An Nam Chí Lược

Đồ Chí Ca

Đồ Chí Ca

Đồ-bản An-nam mấy nghìn dặm,

Cư-dân thưa-thớt nhiều sơn thủy.

Đông gần Hợp-Phố, bắc Nghi-Ung.

Nam đến Chiêm-Thành, tây Đại-Lý.

Xưa nay Ngũ-Lĩnh tiếng man-di,

Thoạt tự Đào-Đường hiệu Giao-chỉ.

Đến đời Thành-Châu, xưng Việt-Thường,

Dùng chuyền thông-ngôn, cống bạch-trĩ.

Tần gọi Tượng-Quận, Hán Giao-Châu,

Cửu-Chân, Nhật-Nam ở liền kế.

Thời Hán, Triệu-Đà dấy xưng hùng,

Cao-Đế phong vương ban ngọc tỷ.

Kế vì Cao-Hậu cấm mua bán,

Đà lại ỷ mạnh dám tiếm ngụy.

Tự xưng Đế- hiệu ngang Trung-Quốc,

Tàn hại biên dân nghiêm võ-bị.

Hán-gia từ ấy dấy binh qua,

Đánh mãi không hơn nhọc tướng-sĩ.

Văn-đế dùng văn không dùng võ,

Ra đức khoan hồng tha Triệu-Thị.

Đà nhân cảm đức xưng phiên-thần,

Khiến con Anh-Tề vào bái lễ.

Trân châu vật lạ cống hằng năm,

Con cháu nối truyền được ngũ thế.

Lữ-gia mưu phản ngầm hưng binh,

Bắt giết Triệu-Vương và Hán-sứ.

Vũ-Hoàng nổi giận dấy thiên-binh,

Nghìn dặm tinh-binh trừ hung uế,

Lộ-Hầu-Bác-Đức tay tướng tài,

Đánh phá đất Việt như tre chẻ.

Chia làm chín quận đặt quan quyền,

Nam-Việt từ ấy bị truất phế.

Trung-Hoa khai hóa khắp chín châu,

Dạy dỗ người xa thông lễ nghĩa.

Quang-Vũ vừa trừ loạn Vương-Mãng,

Chưa rảnh chọn người qua trấn-lỵ,

Mê-Linh hai gái sính anh-hùng,

Chị là Trưng-Trắc, em Trưng-Nhị.

Phất cờ độc lập xứ Giao-Châu,

Oai phục trăm man ai dám ví.

Lĩnh-Nam sáu mươi lẽ năm thành,

Bà chị làm vương, em làm súy.

Đường đường tướng Hán Mã-Phục-ba,

Cắn răng khổ chiến ba năm lẽ,

Chia quân thẳng ruổi đến Man-Khê,

Tặc-tướng chịu thua thảy bình trị.

Rộng mở Hán giới tột trời nam,

Cao ngất trụ đồng truyền Hán-sử,

Khiến quan đặt tướng cai-trị dân,

Đức chính thanh tân không xiết kể.

Đến đời Sĩ-Nhiếp khéo vỗ yên,

Nhớ đức phương-dân đều quý trọng.

Trung-Quốc rối bời thời loạn ly,

Ngô, Thục tranh nhau chia đồn lũy,

Đời Tấn Giao-Châu lại thuộc Tàu,

Tống, Tề, Lương, Trần nối thống hệ,

Trải đời mãi mãi đến Tùy, Đường,

Đặt hiệu An-nam từ buổi ấy.

Đến thời Trương-Châu làm đô-hộ,

Sửa đắp La-thành, chế quân-khí.

Cao-Biền oai tiếng cũng lẫy lừng,

Về sau mọi người đều lờn dễ.

Cuối đời Hàm-Thông Trung-Quốc loạn 1,

Chuyển-vận đường xa bỏ bê trễ.

Ngô-Quyền, Khúc-Hạo, Kiểu 2 và Dương3,

Soán đoạt giành nhau, dân kiệt quệ.

Họ Đinh, đời Tống mới phong vương,

Hết Đinh lại phong Lê và Lý.

Lý truyền chín đời một trăm năm 4

Liền có Trần-Vương lên kế vị.

Thái-Bình lâu ngày trọng nho phong,

Lễ nhạc, y quan có bề thế.

Hoàng-Nguyên nhất-thống quán nghìn xưa,

Đức phục muôn nước thi ân huệ.

Trần-Vương cống hiến ba mươi năm,

Tự-Vương bất đạo dám vi chỉ.

Giáp-thân mượn đường đánh Chiêm-Thành,

Khiến giúp quân-khí cùng lương-phí.

Ngang nhiên nghịch mệnh ra chống ngăn,

Kháng cự vương-sư muốn cố ý.

Con cháu vua Trần hai ba người,

Mộ nghĩa quy thuận nhờ ân tứ.

Nhà vua dấy binh đánh kẻ tội,

Ngàn dặm oai hùng dương cờ xý.

Tiến binh mấy đạo hội Giao-Châu,

Thế như sấm chớp ruổi muôn kỵ.

Vua Trần trốn biển, núp núi rừng,

Muôn dân vô cố chịu tội lệ.

Trần-Vương phục tội dâng biểu-chương,

Cống hiến tê, tượng, ngọc trân quý.

Thánh tâm quảng đại thương muôn dân.

Nghi binh thể theo lòng Thượng-đế,

Nước Nam từ ấy được bình yên,

Ức vạn sinh-linh nhờ che chở.

Người xa mến đức tự quy tâm,

Thiên-hạ một nhà xưng thạnh thế.

Tôi chịu hoàng ân ở Miến-dương,

Ăn uống lộc vua lòng tự sĩ.

Thừa nhàn góp nhặt việc thấy nghe,

Làm bài An-nam phong-thổ-chí.

 

Tự Sự

Tắc người An-nam, dòng dõi của Nguyễn-Phu, Thứ-sử Giao-Châu đời Đông-Tấn. Đã nhiều đời ở Ái-Châu, tằng tổ tên Khôn, khoảng cuối đời nhà Lý làm chức Đông-Thượng-Các-Môn-Sứ, ông nội tên Trưng, đầu đời Trần làm chức Ngoại-lang, cha tên Viễn-Vọng làm Lệnh-Thư-Xá, cưới con gái của Hứa-Thúc-Tôn ở Chư-Vệ, sanh ra Tắc, cho ông cậu là Lê-Bỗng, người Chư-Vệ, làm con nuôi. Tắc được dạy cho học, chín tuổi thi khoa thần-đồng. Trần-Thái-Vương lưu Tắc ở hầu-cận tả hữu để đọc thơ; lớn lên cưới con gái của Trương-Xán ở Chư-Vệ, làm quan đến chức Thị-Lang, đổi qua giúp việc dưới trướng Tịnh-Hải-Quân-Tiết-Sứ, Chương-Hiến-Thượng-Hầu.

An-nam từ đời Trung-Thống (1260-1263), trở về trước, trải bao năm thần-phục Thiên-Triều, cống-hiến phương-vật. Niên-hiệu Chí-Nguyên (1283), năm Quý-Mùi, có chiến dịch ở Chiêm-Thành, Hoàng Thượng khiến sứ dụ An-nam cho mượn đường và cấp quân, vận lương giúp Hữu-Thừa Toa-Đô. Thế-Tử chẳng chịu nghe theo. Qua mùa đông năm Giáp-Thân (1284), Trấn-Nam-Vương 5 cùng quan Bình-Chương A-Lý-Hải-Nha, phụng mệnh tiến binh. Tháng 12, quân đến biên-cảnh, Thế-Tử cự địch bị đại bại. Mùa xuân tháng giêng năm Ất-Dậu (1285), Hoàng-thượng lại khiến Toa-Đô từ Chiêm-Thành tiến binh, Thế-Tử quẩn bách, khiến con người anh là Chương-Hiến-Hầu Trần-Kiện đem bọn Tắc và mấy vạn người, chống cự với Toa-Đô ở Thanh-Hóa. Đánh bị thua, Chương-Hiến bảo rằng: "Nước nhỏ chẳng địch nước lớn, kẻ yếu phải thua kẻ mạnh, cũng vì lẽ ấy mà Vi-Tử 6 phải theo về nhà Chu; ta là cháu nhà vua, há nỡ ngồi nhìn cảnh nhà tan nước mất?". Bèn cùng bọn Tắc đem quân đầu hàng, được Trấn-Nam-Vương khen thưởng. Tháng 4, Vương khiến Minh-Lý-Tích-Ban đem bọn Chương-Hiến vào bệ-kiến Thiên-Tử. Đi đến trại Chi-Lăng, bị nam-quân chận đánh rất gấp. Đang đêm, quan-quân chiến đấu đột xuất vòng vây, viên quan hướng-dẫn gặp Chương Hiến đương kịch-chiến, bị địch-quân dồn ém giết chết trên lưng ngựa. Tắc ôm thây ruổi chạy mấy mươi dặm, ra Khâu-ôn an-táng. Những thuộc-lại đi theo Chương-Hiến, bị giết gần một nửa. Tắc theo Tích-Ban về đến Đế-Kinh, ở Hội-Đồng-Quán. Vua khiến dẫn vào điện Đại-Minh ban yến và cho tất cả mọi người một số tiền 5.000 quan, chia phần Tắc được 500 quan. Mùa xuân năm Bính-Tuất (1286), Hoàng thượng thương lòng trung-thành của quốc-đệ Trần-Ích-Tắc, đặc ân phong làm An-nam quốc-vương. Các quan-viên đầu hàng đều được phong chức-tước theo thứ bậc. Tắc được phong sắc Tòng-Thị-Lang, lãnh chức Chỉ-Huyện-Lệnh-Doãn. Năm Đinh-Hợi (1287), các thuộc-quan của An-nam quốc-vương đều được cấp nguyệt-bỗng, ban cho cung tên, yên ngựa và khiến đưa về nước. Hoàng-thượng khiến Trấn-Nam-Vương cùng Bích-Chương Áo-Lỗ-Xích-Khê đem binh tiến thảo. Mồng ba tháng chín, quân khởi hành từ tỉnh Ngạc, tháng 11 đến An-nam. Thế-Tử nghênh-chiến, quân bị thua tan chạy. Lúc ấy Tắc đương bệnh phải ở lại Tư-Minh, kế sau quân bị tan vỡ. Ngày 28 tháng 12, Vương-sư phá ải Nội-Nha, tiến giữ sông Bình-Giang, An-nam, day lưng ra sông dàn trận, đốt hết nhà cửa, bắn tên thuốc loạn xạ. Lúc canh năm, quân bị tan vỡ, Sảnh-Đô-Sự bọn Hầu-đô mấy nghìn người chạy lạc đường đều bị vây hãm. Một mình Tắc dẫn Đạt-Vạn-Hộ, Tiều-Thiên-hộ (tên gì chưa tường) và Thiêm-Sự-Viện Lĩnh-Phủ-Phán Lê-Yến. Yến, trên ngựa bồng cậu bé chín tuổi, con của An-nam quốc-vương, tước-hiệu Đại-Thúc-Hầu, cộng tất cảo hơn sáu mươi kỵ-mã-quân, giết lính giữ ải, chạy về phương bắc. Ngựa Lê-Yến sức yếu, chạy thụt đường sau, gần bị nam-quân đuổi theo bắt kịp, Tắc thương hại, đổi ngựa khỏe của mình cho Yến, mình cỡi ngựa đi sau quất ngựa Yến chạy tới để thoát nạn. Khốn nỗi, đường trước cũng bị nam-quân đón đánh, hai mặt giáp công vất vã muôn lần suýt chết, giong ruổi suốt mấy trăm dặm, từ nửa đêm đến mờ sáng, đến ải Châu-Chiếu lạy mừng. Tết Nguyên-đán năm Mậu-Tý (1288), Vạn-Hộ, Thiên-Hộ, mở tiệc rượu đãi Tắc, đem gấm lụa tạ ơn nói rằng: "Ông chủ-trương chạy ra cửa ải, khiến chúng tôi còng sống đến ngày nay, ấy là đẻ chúng tôi lại một lần nữa vậy". Lê-Yến dẫn Đại-Thúc-Hầu cầm ngọc-tỷ, đội mão tế-đằng 7  có khảm ngọc thạch bính-nê, đến tạ ơn. Tắc nói: "chúng ta hãm vào tử địa, mà nay được toàn sinh, ấy là nhờ ơn đức của đấng Thượng-đế", đều từ khước không lấy của tạ. Yến lớn hơn Tắc bảy tuổi, gọi Tắc bằng cha và lấy một hạt hoàng-nê-thạch, hai cây vải Cao-ly tạ ơn, Tắc cũng từ khước. Mọi người về đến Tư-Minh, chờ lệnh quân địch. Quan Tuyên-Uỷ Triệu-Tu làm thơ khen ngợi và mỗi lúc đem quân đi tuần biên-cảnh, đều mời Tắc cùng đi. Tắc giúp sức như thế được ba tháng, thì gặp lúc Trấn-Nam-Vương lấy cớ vì An-nam oi-bức độc-địa, kéo quân trở về, bọn Tắc cũng trở về Hán-Dương. Tắc có giao-du với người bạn văn-học tên Chu-Khởi, người ở Mân-Trung. Nguyên trước Chu-Khởi cùng tôi nhà Tống là Tăng-Uyên-Tử di-cư qua An-nam, sau theo Chương-Hiến-Hầu quy thuận, triều đình cho tước trật, ban cấp tiền lụa. Chu-Khởi theo quan-quân giúp việc, đến lúc về, ở chung với Tắc, được ít năm thì mất. Tắc thương bạn không có gia-quyến, mua nghĩa-địa ở núi Phụng-Thê chôn cất. An-nam quốc-vương nghĩ Tắc giúp việc có công, tiến cử lên triều-đình. Năm Nhâm-Thìn (1292), Tắc được ban cấp sắc điệp hàm Phụng-Sự-Lang, lĩnh hư chức đồng-tri-châu An-Tiêm. Lúc đầu bản-quốc (An-nam) loạn lạc, cha mẹ, gia quyến ly tán, Tắc vào Trung-Châu, mười năm sau cưới Tôn-nữ họ Lý, con quốc-vương trước, làm vợ. Lý Tôn-nữ theo cha nuôi là Chương-Hoài-Hầu Trần-Tuyên-Uỷ 8  hàng phụ Trung-Quốc.Chương-Hoài-Hầu được cung cấp lương ăn áo mặc, sau bãi cung cấp, cho hai khoảnh ruộng để dưỡng lão. Năm Quý-Tỵ (1293), triều-đình lập An-nam Hành-Sảnh, còn đặt chức Đồng-Bình-Chương-Sự, Toa-Đô khiến Tắc cùng Sảnh-Lang Hồ-Tổ-Quảng, Hán-Khanh, Vạn-Hộ Hồ-Kế-Ân ruổi ngựa trạm ra Giang-Chiết để lo tính việc quân. Lại từ Hàng-Châu trải qua... (đoạn nầy thiếu).

Tháng 7 năm Canh-Tuất (1790), Trúc-Đình cư-sĩ Tiền-Đại-Hân mượn đọc hết. (Trong lúc đi thuyền ở Nhiệm-Thành) 9

Trên đây bộ An-nam Chí-Lược còn mười chín quyển, (đoạn sau có thiếu) nguyên bản sao của Hồ-Từ-Thôn, mà ông sui của tôi là Viên-Thọ-Gia giữ được. Tiền-Thiếu-Thiềm có mượn đọc qua một lượt, dùng bút mực, bút son sửa chữa và chấm câu lại. Hiềm vì bản cũ sai sót rất nhiều, nên chấm câu chưa được hoàn toàn. Tôi mướn người chép theo bản của họ Viên và chép cả lời đính-chính, rồi tự tay chấm câu lại, thật là một bản sách hiếm có vậy. Chỉ có hàng khoảng theo nguyên bản sai lệch không giống nhau và có chỗ sai lầm, nay cũng y theo bản hiệu-chính của Thiếu-Thìm, tu-chỉnh hàng khoảng và sửa chữa lại các chỗ sai lầm. Tôi đã đọc lại xong, xin ghi đầu đuôi của bản sách nầy như trên.

Năm Nhâm-Thân (1812), sau tiết mang-chủng một ngày.

Phục Ông

Lời bạt của Phục-Ông

Tháng tám, sau tiết Trung-thu một ngày, Ngô-Xuân-Sanh đến thăm tôi, thấy bản sách nầy, nguyên bản cũ của nhà sách Ngũ-Nghiên-Lầu, có bút tích của Thiếu-Thiềm, tỏ ý muốn đổi, tôi nhân biếu cho và giữ lại phó-bản nầy để xem. Năm Canh-Tuất (1790), Thiếu-Thiềm lấy tư-cách hưu-quan cao cấp vào kinh chúc thọ nhà vua. Năm ấy, An-nam quốc-vương Nguyễn-Quang-Trung mới được phong, vào Kinh bệ kiến, nên Thiếu-Thiềm mượn bộ sách nầy để xem tại Ngũ-Nghiên-Lầu. Trong lời bạt có nói rằng: "Tháng bảy năm Canh-Tuất (1790), ấy là năm bát-tuần thánh-thọ của Thuần-Hoàng-đế. Các quan về chúc thọ, lo về Kinh trước, cho nên trong lời bạt có nói: "lúc ấy đương đi thuyền ở Nhiệm-Thành".

Phục Ông lại ghi.

Bài thơ Lữ-Ngụ An-nam của Đỗ-Thẩm-Ngôn (Thẩm-Ngôn tên chữ Tất-Giản, người Tương-Dương)

Giao-Chỉ khác thời-tiết,

Lạnh trễ lại nóng liền.

Trái núi chín tháng một 10

Hoa đồng nở tháng giêng.

Mưa dầm sinh mù tối,

Sương nhẹ dậy sấm rền.

Làng cũ xa muôn dặm,

Tứ khách vẫn liên-miên.

Bài thơ trên đây là chép theo bản sao Đường-Thi-Tuyển của Lam-Cách tàng-trữ nơi Tuyển-Mộng-Các của Trầm-Lãng-Thuyến, để bổ-túc mục "Lịch-Triều Danh-Hiền-Tập-Đề" của sách An-nam Chí-Lược.

Năm Giáp-Tuất (1814) tháng ba, sau tiết lập-hạ một ngày.

Phục-Ông viết.

An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Thập Cửu Chung

___________________________________________________

Lời cẩn-bạch của Ngạn-Ngâm-Hương (Kishi-Ginko) tại Đông-Đô

Thiết nghĩ: thẻ ngọc khuôn vàng, vườn Côn-Lôn bản-đồ trình-hiến; chữ xanh văn đỏ, núi Vụ-Uyển thư-tịch lưu-truyền 11. Về sau Châu đạo suy vi, hiến-chương loạn bỏ; đốt sách vở, Doanh-Tần bạo ngược, khinh nho-gia, Tân-Mãng hung tàn. Sách cổ vùi chôn, tư-văn quét sạch 12. Bản-đường khai trương Nhật-Bản, ở nước Phù-Tang 13, đo lường tinh-triền, thuộc miền Tích-Mộc 14. Thập-Châu, Tam-Đảo15, biết bao linh báu trân tàng; Bát-Sách, Cửu-Khâu16, góp nhặt lang-hoàn quý giá. Sách đem theo của Từ-Phúc17, tuy chẳng còn bao nhiêu; sách chưa dâng của Điêu-Nhiên18, vẫn đủ dùng bác-lãm. Trên tra sách-phủ, dưới

hỏi nghệ-lâm, những sách quý xưa nay, còn mấy nghìn bộ. Không lòng tư-kỷ, chọn lựa san hành. Xa vượt trùng-dương, cống-hiến đồng-chí. Hết lòng gắng sức, hiệu-chính rất mực tinh-tường; phân-mục chia hàng, chạm khắc rất nên khéo léo. Làm thành quyển sách báu, bao bằng túi lụa xanh. Đủ cung đại nhã tiện-nghi, mong được cao-minh thưởng-lãm.

Tháng trọng-xuân năm Giáp-Thân (1884), Đông-Đô Ngạn-Ngâm-Hương cẩn-bạch.

1 - Niên hiệu vua Ý-Tông nhà Đường.

2 - Kiều-Công-Tiện.

3 - Dương-Đình-Nghệ.

4 - Nhà Lý làm vua 220 năm.

5- Trấn Nam Vương tên là Thoát Hoan.

6-  Xem chú thích ở bài thơ "bỏ nước ra đi" của Thiện-Lạc Lão Nhân trong quyển thứ 19.

7-  Mão đan bằng mây chuốt nhỏ.

8 - Tức Trần Văn Lộng.

9 - Lời bạt của Tiền Đại Hân.

10 - Tháng mười một.

11- Đoạn đầu bài nói văn tự đồ thư đã có từ đời thượng cổ.

12- Đoạn thứ 2, nói từ đời nhà Chu suy vi, Tần-Thủy-Hoàng đốt sách, Vương-Mãnh khinh nho, nên sách vở mất đi cũng nhiều.

13- Phù-Tang là nước Nhật.

14- Tích-Mộc thuộc dần, nước Nhật theo thiên văn, vị-trí thuộc dần.

15-  Thập Châu Tam Đảo tức nước Nhật. Người Tàu ngày xưa tưởng Bồng Lai Tam Đảo ở đấy.

16-  Bát sách là sách nói về bát quái, Cửu Khâu là sách nói về Cửu Châu.

17-  Từ Phúc, tên chữ là Quân Phòng, có pháp thuật, Tần Thủy Hoàng sai Phúc vượt biển đi Tô Châu, (tức Nhật Bản hiện nay), tìm cỏ trường sinh. Phúc đi không trở về, có đem theo nhiều sách vở.

18-  Điêu-Nhiên là một nhà sư Nhật Bản, đem sách Hiếu Kinh có lời chú thích của Trịnh Nguyên, dâng vua Chân Tông nhà Tống.

- CHUNG -