Sống ngay cạnh kinh kỳ, nhưng Chiêu Thánh không bao giờ để ý hoặc tới lui, thăm viếng hoàng cung. Đôi khi thái sư phu nhân có cho người đến thăm hỏi, nàng cũng không tiếp. Gởi quà cáp cho, nàng cũng không nhận.
Một sớm Chiêu Thánh đang hái dâu, Trịnh Huyền đi chợ về, chạy ùa vào nhà với dáng vẻ hớt hơ hớt hải, mặt mày tái mét:
- Hoàng hậu! Hoàng hậu! Trịnh Huyền gọi, giọng lạc hẳn đi.
Nghe tiếng gọi hốt hoảng, Chiêu Thánh vội buông cành dâu hái dở chạy về sân:
- Gì vậy, Huyền ơi! Chị đây mà! Chị đây, Huyền ơi.
- Giời ơi, khiếp quá, thưa hoàng hậu.
- Trịnh Huyền, chị đã nói với em bao lâu nay rồi. Rằng không có hoàng hậu nào ở đây cả. Chỉ có hai chị em mình, mà em cứ thủ lễ quá đáng. Chị đã bảo là đừng có gọi chị là hoàng hậu nữa, nhớ chưa?
- Dạ, em nhớ rồi ạ. Nhưng bỗng dưng thay bậc đổi ngôi, em thấy nó thế nào ấy.
- Tâu … À quên, thưa chị Chiêu Thánh, người ta giết, bêu không biết bao nhiêu là thủ cấp ở chợ Cầu Đông.
- Cái gì, Chiêu Thánh sợ thót người, hỏi lại - Em nói cái gì ở chợ Cầu Đông?
- Đã bảo họ giết người, eo ơi khủng khiếp lắm chị Chiêu Thánh ơi.
- Giời ơi, em nghe ở đâu những chuyện ghê rợn thế?
- Không phải em nghe, mà em thấy cơ man nào đầu lâu người, bêu la liệt ở chợ Cầu Đông ấy.
Chiêu Thánh rùng mình bưng mặt, hỏi thêm:
- Vậy chớ em có biết sự thể ra sao không?
- Đúng là chị em mình ở đây như ở trong một cái hủ đậy nút kín, chị Chiêu Thánh ạ. Ngoài đời náo loạn thế, mà chị em mình chẳng biết gì cả. Em nghe nói nhân lúc nhà vua bỏ kinh thành đi, thái sư cũng theo đi tìm nhà vua, thế là ông cả Liễu họp hương binh gần một vạn đứa, kéo về sông Cái, định đánh úp kinh sư. Tướng Lê Tần chặn lại. Đến lúc thái sư về, ngài mới xiết chặt vòng vây. Hoài vương phải lẻn trốn ra hàng. Thái sư định đâm chết, may có nhà vua che đỡ cho.
- Ừ, những chuyện ấy chị cũng đã biết.
- Làm sao mà chị biết được? Chị biết mà chị lại giấu em à?
- Chả là bữa trước chị sang chùa dâng hương, hoà thượng cho chị biết tin như em nói đấy. Chị còn được biết là ông Cả đã bị giáng chức đuổi về ấp Yên Phụ. Được thêm các ấp Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Bang gì đó để làm thực ấp. Em trách chị làm gì. Chị chẳng có bụng nào lại giấu em. Bởi nó có phải là tin vui, tin lành gì đâu. Nói làm em thêm buồn. Chị thì chị chán ngấy những cái chuyện nhàn cư sinh nhảm ở trong cung lắm rồi. À, vừa rồi em nói chuyện gì chết chóc ấy nhỉ?
- Chị mà trông thấy cảnh đầu lâu bêu ngoài chợ, chị phải chết khiếp. Eo ôi, đầy một chợ, chỉ có quạ mấy đầu lâu thôi. Lính nhan nhản đầy đường. Em sợ quá, phải chạy vào chùa Cầu Đông. Sư cụ bảo đấy là lính của ông Cả làm loạn, đức ông Trần Thủ Độ bắt về giết bêu đầu để răn kẻ khác. Sư cụ nói, nước mắt chảy ròng ròng. Cụ đang lo làm lễ cầu siêu cho những người lính bị chết oan.
- Nam mô A-di-đà-Phật! Chiêu Thánh chắp tay niệm Phật, mắt nhắm lại như cố tránh không muốn nhìn lại cảnh đời tàn ác.
- Nhưng mà chị Chiêu Thánh ơi, làm sao con người lại ác với nhau đến thế? Em cứ nghĩ, đến loài vật nó cũng không giết nhau như vậy. Thuở nhỏ, ở nhà em có đàn gà đen mới xuống ổ, mấy con cuốc con mất mẹ, theo lẫn cả trong đám gà con, gà mẹ bao dung nuôi hết. Lớn lên, cuốc lại lủi ra bụi, ra bờ sinh sống. Trâu, bò, chó, gà đều có hục hặc nhau, húc nhau, cắn nhau, chọi nhau chí choé một lúc xong rồi thôi. Em chưa thấy chúng đánh nhau đến chết bao giờ. Khác với loài vật, con người cứ rình rập nhau đến cùng để giết nhau, ghê tởm quá, chị Chiêu Thánh ạ.
- Nhiều lúc chị cũng muốn bỏ quách chốn này mà đi lên núi ở ẩn. Sống đời trong lặng với cỏ cây, muông thú.
- Ôi thế thì thích lắm. Chị đi đi. Không phải lên núi làm gì. Cứ về quê em, vui lắm. Mọi người sống với nhau thuận thảo như chị em mình vậy thôi, chứ không có cảnh lèo lá, tráo trở đê tiện như mấy ông quan lớn ở kinh sư đâu.
- Nói thật với em, nếu không vì ở lại để gần phụ vương của chị sớm chiều hương đăng, thì chị cũng chẳng thiết sống làm gì nữa. Chị chỉ ân hận, không làm trọn được lời phụ vương chị ký thác. Chắc phụ vương thương chị là phận gái, nên người cũng tha thứ.
- Chị Chiêu Thánh à, chị có muốn em ở với chị nữa không?
- Sao Huyền lại hỏi chị vậy. Chị có gì không phải với em. Hay chị em mình nghèo quá, em không muốn ở với chị nữa. Chiêu Thánh nói với vẻ mặt rầu rầu.
- Em hỏi thế không phải em chê chị nghèo. Nghèo của các ông hoàng bà chúa, bọn dân quê chúng em có nằm mơ cũng chẳng thấy được. Em hỏi chị thế, là bởi em không muốn chị phải lam lũ như bọn em. Nếu chị thích em ở đây hầu hạ chị, thì các việc từ cuốc đất, trồng cây, đến hái dâu, chăn tằm, cơm nước các thứ, chị để mặc em. Chị chỉ có mỗi một việc lo tụng kinh thôi. Tụng hai xuất vào, cho cả em một xuất nữa. Thế là công bằng, chị làm dứt đi một việc, em dứt đi một việc khác.
Chiêu Thánh cười hồn nhiên đáp lời:
- Chị mang ơn Huyền nhiều lắm. Em cứ để chị làm cho vui. Trước đây các hoàng cô nhà Lý, ai mà chẳng thạo việc tằm tang. Ngay cái nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa cũng do công chúa nhà Lý dạy cho con gái phường Yên Hoa này đấy chứ. Và đức tị tổ1 cũng tự mình dạy cho cung nữ dệt được gấm vóc, kể từ năm Canh thìn2. Các đức ở nghiệp của nhà Lý đều là bậc khai sáng. Nay nếu chị làm lại cái nghề này, cũng là nghề của tổ tiên truyền lại, có gì mà ngại hả em?.
- Không phải thế đâu, chị Chiêu Thánh, em thương chị gầy yếu quá, cứ làm vào rồi ốm mất. Mấy lại không ai đi làm cái việc của bọn đầy tớ thường làm.
- Trịnh Huyền, chị cấm em từ nay không được nói cái chuyện chủ tớ ấy nữa nhé. Chị đã bảo bây giờ là chị em rồi cơ mà.
- Cám ơn chị cho em được bằng vai phải lứa. Nhưng người đời thì phân biệt rõ lắm. Cứ ra đường là họ biết ngay chị là chủ, em là tớ.
- Đấy là việc của người đời. Chỉ biết chị em mình từ nay gắn bó. Mà sao chị thấy bồn chồn quá em ơi. Em ở nhà, chị sang bên chùa một lát nhá. Chị phải trình với phụ vương, việc người ta tàn sát đám lính vô tội. Em biết không, đêm đêm chị vẫn mơ thấy phụ vương chị về đấy.
Lại nói về bà Trần Thị Dung, hoàng hậu nhà Lý, bấy giờ là phu nhân của thái sư thống quốc Trần Thủ Độ. Sau khi bà đã khéo lựa để biến được những toan tính của bà thành các chính lệnh của ông, và suýt nữa thì gieo tai hoạ cho cả dòng họ, bà thấy hú vía. Bà tự nhủ, từ nay chỉ làm các việc trong nhà thôi, chứ không dám can dự vào chính lệnh nữa. Mà thái sư cũng nghiêm lắm. Sau vụ xảy ra đó, thái sư chèo chống thật vất vả. Bà nhận thấy đức ông ít nói, nhiều lúc buồn đến thẫn thờ. Nom khuôn mặt ông ấy hiện lên một nét gì u tối, cứ như là chuyện giết đám dân binh của Liễu, đã ám ảnh ông. Nhưng thôi, mọi sự rồi sẽ qua đi. Chẳng có cơn bão nào kéo dài mãi. Bão tạnh gió tan, khắc đến mưa đền cây. Ngay như Chiêu Thánh dù có giận bà, nhưng nó cũng đã yên phận ở gần linh hồn vua cha. Còn Thuận Thiên, cũng đã vui vầy với ngôi hoàng hậu. Lại vừa sinh cho nhà vua được một mụn con trai. Thôi thì con anh con em, cũng là dòng máu họ Trần cả. Lọt sàng xuống nia, chẳng đi đâu mà thiệt. Nhà vua cũng đã nguôi quên. Đã tự mình chăm lo công việc triều chính, lại thường săn sóc cả hoàng hậu lẫn đứa bé. Thế là tốt rồi. Bà không đòi hỏi gì hơn nữa. Gần đây, nghĩ tình mẫu tử thế nào, nhà vua lại phong ta làm quốc mẫu. Ta cho việc đó là ưu hậu lắm. Vì tước ấy chỉ tặng phong cho các bà thái hậu.
Về phía Trần Thủ Độ, qua việc này, ông thấy những thành tựu đạt được, là do sự cưỡng bách của ông, không ai chống lại được. Ngay cả đức vua cũng không cưỡng nổi ý ông. Chính vì thế mà ông bắt đầu run sợ. Bởi người trong nước sẽ cho ông là một kẻ tàn bạo, bức bách nhà vua, thao túng triều đình. Cũng vì việc này mà quan thừa chỉ bỏ đi. Việc quan thừa chỉ bỏ đi, ông tự lấy làm hổ thẹn. Ông đã ngấm ngầm sai người đi dò tìm khắp nơi. Vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Bữa có việc đi qua một ngôi làng trên mạn Quốc Oai, thấy làng nọ mới dựng một ngôi đình lớn, mái ngói còn đỏ au. Ông dừng lại ngắm xem, và thầm khen kíp thợ mộc ở đây tài hoa quá. Chợt thấy đôi câu đối trước cửa đình, ông nhẩm đọc:
LẬP THÀNH HỒ, CẠNH TRANH HỒ, PHÁ HOẠI HỒ, MẠC THỊ CƠ QUAN DO KHÍ HOÁ.
PHỤ TỬ DÃ, TRƯỞNG ẤU DÃ, PHU PHỤ DÃ, NGUYỆN Ư ĐÌNH BẢNG TÁ PHÂN MINH3.
Trần Thủ Độ giật mình biết quan thừa chỉ có qua đây. Và lời lẽ này, chính là khẩu khí của ông. Rõ là ông chấp nhận việc thay đổi triều đại là lẽ thường của tạo hoá, đúng cái ý của vế trên. Còn vế dưới, ông muốn trách việc nhân luân sao không đem ra mà bàn bạc, ngõ hầu đem lại sự sáng trong của công lý. Đúng là một người có cái tâm chí thiênj, ngay cả lúc đã bỏ ta mà đi, ông vẫn có lòng muốn nhắn gửi lại để khuyên bảo ta. Tuy vậy, Trần Thủ Độ cũng không dò tìm được dấu vết của ông.
Năm tháng qua đi, những vết thương dần dần kín miệng. Nhưng dù có gặp thầy hay thuốc tốt, chữa trị giỏi giang thì các nơi thương tích kia vẫn còn hằn lại những vết sẹo. Với các người lớn tuổi, như thái sư Trần Thủ Độ và phu nhân hoặc Trần Liễu thì vết sẹo to, bóng nhẫy. Còn với các người trẻ trung như Trần Cảnh, Thuận Thiên, Chiêu Thánh, vết sẹo cũng chóng đầy và mờ dần theo năm tháng.
Thái tôn là một người đức độ, nên cũng dễ bỏ qua những lầm lỗi của người khác. Nhà vua không chấp trược, không dò tìm nguồn gốc sâu xa rồi để bụng thù hằn. Với một người đã chẳng coi ngôi vị đế vương là cái gì, và sẵn sàng từ bỏ, thì ở đời chẳng có gì đáng giá, ngoài đức thiện và lòng nhân.
Thái tôn được mấy người thầy học và các bậc lão thần tài đức khai tâm mở tính, trau dồi kiến thức cho, cùng với lòng nhà vua lúc nào cũng cầu sự tinh tiến, nên vào tuổi ngoài hai mươi, nhà vua đã chững chạc lắm. Ngài bắt đầu để tâm đến việc thi cử, bổ dụng người hiền tài cho đất nước. Ngài cũng luôn chăm lo đến đời sống của người dân không chỉ riêng ở kinh sư, mà còn ở nơi thôn ấp hẻo lánh. Không những thế, còn chăm lo đến việc cải hoá phong tục, khuyến thiện, trừng ác. Nhà vua đã nhiều phen đàm đạo với các bậc quốc sĩ về các điều trọng yếu trong tam giáo.Cứ theo ý nhà vua lĩnh hội được, thì rường mối chính trị quốc gia phải dựa trên căn bản của tam giáo. Cũng có người tranh biện với Thái tôn, chỉ cần Nho giáo là đủ. Không nên tham bác các đạo khác, nó sẽ mất đi sự ngay chính của Khổng học.
Nhà vua nói:
- Ta vốn trọng đạo Nho. Vì nó chỉ cho ta nhiều điều quan yếu trong phép trị nước. Nhưng nếu chỉ thiên về Nho giáo, ta e khắc bạc quá. Mà đẩy cái sự khác bạc ấy lên một tí nữa, là đi vào con đường chuyên chế tàn bạo của nhà Tần. Chi bằng ta lấy cái chuyên sâu của đạo Nho, cái thiện nghiệp của đạo Phật, với các dung dị bất tranh của đạo Lão, lại hoà vào nền văn hoá truyền thống của Đại Việt, ta được một cái đạo hoàn bị hơn. Thế là tam giáo cùng đua tranh nảy nở, phương chi cứ phải gò mình chịu trói trong một học thuyết ngoại lai, chưa phải đã thập phần hoàn hảo.
Nghe nhà vua nói, ai cũng thấy Thái tôn đã có một kiến thức hơn đời, và ngài đã có chủ kiến định hướng cho nền chính trị quốc gia. Đấy là tầm vóc của các bậc đế giả. Một bữa nọ, nhà vua đang cắm cúi hoàn thiện mấy bài giáo huấn, nhằm vào việc giáo hoá cho các hoàng tử sau này thì thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình ló vào.
Nhà vua gọi Khuê Kình lại, đọc cho nghe. Đọc xong, nhà vua nói thêm:
- Đây mới là việc ta răn dạy con cái trong nhà. Rồi ta sẽ ra hẳn một đạo luật, khiến các nhà phải có trách phận nuôi dạy con cái cho thuận thảo; và biết đủ các bổn phận đối với nước. Mỗi nhà lại phải lo sao cho ít nhất có một người biết chữ. Các gia đình cũng phải lo việc chăm chỉ làm sao cho nhà nhà đều đầy đủ, dư dật. Được vậy, hẳn là xã hội sẽ đua nhau làm việc thiện. Ta cho rằng, muốn tạo dựng một xã hội tốt đẹp, phải bắt nguồn từ mỗi gia đình tốt đẹp. Vì vậy, ta cũng phải lo cái gia đình của chính ta. Nếu làm được điều ta mong muốn, thời xã hội làm gì còn có nạn lưu manh, trộm cướp. Ta e rằng, bộ hình luật của ta sẽ có cơ không dùng đến nữa. Nói xong, Thái tôn mỉm cười, quay sang hỏi Khuê Kình:
- Khanh thấy thế nào?
- Tâu bệ hạ, theo chỗ hạ thần nhận biết, thì bệ hạ muốn đức hoá, thiện hoá các hoàng tử và cả xã hội. Tâm của bệ hạ đã đạt tới cõi sạch trong rồi đó.
Thái tôn cười:
- Khanh chỉ được cái khéo nịnh ta.
- Tâu bệ hạ, bình sinh thần chưa nói một điều gì trái lòng mình cả. Đã thế, thần sẽ nói luôn điều bấy lâu nay thần để tâm suy ngẫm, xem có phải lòng thần trung hay nịnh?
- Ôi, ta khao khát được nghe những lời ngay thẳng. Dù những lời đó có đau đớn, ta cũng không hề trách phạt khanh. Khuê Kình biết đấy, khi ta đã ở ngôi cao, mọi sự việc ta làm, ta không kiểm xét được nó tốt xấu ra sao. Ích dân lợi nước, hay lại phiền nhiễu cho dân, mà cũng vô bổ cho nước. Ta biết, dù ta có dở, mọi người vẫn cứ bảo ta hay. Ít ai dám nói ra sự thật. Ngay đến các gián nghị đại phu cũng vẫn còn dè dặt lắm. Ta tự xét, từ lúc tám tuổi đã ở ngôi cao, đứng trên các bậc lão thần, quốc sĩ, lòng luôn run sợ. Ta cũng như những đứa trẻ kia, chứ có khác gì đâu. Chẳng qua, cái ngai vàng nó làm cho ta trở thành lỗi lạc. Nhưng cái ngai vàng là vật vô tri, còn ta vẫn chỉ là một đứa trẻ. Nếu ta không ý thức được điều đó, mà lại hợm mình nữa, chắc là sẽ dẫn dắt cả dân tộc này đi đứng quàng xiên bậy bạ. Khanh với ta nghĩa là vua tôi, tình là bè bạn, lại là chỗ huynh đệ thân tín trong nội tộc nữa, ta mong khanh hãy vì bách tính, nói cho ta hay những điều ta còn mù mờ. Những chính sách không được lòng dân. Hoặc những gì theo khanh cần phải tu chính. Nào khanh hãy nói đi.
Khi bị nhà vua chạm tới lòng tự trọng, Khuê Kình muốn tỏ ra mình là người trung thực. Nhưng tới lúc bình lặng, xét suy về những lời mình sắp nói ra, không phải Khuê Kình không đắn đo cân nhắc. Bởi những lời chàng sắp nói, hệ trọng lắm. Đụng tới cả bậc quyền uy nhất nước, mà ngay cả đến hoàng thượng cũng còn phải trọng nể. Đúng như nhà vua nói: “Ít ai dám nói ra sự thật lắm”. Nhất là nói trước những người quyền cao chức trọng, về những điều yếu kém hoặc lầm lỗi trong họ. Quả vậy, sự thật là một cái gì giản đơn lắm. Nhưng cũng khó nói ra lắm. Xưa đã thế, nay cũng thế và muôn đời sau vẫn còn như thế. Nhưng nếu không nói, thì ta cũng chỉ là một tên hèn nhát như tất cả những tên hèn nhác khác. Khuê Kình cứ đắn đo cân nhắc mãi.
Thái Tôn liền bảo:
Nếu khanh vẫn còn chưa muốn nói ra, ta không ép.
Như có tiếng chuông thức tỉnh lương tâm, Khuê Kình nhìn thẳng vào mắt nhà vua, nói:
- Tâu bệ hạ, từ lâu nay thần vẫn áy náy một điều. Rằng bệ hạ còn rất trẻ. Mà quyền hành lại tập trung quá nhiều vào tay thái sư. Việc ấy chẳng biết rồi sẽ dẫn tới đâu. Cho nên hạ thần trộm nghĩ, những dự liệu của bệ hạ, liệu có thi thố được không. Hay lại bị thái sư cản phá. Ngay cả ngôi báu nữa, liệu có trường tồn không?
Nghe Khuê Kình nói, Thái tôn bậm môi suy nghĩ giây lâu. Chợt nhà vua bật lên nói:
- Hay là thế này Khuê Kình nhé. Ta với khanh cùng đến cung Thủy Tĩnh. Và khanh nói lại điều đó cho cả thái sư cùng nghe. Tiện hơn. Ta thấy thái sư cần phải được biết điều này.
Khuê Kình thấy hơi ớn lạnh ở sống lưng. Tướng quân không ngờ sự thể lại diễn ra như vậy. Chàng tự nhủ: “Đây là suy nghĩ chân thực của ta. Đã nói được cho đức vua nghe, thì cũng sẽ nói cho thái sư nghe”. “Quân tử bất sự nhị ngôn”. Người đứng đắn, không nói hai lời. Chàng vui vẻ đứng dậy theo nhà vua. Nhưng chưa lường được hậu quả sẽ dẫn tới đâu.
Quân vào bẩm có hoàng thượng tới dinh. Trần Thủ Độ lật đật chạy ra đón mãi cổng ngoài. Ông đon đả nói:
- Chẳng hay bệ hạ có việc gì ngự giá đến nhà thần. Hạ thần không biết trước để làm lễ cung nghinh. Thật đắc tội.
Thái tôn khiêm nhường nói:
- Miễn lễ. Quốc công cứ bày vẽ làm trẫm thêm phiền.
Trần Thủ Độ vừa ngẩng đầu, đã thấy kiệu sau hạ xuống. Nhìn con người to, cao như một đô lực sĩ, thái sư vừa “à” lên một tiếng, Khuê Kình đã kịp tới trước ông cúi chào.
- Thân vệ tướng quân vẫn mạnh chớ. Bữa nay được đón hoàng thượng cùng tướng quân, thật là một may mắn bất ngờ cho bản chức.
Khuê Kình lễ độ thưa:
- Bẩm đức ông, nhân có câu chuyện thưa với bệ hạ, nhà vua dậy tiểu tướng cùng lại đây để trình đức ông tường.
Nội nhân đưa trầu, nước ra dâng nhà vua rồi lui.
Thái tôn nói:
- Khuê Kình với trẫm và Quốc công đều là người trong nội tộc. Nhân Khuê Kình có điều tâm huyết vừa dãi bầy. Trẫm bảo Khuê Kình lại đây nói để Quốc công cùng nghe. Xin Quốc công bình tâm, nếu câu chuyện có làm cho Quốc công phiền lòng.
- Bệ hạ đã rộng lượng. Thủ Độ tôi còn có điều gì phải lo nghĩ nữa.
Khuê Kình nói lại điều mình băn khoăn, như lúc trước đã nói với nhà vua.
Thái tôn theo dõi câu chuyện và sắc diện của cả hai người. Nhà vua thầm khen: “Đáng trọng thay nhân cách của Khuê Kình. Chàng ta nói không sai một lời, không tỏ ra xun xoe, sợ sệt”. Và nhà vua cũng nhận thấy, Quốc công tiếp nhận lời Khuê Kình một cách bình thản. Xem vậy đủ biết bụng dạ cả hai người đều trung chính, chớ không có một ly nào tà vạy. Điều đó khiến nhà vua yên tâm. Và tin rằng, Quốc phụ xưa nay vẫn xứng đáng là một phụ chính đại thần - một trụ cột của cả triều đình và trong hoàng tộc.
Nghe xong lời Khuê Kình, Trần Thủ Độ lấy làm cảm kích. ÔÂng nói lại với nhà vua:
- Tâu bệ hạ, đúng như lời Khuê Kình nói. Bấy lâu hạ thần thường lo lắng đến các trọng trách quốc gia. Thần chịu cố mệnh của tiên quân, khuông phò bệ hạ từ ngày thơ ấu. Chỉ mong bệ hạ sớm trưởng thành để trao lại quyền bính. Nhân đây, thần xin bày tỏ: Bệ hạ cũng nên lo gây dựng nhân tài. Trao dần sự nghiệp cho mọi người cùng gánh vác. Các bậc lão thần thật đáng trọng. Song quả thật các vị không còn đủ năng lực gánh vác việc lớn quốc gia. Có khi còn cản trở. Xin bệ hạ nên ban thưởng tước cao lộc hậu, và xếp các vị cố lão ấy vào hàng nhàn tản. Còn công việc điều hành thực thụ, phải trao vào tay những con người còn khí huyết sung mãn, lại có đức có tài như Lê Tần hoặc thân vệ tướng quân đây. Bởi chưng thời bình, còn phải lo tới cả thời chiến. Hạ thần đêm ngày đau đáu nghĩ về cái họa Thát-đát. Sớm muộn gì thì họ cũng chinh phục xong Trung nguyên. Sau Trung nguyên, họ chẳng để ta yên. Cho nên phải lo giữ nước từ khi chưa có mầm loạn. Và phải có kế sách làm cho dân giàu nước mạnh cấp kỳ, nếu không thì trở tay không kịp, hối không kịp.
Nghe Thủ Độ nói, nhà vua xúc động đến ứa nước mắt. Thái tôn nắm tay Khuê Kình và Thủ Độ nói:
- Thế nước đứng được, là nhờ có bề tôi lương đống như các khanh. Nhà vua buông tay hai người ra, nhìn sát vào Trần Thủ Độ, nói tiếp:
- Nhà Trần mở được nghiệp lớn huy hoàng, là nhờ có chú. Đúng như chú nói, việc tiếp theo phải làm cấp kỳ là lo cho dân giàu, nước mạnh.
- Còn một việc nữa, xin bệ hạ lưu tâm. Trần Thủ Độ nói - Cứ như ý thần, thằng cháu Quốc Tuấn sau này sẽ trở thành một tướng tài kiệt hiệt. Bệ hạ nên đỡ đầu cho cháu về kinh sư học hành, cho cháu mở mang nhãn giới. Cháu phải được trau dồi kỹ càng cả về đường võ bị lẫn văn chất. Chứ cứ như thần, chữ nghĩa dở dang, mọi đàng dốt nát, chẳng mấy chốc lại trở thành một thứ đó rách ngáng chỗ.
Nhà vua chân thành nói:
- Xin vâng lời quốc phụ. Xin vâng lời quốc phụ!
==============.
1. Chiêu Hoàng muốn nói đến Lý Thái tôn.
2. Canh thìn(1040).
3. Đại ý: Việc tạo lập cũng như việc huỷ hoại đều do sự biến đổi của thời gian (ý nói thiên nhiên) mà thành.
Còn như các mối quan hệ xã hội như cha con, già trẻ, chồng vợ mọi việc đều nên lấy chốn đình trung (ý nói pháp luật) làm nơi phân giải cho tỏ sáng.