắc. Bao tôi lấy lẽ công mà xử đoán, dân tình cũng chưa cho là quái đản, nếu bỏ qua không hỏi tới, thời lẽ ức bao giờ khám phá cho mình, mà hồn oan e phải ngậm ngùi nơi chín suối". Vương thừa tướng nghe Bao Công ăn nói cứng cỏi, lòng đã vui mừng, liền mời Bao Công về phủ, lưu lại thư phòng.
Sáng sớm, bảo Bao Công thay đổi theo y phục huyện quan, cùng đi tới đứng trước cửa đền chờ lệnh. Khánh đổ ba hồi, Thiên tử lâm triều, bá quan đủ mặt. Vương thừa tướng ra quỳ tâu rõ các điều. Nhân Tôn Hoàng đế rất vui, cho triệu Bao Công vào, Bao Công vào trước bệ tung hô vạn tuế. Thiên tử mắt rồng xem kỹ, rõ ràng là người trong giấc chiêm bao, trong lòng cả đẹp liền hỏi: "Vì sao mà khanh bị bãi chức?". Bao Công đem rõ các chuyện tâu qua, Thiên tử không tỏ ý là lạ, cười mà phán rằng: "Khanh đã xử được án Ô bồn, thỏa oan uổng, có lẽ cũng trừ được yêu tà trong cung Ngọc Chấn, vì nơi ấy đã bao lâu nay mỗi đêm đều có hồn oan kêu khóc, vậy phiền khanh tới trấn yểm thử coi sao?". Vua phán xong, Vương thừa tướng phái viên thái giám tổng quản là Dương Trung đưa Bao Công vào cung Ngọc Trấn.
Khi đi tới cung, Bao Công xem thấy ngọc ngà chói rực, bệ điệu huy hoàng, bước tới cửa Dương Trung đứng lại nói với Bao Công rằng: "Ông phụng chỉ vua, vào điện trừ tà, vậy thời vào đi, còn tôi chỉ núp ngoài cửa đây coi chừng mà thôi". Bao Công gật đầu bước nhẹ nhẹ vào trong điện, thấy chính giữa có đặt bảo tòa bèn bước lại trước cúi đầu lễ, dòm qua bên cạnh thấy có chỗ ngồi, liền ngồi vào đó. Dương Trung thấy Bao Công biết lễ đã có lòng cảm phục, sau lại thấy ngồi nghiêm ngó thẳng, rõ ràng một người chánh trực quân tử thời nghĩ thầm rằng: "Người như vậy, trách gì thánh thượng chẳng ái mộ?". Đương lúc suy nghĩ, bỗng đâu gió tới ào ào hơi lạnh thấu xương, Dương Trung dựng tóc gáy, ngồi bẹp ngoài cửa, một lát mê man không biết gì (bị quỷ nhập), gió dưới đơn trì hốt lên mây và trong ấy có tiếng than khóc rất ghê.
Bao Công ngồi trong điện, định thần xem kỹ, thời thấy đèn đuốc đều tắt. Dương Trung ngã phịch dưới đất, mê man một hồi lâu, rồi đứng dậy lập cập chạy vào quỳ trước điện, đèn đuốc sáng lại như cũ. Bao Công biết quỷ đã nhập vào xác Dương Trung rồi nên hỏi: "Mi có điều chi oan ức, nên hồn hiện về làm quỷ làm tinh, khá mau bày tỏ lại cho ta nghe thử?". Dương Trung nói éo éo trong cổ đáp rằng: "Tiện tỳ tên là Khấu Châu, nguyên là kẻ thừa ngự trong cung Kim Hoa, nhân cứu chúa mà chịu ngậm oan nơi địa phủ đã hai chục năm nay". Nói bao nhiêu rồi đem cả nguyên ủy các việc lập mưu hãm hại thế nào khóc tỏ lại một lượt và nối lời rằng: "Nay Lý nương nương gần thoát khỏi nạn, nên tôi lại đây bày tỏ, xin ráng sức gỡ oan". Bao Công nói: "Việc oan đã rõ, cách tra thẩm phải lo, nhưng khốn nỗi mi làm quỷ làm yêu kinh động thánh giá, lỗi ấy chẳng vừa, vậy bây giờ phải kiếm nơi ẩn tích, đợi ta minh oan cho". Dương Trung dạ dạ rồi quay đi ra ngồi lại chỗ cũ ngoài bệ cửa, hồi lâu vươn vai, ngáp thức dậy lại gần hỏi Bao Công rằng: "Ông có thấy gì không, sao chưa trở lại phục mạng”. Bao Công nói: "Đã thấy quỷ rồi ngặt ông cứ ngủ mãi". Dương Trung hỏi: "Quỷ gì?” Bao Công nói: "Nữ quỷ tên là Khấu Châu”. Dương Trung nghe nói tới tên Khấu Châu thời thất kinh nói thầm rằng: "Quái lạ! Sao chuyện con Khấu Châu đã cách đây hai chục năm mà y lại rõ?". Nghĩ rồi giả bộ cười, hỏi rằng: "Sao con Khấu Châu lại thành quỷ mà phá khuấy thế này?". Bao Công đáp: "Không cần gì phải biết chuyện ấy, vả chăng hoàng thượng sai hai ta vào đây trừ tà, mà ông cứ lo ngủ mãi. Sáng mai vào chầu, ai có điều chi cứ tâu qua là đủ”. Dương Trung nghe qua rụt cổ nói: "Lão Bao ơi! Bao ca ca ơi! Bao đại nhân ơi! Ông muốn giết tôi sao chớ. Hoàng thượng sai chúng ta vào đây trấn quỷ, tôi cũng biết mạng vua làm trọng, song không cớ gì, trận gió vừa qua làm cho tôi mê man như chết, bây giờ về phục lệnh biết lấy gì mà tâu, nghe nói ông là người rộng lượng đức tốt, lẽ nào giết tôi cho đành?". Bao Công nghe nói thiết tha như vậy cả cười nói: "Thôi! Mai vào chầu Thánh thượng, ông nên tâu rằng quỷ ấy là hồn oan của ả Khấu Châu hầu hạ ở cung Kim Hoa hiện lên để xin siêu độ. Chúng tôi đã hứa và bảo phải lánh xa không nên quấy phá nữa". Dương Trung cả mừng lật đật từ giã về báo trước ở Nội các. Sáng ngày Bao Công và Dương Trung vào chầu Thiên tử, chỉ tâu là hồn oan uổng. Vua Nhân tôn nghe qua hài lòng bèn xuống lệnh cầu siêu cho Khấu Châu và ra dụ bài lệnh giáng chức cũ, lại thăng Bao Công lên làm lệnh doãn tại phủ Khai Phong và chức âm dương học sĩ. (Vì chức đó mà người ta truyền tụng là Bao Công giỏi xét việc ma quỷ. Ban ngày đoán kiện dương gian, tối về xử án âm phủ).
Bấy giờ Bao công lạy Thiên tử mà phụng sắc, ra tạ ơn Vương thừa tướng và hòa thượng Liễu Nhiên rồi thẳng ra phủ Khai Phong. Rồi sai Bao Hưng đem thư về nhà, thăm cha mẹ, anh chị và Ninh Lão tiên sinh rồi ghé làng ẩn Dật trao tin, một là báo tin mừng hai là cầu hôn.
Thật là:
Trời phật hay thương kẻ phải,
Quỷ ma thường sợ người ngay.