Bài học Israel

Phần III: Quốc Gia Israël-Chương X

Docsach24.com

hính thể dân chủ

Trong bản tuyên bố Độc lập ngày 14-5-1968, có câu: “Quốc gia Israel sẽ xây dựng trên cơ sở tự do, công bẳng và hoà bình… Mọi công dân, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc, nam nữ, đều được hưởng sự bình đẳng hoàn toàn về các quyền lợi xã hội và chính trị. Quốc gia sẽ bảo đảm sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng (1), ngôn ngữ, giáo dục, văn hoá… Quốc gia đó sẽ tôn trọng các quy tắc của Hiến chương Liên Hiệp quốc”.

Vậy Israel là một nước dân chủ, tôn trọng mọi quyền căn bản như các nước dân chủ phương Tây.

Giáo dục cưỡng bách tới 16 tuổi và các bảo hiểm xã hội được tổ chức rất đàng hoàng, không kém các nước văn minh trên thế giới. Tôn giáo có cấm ngặt vài điều như sự kết hôn theo pháp luật, nhưng sau này chắc sẽ có sự thay đổi. Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội (Kenesseth) do dân bầu; Israel không có thượng viện như Anh, Pháp, Mỹ, Việt Nam. Quyền hành chính về tổng thống do Quốc hội để cử. Thủ tướng do tổng thống đề cử, đứng ra lập nội các và các bộ trưởng đều chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

 

Bầu cử

Công dân trai và gái, Israel cũng như Ả Rập, đủ 18 tuổi thì được bầu cử và đủ 21 tuổi thì được ứng cử vào Quốc hội. Nhưng một số người giữ các địa vị quan trọng bên hành chính, tư pháp, trong quân đội, trong tôn giáo như Viện trưởng viện Giám sát, Giáo trưởng, tham mưu trưởng, không được ứng cử. Các công chức, các sĩ quan, muốn ứng cử phải bỏ chức vụ ít nhất là một trăm ngày trước ngày bầu cử.

Đầu phiếu theo lối phổ thông, trực tiếp, kín và theo tỉ lệ nghĩa là không bầu cho một ứng cử viên mà cho một đảng phái, một chương trình.

Mỗi đảng được đưa ra một danh sách ứng cử viên tối đa là 120 người, tức số dân biểu trong Quốc hội; năm 1959, Israel có độ 2.250.000 người và có khoảng 1.275.000 cử tri; năm 1967, số dân lên giới khoảng 2.700.000 người. Nếu một đảng được 50% tổng số phiếu thì được 60 ghế ở Quốc hội; theo luật thì đảng nào có ít nhất là 1% số phiếu cũng có thể được chia ghế.

Vì một lẽ gì đó - chết hay từ chức - mà thiếu một dân biểu ở Quốc hội thì không cần bầu lại, người kế trong bản danh sách của đảng sẽ đương nhiên được lên thế.

Đảng chính trị

Năm 1962, ở Israel có 11 đảng chính trị:

Bảng Mapai, tức đảng công nhân Israel (thành lập năm 1930) chủ trương phục hồi Quốc gia Israel, xây dựng một xã hội theo các quy tắc dân chủ và xã hội, mong được sống hoà bình với các dân tộc Ả Rập, nhưng phải giữ vẹn toàn lãnh thổ: Đảng đó của Ben-Gurion, Moshé Dayan, Golda Meyerso (cũng gọi là Goida Mei), một nữ chiến sĩ hồi Israel mới thành lập làm bộ trưởng ngoại giao. Đảng có uy thế nhất trong nước, lần bầu cử nào cũng dẫn đầu, nhưng cũng chỉ chiếm được non nửa (40-47%) số ghế trong Quốc hội.

Đảng Hérouth thành lập năm 1948, thiên hữu, đối lập với chính phủ (năm 1962), đòi mở rộng lãnh thổ Israel cho tới khi phục hồi được biên giới thời cổ; bênh vực tự do kinh doanh. Đảng này được trên dưới 15 ghế trong Quốc hội.

Đảng Tự do thành lập năm 1961, số ghế lên xuống không đều, từ 21 đến 27 ghế.

Đảng Quốc gia tôn giáo, (chủ trương đúng với tên), số ghế trên dưới 15.

Đảng Mapam (đảng công nhân thống nhất thành lập năm 1947, có khuynh hướng xã hội, thiên tả muốn đoàn kết công nhân Israel và Ai Cập, xây dựng một nền hoà bình lâu dài ở Tây Á, trung lập trên khu vực tôn giáo. Số ghế khá vững (từ 15 tới 19), chưa thấy có cơ khuyếch trương. Trong Quốc hội, đảng đó liên kết với đảng Ả Rập.

Đảng Ả Rập được khoáng 4-5 ghế.

- Đảng Cộng sản (thành lập năm 1948) cũng được 4 - 5 ghế.

Các đảng khác nhỏ hơn, không có đường lối rõ rệt, ảnh hưởng không bao nhiêu.

Quốc hội - Chính phủ

Dân biểu được bầu trong một thời hạn là 4 năm, nhưng Quốc hội muốn tự giải tán để bầu lại lúc nào cũng được.

Quốc hội bầu Tổng thống. Tổng thống được ủy quyền trong năm năm. Tổng thống đầu tiên của Israel là Chaim Weizmann. Năm 1952, Weizmann mất, Quốc hội mời nhà bác học Einstein lúc đó ở Hoa Kỳ lên thay, nhưng Einstein tự xét không hợp với nhiệm vụ đó, đã từ chối vinh dự mà quốc dân muốn tặng ông. Quốc hội bèn bầu Ben-Zvi, ông này được bầu lại năm 1957. Trong chiến tranh 1967, tổng thống của Israël là F. Shazr.

Tổng thống đề cử một người trong Quốc hội để thành lập Nội các, tức thủ tướng. Thủ tướng đầu tiên của Israël là Ben-Gurion. Năm 1962, Nội các Israel gồm 16 bộ.

Quốc hội giữ quyền lập pháp, xem xét ngân sách, có thể tín nhiệm nội các.

Từ trước tới nay chưa có đảng nào chiếm già nửa số ghế trong Quốc hội, nên vài đảng cần liên kết với nhau để ủng hộ nội các và các nội các đều vững.

Tư pháp được độc lập, không bị các đảng phải chi phối, không bị hành pháp thao túng. Các vị thẩm phán, pháp quan không do thủ tướng đề cử, cũng không do quốc dân bầu lập mà do tổng thống đề cử theo ý kiến một Uỷ ban độc lập gồm Chủ tịch Tối cao pháp viện, bộ trưởng bộ tư pháp, một vị khác trong nội các, hai dân biểu trong Quốc hội và hai vị trong Hội đồng Luật sư.

Giám sát viện cũng có tính cách độc lập, do Tổng thống đề cử theo ý kiến của một Uỷ ban trong Quốc hội đại diện của mỗi đảng phái. Giám sát viện giữ quyền trong năm năm và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Quyền hành rất lớn: kiểm soát tất cả những chi tiêu của Chính phủ, sự thanh liêm, đắc lực của các nhãn viên chính phủ và kiểm soát các công ty quốc doanh hoặc có một phần vốn của chính phủ.

  • ° ° °

Tiếp thu và định cư các người hồi hương

Một sự kiện có ảnh hưởng rất lớn tới tình hình quốc tế sau một thế chiến vừa rồi là những đợt tản cư hàng triệu, chục triệu người ở phương Đông cũng như phương Tây. Tây Đức đã tiếp nhận mười ba triệu người di cư; ở Đại Hàn có chín triệu, ở Ấn Độ cũng có thoảng chín triệu, ở Phần Lan, ở Áo non nửa triệu, ở nước ta một triệu, ở Israel hơn một triệu.

Dưới đây là những con số trích trong cuốn “L’intégration des immigrants”(2) của Arthur Saul Suller (nhà xuất bản La Semaine Israelienne, 1965).

Năm 1882-1914 số người hồi hương định cư 50.000-70.000-

Năm 1919-1932 số người hồi hương định cư 126.340

Năm 1933-1939 số người hồi hương định cư 235.170

Năm 1940-1943 số người hồi hương định cư 29.504

Năm 1944 số người hồi hương định cư 15.552

Năm 1945 số người hồi hương định cư 15.259

Năm 1946 số người hồi hương định cư 18.760

Năm 1947 số người hồi hương định cư 22.098

Năm 1948 số người hồi hương định cư 118.984

Năm 1949 số người hồi hương định cư 239.076

Năm 1950 số người hồi hương định cư 159.405

Năm 1951 số người hồi hương định cư 173.901

Năm 1952 số người hồi hương định cư 23.275

Năm 1953 số người hồi hương định cư 10.347

Năm 1954 số người hồi hương định cư 17.471

Năm 1955 số người hồi hương định cư 36.303

Năm 1956 số người hồi hương định cư 54.925

Năm 1957 số người hồi hương định cư 71.100

Năm 1958 số người hồi hương định cư 26.093

Năm 1959 số người hồi hương định cư 23.045

Năm 1960 số người hồi hương định cư 23.643

Năm 1961 số người hồi hương định cư 46.650

Năm 1962 số người hồi hương định cư 59.600

Năm 1963 số người hồi hương định cư 62.156

Năm 1964 số người hồi hương định cư 52.456

Năm 1954, dân số miền Nam Việt Nam vào khoảng 9-10 triệu, tiếp thu một triệu đồng bào di cư, mà đã lúng túng. Dân Do Thái năm 1948-1949 chỉ có khoảng 700.000, đương còn phải chiến đấu với Ả Rập, mà phải tiếp thu khoảng 340.000 đồng bào (bằng nửa dân số); hai năm sau lại tiếp thu thêm 300.000 nữa, như vậy là trong có 4 năm dân số tăng lên gấp đôi, từ 700.000 lên tới 1.500.000; ta thử tưởng tượng nhà cầm quyền hồi đó đã phải gặp bao nhiêu nỗi khó khăn. Tới 1946, tổng số người Do Thái hồi hương là trên một triệu.

Một khó khăn rất lớn là những người Do Thái hồi hương thuộc đủ các quốc gia, ông David Catarivas trong cuốn “Israel” (sách đã dẫn) đã làm một bảng liệt kê: chỉ trừ có Zanzibar, còn nước nào trên thế giới cũng có Do Thái hồi hương về Israel. Họ thuộc đủ các nền văn minh, nói đủ các ngôn ngữ có đủ tập quán, phong tục, vậy mà cùng tụ họp nhau ở Israel, làm sao hiểu nhau, tránh hết mọi xích mích; chính quyền làm sao kiếm công ăn việc làm cho họ, hướng dẫn, giáo dục họ để mau thành một dân tộc thống nhất có một ngôn ngữ chung.

Tôi chỉ xin kể một thí dụ. Từ ba ngàn năm nay, dân Do Thái ở Yemen, sống nhờ Ả Rập, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, vẫn giữ đúng phong tục tổ tiên, vẫn học tiếng Hébreu, không biết máy in là cái gì, phải chép tay Thánh kinh để dạy lẫn nhau. Khi nhà cầm quyền Yemen ra lệnh bắt trẻ Do Thái mồ côi để bắt chúng cải giáo, bỏ đạo Do Thái mà theo đạo Hồi, thì người Do Thái nào biết mình sắp chết, cũng lập tức cho gả cưới con, dù chúng chỉ mới vài ba tháng, để chúng thành gia thất, thành “người”, không phải là trẻ mồ côi, mà khỏi bị nhà cầm quyền Ả Rập bắt.

Họ lạc hậu đến nỗi thấy xe hơi là hoảng hốt tưởng nó là quái vật bị ma quỉ điều khiển; thấy nữ y tá chích thuốc là thét, khóc lóc. Vậy mà nhà cầm quyền Israel cũng phải tìm cách chích thuốc ngừa bệnh cho họ trước khi đưa họ lên máy bay về Israel. Người ta phải moi trong Thánh kinh một câu hay vài chữ nào, xuyên tạc ý nghĩa đi rồi giảng cho họ rằng trong thánh kinh đã có dạy phải chích thuốc, họ mới chịu đi cho chích: Họ không tin y sĩ, không tin khoa lọc, chỉ tin Thánh Kinh. Thánh kinh có cho phép làm thì mới được làm, những con người như vậy mà sống chung với những kỹ sư, luật sư Anh, Pháp, Đức…, thì gây ra biết bao vấn đề.

Máy bay đã sẵn sàng cất cánh, mới họ lên, họ khăng khăng từ chối, bảo “Chúa dạy ngày Sabbat không được làm một việc gì cả: tại sao máy bay dám bay?”. Thế là máy bay phải đợi họ. Có một phụ nữ đẻ trên phi cơ đương bay. Họ nhốn nháo cả lên, đốt lửa sưởi ấm nữa mới khổ cho chứ.

Xuống sân bay ở Israel, mỗi người trong bọn họ chỉ có một bọc quần áo và một ve nước; phải đưa họ tới những chỗ tạm cư, tập cho họ làm quen với lối sống hiện đại.

Vụ hồi hương bắng phi cơ đó, người Israd gọi là công tác “Bức thảm bay” (Tapis magique) ở thế kỷ XX, và những người hồi hương cho hành trinh đó là “cuộc hành trình cuối cùng của kiếp lang thang”.

Một người trong bọn họ ghi lại cảm tưởng như sau: “Chúng tôi đương sống trong cảnh đày ải và đợi ngày được Cứu tội mà không biết bao giờ nó đến. Một người trong bọn tôi đi tới kinh đô rồi về báo cho chúng tôi: “Có một quốc gia ở Israel. Chúng tôi không biết tin đó có đúng không. Ngày tháng trôi qua, không có tin tức, dấu hiệu gì nữa. Rồi tin đồn lại tăng lên. Nhiều người từ xa về bảo chúng tôi: “Ở Israel có một ông vua”. Sau đó họ lại tới bảo: Có một đạo quân ở Israel, một đạo quân anh dũng. Sau cùng họ tới và bảo: Có chiến tranh ở Israel, những đau khổ đó bảo rằng Chúa Cứu thế sắp ra đời”. Chúng tôi vẫn ở trong cảnh đày ải, không biết rằng những tin đó có đúng không. Chúng tôi vẫn mong được cứu tội và nóng ruột làm sao (…) Thế rồi một hôm, một mật thư của sứ giả tới: “Đứng dậy, anh em ơi! đứng dậy, giờ đã điểm. Non sông chúng ta đợi các con cái về xây dựng lại những cảnh đổ nát, trồng trọt lại những chỗ bỏ hoang mà cứu rỗi cho non sông và cho chúng ta”.

“Chúng tôi bán hết nhà cửa, đồ đạc… Chúng tôi đem theo những cuốn Thánh pháp và các đồ vật thiêng liêng. Và chúng tỏi sửa soạn thức ăn thức uống để lên đường. Và từ khắp nơi ở Yemen từng bọn người đó tới, nóng lòng muốn thấy đất Israel… Tới nơi người ta gom chúng tôi vào một trại lớn gần châu thành… Chúng tôi nằm la liệt trên cát, từng gia đình một, nóc nhà là vòm trời, bão cát hất tung lên, và chúng tôi cầu nguyện cho cuộc “aliya” (Aliya có nghĩa là lên. Người Do Thái không nói “về” Israel mà nói “lên” Israel như ta nói thượng kinh (lên kinh đô) vì cho Israel là đất cao quí hơn cả các nơi khác. Đi xứ khác, họ bảo là “xuống”) của chúng tôi: “Ước gì cánh chim đại bàng đưa chúng tôi về xứ! Và chúng tôi được bay bổng lên trên không”.

Con chim đại bàng đó là phi cơ của hãng Near East Air Transport (Hãng Hàng Không Cận Đông). Và những con người chất phác chưa bao giờ thấy chiếc xe đạp đó, vui vẻ, tin tưởng bước lên phi cơ, vì trong Thánh kinh đã có câu: “Trên cánh con chim đại bàng, Ta đã đưa các con về với Ta”.

Từ 1948 đến 1960 người Do Thái ở khắp nơi về Israel thành năm đợt.

Đợt đầu từ khi tuyên bố Độc lập cho tới đầu năm 1950, đương chiến tranh mà họ ùn ùn đổ về (341.000 người), phần lớn là những người thoát khỏi cảnh diệt chúng ở châu Âu, rồi tới Do Thái Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, cả Trung Hoa nữa (5.000).

Một phần lớn chiếm những nhà Ả Rập bỏ trống (Ả Rập vì chiến tranh mà phải tản cư), một phần ở tạm trong lều hoặc các căn nhà tiền chế. Một số xung phong ra mặt trận hoặc giúp đỡ trong quân đội, còn thì làm lung ở hậu phương.

Sau khi đình chiến, tình trạng thất nghiệp hoá ra nan giải: chính quyền phải kiếm công việc cho họ làm: sửa chữa nhà cửa, đường sá, xây cất, khẩn hoang…

Đợt thứ nhì, năm 1951-1952 cũng vẫn đông. Người ta phải cấp tốc xây dựng những “làng nấm” (nhà thấp nhỏ, giống nhau, ở trên nhìn xuống như một đám nấm) ở ngoại ô các châu thành và tại những nơi đương phát triển. Họ bắt đầu tự tổ chức đời sống, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền.

Đợt thứ ba, số hồi hương giảm xuống, mỗi tháng chỉ còn khoảng 1.200 người (năm 1949, có hồi mỗi ngày phải tiếp thu hàng ngàn người), chính quyền gởi cán bộ lại dạy dỗ họ: dạy tiếng Hébreu, dạy nghề, nhất là nghề nông. Tới giữa năm 1954, tình trạng đã ổn định.

Đợt thứ tư, từ 1954, vì những biến cố xảy ra ở Bắc Phi, số hồi hương lại tăng lên. Chính phủ không đủ tiền, phải hạn chế: cho vô trước những người nào mà đời sống lâm nguy (như bị các nước khác trục xuất, nghi kị), rồi những gia đình nào có một người có nghề đủ sống; còn những người đau ốm tàn tật mà không có thân nhản cấp dưỡng nổi thì không được tiếp nhận. Người ta đưa ngay những người mới vô tới một nơi họ có công việc làm liền.

Đợt thứ năm, từ 1956 gồm những Do Thái ở Ai Cập (vì có chiến tranh Israel - Ai Cập) và Hungary (sau cuộc nổi loạn ở Hungary tháng 10-1956). Người ta gom những người cùng một xứ, cùng một nền văn hoá, để tránh mọi sự xích mích.

Những cuộc hồi hương đó gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền nhưng cũng rất có lợi cho Israel, vì người bao giờ cũng tạo ra của cải, một số người Do Thái ở phương Tây còn đem của cải về xứ sở nữa.

Một triệu hai trăm ngàn người hồi hương đã đem sức ra xây dựng Israel trong các xưởng máy, các trại ruộng (điều đáng chú ý là họ không ưa vô các Kibboutz), các trường học, và trong năm 1967 nhờ họ một phần lớn mà Israel đã chiến thắng được khối Ả Rập. Nếu lúc đó Israel không có được trên hai triệu người thì làm sao có thể động viên được 300.000 người để đưa ra ba mặt trận.

Số người Do Thái ở Israel hiện nay vào khoảng hai triệu bảy mà trong số Do Thái trên thế giới vào khoảng hai chục triệu (3) non mười triệu ở Hoa Kỳ và Canada, phần lớn đại phú, giúp đỡ cho đồng bào của họ ở Israel được rất nhiều, về phương diện tài chính cũng như về phương diện ngoại giao vì họ có địa vị cao trong các nước đó; ba triệu Do Thái ở Nga vì tình hình chính trị, cách biệt hẳn với Do Thái ở Israel (hình như chính quyền Nga không cho họ về Israel); ở Pháp và Anh có hết thảy độ một triệu Do Thái, Còn thì rải rác ở khắp các nước trên thế giới.

Đa số những người Do Thái còn ở ngoại quốc đó không muốn về Israel (trừ khi nào có một biến cố lớn như cuộc diệt chủng ở Đức trong thế chiến vừa rồi (điều này chắc không xảy ra được nữa): và như vậy cũng hay cho Israel, vì nếu họ đòi về cả thì không đất đâu để chứa cho hết.

 

Người Ả Rập hồi hương

Ngoài trên một triệu người Do Thái hồi hương còn phải kể một số người Ả Rập hồi hương nữa.

Tổng số họ với những người Ả Rập không tản cư trong chiến tranh 1948-1949 lên giới 180.000.

Theo Hiến pháp, họ được coi như bình đẳng về mọi phtrơng diện với người Do Thái, không bị kỳ thị về chủng tộc, tôn giáo, nhưng tình cảnh của họ cũng rắc rối và thật khó xử.

Họ là công dân Israel, nhưng cố nhiên, làm sao quên được những đồng bào của họ ở bên kia biên giới, ở Jordanie, Gaza, Syrie, Liban. Có nhiều gia đình một nửa ở Israel, một nửa phiêu bạt ở các quốc gia Ả Rập. Họ phải nhìn những đất đai nhà cửa của đồng bào họ, bà con họ, vì tị nạn bỏ lại mà bị Do Thái chiếm cứ, khai khẩn, nhìn những giáo đường của họ bị tàn phá hoặc bỏ hoang thì lòng nào mà không chua xót? Một số giới Do Thái biết điều, nhân từ, che chở thương hại họ, càng làm cho họ thêm tủi. Mà số đó rất ít, đa số đều nghi kị, khinh bỉ họ. Cho nên luôn luôn họ có mặc cảm tự ti. Họ áp dụng phương pháp làm việc của các người Do Thái, mức sống của họ cao hơn đồng bào họ ở các xứ láng giềng; họ được tổ chức hợp tác xã nghiệp đoàn, được bầu cử, thành lập đảng phái, có ghế trong Quốc hội, và trong Quốc hội, đảng Cộng sản thường bênh vực họ, nhưng họ không được nhập ngũ, và trong những thời chiến tranh giữa Israel và Ả Rập, họ càng thấy bứt rứt, tủi nhục, bị nghi kị làm gián điệp, phản quốc gia đương nuôi họ. Mà nếu không phải là phản Israel thì cũng là phản Islam. Lại thêm cái nỗi ở Israel, luật pháp bắt hôn lễ phải làm ở nhà thờ, vậy là cấm Do Thái kết hôn với Ả Rập là kỳ thị chủng tộc chứ còn gì nữa? Sự sung sướng về vật chất của họ càng làm cho lòng họ thêm bị dằn vặt.