9 tháng 1
Nhận thức là cách bạn nhìn nhận một sự việc, là quan điểm, thậm chí là niềm tin của bạn. Như bạn cũng biết, nhận thức của chúng ta thường tạo ra những giới hạn.
Điều đó cũng giống như việc bạn một mực tin rằng mình không thể vào đại học, cũng như Ptolemy cũng đã từng khăng khăng tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ.
10 tháng 1
Quan niệm cũng giống như một cặp kính đeo mắt. Có những quan niệm không đúng về bản thân hoặc về cuộc đời cũng giống như bạn đang đeo một cặp kính không đúng độ. Cặp kính đó ảnh hưởng đến cách bạn nhìn mọi sự vật khác
Nếu bạn tin rằng mình ngốc, chính niềm tin ấy sẽ làm cho bạn ngốc. Nếu bạn tin rằng nhỏ em gái của mình ngu ngơ, bạn sẽ tìm chứng cứ để củng cố niềm tin đó, và cô bé sẽ vẫn mãi ngu ngơ trong mắt bạn.
Nếu tin rằng mình có thể, bạn sẽ tìm thấy một sức mạnh vô hình.
11 tháng 1
Nếu những quan niệm tiêu cực về bản thân làm hạn chế khả năng của bạn, thì những quan niệm tích cực lại mang đến cho bạn những kết quả tốt đẹp.
12 tháng 1
“Làm sao điều chỉnh nếu nhận thức của tôi bị méo mó?”. Cách điều chỉnh tốt nhất là tâm sự với một người nào đó tin tưởng và muốn làm điều tốt cho bạn.
Mẹ là một người như thế đối với tôi. Mẹ luôn tin tưởng và thường động viên tôi: “Sean này, con có thể làm lớp trưởng được đấy!”, hay “Sao con không mời cô ấy đi chơi, mẹ nghĩ là cô ấy rất muốn được đi chơi với con”.
Bất cứ lúc nào muốn khẳng định mình, tôi đều trò chuyện với mẹ, và mẹ sẽ lau sạch đôi mắt kính mờ tối giùm tôi.
13 tháng 1
Mỗi người thành công thường có một người cố vấn bên cạnh. Người đó có thể là thầy cô giáo, bố mẹ, anh chị, ông bà hay cũng có thể là một người bạn...
Chỉ cần có một người, việc người ấy là ai không hề quan trọng. Quan trọng là bạn có thể tìm thấy sự định hướng, nguồn động viên và nuôi mầm lạc quan từ họ.
14 tháng 1
Không những phải nhận thức đúng về bản thân, chúng ta còn phải biết nhận thức đúng về người khác để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Nhìn nhận vấn đề từ một quan điểm khác giúp chúng ta có thể hiểu tại sao người khác lại hành động như vậy. Chúng ta thường phán xét người khác khi chưa có đủ thông tin để có thể hiểu đúng về họ.
15 tháng 1
Một bạn trẻ tên là Monica kể:
Khi sống ở California, tôi có nhiều bạn tốt và tôi không bao giờ để ý tới những người hàng xóm mới dọn tới. Rồi khi chuyển đi nơi khác, tôi trở thành một “ma mới”. Lúc đó tôi ước gì có ai đó quan tâm đến tôi. Giờ đây tôi đã hiểu cảm giác không có ai làm bạn là như thế nào.
Từ đấy trở đi, bạn có nghĩ rằng Monica sẽ đối xử với những người mới theo một cách khác không?
16 tháng 1
Nhận thức của chúng ta thường chưa đầy đủ, thiếu chính xác, hoặc rất lộn xộn. Do đó đừng nên hấp tấp xét đoán, chụp mũ hay có những ý kiến khắt khe về người khác hoặc về bản thân mình.
Vì cái nhìn của chúng ta còn hạn chế nên chúng ta hiếm khi nhìn thấy được toàn cảnh của bức tranh thực tế, hoặc không có đầy đủ dữ kiện cho việc phán xét.
17 tháng 1
Nhìn nhận sự việc từ một quan điểm khác có thể đưa đến một khác biệt lớn trong thái độ của chúng ta đối với mọi người.
Do đó, chúng ta nên cởi mở với những thông tin mới, trải lòng ra với những quan điểm sống khác và sẵn sàng thay đổi nhận thức khi biết rõ rằng mình đã sai.
“Ồ, TA ĐÃ THAY ĐỔI NHẬN THỨC!”
18 tháng 1
Quan trọng hơn, nếu muốn tạo ra một sự thay đổi lớn trong cuộc đời của bạn sau này thì trước tiên phải thay đổi những nhận thức sai lầm trong hiện tại.
Cũng như khi thay cặp kính nhìn đời, mọi thứ sẽ thay đổi theo khi được nhìn qua một cặp kính mới.
19 tháng 1
Xét cho cùng, tất cả những khó khăn trong cuộc sống (về những mối quan hệ, về cách tự nhìn nhận mình, về tâm trạng, cảm xúc...) cũng là kết quả của những nhận thức sai lệch.
Ví dụ nếu bạn có mối quan hệ không tốt với cha bạn, có lẽ là do cả hai đã có quan niệm chưa đúng về nhau. Có thể bạn đang nghĩ rằng ông ấy là một ông già lỗi thời, lạc hậu, sống biệt lập với thế giới hiện đại. Còn ông ấy lại cho rằng bạn là một đứa con hỗn xược, bất hiếu, vô ơn. Thật ra, quan niệm của cả hai đều chưa đúng và điều đó cản trở hai bên cảm thông lẫn nhau.
20 tháng 1
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tôi thường mất thời gian suy nghĩ về điều gì?”, “Ai hay điều gì thường xâm chiếm suy nghĩ của tôi nhất?”. Đó chính là nhận thức của bạn trong cuộc sống.
Điều quan trọng nhất đối với bạn chính là quan niệm sống của bạn, cặp kính nhìn đời của bạn, hay như tôi vẫn thích gọi là: trọng tâm cuộc đời của bạn.
21 tháng 1
Vậy tuổi mới lớn đặt trọng tâm của cuộc đời vào đâu?
Thường thì vào bạn bè, cha mẹ, vật chất bên ngoài, các môn thể thao, sở thích cá nhân, thần tượng, bản thân, công việc... mỗi thứ đều có một ưu điểm riêng nhưng tất cả đều chưa đầy đủ dưới những khía cạnh khác nhau.
Và do đó, khi có một sự thay đổi, cuộc sống của bạn thường bị rối tung lên.
22 tháng 1
Không gì tốt hơn là có được một nhóm bạn tốt, và không có gì tệ hơn là bị bạn bè xa lánh. Bạn bè là quan trọng nhưng chúng ta không nên đặt trọng tâm vào đó.
Vì sao ư? Bởi vì họ hay thay đổi. Cũng có khi họ nói xấu sau lưng bạn hoặc khi có một tình bạn mới thì lại bỏ quên bạn.
Bạn có tin không, một ngày nào đó, bạn hữu không còn là điều lớn nhất trong đời bạn.
23 tháng 1
Hãy kết bạn càng nhiều càng tốt, nhưng đừng lấy họ làm nền tảng của đời bạn. Đó là một nền móng không vững chắc.
24 tháng 1
Đôi khi chúng ta nghĩ chiếc xe đẹp nhất, một bộ đồ hiệu, chiếc máy nghe nhạc hiện đại nhất, kiểu tóc hợp thời trang nhất... sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc.
Vật chất đôi khi còn núp dưới hình thức danh vọng như chức lớp trưởng, đóng vai chính trong một vở kịch...
Không có gì sai trái nếu chúng ta đạt được thành quả và hưởng thụ nó, nhưng đừng bao giờ đặt trọng tâm vào vật chất. Về lâu về dài, giá trị vật chất chắc chắn sẽ mất đi.
25 tháng 1
Tôi đã từng đọc được một câu rất hay: “Nếu như những gì tôi có hôm nay giúp khẳng định tôi là ai, vậy khi những thứ đó mất đi, thì tôi là ai?”.
26 tháng 1
Việc học hành rất cần thiết cho tương lai của chúng ta và phải là ưu tiên hàng đầu. Nhưng chúng ta nên cẩn thận, đừng để cho những danh hiệu này nọ chi phối toàn bộ cuộc sống của chúng ta.
Có những thiếu niên bị ám ảnh bởi việc phải đạt thứ hạng cao đến nỗi họ quên rằng mục đích thực sự của việc học là sự hiểu biết. Đã có nhiều người học rất xuất sắc nhưng vẫn duy trì được sự cân bằng trong cuộc sống.
Hãy nhớ rằng giá trị của chúng ta không phải được tính bằng tổng số điểm trung bình của chúng ta!
27 tháng 1
Bố mẹ có thể là nguồn thương yêu và định hướng tốt cho bạn. Bạn nên kính trọng và tin yêu bố mẹ, nhưng việc đặt trọng tâm vào bố mẹ và sống chỉ để làm vui lòng các bậc phụ mẫu hơn là sống vì mình chưa chắc đã hay lắm đâu.
28 tháng 1
Danh sách những trọng tâm có thể kéo dài ra mãi: chơi một môn thể thao nào đó, chọn cho mình một thần tượng, chú tâm vào bản thân mình, hay lấy công việc làm trọng tâm...Thế nhưng tất cả các quan niệm nêu trên không mang đến một sự ổn định bền vững mà chúng ta cần.
Không phải bạn không nên cố gắng trở nên thật giỏi trong một lĩnh vực như khiêu vũ hay hùng biện - những việc này nên làm lắm chứ!
Nhưng nên có một ranh giới giữa việc say mê với việc đặt cả cuộc đời mình vào đó. Đó chính là lằn ranh mà chúng ta không nên vượt qua.
29 tháng 1
Vậy có một trọng tâm nào thật sự là chỗ dựa không?
Có đấy!
Đó chính là nguyên tắc sống đúng đắn.
30 tháng 1
Nguyên tắc là gì? Hãy thả một trái banh từ trên cao, nó sẽ tự rơi xuống. Đó là một nguyên lý tự nhiên hay còn gọi là một nguyên tắc.
Có nhiều nguyên tắc chi phối thế giới tự nhiên và thế giới loài người. Những nguyên tắc này không phụ thuộc vào bất kỳ ai và luôn công bằng với tất cả mọi người. Sự chân thật là một nguyên tắc; đạo đức tình yêu là một nguyên tắc; giúp đỡ người khác là một nguyên tắc; tinh thần trách nhiệm, sự điều độ, trung thành... là những nguyên tắc đạo đức trong cuộc sống.
Cũng như một la bàn luôn chỉ đúng hướng Bắc; trái tim bạn sẽ nhận ra đâu là nguyên tắc sống đúng đắn.
31 tháng 1
Đặt trọng tâm vào nguyên tắc sống đúng đắn.
Bạn nhìn nhận, suy nghĩ như thế nào thì bạn sẽ đạt được đúng như vậy.
1 tháng 2
Cần phải tuyệt đối giữ vững niềm tin để sống theo các nguyên tắc sống mà bạn đã chọn, nhất là khi bạn đang phải chứng kiến đầy rẫy những người tiến thân trong cuộc sống bằng sự giả dối, lừa đảo, cơ hội, ích kỷ.
Tuy nhiên điều mà bạn không nhìn thấy được - đó là những nguyên tắc đạo đức bị phá vỡ cuối cùng luôn làm hại họ.
2 tháng 2
Nguyên tắc sống đúng đắn không bao giờ làm bạn thất bại. Nguyên tắc sống không nói xấu sau lưng bạn, nó không lớn lên và rời xa bạn, nó không cảm thấy đau buồn khi bị thất nghiệp. Nó cũng không phụ thuộc vào màu da, giới tính, sức khỏe hay ngoại hình bên ngoài.
Lấy nguyên tắc sống đúng đắn làm trung tâm cuộc sống là nền tảng bền vững, ổn định và chắc chắn nhất mà bạn có thể dựa vào, và tất cả chúng ta đều cần có nó.
3 tháng 2
Nếu bạn sống với nguyên tắc sẵn lòng giúp đỡ, tôn trọng người khác, sống tình cảm thì bạn sẽ dễ dàng có nhiều bạn bè và bạn sẽ trở thành một người bạn tốt.
Đặt ra những nguyên tắc sống đúng đắn cũng là một cách để trở thành một con người có tư cách tốt.
4 tháng 2
Hãy quyết định ngay từ bây giờ những nguyên tắc nào xứng đáng để bạn đặt trọng tâm cuộc sống của mình vào đó.
Ở bất kỳ tình huống nào bạn cũng nên tự hỏi: Bây giờ tôi nên áp dụng nguyên tắc nào đây? Sau đó, kiên trì đi theo nguyên tắc đó và đừng ngoái đầu lại.
5 tháng 2
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hay gặp phải thất bại, hãy thử áp dụng nguyên tắc cân bằng cuộc sống.
Nếu bạn cảm thấy không ai tin mình thì nguyên tắc chân thật là điều bạn cần nhất trong lúc này.
6 tháng 2
Hãy từng bước áp dụng những thói quen này vào cuộc sống bạn nhé: