Ó MỘT ĐIỀU ĐÃ THÀNH QUEN THUỘC từ lâu nay, rằng khi nói đến văn học Nga thì độc giả, đặc biệt là độc giả nước ngoài (không phải người Nga) bao giờ cũng nghĩ đến Lev Tolstoy như một nhà văn vĩ đại nhất. Trong cái nhìn của độc giả thế giới, Tolstoy chiếm vị trí trong văn học Nga cũng như Goethe trong văn học Đức hay Voltaire trong văn học Pháp. Dù rằng đối với những người Nga, biểu tượng của văn học Nga vẫn luôn là Pushkin, dù rằng cùng thời với Tolstoy còn có Dostoevsky, người đã trở thành thần tượng cho văn học thế kỷ 20, đặc biệt ở Phương Tây, thì bóng dáng khổng lồ của Tolstoy vẫn không thể bị ai che khuất được, cũng như không ai có thể phủ nhận là Chiến tranh và hòa bình là tác phẩm tiểu thuyết đồ sộ nhất cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong lịch sử văn học Nga.
Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy sinh ngày 28 tháng 8 năm 1828 tại điền trang Yasnaya Polyana thuộc tỉnh Tula. Yasnaya Polyana là nơi Tolstoy khởi đầu sự sống của mình, là nơi khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật, là nơi chứng kiến những tìm tòi, những biến chuyển trong nghệ thuật cũng như trong những tư tưởng triết lý, đạo đức của ông, và đó cũng là nơi mà vào đêm 28 tháng 10 năm 1910 ông đã chạy trốn khỏi, từ bỏ tất cả: gia đình, tài sản... để đi trên con tàu vô định đến cái chết khi đã ở tuổi 82 với tên tuổi đã nổi tiếng trên thế giới. Các nhà nghiên cứu Tolstoy đã đưa ra nhiều suy đoán về cuộc chạy trốn khỏi Yasnaya Polyana của nhà văn. Một số người cho rằng đó là do ông không thể chịu đựng nổi cuộc sống chung với người vợ đã gắn bó với ông trong 48 năm. Một số khác cho rằng ông muốn rời bỏ thế giới như những tội đồ trong quá khứ. Lại có người nghĩ rằng nhà văn cảm thấy cái chết của mình đến gần và muốn chạy trốn, dấu mình để chết như một vài loài cầm thú vẫn làm(15).
Tất cả những điều trên chỉ là giả định và có lẽ chỉ có mình Tolstoy mới có thể biết rõ lý do cuộc chạy trốn của mình. Tuy nhiên, cuộc chạy trốn đó là biểu hiện của một tính cách Tolstoy, con người tài năng nhưng cũng có rất nhiều mâu thuẫn. Một người bà con xa, đồng thời cũng là bạn thân của nhà văn, Alexandra Andeyevna Tolstaya đã nói về ông: “Như một tấm gương bị vỡ thành nhiều mảnh”, Tolstoy “phản chiếu trong mỗi mảnh cuộc đời mình một chút ánh sáng rực rỡ mà ông nhận được từ cao xanh”. Cuộc chạy trốn là mảnh gương cuối cùng để ghép lại thành tấm gương trọn vẹn(16).
Cuộc đời Tolstoy trải qua nhiều biến chuyển. Suốt đời, ông luôn là con người tìm kiếm lẽ sống, không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã có, đã đạt được, và điều đó được thể hiện qua những sáng tác của nhà văn. Có thể nói những tác phẩm lớn của ông như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh là những mốc đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong cuộc đời và sáng tác của Tolstoy. Có những quan niệm, đặc biệt là quan niệm của chủ nghĩa hình thức trong nghiên cứu văn học, cho rằng tác phẩm văn học là một chỉnh thể riêng biệt không phụ thuộc vào người sáng tác ra nó. Tác phẩm là cái gì lớn hơn chính tác giả của nó nhiều và không cần thiết phải nghiên cứu tác giả khi nghiên cứu tác phẩm văn học. Đúng là tác phẩm văn học khi ra đời có một cuộc sống riêng của nó, và cũng như đứa con rời lòng cha mẹ, nó cũng có những phẩm chất, đặc tính mà người sinh thành ra nó không lường trước được. Tuy nhiên không thể vì thế mà lờ đi người đã sinh ra nó, người đã truyền vào nó máu huyết và tinh thần; ngược lại, nhờ người đó nó mới có thể được hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn. Khi nghiên cứu tác phẩm của Tolstoy thì điều này càng có ý nghĩa.
Tolstoy là một trong những nhà văn mà cuộc đời thực của chính ông và những người xung quanh ông được đưa vào nhiều nhất trong tác phẩm, trở thành nguyên mẫu cho nhiều nhân vật, nhiều tình tiết của các tác phẩm. Một trong những nguyên mẫu là chính Tolstoy: có thể thấy bóng dáng nhà văn trong những nhân vật tiêu biểu của ông như Pierre, Levin, Nekhlyudov... Những con người của thế giới hiện thực trở thành những con người của thế giới nghệ thuật. Đó là những âm vang, những tiếng vọng, là những cây cầu nối thế giới tưởng tượng của Tolstoy với thế giới mà ông đang sống: từng sự vật, từng con người đều tìm thấy sự phản chiếu của mình trong thế giới sáng tạo của Tolstoy. Tolstoy là người yêu mến sự thật, ông như người đi tìm kho quý trong thế giới hiện thực xung quanh ông. Những nhân vật của ông là có thực, nhưng chính ông là người đã tìm ra họ, cũng như ông đã tìm ra chính bản thân ông trong các sáng tác nghệ thuật của mình.
Về Tolstoy người ta đã nói rất nhiều, nhất là Tolstoy của những tiểu thuyết lớn Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina. Người ta cũng đã nói nhiều đến Tolstoy như một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức học. Lenin từng có bài báo nổi tiếng viết về ông: Lev Tolstoy - tấm gương phản chiếu cách mạng Nga.
Chúng tôi chỉ muốn nói ở đây về một mảnh gương nhỏ của cuộc đời nhà văn, một trong những mảnh gương cuối cùng ghép vào tấm gương lớn. Đó là Tolstoy tuổi già trong cuộc đời thường, đặc biệt trong tình yêu với những hạnh phúc và bất hạnh, với cả những lỗi lầm, sa ngã... giống như nhiều con người bình thường khác. Có khác chăng là ở chỗ những cái đời thường, riêng tư đó của ông được lưu lại trong các tác phẩm, và khi chúng đã thành tác phẩm nghệ thuật thì lại không còn là cái đời thường, riêng tư của nhà văn nữa, mà đã thành cái chung mang ý nghĩa sâu sắc cho tất cả mọi người.
Năm 1889, Tolstoy viết Bản Sonata Kreutzer, một bi kịch gia đình: một người đàn ông tên Pozdnyshev trên chuyến tàu đêm đã kể về đời sống vợ chồng và sự cố giết vợ của mình. “Ý tưởng về gia đình” luôn chi phối Tolstoy trong sáng tác. Vấn đề hôn nhân được Tolstoy đề cập đến trong nhiều tác phẩm, và những tác phẩm đó cũng đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong đời sống tình cảm của nhà văn. Những năm 1858 - 1859, ông viết Hạnh phúc gia đình như một sự chuẩn bị cho cuộc hôn nhân sắp tới của mình. Năm 1862, ông kết hôn cùng Sofia Behrs. Tolstoy từng hạnh phúc vô biên với tình yêu và cuộc hôn nhân này. Ông đã viết vào một buổi bình minh sau một đêm mất ngủ vì hạnh phúc: “Chúa ơi, tôi sợ rằng tôi chết mất! Hạnh phúc, cái hạnh phúc như thế này đối với tôi tưởng như không thể nào có được!” (Nhật ký của Tolstoy, ngày 14 tháng 9 năm 1862). Trong Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, ông mô tả những cuộc hôn nhân hạnh phúc và bất hạnh của các nhân vật, phần nào cũng là những tâm sự riêng của chính nhà văn. Hạnh phúc là có thật, song trong cuộc sống gia đình nảy sinh bao điều phức tạp, Tolstoy dẫu đã chuẩn bị đương đầu với nó từ lâu vẫn nhiều khi không thể vượt qua. Sóng gió phủ lên cuộc sống gia đình nhà văn những năm tháng tuổi già, mâu thuẫn giữa ông và vợ ngày càng sâu sắc, Tolstoy đã đi đến cực đoan: Bản Sonata Kreutzer của ông là sự phủ nhận hôn nhân. Ông thấy trong xã hội ông đang sống, tình yêu đôi lứa dựa trên sự hấp dẫn về thể xác được tán dương trong nghệ thuật như điều thi vị cao cả nhất, nhưng trên thực tế, những con người trẻ tuổi đã tiêu phí không ít thời gian và sức lực, đàn ông thì để đeo đuổi và chiếm hữu phụ nữ, phụ nữ thì để quyến rũ hay đánh bẫy đàn ông. Trong gia đình, người phụ nữ buộc phải có trách nhiệm hy sinh thân mình, cả thể xác lẫn tinh thần, để phục vụ những nhu cầu của người đàn ông. Con cái thay vì là mục đích của hôn nhân, lại trở thành gánh nặng chứa nhiều lo lắng hơn là niềm vui.
Pozdnyshev, nhân vật của tác phẩm, là một kẻ từng trải qua cuộc sống trác táng thời trẻ. Sống phóng đãng không phải là tội lỗi, mà là phương thức để tôi luyện một cậu bé con thành một người đàn ông thực thụ. Rồi anh ta kết hôn với một thiếu nữ, dưới danh nghĩa tình yêu chứ không phải vì tiền như nhiều người khác, bởi anh ta giàu có hơn nàng, và điều này làm anh ta tự hào về mình và cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân thực chất đối với anh ta chỉ là sự tiếp tục cuộc sống phóng đãng trước đó, nhưng được hợp pháp hóa. Mặc cảm tội lỗi ám ảnh nhân vật, tạo ra trạng thái bi quan, phẫn nộ và đa nghi với tất cả. Sớm hay muộn, “Tất cả mọi người chồng đều phải hoặc sống phóng đãng... hoặc là giết vợ như tôi đã làm”. Nhưng còn một giải pháp thứ ba nữa: “Tôi nghĩ về việc chạy trốn khỏi cô ta, ẩn mình đi, chạy sang châu Mỹ”.
Nhiều người đã cho rằng bi kịch của nhân vật chính là bi kịch của Tolstoy, và cuối đời ông đã chọn cho mình giải pháp thứ ba trong số những giải pháp của nhân vật.
Thời trai trẻ, Tolstoy từng là kẻ ăn chơi, từng phạm những lỗi lầm trong quan hệ với phụ nữ, từng phải bán nhà vì nợ cờ bạc. Cuộc hôn nhân với Sofia là sự chia tay với tuổi trẻ lang bạt để bắt đầu cuộc sống gia đình bình ổn. Sofia, khi bắt đầu cuộc sống với Tolstoy, còn rất trẻ, hầu như chỉ là cô bé con. Song bà đã nhanh chóng thích ứng với vai trò của người phụ nữ trong gia đình, đúng như Tolstoy mong ước: bà thành vợ, thành mẹ (với 13 lần sinh nở), thành người quản gia quán xuyến mọi công việc gia đình, thành người thư ký tận tụy của chồng... Nhưng rồi nảy sinh mâu thuẫn, và có lẽ nguyên nhân chính là ở chỗ: Tolstoy ngày càng trở thành người không phải chỉ thuộc của riêng bà và gia đình, mà đã là người của nghệ thuật, của triết lý, của tư tưởng đã thành cái chung của công chúng; trong khi đó bà chỉ là người phụ nữ bình thường với những lo toan tính toán bình thường, nhất là luôn phải quan tâm nhiều đến tiền bạc, tài sản,... những thứ mà đối với Tolstoy càng về sau càng trở nên không còn cần thiết.
Những năm 80, ông cùng gia đình chuyển đến Moskva. Đối mặt với sự cùng cực của những người nghèo khổ nơi đô thị, cuộc sống xa hoa, sung túc của gia đình trở nên vô nghĩa đến không thể chịu đựng nổi đối với ông. Mối quan hệ của ông với vợ trở nên rất căng thẳng do khác biệt về cách nghĩ, cách sống. Poznychev trong tác phẩm cũng trải qua tình trạng đó, và khi không còn kiềm chế được nữa, anh ta đã giết người vợ của mình. Còn Tolstoy thì viết Bản Sonata Kreutzer. Chính Tolstoy cũng đau khổ. Ông đã tâm sự với một người bạn của mình, Vladimir Chertkov, về tác phẩm: “...có những lý do tồi tệ nào đó đã khiến tôi viết nó, và biết bao cay đắng đã từ nó mà ra”, “mọi nhắc nhở đến nó đều hết sức đau đớn đối với tôi”.(Thư của Tolstoy, ngày 15 tháng 4 năm 1891)
Tuy nhiên, cho dù tình yêu của ông với vợ không còn được như xưa, dù cuộc sống gia đình của Tolstoy lâm vào khủng hoảng và vì nó mà ông viết nên tác phẩm (bởi vậy, ông mới gọi những lý do viết tác phẩm là “tồi tệ”), nhưng Bản Sonata Kreutzer không phải là tác phẩm chống lại Sofia, chống lại phụ nữ, chống lại tình yêu. Ông chống hôn nhân, nhưng thực ra là chống sự phóng đãng và thô bạo của con người đội lốt tình yêu, đội lốt hôn nhân. Ông viết về sự phẫn nộ, giận dữ đã dẫn đến hành động giết người của một người đàn ông. Thực chất, người đàn ông đó phẫn nộ với chính mình, với những tội lỗi đang sống trong chính mình. Tolstoy đã viết tác phẩm cho chính ông, cho cuộc đấu tranh chống lại những cái ông cho là tội lỗi, xấu xa trong bản thân con người ông.
Mười năm trước Bản Sonata Kreutzer, sau thành công của Anna Karenina, ông đã viết Lời xưng tội (1879), chia tay với giai cấp của mình, mà theo ông đã và đang sống ăn bám một cách vô nghĩa, mong muốn bắt đầu sống cuộc sống của nhân dân lao động.
Mười năm sau Bản Sonata Kreutzer, ông hoàn thành tiểu thuyết Phục sinh (1899) viết về một người quý tộc đã chuộc lại tội lỗi của mình bằng cách từ bỏ cuộc sống giàu sang, từ bỏ tài sản, đất đai, để đi qua các nhà tù minh oan cho người phụ nữ ngày xưa từng bị chàng chà đạp và bỏ rơi; đó cũng là chuyến hành hương giữa những con người của đói nghèo, đau khổ để hồi sinh bản thân con người chàng.
Thêm hơn mười năm nữa, Tolstoy bắt đầu chuyến hành hương của chính mình, một chuyến đi định mệnh. Ông chuẩn bị cho chuyến đi đó từ lâu, cũng như từ lâu ông đã bàn về cái chết. Ông rời Yasnaya Polyana, để lại cho Sofia bức thư: “... Chuyến đi của anh sẽ làm em đau khổ. Anh xin lỗi vì điều đó... Anh không thể làm khác được... Ngoài tất cả những chuyện khác ra, anh không thể sống lâu thêm trong cảnh xa hoa này. Anh đang và sẽ làm những gì mà những ông già ở tuổi anh thường làm: từ bỏ thế giới này để sống những ngày cuối đời trong yên bình và cô đơn...”. Trên chuyến tàu ra đi, Tolstoy còn muốn đọc Một cuộc đời của Maupassant. Tolstoy chỉ sống có một ngày tự do sau khi rời nhà. Sau đó ông lâm bệnh, được đưa vào ga xép Astopovo, cách Tula khoảng 100 km, và mất ở đó.
Người ta gọi hơn 30 năm cuối đời, từ sau khi Tolstoy viết Lời xưng tội, là thời kỳ “khủng hoảng đạo đức” (moral crisis) của nhà văn: thời kỳ ông luôn bị ám ảnh bởi cái chết và bởi sự ăn năn sám hối. Sáng tác mở đầu thời kỳ này là truyện vừa Cái chết của Ivan Ilich (1886) kể về một viên công chức trong cuộc đời đã đạt được mọi điều ông ta mong ước, nhưng đến khi phải vật lộn với bệnh tật và đối diện với cái chết mới thấy rõ cuộc sống ông ta đã sống là “đơn giản nhất, bình thường nhất” mà cũng là “khủng khiếp nhất”. Có những tội lỗi, thậm chí là tội ác sống cùng với con người từ lâu và người ta đâm quen với chúng, thậm chí coi chúng là những điều bình thường nhất: như cuộc sống ung dung trong xa hoa phú quý của một tầng lớp người bên trên nỗi thống khổ, lầm than của hàng triệu dân nghèo; như những bon chen, tranh giành địa vị trong xã hội; và cả như những dục vọng lẫn bạo lực trong hôn nhân và gia đình... Tolstoy đau khổ, ăn năn vì những tội lỗi, tội ác đã được “bình thường hóa” tồn tại trong xã hội và trong chính bản thân ông.
Tuy nhiên, còn có một điều quan trọng nữa ở Tolstoy: lúc ông đau khổ ăn năn cũng là lúc ông bắt đầu một kế hoạch cho một cuộc sống mới; lúc tình yêu của ông với vợ gặp những trắc trở, tưởng muốn lụi tàn thì nơi ông sống dậy mạnh mẽ ước muốn vươn tới tình yêu, một tình yêu tinh thần trong sáng không bị vấy bẩn bởi những cám dỗ nhục dục thấp hèn, lúc cảm thấy tuổi già và cái chết đang đến gần thì ông lại càng ham sống và muốn sống một cách tốt đẹp hơn.
Tolstoy là một cá tính đầy mâu thuẫn, nhưng có lẽ, mâu thuẫn lớn nhất trong ông chính ở sức sống không chịu phục tùng thời gian. Ông là một trong số hiếm hoi các nhà văn Nga thế kỷ 19 trải qua tuổi già. Nhưng tuổi già đó chỉ là về thể xác, còn tinh thần ông luôn tươi mới. Những cuộc khủng hoảng cũng là những cuộc tái sinh trong ông để bắt đầu một sự sống mới, một tình yêu mới với cuộc đời. Và thành quả của cuộc sống và tình yêu đó là những tác phẩm. Chúng cũng giống như người đã sinh ra mình, không bao giờ khuất phục thời gian.
Chú thích
15. Theo Martine de Courcel. Tolstoy: The Ultimate Reconciliation. New York, 1988. Tr. 3,4.
16. Cũng theo Martine de Courcel, sách đã dẫn, tr.4.