Vẻ bất động và cơn mê kéo dài của Gabrien Bécnơ là dấu hiệu không bình thường. Bây giờ dưới ánh sáng đèn, nàng thấy ông ta trắng bệch như sáp. Khi hai người trong thuỷ thủ đoàn quay lại và mang theo khoảng chục chiếc bánh, nàng túm áo một người, kéo đến trước mặt ông Gabrien và ra hiệu cho anh ta hiểu rằng chẳng có gì để cứu chữa ông ta cả. Người thuỷ thủ tỏ vẻ dửng dưng, và vừa nhún vai vừa ngước lên: Lạy Đức mẹ! Anh ta cho biết trong đám thuỷ thủ cũng có người bị thương, và giống như trên mọi chiếc tàu cướp khác, người ta chỉ có thể chữa trị bằng hai thứ thuốc thần hiệu: dùng rượu rum và thuốc súng để sát trùng hoặc đốt vết thương. Công thêm nữa là cầu nguyện Đức mẹ như anh ta vừa bày tỏ.
Angiêlic thở dài. Nàng có thể làm gì được? Nàng cố nhớ lại tất cả các bài thuốc học được trong cuộc đời làm chủ gia đình, làm mẹ, cũng như các bài thuốc của mụ phù thuỷ mà nàng đã dùng để chữa trị người bị thương hồi xẩy ra cuộc nổi loạn ở Poatu. Nhưng nàng không có gì, thật sự không có gì trong tay. Các túi dược thảo cất trữ còn nằm cả trong đáy hòm ở La Rôsen và lúc lên đường nàng đã quên khuấy mất.
-Đáng lý ra phải quan tâm tới những thứ đó – nàng tự trách mình – nhét vào bọc thì nặng nhọc gì cơ chứ.
Dường như có một nét run rẩy mơ hồ làm méo mó khuôn mặt Gabrien Bécnơ. Nàng cúi xuống nhìn chăm chú. Ông ta động đậy, cặp môi mím chặt hé mở để tìm hơi. Thấy rõ ông ta đau đớn mà nàng thì không thể làm gì được cho ông ta cả.
“Phải chăng ông ấy sắp chết”, nàng tự nhủ, và cảm thấy lạnh toát cả người.
Phải chăng cuộc hành trình sẽ bắt đầu bằng một dấu hiệu tai ương? Phải chăng vì sự sơ suất của nàng, lũ trẻ mà nàng yêu mến sẽ mất đi chỗ nương tựa duy nhất? Và phải chăng chính nàng nữa? Nàng đã quen thói chỉ biết có ông ta, nương tựa vào ông ta. Vào cái lúc lại mất hết mọi mối dây liên hệ, nàng thật không muốn một chút nào việc ông ta phải ra đi. Mất ông ta ư! Đó là người bạn chí cốt của nàng, bởi vì nàng biết ông ta yêu nàng.
Nàng đặt bàn tay lên bộ ngực nở nang, nhớp nháp mồ hôi. Bằng sự tiếp xúc ấy, nàng đang cuống quýt tìm cách đưa ông ta trở về với cuộc sống, truyền cho ông ta sức lực của mình mà lúc này, giữa biển khơi, nàng có thể san sẻ một cách tự do.
Ông ta rùng mình. Cái dịu dàng khác lạ của bàn tay đàn bà có lẽ đã thấm sâu vào cõi vô thức của ông ta.
Ông ta cựa mình và cặp mắt hé mở. Angiêlic từ nãy đến giờ vẫn rình chờ cái nhìn đầu tiên ấy. Cái nhìn trong cơn hấp hối hay cái nhìn của một con người đang trở về với sự sống?
Nàng yên tâm. Ông Gabrien mở mắt, đồng thời ông ta cũng rũ bỏ luôn cái vẻ liệt nhược và nỗi ngao ngán trước cảnh tượng con người cường tráng ấy trở nên yếu đuối, mờ nhạt. Dù vẫn còn vướng vất chút ảnh hưởng của cơn mê kéo dài, cái nhìn của ông ta có chiều sâu và chứng tỏ ông ta nhìn thấy. Tia mắt ông ta đảo lướt qua vòm trần thấp, chỉ được chiếu sáng lờ mờ của khoang boong rồi ngưng lại trên khuôn mặt Angiêlic lúc đó gần kề mặt mình.
Nàng biết ngay rằng người bị thương còn chưa lấy lại được tính tự chủ của mình, bởi vì chưa bao giờ nàng thấy ông ta biểu lộ một vẻ nhìn hau háu và mê đắm đến như vậy, kể cả trong cái ngày bi thảm, khi ông ta bế nàng trong tay để thoát vòng vây cảnh sát.
Lần duy nhất ông ta thú nhận với nàng điều ông ta chưa bao giờ có thể thú nhận với cả chính mình: nỗi thèm khát của bản thân ông ta đối với nàng! Khép mình trong lớp vỏ cứng của đạo đức, của khôn ngoan, của ngờ vực, dòng chảy mãnh liệt của một tình yêu như vậy chỉ có thể được bộc lộ trong thời điểm này, khi mà ông ta đã trở nên liệt nhược, dửng dưng với thế giới bên ngoài.
-Bà Angiêlic – ông ta thì thào.
-Tôi đây mà.
“May sao không ai thấy - nàng nghĩ - mọi người đều ở chỗ khác”.
Trừ Abighen cũng quỳ ở phía sau, đang rì rầm cầu nguyện, có thể cô ta thấy.
Gabrien Bécnơ liếc nhìn về phía Angiêlic. Liền sau đó, ông ta rên khẽ và lại nhắm mắt.
-Ông ấy vừa cử động đấy – Abighen thầm thì.
-Ông ấy còn mở mắt nữa.
-Vâng, em có thấy.
Đôi môi của nhà thương gia cử động một cách khó nhọc:
-Bà Angiêlic…chúng ta đang ở đâu?
-Ở ngoài biển… Ông bị thương…
Khi ông ta nhắm mắt, nàng không còn bị vẻ mặt của ông ta ám ảnh nữa. Nàng chỉ còn nghĩ tới trách nhiệm của mình đối với ông ta, cũng như hồi còn ở La Rôsen, khi tối tối ông ta ngồi trước cửa sổ, chờ nàng mang đến một tách trà, hay rượu vang hâm nóng cùng với một lời nhắc nhở rằng sức khoẻ ông ta sẽ giảm sút vì ít ngủ.
Nàng vuốt ve vầng trán rộng. Hồi ở La Rôsen nàng vẫn ao ước được làm thế mỗi khi nàng thấy ông ta lo lắng, hoặc bị nỗi dằn vặt đè nặng nhưng cố che lấp đi dưới cái vẻ bình thản. Cử chỉ của tình mẫu tử, của tình thân. Giờ đây nàng đã có thể tự cho phép mình làm như thế.
-Tôi ở đây mà, bạn thân mến…Nằm yên nhé.
Cảm thấy một món tóc nhầy dính, nàng rút bàn tay ra và thấy bê bết máu. Ôi! Thế là ông ta bị thương cả ở đầu. Té ra vì thế mà cơn ngất mới kéo dài. Bây giờ ông ta phải được chăm sóc tốt hơn, phải được sưởi ấm, được băng bó và chắc chắn sẽ qua khỏi. Nàng đã thấy nhiều người bị thương, nhờ đó nàng có thể chẩn đoán được trường hợp của ông ta.
Nàng ngồi thẳng dậy và bỗng nhận thấy một sự im lặng lạ lùng ngự trị khắp trong khoang. Tiếng bàn tán quanh chậu xúp đã ngừng, cả bọn trẻ cũng ngồi im thin thít. Nàng ngước nhìn lên, và cùng lúc với cú giật thót tim, nàng thấy Rescator đang đứng dưới chân người bị thương. Ông đứng đó bao lâu rồi? Ở khắp mọi nơi Rescator xuất hiện, ông đều bắt đầu bằng cách tạo ra sự im lặng. Im lặng thù nghịch hoặc chỉ đơn giản là sự nghi ngờ gây nên bởi cái nhìn qua chiếc mặt nạ màu đen bí ẩn.
Một lần nữa Angiêlic nghĩ, quả thật ông là con người khác lạ.. Nàng không có cách cắt nghĩa nào khác sự bối rối và thứ sợ hãi mà nàng cũng cảm thấy khi thấy ông ở đây. Nàng không biết ông đi tới, và những người khác chắc cũng thế thôi, bởi vì dưới ánh sáng đèn trong khi quan sát người chủ tàu ở chung với họ, vẻ mặt những người Tin lành hiện lên một thứ sợ hãi khủng khiếp, như thể ông là con quỷ hiện hình. Họ càng bối rối hơn khi thấy xuất hiện bên cạnh Rescator một nhân vật kỳ quái, một con người dài ngoẵng và gậy guộc, bận áo dài trắng dưới mộc chiếc áo choàng dài có thêu thùa. Bộ mặt ông ta đầy nếp nhăn như được tạo ra bởi con dao của một người thợ tạc gỗ, chỉ là bộ khung xương được bao bọc một lớp da già cỗi, đen đủi với một cái mũi to đùng trên đó lấp lánh cặp kính lớn gọng đồi mồi.
-Tôi dẫn đến cho các vị người thầy thuốc A rập của tôi – Rescator nói bằng giọng trầm.
Có thể ông nói với Manigôn lúc đó đứng phía trước. Nhưng Angiêlic có cảm tưởng là ông ta chỉ nói với nàng.
- Xin cảm ơn ông – nàng trả lời.
Anbe Parin gầm gừ:
-Một thầy thuốc Ả rập! Lão ta lại không làm nặng thêm nữa ấy.
-Các bạn có thể tin ở ông ấy – Angiêlic quả quyết với vẻ khó chịu – khoa y học Ả rập có sớm nhất và hoàn hảo nhất thế giới.
-Tôi xin cảm ơn, thưa bà – ông già trả lời. Trong giọng nói của ông không phải không có chút mỉa mai khó nhận thấy dành cho đám người đồng cảnh của nàng. Ông già nói bằng một thứ tiếng Pháp rất chuẩn.
Ông ta quỳ xuống và bằng đôi bàn tay thành thạo, nhẹ nhàng - giống như những chiếc que nhỏ bằng gỗ hoàng dương lướt nhẹ qua – ông ta xem xét các vết thương của người khách. Ông này cựa quậy. Đột nhiên giữa lúc ít ai ngờ tới, ông Bécnơ ngồi bật dậy, và nói một cách giận dữ.
-Xin hãy để tôi yên! Tôi chưa bao giờ ốm và tôi cũng không có ý đinh bắt đầu ốm vào hôm nay.
-Ông không ốm, ông bị thương mà – Angiêlic nói với vẻ kiên nhẫn.
Nàng nhẹ nhàng vòng tay ôm lấy vai ông ta, đỡ cho ông ta ngồi.
Ông thầy thuốc nói với Rescator bằng tiếng Ả rập. Các vết thương, theo lời ông ta, tuy sâu nhưng không nguy kịch. Chỉ có vết đâm ở hộp sọ là cần theo dõi lâu hơn. Sau khi người bị thương đã tỉnh táo, chắc chắn vết đâm ấy chỉ còn gây mệt mỏi một vài ngày.
Angiêlic nghiêng đầu về phía ông Gabrien, để dịch cho ông ta nghe tin tức tốt lành ấy.
-Ông ấy nói rằng nếu ông chịu khó tĩnh dưỡng, chẳng mấy chốc mà bình phục.
Nhà thương gia mở mắt nhìn nàng với vẻ nghi ngờ.
-Bà biết tiếng Ả rập, bà Angiêlic?
-Chắc chắn bà Angiêlic biết tiếng Ả rập – Rescator trả lời – Thưa ông, thế ông không biết rằng đã có thời bà là một trong những người tù nổi tiếng nhất vùng Địa trung hải sao?
Lời giải thích ấy gây ấn tượng đối với Angiêlic không khác gì một cú đánh hèn hạ. Nàng không phản ứng tại trận, bởi vì việc đó xem ra quá bỉ ổi đến mức nàng không dám chắc đã nghe đúng như vậy.
Nàng cởi áo khoác của mình ra đắp cho ông Gabrien, vì không còn một chiếc chăn nào khác.
-Ông thầy sắp đưa thuốc đến cho ông đấy, cơn đau của ông sẽ dịu lại. Ông có thể ngủ được.
Nàng nói bằng một thứ giọng bình tĩnh, nhưng lòng nàng đang rung lên vì tức giận.
Rescator có thân hình to lớn. Ông chế ngự đám người đứng xung quanh trong một thứ im lặng sững sờ. Khi ông quay bộ mặt đen bọc da về phía họ, những người Tin lành đều lùi lại. Phớt lờ cánh đàn ông, ông chỉ đưa mắt tìm các khăn trùm và mũ chụp trắng của phụ nữ.
Rồi ông ngả mũ chào hết sức duyên dáng.
-Thưa quý bà, nhân dịp này tôi xin chúc mừng sự có mặt của quý bà trên tàu tôi. Tôi rất tiếc là không thể tạo cho quý bà nơi ăn chốn ở đầy đủ tiện nghi hơn. Bởi lẽ quý bà không phải là người chúng tôi chờ đợi. Tôi hy vọng trong suốt chuyến vượt biển này sẽ không xảy ra điều gì làm quý bà khó chịu. Sau cùng, tôi xin chúc quý bà ngủ ngon.
Đến cả bà Sara Manigô người vẫn quen thú tiếp hàng xóm láng giềng ở La Rôsen trong phòng khách của mình mà cũng không nói được lời nào để đáp lại. Vẻ ngoài của con người này như tuyên án họ. Thứ âm sắc hiếm thấy trong giọng nói của ông ta tạo cho mọi người cảm giác bị nhạo báng và đe doạ, làm sững sờ hết thảy đám đàn bà. Họ nhìn ông ta đầy vẻ khiếp hãi. Mãi cho đến lúc Rescator sau khi nói thêm một hai câu chào, lách qua vòng người để đi về phía cửa, theo sau là cái bóng đen ma quái của ông già thầy thuốc Ả rập, một đứa trẻ mới hét lên và đứng nép vào váy mẹ.
Chính vào lúc đó, cô gái Abighen vốn rụt rè, thu góp được hết lòng cam đảm của mình, đánh bạo lên tiếng. Cô ta nói bằng thức giọng nghẹn ngào.
-Xin cảm tạ ngài về những lời chúc mừng, thưa Đức ông, và chúng tôi còn cảm ta ngài nhiều nữa về ơn cứu mạng trong ngày hôm nay, cái ngày đã trở thành kỷ niệm mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên.
Rescator quay lại. Bị bóng tối lờ mờ bao phủ, cô gái trông ủ dột và có vẻ khác thường. Ông tiến về phía Abighen đang sợ hết hồn, và sau thoáng chút đắn đo, ông ấp bàn tay vào má cô gái, bằng một động tác dịu dàng nhưng quả quyết xoay mặt cô ra ánh sáng.
Ông mỉm cười. Nhờ ánh sáng của ngọn đèn kề bên cạnh, ông ngắm khuôn mặt trong trắng của cô gái đồng trinh xứ Flamăng, ngắm đôi mắt hiền từ vẫn còn mở to vì kinh ngạc và lo lắng. Cuối cùng ông nói:
-Nòi giống châu Mỹ sẽ tốt hơn nhờ sự đóng góp của cô gái xinh đẹp này đây. Nhưng liệu Thế giới Mới sẽ có đánh giá đúng sự giàu có về tình cảm mà cô mang đến cho họ không, hở cô bạn? Tôi thì tôi hy vọng đấy. Trong lúc chờ đợi, hãy ngủ cho yên và đừng để trái tim vướng bận với người bị thương kia nữa nhé…
Với một thái độ có phần nào khinh khỉnh, ông chỉ ông Gabrien.
-… Tôi xin bảo đảm với ông rằng không có gì nguy hiểm cả và ông cũng chẳng đau xót về sự tổn thất đó đâu.
Cánh cửa khoang tàu đã đóng lại mà những người chứng kiến màn kịch ấy vẫn chưa lấy được bình tĩnh.
- Theo tôi – anh thợ đồng hồ nói với giọng buồn thảm – tay tướng cướp ấy chính là ma quỷ hiện hình.
- Sao con lại dám táo tợn nói với ông ta những lời như vậy, hả Abighen? - Mục sư Bôke hỏi một cách tức tối – Khơi gợi sự chú ý của loại người ấy là điều nguy hiểm đấy, con gái của ta ạ!
- Và những lời lẽ bóng gió ông ta nói về chuyện nòi giống châu Mỹ sẽ được lợi mới…sỗ sàng làm sao! – Ông thợ làm giấy vừa phản bác vừa đưa mắt nhìn Becti, con gái ông ta, với hy vọng cô gái không hiểu gì cả.
Abighen đưa bàn tay lên ôm lấy hai má nóng bừng. Trong suốt quãng đời dài của một cô gái đức hạnh và không hề biết mình đẹp, chưa có người đàn ông nào dám bày tỏ với cô một cử chỉ như vậy.
- Tôi nghĩ…Tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải cám ơn ông ấy – cô gái ấp úng… - Dầu thế nào đi nữa ông ấy cũng đã đánh liều cả con tầu, cả sinh mạng của chính ông ấy và đồng bọn để cứu chúng ta.
Cô đưa mắt nhìn từ vùng bóng tối, nơi Rescator vừa đi khuất tới chỗ ông Gabrien nằm.
-Nhưng tại sao ông ấy lại nói thế? - Cô ta kêu lên - Tại sao ông ấy lại nói thế?...
Cô ta gục mặt vào hai bàn tay và bật lên những tiếng nức nở cuồng loạn. Quờ quạng, lảo đảo, cô ta né tránh những người đứng quây quần xung quanh, để đi tới, và gieo mình xuống, ngồi tựa vào một góc giá súng khóc tức tưởi một cách tuyệt vọng.
Sự suy sụp của cô gái Abighen là tín hiệu báo trước cho đám đàn bà con gái về một thời kỳ trầm uất. Nỗi đau buồn tích tụ từ lâu đang bùng phát. Sự khiếp hãi từng trải trong thời gian chạy trốn và lên tàu vẫn còn giày vò họ. Chỉ có tiếng khóc và nước mắt mới có thể làm họ nguôi ngoai. Mộ người đàn bà trẻ đang có mang dập đầu vào tấm vách ngăn và lặp đi lặp lại:
-Tôi muốn quay về La Rôsen…Con tôi sẽ chết mất…
Anh chồng chị ta chả biết làm cách nào cho chị ta dịu lại. Ông Manigô liền chộp lấy thời cơ, nói một cách cương quyết nhưng đồng thời cũng tỏ vẻ bất lực.
-Nào, các bà, hãy nén đi một chút. Quỷ hay không quỷ thì ông ta cũng có lý. Chúng ta mệt mỏi lắm rồi, phải đi ngủ thôi…Đừng khóc nữa. Tôi xin báo rằng người nào nín cười cũng sẽ bị hắt một chậu nước biển vào mặt đấy.
Sự im ắng trở nên đường đột, hoàn toàn.
- Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện - mục sư Bôke nói - bởi vì hỡi những con người yếu đuối, chúng ta không đến đây để chỉ nghĩ đến than vãn mà không tạ ơn đấng Tối cao đã cứu vớt chúng ta.