Khoảng 3.500 năm trước, người Aryan - vốn là các chiến binh và những người chăn cừu hung bạo từ miền Nam nước Nga - đã tiến về phía Nam, vượt qua dãy núi Hindu Kush tới định cư ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Có thể là một trận thiên tai, hạn hán hoặc dịch bệnh, hoặc cũng có thể là một cuộc nội chiến đã buộc người Aryan rời bỏ quê hương ở miền Nam nước Nga. Họ tràn tới Tiểu Á, Ba Tư cũng như Ấn Độ. Họ sống thành làng theo từng bộ lạc, có lẽ trong những ngôi nhà gỗ, khác với các đô thị có nhà xây bằng gạch của người dân lưu vực sông Ấn.
Thước đo sự giàu có của người Aryan là số đầu cừu và gia súc. Họ không tiến bộ như người Ấn Độ nhưng mạnh mẽ hơn. Họ là những chiến binh, thích chơi bài, ăn thịt bò, uống rượu, thích âm nhạc, nhảy múa và đua xe ngựa. Dần dần họ định cư và tiếp thu lối sống của người Ấn Độ bản xứ, cũng làm nghề nông và chế tạo đồ sắt. Trong số các loài cây lương thực họ trồng có cây lúa, không phổ biến đối với người Aryan nhưng đã có ở lưu vực sông Ấn.
Việc dùng cày và hệ thống tưới tiêu đã giúp người Aryan có thể trồng đủ lương thực cung cấp cho các đô thị lớn. Đến năm 500 TCN, miền bắc Ấn Độ có khoảng 16 vương quốc, nổi tiếng nhất là Maghada. Maghada là nơi ra đời đế quốc Maurya và hai tôn giáo mới là đạo Jain và đạo Phật. Người Aryan không có chữ viết riêng. Như nhiều dân tộc khác ở thời cổ đại, họ lưu truyền lịch sử và tín ngưỡng của mình bằng lối truyền khẩu. Những lưu truyền được gọi là Vệ đà (Veda) - có nghĩa là Sách tri thức - mãi về sau này mới được chép lại. Lâu đời nhất trong số đó là Rig-Veda, một bộ sưu tập hơn 1.000 bài tụng ca bằng ngôn ngữ Sanskrit (Phạn) của người Aryan. Phần lớn những gì chúng ta biết về cuộc sống hàng ngày của người Aryan ở thời cổ đại là từ Vệ đà - cuốn “Cựu Ước” cổ xưa của người theo đạo Hindu. Không như các tín ngưỡng khác, đạo Hindu không do một người khởi xướng, mà các tín điều của nó được tích lũy theo thời gian.