Ba ơi, mình đi đâu

Chương 7

Nếu các con như những người khác, ba sẽ đưa các con tới bảo tàng. Chúng ta sẽ cùng ngắm các bức họa của Rembrandt, Monet, Turner và lại Rembrandt nữa...

Nếu các con như những người khác, ba sẽ tặng các con những đĩa nhạc cổ điển, trước hết

chúng ta sẽ cùng nghe Mozart, rồi đến Beethoven rồi đến Bach và lại Mozart nữa.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ tặng các con thật nhiều sách của Prévert, Marcel Aymé, Queneau, Ionesco và lại Prévert nữa.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ dẫn các con tới rạp chiếu bóng, chúng ta sẽ cùng xem những bộ phim cũ của Chaplin, Eisenstein, Hitchcock, Bunuel và lại Chaplin nữa.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ đưa các con đến những nhà hàng lớn, ba sẽ cho các con uống chambolle-musigny và lại chambolle-musigny(1) nữa.

Nếu các con như những người khác, chúng ta sẽ cùng chơi quần vợt, bóng rổ và bống chuyền.

Nếu các con như những người khác, chúng ta sẽ cùng trèo lên các tháp chuông nhà thờ gô tíc, để có được một tầm nhìn bao quát.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ tặng con những bộ đồ thời trang, để các con là những người đẹp nhất.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ đưa các con đi khiêu vũ cùng vợ chưa cưới của các con trên chiếc mui trần cũ kỹ của ba.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ kín đáo đưa các con ít tiền để mua quà cho vợ chưa cưới của các con.

Nếu các con như những người khác, chúng ta sẽ tổ chức một buổi lễ hoành tráng mừng đám cưới các con.

Nếu các con như những người khác, ba sẽ có cháu.

Nếu các con như những người khác, có lẽ ba sẽ bớt sợ tương lai hơn.

Nhưng nếu các con như những người khác, các con sẽ lại như tất cả mọi người.

Có lẽ các con sẽ chẳng làm gì trên lớp.

Các con sẽ trở thành tội phạm.

Các con sẽ hí hoáy nghịch ống bô trên xe máy của các con để làm nó kêu to hơn.

Các con sẽ thất nghiệp.

Các con sẽ thích nhạc của Jean-Michel Jarre(2).

Các con sẽ kết hôn với một cô nàng ngu ngốc.

Các con sẽ ly dị.

Và có lẽ các con sẽ có những đứa con tật nguyền.

Chúng ta đã kịp thoát khỏi một thảm họa.

Tôi đã cho thiến con mèo của tôi, mà không báo trước với nó, mà không xin phép nó. Mà không giải thích với nó ích lợi và bất lợi. Tôi chỉ đơn giản bảo nó rằng người ta sẽ kéo a mi đan của nó ra. Tôi có cảm giác, kể từ ấy, nó hờn dỗi tôi. Tôi không dám nhìn vào mắt nó nữa. Tôi ân hận.

Tôi nghĩ đến một thời kỳ mà ở đó người ta muốn hoạn bọn trẻ tật nguyền. Các vị xã hội thượng lưu xin cứ yên tâm, các con tôi sẽ không sinh sản. Tôi sẽ không có cháu, tôi sẽ không đi dạo cùng một bàn tay nhỏ nhắn ngọ nguậy trong bàn tay già nua của tôi, sẽ chẳng có ai hỏi tôi mặt trời đi đâu khi nó lặn, sẽ chẳng có ai gọi tôi là ông, trừ những đứa vô lại trẻ ranh ngồi trên chiếc ô tô chạy sau xe tôi vì tôi lái không đủ nhanh. Chuyện nối dõi sẽ dừng lại, chúng tôi sẽ dừng lại ở đó. Và như vậy thì tốt hơn.

Các bậc phụ huynh chỉ được phép sinh những đứa con bình thường, tất cả sẽ giành giải nhất như nhau trong cuộc thi em bé xinh nhất và, sau đó, là giải nhất trong cuộc thi tổng hợp. Đứa trẻ bất thường hẳn sẽ bị cấm.

Đối với những chú chim bé nhỏ của tôi, vấn đề này không được đề cập đến, chúng tôi không việc gì phải lo lắng. Chúng sẽ không gây thiệt hại gì nhiều với con chim sẻ bé tí xíu như con ốc vùng triều của chúng.

Tôi vừa mua một chiếc Camaro hạ giá, một chiếc xe Mỹ. Nó có màu lục đậm, nội thất bọc vải ximili trắng, vẻ hơi khoe mẽ.

Chúng tôi đi nghỉ ở Bồ Đào Nha.

Chúng tôi đưa Thomas đi cùng, nó sẽ được thấy biển. Chúng tôi đã qua đón nó ở Suối Nguồn, viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt của nó, gần Tuors.

Chiếc Camaro lướt trên mặt đường lặng lẽ.

Sau một đêm ở Tây Ban Nha, chúng tôi đến Sagres, đích của chuyến đi. Khách sạn màu trắng, bầu trời xanh và biển nắng chói chang, gần như châu Phi.

Hạnh phúc sao khi cuối cùng cũng tới nơi. Chúng tôi đưa Thomas xuống, nó rát sung sướng, nó nhìn khách sạn, nó vừa kêu lên: "Suối nguồn! Suối nguồn!" vừa vỗ tay. Nó nghĩ đã quay lại viện chăm sóc của nó. Có lẽ nó bị ánh mặt trời làm lóa mắt, hoặc đó là một câu đùa, nó nói thế để chọc cười chúng tôi.

Khách sạn này hơi kiểu cách, nhân viên mặc đồng phục màu boóc đô đính cúc mạ vàng. Người phục vụ nào cũng đeo một cái phù hiệu ghi tên mình, người phục vụ chúng tôi tên là Victor Hugo. Thomas muốn ôm hôn tất cả mọi người.

Thomas được phục vụ như một hoàng tử nhỏ. Thứ mà nó không thích, là người bồi bàn, trước khi phục vụ, lại dọn hết những chiếc đĩa trang trí ở trên bàn đi. Nó nổi giận, nó giữ chặt đĩa của nó, nó không muốn người ta lấy mất, nó gào thét: "Không, ông ơi! Không phải đĩa! Không phải đĩa!" Hẳn nó nghĩ rằng nếu người ta lấy đĩa của nó, nó sẽ chẳng có gì mà ăn.

Thomas sợ đại dương, sợ tiếng ầm của những con sóng lớn. Tôi thử giúp nó làm quen. Tôi đi xuống biển và bế nó trên tay, nó bám chặt vào tôi, kinh hãi. Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ khiếp sợ ấy của nó. Rồi một ngày, nó nghĩ ra được một mánh khóe để chấm dứt khổ hình của mình và chúng tôi phải rời khỏi nước, nó làm vẻ bi thương, và rất to, để chúng tôi nghe được bất chấp tiếng sóng ầm ì, nó gào lên: "Đi ị!" Tin là khẩn cấp, tôi đưa nó rời khỏi nước.

Tôi nhanh chóng hiểu rằng đó không phải là sự thật. Tôi xúc động vô cùng. Thomas không ngốc, thậm chí có hẳn vài tia sáng trong bộ não chim của nó.

Nó có khả năng nói dối.

Mathieu và Thomas sẽ không bao giờ có Thẻ xanh(3) hay thẻ đỗ xe trong ví. Chúng sẽ không bao giờ có ví, tấm thẻ duy nhất của chúng, sẽ là thẻ chứng nhân tật nguyền.

Nó có màu da cam, để nhìn cho vui mắt. Nó mang dòng chữ "Tư thế đứng khó khăn" màu lục.

Nó được cấp bởi thị trưởng Paris.

Tỷ lệ bất lực của chúng, tính theo phần trăm, là 80%.

Thị trưởng, người không hề ảo tưởng về khả năng phát triển của chúng, đã cấp cho chúng tấm thẻ "tật nguyền vĩnh viễn".

Trên tấm thẻ, có ảnh của chúng. Vẻ mặt kỳ quặc của chúng, ánh mắt lơ đãng của chúng... Chúng nghĩ tới điều gì nhỉ?

Đến nay tấm thẻ vẫn giúp ích cho tôi. Thỉnh thoảng tôi lại để nó lên kính chắn gió trước xe mỗi khi đỗ sai quy định. Nhờ bọn trẻ, tôi tránh được một khoản phạt.

Các con tôi sẽ không bao giờ có sơ yếu lý lịch. Chúng đã làm gì ư? Chẳng gì hết. Thật đúng lúc, người ta sẽ không bao giờ yêu cầu chúng làm gì.

Liệu chúng tôi có thể viết gì trên sơ yếu lý lịch của chúng? Tuổi thơ bất thường, rồi vĩnh viễn ở trong viện chăm sóc sức khỏe và giáo dục đặc biệt, ban đầu là Suối Nguồn, tiếp đến là Thông Bá Hương, những cái tên mới đẹp làm sao.

Các con tôi sẽ không bao giờ có lý lịch tư pháp. Chúng vô hại. Chúng chẳng làm gì tai ác, chúng sẽ không biết làm.

Đôi lúc, vào mùa đông, khi thấy chúng trong chiếc mũ trùm mặt, tôi lại tưởng tượng ra cảnh chúng trở thành cướp nhà băng. Hẳn chúng sẽ không nguy hiểm lắm với cử chỉ lóng ngóng và đôi bàn tay run run.

Hẳn cảnh sát sẽ tóm được chúng hết sức dễ dàng, hẳn chúng sẽ không bỏ trốn, chúng không biết chạy.

Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi vì sao chúng lại bị trừng phạt nặng nề đến thế. Thật vô cùng bất công, chúng chẳng làm gì cả.

Điều đó giống như một phán quyết sai lầm khủng khiếp.

Trong một vở kịch ngắn khó quên, Pierre Desproges trả thù lũ trẻ ranh và những nỗi kinh hoàng chúng tặng ông nhân ngày lễ Mẹ và Cha.

Tôi thì tôi không phải trả thù. Tôi chẳng bao giờ được tặng gì cả. Không quà, không lời khen ngợi, chẳng gì hết.

Tuy nhiên ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được một hũ sữa chua mà lẽ ra Mathieu đã làm thành khay dốc túi. Lẽ ra nó đã trang trí vật đó bằng bút dạ màu hoa cà và lẽ ra nó đã gắn lên vật đó những ngôi sao mà lẽ ra tự tay nó cắt từ tờ giấy bọc quà ánh vàng.

Ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được một lời khen ngợi được viết rối bởi Thomas, trong đó lẽ ra nó đã vô cùng khó khăn vạch nổi dòng: "Con ye bơ nhiu."(4)

Ngày hôm đó, lẽ ra tôi đã tin chắc có được một chiếc gạt tàn hình thú kỳ dị như củ cúc vu, mà lẽ ra Mathieu đã làm bằng sáp nặn và trên đó lẽ ra nó khắc chữ "Ba".

_____________________________________________________________________

(1) Tên một loại rượu vang nổi tiếng của vùng Bourgogne, Pháp.

(2) Nhạc sĩ người Pháp chuyên sáng tác thể loại nhạc điện tử

(3) Tức thẻ tín dụng

(4) Con yêu ba nhiều.