Cô gái phục vụ mang ra một mâm phủ tràn miếng bánh injera khổng lồ. Con gái châu Phi đã đẹp là đẹp lắm, mắt to đen, tóc xù, da ngăm, nụ cười tươi rói, mỗi lần gặp các cô tôi lại muốn nhìn không chớp mắt nhưng vì sợ mất lịch sự nên chỉ dám lén nhìn.
Cô đi rồi, tôi cúi xuống rứt một miếng bánh, thì thầm với ông bạn trai: “Con gái Ethiopia đẹp quá!”, anh chàng cười cười: “Ồ, sao đẹp bằng…”. Tôi chặn ngang câu tán tỉnh không cần thiết, cầm ly nước lên: “Chúc mừng sinh nhật thứ ba mươi”.
Chúng tôi đang ngồi ở “Nữ hoàng xứ Sheba”, một nhà hàng Ethiopia ở phía Bắc London. Con đường này mỗi lần chúng tôi đi từ nhà ra trung tâm thành phố thường qua ngang, có hai quán cùng phong cách ẩm thực là nơi chúng tôi đang ngồi và Lalibela, quán ăn được đặt tên theo một vùng đất thánh ở Ethiopia, nơi người mộ đạo vẫn thường đi hành hương về.
Chúng tôi chọn “Nữ hoàng xứ Sheba” chỉ vì cái tên huyền thoại ngàn năm của một vị nữ hoàng bí hiểm, của một đất nước cũng bí hiểm không kém đối với phương Tây. Một đất nước mà nhắc đến tên, người ta dù không muốn cũng phải nghĩ đến lũ lụt, hạn hán, nội chiến, đói kém.
Thật lâu, món chính của chúng tôi mới được đem ra. Tôi chọn món qwant’a firfir, thịt bò nướng sốt bơ gia vị kiểu Ethiopia, đựng trong một chén nhôm để múc ra trải trên bánh injera, rồi xé bánh ra cuốn cả lại cùng rau trộn. Người bản xứ chỉ ăn bốc bằng tay, bánh injera thay dĩa, khi ăn xong ăn cả “dĩa” khỏi phải rửa chén nhiêu khê.
Bánh được làm từ bột teff, một loại bột từ hạt nhỏ nhất trong các loại hạt, chỉ ở Ethiopia mới có. Bột trộn với men và một ít cánh hoa, để hai ngày cho lên độ chua rồi nấu trong chảo gang dẹt như chảo bánh xèo khổng lồ. Bề mặt bánh bong bóng lỗ chỗ xôm xốp như miếng da heo trong nồi lẩu, ăn chua chua rất lạ và hợp với thịt bò cho nhiều ớt cay.
Cô gái phục vụ vui vẻ bảo: “Ở nước chúng tôi người ta đặt bánh giữa bàn, rồi cho đồ ăn vào ăn chung với nhau. Chủ nhà thường chọn miếng ngon nhất trên bàn rồi… đút vào miệng khách để tỏ lòng hiếu khách”.
Quán nhỏ, cửa sổ phủ những ống tre và bên trong đặt nhiều đồ trang trí bằng gốm, hình thù ở Anh gọi là phong cách thiểu số. Mùi nhang trầm thoang thoảng, hoà với mùi cà phê từ bàn bên cạnh nghe dễ chịu.
Tôi vừa cho thịt bò vào bánh, vừa nói vẩn vơ: “Hình như em không biết chút gì về Ethiopia hết. Ngay cả thủ đô cũng không”. Anh nói: “Ừ, ngoài việc đánh thắng quân Ý cuối thế kỷ mười chín, hồi đó nước này còn có tên là Abyssinia, gần như chẳng ai biết gì thêm về nó nữa hết”. Nước Anh của anh tuy không “nợ máu” với Ý nhiều như với Pháp và Đức nhưng cũng không mặn mà lắm với quốc gia này, vả lại dân Anh hay có thói quen ủng hộ nước nhỏ yếu, ngay cả cổ vũ bóng đá cũng vậy.
Tôi kể cho A. nghe câu chuyện duy nhất tôi biết về Ethiopia đọc trong sách những năm học cấp một ở Việt Nam còn nhớ mang máng. Chuyện về những người từ nơi khác đến Ethiopia, được tiếp đãi long trọng, muốn gì cũng có, nhưng đến khi về bị yêu cầu phải cởi giày ra để người bản xứ cạo hết lớp đất dính dưới đế giày. Câu cuối cùng chốt lại đại loại như “Chúng tôi có thể tiếp đãi các ngài trọng thể bằng tất cả những gì chúng tôi có, nhưng chúng tôi không thể để các ngài lấy đi đất mẹ của chúng tôi…”, đại loại vậy.
Ở quầy bar gần bên, một cô gái tóc xù khác không kém phần xinh đẹp đang chuẩn bị cà phê đặc biệt kiểu Ethiopia.
Cô rang cà phê còn nguyên hạt trong một chảo dẹt nhỏ đặt trên bếp, mùi cà phê thơm lừng quyện với mùi hương trầm từ cây nhang cháy cạnh bên. Những hạt cà phê sau khi rang được giã nhuyễn trong cối, rồi cho vào nấu trong ấm bằng gốm trên lửa nhỏ trước khi rót ra cốc. Anh bạn trai nói:
“À, còn nhớ ra cái này nữa về Ethiopia, đây là nơi hột cà phê được người chăn dê phát hiện ra ở một làng tên Kaffa. Bây giờ Ethiopia cũng là một nước xuất khẩu cà phê lớn đó”.
Chúng tôi tiếp tục ăn, A. uống rượu mật ong còn tôi đảm nhiệm việc lái xe về nên chỉ uống nước lọc mà tiếc đứt ruột, nhất định lần sau đi ăn đồ Ethiopia sẽ đi bằng xe buýt để còn thử rượu mật ong và đặc sản bia nấu từ cây cọ và chuối, đựng trong gáo dừa.
Rồi tôi lại nghĩ bụng, không biết có dịp nào lại đi ăn đồ Ethiopia, đất nước của nữ hoàng xứ Sheba đi mở cõi mang theo trên lưng lạc đà những đá quý, gia vị, vàng bạc, trầm hương? Hay tôi cũng sẽ như những thực khách khác, đến đây thử món ăn lạ cho biết, nhìn quanh ngắm nghía quán, tự nhủ nếu có dịp sẽ đến đất nước này. Như những ai sống lâu ở một xã hội bình ổn văn minh, thỉnh thoảng lại “cuồng chân” muốn đến một nơi nào khác hẳn, lạ lẫm, “exotic” để thay đổi, để thấy cái nghèo rồi nhận ra mình may mắn?
Rồi tôi thấy nhói trong lòng khi nhận ra một điều gì đó rất quen.