Giấy ấy nguyên của Triển Chiêu, vì từ khi lấy bạc của Miêu Tú rồi liền đi thẳng ra trấn Thiên Xương. Tới đó chưa thấy Bao Công, liền đi luôn qua trấn Tam Trinh bỏ thư báo tin rồi trở lại Thiên Xương chờ xem sự thể.
Ngày sau Bao Công tới trấn Thiên Xương vào ngụ tại công quán. Công Tôn Sách phái hai người lính dũng cảm là Cảnh Xuân và Trịnh Bình hầu hai bên cửa tra xét người ra vào. Còn bốn dũng sĩ ở chung quanh phòng Bao Công đêm ngày tuần giữ, phần mình và Lý Tài, Bao Hưng cũng hầu gần Bao Công để hộ vệ, nếu có điều chi bất chắc sẽ nhất tề hạ thủ. Canh giữ nghiêm ngặt như vậy tới canh tư cũng chưa thấy gì, Triệu Hổ ngồi gác, nghênh mặt ngó trên nóc nhà, ngọn cây, khi dòm tới một cây dầu, vụt la lớn rằng: "Có người núp đây!". Ở trong Vương Triều, Mã Hán, Trương Long túa ra, ngoài bọn canh tuần xách đuốc kéo vào, áp lại dưới gốc cây. Ai nấy đều thấy quả có bóng đen chuyền lên mái nhà, rồi ngói trên ấy liệng xuống như mưa. Triệu Hổ giận lắm hét rằng: "Giặc chạy đâu cho thoát!". Dứt tiếng nhảy lên mái nhà bắt người ấy xuống. Cả bọn áp lại, giải vào trước mặt Bao Công. Bao Công đã chẳng giận lại cả cười, sai Công Tôn Sách xuống mở trói. Công Tôn Sách giả bộ ngơ ngẩn hỏi rằng: "Tại sao nó quyết giết Tướng công mà Tướng công lại đãi nó tử tế vậy?". Bao Công đáp: "Ta xem y phải là tay hào kiệt nên động lòng thương, vả lại y với ta cũng chẳng cừu hận chi, y làm như vậy là bị kẻ tiểu nhân sai khiến, chớ nào phải bản ý ác. Mau xuống mở trói cho người ta". Công Tôn Sách ngó người ấy mà nói rằng: "Lão gia đãi ngươi như vậy ngươi nên lo báo ơn thế nào cho phải”. Nói rồi bảo Trương Long, Triệu Hổ mở trói. Vương Triều thấy bắp vế người ấy có một mũi tên liền bước lại nhổ giùm, rồi bảo Bao Hưng nhắc ghế mời ngồi. Người ấy thấy chung quanh Bao Công toàn những tay dũng sĩ kiện tướng đứng hầu nghĩ thầm: "Người ta nói Bao Công chính trực, biết trọng kẻ anh hùng, nay thật chẳng sai". Nghĩ vậy nên sợ không dám ngồi, sụp xuống đất quỳ mà thưa: "Tiểu nhân vô lễ, phạm tới đại nhân, tội đáng chết, xin đại nhân tùy liệu”. Bao Công vội vã nói: "Tráng sĩ khỏi phải quỳ lạy, xin ngồi cùng ta đàm đạo". Người ấy nói: "Tiểu nhân là kẻ phạm tội, trước mặt đại nhân đâu đám ngồi". Bao Công nói: "Ta đã mời, tráng sĩ cứ ngồi cớ chi mà ngại". Người ấy cực chẳng đã phải xá ba xá rồi ngồi. Bao Công hỏi: "Chẳng hay tên tuổi của tráng sĩ là chi, ai sai tới đây?". Người ấy thấy lòng Bao Công rộng rãi, cảm phục lắm liền tỏ ngay rằng: "Tiểu nhân là Hạng Phúc, vâng lệnh Bàng Dực ra đây hành thích đại nhân, ai dè đại nhân là người sáng suốt độ lượng thế này, khiến tiểu nhân hổ thẹn biết mấy “. Bao Công cười rằng: "Không sao, miễn sau này lúc gặp mặt An Lạc hầu xin tráng sĩ làm chứng việc này để tôi với Thái sư khỏi thương tổn đến tình thầy trò là đủ”. Hạng Phúc dạ dạ vâng lời. Bao Công sai Công Tôn Sách chữa vết thương cho Hạng Phúc. Vương Triều dâng mũi tên khi nãy cho Bao Công xem và nói: "Tên này có chữ đề là của Triển gia đây”. Bao Công nói: "Nếu vậy thời cái thư hồi đêm cũng của Triển nghĩa sĩ nữa, thật nghĩa sĩ hết lòng vì ta, ơn nặng biết mấy?".
Nói lại lúc Mã Hán vâng lệnh Công Tôn Sách giắt hai đầu mục Cảnh Xuân và Trịnh Bình ra am Quan Âm. Tới nơi Mã Hán thấy trước cửa có để cái kiệu ở đó, lấy làm lạ, đương đứng dòm chợt “nghe có tiếng kêu: "Hiền đệ tới muộn quá". Mã Hán dòm lên thời người ấy kêu là Triển Chiêu. Triển Chiêu nói với Mã Hán rằng: "Ngu huynh mới đón kiệu cứu được Kim Ngọc Tiên và gửi trong chùa rồi". Mã Hán và hai đầu mục đi cùng Triển Chiêu vào chùa, thấy có một bà già và một sư nữ (Bà già ấy là vợ của Điền Trung, nhờ Triển Chiêu cho hay trước nên tới đây đón chủ). Triển Chiêu nói với bà già rằng: "Bây giờ bà ở hầu phu nhân đây, đợi chừng Điền tướng công được tha sẽ bảo cho lại đây xum họp". Rồi dặn sư nữ rằng: "Phiền cô vì nghĩa mà đãi hai thầy trò Kim phu nhân đây cho tử tế chừng Điền tướng công trở lại sẽ hậu tạ cho". Lại nhắn với Mã Hán rằng: "Hiền đệ về bẩm lại với lão gia, nói rằng Triển Chiêu ít lâu sẽ tới hầu, còn Kim Ngọc Tiên là người liệt phụ, bất tất phải đem ra công đường đối chất làm chi “. Nói rồi ra chùa đi thẳng. Mã Hán với hai đầu mục trở về gặp tướng công.
Lại nói Trương Long, Triệu Hổ đến rừng Đông Cao không thấy sự gì, bèn nói cùng nhau rằng: "Có lẽ chúng nó đã đi khỏi đây rồi chăng?". Đợi một chặp nữa thấy một tốp người ngựa đi tới, Trương Long, Triệu Hổ cả mừng bảo bọn lính tráng núp vào gốc cây. Tốp nọ đi tới tất cả ùa ra. Bộ hạ của Bàng Dực thấy vậy ré lên rằng: "Sao chúng bay lớn gan dám đón đường hầu gia?". Trương Long nói: "Hầu gia nào ở đâu, sao không có áo rồng mũ ngọc, tao không biết Hầu gia nào cả". Lũ bộ hạ chỉ một người trong bọn mà nói: "Kìa! Người đó là An Lạc hầu, con của Thái sư! Vì muốn dò hỏi việc công nên thay hình đổi dạng như vậy, chúng bây vô lễ mau tạ tội đi". Trương Long, Triệu Hổ nhìn quả là Bàng Dực liền nói: "Để hai tôi chịu tội". Vừa nói vừa nhảy tới đè đầu Bàng Dực nhào xuống ngựa cho bọn sai dịch trói lại. Đám bộ hạ thấy thế cắm đầu lùi vào rừng như chuột. Trương Long, Triệu Hổ không thèm rượt theo, cứ lo điệu gian hầu Bàng Dực về công quán mà thôi.
Đó rõ thật:
Tiết phụ khỏi nạn nhờ nghĩa sĩ.
Gian hầu lậu kế bởi anh hùng.