Hảo từ trên gác bước xuống phòng ăn, mỉm cười nhìn khắp một lượt, rồi mở cửa bên sang phòng khách lớn; ở đây, Hoằng đương sửa lại mấy bình hoa hồng va hoa nhài, quay lại hỏi:
- Cô đi đâu, bây giờ?
- Không, em chả đi đâu cả. Bây giờ đã gần mười giờ rồi còn đi đâu kịp.
Nàng cười khanh khách, nói tiếp:
- Hôm nay nhà ta như có việc vui mừng. Em tưởng tượng đương sửa soạn tiệc cưới... Và anh là chú rể, trong bộ y phục mới kia.
Hoằng lặng thinh bẽn lẽn, che khuất cái mặt đỏ gay sau bó hoa hồng lớn màu lụa bạch, cắm trong cái bình Giang Tây thấp rộng đặt trên chiếc kỷ nhỏ và cao. Thấy thế, Hảo càng trêu ghẹo:
- Được cái con cô con cậu không lấy được nhau, nếu không, chết người ta cũng ngờ anh là vị hôn phu của em.
Hoằng cố bạo dạn, lên tiếng:
- Cô thì cứ trẻ con suốt đời! Có đi trang điểm đi không! Khách sắp đến rồi đấy.
- Em chả trang điểm rồi là gì đây.
Nàng đứng thẳng lên xòe hai bàn tay ra như người lính đứng trước mặt một vị thượng tướng, chờ lệnh. Hoằng quay lại ngắm nghía và khen:
- Màu xanh chuỗi ngọc thạch ăn nhịp với màu tím chiếc áo nhung lắm.
Hảo bật cười:
- Anh làm thơ đấy à? Còn tóc, em vấn có được không?
- Được, nhưng sao cô lại đánh phấn màu gạch. Không đẹp đâu. Chính cô cũng bảo cô không ưa màu phấn ấy kia mà?
- Không ưa, nhưng hôm nay đánh màu ấy chơi.
Câu trả lời của Hảo như giấu một vẻ bí mật ở trong; sự thực thì nàng nói rất đúng ý nghĩ của nàng, nàng muốn ngộ nghĩnh, muốn trêu tức, muốn khiêu khích, điều mà nàng dự định ngay từ tối hôm phụ đồng chén. Khiêu khích vì tính thích đùa nghịch cũng có, vì một sự tính toán cũng có! Nàng biết rằng bọn đàn ông càng bị khiêu khích càng say mê đeo đuổi.
Vậy nàng muốn ai say mê đeo đuổi nàng?
Thanh Đức chăng?
Thực ra, nàng không yêu hay chưa yêu Thanh Đức. Mà điều đó rất dễ hiểu. Thanh Đức quá gấp đôi tuổi nàng. Tuy ông ta chưa phải là một ông già, dù một ông già quắc thước, mà chỉ là một người đứng tuổi, tráng kiện, thông minh, có duyên nữa. Nhưng yêu ông ta, hơn thế tưởng đến có thể yêu ông ta được, nàng ngơm ngớp lo sợ rằng hình như danh dự nàng, phẩm giá nàng, lòng tự cao tự đại của nàng sẽ bị xúc phạm. Song ghét ông ta thì quả thực nàng không ghét. Trái lại, nàng rất có cảm tình với ông ta. Ông ta là một người nhã nhặn, lẽ phép, lịch thiệp, thạo khoa xã giao, khéo biết lấy lòng phụ nữ. Nàng lại kính phục cái tài làm giàu của ông ta. Ông ta không giấu diếm gì về cái đời kinh doanh, kể với bà Án và nàng, tất cả những mánh khóe, những mưu mô khéo léo hay gian giảo mà ông ta đã biết bao phen dùng tới để đắc thắng. Những hành vi của ông ta Hảo không hề cho là nhơ nhớp.
Nàng chỉ thấy ở trường hợp ấy mà hành động như thế là đúng, là phải, là giỏi. Nàng coi ông ta như một viên đại tướng thao lược, dàn thế trận hiểm hóc để đánh bại quân địch. Đánh bại quân địch, mục đích chỉ có thế. Tới được mục đích là làm được một việc đẹp đẽ ở đời, và người thắng trận tự nhiên đẹp đẽ tăng lên bội phần.
Triết lý ấy, quan niệm ấy về đời, trời như đã phú bẩm cho nàng. Ngay từ thời thơ ấu nàng đã thích những người manh, những người có thế lực, những người thắng trong các cuộc chơi. Đầy tớ mà đánh nhau, không bao giờ nàng tỏ lòng thương hại thằng bị thua. Nàng cho thế là đáng kiếp. Ai bảo yếu? Và trong bàn bất, bàn tổ tôm, hay mạt chược, thường lập ở nhà nàng, nàng thấy những người được bạc dễ yêu quá. Mặt mày nở nang, trò chuyện vui cười. Còn những người thua, bất cứ đàn ông hay đàn bà, sao mà đáng ghét thế! Đầu bù tóc rối, môi nhợt nhạt, mắt không còn tinh thần.
Rồi tuổi nàng lớn lên, triết lý ấy, quan niệm ấy càng rõ rệt thêm càng dần dần ăn sâu mãi vào tâm khảm nàng, đến nỗi nay đã thành một chân lý, một sự dĩ nhiên không cần phải luận lý để tìm thấy. Sống là giàu, mạnh và đẹp. Sống là thắng, ở đời chỉ những người giàu, mạnh và đẹp là đáng kể. Ngoài ra, coi như không có gì nữa. Hay có mà mình không bận tâm đến thì cũng vậy.
Mỗi người phải sống trong cái xã hội của mình. Phải quên những xã hội khác đi. Mà Thanh Đức thì ở cùng một xã hội với nàng. Điều đó cũng không cần bàn cãi. Nàng cho không có gì vô lý bằng cách phân biệt xã hội quan trường, xã hội công chức, xã hội văn sĩ nghệ sĩ, chỉ có xã hội khỏe và xã hội yếu, xã hội thắng và xã hội bại.
Có một tiếng mà Hảo không dám mạnh dạn gán cho "xã hội của nàng": tiếng ấy là "tiền"; xã hội của nàng là xã hội tiền. Và tiền chính là cái khiến được nàng có cảm tình với Thanh Đức tuy chưa hẳn yêu ông ta, tiền và cách tiêu tiền.
Nàng chưa từng thấy Thanh Đức lúng túng về tiền bao giờ. Và cách tiêu tiền của Thanh Đức nàng cho đẹp như một con ngựa phi vụt lên về đích, mà chiếm giải, giữa những tiếng hoan hô của khán giả.
Mẹ nàng tiêu tiền cũng không kém và cũng không đẹp bằng. Cả một thời thơ ấu và thời thanh xuân của nàng, nàng sống trong đống tiền rừng bạc biển, ném tiền tung tóe không tiếc tay. Mùa nào thức ày không mấy khi bà Án chịu thiếu một thứ thực phẩm quý nhất trong nước, dù phải tốn kém, khó khăn đến đâu mặc lòng. Mà đã mua thì mua thật nhiều, dùng không hết, biếu bà con thân thuộc và bọn người nhà. Khách đến chơi nhà bà là làm ơn cho bà, vì tự nhiên bà lại được một dịp tiêu tiền sướng tay. Bà quí khách, chiều khách không phải vì khách mà chính vì bà. Yến tiệc xong, lại ra cuộc bài bạc, nếu thiếu chân vì khách không sẵn tiền bà bỏ ngay tiền ra cho khách dùng.
Một việc tiêu tiền này, Hảo lấy làm khâm phục lắm; trước nhà bà có một cái hồ sen rộng. Một hôm ông khách nói: giá ở giữa hồ xây một cái lầu thủy tạ thì đẹp biết bao. Cũng vui câu chuyện mà khách bàn phiếm, ai ngờ bà Án đem thực hành ngay cái ý tưởng đẹp đẽ ấy và chỉ năm sau ở giữa hồ đột ngột mọc lên một ngọn núi đá và dựa vào sườn núi một lâu đài bé nhỏ xinh xắn, y như cảnh non bộ trong bể cạn, nhưng to gấp hàng trăm lần. Công trình ấy đã giúp bà Án tiêu được một món tiền hơn vạn bạc.
Vậy sự tiêu tiền chính là dây liên lạc, dây tình cảm giữa Hảo và Thanh Đức, một người quen sống trong cái gia đình tiêu tiền, dễ dàng và không nghĩ ngợi, tiêu tiền cho sướng tay, một người có đủ tư cách đủ đức tính để tiêu tiền dễ dàng, tiêu tiền không cần đếm.
Chưa bao giờ Hảo đã tính toán đến nước bài lấy Thanh Đức. Cũng chưa bao giờ nàng đã tưởng đến kén chọn một người nào trong bọn đi lại nhà nàng. Kể thì cũng chưa có ai ngỏ lời xin lấy nàng. Tuy nhiều người Hà thành tuyên truyền rằng Thanh Đức sắp tục huyền với nàng, sự thực, ông ấy vẫn chưa dám nói thẳng đến việc hôn nhân, tuy vẫn mua chuộc lòng bà Án, coi như là mẹ vợ, và ân cần săn sóc đến Hảo như săn sóc đến vị hôn thê chính thức. Sự yên lặng của Hảo càng khuyến khích ông ta. Ông ta đem những chuyện làm ăn ra nói với Hảo. Có lần ông ta đả động cả đến vấn đề ái tình nữa. Hảo chỉ mỉm cười vơ vẩn. Ông ta cho rằng Hảo đã ngầm ưng thuận rồi.
Ưng thuận thì Hảo chưa ưng thuận. Nhưng giá Thanh Đức đánh bạo ngỏ thẳng với nàng, thì nàng cũng hơi nghĩ ngợi. Nàng không bạo dạn làm một việc mà nàng cho là quá liều. Nhưng nàng thường lờ mờ nhận thấy rằng nếu lấy Thanh Đức được thì nàng cũng chẳng khổ, cũng chẳng thất vọng. Trái lại thế, cũng nên.
Sự giao thiệp của hai người đến chỗ ấy thì dừng lại, hình như sẽ không tiến nữa, cũng không lùi nữa..
Nhưng tối hôm nọ Hảo gặp Cảnh. Chợt thấy mặt, nàng cho ngay đó là người không tầm thường. Kịp lúc nàng biết Cảnh là con ông Thanh Đức, một câu hỏi bỗng đột ngột hiện ra trong tâm trí nàng:
"Có thể nhận Cảnh là con được không?". Câu hỏi ngấm ngầm đã làm nàng phá lên cười, không phải cười bẽn lẽn mà cười sung sướng.
Ngay bây giờ đây, câu hỏi ấy đương vẩn vơ trong đầu nàng và chẳng hiểu sao nàng thấy đời đẹp quá, và nàng lại cất tiếng cười sung sướng.
Bỗng tiếng chuông điện reo lên. Hoằng đi ra hiên nói:
- Khách đã đến! Còn đứng ấy mà cười à?
- Đố anh biết cả ba cha con có cùng đến một lúc không nào?
- Chắc đến cùng một lúc, vì ông Thiện ở đồn điền về thế nào chả tạt qua nhà để đưa hai con lại.
Hảo lại cười:
- Anh làm như Cảnh và Oanh còn bé bỏng lắm, và ông Thiện đưa đi kẻo sợ lạc. Đấy rồi anh xem.
Như đáp lại sự ức đoán của Hảo, ông Thiện một mình đi vào phòng khách, ngả đầu chào và đến bắt tay Hoằng. Đoạn, ông quay ra hỏi Hảo:
- Cô vẫn mạnh?
- Cám ơn ông, em vẫn được như thường.
- Thưa cô, bà lớn có nhà không?
- Mẹ em ở trên gác! Mời ông ngồi chơi để em mời mẹ em xuống.
- Ấy thôi! Cô cứ tự nhiên, chỗ thân tình...
Thanh Đức như chợt thấy, kêu:
- Ồ. Sao cô lại đánh phấn màu da mỹ châu như thế? Tôi đã khuyên cô nhiều lần...
- Ông vẫn không thích màu gạch?
Hoằng nói chen:
- Đấy nhé! Tôi vẫn bảo cô rằng màu ấy không đẹp.
Hảo mỉm cười:
- Có lẽ màu ấy... trẻ quá!
Thanh Đức như chột dạ, nói cho khỏi phải đứng im:
- Già đi thì có.
Hảo ranh mãnh:
- Nếu thế thì em cứ để vậy, không đánh phấn lại nữa.
Rồi đương chuyện nọ nhảy sang chuyện kia, nàng hỏi Thanh Đức:
- Ông biết anh Hoằng tôi là một thầy bói trứ danh không?
Thanh Đức cho là Hảo nói đùa, cười ha hả, cười làm duyên.
- Thực đấy mà! Anh Hoằng đã khảo cứu tinh tường về môn bói bài... rất là khoa học.
Thanh Đức mỉa mai:
- Khoa học?
Hoằng giọng thực và quả quyết:
- Khoa học hẳn chứ! Không phải cái khoa học vật chất tầm thường ngày nay, nhưng cái khoa học huyền bí của tất cả vũ trụ mà hiện nay người ta chưa tìm ra được đầu mối. Hoặc giả người ta bị cái khoa học vật chất làm quáng lòa, làm mê man mà xao nhãng, mà quên hẳn những điều cổ nhân trong thời toàn thịnh đã phát minh ra thì chưa biết chừng. Khoa học cao siêu ấy hiện giờ chỉ còn lại một vài dấu vết mà người ta hiểu sai đi, hay không hiểu nữa, muốn hiểu tất phải có bộ óc sáng suốt trong sạch, hoàn toàn trong sạch, không bợn một chút thị hiếu vì vật chất. Những dấu vết còn lại ấy như khoa thiên văn, khoa địa lý, khoa tướng số, khoa bói toán chẳng hạn.
Thanh Đức lại cười và chế giễu:
- Thì ra tướng số, bói toán là khoa học, chứ không phải là dị đoan nữa.
Hoằng rất là tự nhiên:
- Hẳn chứ! Phải thế. Nhưng người trần mắt thịt đã ngu ngốc làm cho thành dị đoan thì còn biết sao? Hay thế này: cửa máy huyền bí mới hé mở cho cổ nhân thoáng qua, không thể nào tìm hiểu được, giản dị cho ngay là dị đoan. Muốn hiểu tất phải gột rửa cho sạch bộ óc đã bị cái khoa học vật chất nó tiêm nhiễm, nó làm sai lạc mất quan niệm về vũ trụ. Vũ trụ có những định luật vật lý phiền phức mà bọn khoa học vật chất mới tìm thấy một vài, có tính cách trẻ con mà thôi, chẳng hạn như luật định về điện khí, về ánh sáng. Những người quá sốt sáng tin ở khoa học cho rằng các nhà thông thái đã phát minh ra hầu hết những luật định huyền bi của vũ trụ. Có biết đâu rằng trong trăm phần số thần luật mênh mông kia loài người mới tìm được một phần.
Hảo nhìn Thanh Đức mỉm cười, nói:
- Ông thấy chưa? Bói toán thuộc trong số thần luật của vũ trụ.
Hoằng chau mày đáp:
- Có thể lắm, tuy vẫn chưa chắc. Chỉ biết rằng phải có nhiều luật định huyền diệu điều khiển không những đời vật chất mà cả đời tinh thần của động vật, của sinh vật. Còn những luật định vật lý hiện đã phát minh chỉ là những khái niệm sơ cấp, chỉ là a b c của bọn trẻ con vỡ lòng. Hay bàn như thế này: Hẳn ông và cô đã có đọc những tiểu thuyết kiếm hiệp của Tàu?
Thanh Đức gật:
- Có. Sao?
Hảo cũng đáp:
- Truyện kiếm hiệp thì hay tuyệt! Nhưng kiếm hiệp lại có liên lạc đến luật định vật lý, hử anh?
- Mời cô và ông ngồi xuống. Câu chuyện hơi dài, đứng mãi sợ mỏi chân.
Hảo và Thanh Đức như nóng ruột muốn nghe nốt câu chuyện kiếm hiệp lạ lùng, cùng ngoan ngoãn ngồi xuống đi văng. Hoằng kéo một ghế tựa ngồi đối diện:
- Đây nhé, trong chuyện kiếm hiệp hay Chinh Đông, Chinh Tây, Phong Thần gì đó, thường có những tay lên núi tìm thầy học đạo, rồi học được ít phép ma quái để chống đỡ. Đó! Khoa học của chúng ta chỉ là những phép ma phép quái. Ấy là những phép giết người. Và những nhà khoa học trứ danh chính là bọn hạ sơn còn non nớt kia mới học được mấy phép nhỏ, còn chưa biết những phép cao cấp của vũ trụ mà các tiên ông đương tĩnh tọa để trầm tư mặc tưởng đến một cách thấu đáo.
Thanh Đức không cười nữa. Ông ta buồn rầu và nghiêm trang bảo Hoằng:
- Những tiên ông đã thâu thái được các phép cao cấp không xuống mà cứu nhân độ thế ra khỏi lầm than.
- Cứu sao được! Vì đã là định luật, dù là vật lý luật hay thần luật, thì phải là những điều bất di bất dịch. Hành tinh phải chạy quanh mặt trời. Đó là một định luật vật lý. Chỉ nhận thấy thế chứ làm thế nào ngăn không cho hành tinh quay chung quanh mặt trời được. Chiến tranh cũng là một định luật vật lý mà con người chưa tìm ra nguyên tắc. Vậy chỉ còn ngồi mà ngắm loài người giết lẫn nhau. Cản trở sao được một thần luật của vũ trụ. Mọi việc xảy ra trên trái đất từ việc nhỏ như lỗ kim, cho chí việc lớn như núi Thái Sơn đều theo đúng định luật của tạo hóa. Đó là nguyên tắc khoa tử vi.
Thanh Đức cười, nhưng không phải cười chế nhạo nữa:
- Những lời nghị luận của ông nghe cũng có lý.
Hảo tiếp luôn:
- Phải biết rằng anh Hoằng dạy khoa vật lý và hóa học đấy nhé Bây giờ thì xin anh thí nghiệm thần luật bằng một quẻ bói bài.
Thanh Đức giọng ngờ vực:
- Căn cứ vào đâu mà thí nghiệm?
- Căn cứ vào sự thực.
Có tiếng giày ở cầu thang. Thanh Đức nhìn Hảo thì thầm:
- Bà lớn xuống.
- Vâng, mẹ em xuống.
Nàng đứng dậy ra cửa phòng khách và nói với bà Án:
- Mẹ vào đây xem bói bài.
Bà Án trang sức rực rỡ, bước vào phòng khách. Thanh Đức đứng lên chào:
- Lạy bà lớn ạ.
- Không dám, chào ông, mời ông ngồi chơi.
Bà quay ra hỏi:
- Con đã bảo nó pha nước chưa?
Hảo cười:
- Ồ! Con quên. Chúng con nói chuyện về tướng số, bói toán nên đã quên bẵng.
Nàng chạy vội lên gác. Bà Án ngồi trên sạp trắc, mở sáp trầu mời Thanh Đức. Chỉ một lát, Hảo đã xuống, mang theo một cỗ bài "ít xì" ba mươi hai cây còn mới.
Thanh Đức mỉm cười:
- Xin mời cô bói trước!
- Tôi thì bói lúc nào chẳng được. Với lại tôi bói nhiều rồi. Xem cho ông một quẻ nhé? Ông sẽ không dám coi thường khoa bói bài nữa.
- Vâng thử xem một quẻ. Có phải khấn khứa gì không?
Hoằng đáp:
- Nhưng bói đi thôi chứ?
Cảnh quay sang phía nàng:
- Đương giở quẻ bói thì chúng tôi đến à?
Hảo cười:
- Vâng, chúng tôi sắp sửa bói thì ông đến. Xin giới thiệu với ông và cô Oanh rằng anh Hoằng tôi là một nhà... một nhà gì, anh Hoằng?
Hoằng giọng đạo mạo:
- Một nhà cốt bài chiêm bốc.
Hảo cười cố gắng:
- Anh cứ nói một nhà bói bài có dễ hiểu hơn không?
Cảnh cũng nói chen:
- Chừng một nhà cartomancien (Thuật bói bài hay người bói bài)?
- Vâng, chính thế.
- Vậy bắt đầu nhé?
Hảo vừa nói vừa đi lại sập lấy cỗ bài đưa cho ông Thiện, ông này hỏi:
- Ông giáo bảo phải chia? Chia như thế này?
- Phải rồi. Chia thế cho kỹ. Cũng như trang bài ấy mà. Ông khấn đi khấn thầm cũng được, muốn xin gì thì xin. Cần phải tâm tâm niệm niệm vào những điều xin. Xong rồi?
Hoằng đỡ lấy cỗ bài trang vài cái, rồi lại đưa cho Thanh Đức trang một lần cuối cùng. Chàng bảo Thanh Đức cô bằng tay trái, đoạn cầm bài bắt hai cây một, theo thứ tự từ trên xuống dưới cứ gặp hai cây cùng màu hoa thì lấy cây cao hơn.
Ai nấy yên lặng nhìn từng cây bài đặt xuống bàn theo hàng trên dưới. Thỉnh thoảng Hoằng lại se sẽ kêu. "À! À!" hay "Hừ!"
Mười phút sau, bắt đủ mười bốn cây. Quẻ bói xong. Mọi người vẫn yên lặng chờ, Thanh Đức sốt ruột hỏi:
- Thế là thế nào? Hay hay dở? Tốt hay xấu?
- Tốt chứ, nhưng quẻ bói hơi lạ. - Hoằng trầm ngâm đáp.
- Lạ ư? Lạ ở chỗ nào anh?
Không trả lời câu hỏi của Hảo, Hoằng nói:
- Giải nhé? Toàn thể quẻ này thì tốt, và quẻ đã hiện ngay ra từ đầu, vì có lần thứ nhất ông đã bắt ngay được neuf de cœur (9 cơ). Màu coeur là màu tốt mà neuf de coeur là hòa mục, là concorde (thuận thảo, đồng tâm, nhất trí), một là hòa mục trong gia đình, hai là hòa mục... hòa mục trong tình ái.
Thanh Đức cất tiếng cười đánh trống lảng. Hoằng vẫn thản nhiên nói tiếp:
- Cứ như quẻ này thì tay đoán non có thể cho là bản mệnh không ra, vì cây bài cầm bản mệnh ông phải là cây vua pique, vua pique trỏ quan tòa, hoặc người đàn ông góa vợ. Nếu vua pique (bích) không ra thì lấy cây vua trèfle (già chuồn) hay vua carreau (già rô) cũng được vì vua trèfle trỏ một người đàn ông trí thức có địa vị, thông minh, hoạt bát, danh lợi, vua carreau trỏ một thương gia, một kỹ nghệ gia, một điền chủ vân vân. Cả ba cây bài ấy cũng không ra, vậy trong quẻ này cây vua cœur (già cơ) cầm bản mệnh ông. Tôi đoán thế này ông có chịu thì tôi mới đoán tiếp. Trong quẻ này ông xin về việc tình duyên, phải không?
Thanh Đức giọng nửa đùa, nửa thực:
- Chịu thầy!
- Vua coeur giữ bản mệnh thì quẻ thiên về mặt tình cảm, mặt tình nghĩa là trong lúc khấn khứa ông đã quên hết các ông việc làm ăn bề bộn, các kinh doanh to tát, phiền phức mà chỉ tâm tâm niệm niệm vào có một tình duyên. Nhưng không phải vì thế công cuộc kinh doanh không hiện ra. Lúc nào nó cũng ở trong tiềm giác của ông. Ông muốn quên bẵng nó đi, nhưng không quên nổi, dù chỉ trong phút chốc. Đây này! (Hoằng vừa nói vừa trỏ xuống bài), công việc lớn của ông đây này, chính là cây dix de trèfle (10 chuồn). Nó xếp vào một góc rât xa bản mệnh góc đó là nơi tiềm giác của ông. Cứ quẻ này thì công việc làm ăn đương phát đạt, và phát đạt lớn. Một bên có dix de coeur một bên có dame de coeur. Tuy sắp phải tiêu một món tiền nhưng chẳng vào đâu.
- Một món tiền là bao nhiêu?
- Cái đó tùy. Nếu ở tôi thì có thể là vài trăm. Nhưng ở ông Thanh Đức thì có thể là vài vạn. Tôi đoán thế là vì ở dưới as de trèfle (ách chuồn) có huit de trèfle (8 chuồn) đây là món tiền nhỏ đối với người bói. Tôi nói đây, vì ở quẻ khác huit de trèfle lại là con trai.
Tự nhiên ai nấy đều nhìn vào Cảnh và Hảo gật chàng mỉm cười.
Chàng cũng mỉm cười lại, Hoằng nói tiếp:
- Bản mệnh đứng ở gần cuối cùng đầu kia. Sau lưng có dame de pique (đầm bích) để ngăn bản mệnh ra với huit de cœur (8 cơ).
- Huit de coeur là gì? - Cảnh hỏi.
- Huit de coeur là một thiếu nữ xinh đẹp, tình tứ hoặc là con gái hoặc là... người yêu. Đây tôi đoán chắc không phải là con gái mà là người yêu. Vì tôi xem ra ông với cô Oanh hợp tính nhau, không thể có dame de pique xen vào giữa được. Cây dame de pique đây là tất cả những lời gièm pha, những lời nói xấu, những mưu mô man trá. Cũng có thể là một đàn bà góa.
Sợ đụng chạm đến cô, chàng nói liền:
- Nhưng đây quyết không phải. Đó chỉ lá những cạm bẫy nguy hiểm mà thôi. Và cô Oanh đã có vị hôn phu rất trung thành với cô và được cô rất trung thành. Đàng này, ngay dưới huit de coeur có anh chàng valet de cœur (lá bồi cơ). Mà chàng valet de coeur thì đáo để lắm. Trước mặt có dame de cœur (lá đầm cơ), sau lưng có dame de carreau (lá đầm rô), phía trên có huit de coeur. Valet ở giữa huit de coeur và một darne là một anh chàng chơi bời, tính tình khinh phú, không thể trung thành mãi với một ai; chắc đó không phải là anh Bản, một người tính tình trái ngược hẳn thế.
- Cám ơn anh.
Oanh bắt đầu rất tự nhiên dùng tiếng anh đối với Hoằng. Hoằng vẫn đoán:
- Đằng sau cây valet de coeur có cây neuf de coeur lộn ngược, nghĩa là sự thiếu hòa mục; bên cạnh cây này liền cây as de coeur cũng lộn ngược. Vậy anh chàng trẻ tuổi này đương có điều khó khăn, bất hòa về tình cảm, về ái tình hay tình thân thích, có lẽ về cả ba thứ tình cũng chưa biết chừng.
- Nhưng anh chàng trẻ tuổi ấy là ai? - Oanh hỏi.
- Là một người đương có liên lạc hay sẽ có liên lạc với cô huit de coeur.
Cảnh nâng chén uống nước, mắt lơ đãng nhìn qua cửa sổ ra vườn. Bà Án và ông Thiện cũng yên lặng. Hảo thấy tình thế hơi gay go, liền can thiệp. Nàng đứng dậy tiếp thêm nước trà mạn sen và nói:
- Anh bói bài rất tài tình và có khoa học. Nhưng xin anh hãy ngừng mà xơi nước kẻo nguội.
Bà Án tiếp luôn:
- Ờ! Mà sao con không mời rượu khai vị?
Hảo vội lại tủ rượu lấy ra bốn chai rượu mới mở. Và người nhà đứng hầu đã bưng ra một cái khay đầy cốc.
- Ông xơi?
Thanh Đức trù trừ:
- Cô cho tôi cốc porto (Một loại rượu nhẹ ở xứ Bồ Đào Nha)
- Còn cô Oanh.
- Tôi xin uống nước chè.
- Một giọt porto cũng chẳng sao.
Vừa nói Hảo vừa rót rượu vào cốc. Rồi hỏi tiếp:
- Đến lượt anh Cảnh.
- Whisky soda.
Hảo gọi người nhà, mở soda và thân đi lấy cốc, Hoằng không đợi hỏi ra tủ cầm chai porto rót vào cốc mình. Đoạn, chàng bảo bà An:
- Cô cũng nên uống một tí cho đói.
- Thôi anh ạ. Cô uống không đói bao giờ. Chỉ say thôi.
Cảnh nói cảm ơn Hảo, khi nàng rót rượu và soda vào cốc. Rồi chàng giữ vẻ mặt lãnh đạm, quay sang hỏi Hoằng:
- Ông xem cartomancie (cách bói bài) ở sách nào thế?
Hoằng cười đáp:
- Một người bạn dạy tôi chứ tôi chả đọc sách cartomancie bao giơ. Nhưng anh biết những sách nào khá mua giùm để tôi khảo cứu thêm càng hay.
Nhưng chợt nghĩ ra, chàng nói thêm:
- Xin phép anh, chúng ta kêu nhau bằng anh cho tiện.
Chàng đưa mắt nhìn Thanh Đức:
- Phải không, ông Thanh Đức?
Ông Thanh Đức cười rất tự nhiên:
- Nhã ý của ông đáng khen lắm. Nhưng cái đó có hề gì. Nhiều người bạn của tôi cũng là bạn của Cảnh. Có khi cả ba cùng họp mặt một nơi. Thế mà bạn chung xưng hô cả hai cha con tôi đều là anh, tôi chẳng thấy ngượng nghịu một tí gì. Phải không Cảnh, anh Tuấn ấy mà?
- Vâng chính thế. - Cảnh trả lời rời rạc.
Hảo đương nói chuyện với Oanh, quay ngoắt lại. Thấy Cảnh đăm đăm nhìn mình, nàng hỏi:
- Cả anh Cảnh nữa, anh cũng khó chịu về cái màu phấn gạch tôi dùng?
Cảnh vờ kinh ngạc:
- Cô đánh phấn màu gạch à?
Hảo lạnh lùng:
- Chắc khoa hội họa của anh hơi kém. Màu ấy không gọi là màu gạch thì gọi là màu gì?
- Vâng chính màu gạch. Nhưng tôi chưa nhận kỹ. Giá ban đêm mà đánh phấn màu gạch thì đẹp vì màu ấy ăn đêm.
Hảo cười:
- Cám ơn! Anh làm như tôi lên sân khấu nhà hát không bằng!
Hoằng thật thà:
- Ồ phải. Các đào kép hát Tây họ hay đánh phấn màu gạch.
- Chính thế, anh Cảnh đã nghĩ thế.
Cảnh cãi:
- Khi nào tôi lại dám có ý tưởng vô lễ như thế đối với cô.
Bà Án thấy cần phải can thiệp vào câu chuyện của hai người. Biết Cảnh đã có vị hôn thê bà hỏi:
- Cậu Cảnh đã chấm đám nào chưa?
Ông Thiện trả lời cho con:
- Thưa đã.
Hảo tiếp theo:
- Thưa mẹ, cô Lan Hương, hiện cô ở Sầm Sơn.
Cảnh mỉm cười, hai má ửng hồng vì men rượu:
- Cô biết tường tận lắm nhỉ?
- Thưa anh, cô Oanh vừa cho tôi biết. Nghe nói cô Lan Hương đẹp lắm.
- Cũng đẹp, nhưng đẹp sao bằng cô được!
- Anh nói thực đấy chứ?
- Không tin, cô hỏi Oanh mà xem. Có phải cô Hảo đẹp hơn Lan Hương không, Oanh?
Oanh ngẫm nghĩ đáp:
- Cả hai cùng đẹp, mỗi người một vẻ, không thể cho ai đẹp hơn ai được. Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai.
Hảo và Cảnh cùng cười, vui vẻ. Ông Thiện ngắt đứt câu chuyện:
- Thưa bà lớn, có lẽ chúng ta chơi appéritif (món khai vị) một hội mạt chược rồi ăn cơm thì vừa ngon.
Hảo biểu đồng tình:
- Phải đấy.
Nàng ra bàn mạt chược sửa soạn bầy những con bài nhựa ở hộp ra.
- Mẹ một chân, ông Thanh Đức một chân, anh Hoằng một chân, anh Cảnh một chân.
Cảnh vội nói:
- Tôi không biết đánh mạt chược.
Hảo liếc mắt và bĩu môi:
- Thôi đừng vờ! Mạt chược khó gì mà không biết đánh!
- Tôi không biết thực mà.
- Được rồi, tôi mách cho, cứ đánh. Hay chung chân?
- Vâng, chung chân thì xin vâng.
Hai người đã có nhiều thân mật, và ghẻ lạnh, hờn dỗi lúc ban đầu hình như đã tiêu tán hết. Có lẽ đó là kết quả của Whisky và Porto.
Tiếng lách tách xoa bài đã ầm ỹ bắt đầu, và bốn người đã ngồi vào bốn phía cái bàn vuông, Hảo bắc ghế ngồi sau Cảnh.
Cảnh chưa đánh mạt chược lần nào, nên Hảo phải mách từng nước ăn, nước đánh, nước ù; giảng nghĩa dài dòng thế nào là cao, thế nào là thấp. Trong khi ấy, Cảnh chỉ nghe tiếng nàng nói mà chẳng hiểu gì hết. Có lần Cảnh nhặt cây bài toan đánh, Hảo phải vội vàng kéo tay chàng lại nhưng chỉ dăm ván sau Cảnh đã biết cách chơi vì mạt chược giống tổ tôm, mà tổ tôm chàng đánh rất cao. Còn tính bài thì Cảnh vẫn lầm mãi, không sao nhớ được. Ông Thiện vin vào cớ ấy để bảo con đứng dậy nhường chỗ cho Hảo, ông nói đánh với người mới tập mất cả thú.
Cảnh vâng theo ngay, vì chàng muốn xem Hảo đánh hơn là tự ngồi đánh để phải chăm chú hết cả tinh thần vào nước bài. Chàng ngắm nghía hai bàn tay Hảo, chàng mơ màng nhìn sắc bóng những sợi tóc vấn vương trên tai và trên gáy trắng mịn, đến nỗi có lần chàng không trả lời câu hỏi khẽ của người chung chân, làm Hảo quay lại hỏi:
- Ngủ rồi đấy à?
Một lần Cảnh táo bạo kẽ đáp:
- Ngủ không ngủ nhưng hồn đương theo mộng.
Oanh ngồi xem bà Án, vẻ mặt lo lắng, mắt luôn luôn nhìn về phía anh.
Thanh Đức nét mặt sa sầm. Có lẽ vì ông chưa ù một ván nào. Ông vui mừng, sung sướng khi thấy người nhà vào, mời sang phòng ăn.