Bản Sonata Kreutzer

Chương 24

Docsach24.com

AI NGÀY SAU TÔI VỀ QUÊ, chia tay vợ tôi với tâm trạng bình thản, thoải mái nhất. Ở dưới nông thôn luôn có cả núi công việc. Đó là một thế giới đặc biệt với cuộc sống rất riêng biệt. Hai ngày liền tôi ngồi dự họp đến mười giờ. Ngày thứ ba, trong lúc họp, người ta mang đến thư của vợ tôi. Tôi lập tức đọc nó. Nàng viết về lũ trẻ, về ông chú, về chị vú, về các món đồ nàng mua được và ngoài ra, chuyện đặc biệt nhất là Trukhachevsky ghé thăm, mang đến mấy quyển nhạc đã hứa và hẹn lại chơi đàn nữa, song nàng từ chối. Tôi không nhớ hắn có hứa sẽ mang đến các quyển nhạc: tôi nghĩ rằng lúc đó hắn đã chia tay luôn rồi, bởi vậy tin đó làm tôi bực tức khó chịu. Nhưng công việc nhiều quá đến nỗi không còn thời gian để nghĩ ngợi. Chỉ đến chiều tối sau khi trở về chỗ trọ tôi mới đọc lại bức thư. Ngoài chuyện Trukhachevsky trong khi tôi đi vắng lại đến nhà tôi ra, tôi cảm thấy giọng điệu của cả bức thư có vẻ gượng gạo. Con ác thú ghen tuông gầm lên trong cái ổ của mình và muốn nhảy vọt ra, nhưng tôi sợ nó và vội chốt cửa giam nó lại. “Thật là hèn hạ làm sao, cái cơn ghen tuông này! - Tôi tự mắng mình. - Còn có gì tự nhiên hơn những điều nàng viết nữa cơ chứ?”

Tôi lên giường, nằm suy nghĩ về những công việc cần làm ngày mai. Trong thời gian đi dự những kỳ đại hội như vậy, tôi thường trằn trọc rất lâu mới tìm được giấc ngủ vì lạ chỗ, thế mà lần này tôi lại thiếp đi ngay. Và như ngài biết đấy, trong những trường hợp như vậy, người ta thường thiếp ngủ một lúc rồi bỗng nhiên như bị điện giật và tỉnh giấc. Tôi cũng tỉnh dậy như vậy, tỉnh dậy bởi ý nghĩ về nàng, về tình yêu thể xác của tôi đối với nàng, về Trukhachevsky và chuyện giữa nàng và hắn. Nỗi sợ hãi và tức giận bóp nghẹt tim tôi. Và tôi bắt đầu cố dùng lý trí trấn an mình. “Thật là vớ vẩn, - tôi tự nhủ. - không có cơ sở nào để ghen cả, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Sao mà mình lại có thể hạ nhục cả nàng lẫn mình và tưởng tượng ra những chuyện kinh khủng như thế cơ chứ. Hắn chỉ là một gã chơi đàn thuê, một kẻ chẳng ra gì, trong khi vợ của mình - một phụ nữ được trọng vọng, một người mẹ khả kính của cả bầy trẻ! Thật là điều vô lý!” - Một mặt tôi tự bảo mình như thế, nhưng mặt khác tôi lại nghi ngờ: “Làm sao không thể không xảy chuyện được cơ chứ!”. Làm sao không thể không xảy ra cái điều mà vì nó tôi mới cưới vợ, vì nó tôi mới sống với nàng, chỉ mình nó là cái tôi cần nơi nàng và nó cũng là cái mà người khác cần, kể cả gã nhạc công đó. Hắn là kẻ chưa vợ, no đủ, bóng bẩy, khỏe mạnh (tôi nhớ hắn hắn nhai rào rạo miếng thịt băm viên và ngoạm đôi môi đỏ vào ly rượu vang một cách tham lam như thế nào), hắn không những không phải là kẻ sống vô nguyên tắc, mà còn biết rõ các nguyên tắc giúp người ta tận dụng các khoái lạc. Và họ lại gắn với nhau bởi âm nhạc, cái thứ nghệ thuật khêu gợi tình cảm của người ta ghê nhất. Cái gì có thể kìm hãm hắn lại được? Chẳng có gì cả. Mọi thứ đều lôi kéo chào mời hắn. Nàng ư? Nhưng nàng là ai? Nàng trước đến nay vẫn luôn bí ẩn. Tôi không hiểu nàng, tôi chỉ biết nàng như một con vật. Mà con vật thì chẳng thể làm gì để chống cự điều đó, chẳng cần kìm hãm nó.

Chỉ lúc này tôi mới nhớ đến khuôn mặt của họ vào buổi tối đó, sau bản Sonata họ chơi một bản gì đó rất thiết tha, nồng nàn, tôi không nhớ là của ai, trích từ một vở kịch tình cảm thô bỉ nào đó. “Sao mà mình lại có thể bỏ đi vậy cơ chứ? - Tôi nói với mình khi nhớ đến khuôn mặt họ. - Chẳng lẽ mình không hiểu là giữa họ đã xảy ra chuyện gì vào buổi tối hôm đó? Và chẳng lẽ không nhìn thấy ngay trong buổi tối đó không chỉ đã không còn một chướng ngại vật nào giữa họ nữa, mà hơn nữa, cả hai người, nhất là nàng, đã cảm thấy sự hổ thẹn vì cái chuyện đã xảy ra với họ?”. Tôi nhớ nàng vừa lau mồ hôi trên khuôn mặt ửng đỏ vừa mỉm cười yếu ớt một cách đáng thương nhưng cũng đầy hạnh phúc như thế nào lúc tôi đến bên cây đàn dương cầm. Ngay khi đó họ đã tránh ánh mắt của nhau, chỉ lúc ăn tối, khi hắn rót nước cho nàng, họ mới ngước nhìn nhau và hơi mỉm cười. Tôi kinh hoàng nhớ lại cái nhìn với nụ cười thoáng qua mà tôi bắt gặp lúc ấy. “Thôi, hết tất cả rồi”, - trong tôi một giọng nói cất lên, nhưng lập tức giọng nói khác lại phản đối. “Mi nghĩ ra cái của nợ gì đấy, chuyện đó không thể nào có được”. Tôi cảm thấy sợ hãi vì phải nằm trong bóng tối. Tôi quẹt diêm, và tôi càng khiếp đảm hơn trong căn phòng nhỏ hẹp dán giấy bồi vàng. Tôi châm thuốc, và như vẫn thường thế, khi tôi bị rối bung trong đống mâu thuẫn chưa giải quyết được, tôi hút thuốc hết điếu này sang điếu khác để làm mình mụ đi không còn nhìn ra được những mâu thuẫn đó nữa.

Tôi không chợp mắt suốt đêm, và đến năm giờ, tôi quyết định không thể kéo dài thêm tình trạng căng thẳng này nữa và lập tức phải ra đi. Tôi trở dậy, đánh thức người gác cổng vẫn phục vụ cho tôi và sai anh ta đi lấy ngựa. Tôi gửi về hội đồng tờ giấy báo tôi phải trở lại Moskva vì một việc khẩn, sau đó đề nghị cử một thành viên thay thế cho tôi ở đại hội. Tám giờ tôi lên xe ngựa và khởi hành.