Hồi đầu năm 1838 ở Florence thấy có hai người trẻ tuổi thuộc xã hội thanh lịch nhất của Paris; một người là tử tước Albert de Morcerf, người kia là nam tước Franz d’épinay. Họ cùng nhau đi dự hội hóa trang thành Rome. Thật không phải là việc dễ dàng: ba trăm ngàn người xem, người La Mã, người ý, người ngoại quốc từ bốn châu lục của thế giới đến dự và nếu không muốn dự lễ hội giữa đám người bình dân và kẻ tầm thường thì phải tìm được một cái xe, những quần áo giả trang và nhất là một cái cửa sổ mở ra phố Cours là nơi đoàn diễu hành đi qua.
Albert và Franz thuê phòng ở chỗ bác Pas-trini, chủ khách sạn Londres trên quảng trường Tây Ban Nha.
Căn hộ họ đặt trước chỉ có hai phòng nhỏ vì phần kia của tầng gác đã được một người giàu sụ thuê, và hình như ông ta là người đảo Sicile.hay đảo Malte và mang tước vị bá tước Monte Cristo.
– Này bác Pastrini, bác đã tìm được một cửa sổ trông xuống đoàn diễu hành chưa? Hôm nay đã là thứ sáu, hai ngày nữa là khai mạc hội hóa trang rồi.
– à, xin vâng, một cái cửa sổ! – Bác Pastrini kêu lên, chuyện này sẽ khó khăn đấy. Còn một cái ở tầng năm lâu đài Doria nhưng vừa mới cho thuê rồi.
– Chúng tôi trông cậy ở bác đấy, bác Pastrini ạ, Franz nói. Còn chiều nay bác cho chiếc xe ngựa mui gấp đưa chúng tôi đi thăm đấu trường Colisée.
– Đấu trường Colisée ư? Các quý ngài ơi, nếu tôi có thể đưa ra một lời khuyên thì xin các ông tránh những đường phố ngoại vi.
– Tại sao vậy?
– Vì đó là vùng đất của Luigi Vampa, một tên cướp đáng sợ nhất thành Rome. Hắn chuyên bắt cóc du khách và đòi tiền chuộc: tùy theo chỗ ở của khách trong thành phố là xa hay gần mà hắn đưa ra một thời hạn để nộp tiền chuộc; rồi thời hạn ấy trôi qua, hắn cho thêm một giờ làm phúc. Đến phút thứ sáu mươi của giờ đó, nếu chưa nhận được tiền thì hắn sẽ bắn vỡ sọ người ta bằng một phát súng lục, và thế là xong chuyện.
– Quỷ thần ơi! Này bác Pastrini, bác dọa chúng tôi bằng các chuyện cướp này đủ rồi chứ?
ít ra thì cũng cám ơn bác đã chỉ bảo cho!
Nói xong, hai chàng trai đi xuống cầu thang, lên xe đi thăm đấu trường Colisée. Tuy nhiên họ vẫn tránh các đường phố ngoại vi.
Ngày hôm sau, bác Pastrini đến phòng các chàng trai.
– Tôi đã tìm được rồi. ông chủ khách sạn nói với giọng hoàn toàn hài lòng. Các ông biết rằng bá tước Monte Cristo ở cùng tầng gác với các ông. Nay ông ấy biết các ông đang gặp trở ngại và sẵn lòng dành cho các ông hai chỗ trong xe của mình và hai chỗ cửa sổ lâu đài Rospoli.
– Nhưng mà, Albert hỏi, liệu chúng tôi có nên nhận sự giúp đỡ của một người không quen biết chăng?
Trong lúc đó có tiếng người gõ cửa. Một người hầu xuất hiện ở cửa phòng.
– Ngài bá tước Monte Cristo, người hầu nói, cho tôi sang hỏi xem các ông đây có vui lòng cho phép chủ nhân tôi được tiếp kiến ở bên này như một người láng giềng được không?
– Hãy nói với bá tước, Franz trả lời, rằng chính chúng tôi sẽ rất hân hạnh được đến thăm ông ấy.
Người hầu rút lui..- Thế thì các ông nhận lời đề nghị của ông ta chứ? Bác Pastrini nói.
– Riêng tôi thì xin vâng, Albert nói. Còn anh nói sao hả Franz?
– Tôi nói rằng các cửa sổ lâu đài Rospoli đã khiến tôi quyết định. Franz trả lời.
– Này, Franz nói, sửa soạn đi và chúng ta cùng sang bên bá tước Monte Cristo.
Franz và Albert mới đi ngang qua đầu cầu thang, một người hầu đã ra mở cửa và ra hiệu mời họ vào.
Họ đi ngang qua hai phòng bày biện sang trọng đến mức mà họ không tin được rằng có thể thấy trong khách sạn của bác Pastrini, và cuối cùng bước vào một phòng khách thanh lịch.
– Xin mời các quý ngài ngồi, người hầu nói, tôi đi báo cho ngài bá tước.
Gần như ngay lập tức tấm thảm treo được nâng lên lấy lối đi cho người chủ sở hữu tất cả các đồ đạc quý giá này. Đó là một người đàn ông quãng ba mươi tám bốn mươi tuổi, ăn mặc cực kỳ thanh nhã và lịch sự.
– Chúng tôi, Franz và tôi, ngàn lần biết ơn ông thưa ngài bá tước, Albert nói, thực sự ngài đã giúp chúng tôi thoát khỏi một vụ lúng túng lớn.
– A! Lạy Chúa! Thưa các ông, bá tước tiếp lời và đưa tay ra hiệu mời hai chàng trai ngồi xuống một cái đi văng, nếu tôi để các ông bị lúng túng lâu đến thế, thì đó là lỗi ở cái gã ngu đần Pastrini. Thưa các ông, tôi đã ra lệnh rồi, trưa ngày mai sẽ có xe đưa chúng ta đến lâu đài Rospoli.
Hai chàng trai đứng dậy và cáo biệt.
Ngày chủ nhật, ngày đầu tiên của hội hóa trang đã tới. Bá tước đã cho soạn sửa những bộ y phục loang lổ của hề Arlequin bằng xa tanh trắng và xanh thuộc loại lịch sự nhất.
– Vì các ông đã để tôi chọn hộ quần áo, ông nói với hai người bạn, nên tôi đã sai sửa soạn cho các ông những bộ này. Ta mặc vào nhanh lên.
Trang phục tinh tươm, họ đi xuống. Chiếc xe đợi ở cửa, chất đầy confettis và các bó hoa.
Một đám đông những người đeo mặt nạ đi ra, tràn từ mọi hướng, ùa ra từ các cửa ra vào, nhảy xuống từ các cửa sổ tầng trệt. Xe cộ trổ ra mọi góc phố, chở đầy những anh hề Pierrot, những anh hề Arlequin quần áo chắp vá nhiều màu, những chàng hiệp sĩ.
– Thưa các ngài, bá tước vừa nhảy xuống xe vừa nói, khi nào các ngài chán đóng vai diễn trò mà muốn trở lại làm khán giả thì xin biết rằng các ngài có chỗ bên các cửa sổ của tôi. Trong khi chờ đợi, xin tùy ý sử dụng người đánh xe và xe ngựa cùng các người hầu của tôi.
Franz cám ơn bá tước về lời mời ân cần còn Albert lại bị cuốn hút bởi một xe đầy nhóc các.cô thôn nữ La Mã, cũng bị dừng lại như xe của bá tước.
– A! Bạn thân mến, anh nói với Franz, tôi đảm bảo rằng họ là những người đàn bà rất hấp dẫn và tôi mong hội hóa trang thế nào cũng đem lại cho tôi cuộc gặp gỡ nào đó.
Suốt phần còn lại của ngày hôm ấy, chiếc xe ngựa mui gấp của các cô thôn nữ La Mã qua lại nhiều lần trước mặt đôi bạn trai. Trong một lần gặp chiếc xe ấy, Albert lấy một bó hoa và ném lên chiếc xe. Chắc là một trong những người đàn bà hấp dẫn này mà Albert đã đoán ra dưới lớp quần áo thôn nữ đỏm dáng đã động lòng với hành vi tình tứ ấy vì lúc chiếc xe của đôi bạn lại đi qua thì đến lượt cô ta ném sang một bó hoa đổng thảo.
Albert vồ lấy bó hoa và hãnh diện cài lên khuyết áo.
– Này, Franz nói đùa với anh ta, đây là khởi đầu một cuộc phiêu lưu!
Câu chuyện đùa mau chóng mang tính hiện thực, vì lúc Franz và Albert gặp lại chiếc xe thôn nữ, cô gái đã ném bó hoa cho Albert liền vỗ tay khi nhìn thấy hoa của mình trên khuyết áo anh ta.
– Hoan hô! Bạn thân mến! Hoan hô! Franz bảo anh ta, sắp sửa đến điều kỳ diệu đấy!
– Đừng có mà hấp tấp. Nếu cô thôn nữ xinh đẹp có ý muốn đi xa hơn nữa thì ta sẽ lại gặp cô ấy vào ngày mai.
Họ trở lại lâu đài Rospoli, nhưng bá tước đã biệt tăm. Họ liền quay về khách sạn.
Ngày hôm sau, lúc một giờ rưỡi, các chàng trai đi xuống đường. Bá tước Monte Cristo đã dành một chiếc xe cho họ sử dụng. Albert cài bó hoa đổng thảo đã héo vào khuyết áo của mình.
Lúc họ đã nhập vào đoàn diễu hành, một bó hoa đổng thảo tươi tắn từ chiếc xe các thôn nữ La Mã bay vụt sang xe của bá tước, báo cho Albert thấy rằng cuộc phiêu lưu của anh ta hôm qua vẫn tiếp diễn. Cô gái ném bó hoa đã bỏ mặt nạ ra để cho Albert có thể nhìn rõ mặt cô. Cô ta quả là đẹp.
Bó hoa có gài một tấm thiếp và Albert đọc:
“Tối thứ ba, hồi bảy giờ, anh xuống xe trước phố Pontefici và đi theo người thôn nữ La Mã đến giật cái đèn lồng của anh. Chú ý thắt một dải lụa hồng lên vai áo để cô ta dễ nhận ra anh.
Từ nay đến lúc đó sẽ không gặp tôi nữa.” – Này, Franz nói, xem ra sự việc mang tính chất của một cuộc phiêu lưu đến là dễ chịu.
– Mình cũng thấy thế. Albert nói.
Rồi cũng tới ngày thứ ba, ngày cuối cùng và ồn ào nhất trong các ngày hội hóa trang..Albert đã dành được thắng lợi trong bộ y phục của anh hề áo vá nhiều màu. Trên vai anh có một dải băng hồng tết thành nơ rủ hai đầu xuống tận khÂo chân.
Ngày càng muộn thì thành phố lại càng nhộn nhịp. Đến tối mỗi người đều thắp cái đèn lồng kiểu ý gọi là moccoletto của mình. Thế là chỉ trong mười phút đã thấy lấp lánh năm mươi ngàn đốm sáng xuôi từ lâu đài Venise xuống quảng trường Nhân Dân. Cứ như thể hội ma trơi.
Lúc bảy giờ hai anh bạn đang ở mạn trên của phố Pontefici. Albert nhảy ra khỏi xe ngựa, tay cầm đèn lồng, thế rồi gần như lập tức có người đeo mặt nạ mặc y phục quen thuộc của cô thôn nữ ném hoa đưa tay giật lấy chiếc đèn lồng.
Franz ở quá xa không nghe thấy tiếng họ trao đổi với nhau, nhưng anh thấy Albert và cô thôn nữ khoác tay nhau cùng đi. Thế rồi họ mất hút.
Bỗng tiếng chuông báo hiệu kết thúc hội hóa trang vang lên và cùng lúc ấy tất cả các moccoli tắt đi như có phép màu. Như thể một cơn gió duy nhất và rất lớn đã thổi tắt tất cả. Cùng lúc mọi tiếng hò reo đều ngừng bặt. Hội hóa trang đã kết thúc.
Có thể là trong đời mình, Franz chưa từng cảm nhận được một ấn tượng nào dứt khoát đến thế, một bước chuyển từ niềm vui sang nỗi buồn mau lẹ đến thế. Mà anh chẳng cách xa khách sạn là bao. Sau mười phút, xe anh hay đúng hơn là xe của bá tước đã đậu trước khách sạn Londres.
Lúc đến gần khách sạn, Franz thấy một người đứng giữa đường phố. Người này choàng một áo khoác lớn. Trước sự kinh ngạc của Franz, người ấy nói với anh.
– Có phải nam tước Franz d’épinay đó không? Hắn hỏi thế. Lá thư này gửi cho ông.
Franz quay vào đọc dưới ánh nến:
“Bạn thân mến, ngay lúc nhận thư này, xin vui lòng làm ơn lấy cái thẻ tín dụng trong ví của tôi, kèm cả cái của anh vào đó nếu nó chưa đủ. Chạy đến ông chủ ngân hàng để lập tức lĩnh ngay bốn ngàn đồng rồi trao cả cho người mang thư. Việc khẩn cấp nên số tiền phải được gửi cho tôi ngay lập tức.
Bạn anh Albert de Morcerf” Và bên trên là những chữ của người khác:
“Nếu đúng sáu giờ sáng mà bốn ngàn đồng chưa đến tay ta thì đến bảy giờ, tử tước Albert de Morcerf sẽ không còn nữa.
Luigi Vampa” Albert đã rơi vào tay tên tướng cướp khét tiếng mà anh ta mãi cứ không chịu tin là có nó trên đời.
Không thể để phí thời gian. Franz chạy tới bàn giấy, mở ra, tìm thấy chiếc ví trong ngăn.kéo, trút thêm cả tiền riêng của mình vào đó:
vẫn còn thiếu một ngàn đồng mới đủ.
Chợt một ý tưởng thần tình lướt qua đầu óc anh. Anh nghĩ đến bá tước Monte Cristo. Một lát sau anh đã đứng trước cửa phòng bá tước.
Một người hầu dẫn anh vào nhà. Bá tước đến trước mặt anh, nói:
– A! Ngọn gió lành nào mà đưa anh tới vào giờ này? Anh đến đòi tôi thết bữa đêm chăng?
– Không, tôi đến nói với ngài một việc nghiêm trọng: Albert đã bị bọn cướp bắt cóc, chúng đòi tôi tiền chuộc.
Và Franz đưa thư của Albert cho ông xem.
– Người đưa lá thư này đâu? – Bá tước hỏi sau khi đọc xong.
– ở ngoài phố.
Bá tước đến cửa sổ căn phòng trông ra phố và huýt một hiệu còi. Người đàn ông khoác áo choàng rời khỏi bức tường và đi ra giữa đường.
– A! Anh đấy à, Peppino. Lên đây, ông nói như thể ra lệnh cho người hầu.
Người đưa thư vâng lời.
– Tử tước Albert rơi vào tay Luigi như thế nào? Bá tước hỏi.
– Thưa ngài, xe của ông người Pháp đã gặp xe có chở Teresa nhiều lần.
– Với tình nhân của chủ tướng ư?
– Vâng. ông người Pháp đã liếc mắt đưa tình, Teresa đùa đáp lại ông ta. ông ném cho cô ấy những bó hoa, cô cũng ném hoa đáp lại cho ông, dĩ nhiên là được chủ tướng cũng đang ở trên chiếc xe ấy đồng ý, chính ông ta cải trang thành người đánh xe ngựa.
– Rồi sao? Bá tước hỏi.
– Vậy rồi Teresa đã đồng ý hẹn gặp mặt, duy chỉ có điều là Beppo đã thay Teresa đến điểm hẹn.
– Thế nào! Franz ngắt lời, chính cái cô thôn nữ đã giật chiếc đèn moccoletto của anh ta?…
– Đó là một cậu bé mười lăm tuổi, Peppino trả lời, nhưng đối với bạn ông thì chẳng có gì đáng hổ thẹn cho việc bị lầm, Peppino đã lừa như thế được khối người đấy, nhá. ông ta bị dẫn tới cho Luigi đang đợi trong hầm mộ ở nhà thờ Saint-Sébastien.
– Đó là một nơi thật đẹp như tranh. Nếu anh chưa biết các hầm mộ ở Saint-Sébastien thì đây vừa may có dịp đến viếng thăm!
Franz và bá tước lên xe, cả Peppino nữa, và họ cho ngựa chạy nước kiệu. Mười phút sau, xe dừng lại. Peppino đến mở cửa cho bá tước và Franz xuống xe.
Franz và bá tước đi theo Peppino đến một khoảng trống giữa các tảng đá đến một người đi qua cũng hơi khó. Ba người lách qua đó.
– Ai?.- Bạn! – Peppino nói.
Những người mới đến nhìn qua khoảng trống của các vòm cuốn thấy có một người ngồi đọc, khuỷu tay tựa vào một cái cột, lưng quay lại phía các vòm cuốn. Đó là chủ tướng của băng cướp, Luigi Vampa.
Quanh hắn thấy có độ vài chục tên cướp, tên nào cũng để súng vừa tầm tay với. Phút chốc tất cả những tên cướp cùng đứng bật dậy và hai mươi cái nòng súng carabine nhằm vào bá tước.
– Bỏ súng xuống! Tên tướng cướp thét lên và ra hiệu bằng một tay, còn tay kia thì hắn kính cẩn ngả mũ chào.
– Trí nhớ của anh xem ra kém quá Vampa ạ.
Bá tước nói, chẳng phải là đã thỏa thuận rằng không riêng gì con người ta mà còn cả các bạn bè ta nữa cũng là thiêng liêng đối với các anh sao?
– Tôi vi phạm thỏa ước ở chỗ nào thưa ngài?
– Tối nay anh đã bắt cóc đem về đây tử tước Albert de Morcerf, bá tước nói với một ngữ điệu làm Franz rùng mình; mà chàng trai này thuộc số bạn bè của ta, anh đã đòi anh ta nộp tiền chuộc như bất kỳ một ai khác.
– Xin thề trước thánh giá! Tôi mà phát hiện ra kẻ nào trong các anh đã biết chàng trai là bạn của đức ông thì tự tay tôi sẽ bắn vỡ sọ hắn.
Tên tướng cướp đi vài bước đến trước Franz:
– Hoan nghênh ngài đã đến chỗ chúng tôi.
Thưa ngài, hắn bảo anh ta. Người bị bắt ở đàng kia và tôi sẽ đích thân báo cho ông ta rằng ông ấy được tự do.
Bá tước và Franz theo tên tướng cướp đến một xà lim và hắn mở khóa.
Lúc đó nhờ ánh sáng một ngọn đèn, có thể thấy Albert cuộn tròn trong một cái áo khoác của một tên cướp cho mượn nằm trong một xó và ngủ rất say.
– Nào! Bá tước nói và cười, nụ cười đặc trưng của ông, một người bị xử bắn vào bảy giờ sáng mà chẳng đến nỗi nào.
Vampa nhìn Albert ngủ, lộ vẻ ít nhiều khâm phục.
– Ngài nói đúng thưa bá tước, con người này phải là một trong số bạn của ngài.
Rồi đến gần Albert, hắn chạm vào vai anh:
– Thưa ngài! – Hắn nói, ngài vui lòng thức dậy chứ?
Albert vươn tay, giụi mắt rồi mở mắt nhìn.
– Ngài được tự do, thưa ngài.
– Họ đã trả tiền chuộc cho tôi rồi sao?
– Không, thưa ngài. Có người mà tôi không dám từ chối bất cứ điều gì đã đến đòi ngài về.
– A! Thế đấy, con người nào sao dễ thương đến thế?.Albert đưa mắt nhìn quanh mình và nhận ra Franz đi cùng với bá tước Monte Cristo.
– A, thưa bá tước, Albert vui vẻ nói và sửa lại cavat cùng các cửa tay áo, ông là một con người thật quý hóa, mong ông coi tôi là người chịu ơn ông suốt đời.
Tên cướp nhìn toàn bộ cảnh này với vẻ kinh ngạc.
– Thưa ngài Luigi, Albert nói tiếp, có cần hoàn tất thủ tục gì không để cáo biệt ngài?
– Không cần gì cả thưa ông, và ông được tự do như khí trời vậy.
– Như vậy thì chúc ông một cuộc sống tốt lành và vui vẻ. Đi nào, các ông, đi nào!
Họ gặp lại chiếc xe ở chỗ nó đậu lúc trước.
Bá tước chỉ nói một tiếng với người đánh xe là những con ngựa đã chạy miết.
Ngày hôm sau vừa mới thức dậy, câu nói đầu tiên của Albert là rủ Franz sang thăm bá tước.
Ngay sau đó họ đến trình diện ở cửa.
– Thưa bá tước, Albert vừa nói vừa bước lại gần, sáng nay xin phép cho tôi được thưa lại với ông về điều hôm qua tôi nói chưa rõ: đó là không bao giờ tôi quên rằng ông đã cứu tôi trong hoàn cảnh như thế nào và tôi sẽ luôn nhớ rằng tôi chịu ơn ông cứu mạng hay gần như thế.
– ông láng giềng thân mến của tôi ơi, bá tước vừa cười vừa trả lời, ông đã quá lời khi nói về sự hàm ơn đối với tôi. Nhờ tôi mà ông tiết kiệm được khoản tiền nhỏ độ vài chục ngàn quan trong việc chi tiêu du lịch của ông, chỉ có thế thôi mà. ông thấy rõ là chuyện này chẳng đáng nói làm gì.
– Tuy nhiên việc tôi chịu ơn ông không vì thế mà ít hơn, bởi vậy tôi muốn hỏi rằng liệu tôi có thể giúp ông được chút việc gì không. Cha tôi, bá tước De Morcerf, người gốc Tây Ban Nha hôm nay đang có địa vị cao ở Pháp và Tây Ban Nha, và tôi xin thưa rằng tôi và tất cả những người yêu mến tôi sẵn sàng đợi ông sai bảo.
– Thế thì, bá tước nói, tôi thú thực với ông rằng, ông de Morcerf ạ, tôi mong đợi đề nghị của ông và tôi chấp nhận nó hết sức thực lòng.
Tôi đã chọn ông để nhờ cậy một việc lớn.
– Việc gì ạ?
– Tôi chưa từng ở Paris! Tôi không biết Paris.
Lúc tôi đến Paris liệu ông có hứa mở giùm các cửa cho tôi đi vào cái thế giới mà ở đó tôi là người xa lạ hay không?
– Rất sẵn lòng, Albert đáp, rất vui mừng được giới thiệu một người như bá tước Monte Cristo.
Và khi nào thì tôi được hân hạnh tiếp ông?
– Liệu ông có ưng một cuộc hẹn đúng ngày đúng giờ không? Xin báo để ông biết rằng tôi là người chính xác đến khó chịu..- Đúng ngày đúng giờ, Albert nói, điều đó hết sức phù hợp với tôi.
– Vậy thì, cứ thế nhé. Bá tước đưa tay về một quyển lịch treo cạnh tấm gương. Hôm nay là 21 tháng hai, lúc này là mười giờ rưỡi sáng.
Ông có muốn chờ tôi vào ngày 21 tháng năm sắp tới vào hồi mười giờ rưỡi sáng không?
– Tuyệt vời! Albert nói, bữa sáng sẽ sẵn sàng.
– ông ở đâu?
– Phố Helder số nhà 27.
Bá tước ghi cẩn thận những thông tin ấy.
– Và bây giờ, bá tước nói trong khi bỏ những mảnh giấy ghi chép của mình vào túi áo, xin cứ yên tâm, kim đồng hồ treo tường nhà ông không chính xác hơn tôi được đâu. Khi nào ông quay về Paris?
– Ngày mai, tôi đi vào hồi năm giờ chiều.
– Như vậy thì xin chào ông. Còn ông, bá tước hỏi Franz, ông cũng đi chứ, ông nam tước?
– Vâng, đi Venise. Tôi còn ở lại Italia một vài năm.
– Nào, chúc các ông lên đường may mắn! Bá tước nói với hai người bạn và chìa cho mỗi người một tay.
Đó là lần đầu Franz cầm tay người đàn ông này, anh rùng mình vì nó lạnh giá như tay người chết.