Khi các khu ngoại ô bị cháy, các bồn dầu, các cột dây thép và các biển quảng cáo đã lùi xa và khuất hẳn, nhường chỗ cho những cảnh khác xuất hiện, như các cánh rừng, các quả núi nhỏ có con dường rộng lát đá chạy ngoằn ngoèo lúc ẩn lúc hiện, thì Samdeviatov nói:
- Ta trở về chỗ ngồi thôi. Tôi sắp xuống ga rồi. Ông bà cũng vậy. Chỉ sau tôi một ga thôi. Cẩn thận kẻo đi quá đấy.
- Ông thông thuộc vùng này quá nhỉ?
- Rành hơn cả thổ công, trong khoảng chu vi một trăm dặm. Tôi là luật gia mà. Tôi đã hành nghề hai chục năm. Bao nhiêu vụ kiện cáo, chỗ nào tôi chả đến.
- Bây giờ cũng thế?
- Chứ sao.
- Bây giờ thì còn kiện cáo xét xử được nhỉ?
- Bất cứ gì ông muốn. Những hợp đồng cũ còn dang dở, Các vụ tiền nong và cam kết chưa được thực hiện, công việc cứ gọi là ngập đầu, đến sợ.
- Chẳng lẽ những vụ việc kiểu đó chưa bị xoá bỏ hay sao?
- Về phương diện tên gọi, thì dĩ nhiên đã bị xoá bỏ. Nhưng trên thực tế, lại vẫn cần đến những việc xung khắc nhau trong cùng một thời điểm. Nào là quốc hữu hoá các xí nghiệm, nào là bảo đảm phương tiện chuyên chở, cụ thể là xe ngựa, cho Hội đồng kinh tế quốc dân của tỉnh. Trong khi đó, tất cả mọi người đều muốn sống cả. Những nét đặc thù của thời kỳ quá độ, khi lý luận chưa đi đôi với thực tế. Đây chính là lúc cần đến những người hiểu nhanh, tháo vát, có bản lĩnh, như chúng tôi chẳng hạn. Phúc thay cho kẻ nào được hưởng cái cảnh sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Tuy đôi khi cũng chết dở như cha tôi thường nói. Một nửa tỉnh này phải sống dựa vào tôi. Thỉnh thoảng tôi sẽ đến Varykino thăm quý vị, về việc cung cấp gỗ, củi. Bằng xe ngựa, tất nhiên. Con ngựa của tôi đang bị què. Nếu nó lành lặn, chẳng đời nào tôi chịu ngồi xe lưa để bị nhồi lên nhồi xuống, lộn cả ruột gan! Ông xem, nó bò ì ạch như rùa thế này mà gọi là xe lửa à! Khi nào đến Varykino, tôi sẽ có thể giúp ích gia đình ông bà. Cái gia đình lão quản lý Miculisyn của ông bà, tôi chẳng lạ gì.
- Ông có biết tại sao chúng tôi về đây và dự định làm gì không?
- Cũng sơ sơ thôi. Tôi đoán được, tôi biết. Mối quyến luyến muôn thuở của con người với đất đai. Niềm mơ ước được sống bằng hai bàn tay của mình.
- Thế mà xem chừng ông lại phản đối thì phải? Ông có nhận xét gì?
- Mơ mộng ngây thơ, mộng hưởng thú điền viên. Nhưng cũng chả sao. Cầu Chúa phù hộ ông bà, riêng tôi, tôi không tin. Cái mộng ấy là không tưởng, viển vông, thô thiển.
- Liệu lão Mikulisyn sẽ đón tiếp chúng tôi ra sao?
- Lão ta sẽ không cho quý vị bước qua ngưỡng cửa nhà lão, lão sẽ lấy lá dắt tay quý vị ra ngoài, và lão có lý! Lão đang chết dở, có đến ngàn lẻ một chuyện rối rắm, các nhà máy không hoạt động, thợ thuyền bỏ đi tứ tán, lão chả có phương tiện để sinh sống, giữa lúc đó thì quý vị lại kéo đến. Chà, vui ơi là vui! Chỉ còn thiếu mỗi quý vị nữa thôi. Giá lão có giết quý vị, tôi cũng chả trách lão.
- Đó ông thấy chưa, ông là một tay bolsevich, song chính ông cũng không phủ nhận rằng như thế này thì chẳng phải là sống nữa, mà là một cái gì chưa ừng thấy, một cơn ác mộng, một sự phi lý.
- Dĩ nhiên nhưng đó lại là một tất yếu lịch sử. Phải trải qua nó mới được.
- Sao lại là một tất yếu?
- Bác sĩ là con nít hay giả vờ ngây thơ? Ông từ cung trăng rơi xuống à? Bọn tham ăn và lười biếng đè đầu cười cổ những người lao động nghèo đói, hành hạ họ đến chết, cái cảnh ấy phải tồn tại mãi hay sao? Rồi còn các hình thức sỉ nhục và áp bức khác? Lẽ nào ông không nhận ra, rằng nhân dân nổi giận, muốn được hưởng một cuộc sống công bằng, muốn tìm kiếm chân lý, đó là đòi hỏi chính đáng và hợp pháp của họ? Hay ông tưởng rằng một sự phá vỡ tận gốc có thể đạt được ở các viện Duma, bằng con đường nghị viện, rằng có thể không cần đến chuyên chính?
- Chúng ta đang nói về những điều khác nhau, và giá có tranh cãi hàng trăm năm thì cũng chả thống nhất ý kiến với nhau được. Dạo trước, tôi cũng có tinh thần ủng hộ cách mạng lắm, nhưng bây giờ tôi cho rằng sẽ không thể dùng bạo lực mà giành được kết quả tốt đẹp. Phải dùng điều thiện lôi cuốn người ta tới cái thiện. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Ta hãy trở lại chuyện Mikulisyn. Nếu lão ta định đối xử với chúng tôi như vậy thì chúng tôi còn đến đó làm gì nữa? Chúng tôi phải quay về Moskva thôi.
Vô lý chưa. Thứ nhất, chả lẽ trên đời này chỉ có một nhà Miculisyn? Thứ hai, Miculisyn là người tốt bụng ghê gớm, tốt bụng đến mức tội lỗi. Lão sẽ làm ồn lên tí chút, sẽ ca cẩm vài câu rồi đấu dịu ngay. Lão sẽ cởi chiếc áo lót và chia mẩu bánh cuối cùng của lão cho ông bà.
Rồi Samdeviatov kể tiếp.