“ang năm về Jerusalem!”
Vì mất tổ quốc, phải lang thang, phiêu bạt khắp nơi mà không ở đâu được yên ổn, tới đâu cũng bị kỳ thị, hắt hủi, trục xuất, hành hung, chém giết, nên lòng tư hương của người Do Thái trong non hai ngàn năm nay không lúc nào nguôi.
Dù ở Paris, Berlin, Moscow, London, New York hay ở Vienne, Varsovie, Prague, Bonn, Bagdad, Istambul… người Do Thái bao giờ cũng hướng về Jérusalem trong khi đọc kinh. Mỗi ngày ba lần, họ cầu nguyện: “Xin Chúa cho chúng con được thấy cái ngày Chúa trở về Sion trong tình chí nhân của Chúa!”. Mỗi ngày ba lần, sau bữa ăn, dù chỉ là ăn những cơm thừa canh cặn của một phú gia hoặc húp một miếng cháo lỏng trong những ghetto những hồi bị tàn sát, họ vẫn không quên ơn Chúa đã cho họ có miếng ăn và cho tổ tiên họ “cái xứ đẹp đẽ mênh mông, cái phúc địa ở Israel”. Họ cầu nguyện Chúa thương Jérusalem, thương Sion, và thương họ, dắt họ về Đất Chúa.
Những ngày lễ lớn, người Do Thái nào cũng khấn: “Vì chúng con có tội lỗi nên Chúa đầy chúng con ra khỏi quê hương, ôi Chúa của chúng con, Chúa của tổ tiên chúng con, xin Chúa chí nhân, chí từ nhủ lòng thương chúng con mà đưa những kẻ phiêu bạt khắp nơi về quê hương chúng con: xin Chúa gom tất cả những kẻ bị đầy khắp bốn phương trời lại Sion, lại Jérusalem nói có đền thờ của Chúa”. “Sang năm về Jérusalem!”. Lòng kiên nhẫn và tin tưởng của họ thật cảm động.
Đọc lịch sử dân da đen ở Mỹ, ta thấy những lời ca, điệu hát của họ ai oán bi thương hơn tiếng giun tiếng dế, nó làm cho não lòng đến mức phải vùng dậy, bứt rứt không yên, mà cái tâm sự tư hương của họ dù mới có vài thế kỷ nay, cái cảnh ô nhục của họ so với thân phận người Do Thái chưa thấm vào đâu.
Tâm sự người Do Thái còn bi đát hơn nhiều. Tháng giêng ở châu Âu, giữa cảnh tuyết rơi băng đóng mà họ ăn lễ Tân Niên ở Israel, ăn những trái cây khô mọc bên bờ sông Jourdain. Họ cầu mưa không phải là cầu cho nơi họ ở, mà cho Đất Thánh của họ; ở Nam bán cầu, các mùa đều ngược với Bắc bán cầu, mà họ vẫn cầu nóng lạnh, mưa nắng cho Israel ở Bắc bán cầu. Có nhũng người không bao giờ được thấy Israel, chỉ nghe tổ tiên nói, chứ càng không biết nó nằm ở đâu trên bản đồ thế giới nữa, mà tới mùa gặt ở Israel, cũng làm lễ, như chúng ta làm lễ cơm mới, rồi cũng cầu nguyện, nhảy múa, ca hát, chúc nhau “Sang năm về Jérusalem!”.
Israël tức Palestine, thành một xứ trong mộng, một Thiên đường trong óc họ: “Một kẻ ngu dốt mà ở Israël thì cũng có tài đức hơn một vị Đại tu, lễ sống ở ngoài Israël” “Kẻ nào chỉ mới đặt chân lên Israel thì chết cũng được lên Thiên đường”.
Theo Thánh kinh, ngày Sabbath (có sách viết là Sabat, hoặc Chabath) tức ngày thứ bảy, cấm không được buôn bán, nhưng nếu mua nhà cửa, đất cát ở Palestine thì vẫn được. Người nào không được sống ở Đất Thánh thì cũng mong chết ở đó, và nếu không được chết ở đó thì lại mong xác mình sẽ được “lăn dưới đất tới thung lũng Cédron” gần Jérusalem, hoặc cái sọ mình gối lên một túi nhỏ đựng một nắm đất ở Palestine.
Trong mọi mùa từ khắp nơi trên thế giới, từng đoàn người Do Thái dắt nhau hành trang ở Jérusalem, quì xuống khóc nức nở ở di tích duy nhất của đền Salomon, tức bức tường phía Tây, vì thế bức tường đó có tên là bức tường than khóc (Mur des Lamentations).
Đền bị Titus phá năm 70 sau Tây lịch, chỉ còn lại mảnh tường đó. Dưới thời đô hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, người Do Thái được phép tới đó cầu nguyện nhưng không được mang tới đó một đồ đạc nào cả. Vì người ta ngại họ sẽ dần dần dựng một cái gì như một cái bàn thờ hay đền, miếu nhỏ chẳng hạn.
Một hôm, vào năm 1929, họ mang tới một bức bình phong để ngăn cách hai phe nam nữ: Chỉ có vậy mà gây một cuộc đổ máu kinh khủng: 133 Do Thái và 116 Ả Rập chết ở chân tường.
Ngày 7 tháng giêng năm 1949, người ta hoạch định biên giới, Israel và Jordanie, biên giới này cắt Jérusalem làm hai. Bức tường than khóc nằm ở khu vực Jordanie nên Do Thái không được tới đó cầu nguyện, nữa. Nhưng trong chiến tranh Do Thái - Ả Rập năm 1967, quân Do Thái chiếm được Jerusalem và tướng Do Thái Moshe Dayan hoan hỉ cùng với quân đội tới chiêm ngưỡng bức tường.
Những người được diễm phúc hành hương ở Jérusalem, về kể chuyện lại cho người khác nghe, càng tưới thêm dầu vào lòng bừng bừng muốn hồi hương của họ. Những kẻ bị giam trong các ghetto, các mellah ở Âu, ở Á, lại càng tưởng tượng thêm cảnh Thiên đường ở Đất Thánh, và lời ca não nuột của họ lại văng vẳng lên trong ngõ hẻm, trên đồng có trên bờ sông:
Trên bờ sông Babylone
Chúng tôi ngồi khóc than
và nhớ Sion!
Những phong trào trước Herzl
Ôi quê hương! Nhớ quê biết bao, mong được về lắm, nhung dễ gì mà được. Đã cả chục đời lập nghiệp ở xứ người, không lẽ mỗi lúc mà bỏ hết sản nghiệp lại, lên đường về Sion, cho nên mặc dầu năm nào cũng chúc nhau “Sang năm về Sion!” mà trong non hai ngàn năm người ta vẫn không dự định một kế hoạch thực tế nào để về Sion.
Nhưng khi bị tàn sát, hành hung, một số phẫn uất dắt vợ con về Sion, nhưng số đó rất hiếm, và một khi họ đi rồi thì gần như bặt tin, kẻ chết giữa đường không tới nơi, kẻ tới nơi thì cũng khốn đốn và ai cũng thấy về Sion đúng là về “chầu tổ”. Cho nên cái ngày về Sion chỉ có trong giấc mơ và trong những lúc cầu nguyện. Với lại người ta vẫn còn tin ở Thánh kinh: Các đấng Tiên tri đều báo trước rằng sẽ có một ngày xứ Israel được trả lại cho Dân tộc mà Chúa đã hứa, và lúc đó mật ong và sữa sẽ tràn trề trong thung lũng Jonrdain, trai gái sẽ chen vai thích cánh nhau trên đường phố Jérusalem.
Phần đầu, tức phần báo trước sự tàn phá Jérusalem, cảnh lưu đày của Do Thái, đã đúng, thì phần sau về sự hồi hương, lẽ nào lại không đúng? Vậy thì cứ kiên nhẫn đợi cái ngày dân tộc được Chúa gom lại. Lạy Chúa, xin Chúa thương chúng con, chúng con bao giờ cũng xin tuân ý chỉ của Chúa”.
Nhưng lâu lâu lại có vài kẻ không tin ở Chúa, muốn cưỡng bách Chúa thực hiện sự hồi hương cho mau mau. Họ tự xưng hoặc được tín đồ gọi là Đấng Cứu Thế. Họ đi khắp nơi, rất thuộc Thánh kinh, hiểu biết rất rộng, và tín đồ phục họ là có thuật thần thông. Họ là Moise ở Crète thế kỷ V, là Serenius ở Syrie thế kỷ VII, là David Alroy ở Bagdad, thế kỷ XII, là Salomon Molho, là Sabbetai, Tsevi, vân vân… Khi họ xuất hiện thì dân tộc Do Thái lại hy vọng ngày hết khổ của mình sắp tới, nhưng các đấng Cứu thế đó đã chẳng cứu được ai cả mà có đấng còn cải giáo theo Hồi giáo hoặc Ki-tô giáo nữa và người ta lại thất vọng, thất vọng mà vẫn hi vọng, mong có một đấng cứu thế chân chính khác ra đời.
Cũng có người thật tình thương thân phận của đồng bào, như phái Hassidim ở Trung Âu, dạy cho họ ca vũ, để vui sống mà chịu nổi mọi nỗi bất công đợi lúc được Chúa tha tội.
Một số khác - trong số này có cả những người theo Ki-tô giáo hoặc không theo một đạo nào có lòng trắc ẩn mà lại có tinh thần thực tế, lập kế hoạch để đưa các người Do Thái về Palestine: người thì nghĩ xin Giáo hoàng can thiệp, người thì tính đút lót vua Thổ Nhĩ Kỳ; người lại khuyên Do Thái góp tiền mua đất ở Palestine. Họ viết báo, in những tập nho nhỏ gởi các vị đại thần, các sứ thần ở khắp các nước châu Âu, trình bày những lý lẽ xác đáng để cho người Do Thái vê Palestine: chính quyền đã không ưa người Do Thái thì nên cho họ đi, chứ giữ họ làm gì; Vua Thổ Nhĩ Kỳ chẳng ham gì miếng đất Palestine cằn cỗi, cháy khô đó chắc chịu bán cho Do Thái một giá rẻ, Do Thái về đó chẳng làm hại gì ai cả và sẽ khai thác thành một miền phong phủ. Thi sĩ Pháp Lamartine mấy lần du lịch miền Đất Thánh về, cũng viết sách hô hào người ta trả lại đất cho Do Thái.
Chính Bonaparte lúc ở Saint- Jean d’Acre cũng nghĩ rằng có thế tái lập quốc gia Do Thái ở Palestine.
Thi sĩ Anh Byron được thấy sự tái sinh của quốc gia Hy Lạp, than thở cho dân tộc Do Thái “khổ hơn những con thú không có hang”.
Qua thế kỷ XIX, thế kỷ của tinh thần quốc gia, nhiều nhân vật quan trọng cho việc tái lập quốc gia đó là dễ thực hiện: Disraeli, Shaftesbury, George Eliot ở Anh; Warder Cresson ở Mỹ; Alexandre Dumas - con ở Pháp; Jean Henri Dunant (nhà sáng lập hội Hồng Thập Tự quốc tế) ở Thuỵ Sĩ; Moses Hess (bạn thân của Karl Marx) ở Đức… Họ viết sách, viết báo, diễn thuyết khuyến khích người Do Thái hồi hương và yêu cầu các chính phủ ủng hộ phong trào.
Hội “Hovévé Tsione” (Hội những người yêu Sion) được thành lập. Những sinh viên Do Thái ở Nga thất vọng vì bị hạn chế việc học hành, và lâu lâu bị khủng bố, gây phong trào Bilou (tên ghép những chữ đầu mỗi tiếng trong một câu thơ Hebreu cổ, có nghĩa: Gia đình Jacob, lên đường đi, và chúng ta khởi hành, nào!). Một số người, một số cơ quan giúp tiền của và năm 1856, người Do Thái lập được mấy vườn cam đầu tiên ở Palestine; năm 1870, họ dựng được một trường canh nông đầu tiên ở Mikvé Israel nữa. Năm 1882, Léo Pinsker, viết cuốn “Tự giải phóng” khuyên người Do Thái tự tạo lấy vận mạng cho mình. Họ hiểu vậy lắm, cũng gắng sức lắm, lập được vài làng ở Palestine, nhưng về phương diện kinh tế thì họ thất bại. Họ thiếu kinh nghiệm, thiếu cả phương tiện mà đất đai chỗ thì khô cháy, chỗ thì úng thuỷ, họ bị bệnh rất nhiều. Chủ ngân hàng, tỉ phú Edmond de Rothschild mua đất cho họ, giúp vốn họ, phái cả người qua chỉ bảo cho họ, nhờ vậy họ tạm sống được.
Tóm lại phong trào được nhiều người giúp đỡ về mọi phương diện: tinh thần tài chánh, nhưng không phát triển mạnh được. Còn thiếu sự khích động mãnh liệt, thiếu một người lãnh đạo.
Sự kích động đó là vụ án Dreyfus và vị lãnh đạo là Théodore Herzl.
Vụ án Dreyfus
Năm 1894, ở Paris xảy ra vụ án làm sôi nổi dư luận châu Âu. Kẻ bị kết án là một sĩ quan Do Thái tên là Anfred Dreyfus. Bộ Quốc phòng Pháp ngờ Dreyfus do thám cho Đức, gởi những tài liệu quân sự bí mật cho Đức và toà án xử ông ta bị tội đầy.
Dân chúng hay tin đó phẫn nộ, hô hào “Diệt tụi Do Thái!”. Ông Dreyfus một mực kêu oan, bảo rằng mình vô tội. Nét mặt ông khi ra toà thật thảm thương, chân thành, lảm cho một số người động lòng trắc ẩn, trong số này có một vị nguyên lão nghị viên tên là Scheurer Kestner và văn hào Emile Zolr.
Zolr thấy chứng cớ không đủ vững, tin rằng Dreyfus vô tội, can đảm viết một bài bất hủ nhan đề “J’accuse” (Tôi buộc tội) để buộc chính phủ phải xét lại vụ đó. Dư luận sôi nổi vì một số người cho rằng Dreyfus bị xử oan chỉ vì ông ta là Do Thái và chính quyền làm như vậy tức là tỏ ra rằng vẫn có tinh thần kỳ thị Do Thái.
Thế là ở Pháp nổi lên hai phe: một phe bài xích Do Thái, một phe bênh vực. Bài “J’accuse” được dịch ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu, đăng lên nhiều từ báo làm cho khắp châu Âu ngó về nước Pháp. Nhà cầm quyền Pháp sau đành phải đưa vụ đó ra xử lại ở toà án quân sự Rennes: lần này án được giảm xuống mười năm cầm cố (1899). Bảy năm sau có đủ tài liệu chứng thực rằng Dreyfus vô tội, toà phải đem xử lại và tha bổng cho Dreyfus, nhưng sau mười hai năm bị oan uổng, tủi nhục, ông hoá ra con người bỏ đi.
Dreyfus có ngờ đâu chính nỗi bất công ông phải chịu đã làm thay đổi hẳn một người đồng chủng của ông, làm cho người từ một ký giả tầm thường hoá ra một danh nhân, đóng một vai trò quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử thế giới. Ký giả đó là Théodore Herzl, sinh ở Budapest năm 1860.