BÃO TÁP CUNG ĐÌNH

CHƯƠNG 19

Chiêu Thánh ngồi ủ rũ như một chiếc xác không hồn. Đã tám hôm nay, nàng không cho bọn nữ tì chải đầu hoặc trang điểm. Tóc nàng rối bù, xoắn xuýt thành từng nọn đung đưa như những con rắn. Mắt nàng mờ đục, lúc nào cũng ngơ ngác nhìn xoáy vào một điểm vô hình. Chợt khóc chợt cười. Nàng lấy hương xạ đốt lên rồi cắm la liệt khắp xó xỉnh trong nhà. Phu nhân thấy con thân hình tiều tụy xác xơ như một con vờ, bà rùng mình kinh hãi nghĩ về chứng loạn tâm của Huệ tôn ngày trước. Biết đâu con bé lại chẳng giống cha. Từ ba hôm nay, Chiêu Thánh không hề hé miệng nói với ai một câu nào. Ai nói gì nàng cũng thờ ơ như không nghe, không biết. Ai nhìn nàng, nàng nhìn lại với ánh mắt lúc tỏ ra nghi ngờ lúc lại đầy vẻ khinh thị.

Chuyện bắt đầu từ đêm ấy. Khi nhà vua vừa bước vào nội tẩm đã thấy sặc mùi men rượu chua nồng, Chiêu Thánh cho đó là một sự lạ. Vì đã tới gần một năm nay, nhà vua chưa bước tới cung này. Chiêu Thánh nhớ: đêm cuối cùng cách đây gần một năm, sau giờ ân ái kéo dài của chàng, mà ta ráng chịu đựng như một thứ cực hình. Chàng nói thẳng vào mặt ta: “Nàng giống như một con mèo hen chứ không phải một mụ đàn bà. Ăn nằm với nàng ta không còn thấy thích thú nữa”. Rồi từ đấy quả là chàng không hề đặt chân tới thềm điện. Thế nhưng đêm nay chàng lại đến. Chàng đến với bộ mặt chán chường và nồng nặc hơi men. Vậy mà trước đây ta chưa hề thấy chàng nhấp một ngụm rượu. Trút bỏ áo ngự, nằm vật xuống giường, nhà vua ôm ghì lấy ta mà khóc. Ta còn giận chàng chưa nguôi, nhưng vẫn thấy thương. Chao ôi, người phụ nữ nào mà không bủn rủn cả chân tay, mỗi khi nghe tiếng khóc của đàn ông. Nước mắt như rửa sáng thêm khuôn mặt vốn nhân hậu của chàng. Ta vội gỡ tay chàng ra rồi đốt thêm bạch lạp. Ta thử nhìn kỹ lại khuôn mặt kia xem có gì giả dối, phỉnh lừa. Nhưng không, nhà vua đau khổ thật sự. Gần nửa đêm, Thái tôn thức giấc, chàng lại ôm lấy ta mà thổn thức. Dỗ dành mãi, nhà vua mới nói:

- Ta bầy tỏ điều này, mong Chiêu Thánh hiểu lòng ta. Gần một năm nay, ta không ăn ở với nàng. Là bởi ta thấy nàng quá yếu đau, mà ta thì mạnh khoẻ. Ta là một người đàn ông thực sự, nên ta cần có đàn bà. Ta xa nàng, là cốt để cho nàng có cơ phục hồi tấm thân, chứ không phải ta ruồng rẫy. Chắc nàng giận ta lắm. Nhiều lúc nghĩ lại, ta thấy ân hận.

Thái tôn thở dài. Chàng thấy mắt ta rớm lệ. Nâng khuôn mặt ta lên, chàng vuốt ve rồi lại nói:

- Chiêu Thánh ơi, nàng có biết một tai họa ghê gớm đang giáng xuống đầu ta và nàng không?

Ta lắc đầu. Chàng bảo:

- Việc tầøy trời như thế mà nàng không biết sao? Có thực cả phu nhân cũng chưa nói gì với nàng sao?

- Ta gật đầu, chàng đau đớn nói:

- Từ ngày nàng sinh thằng bé bị chết yểu tới nay đã năm năm. Chúng ta đã vào tuổi hai mươi rồi, nàng vẫn chưa sinh nở lại. Ông chú ta cùng bà mẹ nàng, đồ rằng chúng ta không có con để nối dõi. Cho nên ép ta phải lấy Thuận Thiên. Hiện Thuận Thiên đã có mang được gần ba tháng. Người ta đoán chắc, đó sẽ là một đứa bé trai. Vậy là phần hậu thánh(1) của nhà Trần khỏi phải lo.

Cả mẹ nàng và chú ta, hai ông bà đều nói: Sẽ thu xếp để cho hai chị em cùng là hoàng hậu. Còn với thằng hoàng tử tương lai đó, mẹ nàng bảo: “Con anh con em, lọt sàng xuống nia, chẳng đi đâu mà thiệt”.

Ông chú ta, tức ông bố dượng nàng, bảo ta rằng: “Trần Cảnh cứ bằng lòng đi, cô chú sẽ thu xếp với Trần Liễu, Thuận Thiên, Chiêu Thánh”. Ta nghe họ toan tính sẽ cho Trần Liễu hưởng thêm thực ấp. Sẽ gạt cho Trần Liễu một nửa số phi tần. Chàng ngập ngừng nhìn ta hỏi:

- Ý nàng thế nào?

Ta đáp:

- Thân thiếp mảnh mai như một nhành liễu. Yếu hơn cả một nhành liễu. Không đủ sức chống chọi bất cứ vật gì. Người ta có thể giết thiếp. Băm vằm thân thiếp làm trăm mảnh. Nhưng người ta không thể bắt thiếp phải nghe theo những điều thương luân bại lý. Dù người ấy có là mẹ thiếp, ông thái sư hoặc bệ hạ cũng thế thôi.

Chàng lại hỏi:

- Vậy chớ nàng sẽ làm gì?

Ta đáp:

- Thiếp sẽ nguyền rủa cái bọn ích kỷ, khinh nhờn lương tri. Nguyền rủa cả cái bộ máy thối tha của triều đình, mà bệ hạ chỉ là một thằng hình nộm.

Thái tôn buồn lắm. Nhà vua nhắc lại lời ta: “Bệ hạ chỉ là một thằng hình nộm”. Hoàng thượng cười lớn: “Đúng quá Chiêu Thánh ơi, nàng nói đúng quá. Nàng bảo ta phải làm gì bây giờ, Chiêu Thánh?”.

Ta đáp:

- Nhà vua không làm được gì hết. Ông chú của hoàng thượïng sẽ bóp hoàng thượng vụn như cám, nát như tương. Tốt nhất là hoàng thượng phải thật sự ngoan ngoãn nghe theo. Vả lại Thuận Thiên vừa khoẻ mạnh phây phây, vừa xinh đẹp lại đang có sẵn một hoàng nam, bệ hạ đẹp lòng quá rồi còn chần chừ chi nữa.

Chàng sầm mặt lại, hỏi ta:

- Thế còn nàng? nàng có ưng thuận không?

- Không, không đời nào ta chịu để các người áp chế. Các người tàn bạo lắm. Đừng tưởng quyền binh nắm trong tay muốn làm gì thì làm. Ta đã chán ngấy cái ngôi vàng ô uế kia lắm rồi. Ta nhổ toẹt vào ngôi hoàng hậu. Ta chỉ là ta. Một đứa con gái bị lường gạt, bị xua đuổi, bây giờ chỉ còn cách là ta nhổ toẹt vào tất cả. Nhổ toẹt vào các người. Ta phẫn nộ nói, mà không hề nghĩ rằng ta đang xúc phạm chàng.

Nhà vua đứng phắt dậy, thét vào mặt ta:

- Nàng tưởng ta thích cái ngai vàng ô uế? Nàng không nhổ thêm vào nữa thì nó cũng đã bẩn rồi. Nàng cho rằng được nàng, ta mãn nguyện lắm sao? Chính ta cũng bị ép buộc phải lấy nàng. Bị cưỡng chế lên ngôi vua. Một ông vua mà nàng đã gọi rất đúng là “cái hình nộm”. Bây giờ ta lại bị ép buộc phải lấy chị nàng cũng tức là chị dâu ta. Trời ơi, cái thân ta sao mà hèn yếu vậy. Có nhẽ ta cũng chẳng hơn gì cha nàng vào những năm cuối đời. Chỉ có khác: Ta mới bắt đầu, còn Huệ tôn đã kết thúc.

Tự nhiên nhà vua gục đầu xuống. Chiếc khăn trùm đầu đã tuột từ bao giờ, tóc xõa xượi, trông chàng như một bóng ma. Rồi Thái tôn uể oải nhìn ta, nhà vua lắc đầu nói:

- Không. Trần Liễu không cam chịu đâu. Ta đã đành bất lực, chứ anh ta không chịu. Từ lâu rồi, ta thấy anh ấy đã muốn cựa quậy. Có lần Liễu nói: “Nhà Trần ta mở nghiệp bắt đầu từ sự trái khoáy”. Ta biết anh ấy ám chỉ cái gì rồi. Ấy là việc em nhỏ thì ở ngôi, còn anh lớn lại là bầy tôi. Xét ra cũng đúng thôi, anh ấy có tội tình gì mà sắp xếp ngôi thứ lộn đảo như thế. Bây giờ lại định lừa gạt anh ấy để cướp lấy Thuận Thiên.

- Vậy chớ ý Thuận Thiên thế nào? - Ta hỏi.

Nhà vua lắc đầu:

- Ta đâu được biết ý Thuận Thiên. Trong việc này, cả hai anh em ta, hai chị em nàng đều không có quyền lựa chọn.

Ngưng lại giây lâu, hoàng thượng lại nói:

- Ta với hai chị em nàng đã bất lực đã đành, nhưng còn anh cả. Ta không tin anh ấy cam chịu. Từ ngày ông chú cho các vương hầu được lập ấp, đựơc tổ chức gia binh. Ta thấy huynh trưởng rất chăm lo việc này. Chỉ hương binh trong thực ấp của Liễu đã có vài vạn. Rèn luyện kỹ càng. Còn tinh binh trong nội phủ cũng có tới vài ngàn tên. Huynh chịu khó nghiền ngẫm binh thư lắm. Mời cả thần dạy võ người Tống về luyện binh, và dạy riêng cho Quốc Tuấn. Ờ mà thằng bé thật là có khiếu năng võ nghệ. Nó đứng chưa tới mông con ngựa tía, thoắt đã nhảy lên yên, ra roi nom giống hệt một tay kỵ mã nhà nghề. Chị cả Liễu cũng là một người đảm. Nuôi dạy con ở trong hương ấp, mà thằng bé biết đủ cả lễ, nghĩa, thi, thư – Nhà vua ngừng lời, vẻ trầm ngâm u uất.

Ta hỏi:

- Như ý bệ hạ nói, có nhẽ anh cả Liễu làm loạn chăng? Chốâng lại ông thái sư thống quốc chăng?

Nhà vua lắc đầu:

- Ta mong không đến nỗi như vậy. Nhưng nếu chú ấy bức bách quá thì không biết rồi sự thể sẽ ra sao? Ta vẫn áy náy mạn Bắc, Người Tống, người Mông Cổ lúc nào cũng rình rập như quạ đói rình gà con, hễ gà mẹ sơ hở là chúng nó chộp liền.

Ta buồn lây nỗi buồn đất nước của nhà vua. Để yên ủi hoàng thượng, ta nói:

- Ông Trần Cảnh này, hôm nay ông nói với tôi về ý định của vợ chồng ông thái sư. Tôi biết ông bà ấy sẽ làm theo ý mình. Nhân đây, tôi cũng nói để ông rõ. Ông không phải băn khoăn lo lắng gì về cuộc sống của tôi. Đời tôi coi như bỏ. Ta vĩnh biệt nhau thôi. Ông bảo sao? Cuộc hôn nhân của ta quá ngắn ngủi à? Đành vậy. Bởi nó không có nhân duyên, mà chỉ có mưu ma kế quỷ hòng lừa dối nhau. Ngày ấy cả tôi và ông, người ta bảo chúng mình lấy nhau. Tôi bằng lòng ngay vì nghĩ rằng mình có bạn chơi. Tôi cứ thấy buồn cười tại sao ông lại hiền thế. Ông có nhớ không nhỉ ông Trần Cảnh? Mỗi khi nói với tôi điều gì, ông quỳ mọp xuống. Đầu cụng vào đất, lí nhí trong họng. Một điều “bệ hạ” hai điều “muôn tâu”. Rồi lúc ông bê chậu nước hầu tôi rửa mặt. Tôi nghịch ngợm té ướt cả mặt ông. Thế mà ông vẫn cứ nhẹ nhàng: “Xin bệ hạ tha cho”. Ấy, tôi thích cái tính ông nó nhu mì nên tôi ưng ngay. Ai ngờ cái việc ông lấy tôi lại là việc của cô chú ông. Là việc lấy thiên hạ cho nhà Trần, chứ đâu phải chuyện nhân duyên. Tôi biết ông không có lỗi trong việc này. Nay lại đến việc cướp chị Thuận Thiên và cả cái bào thai có sẵn. Thật là tán tận lương tâm. Ông thái sư thì tôi chả trách làm gì. Ông ta có thể làm được đủ mọi việc, ngoại trừ những việc nhân nghĩa. Đáng trách là bà mẹ tôi kia. Bà cô ông ấy. Tôi không ngờ, trời phú cho bà ta khuôn mặt đẹp để che dấu một tâm hồn ác độc. Bà ta chui vào triều Lý để đánh hồi chuông báo tử cho dòng họ nhà tôi. Thôi thì cũng được. Thiên hạ là của muôn dân, chứ có phải của riêng gì ai. Chỉ tiếc rằng quyền nhiếp thống sơn hà, lại nằm trong tay kẻ tàn bạo. Nếu như việc sai khiến triều đình, chăn dắt trăm họ lại thuộc hoàn toàn về một người như ông: khoan hoà, nhân ái thì tôi yên tâm quá ông Trần Cảnh ạ.

Nhà vua nhìn ta như là một sự lạ. Vì từ trước ta chưa hề nói với chàng một điều gì sâu kín. Từ lâu, chàng vẫn tưởng ta là một con bé ngu khờ. Chàng nhìn ta đăm đắm mà không ngắt lời. Ta lại nói:

- Ông có nhớ cái buối tôi mời ông lên ngự ngai vàng? Khoác cho ông tấm áo long cổn và đặt lên đầu ông chiếc vương miện? Chàng gật đầu, đôi mắt chàng long lanh. In hệt cắp mắt hàm ý biết ơn từ hơn chục năm trước. Vậy là ông còn nhớ. Ông có thấy, ngày ấy chúng mình trong trắng quá! Tôi thì sung sướng được vứt bỏ đôi hia, đã làm chảy máu chân tôi. Được trút bỏ chiếc áo ngự, rộng thùng thình như một cái chăn. Lại hạ được chiếc mũ, nó làm cho cổ tôi lúc nào cũng cứng như một cái ách. Tôi vui là được trút bỏ mọi thứ đồ chơi cũ kỹ, kỳ quặc. Còn ông lại thích. Vì ông được một món đồ chơi lạ. Nhưng nay tôi ý thức được rồi. Nếu thuận thảo ra, tôi nhường ngôi cho ông cũng như Nghiêu(2) nhường thiên hạ cho Thuấn(3). Thuấn nhường cho Vũ(4), Vũ nhường cho Thang(5)... Ấy đấy, việc nhường ngôi ngày xưa, là nhường cái tâm thiện cho thiên hạ, chớ đâu phải chỗ ngồi là cái ngai vàng, và những quyền lực để áp chế muôn dân. Bởi vậy ngày xưa các vua giỏi thường chọn người hiền trong thiên hạ để truyền ngôi, chớ đâu phải cứ giữ khư khư cho một dòng họ.

Tôi không ân hận trong việc nhường thiên hạ cho ông. Vì ông là người hiền. Song tôi băn khoăn, vì ông chưa khai mở được bổn tâm của ông, cho thiên hạ nương nhờ. Việc này khó đấy. Nếu ông không khéo, thì cả thân xác ông cùng bổn tâm thiện đức của ông đều theo nhau xuống mồ. Ông có hai đối thủ kỳ quặc. Một người muốn bảo vệ ông, che chắn ông. Một người lại hằm hè muốn cướp lấy của ông. Hai người đó là ai, ông biết rồi, nhưng ông không thiết, thế lại hóa may. Mà đây là cách giữ tốt nhất. Còn kẻ nào lăm le muốn chiếm, chắc chắn sẽ không được gì.

Ta mệt quá, lả đi. Chàng vực ta dậy. Giây lâu chàng nói:

- Ta cám ơn Chiêu Thánh đã không oán hận gì ta. Sự thể sẽ là tan hỏng mất thôi. Ta thiết gì ngôi báu. Nếu Chiêu Thánh bỏ đi. Chắc ta cũng không còn gì để ở lại. Đau nhất cho ta là chưa làm được điều gì thiện đức cho thiên hạ. Phụ lòng Chiêu Thánh dường bao. Hãy tha thứ cho ta.

Ta tiễn chàng tới bậc thềm, cũng vừa lúc hừng đông ló rạng.

======.

1. Hậu thánh: Vua nối nghiệp về sau

2. Vua Nghiêu: Một vua hiền trong lịch sử cổ đại Trung Hoa (2357-2257) trước Tây lịch. Nghiêu sai họ Hi, họ Hòa xem sự chuyển vận của mặt trời, mặt trăng để dạy dân biết lúc nghỉ, lúc làm, mùa cấy, mùa gặt. Thời ấy có Thuấn giúp Nghiêu đi tuần thú bốn phương, tiếp kiến với Hậu các nước, sửa đổi ngày, tháng và bốn mùa cho đúng. Định ra âm nhạc. Phép đo, phép lường, phép cân cho nhất quán trong thiên hạ.

3. Thuấn (2256-2208) Thuấn đặt ra quan chế và dùng những người tài giỏi như bọn ông Vũ, ông Tiết, ông Cao Dao ông ích... để coi mọi việc.

4. Vũ thay Thuấn (2205-2197) đặt ra cửu trù để định rõ các mối luân thường và chính trị.

5. Vua Thang (1783-1754). Nổi tiếng là một ông vua đạo đức và nhân chính. Đời sau lấy những phép tắc và chế độ của những bậc này làm chuẩn tắc cho mọi sự học vấn ở đời.