Đôi nét về tác giả:
Jean-Louis Fournier sinh năm 1938 tại Arras trong một gia đình có bố là bác sĩ, mẹ là biên tập viên. Ông là nhà văn trào lộng kiêm đạo diễn phim truyền hình, đã thành danh với các tác phẩm: La grammaire française et impertinente (1992), Il a jamais túe personne mon papa (1999), Les mots des riches, les mots des pauvres (2004), Mon dernier cheveu noir (2006)... Ngần ấy cuốn sách ra đời và gặt hái thành công đủ để chứng tỏ tài năng của cây bút trào phúng đen này. Ở tuổi 70, với Ba ơi, mình đi đâu?, lần đầu tiên Jean-Louis Founier viết về hai cậu con trai tật nguyền của mình, cũng là để dành tặng chúng. Sức mạnh lan tỏa của câu chuyện có thật vô cùng cảm động này đã giúp tác giả giành giải Fémina 2008 cà đứng vững trên bảng xếp hạng bestseller suốt nhiều tuần qua.
Cảm nhận về tác phẩm:
Câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một đứa trẻ không biết suy nghĩ "Ba ơi, mình đi đâu?" lặp lại như lời chất vấn dai dẳng về ý nghĩa tồn tại của một đời người: chúng ta từ đâu đến? chúng ta làm gì? chúng ta đi về đâu?...
Ngay từ lá thư đầu tiên mở đầu cuốn sách, tác giả không giấu giếm về những điều sắp xảy ra sau đấy. Một cuốn sách viết về hai đứa con trai tật nguyền của ông, Jean-Louis Fournier. Đó là tín hiệu về sự chân thành để giữa bao mối quan tâm bề bộn của cuộc sống này, bạn đọc sẵn lòng bước vào lối mở ấy.
Người kể chuyện luôn xưng "tôi" trong hầu hết trang sách. Như là một cách ông, Jean-Louis Fournier, ràng buộc với câu chuyện của chính mình. Không thể đi đâu, cho dù loanh quanh đây đó. Người cha luôn hiện diện bên hai cậu con trai tật nguyền, hai nhân vật ngoài hành tinh, hai yêu tinh, hai con chim bé nhỏ lông xù, hai ông già lưng gù... Quá nhiều áp lực cho vị trí bi thảm này. Một đôi nơi, nhân vật người kể chuyện trốn mất. Trong một giấc mơ về đứa trẻ chỉ cao 2 cm khi mười tuổi. Trong một lá thư tưởng tượng mà hai đứa con không biết đọc, không biết viết gửi cho người cha. Sự hối lỗi mau chóng trở về khi tác giả đột ngột chuyển đổi vị trí khi xích lại gần con hơn, xưng là "ba". Chỉ riêng điều đó đã hé mở, ông, Jean-Louis Fournier đã khó khăn biết chừng nào khi kể ra những mẩu chuyện ngắn và quá ngắn trong cuốn sách nhỏ chứa đầy sức nặng này.
Ba ơi, mình đi đâu? là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn nhưng lại không thấm đẫm nước mắt. Cuốn sách khiến người đọc cảm thấy đau nhói mọi nơi song không vùi sâu trong ủy mị. Bởi đó là cách lựa chọn của Jean-Louis Fournier trong suốt cuộc đời làm cha của mình. Uất hận, than trách cuộc đời, nổi điên lên hay buồn bã... cũng không thể làm khác đi sự hiện diện của hai cậu bé luôn uống thuốc an thần mỗi ngày để yên lặng. Những đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi "Ba ơi, mình đi đâu?". Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu "brừm, brừm"... Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào?
Ông, Jean-Louis Fournier không giấu giếm những phút quẫn trí mình đã từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ. Ông chưa bao giờ nhận mình là một thiên thần để chịu đựng từng ấy nỗi niềm tan nát. Song người cha ấy không gục ngã. Hay nói đúng hơn hai đứa trẻ tật nguyền thúc giục ông cần phải vượt qua. Đó là cách người cha nhìn vào những thử thách khắc nghiệt bằng một cặp mắt khác. Đó là sự hài hước trong những điều cay đắng. Ông thấy các con mình không phải đi học, không phải nghe giảng, không phải làm bài kiểm tra, không phải chịu phạt. Ông nhìn thấy mình nhờ con được phóng những chiếc xe lớn, tránh được việc nộp phạt, có tiền từ trợ cấp tật nguyền của con, không phải lo lắng về định hướng nghề nghiệp tương lai... Ông, Jean-Louis Fournier luôn cố mỉm cười khi kể câu chuyện về hai đứa con, dẫu nụ cười ấy thấm đẫm vị mặn chát.
Bằng thứ dư vị rất riêng ấy, ông, Jean-Louis Fournier, viết nên câu chuyện
về hai đứa con tật nguyền. Thomas và Mathieu không bé nhỏ, không vô nghĩa bởi sự hiện diện của chúng buộc người cha ý thức về tình cảnh cuộc đời mình. Câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một đứa trẻ không biết suy nghĩ "Ba ơi, mình đi đâu?" lặp lại như lời chất vấn dai dẳng về ý nghĩa tồn tại của một đời người: chúng ta từ đâu đến? chúng ta làm gì? chúng ta đi về đâu? Jean-Louis Fournier khiêm nhường trong câu chuyện của mình, không cố tô vẽ bản thân là một người cha mạnh mẽ. Ở cuối cuốn sách, đó là những lời tắc nghẹn "Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua", "Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc
đời tôi là bế tắc"... Nhưng, giống như Thomas và Mathieu, cuốn sách và nỗi bất hạnh của ông lại mang tới những nghị lực để nâng đỡ nhiều người. Như lời nhận xét của Christine Jordis, Trưởng ban giám khảo giải Fémina: "Một cuốn sách hướng con người đến cái Thiện".