Ác Quỷ Nam Kinh

Chương 44

Nam Kinh, ngày 20 tháng Mười hai năm 1937

Mọi tri thức đều có cái giá của nó. Hôm nay tôi và Lưu Nhuận Đức đã chứng kiến những chuyện mà cả hai chúng tôi đều ước gì có thể quên đi. Kê sát bức tường trong căn phòng nhỏ của nhà máy dệt là một chiếc giường xếp quân đội, một tấm đệm nhơ nhuốc, vấy máu được ném lên trên một cách cẩu thả. Trên giường còn có một chiếc đèn dầu đã tắt của Trung Quốc, như thể có ai đó đã dùng nó để chiếu sáng bất kỳ hành động tàn bạo nào từng được thực hiện tại đây, những hành động khiến tường và sàn nhà ngập ngụa những bãi máu đông. Dường như thứ duy nhất trong căn phòng không dính máu là đống đồ chất ở góc tường: một đôi ủng tabi đế rời, một chiếc ba lô quân nhân làm bằng da bò, thô đến mức vẫn còn dính lông. Trên chiếc bàn nhỏ, bên cạnh chiếc bàn tính của quản đốc nhà máy là một dãy những chai thuốc nhỏ màu nâu niêm phong bằng giấy sáp, tên thuốc được viết bằng tiếng Nhật; vài lọ thuốc đựng các loại bột thô; một cái chày và một cái cối giã, những hộp giấy hình vuông dùng cho việc bào chế thuốc. Đằng sau đống chai lọ là ba chiếc hộp thiếc bẩn thỉu dùng trong quân đội, một biđông nước có đóng dấu quốc huy hình hoa cúc. Ông Lưu đặt một ngón tay lên chiếc hộp thiếc và khẽ đẩy nghiêng nó sang một bên. Tôi cúi xuống và nhìn thấy những mảnh vải vụn nổi lềnh bềnh trong một thứ hỗn hợp kỳ quặc của máu và nước.

“Ôi trời ơi.” Ông Lưu bỏ tay ra khỏi chiếc hộp thiếc. “Chuyện quái gì đã xảy ra ở đây vậy?”

“Hắn ta bị bệnh,” cậu bé nói, rầu rĩ chỉ vào những lọ thuốc ở trên bàn. “Bị sốt.”

“Cha không định nói về mấy lọ thuốc! Cha muốn nói tới cái này. Máu. Ở đâu ra nhiều máu thế?”

“Máu là... Máu đó là... Bọn trẻ con ở trên phố nói máu đó là...”

“Sao?” Ông Lưu nghiêm nghị nhìn cậu con trai.

“Chúng nói sao?”

Đứa bé lo lắng tới thụt cả lưỡi. Mặt nó đột nhiên tái xanh. “Không, chắc là chúng nhầm.”

“Chúng nói gì?”

“Chúng nó lớn hơn con,” thằng bé nói, cụp mắt xuống. “Bọn chúng lớn hơn con nhiều. Con chắc là chúng bịa chuyện ra với con...”

“Chúng nói gì?”

Thằng bé miễn cưỡng quay mặt về phía cha nó và thì thào: “Bọn nó nói rằng những người phụ nữ đó...”

“Sao? Những người phụ nữ đó thì sao?”

“Bọn nó nói rằng hắn...” Thằng bé gần như không nói nên lời. “Hắn xẻo thịt họ. Lột da họ. Hắn ta nạo họ.”

Bụng tôi quặn lên cảm giác buồn nôn khó tả. Tôi ngồi sụp xuống đất, hai tay ôm lấy mặt, đầu óc choáng váng như người bị ốm. Ông Lưu hít một hơi thật sâu rồi túm lấy áo khoác của thằng bé và lôi nó ra ngoài. Hai cha con không nói không rằng lẳng lặng ra khỏi tòa nhà, một lúc sau tôi cũng ra theo, bụng vẫn đau quặn lên từng cơn.

Đi được khoảng trăm mét thì tôi bắt kịp họ. Ông Lưu đang tra hỏi thằng bé trước cửa một ngôi nhà. “Con nghe thấy những tin này từ đâu?”

“Bọn trẻ con đường phố đứa nào chẳng biết chuyện này.”

“Hắn ta là ai? Cái tên diêm vương ấy? Hắn ta là ai?”

“Con không biết.”

“Hắn ta là người, tất nhiên rồi. Nhưng là người như thế nào? Người Nhật à?”

“Vâng. Một trung úy.” Thằng bé sờ vào chiếc cổ áo, nơi sỹ quan Nhật đeo quân hàm. “Tên diêm vương ấy mặc quân phục trung úy.” Thằng bé quay sang nhìn tôi. “Sáng nay chú có nghe thấy tiếng xe máy không?”

“Có.”

“Là hắn đấy. Mọi người nói là hắn sẽ không bao giờ hết đói khát vì không gì có thể ngăn cản hắn. Bọn trẻ con nói là hắn ta đang ở trong một cuộc kiếm tìm không bao giờ kết thúc.”

Khi viết tới những dòng này tôi phải dừng lại vì chợt nhớ ra một cảnh tượng, một cảnh tượng hết sức sống động, một cuộc nói chuyện giữa tôi và ông Lưu trước khi quân Nhật chiếm đóng thành phố. Chúng tôi ngồi trong phòng khách nhà ông Lưu, trước mặt là mấy ly rượu và một đĩa nhỏ thịt vịt muối Nam Kinh thái mỏng, và ông đang kể cho tôi nghe về những xác chết mà ông nhìn thấy ở Thượng Hải, những xác chết đã bị quân Nhật mạo phạm. Tôi không tài nào tưởng tượng ra cái cảnh ông đã kể cho tôi tối hôm đó. Rõ ràng là ở Thượng Hải, bất cứ cái gì cũng có thể được sử dụng như những chiến tích: một cái tai, một mảng da đầu, một quả thận hay một bên ngực. Những chiến tích này sẽ được treo vào thắt lưng hay đính trên mũ, những người lính mà có những vật như mảng da đầu hay bộ phận sinh dục của kẻ thù để phô trương được coi là kẻ mạnh. Họ đứng cùng với những chiến tích đó, chờ đến lượt mình được đồng đội chụp ảnh. Ông Lưu đã nghe tin đồn về một nhóm quân nhân chuyên khâu những mảng da đầu của người Trung Quốc lại thành những cái đuôi sam theo kiểu Mãn Châu rồi gắn sau mũ như một dạng phù hiệu của đơn vị. Trong số họ có một người từ đơn vị khác tới, lúc nào cũng mang theo người một chiếc máy quay phim, chắc là trấn lột của một nhà báo hay cướp được trong một trận cướp bóc nhà dân trong khu định cư dành cho người nước ngoài. Những người lính khác đã khoe chiến tích này với anh ta, vừa cười ha hả vừa vắt những chiếc đuôi sam ra trước ngực và bắt chước dáng đi của các cô phục vụ tại các quán bar trên đại lộ Edward VII. Họ không những không xấu hổ về những hành vi lố bịch của mình mà còn lấy làm tự hào và háo hức được thể hiện chúng.

Giờ đây, khi tôi dừng bút, tất cả những gì tôi nghe thấy chỉ là tiếng tim mình đang đập thình thịch. Tuyết vẫn lặng lẽ rơi ngoài cửa sổ. Chuyện lột da là thế nào? Lột da người ư? Tên diêm vương đó đang muốn thu hoạch loại chiến tích bí ẩn gì vậy?

“Đây là một trong những nạn nhân của hắn.”

Đứa bé còn rất nhỏ, có lẽ chỉ mới ba hoặc bốn tuổi. Con trai ông Lưu dẫn chúng tôi tới chỗ nó. Con bé nằm cách chúng tôi một đoạn, ở góc phố bên cạnh nhà máy, mặt úp xuống, tóc tai rũ rượi, nằm đè lên hai tay.

Tôi nhìn thằng bé. “Chuyện này xảy ra khi nào?”

Thằng bé nhún vai. “Nó ở đây từ đêm hôm qua.”

“Cần phải chôn cất con bé.”

“Vâng,” thằng bé trả lời. “Vâng.” Nhưng nó không hề cử động.

Tôi lại gần để nhìn con bé cho rõ hơn. Ngay khi bước đến bên cạnh, tôi chợt thấy chiếc áo khoác đầy bụi của nó phập phồng. Con bé vẫn còn thoi thóp thở. “Nó vẫn còn sống,” tôi nói và nhìn cha con ông Lưu.

“Vẫn còn sống?” Ông Lưu ném cho cậu con trai một cái nhìn dữ dội. “Con có biết điều này không?”

“Không ạ,” cậu bé nói và lùi lại phía sau thủ thế. “Con thề, con thề là con tưởng nó chết rồi.”

Ông Lưu nhổ một bãi nước miếng xuống đường. Ông quay người và ra đứng cạnh tôi. Chúng tôi cúi xuống xem con bé thế nào. Nó mặc một chiếc áo khoác lông và trông bé tí xíu, nhưng không ai bế nó lên. Chân nó được bó bằng một mảnh vải len màu ôliu, một mẩu chăn quân dụng của Nhật.

Tôi cúi xuống gần con bé: “Quay mặt lại đây,” tôi nói, “nằm ngửa ra nào bé con.”

Con bé vẫn nằm bất động, chỉ thấy bóng của những nhánh cây thích khẽ chuyển động trên lưng nó. Tôi cúi xuống, lấy tay lật con bé lại. Nó nhẹ như một thanh củi, tóc nó xõa ra trên tuyết, hai cánh tay cũng rũ ra theo. Tôi lùi lại một bước, cổ hơi nghẹn lại. Phía trước chiếc quần của con bé bị cắt đi một mảng, ai đó đã khoét một cái lỗ sâu hoắm to như chiếc bát ăn cơm ngay phía dưới sườn phải của nó, đúng chỗ buồng gan. Tôi có thể nhìn thấy những vệt đen, dấu hiệu của sự hoại thư, quanh miệng vết thương của con bé, chúng bốc mùi đến nỗi tôi phải túm vội lấy ống tay áo để che mũi và miệng. Đây là mùi của thứ hoại thư nặng nhất. Hoại thư sinh hơi. Dù có đưa được con bé đến bệnh viện thì nó cũng sẽ không sống được.

Tôi đứng đó, tay che ngang mặt, nhìn chòng chọc vào cái lỗ trên bụng con bé và cố nghĩ xem tại sao người ta lại làm thế. Đây không phải một tai nạn. Không phải một vết thương do bị đâm. Việc cái lỗ này rõ ràng đã bị cố ý khoét khiến máu tôi như đông lại. “Thế này là thế nào?” Tôi lẩm bẩm với ông Lưu. “Đây có phải là một chiến tích không?” Tôi không thể nghĩ ra được lý do nào khác để diễn tả cái hành động phanh thây xẻ thịt này. “Có phải đây chính là một chiến tích của hắn không?”

“Sử Trùng Minh, đừng hỏi tôi chuyện đó. Tôi chưa bao giờ chứng kiến cái gì giống như thế này...”

Và rồi đứa bé mở mắt và nhìn tôi. Tôi không kịp hạ thấp tay xuống. Con bé nhìn thấy sự kinh tởm trên khuôn mặt tôi, bắt gặp tôi lấy tay áo che miệng để khỏi nhận thấy cái mùi bốc ra từ người nó. Con bé hiểu rằng nó đang làm tôi phát bệnh. Nó chớp mắt, đôi mắt trong trẻo và sinh động. Tôi bỏ tay xuống và cố gắng thở bình thường. Tôi không thể để sự ghê tởm của mình trở thành ấn tượng cuối cùng mà con bé nhận được trước khi từ giã cõi đời.

Tôi khổ sở quay sang hỏi ông Lưu. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi có thể làm gì bây giờ?

Ông Lưu nặng nhọc lắc đầu rồi đi sang phía bên kia đường. Khi nhìn theo hướng đi của ông, tôi đã hiểu. Ông đi đến chỗ một viên đá lát đường to đã bị long ra ở chân của tòa nhà.

Khi mọi chuyện đã xong xuôi, khi con bé đã chết hẳn và tảng đá đã nhuốm máu của nó thì chúng tôi rửa sạch tay, cài lại cúc áo và đi ra chỗ thằng bé. Ông Lưu túm lấy tay nó và hôn túi bụi lên trán nó cho đến lúc thằng bé trở nên ngượng ngập và vùng vẫy tránh ra. Tuyết lại rơi và ba người chúng tôi im lặng trở về nhà.

Ngọc Hoàng Thượng đế, xin hãy tha thứ cho con. Tha thứ cho con vì không còn đủ sức để chôn cất cho con bé một cách tử tế. Con bé vẫn nằm trên tuyết, bóng của những cành cây và những đám mây vẫn đang trôi trong đôi mắt đứng tròng của nó. Dấu vết của con bé vẫn còn vương trên chiếc áo khoác ngoài, và dưới các móng tay của tôi. Tôi chắc chắn những dấu vết của nó vẫn còn trong cả trái tim tôi nữa, nhưng tôi không thể cảm nhận được nó. Tôi không còn cảm nhận được bất cứ cái gì nữa. Bởi vì đây là Nam Kinh, và cái chết này không còn là điều mới lạ. Một cái chết thì có gì đáng nói trong một thành phố mà quỷ dữ vẫn đang hiên ngang đi lại săn mồi.