Trong khi xe đưa mọi người ai về nhà nấy, Cảnh không nói một lời và hình như không nghĩ ngợi gì, mắt luôn luôn nhìn thẳng vào cái ánh sáng động đậy của ngọn đèn nhỏ báo dầu. Chàng ngồi bên tài xế. Chàng có chủ ý chiếm chỗ ấy ngay lúc đứng ở hiên nhà Hảo, nên chàng đã đi ra xe trước hết mọi người. Ngồi đấy, chàng tránh được những cuộc nói chuyện trong xe với những ngươi mà chàng không ưa.
Xe đi qua những phố nào, Cảnh cũng không biết nữa. Một nỗi buồn mênh mông và sâu thẳm. Mênh mông nên chàng không biết nó đã bắt đầu từ đâu và sẽ lan rộng tới đâu, sâu thẳm như không bao giờ sẽ lắng tới đáy để chàng được bình tĩnh...
Lửa than hồng không trông thấy ngọn nhưng đã nóng đến tột bực cho tới khi than tàn thành tro, nguội dần rồi lạnh hẳn...
Chàng cảm thấy sự phá phách lặng lẽ đương tiến. Và chàng đành chịu để cho lòng tan nát. Chống cự lại làm gì! Chống cự lại sao được? Đó là định mệnh. Chỉ có một việc phục tòng...
Cảnh như lịm dần...
- Bẩm cậu xuống... Mưa ngớt rồi...
Cảnh quay lại ngơ ngác nhìn người tài xế:
- Sao?
- Thưa cậu về đến nhà rồi. Cụ đã vào.
- À về đến nhà rồi?
- Vâng.
- Tôi lại cứ tưởng còn đưa các ông ấy về nhà các ông ấy.
Cảnh mở cửa nhảy ra ngoài.
- Vậy anh đánh xe vào garage nhé.
- Vâng.
Tiếng giày lộp cộp trên phòng ngủ, tiếng mở cửa sổ. Cảnh trầm ngâm bước lên thang gác. Bỗng chàng lẩm bẩm: "Vô lý".
Vào phòng, chàng ngồi phịch xuống chiếc ghế nệm đặt trước cái bàn giấy nhỏ. Vì thói quen và như không có định kiến chàng đưa tay ra bấm điện. Ánh sáng xanh dịu, và lòng chàng dịu đi đôi chút. Chàng nhìn thấy bức thư bỏ dở, chận dưới khối thạch anh thủy tinh. Chàng tò mò nhẩm đọc:
"Anh đã tìm thấy lẽ sống của anh. Lẽ sống của anh là em".
Chàng vụt cảm thấy máu trong huyết quản bắt đầu chạy mạnh, tim hồi hộp đập mau. Một luồng sáng rạng rỡ bừng lên trong tâm hồn chàng, và chàng cầm bút viết tiếp, viết thật mau, mau đến nỗi tay chàng cuống líu lại.
"Anh đã tìm thấy lẽ sống của anh. Lẽ sống của anh là em. Phải là em, chỉ là em. Anh nhận thấy ngay từ phút, ngay từ giây đầu tiên mới gặp em. Em cũng đã nhận thấy thế, phải không. Em đã đọc thấy ở cặp mắt anh lẽ sống của anh là em phải không em?
Từ nay anh sẽ hết băn khoăn, vì anh đã tìm thấy lẹ sống của anh. Sao anh tìm thấy chậm thế? Vô lý quá, sao mãi nay mới gặp em là phải, là vừa, là đúng ngày giờ. Mệnh định xếp đặt như thế, chúng ta tránh sao được mệnh định?
Từ nay anh sẽ là hết thấy cái gì em muốn anh là... anh sẽ là một vật... một vật trong tay em... anh sẽ là cái chén mà em sai khiến đưa đi theo ý muốn của em trên cái bàn phụ ban nãy..."
Cảnh ngừng lại, và chàng như chợt tỉnh giấc mơ, chàng nhớn nhác đưa mắt nhìn hết những hàng chữ vừa viết. Rồi chàng nghĩ ngợi, chàng vò nát xé nhỏ vứt vào giỏ giấy vụn dưới gầm bàn, miệng lẩm bẩm:
- Vô lý! Vô lý!
- Anh chưa ngủ?
Cảnh giật mình quay đầu lại. Oanh đứng sững giữa khung cửa vào phòng, mà Cảnh đã đãng trí bỏ ngỏ.
- Chưa. Mấy giờ rồi nhỉ?
- Hơn ba giờ.
- Mới thế?
- Lại còn mới thế gì nữa. Khuya lắm rồi. Anh đi ngủ thôi chứ.
- Em chưa ngủ?
- Em vừa thức giấc thấy phòng anh sáng, em tưởng anh ngủ quên không tắt đèn.
- Anh cũng vừa về... Anh cùng về với thầy.
- Mưa phải không anh?
- Ừ mưa... Mưa to quá.
Oanh lại gần anh m ỉm cười:
- Nhưng giờ tạnh rồi. Anh mặc paraverse làm gì, nhất là trời lại không rét.
Cảnh cúi nhìn, ngớ ngẩn:
- Ờ nhỉ!
Chàng dứng dậy cởi áo tơi mưa, vắt lên lưng tựa ghế và như nói một mình:
- Anh đã gặp mặt cô ta.
Oanh suy nghĩ tìm tòi, rồi hỏi:
- Cô nào ấy nhỉ?
- Cô ấy... ấy mà... Cô Hảo ấy mà, nhưng anh không tin...
Oanh bật cười, vì không hiểu anh nói ai, và định nói gì. Nhưng nàng cũng trả lời khôi hài:
- Anh không tin à? Em cũng không tin.
Cảnh, vẻ mặt rạng rỡ, sung sướng:
- Phải không em, tin sao được? Anh chắc chắn rằng đó là câu chuyện bịa đặt, hoàn toàn bịa đật. Chẳng qua người ta thấy thầy hay đi lại chơi bời ở đấy, nên người ta... Phỏng đoán như thế.
Oanh kêu:
- À.
- Có phải không em? Chả bà Án thích tổ tôm... và... hình như cả mạt chược; thầy cũng thích tổ tôm và mạt chược, em đã biết đấy. Cả cô con gái nữa, phải, cô Hảo nữa... Em chưa gặp Hảo nhỉ?
- Chưa. Cô ta có đẹp không anh?
- Cũng... đẹp... đẹp... Có thể cho là đẹp lắm.
Oanh mỉm cười:
- Đẹp bằng chị Lan Hương nhé?
Cái tên Lan Hương làm cho Cảnh khó chịu. Chàng chau mày bảo em:
- Em đến hay so sánh, chẳng hạn em bảo anh con mèo đẹp hơn hay con chó đẹp hơn, thì anh trả lời sao được. Con mèo có cái đẹp của con mèo... con chó có cái đẹp của con chó...
Oanh cười to:
- Nghĩa là không con nào đẹp hơn con nào, nhưng cũng đẹp cả. Nhưng anh vì hai mỹ nhân. Cô kia em không biết thế nào, chứ chị Lan Hương thì em chắc sẽ giận anh lắm nếu câu so sánh của anh đến tai chị.
Cảnh lặng thinh, tần ngần nhìn qua ngọn cây lộc vừng trong ánh đèn cửa sổ.
- Vô lý!
- Anh bảo em vô lý?
- Không.
Việc hôn nhân của cha vẫn theo đuổi ám ảnh chàng, việc mà chàng cho là vô lý hết sức.
- Bà Án cũng chưa già, em ạ... Chỉ vào khoảng bốn nhăm bốn sáu là cùng.
- Nghĩa là còn kém tuổi thầy đấy... Nhưng em chắc thầy định lấy... Hảo. Em không tin mà cũng không ngờ. Em chỉ biết ở ngoài người ta đồn dữ lắm, người ta bảo sang năm thầy sẽ cưới cô ta, và món dẫn cưới là một cái đồn điền Bắc Giang.
Cảnh cười chua chát:
- Nếu chỉ là cái đồn điền Bắc Giang, thì rẻ quá, Hảo đáng giá hơn thế... Anh thì anh cho cả cái cơ nghiệp của thầy vị tất đã xứng với Hảo.
Oanh vẻ mặt kinh ngạc đăm đăm nhìn anh:
- Cô ta đẹp đến thế cơ à?
Cảnh cười vui vẻ, làm như mình đã khôi hài. Kỳ thực chàng nói theo ý nghĩ sâu xa của chàng. Oanh cũng cười:
- Thiết tưởng giá đáng nghìn vàng là cùng. Mà nghìn vàng là nghìn lạng vàng thì cũng tới sáu bảy vạn bạc thôi. Xuýt xoát giá cái đồn điền Bắc Giang của thầy đấy.
Cảnh vẫn cười:
- Nếu vậy thì không phải thầy đào mỏ mà chính họ đào mỏ.
- Bên gái đào mỏ bên trai! Một sự mới lạ trong làng đào mỏ. Nói thế còn nhẹ... nói bán thì mới đúng.
Cảnh sửng sốt:
- Bán? Bán con? Vô lý!
- Ừ nhỉ, anh nhỉ! Bán con thì bị tội. Sao bán con gái cho người ta làm vợ lại không bị tội?
Cảnh thở dài:
- Em chỉ bậy! Vô lý! Chả khi nào lại có câu chuyện gả bán vô lý ấy!
Oanh chau mày.
Nãy giờ Cảnh luôn miệng nhắc hai tiếng "vô lý" coi bộ anh chỉ sợ đó là câu chuyện có lý, hay hơn thế, một câu chuyện có thực.
- Thiết tưởng muốn biết có thực hay không có thưc chả gì hơn là anh hỏi thẳng thầy.
Cảnh kêu:
- Hỏi thẳng thầy? Ai lại đi hỏi thầy câu chuyện ấy?
- Hỏi khéo thì vẫn được.
- Nhưng anh vụng... với lại... không tiện.
Bốn tiếng sau cùng thốt ra tự tiềm giác của Cảnh.
Buông lời Cảnh thấy trong đó những ý nghĩa thầm kín mênh mông. Hầu như những lời tự thú, những lời thú tội. Chàng như hiểu ngầm rằng nếu là người khác, nếu không phải là Hảo, thì chẳng có gì bất tiện cả, và chàng kinh hoàng thấy mắt Oanh lặng lẽ nhìn thẳng vào mắt mình.
Có tiếng giày ở hiên. Hai anh em cùng lặng lẽ nhìn ra phía cửa. Ông Thiện mặc bộ pyjama lụa viền xanh đứng ngó vào phòng nói:
- Các con chưa ngủ à? Hơn ba giờ, khuya lắm rồi.
Oanh đáp:
- Bẩm con cũng vừa thức dậy.
Nàng nhìn anh như để bảo: "Thế nào, có hỏi thẳng thầy không?"
- Thầy chưa nghỉ?
Ông Thiện không trả lời câu hỏi của Oanh.
- Quái! Đầu tháng một tây rồi mà trời vẫn oi.
- Bẩm có lẽ sắp bão.
- Chả cứ! Năm ngoái cũng nóng hết tháng một, thỉnh thoảng mới xen vào một vài ngày lạnh... Nhưng các con đi ngủ thôi. Thức khuya mệt quá. Thầy cũng đi nghỉ đây.
Ông Thiện thủng thẳng đi vào phòng. Cảnh vẫn ngồi nguyên chỗ, không nhúc nhích không nghĩ ngợi; tiếng ông Thiện ở phòng bên vọng sang:
- Đi ngủ thôi, các con!
- Vâng, mời thầy đi ngủ.
- Ừ, thầy đi nghỉ đây. Thầy tính phác qua số thước khối cái đê bao bờ ở khu ruộng hồi Đồng Nam, mà thấy cũng to công lắm, Oanh ạ.
Oanh giọng trách móc:
- Thầy để mai hãy hay. Bây giờ khuya lắm rồi mà thầy còn làm việc thế có mệt không.
- Ừ, xong rồi đây!
Oanh mỉm cười thì thầm bảo anh:
- Muốn gì thì gì, thầy cũng không quên được công việc.
Rồi ra khép cửa đi sang phòng riêng.
Cảnh cầm quả nắm bấm tắt đèn, lên giường nằm. Chân chàng đạp mạnh vào cái chắn đồng ở cuối giường, chàng mới nhớ ra rằng chưa tháo giày, chưa thay quần áo, liền với tay ra ngoài màn bấm ngọn đèn ngủ. Một làn ánh sáng đỏ nhuộm hồng mọi vật trong gian phòng sơn đỏ.
Thay xong quần áo ngủ, Cảnh lại lên giường và để vậy ngọn đèn đỏ. Một lúc lâu, bỗng chàng thốt ra một tiếng thở dài: "Vô lý!" Cảnh chợt lưu ý tới sự nhận xét rất đúng của Oanh. "Quả thực mình luôn miệng nói ‘vô lý’ vì trí mình luôn luôn nghĩ tới hai chữ ấy". Chàng mỉm cười! "Nhưng việc ấy nếu có thì xảy ra tối hôm nay. Ừ? Sao họ phụ đồng chén ở nhà Hảo? Sao Hảo lại là người ấy? Không. Không thể thế được. Vô lý quá!" Cảnh cố nhớ lại cử chỉ ngôn ngữ của cha.
Chàng đã quan sát cha, từ lời nói cho chí sự yên lặng. Không có gì tỏ rằng cha say mê - say mê biểu lộ ra ngoài hay say mê ngấm ngầm bên trong. Cha bình tĩnh lắm, bình tĩnh quá, bình tĩnh có thể ngồi nhận được số thước con đê dài có tới hai cây số. Đó quyết nhiên không phải triệu chứng của yêu thương đắm đuối. "Trái ngược hẳn với mình, mình yên lặng nhưng không bình tĩnh một tí nào".
Cảnh bật cười to. Chàng vừa tìm ra và thấy không hợp lý được. Chàng cho rằng ông Thiện yêu người mẹ, nhưng người ta thấy ông lui tới nhà ấy liền gán cho ông yêu người con. Chàng còn lạ gì dư luận người mình; họ yên trí rằng là vợ góa một ông quan thì không thể tái giá được. Chứ sự thực thì ông cụ yêu bà mẹ, phải, rõ rệt lắm, đôi uyên ương già rủ nhau đi xem chiếu bóng...
Nếu yêu Hảo thì thế nào chả mời cho bằng được Hảo cùng đi. Có bao giờ lại để Hảo ở nhà mà phụ đồng chén với một bọn trai trẻ. Phải, rõ rệt lắm... Lúc về, vẻ ông cụ thản nhiên, bình tĩnh, không lộ một chút tính ghen... Cả trong ngôn ngữ nữa... Có, trong ngôn ngữ thì có, ông cụ hình như chỉ ghét riêng hai anh chàng văn sĩ và thi sĩ. Một người là... Luyện, phải rồi, còn một người là... gì quên bẵng mất... tên thi sĩ là... là.... Cảnh nằm yên lặng để cố tìm cho ra tên thi sĩ, và chàng lẩn thẩn gợi ra hết các tên bắt đầu từ chữ a đi mãi tới chữ y vẫn không thấy tên Hoàng văn Giáp trở lại trong ký ức. Chàng định thôi, nhưng sự tìm tòi ấy đã làm chàng nhãng câu chuyện khích bác giữa ông Thiện và nhà văn, để nhớ đến mỗi một điều mà chàng đã tin chắc: cha chàng không yêu Hảo, không say mê Hảo, sẽ không lấy Hảo, như người ta đồn đại.
Chàng dừng lại ở ý nghĩ sung sướng ấy, mà ngủ thiếp đi.