An Nam Chí Lược

Đại-Nguyên Phụng Sứ

Đại-Nguyên Phụng Sứ

Năm Đinh-Tỵ (1257) nước An-nam bắt đầu vào thần-phụ. Thế-Tổ Cao-Hoàng của Thiên-triều (tức nhà Nguyên) lên làm vua, lấy năm Canh-thân làm năm đầu hiệu Trung-Thống (1260), vua An-nam là Trần-Nhật-Cảnh sai sứ dâng biểu chúc hạ và cống các phẩm-vật.

Qua năm sau, vua Thế-Tổ hạ chiếu phong Trần-Quang-Bính làm An-nam quốc-vương, nhân khiến Lễ-Bộ Lang-Trung Mạnh-Giáp, Lễ Bộ viên-ngoại-lang Lý-Văn-Tuấn sung làm chức An-nam tuyên dụ-sứ.

Năm Trung-Thống thứ 3 (1262), sai Nạp-Lạt-Đinh làm chức Đạt-Lỗ-Hoa-Xích tại nước An-nam.

Năm Chí-Nguyên thứ 2 (1265), khiến Thị-Lang Ninh-Đoan-Phủ, Lang-Trung Trương-Lập-Đạo phụng sứ sang An-nam để tuyên đạt dụ chỉ.

Năm Chí-Nguyên thứ 5 (1268), khiến Hốt-Long-Hải-Nha sang sứ An-nam.

Năm Chí-Nguyên thứ 7 (1270), sai Giã-thiệt-Nạp làm chức Đạt-Lỗ-Hoa-Xích tại nước An-nam, sau ông ấy chết tại nước ấy.

Năm Chí-Nguyên thứ 12 (1275), sai Thượng-thư-Lệnh Triệt-Nhĩ-Hải-Nhã và Thị-Lang Lý-khắc-Trung sang mời vua An-nam qua chầu, nhưng vua An-nam viện cớ ốm lâu ngày, không đến chầu, qua mấy năm thì mất.

Năm Chí-Nguyên thứ 15 (1278), khiến Sài-Thung ở Vân-Nam giữ chức Lễ-Bộ Thượng-thư, dẫn sứ thần An-nam là Lê-Khắc-Phục về nước, và dụ Thế-Tử lấy cớ đang cư ta, nên chỉ sai bồi-thần là bọn Trịnh-Đình-Toản và Đỗ-Quốc-Kế vào cống.

Năm Chí-Nguyên thứ 16 (1279), giữ sứ-thần An-nam là Trịnh-Đình-Toản ở lại, rồi sai Sài-Thung dẫn sứ-thần Đỗ-Quốc-Kế về nước và dụ vua phải vào chầu; Thế-Tử lấy cớ đau mà từ khước, Sài-Thung lấy lễ trách, Thế-Tử sợ, bèn khiến chú họ là Trần-Di-Ái thay mặt tới chầu; Hoàng-thượng lấy cớ Thế-Tử có bệnh, bèn phong Di-Ái làm An-nam quốc-vương.

Năm Chí-Nguyên thứ 18 (1281), thăng chức cho Sài-Thung làm An-nam Tuyên-Uý Đô-Nguyên-Soái, để Lý-Chấn làm Phó, đem quân hộ-tống Di-Ái về nước, lại khiến Bất-Nhãn-Thiếp-Mộc-Nhĩ làm chức Đạt-Lỗ-Hoa-Xích cùng sang An-nam, nhưng tới biên-giới Vĩnh-Bình (giáp An-nam), thì người An-nam không tiếp nhận, Di-Ái sợ, nửa đêm trốn về, rồi Thế-Tử khiến bồi-thần đón tiếp Sài-Thung vào nước để truyền lời dụ chỉ.

Năm Chí-Nguyên thứ 20 (1283), vì Thế-Tử (vua nhà Trần) được mời nhiều lần mà không tới chầu, Hoàng-Thượng chưa nỡ cử binh qua đánh, sai các quan Hành-Tỉnh Trung-Thơ ở Kinh-Châu, Hồ- Nam và Chiêm-Thành hiểu dụ An-nam, cho mượn đường và giúp Hữu-Thừa Toa-Đô, để đi đánh Chiêm- Thành; một mặt sai quan Đạt-Lỗ-Hoa-Xích tại Ngạc-Châu-Lộ là Triệu-Chữ qua dụ Thế-Tử, Thế-Tử không nghe. Năm sau Trần-Nam-Vương (Thoát-Hoan) đem đại bịnh tới biên-giới An-nam, Thế-Tử không ra đón rước, lại suất quân đánh cự, nhưng bị thua.

Năm Chí-Nguyên thứ 26 (1289), sai Sơn-Bắc-Liêu-Đông-Đạo Đề-Hình Án-Sát-Sứ, Lưu-Đình-Trực, Lễ-Bộ Thị-Lang Lý-Tư-Diễn, Binh Bộ Thị-Lang Vạn-Nô dẫn sứ-thần An-nam bọn Nguyễn-Nghĩa-Toàn về nước để tuyên lời dụ chỉ. Năm Chí-Nguyên thứ 28 (1291), sai Lễ-Bộ Thượng-thư Trương-Lập-Đạo, Binh-bộ Lang-Trung Bất-Nhãn Thiếp-Mộc-Nhĩ dẫn sứ-thần An-nam bọn Nghiêm-Trọng-Duy về nước dụ Thế-Tử Trần-Nhật-Tốn phải sang chầu, Thế-Tử lấy cớ đương tang bố, sai quan lệnh-công Nguyễn-Đại-Pháp đến cống hiến.

Phụ: Trương Thượng-Thư Hành Lục

(Chép Cuộc Đi Sứ Của Trương-Lập-Đạo Sang An-Nam)

Tháng chạp năm Tân-Mão, Chí-Nguyên thứ 28 (1291), bắt đầu lên đường từ Kinh-đô, trải qua các tỉnh Hồ, Quảng và các khe động, hơn tám ngàn dặm mới tới biên-giới An-nam, vượt biển trèo non, nói không kể xiết. Đến ngày 18 tháng 3 năm sau, mới tới đất Khâu-Ôn (địa-đầu An-nam), bên nước Nam sai kẻ tư-thần đài đệ rượu và đồ ăn nghinh tiếp, qua sông Lư-Giang tới sứ-quán.

Sáng ngày mai Thế-Tử tới nhà sứ-quán, trước hết đến trước chiếu-thư chiêm-ngưỡng, rồi mới chắp tay chào. Thế-Tử hỏi thăm Thánh-thể, bọn Lập-Đạo trả lời rằng: "Thánh-cung vạn phước". Kế đó, Thế-Tử hỏi thăm các quan đại-thần, Lập-Đạo trả lời rằng: "Quan Tể-tướng bình yên", Thế-Tử hỏi Thiên sứ đi có mệt nhọc không; Lập-Đạo đáp: "Thiên-tử không cho rằng nước An-nam là nơi xa cách, thì sứ-thần ngại gì xông pha". Khi nói chuyện xong, có quan Hàn-lâm là Đinh-Cũng-Viên và Ngự-sử đại-phu là Đỗ-Quốc-Kế nói rằng: "theo lệ định năm trước, hễ làm vua thì trở mặt về hướng nam, kẻ sứ thần trở mặt về hướng tây, trông nhau mà ngồi. Vậy xin mời quý Thiên-sứ an toạ".

Lập-Đạo nói: "chức khanh tướng ở nước lớn cùng các vua tiểu-quốc ngang hàng, há có lễ "namdiện", (tức vua ngồi hướng về nam), bây giờ thì đổi lại mà ngồi trở mặt qua hướng đông hướng tây chẳng được ư?". Cũng-Viên nói: "Vương-nhân tuy là nhỏ, nhưng phẩm-trật ở trên chư-hầu". Lập-Đạo đáp rằng: "cái thuyết Vương-nhân, chính vì chúng tôi mà nói như vậy". Rút cuộc, bèn trở mặt về hướng đông và hướng tây cùng ngồi nói chuyện.

Thế-Tử nói: "Tiên-nhơn của tôi khi gần phút cuối cùng, có lời di-chúc rằng: phải kính-phục Thiên triều và thường năm đi cống-hiến, chớ để thiếu sót. Luôn từ mấy năm nay, không thấy thiên-sứ qua, cho nên tôi lại sai sứ-thần đưa phẩm-vật sang dâng, chưa hiểu tôn-ý của thượng-quốc xét ra thế nào? Những sản-phẩm của tiểu-quốc không có gì lạ, nhưng làm hết lòng thành mà thôi, nay được tiếp thiên-sứ tới, thật là vui mừng không xiết". Thế-Tử lại nói rằng: "Sứ-thần của bản-quốc đi chầu về có thuật chuyện lại: đức Thánh-Thượng tuổi tác đã cao mà vẻ rồng trẻ mạnh, tôi nghe nói rất mừng, không biết có thật không?".

Lập-Đạo đáp: "Đức Thiên-Tử bộ râu rồng trắng xoá mà dáng mặt như người thanh-niên". Thế- Tử nói: "Vậy thì thiên hạ đều có phúc, nước tôi cũng có phúc", rồi để tay trên trán nói rằng: "liền mấy năm nay, bên thượng-quốc không thấy sai sứ qua nước tôi, bởi vì cớ gì?". Lập-Đạo nói: "Thiên-Tử vì cớ cho người mời luôn mà vua An-nam không vào chầu, nên không sai sứ sang, tiếp được tờ tấu nói thiên phụ đã qua đời, theo thánh ý của Thiên-tử cho là tội của vua trước đáng phạt, không liên-hệ đến người kế thừa, nên có cuộc sang sứ của chúng tôi vậy". Thế-Tử nói: "Thiên-Tử ưa cho người sống và không ưa sát hại, là một sự may mắn lớn lao cho tiểu-quốc", liền hô: "Hoàng-đế muôn năm". Lập-Đạo nói: "Đức Thiên-Tử trùm cả bốn biển, lòng nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn, nỡ lòng nào đưa quân lính tới chém giết. Chỉ vì trước kia luôn luôn giảng về lễ, mà quốc vương trước không hề khi nào nghe lệnh, thành thử sanh ra hiềm khích, khiến cho dân điêu-tàn, nước tan vỡ, là tự mình tạo lấy vậy; chứ triều đình thượng quốckhông tham chiếm đất đai của khanh, chính là do cái tội không chịu nhập triều mà tạo ra vậy. Thế-Tử nói: "Năm vừa qua, đại quân qua đây, đốt phá nhà cửa, đào cả mồ mả ông cha nhà tôi, khiến cho hài cốt linh lạc".Câu chuyện ấy nói chưa dứt lời, thì các bề tôi đứng chầu, đều khóc oà lên.

Lập-Đạo nói: "Năm xưa Thiên-Tử sai Giả-Thiếp-Mộc-Nhĩ, vua Vân-Nam, đánh nước Diến-Điện, có lời dụ bảo không được đốt nhà cửa, cung điện, không được đào mả, v.v... vua Vân-Nam kính y như lời dụ chỉ; đến khi đại quân tới nước thì vua Diến-Điện trốn mất, vua Vân-Nam không hề chém giết ai, nhà cửa chùa chiền, cung thất vẫn để nguyên, vua Diến cảm phục, đầu hàng rồi sai người con trai đúng kỳ hạn vào chầu và cống hiến. Còn như Trấn-Nam-Vương xuất quân đánh nước An-nam, Thiên-Tử cũng ra lời chỉ dụ như khi đánh nước Diến-Điện, nếu không, thì cung thất nầy đâu còn nữa".

Khi đang nói câu chuyện thì cận-thần là Đinh-Cũng-Viễn đỡ lời rằng: "Thiên-Tử đã có ý tốt như thế, thì trước kia, không động đến đồ binh-khí chẳng là càng tốt hơn ư?". Lập-Đạo nạt rằng: "Kẻ tạo nên mối họa cho nước An-nam, chưa chắc không do bọn ngươi, đạo trời cao rộng, ngươi làm gì mà biết được?". Rồi bọn Lập-Đạo phất tay áo đứng dậy, Đinh-Cũng-Viễn bèn xin lỗi.

Thế-Tử khi tới chỗ sứ-quán, tự nói rằng, đương để tang vua cha, chỉ mặc áo vải đen, ăn đồ dưa rau, thọ-giới năm năm, nay mới được hai năm 24 ngày. Thế-Tử đi xe loan giá, các bề tôi thì mặc triều phục đi chân, tới sứ-quán đón rước tờ chiếu của Thiên-Tử, từ buổi trưa rước vào thánh cung Thànhhoàng, qua cầu Ngoạn-nguyệt, và lầu Trường-Minh, đến cửa Chánh-Dương, Lập-Đạo xuống ngựa nâng tờ chiếu vào cửa Minh-Dương, các quan đi theo vào cửa Vân-Hội, các quan liêu-thuộc An-nam thì vào cửa Nhật-Tân, đến trước các Minh-Hà, đường đi đều trải nệm và đặt lò xông trầm hương, Thế-Tử cùng chú là tiếm Thái-Sư, Chiêu-Minh-Vương, em là Thái-Uý Tả-Thiên-Vương; Thiếu-Bảo, Ngự-sử, đại-phu và các quan Hàn-Lâm tám người, đều lên điện Thọ-Quang, trước ngai rồng có đặt hương án, Thế-Tử làm lễ lạy tờ chiếu; lễ xong thì tự tuyên đọc lấy. Thế-Tử nói rằng: "Kính xem tờ chiếu-thư của Thiên-Tử, mừng rỡ khôn xiết", rồi hô lên rằng: "Hoàng-đế vạn tuế". Sau đó ra các Triều-Thiên, xuống điện Tập-Hiền thiết tiệc, theo hướng đông tây đối diện mà ngồi, chỉ Tiếm-Thái-Sư ngồi dưới đất bên vua, còn bọn Thái-Uý, Thiếu-Bảo đều đứng chầu trên điện, các quan-liêu đều đứng dưới điện, nếu không có lệnh, thì không được lên; đại nhạc đánh thổi ở dưới điện, còn tiểu nhạc thổi trên điện. Đủ các thức rượu, đồ trái quí lạ và các món ăn rất quí như cá thịt cùng các hải-vị dọn đến tám bàn. Thỉnh-thoảng, mời ăn cau trầu têm với vôi hàu1. Vua An-nam tiếp chuyện vui vẻ luôn luôn và làm thơ để tặng Thiên-Sứ. Lập-Đạo tức thì làm thơ để đáp lại. Tiệc gần xong, mời Lập-Đạo vào trong trướng, đều ngồi trên đất.

Thế-Tử nói: "Nước tôi qui phụ Thiên-triều đã ba mươi năm, lòng thờ nước trên, không khi nào quên lãng, thường năm dâng lễ vật, không hề bỏ thiếu, kể từ đời ông đời cha cho đến ngày nay, trước sau đi một con đường. Nhiều lần có Chiếu gọi vào triều, chỉ vì cớ đau yếu, không đi chầu được, đến đỗi Thánh-thượng nổi giận, cử binh qua đánh, dân sự bị chém giết, lăng mộ bị đào lên, đền chùa bị thiêu huỷ, cây cối bị chặt phá tan tành, nói không kể xiết. Nước tôi không tội lỗi gì mà gặp tai họa to tát. Cứ theo lời chiếu của Thiên-Tử, chuyến nào cũng kể tội giết hại quốc-thúc (tức chỉ Trần-Di-Ái), đuổi Thiên-Sứ, chống cự với Vương-sư, đến nay vẫn chưa được tha tội. Xét lại, quốc-thúc, nhân đời tiên-vương sai đi vào Trung Quốc, chầu Thiên-tử và thay mặt tiên-vương tôi để tấu đối mọi việc. Lúc bấy giờ, Thiên-Tử phong cho Quốc-thúc làm vua An-nam. Quốc-thúc tự mình lấy làm sợ rồi không biết đi vào đâu, chứ không phải nước tôi dám giết. Chú tôi tự trốn đi miền Hải-Nam, rồi các tôn-tộc giữ binh-quyền và chống cự với quân Thiên-triều, thật ra thì quốc-vương không biết gì đến. Duy có một việc không đi chầu, cũng chẳng có cớ gì khác, thật chỉ viì ham sống sợ chết, thấy đường sá xa xuôi hiểm trở, khí núi rất độc, đi ngoài muôn dặm mà bất phục thuỷ thổ, nếu chết ở giữa đường, thì có ích gì cho Thượng-quốc không? Gần đây, chúng tôi thường sai người đi triều-cống, giữ lòng trung-thành để thờ vua trên, như vậy có tổn hại chi đến Thượng-quốc không? Chẳng qua mối tình cảm bề dưới của chúng tôi vẫn không được chuyển đạt lên Thiên-Tử. Hôm nay, Thiên-Sứ đã qua đến đây, thật là một cơ-hội may mắn cho nước tôi được tố oan, trông mong Thiên-Sứ, lúc về bệ kiến tâu rõ với Thiên-Tử. Chúng tôi nghĩ rằng ở dưới trời, chỗ nào cũng đất của vua, ở trên bờ đất, ai ai cũng phục tùng nhà vua. Nước An-nam đã làm nhân-dân của Thiên-Tử, không có chí hướng gì khác nữa, đức Thiên-Tử lấy bốn bể làm một nhà, tuy nước tôi không tới chầu, nhưng ở trong cảnh-thổ, thì cũng là một hạ-thần của xã-tắc vậy. Dám nói rằng chỉ trời đất biết rõ tâm-sự của tôi.

Bọn Lập-Đạo đáp rằng: "Ngày chúng tôi từ giã sân vua qua đây, Thừa-tướng đại-thần có bảo rằng: "Các sứ-thần trước không biết tuyên-dương thánh-ý của Thiên-Tử, khiến cho tiểu-quốc sinh ra nghi ngờ, nay các ông chớ học lối các sứ-thần trước"; chúng tôi qua đây được gặp Thế-Tử nói chuyện, nhưng nói cũng không hết lời, nên làm một bức thư giảng-nghị, phô bày cho cùng lý". [Thư ấy chép ở đoạn sau]

Năm Chí-Nguyên thứ 30 (1293), khiến Binh-Bộ Thượng-thư Lương-Tăng; Thị-Lang Trần-Phu, đem sứ-thần của An-nam là Nguyễn-Đại-Phạp về nước dụ Thế-Tử vào chầu, Thế-Tử không nghe, bèn dấy binh qua đánh.

Tháng giêng năm Chí-Nguyên thứ 31 (1294), vua Thế-Tổ băng; Thành-Tông Hoàng-đế nối ngôi, ra lời chiếu chỉ bãi binh, khiến Lễ-Bộ Thị-Lang Lý-Hàn, Binh-Bộ Thị-Lang Tiếu-Thái-Đăng sang sứ An-nam ban lời chiếu tha tội Thế-Tử và thả sứ-thần An-nam là Đào-Tử-Kỳ về nước.

Phụ: Tiêu-Phương-Nhai Sứ Giao Lục Tự

(Bài Tựa Của Tiêu-Phương-Nhai Đi Sứ Giao-Châu)2

Lúc đức Hoàng-đế (tức Nguyên-Thành-Tông) lên ngôi, vào tháng mạnh-hạ (tức là tháng 4) năm Giáp-Ngọ, Chí-Nguyên (1294), cảnh trời đất phát huy, nhân-vật vui mừng yên nghiệp, ngọn gió êm dịu, hạt mưa ngọt ngào, khắp cả các xứ xa gần. Đầu tiên bỏ sự chinh-chiến miền Nam, lựa chọn sứ-thần qua dụ, sai Lễ-Bộ Thị-Lang là Lý-Hãn qua An-nam, mà tôi là Thái-Đăng cùng đi một lần. Dẹp võ, dùng văn, việc rạng rỡ của nhà Đường và nhà Ngu, không những mình trông thấy mà lại còn đương lấy. Ở Trung-Hoa đi ra nơi nguyên-thấp (đất đại ẩm thấp), trải qua con đường muôn dặm ruổi giong, thư-sinh không thể làm tướng, thì làm sứ, đó là chí-hướng và vinh-dự của người xưa, tôi là phận nhỏ mọn mà lạm phần sứ-vụ, khi được sứ-mệnh lên đường ngày đêm gìn giữ phận sự, trong lúc đi đường thấy cái gì, nghe điều gì, thì ghi chép hết, không ngờ thành được tập sách, về khắc bản ấn hành để phổ biến truyện ấy.

Có người khách chê cười rằng, đây là bản nhật-ký của anh đi sứ Giao-Chỉ, khắc bản ấn hành cho công chúng xem, không khỏi bị người ta chê cười là cầu danh. Nói như thế chỉ tỏ cái tiết liêm khiết ngắn ngủi cái tính cẩn-thận nhỏ mọn, mà làm mất điều hay của triều-đại thái-bình, ấy là sự xấu hổ lớn lao của kẻ thần-tử, tôi đâu dám theo chỗ tiểu-tiết mà cam chịu điều sĩ lớn như vậy.

Xét từ đời Tam-Đại (Hạ, Thượng, Chu) trở xuống, sự thịnh trị của Trung-Quốc không triều đại nào hơn nhà Hán và nhà Đường. Thế mà Triệu-Đà chỉ là một chức quan cũ của nhà Tần, tiếm hiệu xưng Hoàng-đế, lại cử binh đánh quận Trường-Sa, mà vua Hán-Văn-Đế phải hạ lời mình đưa thư sang. Nước Cao-Ly là một nước được phong làm chư-hầu, quật cường ở phương-đông, không chịu theo chính-sóc, mà vua Đường Thái-Tông thân chinh, cũng không được. Bây giờ trời mở vận-hội oai-hùng cho triều-đình kế tiếp, Thế-Tổ Hoàng-đế là thánh quân, san bằng hết các tay hùng cứ, sáp nhập các khu-vực làm một, khắp trong trời đất, không sót một người nào không phải qui thuận. Đức Hoàng-đế đương kim lên chínhvị, đại-xá thiên-hạ, chỉ dùng tờ chiếu chỉ khổ giấy thước hai, sai đình-thần hai người đi sứ nơi tuyệt-vực, phàm những chỗ núi sông hiểm trở là có vẻ oai trời chói sáng đến nơi, kịp đến khi sứ thần đến bờ cõi, thì các vị trọng-thần ra nghinh-tiếp; khi tới đô-thị thì có các vị tôn-tộc đi theo chầu hầu, khi tới sứ-quán, thì có quốc-chủ thân-hành tới hỏi thăm, cuộc nghinh tiếp long trọng, thấy người tá chạy qua chạy lại, mệt nhọc đổ mồ hôi, nín thở mà nghe lời chiếu chỉ, cúi đầu lạy mừng, hình như tới tận sân chầu triều-đình. Dâng tờ biểu chúc mừng và xưng thần cống phẩm-vật, không dám để trể thì giờ; sự long thịnh của Trung-Quốc, chưa có đời vua nào bằng được như thế. Nếu không biên chép mà truyền lại lâu xa, thì lấy gì mà bày tỏ đức hóa của Thánh-Triều.

Bản biên-lục nầy, kể từ Kinh-đô đến nước An-nam, phàm những châu, quận, núi, sông, nhânvật, lễ-nhạc, các hạng người cũ, cùng người ẩn-dật, chính sự gì hay, phong tục gì khác, cây lạ, hoa hiếm, tình người, phép cai trị, các phương thuốc chữa lành bệnh, theo thứ tự hàng ngày ghi biên rõ ràng làm thành một tập. Kính lục lời chiếu, chép trên đầu quyển, rồi chép tờ biểu đáp lại của Thế-Tử dâng lên và cống phẩm-vật; sau biên cả các bài thư tống hành của các bậc lão-thần trong triều, còn những bài thư ngâm vịnh trong tiệc, cũng được chép vào cuối tập, ngõ hầu đời sau được biết sự thịnh-vượng của thánh-triều cai-trị muôn nước, và người đi sứ cùng kẻ làm quan ở nơi xa cũng có đủ sự-tích mà khảo xét, chứ không phải là sự vinh-dự riêng của Thái-Đăng cá-nhân mà thôi.

Xưa ông Thái-Sử-Công (tức Tư-Mã-Thiên), đi khắp trong thiên-hạ, phương Nam đi cả sông Giang, sông Hoài; phương Bắc, đi tới quận Trác-Lộc. Nay Thái-Đăng, phương Bắc đi từ Khai-Bình, Nam tới Giao-Chỉ, cuộc du-lịch nầy thật là kỳ-tuyệt, đủ làm một pho kỷ-thuật hay nhất trong đời.

Năm Đại-Đức thứ 5 (1301), vua Thành-Tông nhà Nguyên sai Thượng-thư Mã-Hạp-Ma, Lễ-Bộ Thị- Lang Kiều-Tông-Khoan mang chiếu qua dụ vua An-nam, nên theo kỳ hạn 3 năm qua triều cống một lần; kịp khi vua An-nam tự sai sứ đến triều-cống thì triều-đình không sai sứ nữa, nhưng vẫn cho dẫn sứ-thần An-nam là bọn Đặng-Nhữ-Lâm trở về nước. Năm Chí-Đại nguyên-niên (1308), vua Vũ-Tông nhà Nguyên sai Lễ-Bộ Thượng-thư An-Lỗ-Oai, Lại-Bộ Thị-Lang Lý-Kinh, Binh-Bộ Thị-Lang Cao-Phục-Lễ sang sứ An-nam để tuyên lời chiếu dụ tức vị của Vũ-Tông Hoàng-đế. Lúc đó, Trần-Nhật-Tốn đã mất, nên Thế-Tử Trần-Nhật-Suỷ sai sứ-thần qua dâng lời biểu hạ và cống lễ vật.

Năm Chí-Đại thứ 4 (1311), sai Lễ-Bộ Thượng-thư Nãi-Mã-Đại, Lại-Bộ Thị-Lang Nhiếp-Cổ-Bá, Binh-Bộ Lang-Trung Đỗ-Dữ-Khả đi sứ An-nam để tuyên lời chiếu-văn tức vị của Nhân-Tông Hoàng-đế. Qua năm đầu Hoàng-Khánh (1312) Thế-Tử Trần-Nhật-Suỷ sai sứ qua dâng lời biểu hạ và cống lễ vật.

Năm đầu hiệu Chí-Trị (1321), vua Anh-Tông sai Lại-Bộ Thượng-thư Giáo-Hoá, Lễ-Bộ Lang-Trung Văn-Củ qua sứ An-nam để tuyên đọc chiếu văn tức vị của Anh-Tông Hoàng-đế. Qua năm sau (1322), Thế-Tử Trần-Nhật-Khoáng sai sứ qua dâng lời biểu hạ và lễ-vật.

Năm đầu hiệu Thái-Định (1324), sai Lại-Bộ Thượng-thư Mã-Hiệp-Mưu, Lễ-Bộ Lang-Trung Dương-Tông-Thụy đi sứ An-nam tuyên lời chiếu.

Năm Chí-Thuận thứ 3 (1332), vua Văn-Tông sai Lại-Bộ Thượng-thư Sát-Chỉ-Ngỏa, Lễ-Bộ Lang-Trung Triệu-Kỳ-Hy đi sứ An-nam, tuyên đọc chiếu-văn tức-vị của Văn-Tông Hoàng-đế. Qua năm sau (1333), vua An-nam là Trần-Nhật-Phụ sai sứ-thần đi cống và dâng biểu-hạ.

Năm Nguyên-Thống thứ 3 (1335), vua Thuận-đế sai sứ là Lại-Bộ Thượng-thư Thiết-Trụ, Lễ-Bộ Lang-Trung Trí-Hy-Thiện sang sứ An-nam tuyên đọc lời chiếu-văn tức vị của Kim-Thượng Hoàng-đế. Qua năm sau (1336), Trần-Nhật-Phụ sai sứ dâng biểu mừng và cống lễ-vật.

Tiền Triều Phụng Sứ

(Sứ-Thần các Triều-Đại trước)

Hán-Sứ (Các Sứ-Thần nhà Hán)

Lục-giả:

Người nước Sở, do địa-vị môn-khách theo Hán-Cao-Tổ bình-định thiên-hạ. Đang thời ấy, Giả làm biện-sĩ, thường đi sứ các nước chư-hầu. Khi nhà Hán mới thống-nhất Trung-Quốc, thì Triệu-Đà hùng cứ nước Nam-Việt. Hán Cao-Tổ khiến Giả đem cho Triệu-Đà một cái ấn để làm vua nước Nam-Việt, Giả đến, Đà búi tóc, ngồi chò hõ mà tiếp. Giả nói: "túc-hạ là người Trung-Quốc, anh em, mồ mã của tiên-nhân đều ở Chân-Định, nay túc-hạ đổi tính, bỏ lễ nghĩa, tiếp khách không có lễ độ, muốn làm chủ một miếng đất Việt nho nhỏ, mà địch thế với Trung-Quốc, sánh vai với Thiên-Tử, ắt họa đến mình; Thiên-Tử nghe túc-hạ làm vua Nam-Việt, không chịu giúp Thiên-Tử, đánh dẹp kẻ bạo ngược, các tướng văn võ đều muốn đem quân qua diệt túc-hạ, nhưng Thiên-Tử nghĩ rằng nhà nước mới yên, nhân-dân mệt nhọc, nên bỏ qua chưa làm, và sai tôi đem ấn phù qua phong túc-hạ làm vua Nam-Việt; đáng lẽ túc-hạ ra chỗ địa đầu đón rước, trở mặt về hướng Bắc mà chịu xưng làm tôi mới phải. Nay lại lấy nước Việt mới xây dựng chưa thành, mà quật cường tại đây, nếu nhà Hán nghe được sẽ đào mã tiên-nhân của túc-hạ mà đốt hết, giết sạch tôn-tộc, rồi sai một viên tướng đem mười vạn quân qua đất Việt giết túc-hạ, bắt phải hàng nhà Hán như trở bàn tay".

Đà nghe xong, bèn nhỗm dậy, ngồi lại tử-tế, mà xin lỗi rằng: "tôi ở trong xứ mọi-rợ, lâu ngày quên hết lễ-nghĩa", rồi giữ Giả ở lại vài ngày cùng uống rượu và tiễn đồ hành-lý trị giá đến ngàn vàng, rút cuộc Giả phong Đà làm Nam-Việt-Vương và bảo xưng thần, tuân hành các điều định ước của nhà Hán. Giả về tâu lại, Cao-Tổ nhà Hán rất đẹp lòng, phong Giả làm chức Thái-Trung đại-phu. Qua đời Cao-Hậu, vì triều-đình cấm Nam-Việt mua đồ sắt của Trung-Quốc, Triệu-Đà bèn tiếm hiệu xưng đế. Hán- Văn-Đế lại sai Lục-Giả qua tỏ lời trách Đà, Đà sợ, lại xưng thần và triều cống như lời chiếu chỉ.

Trang-Trợ:

Là người ở đời Hiếu-Võ nhà Hán. Trong năm Kiến-Nguyên thứ 4 (137 trước Công-nguyên), Mân-Việt đem quân qua đánh biên-giới Nam-Việt. Nam-Việt-Vương là Hồ (cháu Triệu-Đà) dâng thơ lên vua Hán rằng: "Hai xứ Việt đều là phiên-thuộc của triều-đình, không nên tự ý dấy binh, công-kích lẫn nhau, nay Đông-Việt tự ý huy binh xâm-phạm đất tôi, tôi không dám đánh lại, chỉ chờ lệnh của Thiên-Tử địnhđoạt". Vua Hiếu-Võ sai bọn Vương-Khôi xuất quân qua đánh Mân-Việt, rồi trở về. Vua lại sai Trang-Trợ dụ vua Nam-Việt là Hồ. Hồ cảm ơn vua Hán, khiến con là Anh-Tể vào làm con tin.

Chung-Quân:

Tên chữ là Tử-Vân, mới 18 tuổi đã làm bác-sĩ, vua Hiếu-Võ thưởng thức văn-chương của y, cho làm chức Yết-Giả-Cấp-Sự-Trung rồi thăng cho làm quan Gián-Nghị đại-phu. Lúc đó nước Nam-Việt hoà với Trung-quốc, vua Hiếu-Võ sai sứ qua dụ Nam-Việt-Vương vào chầu, vương cáo bệnh không đi, Chung-Quân xin lãnh một dải mão dài và hứa rằng sẽ trói Nam-Việt-Vương đem về triều-đình, Vũ-Đế khiến Quân đi du-thuyết, Nam-Việt-Vương xin triều đình cho phép nội-thuộc, nhưng tướng Nam-Việt là Lự-Gia phát binh giết vua và bọn Chung-Quân. Lúc đó, Chung-Quân mới 20 tuổi, nên người đương-thời gọi là Chung-Đồng (nghĩa là đứa con nít họ Chung).

An-Quốc Thiếu-Quí:

Người Bá-Lăng, khi trước Thái-Tử Nam-Việt là Anh-Tể qua Trường-An làm con tin, lấy con gái họ Cù ở huyện Hàm-Đàn, sinh con là Hưng, kịp khi Anh-Tề nối ngôi vua Nam-Việt, bèn dâng thư xin lập Cù-Thị làm Vương-Hậu. Đến lúc Anh-Tề chết, Hưng nối ngôi, lập mẹ là Cù-Thị làm Vương-Thái-Hậu. Nhưng trước khi Cù-Thị chưa lấy Anh-Tề, đã tư-thông với Thiếu-Quí. Năm Nguyên-Đỉnh thứ 3 (114 trước Côngnguyên), vua Võ-Đế sai Thiếu-Quý cùng Chung-Quân qua dụ vua nhập triều, Thiếu-Quý tới nước Việt, lại tư-thông cùng Vương-Thái-Hậu. Dân Nam-Việt không phục tùng Vương-Thái-Hậu, Thái-Hậu sợ dân nổi loạn, muốn giết Tể-tướng Lữ-Gia, Gia đánh giết Vương-Thái-Hậu và bọn Thiếu-Quý.

Hàn-Thiên-Thu:

Người thời Hiếu-Võ-Đế. Tướng Nam-Việt là Lữ-Gia làm phản, Võ-Đế sai Trang-Sâm đem 2000 người cùng đi sứ qua Nam-Việt. Sâm nói: "như lấy sự hòa hảo mà qua, thì năm bảy người đi theo cũng đủ, như dùng vũ-lực mà tới, thì số 2000 người cũng không lấy làm đủ", bèn từ chối không đi. Quốc-Tướng của Tề-Bắc hồi trước là Hàn-Thiên-Thu tâu với vua rằng: "Nước Việt là nước nhỏ, lại được Vương-Thái-Hậu nội ứng, chỉ một tên Lữ-Gia làm hại thôi, xin được hai trăm người dũng sĩ đi qua, chắc chém được đầu Lữ-Gia đem về báo tin". Vua bèn sai bọn Thiên-Thu đem 2000 người qua nước Việt. Lúc quân Thiên-Thu vào phá được mấy ấp nhỏ và sắp tiến tới Phiên-Ngung, thì quân Việt đánh và tiêu diệt bọn Thiên-Thu. Võ-Đế nói rằng: "Tuy Thiên-Thu không lập được công gì, nhưng cũng đứng đầu xung phong", rồi phong cho người con là Diên-Niên tước Thành-An-Hầu.

Cù-Lạc:

Em bà Thái-Hậu nước Nam-Việt. Võ-Đế sai làm phó-tướng cho Hàn-Thiên-Thu đem quân qua Việt, bị Lữ-Gia đánh giết, vua phong cho người con là Quảng-Đức làm Long-Hầu.

Tấn-Sứ (Sứ-Thần đời nhà Tấn)

Thạch-Sùng:

Đời Võ-Đế nhà Tấn (265-290), làm quan Tán-Kỵ-Thị-Trung, được sai làm Giao-Chỉ Thái-Phỏng-Sứ.

Tống-Sứ (Sứ-Thần đời nhà Tống)

Cao-Bảo-Tự:

Năm Khai-Bữu thứ 8 của Tống Thái-Tổ (970), Thống-Soái Giao-Chỉ là Đinh-Liễn sai sứ-thần sang cống hiến, Thái-Tổ hạ chiếu phong Liễn quan tước. Bảo-Tự đương làm chức Hồng-Lô-Khanh, thừa lệnh cùng Vương-Ngạn-Phù qua Giao-Chỉ làm chức Quan-Cáo-Sứ.

Lư-Tập:

Năm Thái-Bình Hưng-Quốc thứ 5 (980), của Tống-Thái-Tông, Tập đương giữ chức Cung-Phụng-Quan đi sứ Giao-Chỉ.

Trương-Tông-Quyền:

Trong năm Thái-Bình Hưng-Quốc thứ 5 (980), Lê-Hoàn, người Giao-Chỉ, cướp ngôi của vua nhà Đinh, Trương-Tông-Quyền đương làm Cung-Phụng-Quan đi sứ qua Giao-Chỉ để tuyên lời dụ.

Lý-Nhược-Chuyết:

Trong năm Ung-Hy thứ 2 (985), nhân Lê-Hoàn vào cống, vua Thái-Tông cho Hoàn những đồ cờ, gươm, giáo, để làm Giao-Chỉ Quận-vương. Nhược-Chuyết là chức Chủ-Khách Lang-Trung Trực-Chiêu- Văn-Quán, cùng Lý-Giác là chức Lễ-Viện Bác-Sĩ, sung làm chức Quan-Cáo-Sứ qua nước Việt.

Nguỵ-Tường:

Trong năm Đoan-Củng nguyên niên (988), phong tước cho Lê-Hoàn (989), Tường làm chức Ngu-Bộ Viên-Ngoại-Lang cùng Lý-Độ làm chức Trực-Sử-Quán sung chức Quan-cáo-sứ đi qua Nam-Việt.

Tống-Cảo:

Trong năm Thuần-Hóa nguyên niên (990), Cảo làm Tả-Chính-Ngôn Trực-Sử-Quán là Vương Thế-Tắc sung làm Quan-Cáo-Sứ qua nước Việt. Bài Hành-Lục của Tống-Cảo lược thuật rằng:

"Chúng tôi đi sứ về, nhơn kể chuyện lại từng điều khoản thuộc về hình-thế núi sông và sự-tích của Lê-Hoàn để trình lên: Cuối mùa thu năm ngoái, chúng tôi đến nơi địa-giới Giao-Chỉ thì có viên Đô-Chỉ-Huy-Sứ của Lê-Hoàn là Đinh-Thừa-Chính đem chín chiếc thuyền và ba trăm lính đến châu Thái-Bình đón tiếp, do cửa biển ra biển lớn, sóng to gió cả, vượt qua những cơn nguy-hiểm, nửa tháng mới tới sông Bạch-Đằng, theo thuỷ-triều mà đi, nơi nào mà tạm nghĩ ban đêm, đều có quán trạm cả, lần đến Trường-Châu rồi đến bản-quốc. Lê-Hoàn suất hết cả binh thuyền và chiến cụ, lấy cớ là tập trận. Từ đó, đi cả đêm, tới bờ biển chỉ cách Giao-Chỉ hơn mười dặm. Bỗng chốc quân lính hộ-vệ Lê-Hoàn tới, làm lễ giao-nghinh (nghĩa là ra tiếp rước long-trọng ở ngoại-ô). Hoàn dừng ngựa nghiêng mình, hỏi thăm sức-khỏa của Hoàng-đế, xong cùng chúng tôi đi ngựa về, thỉnh-thoảng mời ăn cau trầu, đây là theo phong-tục hậu đãi của xứ ấy vậy. Trong thành, không thấy cư-dân, chỉ có trại lính, chỗ phủ-thự của Hoàn cũng thấp-thỏi hẹp hòi, trên cửa nhà có đề hai chữ: "Minh-Đức". Hoàn thọ chiếu không lạy, lấy cớ rằng năm gần đây ra mặt trận đánh giặc bị thương nơi chân vì té ngựa. Qua hôm sau, dọn bàn đãi tiệc tưng bừng, quân lính chầu hầu có 3000 người đều khắc chữ "Thiên-tử quân" trên trán. Các đồ binh-khi chỉ có cung, nõ, gươm giáo, tầm gỗ,... yếu ớt không dùng gì được. Bọn quan thuộc hễ ai thạo việc, thì chọn vào ở thân-cận, ai phạm chút lỗi gì, thì đánh đuổi đi, khi hết giận, thì cho khôi phục chức cũ. Chỗ Hoàn ở có một tháp bằng gỗ, hình thức vụng về quê kịch, có một hôm, mời tôi cùng lên, nhìn tôi mà hỏi: "Ở triều đình Trung-Quốc, có tháp như thế nầy không?". Xứ ấy không có khí lạnh, tháng chạp cũng mặc áo cánh và dùng quạt.

Vương-Thế-Tắc:

Trong năm Thuần-Hoá thứ 4 (993), Tắc đương làm Độ-Chi-Phán-Quan Quốc Tử Bác-sĩ, cùng với Điện-Trung Ngự-Thư-Viên-Chi-Hậu là Lý-Cư-Giản sung làm An-nam Quan-Cáo-Sứ.

Lý-Kiến-Trung:

Trong đầu hiệu Chí-Đạo (995), nhân quân Giao-Chỉ xâm phạm biên giới Trung-Quốc, vua Thái-Tông sai Quảng-Tây Chuyển-Vận-Sứ là Trần-Nghiêu-Tẩu đem tờ chiếu-thư ban cho Lê-Hoàn và khiến Hải-Khang-Uý là Lý-Kiến-Trung đem tờ chiếu cùng đi qua dụ Giao-Chỉ.

Chương-Tần:

Chuyển-vận sứ tỉnh Quảng-Tây. Trong năm Thiên-Thánh thứ 6 (1028), Giao-Chỉ quận-vương Lý-Công-Uẩn mất, Nhân-Tông sai Chương-Tần làm điều-tế-sứ qua Giao-Chỉ.

Lưu-Bính:

Trong niên-hiệu Cảnh-Định (1260-1264), làm quan Võ-Tiết-Lang-Đông-Nam đệ-thập nhị chánh tướngTịnh-hải trú-trát. Lúc ấy, vua An-nam nhà Trần khiến sứ cống hiến, nên vua Lý-Tông ban những lễ-vật đáp lễ và hạ chiếu dụ khen ngợi, do Quảng-Tây Kinh-Lược-Sứ chuyển đạt, nhân đó khiến Bínhđem tờ chiếu qua để dụ chỉ.

 

An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Tam Chung

___________________________________________________

Chú Thích:

1 Khí lam chướng rất độc, nhân-dân xứ Lĩnh-Nam tìm phương thuốc có ba vị: vôi hàu là vỏ con hàu dưới biển nấu thành vôi, quét vào lá trầu rồi nhập với miếng cau mà ăn thì trừ hết khí độc, khỏi sốt rét; khi nào có khách tới nhà thì đãi ăn cau trầu. Nếu người chủ nhà hậu tình hơn nữa thì rót rượu cay, mời thuốc hút, đều là những vị trừ khí độc và gió độc.

2 Tiêu-Phương-Nhai tức Tiêu-Thái-Đăng