Bài học Israel

Chương XII

Docsach24.com

ibboutz - một cộng đồng tự do

Ngay từ khi loài người biết suy nghĩ, chắc đã có những người bất mãn về xã hội, thấy đời là vô lý dù ngu độn hay thông minh thì sống cũng chỉ để lo miếng ăn, kẻ xấu số thì đầu tắt mặt tối cũng không đủ đút miệng, kẻ may mắn thì có dư rồi day tay mắm miệng tranh giành nhau, cướp đoạt của nhau để tích luỹ mà chết rồi thì hết, hoặc gặp một thời loạn như thời này thì chỉ trong nháy mắt là ra khói cả; mà khổ một nỗi, không tích luỹ cũng không được, có xã hội nào bảo đảm được tương lai cho con người đâu, khi đau ốm, già nua, có trông cậy vào ai được đâu. Cho nên dân tộc có tinh thần hợp tình hợp lý nhất, thực tế nhất, dân tộc Trung Hoa, mà hai ngàn rưởi năm trước đã có người mơ ước một xã hội lý tưởng, nào là: đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công (Nho), nào là: tiểu quốc, quả dân… an kỳ cư lạc kỳ tục (Lão). Cảnh Đào nguyên của Đào Tiềm chắc cũng ở trong một xã hội lý tưởng như vậy.

Người phương Tây có tinh thần quá khích nhất, tuy rất trọng môn lý luận mà lạ thay, hành động lại thường phi lý nhất, có những mộng tưởng phi lý nhất. Trong cuốn Au pays de l'utopie, tác giả mà tôi quên mất tên (Henri Mendras), chịu tìm tòi trong không biết bao nhiêu sách, thu thập được cả trăm cái mộng kiến tạo xã hội của các triết gia, văn nhân phương Tây từ thượng cổ tới nay, mỗi xã hội một khác nhưng xã hội nào cũng hoàn toàn bình đẳng, hoàn toàn tự do, hoàn toàn an lạc, vĩnh viễn không có chiến tranh, mà tác giả cho là l’utopie: không tưởng.

Nhưng thế nào là không tưởng? Đâu là biên giới giữa thực tưởng và không tưởng. Mộng lên cung trăng đã hết thành không tưởng. Thay tim, thay thận cũng đã hết thành không tưởng, rồi đây muốn sanh trai hay gái tuỳ ý, cũng sẽ hoá ra thực tưởng. Vậy thì không tưởng chỉ là cái gì thời này không thực hiện được mà một thời khác sẽ thực hiện được.

Huống hồ một vài xã hội không tưởng đó đã có thực rồi nữa. Mười năm trước người ta đã tìm được những Bản viết tay ở bờ Tử Hải, trong các hang ở sa mạc Judée. Và người ta thấy những bản viết tay đó ghi chép đời sống trong cộng đồng Essénien (một giáo phái Do Thái ở đầu kỷ nguyên) đúng như một triết gia Do Thái, Philon - cũng ở đầu kỷ nguyên - đã viết: “… Vậy trước hết, không có một nhà nào là tư hữu của ai, không có nhà nào không phải là nhà của mọi người; vì không những họ sống chung với nhau thành giáo đoàn, mà nhà cửa của họ còn tiếp đón những đạo huynh cùng một giáo phái từ nơi khác tới nữa… Lại thêm chỉ có mỗi một quỹ chung cho mọi người tiêu pha chung: quần áo chung; thức ăn chung: họ còn có thói ăn chung bàn với nhau nữa. Cái tục ở chung một nhà, sống chung một lối, ăn chung một bàn đó không thấy ở đâu thực hiện được hoàn hảo như ở đó, và nguyên do như vậy: mỗi ngày họ nhận được bao nhiêu tiền công thì họ không giữ làm của riêng mà đặt ở trước mặt mọi người để ai muốn tiêu thì cứ lấy mà tiêu… Người nào đau ốm thì không vì lẽ không sản xuất được mà không được săn sóc; phí tổn thuốc thang cứ lấy trong quĩ chung. Người già cả cũng được kính trọng và săn sóc…”.(1)

Những người Do Thái thành lập các Kibboutz đầu tiên (2) không biết có đọc đoạn đó không, điều chắc chắn là họ được chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhiều nhà xã hội châu Âu ở thế kỷ XIX và có mộng phục hồi quốc gia Israel. Lại thêm tình thế bắt buộc nữa, khi rời đất Nga, Ba Lan trốn đời sống tủi nhục, mạo hiểm tới Palestine, chung quanh xa lạ, ngôn ngữ bất đồng, muốn tồn tại được họ phải gom những phương tiện nhỏ nhoi của nhau lại, đoàn kết với nhau để đối phó với mọi sự bất trắc xảy ra thường ngày, lý do đó đã giúp họ tạo được những Kibboutz mỗi ngày một phát triển.

Một Kibboutz là một cộng đồng gồm vài trăm người có nhà cửa đất cát, trại ruộng, như một lảng nhỏ. Mấy nguyện tắc căn bản là:

- Làm việc chung.

- Ăn uống chung, tiêu pha chung.

- Mọi người bình đẳng.

Mọi người lớn đều phải làm việc: hoặc làm ruộng hoặc làm việc vặt, hoặc một công việc sản xuất nào khác của Kibboutz. Có một số người lãnh việc chỉ huy, tổ chức công việc, phân phối cho mọi người. Họ do hội nghị chung của Kibboutz đề cử và không người nào được lãnh hoài một nhiệm vụ, phải thay phiên nhau, để mọi người được bình đẳng.

Cộng đồng lo thoả mãn các nhu cầu của mọi người. Ăn trong một phòng chung. Phòng, đồ đạc trong phòng, quần áo, do cộng đồng cung cấp. Cách phân phối rất bình đẳng, ai cũng như ai, những người chỉ huy không được ưu đãi hơn người khác. Trẻ con nuôi chung trong những nhà cất riêng cho chúng có phòng ăn, phòng ngủ, lớp học. Buổi chiều, sau giờ làm việc chúng về chơi với cha mẹ, ngày sabbat (thứ bảy) chúng sống với cha mẹ.

Đàn bà không phải lo săn sóc nhà cửa, giữ con cái. Họ phải làm việc mà cộng đồng chỉ định, thường là nấu bếp, giặt giũ, trông nom trẻ ở nhà chung của chúng.

Hội nghị chung có tính cách rất quan trọng: mọi việc lớn đều do hội nghị quyết định. Không phải ai xin vô Kibboutz cũng được. Phải tập sự một thời gian đã, hết hạn rồi hội nghị chung mới xét xem nên cho người đó gia nhập hay không.

Vậy về nguyên tắc là mọi người trong Kibboutz đều bình đẳng. Nhưng sự bình đẳng không có tính cách toán học, máy móc. Nếu một người trong Kibboutz có cha mẹ anh em ở ngoài gởi cho ít đồ đạc hoặc mới nghỉ hè đi chơi thì không thể vì nguyên tắc bình đẳng cấm người đó hưởng những cái đó được. Một người khéo tay trang hoàng cho phòng của mình đẹp, không thể bắt người đó cũng trang hoàng như vậy cho các phòng khác để cho được “bình đẳng”. Nhưng có điều Kibboutz theo chính sách này: người nào đã được bà con họ hàng cho một món quà rồi chẳng hạn một máy thu thanh, thì tới khi Kibboutz phân phát máy thu thanh chung cho mọi người, người đó không được nhận thêm nữa. Dĩ nhiên nếu Kibboutz đã phân phát rồi bà con mới gởi tặng thì người đó vẫn được nhận.

Khi Đức bồi thường chiến tranh, có người được bồi thường nhiều, có người được bồi thường ít. Người ta giải quyết như sau: người được bồi thường nhiều có quyền dùng một phần số tiền (3) để trang hoàng phòng riêng hoặc đi du lịch, thăm bà con, còn thì bỏ vào quĩ chung. Có người nhận được hàng vạn bảng Israel( Mỗi bảng bằng 50 đồng tiền VN hiện nay 1973) mà cũng đem nạp vào quỹ. Rất ít người vì được số tiền đó mà bỏ Kibboutz ra ngoài sống.

Trong Kibboutz cũng có giai cấp: “giới” hội viên kỳ cựu và “giới” hội viên mới vô. Lại có giới chỉ huy nữa vì mặc dầu nguyên tắc là phải thay phiên nhau, những người có tài, có công tâm thường được mọi người giữ lại. Nhưng những giới đó không được hưởng một lợi vật chất nào cả, nên giai cấp trong Kibboutz khác xa giai cấp ở ngoài. Vả lại chính những người chỉ huy có tài thường nhũn nhặn, muốn có người khác thay mình để họ tập việc nên thường từ chối khi được bầu lại.

Nhưng còn tự do cá nhân có được tôn trọng không? Không ai bắt buộc phải vào Kibboutz cả, nhưng một khi đã sống chung thì dĩ nhiên phải bỏ bớt ý riêng của mình đi. Có những công việc mà người nào cũng phải thay phiên nhau làm, không được lấy lẽ rằng minh là học giả, là nghệ sĩ mà không làm.

Tuy nhiên người nào cũng phải ăn những món như nhau, mặc những quần áo như nhau, điều đó cũng làm cho mất thú ít nhiều, cho nên trong các Kibboutz đã có khuynh hướng để cho mọi người được tự ý lựa chọn tuỳ theo sở thích.

Nhiều bà mẹ cũng muốn có thì giờ để săn sóc cho chồng con kỹ lưỡng hơn; tâm lý đó rất tự nhiên, nên trong nhiều Kibboutz người ta đã “phụ nữ hoá” lại phụ nữ rút bớt công việc khác cho họ để họ săn sóc gia đình. Trẻ trước kia buổi chiều lại chơi với cha mẹ vài giờ rồi về nhà chung của chúng để ngủ; ngày nay người ta cho chúng ở lại với cha mẹ suốt đêm; như vậy chúng được gần gũi cha mẹ còn hơn nhiều trẻ em châu Âu mà cha mẹ đều có công việc làm ở ngoài.

Mỗi Kibboutz thường chỉ gồm vài ba trăm người, không kể trẻ em, không thể thành một tổ chức tự túc về mọi phương diện được nên các Kibboutz phải liên hiệp với nhau thành những tổ chức lớn hơn.

Có ba liên hiệp chính: Iholzd Hokevoujsoth Vehakibboutzim (Liên hiệp các làng cộng đồng), Hakibboutz Hameouhad (Kibboutz hợp nhất) và Hakibboutz Haartsichel Hachomer Hatsair (Kibboutz quốc gia của phong trào Hachomer Hatsair), mỗi liên hiệp gồm trên 25.000 người. Liên hiệp thứ nhất có khuynh hướng xã hội của đảng Mapai, liên hiệp thứ nhì có khuynh hướng thiên tả hơn, nhưng chủ trương đoàn kết; liên hiệp thứ ba có chủ trương mác-xit, đứng về phe đối lập.

Vậy khuynh hướng, chung là thiên tả. Lẽ đó dễ hiểu.

Các liên hiệp đó có quĩ riêng đo mỗi hội viên đóng góp. Liên hiệp có thể giúp đỡ tài chánh cho một Kibboutz, gởi cố vấn kỹ thuật tới để nghiên cứu cách phát triển, lại mở các dưỡng đường, hợp tác với các trường đại học trong nước để mở thêm lớp đào tạo nhân tài, hợp tác với Bộ Giáo dục mở các trường sư phạm đào tạo giáo viên về dạy trong Kibboutz. Bộ Giáo dục kiểm soát các trường đó cũng như các trưởng tiểu học, trung học trong các Kibboutz.

Liên hiệp còn ra báo, mở nhà xuất bản, tổ chức các buổi hoà nhạc, diễn kịch, lo cả công việc mua bán, chuyên chở, lập xưởng máy, nghĩa làm tất cả các hoạt động nào mà Kibboutz vì nhỏ quá không thể tự lực làm được một cách hiệu quả.

Năm 1961, số dân trong các Kibboutz là 26% tổng số dân thôn quê của Israel, nghĩa là khoảng 4% tổng số dân Do Thái trong nước. Sức sản xuất về nông nghiệp của họ bằng 28% sức sản xuất trong nước, sức sản xuất kỹ nghệ bằng 5-6%, cộng hết tất cả được 12% tổng số sản xuất của quốc gia.

Nhiều tác giả trong số có ông Joseph Klatzmann cho rừng Kibboutz sẽ đứng ở mức đó không phát triển mạnh hơn được nhưng cũng không thụt lùi.

Đây một Kibboutz: Maagan Mikhael

Để độc giả hiểu rõ cách tổ chức và đời sống trong một Kibboutz, tôi xin lược thuật dưới đây một chương trình về Kibboutz Maagan Mikhael của ông Joseph Klatzmann, ông sở dĩ lựa Kibboutz đó vì nó có những đặc điểm của nông nghiệp Israel.

Cơ sở Kibboutz Maagan Mikhael ở gần bờ biển phía nam Haifa, do những người Do Thái Đông Âu hồi hương thành lập năm 1949. Nó ở trong liên hiệp Hakibboutz Hameoubad.

Diện tích: 500 héc-ta. Dân số: gần 600 người.

Trong số 600 người đó, có:

- 220 người là hội viên, (20 người ở trong quân đội), 30 người tập sự để xin gia nhập.

- 230 trẻ em, con của hội viên - cha mẹ của hội viên.

Còn lại một số là trẻ em ở ngoài lại đó ăn học (cha mẹ chúng trả tiền) một số thiếu niên 17 tuổi lại đó tập việc (được trả lương, nhưng Kibboutz giao tiền cho cha mẹ họ) và một số nữa là các thanh niên do một tổ chức hồi hương gởi lại học hành và tập sự một ít lâu. Tuy đất không rộng mà nhà cửa cũng không cất sát nhau, lại có bãi cỏ đẹp mắt. Mỗi nhà có hai phòng, phỏng tắm riêng, đồ đạc trang nhã.

Phòng ăn chung rộng lớn, chứa được 300 chỗ ngồi. Vậy mọi người không thể cùng ăn một lúc được; nhưng cũng không chia ra nhiều nhóm, ăn vào những giờ nhất định. Ai muốn ăn lúc nào thì cử vô ăn rồi ra, như trong một khách sạn. Phòng sáng sủa, treo nhiều hình đẹp, vì là một chỗ quan trọng, còn dùng làm chỗ hội họp, hoặc để tổ chức các buổi lễ nữa.

Trẻ em có nhà riêng. Chúng họp nhau thành từng lớp tuổi. Như mọi Kibboutz khác, bên cạnh nhà của trẻ có hầm trú. Maagan Mikhael ở cách biên giới 15 cây số, nhiều Kibboutz khác ở ngay sát biên giới.

Quản trị

Đời sống ở đây có tinh cách dân chủ. Như trong hầu hết các Kibboutz, chiều thứ bảy có cuộc hội họp chung, chỉ hội viên mới được dự. Mọi vấn đề hôm đó đem ra thảo luận. Hội đồng bầu ban quản trị. Ở đây có lệ bắt buộc phải thay đổi nhân viên quản trị. Hai năm ở trong ban quản trị rồi thì phải ra làm các công việc canh nông. Chỉ riêng viên giám đốc kinh tế, chủ ngành khai thác là có thể lưu nhiệm tới ba năm hoặc trên nữa.

Dĩ nhiên không phải ai cũng có khả năng quản trị, chỉ nên chỉ có một số ít người thay phiên nhau được bầu. Nhưng điều này đáng chú ý là những người được bầu thường là nông dân hơn là hạng người chỉ huy.

Bên cạnh ban quản trị có nhiều Uỷ ban cũng do Hội đồng bầu. Họ vẫn giữ công việc hàng ngày mà kiêm thêm công việc trong Uỷ ban.

Ban quản trị cũng như các Uỷ ban phải làm việc nhiều, lo lắng nhiều mà không được hưởng một chút lợi vật chất nào cả. Họ thường bị chỉ trích, phải lãnh nhiều trách nhiệm nên nhiều người không thích nhận chức vụ, chỉ muốn sống đời yên ổn của một hội viên thường.

Đời sống một gia đình

Hai vợ chồng đều phải làm việc trọn ngày, nghĩa là từ tám tới chín giờ mỗi ngày; thường thường đàn ông lãnh công việc đồng áng, đàn bà lãnh công việc trong “nhà” (“nhà” đây không phải là nhà của họ mà là Kibboutz, chẳng hạn công việc giặt giũ, quét dọn, nấu nướng cho Kibboutz).

Giờ làm việc thay đổi tuỳ theo mỗi công việc. Như công việc đồng áng mùa hè thường bắt đầu từ năm giờ rưỡi tới trưa rồi từ hai giờ tới bốn giờ rưỡi chiều. Vậy là chín giờ, nhưng được nghỉ nửa giờ để ăn sáng, còn lại tám giờ rưỡi, kể cả giờ đi từ trại đến chỗ làm việc. Những người làm ở vườn chuối hơi xa một chút, không kể thời gian đi tới chỗ còn phải làm việc thực bảy giờ một ngày. Tuỳ trường hợp, mà vợ chồng cũng ăn bữa trưa với nhau không, nhưng bữa chiều thì luôn luôn họ ăn chung. Quang cảnh phòng ăn bữa chiều khác bữa trưa; trưa họ bận đồ làm việc mà ăn; chiều họ thay quần áo, bận sơ mi trắng, không nhận ra được họ là nông dân.

Con cái không sống chung với cha mẹ. Bốn giờ rưỡi hay năm giờ chiều, làm việc xong, cha mẹ lại đón chúng về phòng riêng chuyện trở vui chơi với nhau vài giờ, đôi khi chúng lại phòng ăn để cùng ăn chung với cha mẹ.

Trong những giờ vợ chồng con cái được gặp nhau, họ hoàn toàn được nghỉ ngơi. Người mẹ khỏi phải làm gì cả. Cảnh cha mẹ chơi với con cái từ năm tới bảy giờ chiều là cảnh vui vẻ làm cho người nào tới thăm Kibboutz cũng đặc biệt chú ý tới. Ngày sabbat, trẻ cũng về ở với cha mẹ. Những ngày giờ đó họ thật thanh thản, khỏi lo lắng, bận bịu một chút gì cả. Đến tối cha, mẹ mới đem trẻ về phòng ngủ chung của chúng.

Kibboutz lo cho họ đủ mọi mặt. Họ muốn có một chiếc ghế dài để nằm trên bãi cỏ trước nhà ư? Cứ lại hỏi nhân viên coi về việc đó. Nếu Kibboutz có phương tiện thì sẽ cung cấp cho họ. Kibboutz đã có thể lệ để thay đổi các đồ đạc của hội viên.

Sinh hoạt xã hội khá thân mật. Tối tối, nhiều gia đình lại chơi với nhau, vì vậy Kibboutz đã xây thêm cho mỗi nhà một cái bếp nhỏ để họ nấu trà. Cứ lại nhà bếp chung mà xin bánh, trái cây về đãi khách.

Kibboutz Guivat Haim còn thêm một thứ xa xỉ này nữa: có một quán cà phê để buổi tối hội viên lại nói chuyện với nhau, ăn bánh, hút thuốc, đọc báo. Dĩ nhiên khỏi phải trả tiền.

Mỗi Kibboutz có một phỏng sách. Những tủ sách ở trong nhà mỗi người có phần đáng kể hơn.

Nhà này thích đọc tiểu thuyết, nhà kia thích đọc sách kinh tế, kỹ thuật… Mỗi người một ý. Những làm sao họ có những sách riêng đó? Mỗi hội viên được lãnh mỗi tháng một số tiền để tiêu vặt, họ có thể mua sách hoặc mua đồ chơi cho con, phần nhiều là mua đồ chơi cho con, mỗi hội viên được hưởng một món quà ngày sinh nhật của mình, họ có thể yêu cầu Kibboutz tặng họ sách. Sau cùng họ có thể nhận sách của bà con bạn bè ở ngoài gởi tặng.

Sinh hoạt chính trị rất cao: Hầu hết các hội viên đều cùng vào một đảng. Họ họp nhau để bầu người trong Kibboutz đi dự một cuộc tranh cử vào Quốc hội. Các hội viên có chung một khuynh hướng chính trị thì mới dễ sống chung với nhau, nhưng không bắt buộc mọi người phải cùng vào một đảng.

Có trường hợp một hội viên trong Kibboutz cưới một người vợ ở một Kibboutz khác, thuộc một đảng khác. Nhưng như trên chúng tôi đã nói, các Kibboutz đều có khuynh hướng thiên tả, chỉ khác thiên nhiều hay ít, nên họ vẫn có cảm tưởng cùng ở trong một đại đoàn thể. Một hội viên ở Kibboutz Hagocherim bảo: “Tôi thấy tôi gần gũi với một hội viên một Kibboutz thuộc đảng khác, hơn là gần gũi một chủ quán tạp hoá ở Jérusalem cùng ở một đảng với tôi”.

Trẻ em

Người ta thường nói: “Trẻ em là vua trong Kibboutz”. Lời đó đúng. Trong Kibboutz người ta săn sóc trẻ em rất kỹ vì muốn đào tạo một thế hệ mới, một hạng người mới có một lối sống mới. Vì vậy người ta luôn luôn thí nghiệm, cải thiện phương pháp giáo dục.

Trẻ một tuổi thì thường thường người ta dùng tới hai người vú (nurse) để săn sóc sáu trẻ. Có nơi dùng hai người để săn sóc bốn trẻ thôi.

Người ta cho trẻ sống chung với nhau, xa cha mẹ, không phải chỉ để cho mẹ được rảnh rang làm việc cho Kibboutz mà còn vì lẽ muốn cho chúng tập thói sống chung từ nhỏ và khỏi thấy những xích mích giữa cha mẹ. Nhưng trong nhiều Kibboutz khác, người ta thấy như vậy không có lợi cho tâm lý sinh lý đứa trẻ - không một người vú nào âu yếm trẻ bằng chính mẹ của chúng, mà có được yêu chúng mới thông minh, mau lớn, khoẻ mạnh cho nên người ta cho trẻ tối về ngủ với cha mẹ, như vậy chỉ trong những giờ làm việc của cha mẹ, chúng mới phải xa cha mẹ thôi.

Đời sống chung của chúng tổ chức đàng hoàng. Chúng gần như có một Kibboutz riêng: phòng ăn, phòng tắm, phòng học, phòng chơi, sân chơi riêng, đôi khi cả hồ tắm riêng nữa. Trung bình cứ năm em có một người lớn săn sóc. Người ta tập cho chúng tự lo lấy các vấn đề của chúng. Có nơi người ta cho chúng một trại riêng để chúng trồng trọt, nuôi gà vịt. Tuổi chúng lớn lên thì chúng lại qua một nhà khác. Chúng “lên nhà” cũng như lên lớp.

Những người săn sóc chúng đều được huấn luyện kỹ lưỡng trong những trường Sư phạm của các Liên hiệp Kibboutz. Có lớp đào tạo những giáo viên cho các trẻ khó tính và những trẻ đó cũng được học trong những lớp riêng.

Khi trẻ được bốn tuổi, người ta cho chúng vào vườn trẻ ở trong Kibboutz. Người ta dạy chúng hát múa, vẽ, nặn, tập thể dục, tưới cây, nuôi gà.

Lên tiểu học, cứ hai chục hay hai mươi lăm trẻ được giao phó cho một giáo viên dạy chúng luôn mấy năm cho hết ban tiểu học để tránh sự đổi thầy mà người ta cho là không có lợi cho giáo dục. Chúng tập dần dần làm lấy mọi việc, mới đầu có một “người chị cả” chỉ huy và một số thiếu niên giúp sức. Cũng được học thêm về canh nông, coi sóc mỗi trại nhỏ, vừa làm việc tinh thần vừa làm việc tay chân.

Lên trung học chúng thường phải lại trường của một Kibboutz khác, vì vài ba Kibboutz mới có một trường trung học chung. Lớp học chỉ gồm 10 đến 20 học sinh. Mỗi ngày học sáu giờ, và ngày nào cũng có giờ cho công việc tay chân. Chương trình vẫn theo sát chương trình của chính phủ, nhưng vẫn thiên về thực nghiệp. Ở các lớp trên, người ta phân biệt ba ngành: canh nông và sinh vật học; văn học và xã hội học; toán học và vật lý.

Trẻ em nào hết ban tiểu học cũng được lên trung học. Không cho điểm, hoặc cho mà không coi điểm là quan trọng, không phạt, cũng không bắt ở lại. Nếu một em nào theo một cách khó khăn thì giáo sư sẽ giảng thêm cho ở ngoài giờ học. Trường không dạy để thi bằng cấp tú tài của chính phủ. Em nào muốn thi để lên đại học thì phải học thêm một năm nữa. Đã có nhiều học sinh lên đại học đã tỏ ra xuất sắc.

Trai gái học chung với nhau từ nhỏ đến lớn. Cho tới 14 tuổi chúng ngủ chung phòng với nhau nữa, mười lăm tuồi chúng mới ngủ riêng. Chúng thấy vậy có lợi: con trai ít thô lỗ mà có thứ tự hơn; con gái hoá nghiêm trang hơn, ít nói chuyện phiếm.

Người ta nhận thấy rằng thanh niên trong các Kibboutz không phạm pháp, không truỵ lạc và ít có mặc cảm hơn thanh niên ở ngoài.

Phong trào Kibboutz tới nay đã được trên năm chục năm, nên tại một số Kibboutz, thế hệ thứ ba đã tới tuổi thành nhân rồi. Tám chục phần trăm trẻ sanh trong Kibboutz, lớn lên tự ý ở lại Kibboutz.

Kết quả đó đáng gọi là khả quan vì thời đại chúng ta ai cũng ham ra tỉnh ở, mà những thanh niên tới tuổi trưởng thành, phải đi quân dịch hai năm rưỡi, làm việc trong một Kibboutz mới thành lập một năm nữa, tổng cộng xa Kibboutz non 4 năm, mà vẫn không bị đời sống ở ngoài cám dỗ.

Nhiều người lớn vì nhiệm vụ phải làm việc ở ngoài Kibboutz mà vẫn nhớ đời sống Kibboutz. Thủ tướng Ben-Gurion chẳng hạn, khi rời chính trường trở về sống ở Kibboutz. Một số người trách rằng giáo dục ở Kibboutz hơi thiếu kỷ luật, để cho trẻ tự do quá, trình độ lại thấp, nên kéo dài ban trung học thêm một năm nữa. Sau cùng phí tổn quá nặng: giáo viên, giáo sư đều là hội viên trong Kibboutz không lãnh lương, nếu phải mướn giáo chức ở ngoài thì khó có Kibboutz nào trả lương nổi (4).

Vài vấn đề khó khăn

Xét chung tình hoà hảo trong Kibboutz khá cao, người ta coi nhau là “đồng chí”, thân thiết với nhau hơn người ngoài, chẳng hạn hơn những công chức trong một sở ở Tel Aviv. Nhưng khi mấy trăm người sống chung với nhau thì không sao tránh khỏi những sự xích mích. Đau đớn nhất là trường hợp những cặp vợ chồng li dị nhau. Thường thường một trong hai người phải bỏ Kibboutz mà đi nơi khác. Nếu cả hai cùng ở lại trong Kibboutz, một người tục huyền, một người tái giá thì thật tội nghiệp cho bầy trẻ.

Kibboutz rất thận trọng khi chấp nhận một hội viên mới. Ngay những thanh niên sinh trưởng trong Kibboutz mà cũng không đương nhiên được thu nhận, phải có Hội đồng xét rồi bỏ phiếu, đủ phiếu (không rõ bao nhiêu) nới được coi là hội viên chính thức. Nếu họ không được chấp nhận thì tình cảnh họ ra sao, không thấy Joseph Klatzmann nói tới.(5)

Mặc dầu thận trọng như vậy, vẫn không tránh khỏi được có vài kẻ làm biếng. theo nguyên tắc người ta có thể trục xuất họ, nhưng ít khi người ta nỡ dùng biện pháp đó. Và những kẻ lười biếng đó luôn luôn làm cho những hội viên siêng năng bất bình.

Vấn đề tế nhị nhất là vấn đề hướng nghiệp trẻ em. Kibboutz bao giờ cũng mong chúng ở lại vì ít khi kiếm được người ngoài để thay hội viên già cả hay quả vãng. Vì vậy người ta huấn luyện chúng cho thành nông dân; chỉ một số ít trẻ được học các ngành khác như giáo dục, kỹ thuật (nếu Kibboutz có xưởng). Nhưng nếu một em có khiếu về âm nhạc về hội hoạ, về khoa học thì làm sao? Không thể bắt chúng cày ruộng được, phải cho chúng học những trường ở ngoài, lên đại học, và thường thường chúng đi rồi thì đi luôn, rất ít khi chúng làm việc ở ngoài mà vẫn còn làm hội viên ở Kibboutz. Mà những trẻ đó có phải do cha mẹ chúng nuôi nấng đâu, do cộng đồng đảo tạo, cho nên cha chúng không có quyền đưa ý kiến, còn những hội viên, không phải là cha mẹ chúng thì dĩ nhiên chỉ nghĩ tới cái lợi của Kibboutz, bảo: “Cho nó lên đại học làm gì? Mình cần người cày ruộng mà!” Thực khó làm thoả mãn mọi người được. Chắc chắn là có nhiều thanh niên nếu ở ngoài thì được học ở đại học mà ở trong Kibboutz thì hết trung học phải làm ruộng, suốt đời ở trong Kibboutz, ít khi được tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Xu hướng biến hoá

Khi Kibboutz mới thành lập, đời sống khó khăn, mức sống còn thấp, cái gì cũng là của chung, ngay đến áo sơ mi cũng là của chung nữa, nghĩa là có sẵn một số áo đó, áo dơ thì cứ việc lại lấy mà thay, không phân biệt áo này của tôi hay của anh.

Đến lúc mức sống đã khá cao thì tự nhiên người ta nghĩ đến việc phân phát một số đồ dùng riêng: áo quần riêng, bàn tủ riêng, máy thu thanh riêng… Mới đầu có nhiều phản kháng cho như vậy là trái nguyên tác cộng đồng, nhưng rốt cuộc người ta cũng phải chấp nhận.

Dần dần người ta lại cho hội viên tự do lựa chọn nữa, tôi có quyền có áo sơ mi riêng, thì xin cho tôi một chiếc bằng thứ hàng này, màu này, cắt theo kiểu này; hoặc cho tôi xin máy thu thanh của hãng này hãng nọ. Tới một mức nữa, người ta xin có một số tiền để mua kiểu áo, kiểu máy thu thanh nào tuỳ ý. Và Kibboutz phân phát cho mỗi người một số “bon” (6)- dĩ nhiên là đồng đều nhau để muốn lựa gì thì lựa.

Một cải biến nữa như trên đã nói, là cho trẻ về ngủ với cha mẹ suốt đêm, và hiện nay đương có xu hướng “phụ nữ hoá” lại phụ nữ, bớt công việc ở ngoài cho họ để có thì giờ chăm sóc chồng con.

Như vậy cũng đã bỏ hơi xa các quy tắc hồi đầu rồi đấy, và nhiều người đã tự hỏi không biết sau này Kibboutz có biến thành những mochav chitoufi không?(7)

Hoạt động kinh doanh

Kibboutz trước hết là một tổ chức kinh doanh cho nên muốn biết một Kibboutz có thành công hay không, không thể xét riêng những hoạt động xã hội, tức lối sống cộng đồng, như hầu hết các nhà viết về Israel thường làm, mà còn phải xét những hoạt động kinh doanh nữa.

Nhiều người ngờ rằng hội viên trong một Kibboutz vì không được có tư sản, không có tư lợi kích thích, làm việc không hăng hái, không có hiệu năng, thành thử lối kinh doanh đó không có lợi, không phát đạt bằng một xí nghiệp của một tư nhân, một công ty, mà cũng không ích gì nhiều cho quốc gia như một xí nghiệp quốc hữu hoá, vì chính quyền không được quyền kiểm soát chặt chẽ.

Ông Joseph Klatzmann đã phân tích kỹ các hoạt động kinh doanh của Kibboutz Maagan Mikhael, ở đây tôi chỉ xin đưa ra những kết luận của ông.

Kibboutz đó có những ngành hoạt động dtrởi đây:

- Trồng lúa

- Trồng các cây ăn trái, nhiều nhất là chuối

- Nuôi gà

- Nuôi ngựa

- Nuôi bò ăn thịt, vắt sữa

- Nuôi cá

- Đánh cá biển

Tổng cộng trong năm 1959-60 có hết thảy 77.000 ngày (8), phân phối như sau:

- Sản xuất: 30.000 ngày làm

- Công việc ở ngoài: 2.000 ngày làm

- Dịch vụ cho người lớn: 10.500 ngày làm

- Dịch vụ cho trẻ em: 21.500 ngày làm

- Nghỉ, đau: 8.000 ngày làm

- Hoạt động công cộng: 4.000 ngày làm

- Nghiên cứu: 1000 ngày làm

______________________

Cộng 77.000 ngày làm

Vậy nếu không kể những ngày không hoạt động và những ngày để nghiên cứu thì còn lại 68.000 ngày hoạt động, trong đó có:

- 36.000 ngày làm tức 53% dùng vào hoạt động sản xuất.

- 32.000 ngày làm tức 47% dùng vào các dịch vụ mà các dịch vụ cho trẻ em tốn công gấp 2 dịch vụ cho người lớn.

Như vậy Kibboutz có tốn công nhiều quá cho trẻ em không? Chưa chắc vì trong các gia đình nông dân Pháp hay Việt Nam, số giờ săn sóc trẻ em, chưa ai tính kỹ, làm thống kê chứ cũng cao lắm; chỉ khác họ dùng vào việc đó những người không sản xuất được: trẻ lớn trông trẻ nhỏ, ông bà săn sóc cháu.

Ngay các hội viên trong Kibboutz cũng phân vân về điểm đó, có người bảo nên giữ hiện trạng, có người đề nghị để cha mẹ săn sóc lấy con cái thì có lẽ lợi hơn. Người ta chỉ đồng ý với nhau rằng trẻ trong Kibboutz được săn sóc kỹ lưỡng lắm. Đó là một kết quả đáng kể.

Về dịch vụ cho người lớn thì lối sống chung trong Kibboutz rõ ràng là tiết kiệm được nhiều thì giờ (một phụ nữ lo việc ăn được cho hai chục người) và hội viên ngoài giờ làm việc, được rảnh rang, khỏi phải lo gì về việc nhà cả. Kết quả đó rất đáng kể nữa.

Về việc sản xuất, ông Klatzmann bảo sức sản xuất mạnh đấy, nhưng tốn kém quá, nhưng đó không phải là nhược điểm của riêng các Kibboutz, nó là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp Israel. Vấn đề ấy chính quyền Israel chắc đương nghiên cứu.

Kết quả lời rất ít:

Năm 1960-61 thu được 1.928.000 (bảng Israel), thì:

- Tiêu vào việc sản xuất 800.000

- Phí tổn chung: 82.000

- Trừ dần vào vốn: 222.000

- Trả tiền lời: 161.000

- Mọi chi tiêu cho Kibboutz: 615.000

___________________________

Cộng: 1.880.000

Lời được: 48.000

Tính ra Kibboutz chi tiêu năm đó cho mỗi hội viên là 1.100 bảng Israel, khoảng 50.000 Mỹ kim (năm 1968), trên 4.000 Mỹ kim một tháng. Số đó không cao nhưng chúng ta chưa kết luận được rằng như vậy mức sống của Kibboutz kém. Hội viên có nhà ở đàng hoàng (dĩ nhiên khỏi trả tiền mướn), con cái được nuôi nấng, dạy dỗ kỹ lưỡng, họ có trà, bánh trái cây tha hồ dùng, mức sống của họ có phần còn hơn nhiều gia đình nông dân ở Pháp.

Kết luận.

Rốt cuộc, sau khi cân nhắc các ý kiến của ba nhà:

- Clara Malraux, một người Do Thái, tác giả cuốn “Civilisation du Kibboutz”

- David Catarivas, tác giả cuốn “Israel”(tôi đoán cũng là Do Thái) tác giả cuốn Israel.

 Joseph Klatzmann giáo sư trường École Pratique des Hautes Etudes (Paris), một người có công tâm, có tinh thần khoa học, tôi có thể kết luận như sau:

Kibboutz thành công về phương diện xã hội; tuy hội viên gặp vài điều khó khăn trong đời sống xã hội (tính tình xung khắc nhau, kẻ siêng bực mình về kẻ làm biếng, thanh niên không được tự do lựa nghề theo khả năng của mình) nhưng hễ sống chung thì không sao tránh hết được mọi sự bất tiện, mà đời sống trong Kibboutz so với đời sống ở ngoài vẫn dễ dãi hơn, bình đẳng hơn, thân mật hơn, có ý nghĩa hơn.

2. Không phải vì thiếu kích thích tư lợi mà hội viên trong Kibboutz không làm việc đắc lực. Điều này rất dễ hiểu: họ tự gia nhập cộng đồng, hầu hết họ đều có tinh thần phục vụ cả; mà Kibboutz lại lựa người cho gia nhập một cách gắt gao, vô rồi mà tư cách không đàng hoàng thì vẫn có thể bị trục xuất; như vậy những người còn lại đều là hạng trên mức trung hết. Lại thêm vì cách tổ chức công việc, cách phân công nên năng suất của họ thường cao hơn ở ngoài.

Vả lại ta có thể tin rằng một khi Kibboutz thịnh vượng, mức sống cao lên nhu cầu vật chất và tinh thần của họ được thoả mãn đầy đủ, (chẳng hạn, ai cũng có máy thu thanh, máy vô tuyến truyền hình, có sách báo, đĩa hát, được đi du lịch mỗi năm ít tuần…) thì họ bớt có tinh thần ham muốn về tư hữu, ai cũng như ai, có thiếu thốn gì đâu mà ganh tị?

Hội viên mỗi ngày có thêm khuynh hướng cá nhân, điều này đúng… Một số người đã không muốn ăn chung mà muốn đem thức ăn về phòng riêng. Họ cũng thích có một phòng tắm riêng, bận những quần áo theo sở thích của họ (nhất là phụ nữ). Như vậy thực ra không nhải là tinh thần tư hữu mà là tinh thần cá nhân (vì họ không đòi có nhiều tiền của hơn, được hưởng nhiều hơn những người khác, không nghĩ tới việc để của cho con cái), và tinh thần cá nhân đó trái hẳn với nguyên lắc cộng đồng của Kibboutz thời nguyên thuỷ, đã làm cho Ben-Gurion thở than, cho rằng các hội viên Kibboutz đã sa đoạ.

Nhưng bao giờ mà chẳng vậy, xứ nào mà chẳng vậy khi thành công về vật chất, về kinh tế thì tự nhiên tinh thần chiến đấu kém đi. Nga Sô bây giờ tiểu tư sản hoá rồi. Quốc gia Israel ngày nay đã vững, ngày nào họ không cần lo về phía Ả Rập nữa thì nhất định họ cũng sẽ như người Pháp, người Anh, người Mỹ. Không thể bắt cả mấy triệu dân đều là anh hùng hết, anh hùng suốt trong mấy thế hệ, anh hùng một cách vĩnh viễn được. Cái đó không hợp tình hợp lý. Anh hùng tính nhất định là đáng quý, nhưng chỉ quý vì nó tạo hạnh phúc cho mọi người, khi nó không cần thiết cho hạnh phúc nữa thì nó hết nhiệm vụ. Hạnh phúc vẫn là mục đích tối hậu của nhân sinh.

4. Vì vậy mà hiện nay có một số người tách ra: từ 6 đến 10%; theo Joseph Klatzmann, số đó tới 20% mà đều là con cháu của các tiên khu cả.

Chưa tác giả nào phân tích tâm lý họ, tìm hết thảy các nguyên nhân rồi làm thống kê theo từng nguyên nhân một, có lẽ vì muốn vậy phải phỏng vấn nhiều người mà ít người chịu nói thực.

Chúng ta chỉ có thể đoán rằng họ ra đi:

- Vì lúc tới họ nhiệt tâm chiến đấu để thành lập Israel, xong rồi, họ thấy không cần phải hy sinh thêm nữa, muốn sống tự do hơn.

- Vì họ không tự biết rõ mình, tưởng có thể sống đời cộng đồng, sau thất vọng vì đời đó không hợp với họ.

- Vì xích mích với ít nhiều hội viên khác, Vì sau một cuộc li dị, một trong hai người đi nơi khác (trường hợp này hiếm).

- Vì tinh thần trong Kibboutz chưa thật bình đẳng như họ muốn, vài nơi vẫn có giai cấp, nhưng nhiệm vụ quan trọng vẫn gần như cha truyền con nối (theo Clara Mallaux), và có những “hội viên thứ sáu” nghĩa là mỗi tuần sống năm ngày phè phỡn ở Jérusalem, Tel Aviv, chỉ thứ sáu mới về Kibboutz như người Âu, Mỹ đi nghỉ cuối tuần.

Nhưng lỗi có thực về Kibboutz không?

Những kẻ hưởng những quyền lợi đó được Hội đồng chung đề cử kia mà; ai có đủ khả năng thì cũng có thể được đề cử. Trái lại cũng có một số hội viên vì nghề nghiệp phải sống ở Tel Aviv, Haifa (chẳng hạn một y sĩ chuyên về bệnh ngoài da, bệnh cuống họng thì trong Kibboutz đâu có đủ bệnh nhân để họ chữa nhưng kiếm được bao nhiêu đem về nộp quỹ Kibboutz hết, Kibboutz chỉ phát cho họ một số tiền để chi tiêu ở đó thì theo mức sống trong Kibboutz. Những người đó thật đáng phục.

- Có lẽ còn một nguyên do nữa: một số người không thích đời sống công chức thảnh thời, không phải lo lắng trong Kibboutz dẫu được bảo đảm về vật chất; họ muốn mạo hiểm, may hưởng rủi chịu, thích xông pha, chiến đấu với xã hội (không nhất định vì ham lợi đâu), cho đời sống trong Kibboutz như nước ao tù nên đòi ra ngoài. Số này có lẽ không ít: sự mạo hiểm hấp dẫn người ta mạnh lắm.

Mặc dầu vậy hiện nay Kibboutz rất vững. Nó không phát triển mạnh như hồi đầu; cứ theo nhân số, có hồi gồm 7% số dân Do Thái ở Israel, nay chỉ còn khoảng 4%, nhưng xét cho kỹ thì tỉ số người trong Kibboutz cũng có tăng, tuy không bằng tỉ số dân Israel, như vậy là có lùi đấy, lùi chậm. Những người Do Thái hồi hương sau này không thích vô Kibboutz như hồi đầu, họ thiếu tinh thần tranh đấu, họ hồi hương để hưởng lạc trước hết, do đó số người xin gia nhập Kibboutz không đủ bù số người bỏ ra ngoài.

Tóm lại hiện nay không lập thêm được Kibboutz mới, nhưng các Kibboutz cũ vẫn đứng được và sẽ biến chuyển dần dần mỗi ngày một xa những quy tắc chặt chẽ hồi đầu, xa tới đâu thì chúng ta không biết được.

Các nước khác có lập Kibboutz được không?

Nhiều người cho rằng tổ chức Kibboutz chỉ có thể xuất hiện ở Israel được thôi, các nước khác không thể áp dụng nó được vì nó được thành lập để giải quyết những vấn đề đặc biệt của Israel trước và sau khi lập quốc, mà những vấn đề đó không có ở các quốc gia khác.

Tunisie, năm 1960 đã tạo một tổ chức nông súc ở thung lũng Medjerda, gồm ba mươi thanh niên, hết thảy ở trong đảng quốc gia. Họ sống chung, làm việc chung y như trong một Kibboutz, chỉ khác viên quản lý là một người ở ngoài.

Năm 1963 ông Klatzmann chưa thể xét kết quả của nhóm đó được. Nhưng ông nghĩ rằng tại các nước khác, chỉ trong những trường hợp đặc biệt - như có nguy cơ chung, có một nhóm người tinh thần quốc gia, tinh thần chiến đấu rất cao - mới có thể thành lập các Kibboutz mà có kết quả.

Thiếu những hoàn cảnh đặc biệt đó thì chỉ nên thành lập các Mochav Ovedim.

Chú thích:

1 - David Catarivas trích rồi dịch, đem dẫn trong cuốn Israel (Petite Planète) 1960 - trang 24

2 - Kibboutz số nhiều là Kibboutzim.

3 - Tới mức nào, thì tôi chưa thấy sách nào nói tới.

4 - Đoạn về giáo dục này chúng tôi tham khảo cuốn Civilisation du kibboutz (sách đã dẫn) và cuốn Le Kibboutz của Moshé Kerem trong loại Israel aujourd 'hui Jerusalem, 1963.

5 - Có sách bảo hội vie6nnào muốn ra thì được đem theo các đồ đạc trong phòng và có nơi còn được tặng thêm một số tiền nữa.

6 - Bon: tiếng Pháp là phiếu

7 - Coi ở đoạn dưới.

8 - Chúng tôi phân biệt: công nhật là tiền công trả cho một ngày làm việc, ngày làm trái với ngày nghĩ, và ngày thực sự làm việc, lại khác với ngày làm.