uốn này sắp chữ được già nửa, Phụ lục I đã đưa kiểm duyệt thì chiến tranh bộc phát giữa Ả Rập và Do Thái ngày 6-10-1973, thành thử chúng tôi phải viết thêm Phụ lạc II này.
Tài liệu chúng tôi dùng toàn là những tin tức đăng trên các nhật báo Sài gòn, mà những tin đó nhiều khi mâu thuẫn nhau, không thể biết được tin nào đúng, tin nào sai: phía Ả Rập đã lỡ mang tiếng từ chiến tranh 1967 là che giấu sự thật, bịa đặt nữa, khiến chúng ta phải dè dặt; còn phía Do Thái không cho phóng viên ngoại quốc săn tin tại mặt trận vì “chúng tôi có đủ người đảm trách công việc ấy rồi, các ông có cần tin tức thì họ sẽ cung cấp”. (1)
Thế giới ngạc nhiên
Chiều ngày thứ bảy 6-10-1973, trong khi Do Thái dự lễ Kippour (lễ Đền tội) một trong những lễ lớn nhất của họ, thì Ai Cập và Syrie phối hợp với nhau, cùng tấn công Do Thái một lúc: 100.000 quân Syrie với 100 chiến xa tấn công Do Thái để rán chiếm lại cao nguyên Golan, không chiến dữ dội; 120.000 quân Ai Cập với 2.000 chiến xa, và 700 phi cơ tấn công suốt dọc kênh Suez, dùng cầu phao bắc qua kênh cho thiết giáp xa tràn qua bờ phía Đông.
Tin ấy làm cho cả thế giới ngạc nhiên:
- Tháng 6-1973, Mỹ và Nga thản thiết với nhau rất mực. Brezhnev qua Mỹ đáp lễ Nixon, hai bên lặp lại lời cam kết sống chung hoà bình, bọn đàn em có xung đột với nhau thì họ sẽ tìm cách hòa giải chứ không vì đàn em mà làm hại tình hữu nghị của họ.
Tháng tám hay đầu tháng chín năm 1973. Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã thăm các nước Tây Á (tức Trung Đông) lạc quan tuyên bố rằng quốc gia Ả Rập nào cũng muốn hoà bình.
Hơn nữa, từ 5 đến 8-9-1973, Hội nghị các quốc gia phi liên kết ở Anger cho thế giới cảm tưởng rằng lực lượng thứ ba này thành lập tại Bandoung năm 1955, tới nay tuy số hội viên tăng lên (nay gần 80) mà thực lực chẳng có ai cả, chẳng đoàn kết với nhau, muốn tan vỡ dần dần. Trong cuộc hội họp lần này, họ công kích chính sách xâm lược của Israel, nhưng chỉ công kích ngoài miệng; chỉ có Arafat, lãnh tụ Tổ chức giải phóng Palestine là đưa một đề nghị cụ thể: các quốc gia Ả Rập không cung cấp dầu lửa cho các nước ủng hộ Do Thái nữa. Đề nghị ấy chẳng có gì mới mẻ, từ sau lần đại bại năm 1967, Ả Rập đã nghĩ đến giải pháp tiêu cực ấy rồi, mà Iran, Iraq, Ả Rập Saudi, Kuwait, Lybie có nước nào thực hiện đâu. Tôi đã nói trong cuốn Bán đảo Ả Rập rằng Thần dầu lửa chỉ chia lẽ chứ không bao giờ liên kết các quốc gia Ả Rập với nhau được, muốn liên kết họ thì phải nhờ sức Allah mà chính Allah cũng có khi phải chịu thua Thần dầu lửa, như trong chiến tranh 1967.
Vì ba lý do kể trên, ai cũng nghĩ rằng tình hình Tây Á sẽ yên ổn ít nhất là trong vài năm tới, đợi Nga - Mỹ tìm cách ôn hoà giải quyết cho. Trong Phụ lục I tôi cũng đã suy diễn như vậy. Bây giờ mới thấy sai.
Đành rằng chiến tranh này phát là do ý phục thù của Ai Cập và Syrie, nhưng phía sau thế nào cũng có bàn tay của Nga. Có phải là Nga tin rằng Ả Rập lần này tất thắng, nên xúi họ tấn công để phục thù Mỹ vì mấy năm nay Nga chịu lép về, mất mặt ở Đông Dương không? Hay là Mỹ và Nga ngầm giao kết với nhau cho bọn đàn em Ả Rập và Do Thái choảng nhau một chuyến để mình đứng ra hòa giải mà giải quyết một lần một cho xong vấn đề Tây Á không? Nếu thực như vậy thì sở dĩ chiến tranh xảy ra lúc này có phải là để cho dân Mỹ quên những bê bối của toà Bạch ốc không? Vụ Walergate chưa êm thì Agnew bị tố cáo là ăn hối lộ, trốn thuế, phải từ chức; trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một cường quốc mà cả ông “chánh” lẫn ông “phó” mang tai mang tiếng tới mức đó. Lại còn điểm này đáng ngờ nữa: chiến tranh Đông Dương mới dịu được dăm ba phần thì chiến tranh Tây Á nổ ra; có phải lại bao nhiêu khí giới đã sản xuất không còn chỗ tiêu thụ mạnh ở đầu này châu Á nên phải chuyển qua đầu kia chăng? Có phải họ không đọ sức nhau ở đây nữa thì đọ sức nhau ở kia để có dịp tìm biểu những phát minh tối tân của nhau về vũ khí không? Trong chính trị, cái gì cũng có thể xảy ra được. Bởi khi chiến tranh chấm dứt chúng ta sẽ biết thêm; bây giờ chỉ có thể chắc chắn được mỗi điều này: bọn sản xuất vũ khí ở Mỹ, Anh, Pháp (2)… xoa tay cười thầm.
Lợi thế của Ả Rập
Lần này Do Thái mất các yếu tố chiến thắng rực rỡ trong chiến tranh 1967:
- Tấn công bất ngờ
- Tấn công chớp nhoáng
- Làm chủ không phận ngay từ giờ đầu và oanh kích sâu rộng vào nội địa Ai Cập.
Trái lại Ả Rập có nhiều lợi điểm hơn sáu năm trước:
- Tấn công bất ngờ, nhờ chuẩn bị ký, giữ được bí mật tới phút chót.
Mấy tháng trước khi chiến tranh phát ra, các phi cơ Do Thái đã bay trên không phận Ai Cập và Syrie để dò khả năng phòng thủ của đối phương. Người Ả Rập đã khôn khéo chỉ phản ứng bằng các phi cơ khu trục và các dàn cao xạ cổ điển, mà giấu kỹ các dàn hoả tiễn địa không mà họ đã học cách sử dụng trên đất Nga. Vì vậy Do Thái vẫn tin rằng mình còn hoàn toàn làm bá chủ trên không trung. Bọn tình báo Do Thái mà sáu năm trước Moshe Dayan rất lấy làm hãnh diện, lần này hình như bất lực (Tướng Zeir, Cục trưởng Cục tình báo đã biến mất trên sân khấu);
- Đoàn kết với nhau có phần còn hơn năm 1948 (trận chiến tranh đầu) nữa vì rút được nhiều kinh nghiệm hơn: mới đầu chỉ có Ai Cập và Syrie ra quân, Maroc, Algérie, Lybie ủng hộ ít nhiều, sau Iraq nhảy vô, rồi Jordanie (3) và Ả Rập Saudi từ trước vẫn lừng khừng, sợ mất mặt với dân chúng, cũng đưa quân qua Syrie, và qua tuần lễ thứ nhì, thì hết thảy các quốc gia Hồi giáo ở Tây Á và Bắc Phi, bất kỳ lớn nhỏ, đều trực tiếp hoặc gián tiếp dự vào cuộc “thánh chiến.
- Nhờ vậy Ả Rập dùng được cả hai chiến lược võ bị và kinh tế, dùng dầu hoả làm áp lực lên các nước ủng hộ Do Thái, đặc biệt là Mỹ, Hà Lan;
- Được nhiều cảm tình của thế giới. Mặc dầu họ bất thần tấn công trước nhưng không ai trách họ cả: họ có chính nghĩa, giành lại những đất bị Do Thái chiếm đóng (trong sáu năm nay, Do Thái đã mang tiếng là thực dân). Vả lại chiến tranh 1967, thế giới phục Do Thái là giỏi, thì chiến tranh này người ta mến Ả Rập vì biết đoàn kết để phục thù. Cho nên hết thảy các nước cộng sản và hầu hết các nước Á Phi đều có thiện cảm với Ả Rập. Pháp ngay từ mấy ngày đầu đã đứng về phe Ả Rập, bảo “khi người ta (tức Ả Rập) trở về nhà của người ta thì không bảo là xâm lăng được”. Anh mới đầu lừng khừng vì muốn đóng vai ngư ông trực lợi, nhưng sau cũng ngả về Ả Rập, vì sợ Ả Rập không cung cấp dầu lửa cho nữa. Các nước khác ở Tây Âu từ Hòa Lan đều mong Do Thái trả lại đất đã chiếm cho Ả Rập đê kết thúc chiến tranh. Rốt cuộc Do Thái chỉ được mỗi một quốc gia là Hoa Kỳ triệt để ủng hộ (Hà Lan không đáng kể); lẽ ấy dễ hiểu: chiến tranh Tây Á là chiến tranh giữa Nga, Mỹ; Mỹ có rất nhiều quyền lợi ở miền đó, nhất là ở Ả Rập Saudi, lại thêm đa số bọn tài phiệt ở New York có ảnh hưởng lớn tới chính trị kinh tế Mỹ, là gốc Do Thái.
Sau cùng nên kể thêm: phía Ả Rập lần này có một tướng tài ba, tướng Saadeddin Shazlin, Tham mưu trưởng quân đội Ai Cập, người thảo kế hoạch tấn công Sinai, phá được phòng tuyến tối tân Barlev của Do Thái, ông năm nay 49 tuổi, có bằng tiến sĩ chính trị học, nhưng không thích làm chính trị; có học chiến thuật bộ binh ở Fort Bennine (tiểu bang Georgia, Mỹ), lại được huấn luyện ở Nga vào cuối thập niên 1950, ông có nhiệt huyết, cương quyết, nhưng thận trọng, không khinh địch, cho nên mấy năm trước trong một hội nghị quân sự, đã nói với tổng thống Sadat rằng quân đội Ai Cập chưa đủ khả năng chủ động trên chiến trường để chống Do Thái, ông khuyên phải chuẩn bị kỹ hơn nữa, và lần này ông đã thành công: đưa quân qua bờ Đông kênh Suez, vào sa mạc Sinai, “làm tan tành huyền thoại về sự siêu việt của Do Thái”, “tạo được niềm tin trong phía Ả Rập”.
Ông được quân đội tôn trọng và dân chúng Ả Rập phục là khôn khéo.
Lực lượng hai bên
Năm 1967 lực lượng vật chất hai bên xuýt xoát như nhau (coi lại Nguyên nhân thắng lợi của Israel – Chương IX), nhưng tinh thần và tài chiến đấu của Israel cao hơn nhiều.
Năm nay tình thế khác hẳn:
ISRAEL
- Dân số: 3.200.000
- Quân trừ bị: 180.000
- Xe tăng: 1.700
- Thiết giáp: 1.450
- Máy bay chiến đấu: 488
- Trực thăng: 79
- Tàu chiến: 49
______________________
Ả RẬP
- Dân số: 65.000.000
- Quân trừ bị: 970.000
- Xe tăng: 4.740
- Thiết giáp: 4.985
- Máy bay chiến đấu: 1.272
- Trực thăng: 328
- Tàu chiến: 154
Vậy ngày đầu, lực lượng vật chất của Ả Rập (Ai Cập với Syrie) đã gấp hai gấp ba Do Thái.
Từ ngày thứ ba, nếu Do Thái đưa hết cả quân trừ bị và Ai Cập và Syrie cũng vậy, thì tỷ số về quân số vẫn là Do Thái 1, Ai Cập và Syrie 3.
Vậy lực lượng vật chất phía Ả Rập lần này trội hẳn, nhất là Nga tăng cường vũ khí hoài cho họ, có vẻ như không để cho gà mình thua gà Mỹ nữa.
Về mặt khác chúng ta có thể đoán rằng tinh thần chiến đấu của Ả Rập, cho tới nay, không kém Do Thái: lần trước, rất ít Do Thái bị bắt làm tù binh, lần này có khi cả một đơn vị Do Thái đầu hàng. Chỉ có mỗi phương diện: tài chiến đấu là Do Thái vẫn hơn Ả Rập.
Nhưng Do Thái lại mắc tội khinh địch. Thủ tướng Do Thái Golda Meir bảo đã biết trước rằng Ả Rập đương chuẩn bị tấn công, nên không hề bị đánh bất ngờ. Vậy mà Do Thái vẫn bị đánh tơi bời mấy ngày đầu, vì Do Thái đã khinh địch, cho rằng Ả Rập không đủ sức làm gì họ.
Ngày 7-10-1973, chiến tranh phát rồi, mà tướng Peled còn bảo sẽ phá huỷ hết các đầu cầu Ai Cập ở đông ngạn kênh Suez, trong 24 giờ, vào đêm 8-10-1973, rồi tướng Mendler, tư lệnh lực lượng thiết giáp Do Thái, tuyên bố cũng ngày đó: “Cuộc tân công của Ai Cập đã sụp đổ lần thứ tư, chúng ta chứng kiến cuộc thảm bại của Ai Cập tại vùng Sinai”. Nhưng 6 ngày sau, ngày 14-10-1973. Mendler đã tử trận và trên mặt trận Sinai, Ai Cập vẫn ở thế công, Do Thái ở thế thủ.
Lúc đó, độc long tướng quân Moshé Dayan, Bộ trưởng quốc phòng, mới dè dặt, nhận rằng chiến tranh lần này sẽ kéo dài.
Còn thủ tướng Golda Meir, qua ngày thứ 8 thì tỏ vẻ mệt mỏi, tuyên bố tại Tel Aviv: “Chúng ta không muốn phe chúng ta bị chết. Và chúng ta cũng không sung sướng gì gây sự chết chóc cho những người khác”. “Bà vẫn khôi hài nhưng đã có giọng, không phải là vẻ nhà lãnh đạo một quốc gia đương đứng ở thế mạnh” (Tin UPI).
Nhưng ngày 16-10-1973, khi tổng thống Ai Cập tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc ngưng bắn tức khắc trên căn bản này: quân Do Thái phải rút ra khỏi các miền họ đã chiếm đóng từ 1967, thì bà lại nói mạnh: “Chỉ có thể ngưng bắn khi Ai Cập và Syrie bị đánh bại” (Tin UPI và AFP).
Tinh thần thất thường như vậy là dấu hiệu thiếu tự tin!
Khi Mỹ, Nga chưa muốn thì Liên hiệp quốc hoàn toàn bất lực.
Ngay ngày đầu, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Waldheim đã triệu tập Hội đồng bảo an, kêu gọi ngừng bắn tức khắc. Dĩ nhiên, như vậy sớm quá, không ai nghe: phải để cho người ta thử sức nhau một thời gian đã chớ!
Cuối tuần lể đầu ông tuyên bố chịu bó tay. Đã họp Hội đồng bảo an mấy lần rồi, nhưng công toi. Ngưng bắn, nhưng trên căn bản nào? Mỹ không đồng ý với Nga và Trung Cộng; Pháp và Anh lừng chừng, làm sao có thể quyết định một điều gì được? Thật là kẹt! Và ông Waldheim bảo vấn đề đó để cho “Ai Cập, Syrie, Do Thái rán tìm lấy một giải pháp nào ôn tồn với nhau”.
Ông biết rõ vấn đề đó là vấn đề của Nga và Mỹ, nhưng ở vào địa vị ông không thế nói thẳng như vậy được.
Tuần đầu, tân ngoạỉ trưởng Mỹ Kissingger (gốc Do Thái Đức) đề nghị hai bên rút cả về vị tri cũ (nghĩa là Ai Cập rút về tây ngạn kênh Suez. Syrie rút ra khỏi cao nguyên Golan) làm cho mọi người mỉm cười, ông chỉ muốn lấy lòng “đồng bào” ông, thế thôi.
Qua tuần thứ nhì, ông ta đề nghị lại: ngưng bắn tại chỗ. Lúc này Ai Cập đã tiến vào Sinai được khoảng 15-20 cây số còn Do Thái đã chiếm lại cao nguyên Golan, đương tiến về thủ đô Damas của Syrie; như vậy mỗi phe đều có lợi một chút và chịu thiệt một chút, kể như “huề”. Nhưng cũng không ai chịu nghe.
Kissinger còn cảnh cáo Nga đừng làm qúa mà hại cho tình hữu nghị Nga - Mỹ, rồi Nixon tuyên bố nếu cần thì hy sinh tình hữu nghị đó để cứu Do Thái. Chắc họ nghĩ năm ngoái làm mạnh ở Bắc Việt, Nga co vòi lại, thì lần này cứ làm tới. Nga cũng sẽ nhượng bộ nữa. Nhưng Nga tuyên bố đứng về phe các quốc gia bị uy hiếp, và cảnh cáo Do Thái đừng thả bom bậy bạ xuống Damas (làm cho ba chục nhân viên toà đại sử Nga chết) và Le Caire nữa, mà sẽ phải ttrả một giá rất đắt. Và lần này Nga làm thật. Vậy là hai ông đàn anh cứ tuôn khí giới vào Tây Á cho đàn em giết nhau.
Lại có tin, không biết thực không, Mỹ đã tiên đoán được chiến trận lần này từ tháng 8-1973, đã cho 9.000 thuỷ quân lục chiến tập sóng và hành quân ở một miền nóng cháy tại California và đoàn quân đó hiện nay sẵn sàng để nhập cuộc.
Chúng ta nên biết chiến tranh ở sa mạc còn gay go gấp mấy chiến tranh ở Việt Nam.
Khí hậu ngày thì nóng quá, từ 45 tới 50 độ, đêm thì lạnh. Muốn tránh nắng, phi đoàn trực thăng phải dậy từ 3 giờ sáng để chuyển vận quân. Tất cả các dụng cụ đều nóng bỏng dưới ánh nắng nên muốn dùng thì phải ngâm trước vào các chậu nước mang theo, và nước cũng nóng lên, phải thay liền liền. Các xạ thủ đại liên, súng lớn phải mang găng tay để khỏi bỏng tay khi sớ tới các khẩu súng.
Việc truyền tin rất khó khăn, máy bay ở trên nhìn xuống chỉ thấy một màu vàng mênh mông, không biết đâu là đâu.
Muốn nghỉ ngơi phải làm theo con thằn lằn: đào tới lớp cát ở dưới mát hơn, nằm xuống rồi che tấm vải.
Phải tiếp tế nhiều nước và muối, vì phải pha một chút muối vào nước, uống mới đỡ khát.
Một tai hoạ nữa là cát. Chỉ một lớp dầu mỏng trên nòng súng là đủ thu hút cả ki lô cát, cát vào cả trong nòng súng. Vì vậy phải dùng đủ thứ lọc bụi, che cát, tránh cát. Dầu máy phải thay rất thường, mỗi ngày. Nếu gặp cơn giông cát thì không còn làm gì được cả.
Chiến lược và chiến thuật hai bên
Trong chiến tranh 1967, Do Thái ra tay trước, thanh toán Ai Cập trước (vì Ai Cập là kẻ thù mạnh nhất) xong rồi quay lại quật Syrie và Jordanie.
Phía Ả Rập không kịp chuẩn bị, phối trí, Syrie và Jordanie không cứu Ai Cập kịp nên Ai Cập bị hạ rồi thì tới phiên họ.
Năm nay Ả Rập ra tay trước, chuẩn bị kỹ lưỡng, nên Ai Cập và Syrie cùng tấn công Do Thái một lúc. Jordanie mới đầu không lâm chiến có thể rằng Hussein không muốn “phiêu lưu” như 1967, đợi Ai Cập có mòi thắng thì mới tiếp tay; cũng có thể Ai Cập và Syrie biết rằng Jordanie yếu quá lại thân Israel nên không nhờ tới Jordanie, hoặc bảo Jordanie cứ cầm chân Do Thái ở phía đông cũng đủ rồi. Mục đích của Ả Rập là chiếm lại bán đảo Sinai và cao nguyên Golan, rồi nã hoả tiến tối tan Al Zafef của Nga (bắn xa được 180 cây số) vào Tel Aviv, là Do Thái sẽ phải chịu thương thuyết, lúc đó chẳng tốn thêm một viên đạn nào cũng lấy lại được Transjordanie.
Do Thái mấy ngay đầu khó khăn lắm mới chống đỡ được cả hai mặt, tới cuối tuần đầu vẫn bị mất đất ở Sinai nhưng đã chiếm lại được cao nguyên Golan mà tiến về phía Damas, kinh đó Syrie. Lúc đó người ta có cảm tưởng rằng Do Thái rán chiếm Damas, quật Syrie cho mau (Syrie là kẻ thù yếu nhất) để rồi sẽ quay lại đối phó với Ả Rập. Ả Rập cũng ngại vậy, nên qua tuần thứ nhì, khi thấy Syrie yếu thế thì Maroc, Ả Rập Séoudite, cả Jordanie nữa, đều đem quân tiếp viện và hôm 18-10-1973 đã bị đại bại. Nhưng sự thực là Do Thái không chiếm Damas, mà đưa 15.000 cảm tử quân vượt kênh Suez chiếm miền phía Tây kênh Suez, trên đất Ai Cập phá các dàn hoả tiễn của Ai Cập, bao vây một quân đoàn Ai Cập, khiến Ai Cập lúng túng.
Chiến tranh lần này phát dữ dội cả trên không, dưới đất, ngoài biển. Nhưng các trận thuỷ chiến chỉ xảy ra ít ngày trong tuần đầu rồi không nghe nói tới nữa. Do Thái vẫn mạnh về không chiến: phi cơ F-4 Phantom của họ tốt hơn MiG-21 của Nga, phi công Do Thái chắc cũng giỏi hơn phi công Ả Rập; vì vậy Do Thái tận dụng ưu thế về không quản, để yểm trợ các hành quân dưới đất và áp đảo Ả Rập. Và họ đã thành công ở Syrie hơn là ở Sinai.
Ai Cập trái lại chỉ đưa ra một số ít phi cơ chiến đấu thôi nhưng tận dụng lợi thế về hoả tiễn tầm nhiệt Nga cung cấp cho, nhất là những hoả tiễn tối tân địa không SAM 6, và địa địa Sam 7 (như bazooka) mà hạ được nhiều phi cơ và chiến xa Do Thái, làm cho không lực Do Thái lần này không hoành hành như năm 1967 được nữa.
- Ngoài ra, phe Ả Rập còn dùng đòn kinh tế nữa: ngay từ ngày thứ nhì (7-10-1973) Iraq đã quốc hữu hoá hai công ty dầu lửa Mỹ; ít bữa sau Ả Rập Saudi cũng doạ như vậy. Các quốc gia dầu lửa Tây Á đã họp nhau ở Kowelt và ngày 17-10 -1973 quyết định ngừng xuất cảng dầu cho Mỹ và các quốc gia ủng hộ Do Thái, như vậy giá dầu sẽ tăng; ngay như Iraq cũng ủng hộ Ả Rập, tăng giả dầu lên 17%, khiến phương Tây bối rối. Hơn nữa, năm nước dầu lửa Ả Rập (Ả Rập Saudi, Lybie, Kuwait…) hứa giúp Ai Cập 1.230 triệu Mỹ kim để đánh giặc.
Dĩ nhiên, Do Thái cũng được đồng bào của họ ở Mỹ, Âu quyên tiền giúp.