Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 12: Triều đình đại tống

Lê Văn cùng Tôn Đản, Tự-Mai chạy vào phòng riêng. Y vội kéo quần Tự-Mai, Tôn Đản ra xem: dương v*t bị sưng lớn đỏ lòm. Y nói:

- Chúng mình bị trúng Chu-sa độc phấn rồi. Gọi ông heo mau.

Thiệu-Thái chạy vào, chàng nâng chim ba cậu em lên coi: Sưng đỏ lòm. Đúng là bị trúng Chu-sa phấn. Chàng bảo cả ba ngồi ngay ngắn lại, rồi vỗ tay lên huyệt Bách-hội ba người. Cả ba rùng mình một cái, mồ hôi toát ra ướt hết quần áo. Mùi hôi tanh khủng khiếp xông lên. Khoảng nhai dập miếng trầu, cả ba đã hết đau, cùng mặc quần áo lại.

Thiệu-Thái dặn:

- Ba đứa đi tắm, rồi trở ra đây cho cậu hai hỏi truyện.

Tắm xong, Tôn Đản văng tục:

- Con bà nó. Nếu không có ông ỉn, e bọn mình mất chim, phải làm thái giám không chừng.

Lê Văn hỏi Thiệu-Thái:

- Ông heo ơi. Em đề nghị thế này: Ông heo dạy bọn em luyện Hồng-thiết tâm pháp. Không cần dạy đến trình độ có thể giải độc cho người, mà chỉ cần tự chống được mọi độc tố cũng đủ rồi.

Mỹ-Linh bước vào, nàng nắm tai Lê Văn vặn tréo đi:

- Vừa rồi em gọi anh Thiệu-Thái là gì?

- Ối đau. Bà sề làm gì người ta đây. Tai em là tai người, vặn đứt đem cho chó, chó cũng không ăn đâu. Tốt hơn hết vặn tai ông heo làm giò thủ hoặc luộc lên ăn dòn đáo để.

Mỹ-Linh càng vặn tai mạnh hơn:

- Hôm ở Tân-Dã khi nhờ chị cứu Nong-Nụt cho. Em đã hứa từ nay không được gọi anh Thiệu-Thái bằng cái tên ỉn nữa. Tại sao nay lại nuốt lời?

- Ái, em hứa không gọi tên ỉn. Vừa rồi em gọi là ông heo chứ có gọi cái tên cúng cơm kia đâu?

Tính Mỹ-Linh vốn hiền hậu, lại tu Thiền từ bé. Vì vậy dù mấy cậu em phá đến đâu nàng cũng không giận. Biết môn võ mồm, muôn ngàn lần không thể địch lại Tự-Mai, Lê Văn, nàng đành buông tai nó ra:

- Chị không thèm nói truyện với em nữa.

Lê Văn chưng hửng, chàng nắm tay Mỹ-Linh:

- Chị giận đấy à? Đi tu mà giận thì sao thành Phật được?

Biết võ công này có hiệu quả với Lê Văn, nàng đẩy tay y ra:

- Từ nay chị không nói truyện với em nữa. Suốt từ khi sang Tống đến giờ, em với Tự-Mai phá chị đến điên đầu lên được.

- Em không phá chị thì phá ai bây giờ? Không lẽ phá hai bà chằng Bảo-Hòa, Thiếu-Mai để ăn đòn? Hay phá bà la sát Thanh-Mai để bà tụng cho mấy bộ kinh A-Di-Đà?

Thế là Mỹ-Linh bật cười, bẹo má y:

- Cái mỏ như con két.

Chị em cùng cười.

Khi Tự-Mai cùng Lê Văn trở ra, đã thấy Khai-Quốc vương, vương phi, Thông-Mai, Bảo-Hòa ngồi đó từ bao giờ. Thấy Thông-Mai, Bảo-Hòa, hai đứa trẻ phát rét, không dám đùa nữa.

Khai-Quốc vương hỏi Lê Văn:

- Em thử đoán xem ai đã hạ độc thủ này? Chúng hạ độc với mục đích gì?

Lê Văn đáp ngay:

- Chắc chắn người hạ độc thuộc bang Nhật-hồ Trung-quốc. Có hai trường hợp xẩy ra. Nếu do viên y quan bôi phấn vào tay khi khám hạ độc, thì ít nhất có ba tên đồng bọn. Vì ba đứa thuộc ba toán khác nhau.

Bảo-Hòa gật đầu:

- Đúng vậy.

Bảo-Hòa phân tích:

- Cháu nghĩ chúng không chỉ hạ độc bọn ba đứa nhà mình, mà còn hạ độc tất cả các ứng viên. Vậy có khi cả mười tám tên đều hạ độc thủ. Trường hợp này tất phải Lưu thái hậu, nhà vua hay Định-vương mới đủ uy quyền ra lệnh. Nhà vua vốn hiền hậu, lại đang nhờ vả ba đứa, chắc không phải ông. Định-vương là người quân tử, không thể làm truyện ác đức. Rút cuộc chỉ còn mình Lưu hậu mà thôi. Cuộc tuyển phò mã do Lưu hậu chủ xướng, không lẽ bà hại bà?

Mọi người đều công nhận lời Bảo-Hòa hợp lý. Nàng tiếp:

- Bây giờ chúng ta thám thính xem có ứng sinh nào trúng độc nữa không. Nếu tất cả đều bị trúng độc, ta lập tức cho Tự-Mai nhập cung báo với nhà vua, rồi ta bắt một tên y quan tra khảo, tất y khai ra người truyền lệnh. Còn như không có ai trúng độc cả, thì ba đứa trẻ nhà mình trúng độc do nguyên cớ khác.

Đến đó, Khấu Kim-Hồng vào cung tay:

- Khải vương gia, có Tây-sơn lão nhân cầu kiến.

Vương vội đứng dậy, vẫy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái theo. Ngoài phòng khách Tây-sơn lão nhân cùng Địch Thanh, Triệu Tiết, Khúc Chẩn đang ngồi chờ. Thấy Vương ra, Tây-Sơn lão nhân cùng ba đệ tử đứng dậy chắp tay hành lễ. Vương vội đáp lễ mời ngồi. Cứ nhìn sắc diện ba đệ tử Hoa-sơn, Vương đã biết việc gì xẩy ra. Vương hỏi lão:

- Đạo sư. Đạo sư thử nghĩ xem ai đã đánh thuốc độc bọn trẻ?

Tây-Sơn lão nhân thở dài:

- Khó đoán quá. Dường như kẻ nào đó định phá hoại cuộc tuyển phò mã thì phải. Bần đạo phải khẩn tâu lên Hoàng-đế điều tra ngay mới được. Bần đạo nghe trong sứ đoàn Đại-Việt có công tử của Hồng-Sơn đại phu. Vì vậy bần đạo đem ba tên đệ tử tới nhờ người trị cho.

Khai-Quốc vương nhìn Địch Thanh:

- Trạng nguyên đã trúng Chu-sa phấn hai lần. Vậy lần trạng nguyên có thấy giống những lần trước không?

Địch Thanh cung tay:

- Khải vương gia giống hệt. Vừa nóng, vừa nhức, lại vừa đau.

Vương mỉm cười:

-- Thế thì có thuốc tạm cầm đau đớn. Thuốc này cô gia đã tặng Định-vương khá nhiều. Tuy vậy Lê Văn mang theo đây mười mấy bình, ta dùng để trấn tĩnh rồi tính sau.

Vương truyền mời Lê Văn. Y thấy tình trạng ba đệ tử Hoa-sơn thì lắc đầu:

- Ba anh em chúng tôi cũng bị trúng độc như các vị. Đây thuốc đây, các vị uống vào cầm cơn đau, rồi ta tìm cách trị sau.

Địch Thanh hỏi:

- Lê công tử, tại hạ nghe Thân giáo chủ có thể dùng thần công trị tuyệt độc tố Chu-sa. Xin công tử mời Thân giáo chủ trị cho anh em tại hạ, nguyện không bao giờ quên ơn.

Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn Tây-Sơn lão nhân, rồi mỉm cười:

- Xin đạo sư hiểu cho. Chúng tôi đang trên đường đi sứ, nên không muốn, và không thể làm trái với những thế lực tối cao.

Lão nhân lắc đầu:

- Khải vương gia, bần đạo nghĩ Hoàng-thượng không hề biết gì về việc này.

Triệu Tiết ngơ ngác hỏi:


- Sư thúc, đệ tử không hiểu ý tứ cao xa của sư thúc với vương gia.

Địch Thanh vốn cực kỳ thông minh, y giảng giải cho Triệu Tiết:

- Sư đệ ơi! Sư đệ nên biết việc đầu độc này do mười tám y quan cùng ra tay. Phàm người thường, đụng vào Chu-sa phấn, thì tay mình bị trúng độc trước. Đây các y quan không bị trúng độc, hẳn họ đã có thuốc phòng. Việc tuyển phò mã do chỉ dụ của Thái-hậu, mà mười tám y quan cùng ra tay phá, e có thế lực cực lớn sai khiến.

Triệu Tiết hiểu ra:

- Đệ hiểu rồi. Vì thế Vương gia mới phán : Không muốn và không thể làm trái với thế lực tối cao. Sư thúc cho rằng ý vương chỉ Thiên-tử. Người mới nói rằng Hoàng-thượng không biết gì về việc này.

Lê Văn tiếp:

- Cho nên anh Thiệu-Thái không thể trị dứt cho các vị. Trị như vậy, là gây hấn với thế lực tối cao. Theo tại hạ, có lẽ Thái-hậu hoặc triều đình chủ trương việc này để thử công lực của sĩ tử không chừng.

Tây-Sơn lão nhân chắp tay hướng Khai-Quốc vương:

- Đa tạ vương gia cứu trị cho ba đệ tử thiểm phái. Bần đạo phải đi yết kiến Thiên-tử ngay, để tâu trình việc này.

Ba anh em Địch, Triệu, Khúc cáo từ ra về.

Tự-Mai hỏi Khai-Quốc vương:

- Sáng mai tất cả ứng sinh phải vào sân rồng điện Sùng-chính yết kiến nhà vua, cùng nhận hoa, sau đó thi văn, đấu võ. Trong khi bộ Lễ loan báo nhà vua tiếp anh cả cũng vào ngày mai. Vậy em có nên đợi cùng mọi người vào, hay theo sứ đoàn?

- Em nên vào cung báo cho nhà vua biết trước vụ này để người đề phòng.

Bảo-Hòa mỉm cười:

- Em với Lê Văn phải nhập cung thực sớm tâu trình cho nhà vua. Hiện Định-vương chuẩn bị giáp binh bao vây tư thất đại thần thuộc dư đảng Hồng-thiết giáo, những biến chuyển dồn dập, rất có thể Lưu hậu ra tay hại nhà vua. Em là em kết nghĩa với nhà vua phải xin theo đến điện Sùng-chính để hộ vệ cho nghĩa huynh.

Khai-Quốc vương ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi nói rất chậm:

- Mai này sứ đoàn vào triều yết Thiên-Thánh hoàng đế. Trong lúc bách quan lâm triều thì Định-vương cùng Phụ-Quốc, Trung-Đạo với mười trưởng lão bang Nhật-hồ cũ tổ chức chính biến. Dinh thự của đại thần thuộc phe Lưu hậu bị bao vây. Trong cung, đội thị vệ cuối cùng của Lưu hậu sẽ bị bắt. Có người đánh thuốc cho Lưu hậu mê man. Nhưng ta sợ một điều là Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn cũng học được Hồng-thiết tâm pháp. Tuy bản lĩnh không bằng Nhật-Hồ lão nhân với Thiệu-Thái, nhưng y cũng có thể giải độc cho Lưu hậu. Còn Lý thái-phi được tôn lên làm Thái-hậu. Khi lâm triều Lý thái-hậu ngồi trong màn thính chính. Bọn thủ hạ Lưu hậu tưởng Lưu hậu ngồi đó. Vì vậy...

Vương nhìn năm trẻ:

- Năm hiền đệ tuyệt đối tuân lệnh anh Thông-Mai với chị Bảo-Hòa mà hành sự.

Tự-Mai, Lê Văn đưa mắt nhìn nhau mỉm cười. Thiệu-Thái hỏi:

- Có gì lạ không?

Lê Văn nheo mặt:

- Anh cả ra lệnh cho bọn em phải tuân lệnh ông kẹ, bà chằng e... thừa. Vì có bao giờ ổng bà nói mà bọn em dám cãi đâu?

Khai-Quốc vương cười:

- Đêm nay Bảo-Hòa nhập cung ở bên cạnh Lý hậu bảo vệ bà. Mai lâm triều, giả làm cung nữ ngồi sau bà để điều khiển năm ông phá trời. Còn anh Thông-Mai, sẽ được anh Trung-Đạo cấp thẻ bài giả làm thị vệ tại điện tiền.

Tự-Mai hỏi:

- Khi vào thành yết kiến nhà vua, em mặc giả thái giám hay mặc y phục Đại-Việt?

Vương đáp ngay:

- Em có thẻ bài, cùng chỉ dụ nhà vua chứng nhận là em kết nghĩa, thì việc gì phải giả thái giám? Cứ đường đường chính chính mặc y phục Đại-Việt nhập thành.

Vương bảo Lê Văn:

- Em theo đánh xe cho Tự-Mai cùng vào thành. Tuyệt đối không được đùa nghịch thái quá. Mang theo ít thuốc cùng kim châm cứu.

Sáng hôm sau, đầu giờ Mão.

Lê Văn đánh xe cùng Tự-Mai hướng cửa Đan-phượng tiến phát. Trên càng xe, một lá cờ Đại-Viêt bay phất phới. Xe tới cổng hoàng thành. Viên thị vệ ra ngăn lại hỏi:

- Hai vị là ai? Nhập hoàng thành có việc gì?

Tự-Mai trình thẻ bài cùng chỉ dụ ra. Viên thị vệ xem qua, rồi chạy vào trao cho một viên hiệu-úy. Viên hiệu-úy cung cung kính kính gọi một tên đội trưởng:

- Người lấy ngựa, đưa công tử vào cửa Đông-hoa trong Cấm-thành.

Viên thị vệ lên ngựa dẫn đường. Tới cửa Cấm-thành, y nói lớn:

- Có đại quý khách.

Một viên võ quan chạy ra. Tự-Mai trao thẻ bài cho y. Y xem qua, rồi cung cung kính kính:

- Hoàng thượng hiện ngự tại Sùng-văn điện. Tiểu nhân xin dẫn đường.

Y đi bộ, Lê Văn đánh xe theo sau. Tới điện Sùng-văn, viên võ quan cầm lấy cương ngựa cột vào gốc cây. Y gọi một tên thái giám:

- Trịnh công công. Có quý khách tới yết kiến thiên tử.

Tự-Mai đã nhận ra tên thái giám già Trịnh Đức mà nó đã gặp ở tửu lầu cùng nhà vua. Trịnh Đức thấy em kết nghĩa của thiên tử, y vội cúi rạp người xuống:

- Thần xin tham kiến nhị vị vương gia. Xin nhị vị chờ, thần vào tâu cùng hoàng thượng đã.

Trịnh Đức vào một lúc, rồi y trở ra cung tay:

- Hoàng-thượng tuyên triệu mời hai vị.

Y mở cửa. Tự-Mai, Lê Văn bước vào.

Trong căn phòng rộng thênh thang đầy những giá sách. Nhà vua đang ngồi trước án thư, cạnh đỉnh hương khói bốc nghi ngút. Tự-Mai, Lê Văn định hành lễ, nhà vua đã phất tay:

- Nhị đệ, Lê đệ! Miễn lễ.

Nhà vua đứng dậy ôm lấy hai trẻ:

- Ta biết sau cuộc sơ tuyển, thế nào nhị đệ, Lê đệ cũng đến thăm ta. Cho nên ta ngồi chờ sẵn ở đây.

Tự-Mai hỏi:

- Tại sao đại ca biết trước?

- Ta đoán thế này: hai đệ dự cuộc tuyển ở bộ Lễ xong, sẽ lo lắng không ít. Lê đệ sợ bị trúng tuyển, thì sao có thể kết hôn với công chúa Nong-Nụt? Vì vậy Lê đệ nhờ ta ban chỉ cho các quan đánh trượt. Còn nhị đệ, cũng không muốn dự tuyển vì sợ được gả cho một tiểu thư khác. Nhị đệ xin ta gả cung nữ Thuận-Tường cho. Có phải thế không?

Lê Văn vỗ vào đầu một cái:

- Bệ hạ xứng đáng là đệ tử của Định-vương. Việc gì bệ hạ cũng đoán trước được. Quả anh em hạ thần có ý đó. Nhưng anh em hạ thần yết kiến bệ hạ khẩn cấp vì lý do khác.

- Lý do gì?

Tự-Mai nói:

- Có âm mưu ám hại toàn thể các ứng tuyển viên phò mã. Mấy trăm thiếu niên tinh hoa con dân Thiên-triều chết tuy không phải việc lớn. Nhưng sĩ dân cho rằng triều đình ám hại anh tài mới là điều đáng buồn.

Nhà vua kinh ngạc:

- Truyện ra sao. Nhị đệ kể cho ta nghe từ đầu đến cuối. Ta chưa được tâu trình về việc này.

Tự-Mai tóm tắt tâu trình một lượt. Nhà vua kinh hãi:

- Ta nghĩ việc này không phải do Thái-hậu, cũng không do ta, lại càng không thể do Thái-sư. Nhưng ai mà dám lộng hành đến như thế?

Nhà vua bảo Tự-Mai:

- Nhị đệ gọi Trịnh Đức cho ta.

Tự-Mai ra ngoài, hô lên:

- Hoàng thượng tuyên triệu Trịnh công công.

Trịnh Đức vào quỳ gối. Nhà vua phán:

- Người tuyên triệu Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích cùng Lễ-bộ tham tri Phùng Nguyên khẩn cấp cho ta.

Trịnh Đức tâu:

- Tâu bệ hạ, Thái-hậu tuyên chỉ thỉnh bệ hạ tới Sùng-chính điện ngay, để dự tuyển phò mã.

Nhà vua nhìn Tự-Mai:

- Nhị đệ nghĩ sao.

- Đại ca đang ở vào thế bất lưỡng lập với bọn cường thần. Từ trước đến nay chúng chỉ biết có Thái-hậu. Chúng coi đại ca như bù nhìn. Việc này chắc do bọn chúng gây ra với mục đích gì khó mà biết được. Như vụ Tào Nhuế, rõ ràng hôm qua đại ca sai bắt giam y, mà sáng nay đệ thấy y đi nghênh ngang ngoài đường. Như vậy chúng còn coi đại ca ra gì đâu.

Tự-Mai ôm lấy nhà vua:

- Đại ca ơi, những biến chuyển dồn dập khó có thể đoán trước được. Đại ca cho đệ với Lê Văn theo sau hộ giá, đệ mới an tâm. Nếu như đại ca có gì thì...thì đệ sống không nổi. Một mặt đại ra tuyên chỉ cho tổng lĩnh thị vệ Trần Phụ-Quốc canh phòng Cấm-thành thực cẩn mật. Quanh Sùng-chính điện để một đội võ sĩ thực thân tín. Một mặt sai tổng lĩnh Ngự-lâm quân Trần Trung-Đạo truyền các đạo thiết kị ứng trực đề phòng biến cố.

- Nhị đệ thực cẩn thận. Trẫm đã làm như ngự đệ nói. Về đội thị vệ gác điện Cần-chính, trước đây đo Sử-vạn Na-vượng đưa đám đệ tử bang Nhật-hồ vào. Hôm qua trẫm đã thay thế bằng nhóm đệ tử của Yến Thù rồi.

- Như vậy đệ mới yên tâm.

Nói câu đó, Tự-Mai nghĩ thầm:

- Anh cả vừa là anh kết nghĩa, vừa là anh rể, vừa là chúa. Mình vừa yêu vừa kính lại vừa sợ. Còn Thiên-Thánh hoàng đế mình thấy thâm tình lạ lùng, mình vừa yêu vừa thương cảm. Tuy vậy về quốc sự thì mình phải theo anh cả.

Nhà vua cảm động:

- Nào chúng ta đi. Nhị đệ có biết Sùng-chính điện là điện gì không?

- Đệ nghe nói: Sùng-chính điện dùng để thiết đại triều hoặc tiếp sứ thần.

- Đúng vậy. Tới nơi, hai hiền đệ cứ đứng sau ta, không nói không rằng. Chỉ khi nào ta gặp nguy hiểm, hai hiền đệ mới ra tay. Ai hỏi gì, hai hiền đệ cũng đừng trả lời. Hai hiền đệ không phải hành lễ với bất cứ ai, ngoài Thái-hậu. Thôi ta đi.

Nhà vua đi trước, Tự-Mai, Lê Văn theo sau. Tới Sùng-chính điện, có tiếng hô lớn:

- Hoàng thượng giá lâm.

Nhã nhạc nổi lên nhu hòa, đầm ấm. Lê Văn là đệ tử phái Sài-sơn, rất giỏi âm nhạc. Chàng tò mò đưa mắt nhìn: Ban nhạc có tới hơn trăm nhạc công, họ xử dụng đủ mọi nhạc khí. Những nhạc khí này, chàng đều biết cả.

Nhà vua cùng hai trẻ bước vào trong đại điện giữa hai hàng quan văn võ quỳ gối. Có một người không phải quỳ đó là Định-vương Nguyên-Nghiễm (Triệu Thành). Định-vương thấy Tự-Mai, Lê Văn theo sau nhà vua, nhưng vương lặng thinh như không hề quen biết. Còn triều thần họ kinh ngạc khi thấy hai thiếu niên theo sau nhà vua mà trang phục lại không giống người Tống.

Tự-Mai liếc qua, trong điện, y than:

- Mình đã xem Thuận-Thiên hoàng đế thiết đại triều chỉ khoảng hơn trăm quan lại. Tống có nhiều quan lắm chắc chỉ hai trăm là cùng, không ngờ đông thế này... có lẽ năm trăm là ít.

Nhà vua hướng Định-vương:

- Hoàng nhi thỉnh an hoàng-thúc. Thỉnh hoàng-thúc an tọa.

Định-vương cúi đầu:

- Đa tạ bệ hạ.

Nhà vua lên ngai ngồi, phán:

- Chư khanh bình thân.

Các quan đồng loạt đứng dậy theo hai hàng. Một bên văn, một bên võ. Tự-Mai nghĩ thầm:

- Đám võ quan này đông gớm. Bao nhiêu tinh hoa võ công, bao nhiêu cao thủ tập trung cả vào đây. Mình phải chú ý theo dõi xem những tên nào chống Đại-Việt để còn tỉa chúng.

Tự-Mai chú ý thấy ngang với ngai vàng có hai màn bằng lụa thực dầy che kín. Trong thấp thoáng một phụ nữ ngồi trên chiếc ngai. Chàng đoán là Lưu thái-hậu.

Tự-Mai, Lê Văn đứng sau ngai vàng, hai tay khoanh lại.

Nhã nhạc ngừng. Một đại thần quỳ gối:

- Muôn tâu bệ hạ, thần Lã Di-Giản, lĩnh Hữu-bộc xạ, Đồng-bình chương sự, Thái-tử thiếu bảo, tước Quốc-công, tuân chỉ Thái-hậu thỉnh bệ hạ thiết đại triều. Hôm nay là ngày các ứng sinh phò mã nhập điện yết kiến bệ hạ, cùng tuyển hoa. Nhưng việc tuyển phò mã gặp biến cố.

Tự-Mai nghĩ thầm:

- Triều Đường dùng danh tự Thừa-tướng, Tể-tướng. Triều Tống dùng danh tự Bộc-xạ thay thế. Lão này làm Hữu bộc-xạ, còn Tả-bộc xạ là Tào Lợi-Dụng ta đã biết mặt.

Nhà vua gật đầu:

- Có phải các ứng sinh đều bị trúng Chu-sa phấn của bang Nhật-hồ chăng?

- Tâu bệ hạ quả như thế. Khi hay tin, thần đã cho câu lưu mười tám y quan phụ trách khám xét ứng sinh, giao cho Khu-mật viện điều tra. Thần xin để Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích tâu trình mọi sự.

Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích rời văn ban quỳ tâu:

- Thần Tôn Thích lĩnh Lễ-bộ thượng thư, phụ trách kỳ tuyển trạch ứng sinh phò mã xin tâu: Mười tám y quan đều thuộc Ngự-y viện, xưa nay hành sự cẩn trọng, chưa từng phạm lỗi lầm. Không hiểu sao nay lại xẩy ra cơ sự thế này.

Nhà vua hỏi Định-vương:

- Hoàng thúc nghĩ sao?

Định-vương tâu:

- Hiện chưa có cung từ của mười tám y quan, nên khó có thể đoán trước. Hồi thần sang Đại-Việt cùng sứ đoàn đã trúng phải phấn này. Người tung phấn hại sứ đoàn tên Chu An-Bình. Y giữ chức Nam-phương sứ giả trong bang Nhật-hồ cùng hai cháu y tên An-Khôi, An-Việt. Thần được Cổ-loa hầu Hoàng Văn cấp thuốc giải, tạm trấn cơn đau. Khi trên đường hồi Trung-thổ, thần lại bị người ta bôi phấn độc trên sách, thần đụng vào sách, lại trúng độc lần nữa được tiểu thư Lê Thiếu-Mai cấp thuốc giải trấn thống. Lại tới khi lên đỉnh Tuyệt-phong bị bang Nhật-hồ hại độc lần nữa. May thay gặp giáo chủ Lạc-long giáo Đại-Việt dùng thần công trị tuyệt bệnh cho thần cùng sứ đoàn.

Vương ngừng lại một lúc rồi tiếp:

- Cứ như thần nghĩ, nếu y quan hạ độc các ứng sinh, thì hẳn họ đã luyện thần công Chu-sa để độc chất không ngấm vào tay. Như vậy họ thuộc dư đảng bang Nhật-hồ. Khi hạ độc xong, họ phải trốn ngay chứ có đâu ngồi chờ để bị bắt, để rồi cả nhà bị tru diệt?

Một đại thần bước ra quỳ tâu:

- Thần Tào Lợi-Dụng lĩnh Đồng-bình chương sự, Thượng-thư Tả bộc-xạ, Tư-không, Hàn quốc công xin kính tâu: Trước hết phải tìm hiểu xem việc hạ độc này với mục đích gì? Ai được lợi trong vụ này, từ đó mới lần ra manh mối. Theo lời Định-vương, bang Nhật-hồ đã giải thể, biến thành bang Hoàng-Đế đi khắp nới cứu người. Vậy thì ai đầu độc? Theo ngu thần, trong khắp thiên hạ, không ai có khả năng, cũng như bản lĩnh phóng độc một lúc mấy trăm người, ngoài trừ bang Nhật-hồ. Vì vậy thần nghĩ, việc bang Nhật-hồ quy phục triều đình e không thực.

Tự-Mai nghĩ thầm:

- Tên này mình đã biết rồi. Chức tước của Lã Di-Giản là Hữu-bộc xạ, làm Hữu thừa-tướng. Còn y là Tả bộc xạ, tức Tả thừa tướng đây. Y tâu như vậy tỏ ra muốn ăn thua đủ với Định-vương. Không chừng bọn y phóng độc, để có thể làm mất uy tín của Định-vương.

Nhà vua đưa mắt nhìn quần thần một lượt rồi tuyên dụ:

- Đêm qua trẫm đã ban chế, tôn Lý thái-phi làm Trang duệ minh đức hoàng thái hậu. Nay cáo cho chư khanh biết.

Các đại thần cùng quỳ xuống đưa lời chúc tụng.

Tự-Mai nghe nhà vua nói, nó nghĩ thầm:

- Đêm qua, Định-vương, Khai-Quốc vương, nhà vua cùng các sư huynh Phụ-Quốc, Trung-Đạo, chắc đã tổ chức binh biến, khống chế hết phe đảng Lưu hậu, mà cho đến nay bọn văn võ quan phe Lưu hậu vẫn chưa biết. Người ngồi trong màn kia không biết có phải Lưu hậu không? Chắc bà bị Lý phi dùng phản Chu-sa độc chưởng khống chế, bây giờ mượn tay bà bắt hết phe đảng ...bà đây.

Một viên quan bước vào quỳ tâu:

- Muôn tâu, có Hoa-Sơn tứ lão dẫn ba đệ tử Hoa-sơn xin cầu kiến.

Nhà vua phán:

- Mời chư vị đạo sư vào.

Hoa-Sơn tứ lão bước vào vái ba vái, trong khi Địch Thanh, Triệu Tiết, Khúc Chẩn quỳ gối rập đầu tung hô vạn tuế. Nhà vua tuyên chỉ:

- Lã quốc công mời chư đạo sư an tọa.

Lã Di-Giản kéo ghế mời Hoa-Sơn tứ lão nhân cạnh Định-vương. Định-vương hỏi:

- Chư vị Đạo sư! Phải chăng chư đạo sư tới đây vì việc ba cao đồ bị trúng độc?

Bắc-Sơn lão nhân cung tay:

- Thưa vương gia quả thế.

Nhà vua hỏi:

- Theo đạo sư, ai là kẻ hạ độc thủ? Họ hạ độc thủ với mục đích gì?

- Tâu bệ hạ theo thần nghĩ họ muốn giết đi mấy trăm thiếu niên anh tài, làm nguyên khí bản triều giảm thiểu. Thứ nhì làm mất uy tín triều đình. Thứ ba họ làm cho trăm họ nghi kị Thiên-tử.

Tất cả đình thần đều gật đầu tán thành.

Tây-Sơn lão nhân tiếp:

- Hôm qua, trong lúc tệ đồ đau đớn vì bị trúng độc, thần dẫn tới Nam-thanh cung yết kiến sứ đoàn Đại-Việt để xin được giải độc. Thần thấy ba ứng viên phò mã Đại-Việt cũng bị trúng độc. Họ được giáo chủ Lạc-long giáo Thân Thiệu-Thái dùng Thiền-công giải độc cho. Thần xin Khai-Quốc vương trị dứt độc, mà vương không thuận, chỉ cấp thuốc trấn thống mà thôi.

Thượng-thư, Vũ-lâm đại học sĩ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự Vương Tăng hỏi:

- Thưa đạo sư, kể từ khi bang chủ cuối cùng bang Nhật-hồ họ Đỗ bị giết, Hồng-thiết tâm pháp giải vĩnh viễn Chu-sa ngũ độc chưởng thất truyền. Nhưng bang chúng Nhật-hồ tản mát khắp nơi, dùng Chu-sa ngũ độc chưởng hại không biết bao nhiêu người. Nhưng họ chỉ có thể cấp cho thuốc giải trong một năm, chứ không thể giải vĩnh viễn. Không lẽ bên Đại-Việt còn có người biết xử dụng ư?

Đông-Sơn lão nhân gật đầu:

- Bên Đại-Việt có hai người biết thần công này. Một là sư phụ của Lưu Trí-Viễn tên Nhật-Hồ lão nhân. Hai là Thân Thiệu-Thái, giáo chủ Lạc-long giáo. Ngoài ra còn Ngũ-sứ Hồng-thiết giáo là Đào Tường-Phúc, Chu Bội-Sơn, Bun Thành, Khiếu Tam Bản, Sử-vạn Na-vương, và Nguyễn Tuyết-Minh cũng được truyền thần công này. Song họ chỉ có thể không bị lên cơn đau, chứ chưa trị dứt hoàn toàn cho người khác. Việc này Thái-sư biết rõ hơn bần đạo.

Triều thần đều hướng Định-vương chờ đợi. Định-vương khoan thai tường thuật chi tiết về việc Khu-mật viện Tống gửi Hồ Dương-Bá, Đỗ Lệ-Thanh sang Đại-Việt trong mưu đồ trường kỳ mai phục. Dương-Bá tiềm ẩn trong phái Tiêu-sơn, giam Đỗ Lệ-Thanh. Đỗ được Thiệu-Thái giải cứu, rồi được Đỗ truyền Hồng-thiết tâm pháp cho. Rồi bang Nhật-hồ sai chú cháu Chu An-Bình tìm Đỗ. Tình hình Hồng-thiết giáo Đại-Việt trong đại hội Thăng-long, cuối cùng tới việc bang Nhật-hồ biến thành bang Hoàng-Đế. Vương cùng sứ đoàn được Thiệu-Thái giải vĩnh viễn độc Chu-sa cho.

Có tiếng Thái-hậu nói sau màn:

- Tây-sơn đạo sư. Tại sao Lý Long-Bồ không sai Thân Thiệu-Thái trị cho ba đệ tử Hoa-sơn, mà chỉ cấp thuốc giải?

Nghe Thái-hậu nói, Tự-Mai tỉnh ngộ:

- Võ công bà này thuộc phái Hoa-sơn, vai vế bà ngang với Hoa-sơn tứ lão, tức ngang với Đặng Đại-Bằng. Rõ ràng bà là sư muội của tứ lão. Thế mà sao Tây-Sơn lão nhân lại khui bí mật về thân thế của nhà vua ra, điều này đại bất lợi cho bà, cho phái Hoa-sơn?

Chợt một tia sáng lóe lên trong đầu nó:

- Phải rồi bà này theo phe Đào Tường-Phúc, nên được y truyền Hồng-thiết công cho. Đặng Đại-Bằng sai mười trưởng lão áp lực cạnh bà. Bá dùng Đào, biến chúng thành tay sai cho bà đây. Nhưng sao tiếng bà giống tiếng Lý thái-hậu quá?

Tây-Sơn lão nhân đáp:

- Tâu thái hậu, Khai-Quốc vương đã nói rõ với bần đạo: Hiện Trung-nguyên có chân chúa nhân từ. Triều thần toàn bậc túc Nho đạo hạnh cực cao, hỏi sao gian nhân có thể tiềm ẩn trong Ngự-y mà ra tay hạ độc thủ mấy trăm thiếu niên anh tài? Thế nhưng mấy trăm thiếu niên đều trúng độc, thì hẳn họ bị triều đình trừng phạt hầu giáo hóa, cho bớt kiêu căng trước khi đại dụng. Hoặc giả thử thách công lực.

Tây-Sơn lão nhân nhìn khắp quần thần, rồi tiếp:

- Vương nhấn mạnh: Vương hiện đi sứ kết hiếu, nên không dám, không thể trị cho các thiếu niên. Trị cho các thiếu niên đang được triều đình thử thách, là điều đắc tội với thiên tử.

Thái-hậu ngắt lời:

- Triều đình không hề làm việc đó.

- Bần đạo biện minh với vương như vậy. Nhưng vương không tin, người trao cho bần đạo ba viên thuốc giải, và nói rằng: Tặng thuốc là vương. Còn trị cho đệ tử là bần đạo. Sau này nếu Thiên-tử nổi lôi đình, bần đạo phải chịu trách nhiệm. Bần đạo trao cho ba tệ đồ uống rồi.

Lưu thái-hậu lại nói với nhà vua:

- Hoàng nhi! Ta ban chỉ cho Lã Di-Giản gọi sứ đoàn Đại-Việt vào triều kiến cùng một lúc với các ứng sinh phò mã, để họ thấy rằng Trung-thổ lắm nhân tài. Nhưng sự việc này xẩy ra, làm ta khó nghĩ vô cùng.

Tào Lợi-Dụng hỏi Lễ-bộ thượng thư Tôn Thích:

- Hôm nay các thiếu niên sẽ được tới đây bệ kiến hoàng thượng. Nhưng họ bị trúng độc, liệu họ có đến đúng giờ được không?

- Trình quốc công lệnh ban ra rằng giờ Mão họ phải tề tựu tại thiểm bộ. Giờ Thìn yết kiến hoàng thượng. Bây giờ mới cuối giờ Mão, phải chờ xem đã.

Đông-Sơn lão nhân nói:

- Theo bần đạo biết, người bị trúng Chu-sa chưởng cũng như Chu-sa phấn, mỗi ngày chỉ lên cơn trong một giờ. Sau đó lại tỉnh táo như thường. Hôm qua tệ đồ bị lên cơn lúc giờ Mùi, chắc các thiếu niên khác cũng lên cơn vào giờ đó. Vậy đương nhiên sáng nay họ tề tựu đông đủ tại bộ Lễ.

Có tiếng xướng:

- Sứ đoàn Giao-chỉ xin triều kiến.

Nhà vua nói với Định-vương:

- Thông thường các sứ thần tới thì Lễ-bộ thượng thư rước vào. Nhưng chánh sứ Đại-Việt là Khai-Quốc vương, một đấng anh hùng Nam-biên. Xin hoàng thúc ra rước, để tỏ lượng trọng khách của triều đình.

Định-vương rời điện ra ngoài. Tất cả bá quan văn võ đều hướng mắt nhìn theo. Vì từ lâu, không ít thì nhiều họ đã nghe nói về Khai-Quốc vương. Có kẻ nghi ngờ về vụ vương nhã lượng cho Lâm Huệ-Phương, Đào Hà-Thanh về với tình quân. Có kẻ nghe nói về vụ vương được tám vùng tộc Việt tôn làm thủ lãnh. Gần đây nhất, họ đều nghe biết về việc vương thu phục bang Trường-giang, Nhật-hồ. Kẻ ghét, người yêu đều muốn thấy diện mạo Vương ra sao. Trong điện hơn năm trăm người, mà không một tiếng động.

Họ không phải chờ lâu, cánh cửa điện mở rộng, Định-vương cùng Khai-Quốc vương sóng vai vào. Phía sau là vương phi Thanh-Mai, công chúa Mỹ-Linh, thế tử Thân Thiệu-Thái cùng Tôn Đản, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm.

Khai-Quốc vương hô sứ đoàn quỳ gối hành lễ. Vương nói lớn:

- Thần Lý Long-Bồ, tước phong Khai-Quốc vương cùng vương phi và sứ đoàn bái yết thái hậu, hoàng thượng.

- Quốc vương bình thân. Xin hoàng-thúc mời Quốc-vương an tọa.

Định-vương chỉ vương phi Thanh-Mai:

- Tâu bệ hạ, chủ đạo tộc Việt rất trọng phụ nữ. Đại-Việt hoàng đế nghe Thái-hậu lâm triều, nên truyền cho vương phi Khai-Quốc theo sứ đoàn sang bái yết thái hậu. Vương-phi xuất thân gia đình danh tiếng võ học Lĩnh-Nam. Phụ thân vương phi là Trần Tự-An, chưởng môn phái Đông-a.


Khắp võ ban cùng bật lên tiếng ồ. Thời bấy giờ võ lâm Hoa-Việt không ít thì nhiều đều nghe danh phái Đông-a về võ công, về võ đạo. Danh tiếng đại hiệp Tự-An lừng lẫy bốn phương. Nên nghe nói Thanh-Mai là con đại hiệp Tự-An, họ đều đưa mắt nhìn.

Định-vương tiếp:

- Vương phi tuổi trẻ, nhưng võ công cực kỳ cao thâm. Trong đại hội Thăng-long đánh thắng đệ nhất đệ tử Nhật-Hồ lão nhân tên Vũ Nhất-Trụ, khiến y đau đớn đến chết đi sống lại.

Nghe Định-vương nói, mọi người tỏ ý không tin:

- Xưa đệ tử Nhật-Hồ là Lưu Trí-Viễn, một chưởng lập nên bang Nhật-hồ gây nghiệp Hán. Các đệ tử đời sau của y như Đặng Đại-Bằng, Phương Hổ, Phương Báo khét tiếng Trung-nguyên. Võ lâm Trung-thổ nghe tên chúng đều kinh hồn táng đởm. Thế mà Định-vương giới thiệu cô gái ẻo lả kia thắng Nhất-Trụ, đại đệ tự của Nhật-Hồ thì ai mà tin cho được?

Có tiếng thái hậu truyền:

- Mời vương phi vào sau màn đàm đạo cùng ta.

Thanh-Mai đứng dậy lui vào phía sau điện.

Định-vương chỉ Mỹ-Linh:

- Vị này nhũ danh Lý Mỹ-Linh sắc phong công chúa Bình-Dương, chưởng môn phái Mê-linh, kiếm thuật lừng lẫy trời Nam. Đông-Sơn đạo sư bị bại dưới tay công chúa.

Mỹ-Linh cúi đầu:

- Đa tạ vương gia quá khen. Tiểu nữ trẻ người non dạ, vô phép với Đông-Sơn đạo sư, được đạo sư nhường cho mấy chiêu hầu khuyến khích, chứ có đâu thắng được người?

Triều thần đã nghe nói đệ nhất kiếm thuật danh gia Trung-thổ là Đông-Sơn lão nhân bị một cô gái trẻ tộc Việt đả bại. Họ vốn không tin. Nay nghe Mỹ-Linh nói, họ cảm thấy tự ái thỏa mãn phần nào.

Tiếng Thái-hậu truyền chỉ:

- Mời công chúa vào đây đàm đạo với ta.

Mỹ-Linh đứng dậy lui vào hậu điện.

Định-vương chỉ Thiệu-Thái tiếp:

- Vị này là thế tử Thân Thiệu-Thái, một chưởng thắng Nhật-Hồ lão nhân, được tôn làm giáo chủ Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Sau khi lên ngôi, Thế tử đổi Hồng-thiết giáo thành Lạc-long giáo. Trước kia Hồng-thiết giáo chủ trương căm thù, chém giết, bỏ đạo lý cổ truyền, nay Lạc-Long giáo nêu cao chủ đạo tộc Việt. Mà chủ đạo tộc Việt gốc từ Nho, Lão, Phật cùng đạo đức cổ truyền của người Việt.

Bên võ ban cùng bật lên tiếng suýt xoa. Vì ai ai cũng sợ bóng sợ gió bọn bang Nhật-Hồ như ma như quỷ, không biết chúng bắt hồn đi lúc nào. Bây giờ nghe tổ sư của bang Nhật-hồ là Nhật-Hồ lão nhân bị Thiệu-Thái đả bại, ai nấy đều dương mắt nhìn. Lại nữa, hầu hết triều thần bị Lưu hậu sai Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản cùng mười trưởng lão bang Nhật-hồ dùng độc chưởng khống chế. Nay nghe Thiệu-Thái có thể giải vĩnh viễn độc chưởng này, họ đều hy vọng làm thân với y, để nhờ y giải ách cho.

Nhà vua truyền chỉ:

- Mời thế tử an tọa.

Định-vương giới thiệu đến Tôn Đản, Thuận-Tông, Thiện-Lãm. Sau khi ba trẻ an tọa. Tào Lợi-Đụng hỏi Khai-Quốc vương:

- Thế tử. Lão phu nghe sứ đoàn Giao-chỉ có ba ứng sinh phò mã, tại sao lại chỉ Tôn Đản hiện diện, hai thiếu niên kia đâu?

Khai-Quốc vương đáp:

- Thưa đại nhân còn Trần Tự-Mai, Lê Văn đã nhập cung yết kiến thiên tử. Cả hai đang thi hành chỉ dụ của thiên tử nên không thể trình diện đại nhân.

Tự-Mai chửi thầm:

- Con bà thằng Tào này. Y thuộc phe Lưu hậu đây, nên coi Thuận-Thiên hoàng đế là Nam-Bình vương. Còn anh cả là thế tử thôi. Được, ta sẽ có cách trị mi.

Khai-Quốc vương hướng vào Thiên-Thánh hoàng đế:

- Tâu bệ hạ. Phụ hoàng thần ở Nam-thiên, nghe thánh đức nhân từ, cùng uy danh các bậc đại Nho đất Trung-nguyên, nên sai thần đem phương vật sang cống hầu kết hiếu. Thần xin bệ hạ cho dâng phẩm vật.

Định-vương nói:

- Vương cứ dâng lên.

Tôn Đản lùi khỏi điện. Lát sau nó với Trần Bảo-Dân bưng vào một hộp sơn son thiếp vàng lớn, cùng ba ống tre sơn đỏ. Cả hai quỳ trước mặt nhà vua. Khai-Quốc vương bưng hộp dâng:

- Tâu bệ hạ, bảo vật này có từ thời Cao-tổ nhà Hán. Tệ quốc lưu giữ biết bao đời. Nay dâng bệ hạ để tuyên thánh đức.

Theo luật lệ cung đình nhà Tống, thì Chiêu-văn quan đại học sĩ coi như tể tướng sẽ mở hộp dâng tận tay Hoàng-đế. Hiện Tào Lợi-Dụng lĩnh chức Tả bộc-xạ, nhưng y tranh chức của Lã Di-Giản. Y đỡ hộp, định mở ra.

Khai-Quốc vương nói:

- Linh vật này phải người có đức, có uy lắm mới đụng vào được. Xin quốc-công chẳng nên mở ra.

Tào Lợi-Dụng bất bình:

- Lão phu thân làm tể thần, mà không thể tiếp lễ vật của đất Giao-chỉ sao?

Khai-Quốc vương xua tay:

- Vãn sinh đã thưa: Đây là linh vật của một vị đế uy trùm Hoa-hạ. Đức của Tào Tư-không dù cao đến đâu cũng không thể, và không nên mở ra. Vãn sinh chỉ khuyên vậy thôi, còn Thái-phó cho rằng đức cao bằng Vũ đế, xin cứ tự tiện.

Tào Lợi-Dụng không trả lời, tay y mở hộp ra. Cả triều thần cùng dương to mắt xem trong hộp có gì, mà Khai-Quốc vương dám bảo thái phó không thể mở ra. Hơn nghìn con mắt thấy Lợi-Dụng cầm ra một thanh kiếm, ánh sáng chiếu xanh lè.

Phiêu-kị đại tướng quân Trần Trung-Đạo quát lớn:

- Trước mặt Hoàng-thượng, không ai được cầm vũ khí. Xin Quốc-công để kiếm xuống.

Nguyên luật lệ Trung-quốc từ thời Tam-hoàng, Ngũ-đế đến nay có một điều không bao giờ đổi: Mỗi khi yết kiến Hoàng-đế, hoặc chầu Hoàng-đế, không ai có quyền mang vũ khí vào. Chỉ những đại thần quyền cao, chức trọng, được tin cậy cực kỳ, Hoàng-đế mới đặc cách phong cho khi vào chầu được đeo kiếm, tâu không phải xưng tên. Đó là lý thuyết. Trên thực tế những tể thần ấy không bao giờ mang kiếm khi triều yết cả. Vì vậy khi Kinh-Kha ám sát Tần Thủy-Hoàng, triều thần không ai có vũ khí chống lại.

Từ khi Tống triều lập lên, đời Thiên-Thánh chỉ có một người được danh dự mang kiếm vào triều đó là Định-vương Nguyên-Nghiễm, vì vương là chú, là sư phụ nhà vua. Bây giờ Tào Lợi-Dụng cầm kiếm chĩa ngay mặt vua là điều đại bất kính, đại tội.

Tiếng quát làm Lợi-Dụng cùng các văn quan muốn nổ tung màng nhĩ ra. Một là Lợi-Dụng bị ảnh hưởng của tiếng quát, hai là y bướng bỉnh không hạ kiếm xuống, nên mũi thanh kiếm vẫn chĩa thẳng về phía bụng nhà vua.

Thấp thoáng, có hai bóng cùng xẹt đến. Một bóng ôm lấy ngực nhà vua, đưa lưng vào thanh kiếm như che chở. Một bóng phóng chưởng đánh vào hông Lợi-Dụng. Lợi-Dụng thấy chưởng phong cực kỳ hùng hậu đánh vào phía trái. Y vội vung tay đỡ. Binh một tiếng, cánh tay y cảm thấy tê liệt. Y quay lại nhìn, người đánh y là viên quan võ, lĩnh quản thị vệ Trần Trung-Đạo. Còn người đưa lưng che cho nhà vua là Tự-Mai, y chưa biết lý lịch.

Trong khi y đang sững sờ, Tự-Mai thấy sư huynh Trần Trung-Đạo đánh một chưởng, không làm Lợi-Dụng lui bước. Đạo đang đánh sang chiêu thứ nhì. Thừa thế y đang kinh hoàng, lo đỡ chưởng của sư huynh. Chàng phát hai Lĩnh-Nam chỉ véo véo trúng huyệt Khúc-trì của y. Cánh tay Tào bị tê liệt. Tự-Mai đá mạnh vào thanh kiếm, thanh kiếm vuột khỏi tay Lợi-Dụng.

Kiếm đang rơi xuống, Tự-Mai dùng chân móc một cái, thanh kiếm bay ra xa trúng nền điện đến choang một tiếng. Chàng lạng mình tới chĩa ngón tay phóng liền hai chỉ, véo, véo vào huyệt Hoàn-khiêu, của Lợi-Dụng. Chân y tê liệt, ngã ngồi về trước giống như quỳ gối. Chàng phóng thêm một chỉ vào huyệt Á-môn khiến y câm không nói được nữa.

Nói thì chậm, chứ động tác điểm huyệt, đá kiếm rồi khống chế Tào của Tự-Mai nhanh như điện xẹt, khiến Tào không bị kiềm chế.

Tự-Mai cúi đầu quỳ trước nhà vua:

- Đại ca xá tội. Đứa em cứu giá chậm trễ, làm kinh động long tâm.

Nói rồi chàng lui lại sau ngai vàng khoanh tay.

Bàn cho thực phải, với võ công của Tào Lợi-Dụng, dù cả Tự-Mai lẫn Trung-Đạo cũng không phải là đối thủ của y. Nhưng vì vô tình cầm kiếm lên, bị Trung-Đạo quát, y bàng hoàng, rồi chàng đánh chiêu. Y vừa đỡ, khí huyết nhộn nhạo, luống cuống, thì bị Tự-Mai dùng Lĩnh-Nam chỉ pháp điểm huyệt. Hai môn võ công này y chưa thấy bao giờ, nên mới bị lạc bại.

Diễn biến xẩy ra, cả triều thần cùng kinh ngạc. Bởi từ thời vua Thái-tông đến giờ, Tào Lợi-Dụng là đệ nhất cao thủ của triều đình. Võ công y cao thâm không biết đâu mà lường. Nay không hiểu Tự-Mai dùng thứ chỉ pháp gì khiến y như bị trói chân tay. Duy có sứ đoàn với tùy tùng của Định-vương là hiểu rõ. Còn lại những võ quan cùng thị vệ có mặt đều kinh hãi tự hỏi:

- Phiêu-kỵ đại tướng quân lĩnh Kinh-châu tư mã trước đây tuy nổi danh thực. Y mới được phong làm Tổng-lĩnh Ngự-lâm quân mấy ngày... nhưng muôn ngàn lần không thể địch lại Tào quốc-công. Tại sao chỉ một chiêu khiến Tào lạc bại, rồi thiếu niên kia phóng chỉ khiến Tào tê liệt đến ngã ngồi thế kia?

Trong điện, ngoài Định-vương cùng đám Hoa-Sơn không ai biết tung tích Tự-Mai. Sau khi tâu, chàng lui lại phía sau ngai vàng khoanh tay.

Lã Di-Giản tâu:

- Xin hoàng thượng rộng dung. Tào quốc-công đâu biết trong hộp có kiếm, nên mở ra, rồi thuận tay cầm lên. Chứ không có ý khác.

Một văn thần bước ra tâu:

- Thần Vương Đức-Dụng lĩnh chức Ngự-sử đại phu, xin hoàng thượng cho thần được hỏi Tào quốc-công mấy câu.

Tự-Mai nghĩ thầm:

- Triều Tống đặt ra tới sáu ông Ngự-sử chuyên theo dõi các quan. Ông nào phạm lỗi, tâu lên xin vua trị tội. Khi Ngự-sử khép tội, dù Hoàng-đế muốn tha cũng không được. Lão Tào Lợi-Dụng chết đến nơi rồi.

Vương Đức-Dụng hỏi Tào Lợi-Dụng:

- Sứ thần Đại-Việt là Khai-Quốc vương đã can ngăn quốc công rằng vật trong hộp với chức vụ của quốc công không thể mở ra. Thế mà quốc công cứ mở. Có phải quốc công kiêu căng không? Một tể thần mà lòng kiêu căng, e khinh rẻ đấng quân phụ. Đó là một tội.

Tào Lợi-Dụng bị điểm huyệt Á-môn không nói được. Y chỉ lắc lư cái đầu. Mọi người cho rằng y nhận tội.