Khách sạn Royalton được Starck sửa lại cách đây nhiều năm nhưng trông vẫn luôn rất hợp thời. Không khí nơi này thật tối giản và thời thượng.
- Tớ không hề nghĩ là cậu lại làm việc tại một nơi kiểu thế. Ở đó chắc các cậu phải chen lấn với nhau. Hẳn lúc đông khách không khí khó chịu lắm.
- Rất khó chịu ấy. Tệ nhất là mùa Giáng sinh. Địa ngục với đủ thứ đèn nhấp nháy. Có tới cả trăm du khách trong một cái xó, tớ gọi họ là những “người cây”. Họ đến để xem cây thông ở Rockfeller Plaza nhân tiện tham quan luôn.
- Thứ đó thì có gì hay?
- Cả đống người chen vai thích cánh chỉ để lưu lại dấu tay trên cửa kính; họ hỏi đồ nữ trang có phải hàng thật không và họ bị sốc khi nhận được câu trả lời là có. Rồi họ hỏi giá và lại càng bị sốc hơn nữa. Sau đó, họ quyết định thử.
- Nực cười thật, phải thế không?
- Đôi khi, nhưng ở đây lại đặt ra vấn đề: đám đông nhốn nháo ấy khiến các khách hàng thực sự muốn mua chạy mất dép...
Chuông điện thoại của Justine vang lên khiến cô ngừng lời. Cô bắt máy và cãi nhau với người đối thoại về chủ đề một cuốn băng video nào đó.
Rồi cô gác máy với vẻ rất bực tức.
- Khi người ta nghĩ rằng mọi tên khủng bố đều đến đây một cách hợp pháp, người ta bèn điềm nhiên ở lại suốt nhiều năm trời dù thị thực của họ đã hết hạn và chẳng ai bận tâm về điều đó. Thế mà cái câu lạc bộ video của tớ, chỉ chậm có hai ngày thôi là họ đã quấy rối tớ loạn lên rồi! Họ nên phụ trách các vấn đề người nhập cư mới phải...
Vài tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đến nhà bạn của Justine, dưới chân một tòa nhà cũ thuộc quận Đóng gói Thịt. Một chiếc thang máy han gỉ khó nhọc đưa chúng tôi lên đến tầng ba, nhưng cửa lại mở ra một không gian tuyệt vời.
Đó là một nhà kho được chiếu sáng bởi khoảng chục ngọn nến khiến nơi này mang dáng vẻ một nhà thờ bởi khoảng cách từ sàn đến trần ít nhất là năm mét. Ấn tượng chỉ thoáng qua bởi tôi đã nhìn thấy một nhà bếp siêu tiện nghi và một quầy bar đầy những mâm thức ăn ngồn ngộn. Trong toàn bộ phần còn lại của căn phòng chỉ có một thứ đồ đạc duy nhất là chiếc sofa cũ kỹ bị hỏng và những bức tường treo đầy các tác phẩm nghệ thuật đẹp đến nghẹt thở. Tôi liền bày tỏ sự hứng khởi của mình với Justine, tôi nhận xét rằng việc bày biện ít đồ thế này tạo không gian trừu tượng và làm nổi bật giá trị của các bức tranh, nhưng cô ấy lại giải thích với tôi là chủ nhà thường xuyên bị những tác phẩm nghệ thuật hợp sở thích này làm cho khuynh gia bại sản nên không biết lấy đâu ra tiền để mua nổi một chiếc ghế.
Không thể tả nổi đám đông vội vã chen lấn kia: tôi gặp những gã đàn ông mặc com lê, lại có những gã mặc quần soóc và đi giày basket, một gã nom chẳng khác gì người vô gia cư vậy mà Justine bảo gã là triệu phú. Đám phụ nữ cũng tạp nham như vậy, những nạn nhân thời trang, những quý bà trưởng giả, tầm thường hoặc xuềnh xoàng... Ở đây, hoặc người ta ăn mặc quá ư chải chuốt hoặc quá ư lôi thôi.
Justine quen rất nhiều người và tôi cảm thấy hơi bối rối trước sự dễ dãi của cô ấy khi cô ấy buông những lời phù phiếm vô vị mỗi lần gặp một người quen. Cô ấy chẳng giống gì với Justine mà tôi biết cả. Rồi vẻ mặt cô ấy thay đổi lúc một phụ nữ tóc nâu to béo ồn ã bước vào và thu hút sự chú ý của tất cả mọi người.
- Ôi không phải chứ! Justine thì thầm.
- Ai thế?
- Charlotte, cậu biết cô nàng khó chịu mà anh bạn David giới thiệu với tớ rồi đấy, cái cô nàng lúc nào cũng gây xì căng đan và uống như hũ chìm ấy.
Cô ấy không nói thêm nữa vì Charlotte vừa đi qua chào cô ấy, với vẻ cực kỳ nồng nhiệt là đằng khác.
- Trông cô ấy không có vẻ gì kinh khủng đến thế...
- Cậu cứ chờ tới lúc cô nàng uống vào ấy.
- Dù sao thì cũng có thể khẳng định cô ấy thích cậu.
- Bọn tớ gặp nhau tại nhiều dịp lễ hội rồi, tớ mà không ám cô nàng thì cô nàng cũng để tớ yên. Có lần cô nàng còn gửi email cho tớ khi nhìn thấy tên tớ trên một danh sách nữa. Cậu biết địa chỉ email của cô nàng là gì không?
[email protected] Cậu hiểu chứ?
- 76 là cái gì?
- Là năm sinh của cô nàng. Mà cũng phải thôi, khi người ta sinh sau năm 70, người ta vẫn có thể cho phép bản thân mình hét lên điều đó với tất cả mọi người!
Tôi liếc mắt quan sát Charlotte: quả thực cô ấy đang xếp các ly cocktail, cười và nói rất to; nhưng cô ấy nom rất quyến rũ, khiêu vũ một cách duyên dáng và nhìn chung là bầu không khí phóng khoáng nơi đây phải biết ơn cô ấy rất nhiều. Cô ấy đang tán tỉnh đám người bám đuôi mình, một gã Max nào đấy không rời cô ấy nửa bước, gã mời cô ấy một điếu thuốc lá quấn tay và tôi nghe thấy cô ấy trả lời:
- Tôi không hút thuốc nữa rồi, tôi thấy chúng ta phải hứng chịu cùng một hệ quả như mỗi lần đột ngột đứng lên sau khi đã nằm dài ra!
Vẻ hơi phật ý, gã kia buông lời nhận xét rằng cô ấy xuống dốc nhanh quá, thế là cô ấy bật lại:
- Mỗi người một kiểu. Dù sao thì tôi cũng cá rằng những người cực kỳ lành mạnh sẽ cảm thấy bản thân ngu ngốc lắm khi họ phải nằm trên giường bệnh viện và chết dần chết mòn chẳng vì điều gì cả.
Cô ấy khiến tôi bật cười và đúng ra thì tôi thấy cô ấy thật dễ thương, tôi không thể không nói điều đó với Justine.
- Không, cậu mới là người có lý. Nhưng tớ thì... cô nàng khiến tớ sợ vì cô nàng đại diện cho tất cả những gì tớ ghét, đồng thời tớ ghen tị với con người cô nàng. Hay nói cách khác là tớ thèm muốn những gì tớ ghét, hẳn cậu thấy tớ điên lắm.
- Không đâu, tớ hiểu ý cậu mà...
Tôi ngừng lời vì tôi lại thấy khuôn mặt Justine thay đổi. Tôi quay lại và thấy Charlotte đang hôn ngập miệng Max. Justine sững hết cả người.
- Cậu thấy chưa, cô nàng bảo đây là lần đầu tiên họ gặp nhau thế mà họ đã ôm hôn nhau ngay được rồi! Lại còn trước mặt tất cả mọi người nữa chứ!
Thay vì trả lời, tôi khe khẽ hát:
- So-ome girls just wanna have fu-un...
- Tớ bị sốc đấy. Còn hơn cả sốc nữa.
- Vậy là cậu không ghen nữa hả?
- Có chứ, thậm chí là hơn. Tớ là người quá ư khép mình, tớ không bao giờ làm được như thế.
- Thế thì sao?
- Thế thì đó là vấn đề của tớ. Tớ không biết tán tỉnh. Tớ quá ư nghiêm túc. Khi một gã tìm cách tán tỉnh tớ, tớ luôn có cảm giác gã coi thường tớ. Tớ từng khiến mối quan hệ với một gã mà tớ rất thích thất bại chỉ vì tớ tỏ ra u uất khi gã cố ôm hôn tớ. Gã nghĩ là tớ không quan tâm nên đã bỏ rơi tớ.
- Cậu không lấy lại được gã nữa à?
- Ừ. Tớ chưa bao giờ làm được việc cần làm. Quá nhút nhát. Không đủ tự tin vào bản thân. Không như cô nàng kia.
- Cậu biết rõ là cậu ghét phải giống cô ấy mà.
- Có lẽ, nhưng đồng thời tớ cũng tự nhủ cuộc sống của mình sẽ đơn giản hơn.
- Sai rồi... Vậy là do cô ấy mà cậu có cái thái độ hơi giả tạo này từ lúc chúng ta đến đây hả?
- Do cô nàng và những kẻ như cô nàng. Cậu biết đấy, ở đây, ai cùng tìm cách ra vẻ. Tớ thì cố gắng tỏ ra hời hợt để giấu đi phần nghiêm túc và nặng nề trong tớ.
- Có lần cậu viết cho tớ là cậu luôn lôi cuốn được những kẻ ngu ngốc, có lẽ vì thế này đây...
- Ý cậu là gì?
- Cậu khiến người ta hiểu lầm con người cậu, thế nên cậu toàn gặp phải mấy cái người thích hình ảnh ngốc nghếch đó của cậu. Không có gì phải ngạc nhiên cả...
Đột nhiên tôi tự hỏi nếu phải viết email cho tôi thì cô ấy sẽ miêu tả buổi tối nay như thế nào. Tôi nhìn cô ấy và cảm thấy cô ấy thật mong manh. Tôi nghĩ đến những câu chuyện đầu tiên của cô ấy, những câu chuyện mà theo đó cô ấy hiện ra rất mạnh mẽ và quyết đoán, tiếp đó là những câu chuyện cho tôi hay cô ấy đang có những mối bất an nào.Rõ ràng đó là những câu chuyện mà tôi thích hơn cả. Đã lâu lắm rồi cô ấy không còn nói dối tôi nữa, vậy tại sao cô ấy lại phải sợ tôi thất vọng chứ? Tôi vụng về vuốt ve cánh tay cô ấy; tôi muốn an ủi cô ấy nhưng lại sợ làm cô ấy bối rối. Mà tôi thì cũng chẳng phải người cởi mở gì cho lắm về mặt tình cảm.
Một người phục vụ pha trò bằng cách nói những từ khó hiểu:
- Scorpino-Moldavo-Caipiruscha.
- Moldavo, Justine đáp lời, và trước vẻ mặt ngơ ngác của tôi, cô ấy nói thêm: Hai nhé.
Tôi vẫn không hiểu.
- Anh ta nói gì vậy?
- Anh ta mời cocktail, tớ thấy cậu đờ ra nên gọi cho cậu giống tớ. Có gin, bạc hà và Chúa mới biết là gì, nhưng không quan trọng đâu, ngon lắm.
Tôi không phải dân Paris, tôi là dân Tỉnh Lẻ.
- Cậu có tin gì của Vincent không?
- Có, ngày nào anh ấy cũng gọi cho tớ.
- Và?
- Chẳng gì cả. Rốt cuộc thì anh ấy cũng thấy nhớ tớ.
- Lẽ ra điều đó phải khiến cậu vui chứ.
- Dĩ nhiên. Nhưng chỉ có đúng cú điện thoại ấy, vào đúng giờ ấy, ngày nào cũng vậy, điều đó có gì đấy rất... vệ sinh. Nó khiến tớ hơi căng thẳng đôi chút.
- Ở Paris thì cậu khủng hoảng vì anh ấy quên không gọi cho cậu, còn ở đây lại ngược lại, anh ấy gọi cho cậu đều đặn mà cậu vẫn không hài lòng.
- Tớ nghĩ phải yêu cầu anh ấy bớt gọi đi, nếu không tớ sẽ chẳng kịp có thời gian mà chờ đợi nôn nóng và sẽ cảm giác không nhớ nhung gì anh ấy nữa...
Justine ngước mắt lên trần, đúng lúc ấy Charlotte ngắt lời bọn tôi:
- Bọn tớ đến Lotus đây, các bạn muốn đi cùng không?
Rồi cô ấy bước đi không đợi câu trả lời, tôi đưa mắt hỏi Justine.
- Đó là một câu lạc bộ thời thượng, rất gần đây. Về đêm ở đó có cả đống gái đĩ nhưng vui lắm.
Vài phút sau, Max và Charlotte có vẻ như đang cãi nhau. Anh ta đang cố giữ cô ấy lại nhưng cô ấy vùng thoát ra rồi hét lên:
- Anh cứ việc đi mà làm những gì anh muốn, tôi chuồn đây!
Lúc đi về phía cửa ra vào, cô ấy sượt qua chúng tôi, nháy mắt với Justine và nói:
- Lộn xộn và hỗn loạn, nhiệm vụ của tớ hoàn thành rồi.
Tôi quay về phía Justine.
- Cô ấy nói nghiêm túc đấy hả?
- Tớ đã cảnh báo cậu rồi mà... Nào, chúng ta về chứ?
Đi bộ, đi bộ và đi bộ. Tôi thích đi bộ trong thành phố này, không có mục đích nào khác ngoài việc nhắc cho mình nhớ rằng mình đang tự do. Vả lại, đây là nơi duy nhất người dân cũng đi nhanh như tôi.
Tôi lại nghĩ đến chuyến du lịch với Ambre, cô ấy rất thích lang thang và ngước nhìn lên trời. Khi nhìn thấy tín hiệu WALK trước mặt, tôi quay lại và thấy cô ấy ở phía sau cách mình ba mươi mét. Tôi hét lên: “Nhanh lên, không thì lỡ đèn mất!” và dĩ nhiên là khi cô ấy đến thì tín hiệu đã chuyển thành DON’T WALK mất rồi. Điều đó khiến tôi bực bội; ở đây ta dễ phát điên nếu đi dạo với ai đó không bước cùng nhịp.
Rồi hồi ấy, Julien cũng đến nhập nhóm với bọn tôi, và chính cậu ấy là người rảo bước rõ nhanh và kéo tôi theo. Khi chúng tôi nhìn lại, Ambre vẫn đang ở cách xa tới nỗi chúng tôi khó mà nhìn thấy cô ấy. “Chúng ta lạc mất Ceausescu rồi”, Julien nói, ám chỉ cái áo măng tô của Ambre, một cái áo màu be pha hạt dẻ siêu cũ kỹ mà cô ấy rất thích. Có hôm cô ấy còn hét lên: “Nhưng các cậu định đi đâu với cái kiểu đi đó chứ? Các cậu bệnh thật đấy! Đừng có chạy nữa, tớ chán ngấy rồi, đi như thế thì thời gian đâu mà nhìn ngắm!” Đúng là chúng tôi chẳng nhìn ngắm gì vì bị ám ảnh bởi mục đích duy nhất là đến được nơi định đến.
Hẳn chúng tôi đã bỏ lỡ nhiều thứ.
Ở Paris, hiếm khi tôi đủng đỉnh nhìn ngắm quanh mình, và khi tôi ngước mắt lên thì gần như lúc nào tôi cũng thấy mình đang đối diện với một cái đồng hồ ngạo nghễ báo hiệu một giờ hoàn toàn huyễn tưởng.
Trời càng lúc càng nóng, tôi rẽ về phía Công viên Trung tâm.
Tôi đi một vòng quanh sân vận động hình ô van rồi dừng lại trước một khoảng rừng thưa đặt đầy những cái xích đu nằm vừa khéo dưới bóng cây. Tôi ngồi lên một băng ghế và quan sát các bà mẹ nhịp nhàng đẩy xích đu cho con mình. Cách đây ít lâu, tôi còn coi đó là một hình ảnh màu mè sến sụa, nhưng hôm nay tôi lại thấy nó thật tình cảm; và tôi tự hỏi điều gì đang xảy đến với mình.
Một lúc sau, một thanh niên đi đến với cây đàn ghi ta, anh ta ngồi lên chiếc ghế băng bên cạnh và bắt đầu khe khẽ hát. Dylan, Marley, Springsteen, những bản tình ca nối tiếp nhau cất lên. Đám trẻ con bé xíu được bố mẹ dắt đi chập chững lại gần, bố mẹ chúng rất tự hào về tính hiếu kỳ của chúng. Tới đây mọi chuyện còn thú vị hơn nữa: anh thanh niên ngừng hát, dịu dàng cầm lấy tay bọn trẻ và để chúng lướt tay qua dây đàn ghi ta.
Hẳn Justine cần một anh chàng như vậy, một anh chàng dễ thương không quan trọng hóa bản thân mình.
Tôi tự hỏi không biết anh ta có phải người Do Thái không.
Tôi không thể tin nổi mình lại đặt câu hỏi tương tự.
Suy cho cùng thì tôi mặc kệ, anh chàng đó hợp với Justine.
Tôi hy vọng là anh ta hợp với Justine, tôi cảm thấy kinh hãi khi nghĩ rằng mình lại tự đặt cho bản thân loại câu hỏi này, trong khi tôi lúc nào cũng chỉ trích bố tôi chuyện ông làm y như thế. Một số điều “tự nhiên lại thế” thật hết sức xảo trá, ta tự nhiên lại thế trong khi ta ghét cay ghét đắng cái tự nhiên lại thế ở người khác.
“Bố chúc con sinh được cô con gái giống con”, bố tôi thường trả lời vậy mỗi lần tôi coi ông như kẻ phản phúc già nua nhẫn tâm hồi tôi trong giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì. Giờ tôi không còn tranh cãi với bố tôi nữa, chúng tôi hầu như lúc nào cũng nhất trí với nhau. Thật đáng kinh ngạc.
Tôi phải kết nối anh chàng nhạc sĩ kia với Justine mới được.
Lại một đứa trẻ nữa lại gần anh ta, trước ánh mắt tràn đầy yêu thương của bố mẹ nó. Tôi rất thích có con, tôi cũng vậy, có lẽ ở địa vị mình tôi cũng sẽ đẩy con tôi về phía anh chàng nhạc sĩ, và vì các con tôi hẳn sẽ dễ thương hơn, sống động hơn những đứa trẻ khác nên chúng tôi sẽ bắt chuyện với anh ta và tôi có thể tán tỉnh anh ta.
Khi ấy tất cả những gì tôi phải làm sẽ là giấu nhẫn cưới đi. Nhưng có lẽ khi ấy tôi cũng ly dị rồi và tôi sẽ không còn đeo nhẫn cưới nữa.
Liệu ta có thực sự tán tỉnh được ai đó khi đi cùng lũ trẻ con không nhỉ?
Chắc là có, nhưng chỉ tán tỉnh được những đối tượng cũng đã có con và ở cùng hoàn cảnh với ta mà thôi, chứ không phải những anh chàng nhạc sĩ trẻ ngồi đàn hát trong các công viên.
Thôi được, tôi không có con và nếu tôi có lén lút quan sát anh ta thế này thì đó là vì Justine... Tôi không thể để những suy nghĩ trên làm vẩn đục tâm hồn mình được, tôi muốn những suy nghĩ ấy để tôi yên trong khoảnh khắc tựa như là hạnh phúc này.
Tôi có thể nói gì với anh chàng nhạc sĩ bây giờ, nói là tôi muốn giới thiệu một người với anh ta à? Nếu anh ta có người yêu rồi thì anh ta sẽ đá đít tôi chứ chẳng chơi...
Tôi đứng dậy và lúc đi qua trước mặt anh ta, tôi mỉm cười.
- Cảm ơn vì đã chơi nhạc.
- Ồ, sở thích của tôi mà.
- Liệu tôi có thể nghe anh hát ở nơi nào khác được không?
- Giờ thì chưa đến lúc, mới chỉ ở Công viên Trung tâm thôi.
Tim tôi đập thình thịch. Bắt chuyện với ai đó thật đúng là địa ngục, độc thân thật đúng là khủng khiếp, tôi đã quên mất cảm giác ấy. Sắp trưa rồi, tôi phải về gấp thôi, Vincent sắp gọi điện cho tôi.
Khi về đến nhà bác tôi, tôi thấy căn hộ của bác đang trong tình trạng thê thảm. Căn hộ tầng trên bị rò đường ống nên phòng dành cho khách ở căn hộ của bác tôi ngập trong nước.
Bác Elena khiếp hãi rụng rời nhưng lại không mó tay vào bất cứ thứ gì: “Cũng giống như sau một vụ giết người ấy, ta không nên dịch chuyển thứ gì cho đến khi các chuyên gia tới.” Dù sao tôi vẫn đẩy cái giường giờ đã biến thành giường nước của mình ra và đi pha cà phê trong khi người quản lý và nhân viên sửa đường ống nước của tòa nhà đến.
Lúc họ đi rồi, đến lượt ông Jerry hàng xóm bấm chuông cửa. Vừa vào tới nơi ông đã đi xem ngay mức độ thiệt hại rồi ra phòng khách ngồi với chúng tôi để bình luận nọ kia. Nhưng vì ông không uống cà phê cũng không ăn kẹo sô cô la nên chứng máy cơ của ông lại tăng thêm lúc ông nhìn các vật cấm, và hàm ông lập cập tới nỗi chúng tôi khó mà hiểu nổi ông nói gì. May là ông không ngồi chơi lâu.
Bác Elena gọi cho con gái bác, chị ấy đề nghị tôi sang nhà chị ấy ở tạm.
- Carla có lý, tốt hơn hết là cháu sang nhà nó trong khi chờ căn phòng khô ráo trở lại còn bác thì đi mua một cái giường khác.
Tôi rất quý Carla mà chúng tôi thì vẫn chưa gặp được nhau. Chị ấy lúc nào cũng bận rộn với công việc bác sĩ tâm lý và hai đứa con trai bốn và sáu tuổi.
Tôi gọi cho Vincent, rồi gọi cho Justine để đưa họ số điện thoại mới của tôi.
- Cậu có chắc là cậu không muốn ngủ nhà tớ không? Justine hỏi.
- Chắc, tớ sợ Carla tự ái nếu tớ từ chối, vả lại tớ cũng muốn ở bên chị ấy ít lâu; cậu biết đấy, bọn tớ ít có dịp gặp nhau lắm.
- Tiếc thật, tớ tin chắc cậu là một khách mời hoàn hảo. Phần lớn những người từng ở nhà tớ đều rất vô học và bừa bãi. Hè năm ngoái, một gã bạn trai cũ tớ quen ở Milan cách đây mười năm thình lình xuất hiện không báo trước. Tớ phải nói với cậu là tớ cực kỳ hài lòng vì bây giờ không còn ở bên gã nữa. Gã chết tiệt ấy! Lại còn cái ý tưởng xuất hiện ở New York mà không cần biết mình có tìm được chỗ ở hay không nữa chứ! Suy cho cùng thì gã cũng tử tế, Chúa ban phước lành cho gã. Mà Chúa cũng ban phước lành cho gã rồi đấy: gã đã không lấy tớ. Gã mà lấy tớ chắc suốt ngày phát điên với tớ mất.
- Tớ tin cậu. Tối nay cậu làm gì?
- Tớ đến một buổi triển lãm từ thiện. Cô bạn Laura rủ tớ, cô ấy muốn giới thiệu tớ với ai đó và cô ấy biết anh ta sẽ tới. Mẹ tớ cũng nghe được thông tin này và năn nỉ tớ đi, thậm chí bà còn muốn trả tiền đặt chỗ nữa.
- Có đắt không?
- 50 đô la. Nhưng với bà thì phải là 100 đô la.
Tôi chuẩn bị một túi đồ dùng cho hai hoặc ba ngày, rồi một mình đến nhà Clara; bác Elena cần nghỉ ngơi sau một loạt những xúc cảm mà sự cố hỏng đường ống nước gây ra.
Carla và anh chồng Peter, một luật sư kinh tế nổi tiếng, vừa chuyển đến sống tại một căn hộ trên Đại lộ Công viên. Lúc xuống taxi, tôi khó mà tin nổi vào mắt mình. Tôi thấy mình đứng trước một tòa nhà tuyệt đẹp kiến trúc gô tích. Phía sau chiếc cửa sắt nơi ba người gác cổng niềm nở đang chen lấn nhau là một cái cổng rộng lớn hệt như lối dẫn vào một giáo đường.
Tôi có cảm giác mình đang ở khách sạn: phải nói tên mình ra vì chủ nhà đã thông báo việc họ có khách, bên cầu thang máy còn có một nhân viên phục vụ đứng bấm nút nữa.
Tôi vui sướng tái ngộ Carla, chị ấy thừa hưởng từ mẹ sự nồng nhiệt và làm mọi việc để tôi được thoải mái.
Cách bài trí của các căn hộ ở New York chẳng có gì giống với cách bài trí của các căn hộ ở Paris, các kiến trúc sư đã thành công trong việc thiết kế những khu nhà ở không hành lang và những căn phòng nối tiếp nhau làm tăng cảm giác thể tích.
Bầu không khí ở đây đặc biệt dễ chịu nhờ những tấm gỗ lát tường lộng lẫy và vải lót dày có tông màu be, hồng và hạt dẻ; nhưng nhạc nền, một thứ lễ ca đang vang khắp các phòng, mới là thứ tạo cảm giác trang trọng một cách kỳ lạ. Trong phòng ăn đặt một cái bàn có thể ngồi được mười hai người một lúc, nhưng cái bàn ấy lại chất đống đủ các thể loại giấy tờ nên rõ ràng nó giống như chỗ trút đồ của gia đình Carla.
Chúng tôi kết thúc chuyến thăm quan căn hộ tại bếp, Carla giới thiệu tôi với hai phụ nữ trẻ đang vừa tám chuyện vừa dọn bàn là Maria và Jane, bầu ngực nuôi. Khi chỉ còn hai chị em với nhau, tôi không thể không hỏi “Sao lại là hai?”, và Carla trả lời với vẻ tự nhiên nhất quả đất: “Một để chăm Elie còn một để chăm Ben.”
Peter vừa về, chúng tôi đã ngồi ngay vào bàn ăn, ở đây, họ ăn tối rất sớm, ăn cùng bọn trẻ và không xem ti vi, điều này khiến cho mọi tin đồn về chuyện các bậc phụ huynh Mỹ rất thiếu nghiêm khắc trở thành lời dối trá.
Lúc bữa ăn kết thúc thì có tiếng chuông cửa: thầy giáo dạy dương cầm của bọn trẻ tới.
- Chị quên khuấy đi mất! Carla thốt lên. Chị hy vọng em không quá mệt, cây đàn được đặt trong phòng khách nên chắc em sẽ chưa ngủ ngay được...
- Chị đùa à, vẫn còn siêu sớm mà; em sẽ ngồi im đọc sách.
- Thế vào phòng chị đi, trong đó có một cái ghế bành lớn rất thoải mái và có đủ loại tạp chí.
Tôi vào phòng Carla và bắt đầu lật giở từng trang tạp chí, dừng lại lâu hơn ở những trang nói về thời trang, chúng cũng gần như giống với các chuyên mục thời trang trên tạp chí Pháp. Sự dàn cảnh phi thực và giá cả quần áo khiến các bức hình trở nên không thật, và như mọi khi, tôi tự hỏi các bức hình ấy được chụp để nhắm đến ai. Một quảng cáo khiến tôi chú ý: Thời trang Bà bầu GAP. Thật không thể tin nổi, họ ra hẳn một dòng sản phẩm dành cho các phụ nữ có thai! Tôi đến phải sinh em bé mới được.
Carla thò đầu qua cửa.
- Em ổn chứ?
- Dĩ nhiên rồi.
- Thế em kiên nhẫn thêm chút nữa nhé, giờ đến lượt Peter và chị.
- Ồ, anh chị cũng học đàn à?
- Không, mà đúng ra là có: bọn chị học những gì bọn trẻ học. Nhờ thế trong tuần bọn chị có thể giúp chúng ôn luyện tốt hơn.
Tôi chiêm ngưỡng phần quảng cáo Thời trang Bà bầu GAP. Tôi không biết liệu mình có phải một người mẹ tốt không.
Nửa tiếng sau, thầy giáo dạy nhạc ra về, Peter và Carla cho bọn trẻ đi ngủ. Maria và Jane vẫn ngồi dưới bếp và tiếp tục cuộc tranh luận quanh một ấm trà.
Tôi dọn giường cho mình trên một chiếc tràng kỷ dày trong phòng khách rồi đi ngủ. Hai tiếng sau, Carla và Peter vẫn chưa ra khỏi phòng bọn trẻ, tôi tự hỏi phải mất bao lâu để dỗ trẻ con ngủ. Tôi không tin mình sẽ là một bà mẹ tốt.
Trên ti vi, một chương trình quảng cáo bột giặt đang chứng minh loại bột giặt này có thể tẩy vết máu trên áo sơ mi thành công thế nào. Trong lúc thiu thiu ngủ giữa tiếng lễ ca du dương, tôi tự nhủ nếu áo sơ mi của tôi đầy máu thì tôi phải bận tâm đến chuyện khác nhiều hơn là chuyện bột giặt.
Tôi dậy lúc khoảng bảy giờ, khi ấy cả nhà đã thức từ lâu. Ai đó đã bật đĩa lễ ca, hoặc cái đĩa vẫn chạy suốt cả đêm như thế.
Tôi đi xuống bếp gặp Maria và Jane đang chuẩn bị bữa sáng cho bọn trẻ. Carla bước vào, đã sẵn sàng và ăn mặc chỉnh tề, tay cầm chiếc đĩa rồi chạy đi cho thằng lớn ăn và mặc quần áo trong khi Maria và Jane ngồi lại dùng bữa sáng, họ mời tôi cùng ăn với họ.
Hai mươi phút sau, Maria đứng dậy, nhấc điện thoại và nói mấy từ rất lạ: “K23B năm phút nữa.” Trước vẻ tò mò của tôi, cô giải thích rằng cô vừa báo trước với người lái xe là năm phút nữa thì đưa xe ra cổng. Hẳn là tôi đang bị lừa. Thậm chí còn chẳng phải đi ra tận bãi đậu xe. Ở đây đúng là giống như ở khách sạn, nếu tôi kể lại mọi chuyện với Vincent... Rồi đến lượt Peter xuất hiện, anh ta với lấy cái đĩa thứ hai và đi chăm sóc cậu con trai thứ hai.
Carla quay lại cùng Elie, chúng tôi chỉ kịp ôm hôn nhau rồi hai mẹ con chị ấy đi với Maria. “Em cứ tắm trong phòng tắm của chị nhé!” Carla hét lên với tôi trước khi đóng cửa lại.