Âm Công

Hồi 11

Y nghĩ y đang nằm mơ.

Vì nếu những gì y đang nhìn thấy đều là sự thật thì khung cảnh nguy nga tráng lệ này từ đâu xuất hiện? Hay nói cách khác thì y đã lọt vào nơi này bằng cách nào?

Y ngơ ngác ngồi lên và tự cắn vào lưỡi y.

Đau!

Cái đau này xuất hiện ngay tại chỗ y vừa cắn phải như một minh chứng hữu hiệu cho y biết y vẫn sống, vẫn tỉnh chứ không phải đã chết hay đang nằm mơ!

- Vậy tất cả đều là sự thật!

Aâm thanh bỗng thốt ra từ miệng y tạo thành những sóng âm và lần lượt phản hồi vào thính nhĩ của y.

Lại thêm một bằng chứng nữa cho y thấy rằng khung cảnh mà y đang nhìn thấy chính là một thực tại hiện hữu và không phải là ảo giác.

Đó là một khung cảnh chỉ có ở nội cung nơi thành nội! Với hai hàng giáp sĩ hộ vệ Ở hai bên, ở chính giữa là lối đi được trải thảm đều, xa hơn nữa là hai hàng quân thần đứng chầu hai bên, và ở phía cuối, trên một nền đá được tôn cao hơn phía dưới, có hai hàng cung nữ đang nghiêng mình thủ lễ trước một cái ngai được trạm chổ tinh tế nhưng không có người nào ngồi vào chiếc ngai đó.

Nếu cho đây là một khung cảnh thật thì y, một tên dân dã, một phàm dân tục tử xuất hiện quả không đúng nơi đúng lúc.

Kinh hoàng, y đứng lên và quay đầu định bỏ chạy.

Nhưng y chưa kịp thực hiện ý định thì đôi chân của y bỗng cứng đờ như hoá đá.

Vì khi y quay đầu lại, trước mặt y lúc này là một vách đá cao sừng sững, không một chỗ thoát thân.

Liếc nhìn sang hai bên, y cũng nhìn thấy hai vách đá cao to tương tự.

Điều này có nghĩa là nếu y muốn thoát khỏi khung cảnh quá sum nghiêm này y chỉ còn cách là đi giữa hàng người mà y vừa thấy!

Có thể ở đâu đó sau chỗ đặt cái ngai vàng sẽ có lối cho y thoát thân.

Nhưng làm sao y dám bước đi giữa hai hàng người đầy uy vệ này?

Y lo lắng:

- “Ai đã đưa ta đến đây? Đưa đến để làm gì? Ta đã phạm tội gì với triều đình để bị điệu đến đây?” Ngẫm lại mọi việc, y bất giác nhớ đến những gì xảy ra trước đó với y.

Y kêu lên thành tiếng:

- Ta đang ở Bích Dạ Tuyệt Đầm mà? Không phải ta đang mò tìm theo hàng chữ được khắc ở bờ đá rồi bị một hấp lực cuốn đi sao? Không lẽ đây chính là…” Là gì thì y không dám nói tiếp!

Y dõi mắt nhìn vào hai hàng người, từ tên giáp sĩ hộ vệ đầu tiên đến ả cung nữ sau cùng đang đứng gần cái ngai nhất.

Tiếng kêu hoảng của y vừa rồi như ràng là khá lớn nhưng sao không một ai trong hai hàng người có một cử chỉ nào chứng tỏ là họ có nghe có bị tiếng kêu của y làm khuấy động?

Điều này chỉ có một lối giải thích duy nhất:

đó chỉ là hai hàng hình nhân được ai đó cố ý tạo ra nhằm tăng sự nghi vệ cho khung cảnh giống với cảnh thiết triều.

Tuy hiểu như vậy nhưng trong y hãy còn một nghi vấn:

là y bị hấp lực trong Bích Dạ Tuyệt Đầm đưa đến nơi này hay trong khi y bất tỉnh có người đã đưa y đến đây?

Từ nghi vấn đó lại nảy sinh nghi vấn khác:

liệu nơi này có phải là Bích Dạ Cung hay không? Nếu phải thì y vào bằng cách nào hay ai đó đã đưa y đến đây bằng lối nào?

Nghi vấn trùng trùng khiến y quên đi nỗi khiếp hãi.

Y lặng lẽ đi giữa hai hàng người mà dĩ nhiên là y vừa đi vừa quan sát từng hình nhân một.

Càng quan sát y càng thêm thán phục.

Người nào mà tạo ra những hình nhân này hẳn phải là bậc tài hoa đệ nhất. Vì những hình nhân đó trông cứ y như người thật. Từ ngũ quan đến tứ chi kể cả y phục nhất nhất đều có cùng một kích cỡ như một người bình thường. Và những hình nhân này nếu có được một cử chỉ nào đó dù nhỏ thì những cử chỉ đó chắc chắn phải giống y như thật, vì chúng quá giống với con người sống.

Đi được vài bước chân, Bạch Bất Phục bất ngờ phát hiện một điểm lạ:

tấm thảm điều dưới chân y dường như được thấm đượm những nước là nước.

“Sao tấm thảm lại bị ướt đẫm thế này?” Nghi ngờ, Bạch Bất Phục liền đưa mắt nhìn vào từng đôi chân của lũ hình nhân.

Cũng vậy, những đôi giày vải kể cả phần dưới y phục của lũ hình nhân cũng bị ướt đẫm.

Càng thêm kinh nghi, Bạch Bất Phục bắt đầu lưu tâm đến phần nền. Và y phát hiện phần nền có một độ nghiêng nhất định, độ nghiêng này có phần thấp là ở về phía bức tường đá chắn lối phía sau mà khi nãy y định bỏ chạy nhưng không được.

Nhìn theo phần nền và theo độ nghiêng của nó, y lại phát hiện một điều lạ nữa.

Đó là một rãnh nhỏ nằm dọc theo bức tường đá bên tả. Rãnh nhỏ này đang chứa đựng một loại nước đen và đang thong thả chảy theo nền đá nghiêng dần để chui ra phía sau bức tường đá chắn lối từ một lỗ thông khá nhỏ.

Chạy đến chân bức tường đá phía hậu, y phục người xuống để nhìn vào lỗ thông.

Mùi hôi thối quen thuộc từ dòng nước đen ở rãnh nhỏ nọ liền phảng phất qua khướu giác của y.

- Ồ! Đây là loại nước thủy bất thủy, nê bất nê ở Bích Dạ Tuyệt Đầm đây mà?

Không lẽ ở sau bức tường đá này chính là Bích Dạ Tuyệt Đầm? Và ta đã bị luồng hấp lực kia cuốn thẳng vào đây?

Nhận định như vậy y lại càng thêm kinh nghi vì không hiểu làm thế nào y có thể bị luồng hấp lực kia cuốn vào đây nhưng không bị bức tường đá kia ngăn lại? Không lẽ y đã bị cuốn vào qua lỗ thông bé xíu bằng nắm tay kia.

Nghiệm lại mọi điều y tin chắc rằng y thật sự bị luồng hấp lực kia cuốn vào tận đây. Và vì thế, cùng với sự hiện diện của y, nước từ Bích Dạ Tuyệt Đầm cũng lọt vào đây làm cho tấm thảm điều và phần bên dưới của các hình nhân phải thấm nước.

Theo thời gian và theo độ nghiêng của nền đá, nước đang rút đi và bây giờ vẫn tiếp tục ri rỉ chảy.

Ầm!

Ầm!

Một tiếng, hai tiếng, rồi nhiều tiếng đổ vỡ vang lên!

Bạch Bất Phục ngay từ tiếng động đầu tiên đã quay đầu nhìn lại.

Và y nhìn thấy những hình nhân kia lần lượt đổ ụp xuống.

Y nghĩ:

- “Những hình nhân kia có lẽ được nặn bằng đất nên khi bị thấm nước chúng phải rã ra và đổ xuống”.

Y chỉ đoán đúng có một nửa. Những hình nhân nọ phải đổ xuống vì bị nước thấm vào là đúng rồi. Nhưng chúng không phải được nặn bằng đất.

Vì nguyên thuỷ chúng không phải là hình nhân như y đã tưởng.

Y nhận ra sự sai lầm khi tiến lại và quan sát các hình nhân.

Bên trong những y phục, những bộ áo giáp vẫn còn nguyên vẹn là những mẩu xương trắng hếu. Và những mẫu xương này sau đó cũng bị thấm nước và đang mục rã dần trước mắt Bạch Bất Phục.

Y tròn mắt nhìn hiện trạng đang xảy ra với sự ngỡ ngàng khôn xiết.

Y chỉ ngỡ ngàng vì không tin vào điều y đang nhìn thấy, y không còn hoảng sợ nữa.

Việc động chạm vào những thây người với đầy những huyết tích là việc y đã từng làm trước kia, đến việc đó y còn không sợ thì nói gì đến những bộ cốt khô đang mục nát dần?

Y ngỡ ngàng vì y không ngờ những hình nhân này không phải là hình nhân, mà là những người đã chết đứng.

Tại sao họ chết? Sao phải chết trong tư thế này? Là họ tự chọn hay có ai đó áp đặt?

Thời gian họ chết là bao lâu để bây giờ toàn bộ cốt khô đều phải mục rã do thấm nước?

Mười năm, năm mươi năm hay đã trăm năm?

Bất ngờ y nhớ đến câu chữ:

“Bích Dạ Cung nghênh đón tân cung chủ! Thỉnh nhập cung!

Y vỗ trán kêu lên:

- Không lẽ nơi này thật sự là Bích Dạ Cung? Họ đứng đây là chờ để nghênh đón vị Tân Cung Chủ nhập cung và họ chờ, chờ mãi đến mỏi mòn, đến suy kiệt và đến phải chết đứng?

Nôn nao tấc dạ vì nhận định này, y đưa mắt quan sát toàn cảnh.

Hai hàng người ở phần nền phía dưới do bị thấm nước nên đều đổ ngã và đều phải mục rã thây thi. Chỉ còn lại phần y phục bên ngoài mà thôi.

Còn ở trên kia, nơi phần nền được tôn cao, hai hàng cung nữ và cái ngai trống không vẫn còn nguyên vẹn.

Y bàng hoàng nên phải khẽ khàng bước đi trên tấm thảm điều và bước tránh những bộ y phục giờ đang nằm ngổn ngang trên tấm thảm đỏ.

Y đặt chân lên phần nền được tôn cao và y nhìn thấy điều mà y đang muốn tìm hiểu.

Trên tay hai hàng cung nữ gồm tám người có tám món vật. Một quyển kinh phổ, một cuộn lụa, một thanh đoản kiếm có khảm một viên ngọc bích:

ba vật này do ba ả cung nữ nâng trên tay. Năm vật còn lại ở trên tay năm cung nữ là năm loại nhạc cụ, gồm:

một ngọn sáo, một ngọn tiêu, một cây thổ cầm, một cái chuông ngọc và một cái trống bằng thiết luyện.

Nhìn thấy sáo và trống, Bạch Bất Phục không thể không nghĩ đến:

Bích Dạ Sáo Khúc và Bích Dạ Lôi Khúc.

Y ngấm ngầm hiểu ra:

Bích Dạ Ngũ Tuyệt Khúc chính là để ám chỉ năm loại nhạc cụ này! Và điều này minh chứng rằng Bích Dạ Ngũ Tuyệt Khúc chính là năm loại công phu có xuất xứ từ Bích Dạ Cung.

Và trên quyển kinh phổ kia có một hàng chữ đã làm rõ nhận định này của Bạch Bất Phục:

Ngũ Tuyệt Công Phu Thượng Tầng.

Tuy chưa từng luyện qua công phu nhưng Bạch Bất Phục cũng hiểu đã có thượng tầng hẳn phải có hạ tầng. Và phần hạ tầng của Ngũ Tuyệt Công Phu chính là Bích Dạ Ngũ Tuyệt Khúc mà y đã nghe nói đến. Đồng thời chính y đã vô tình có được hai trong năm loại công phu Bích Dạ Ngũ Tuyệt.

Nhận chân điều này Bạch Bất Phục tin chắc rằng:

nơi đây chắc chắn phải có Bích Dạ Cung và ở nơi đây bây giờ chỉ có y là người sống duy nhất quanh những người đã từng sống và đã chết như những hình nhân.

Dần dần lấy lại trầm tĩnh, y không vội động chạm vào những di vật kia. Kẻo làm cho tám vị cung nữ phải đổ ngã do bị động chạm.

Y lặng lẽ tiến sâu vào bên trong bằng cách đi vòng về phía sau cái ngai.

Đúng như nhận định của y, Bích Dạ Cung tuy rộng lớn nhưng không có lấy một bóng người. Và hầu như những ai đã từng lưu ngụ Ở đây đều tập trung ở một chỗ là nơi y đã nhìn thấy. Và để theo suy đoán của y, nghênh đón vị tân cung chủ Bích Dạ Cung.

Y quay lại chỗ lúc nãy.

Y nhón tay cầm lấy cuộn lụa sau khi vòng tay thi lễ với vị cung nữ đang giữ vật này.

Sự cẩn trọng của y không hề thừa! Rốt cuộc, hành vi của y không làm cho thi thể của cung nữ kia lay động. Do đó, vị cung nữ đó vẫn đứng, vẫn tồn tại không bị hủy hoại.

Trên cuộn lụa là một bức di thư:

“Kính trọng người đã khuất, đó là một đạo nghĩa đáng khâm phục! Các hạ xứng đáng để đảm nhận trọng trách cung chủ Bích Dạ Cung! Bằng không, các hạ sẽ không có cơ hội đọc qua di thư này”.

Nhíu mày nghĩ suy, Bạch Bất Phục mơ hồ biết rằng lời nói trên không phải là lời nói suông!

Rất có thể ở tại đây có sắp bày cơ quan ám tàng. Và chỉ cần một trong tám cung nữ kia vì hành vi khiếm lễ của y làm cho đỗ ngã, cơ quan lập tức phát động. Y chắc chắn sẽ bị cơ quan ám tàng huỷ diệt.

Rùng mình vì lo sợ, y phải lặng người một lúc khá lâu mới dám đọc tiếp di thư:

“Cung chủ yên tâm! Sau đây là cách khống chế cơ quan:

Cung chủ chỉ cần xoay chiếc ngai kia đúng một vòng theo hướng Tây – Đông. Sau đó ngồi lên, cơ quan lập tức bị chế ngự!”.

Không dám chậm trễ, Bạch Bất Phục thực hiện ngay điều này!

Và khi đã ngồi lên chiếc ngai, y bất giác rúng động khi đọc tiếp di thư:

“Cung chủ!

Đây là ngai vị chỉ dành cho cung chủ thượng toạ! Cung chủ đã ngồi, mặc nhiên cung chủ đã chấp thuận tiếp nhận ngai vị cung chủ Bích Dạ Cung, kể cả di ý của cung chủ đời trước! Chúng thuộc hạ dù đã hoá vật nhưng cũng khấu đầu tham kiến tân cung chủ!” Aàm! Aàm!

Tám tiếng đổ vỡ nữa lần lượt vang lên! Đó là sự đổ ngã của tám vị cung nữ! Và sự đổ ngã này, theo suy đoán của Bạch Bất Phục, không phải là chuyện tình cờ.

“Cơ quan dù đã bị khống chế nhưng vẫn cứ phát động. Và sự phát động này đã khiến cho bọn họ phải ngã xuống. Họ đã cố ý bố trí như vậy cho đúng với lời ghi trong di thư:

họ đang khấu đầu tham kiến ta là cung chủ Bích Dạ Cung!”.

Thán phục trước mọi việc được hiệu trước như thần, Bạch Bất Phục xem tiếp di thư:

“Cách đây không lâu – là lúc chúng thuộc hạ vẫn còn tại thế – Cung Chủ đương nhiệm bỗng nhận được một chiến thư của một người tự xưng là Bạch Y công tử.

Lời lẽ trong chiến thư đầy ngạo mạn khiến Cung Chủ không thể không tiếp nhận. Sau khi Cung Chủ xuất cung được ba ngày, toàn bộ Bích Dạ Cung không hiểu sao lại bị nhấn chìm vào đáy Bích Dạ Đầm Do nước ở Bích Dạ Đầm có đặc tính lạ lùng và vì Bích Dạ Kiều cũng bị huỷ hoại, chúng thuộc hạ hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài.

Từ đó, chúng thuộc hạ bảo nhau tìm cách luyện cho được Ngũ Tuyệt Thân Pháp. Vì chỉ có thân pháp này mới giúp chúng thuộc hạ vượt qua được Bích Dạ Đầm mà thôi.

Tuy nhiên, Ngũ Tuyệt Thân Pháp là phần công phu chỉ có trong Bích Dạ Ngũ Tuyệt Công Phu Hạ Tầng, mà phần này khi xuất cung Cung Chủ đã mang theo.

Không sao luyện được Ngũ Tuyệt Thân Pháp, chúng thuộc hạ đành phải mòn mỏi trong tuyệt vọng chờ đợi Cung Chủ quay về hồi cung.

Năm tháng dần qua, Cung chủ vẫn biệt vô âm tín. Theo đó, chúng thuộc hạ ngờ rằng Cung Chủ đã bị Bạch Y công tử hãm hại. Và việc Bích Dạ Cung bị nhấn chìm cũng là hành vi của y.

Sau đó, chúng thuộc hạ bảo nhau chuẩn bị mọi việc để đón chờ Tân Cung Chủ.

Vị Tân Cung Chủ này nếu không là truyền nhân do Cung Chủ đương nhiệm tuyển chọn thì cũng là người đủ tài trí để qua năm loại công phu Sáo –Tiêu – Cầm – Lôi – Chung mà luyện được Ngũ Tuyệt Thân Pháp. Và đó chính là người đang đọc di thư này của chúng thuộc hạ.

Cung chủ!

Sau khi luyện xong công phu thượng tầng, việc tìm tung tích của Cung Chủ đời trước và báo thù cho chúng thuộc hạ mong Cung chủ đảm nhận.

Sau đây là di ý của Cung Chủ đương nhiệm lúc xuất cung có dặn lại:

Âm công từ Ngũ Tuyệt Công Phu chính là phần tối thượng công phu của Bích Dạ Cung, rất tiếc ta không đủ tư chất để luyện thành. Mong sao Cung Chủ đời sau sẽ hơn ta và nhờ đó Bích Dạ Cung sẽ đương danh thiên hạ.

Mong Cung chủ ghi nhớ di ý này!

Chúng thuộc hạ khấu đầu bái biệt!” Lời lẽ trong di thư tuy ngắn gọn nhưng quá đủ cho Bạch Bất Phục hiểu toàn bộ sự việc.

Tuy thế, nếu y hiểu được ngọn ngành câu chuyện có liên quan đến Bích Dạ Cung thì y cũng hiểu tất cả đối với y thế là hết.

Vì y lọt được vào chốn này hoàn toàn là do ngẫu nhiên. Y nào luyện được Ngũ Tuyệt Thân Pháp như bọn người môn nhân Bích Dạ Cung đã lầm tưởng và dù chết cũng sẵn sàng nghênh đón.

Họ đã toan tính đủ mọi đường và hầu như là toan tính đúng. Duy có một điều họ đã tính sai hay nói cho đúng hơn là họ không lường được cách thức vượt Bích Dạ Đầm của y.

Y còn đủ năng lực để hiểu rằng từ năm phần riêng lẻ của Bích Dạ Ngũ Tuyệt Khúc công phu đang lưu lạc trên chốn giang hồ, được người trong di thư gọi là phần hạ tầng, nếu ai đó có đủ sẽ nhờ tài trí lẫn tư chất để hợp lại làm một và sẽ luyện được Ngũ Tuyệt Thân Pháp. Thế nhưng, sự may mắn xảy đến cho y lại có hạn, y chỉ có được hai trong năm phần kia mà thôi. Từ hai phần này nếu y cố luyện có lẽ y chỉ luyện được như lão giáo chủ họ Thôi hoặc hơn chút ít, để rồi y phải nhận lấy một hậu quả tất yếu là sẽ bị tẩu hỏa nhập ma dẫn đến thảm tử.

Vậy là y không sao luyện được Ngũ Tuyệt Thân Pháp. Nghĩa là y cũng phải chịu chung cảnh ngộ như mấy mươi môn nhân Bích Dạ Cung. Và sau này, sau vài mươi năm gì đó, nếu thật sự có Tân Cung chủ Bích Dạ Cung đến được nơi này sẽ trông thấy y như một hình nhân với bộ cốt khô dần dần mục rã.

Bấn loạn tâm can bởi viễn cảnh do y mường tượng ra cho bản thân y sau này. Y vùng đứng lên khỏi chiếc ngai vốn không thuộc về y.

Y chộp nhanh vào quyển kinh phổ Ngũ Tuyệt Công Phu Thượng Tầng đang nằm lăn lóc trên nền đá sau khi cả tám vị cung nữ bị đổ ngã và tan rã thành tro bụi.

Y xem qua một lượt và xem thật nhanh từ đầu chí cuối quyển kinh phổ. Để rồi y phải tuyệt vọng như bọn môn nhân Bích Dạ Cung trước kia đã từng tuyệt vọng. Vì y làm gì tìm thấy đoạn kinh văn nào trong đó có đề cập đến môn công phu y cần tìm:

Ngũ Tuyệt Thân Pháp.

Chực nhớ lại hành vi vừa rồi, là hành vi hoàn toàn thừa thải, y bật cười tự chế giễu y.

Thoạt đầu là cười nhỏ vì nào có gì vui thú đáng cho y phải cười lớn? Nhưng sau đó, với bao tâm trạng bị dồn nén kể từ khi y phát hiện chỉ có một mình y trên một tiểu đảo trơ trọi, y cười càng lúc càng lớn.

Tràng cười của y như thấm đượm đủ cả thất tình:

hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc.

Và cùng với tràng cười, tất cả những gì đã xảy ra cho y từ khi mở mắt chào đời đều hiển hiện trở lại trong tâm trí của y.

Y cười thật lâu, cười cho đến khi không thể nào phát ra một tiếng cười nào nữa y mới chịu ngậm miệng lại.

Qua tràng cười đó, y như vơi đi tất cả những u uất những phẫn nộ những bi quan kể cả sự tuyệt vọng.

Y chấp nhận vận số của y. Y nghĩ:

” Nếu số của ta phải chết, ta làm thế nào cũng không tránh khỏi số chết, ngược lại, ta bất tất phải nghĩ đến đều đó. Điều gì đến phải đến. ” Hoàn toàn bình tâm, y bắt đầu nghĩ đến thực tại.

Y loay hoay dọn dẹp tất cả những đổ vỡ đang bày ra trước mắt y.

Y xếp gọn qua một bên tất cả những bộ y phục vẫn còn chắc chắn và vừa vặn với thân hình y. Số còn lại, kể cả tám bộ cung trang của tám cung nữ, y đưa cả về phía sau tại một tịnh phòng trong số nhiều tịnh phòng có ở Bích Dạ Cung.

Chỗ tro bụi của bọn môn nhân Bích Dạ Cung đã tan nát, y cho vào một tráp gỗ và đặt vào một nơi kín đáo.

Y lộ vẻ khó xử khi phải đối mặt với năm loại nhạc cụ và thanh đoản kiếm cùng quyển kinh phổ thượng tầng. Y không biết phải xử trí như thế nào với những vật thật sự quý báu nhưng lại là phế vật đối với y.

Y xem qua từng vật và lần lược đặt những vật đã xem sang một bên.

Cuối cùng chỉ còn lại quyển kinh phổ mà y đã xem rồi.

Y ngần ngừ nửa muốn xem lại nửa không muốn.

Trong một thoáng tự lự, tay y vô tình lật phải một trang. Và một hàng chữ bỗng lọt vào mục quang của y làm y tỉnh ngộ!