80 Lời Mẹ Gửi Con Gái

Bức Thư Thứ 22: Có Thể Khiến Kinh Nguyệt Không Rơi Vào Kì Thi Không?

Minh Anh thân yêu:

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thi cuối học kì rồi, mẹ nhìn thấy con cứ nhìn chăm chăm vào cuốn lịch bàn, vừa đếm ngày, bộ dạng vô cùng u uất, miệng vừa lẩm bẩm: “Tại sao lại đúng vào kì thi chứ? Có thể đổi sang thời gian khác không nhỉ? Không biết uống giấm như Thanh bảo có ăn thua gì không?”. Mẹ vốn không định can thiệp vào chuyện này, nhưng lại sợ con “uống giấm” thật. Giờ mẹ sẽ giải đáp cho con chuyện có thể thay đổi chu kì kinh nguyệt thông qua hành vi của con người hay không nhé!

Chúng ta đã từng nói, kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lí bình thường ở con người, nó chịu sự chi phối của hệ thống vùng dưới đồi - tuyến yên – buồng trứng, do đó hình thành nên tính chu kì cố định, là một dạng quy luật sinh lí. Trừ phi có các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiết các hormone trong cơ thể khiến quy luật sinh lí này thay đổi, nếu không tự thân chúng ta không thể kiểm soát được chu kì kinh nguyệt.

Chắc chắn con sẽ hỏi vậy thì có thứ gì có thể khiến cho chu kì thay đổi? Đương nhiên là có rồi. Có rất nhiều loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có chứa hormone, sử dụng trong thời gian dài có thể thay đổi nội tiết trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến lượng hormone tiết ra, từ đó khiến cho chu kì kinh nguyệt sai lệch đi, ví dụ như thuốc tránh thai (chắc chắn con đã từng nghe nói đến), bởi vì loại thuốc này là hợp chất có chứa proestogen và estrogen, sau khi uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ hormone, khiến cho chu kì kinh nguyệt sai quy luật, xuất hiện các phản ứng phụ ảnh hưởng đến cơ thể như: lượng máu tăng lên hoặc giảm đi, buồn nôn, nôn…

Có một số bạn nữ bởi vì “bị” đúng vào kì thi hoặc vào một thời điểm đặc biệt nào đó, sợ các phản ứng sinh lí trong kì kinh sẽ ảnh hưởng đến thành tích, hi vọng có thể thông qua phương pháp nào đó, ví dụ như cách uống giấm mà bạn Thanh bảo (sự thực là phương pháp này rất vô lí, cũng không có tác dụng gì đâu), thậm chí không ngại uống thuốc tránh thai với mong muốn thay đổi chu kì. Thực ra, các phản ứng sinh lí trong thời gian có kinh không hề ảnh hưởng đến việc học hành và công việc, sự ảnh hưởng chủ yếu xuất phát từ tâm lí của bản thân các con mà thôi. Hơn nữa sử dụng thuốc không đúng cách hoặc sử dụng quá nhiều có thể làm rối loạn kinh nguyệt, gây ra những ảnh hưởng không có lợi cho cơ thể, cho sức khỏe và tăng thêm áp lực tâm lí cho bản thân.

Do vậy, cách dùng thuốc tránh thai để thay đổi chu kì kinh nguyệt nhằm tránh vào kì thi là không nên, nếu thật sự trong kì kinh bị đau bụng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc làm bài, các con có thể đi khám và nhờ đến sự trợ giúp của y bác sĩ.

Mẹ nghĩ Minh Anh nhà ta hiểu rất rõ rằng, kết quả thi tốt hay xấu mặc dù cũng một phần do tâm lí trường thi quyết định, nhưng chủ yếu nhất vẫn là do mức độ cần cù học tập, tích lũy kiến thức hàng ngày. Mẹ tin con có thể làm hết khả năng của mình để có kết quả tốt nhất! Cố lên, con gái yêu!

Mẹ