Báo chí đã có một thời đưa tin ở hàng đầu về chuyện tổng thống Richard Nixon bị chứng viêm tĩnh mạch trầm trọng. Đặc điểm của bệnh là hiện tượng máu bị đóng cục ở tĩnh mạch, thường là ở chân. Phụ nữa hay bị bệnh này hơn nam giới. Người ta phân biệt hai loại:
- Viêm tĩnh mạch nông, ở ngay dưới lớp da. Những người bị chứng giãn tĩnh mạch rất dễ mắc bệnh này. Chỗ tĩnh mạch bị viêm thường tấy đỏ, sờ thấy cứng và nóng. Tuy vậy có thể tự chữa trị tại nhà.
- Viêm tĩnh mạch sâu cần phải nằm tại bệnh viện để điều trị. Bác sĩ có thể phải dùng thuốc làm loãng máu để đề phòng sự tạo thành các cục máu đông khác. Khi cục máu vỡ, những phần nhỏ có thể gây ách tắc mạch máu ở tay, chân. Nếu hiện tượng này xảy ra ở tim, phổi, có thể gây tử vong.
Bệnh viêm tĩnh mạch chỉ có một triệu chứng: thấy đau ở tay, chân. Nhưng, một nửa số bệnh nhận bị viêm tĩnh mạch sâu không hề thấy có triệu chứng gì. Bệnh thường xuất hiện sau một thời gian nằm dưỡng bệnh, sau khi qua phẫu thuật, khi đang mang thai, hoặc uống thuốc ngừa thai.
Những người dễ bị bệnh viêm tĩnh mạch là:
- Người không chịu vận động hoặc làm lâu một công việc nhàn chán; phải ngồi tại chỗ lâu như có nghề đi tàu biển, máy bay.
- Hút thuốc hoặc nhai thuốc lá;
- Béo quá;
- Bị chấn thương ở chân vì va chạm mạnh hoặc ngã;
- Bị nhiễm trùng mạch máu do tiêm chính;
- Bị một số bệnh ác tính;
- Tuổi cao.
Chỉ có bác sĩ mới phân biệt được hai loại viêm tĩnh mạch vừa kể trên. Nếu bạn bị viêm tĩnh mạch nông, chắc chắn bạn sẽ được bác sĩ khuyên như sau:
- Để chân đau được nghỉ, không vận động. Khi nằm, chú ý gác chân cao trên tầm tim cho tới khi bệnh thuyên giảm.
- Chườm nước ấm vào chỗ đau nhiều lần, trong ngày. Mỗi lần lâu khoảng 20 phút.
- Dùng aspirin để giảm đau hoặc thuốc chống sưng tấy loại nonsteroid như ibuprofen.
- Tránh nằm liệt giường.
Để tránh bệnh viêm tĩnh mạch sâu, nên:
- Tránh đứng lâu hay ngồi lâu quá.
- Tránh uống thuốc ngừa thai.
- Khi ngồi, đừng vắt chân chữ ngũ (bắt chéo chân)
- Tránh mang những đồ nịt làm chân bị bó chặt khiến máu khó lưu thông.
- Có thể nằm tập ở trên giường trong trường hợp phải nằm nghỉ như sau: kẹp một cái gối giữa hai bàn chân. Tưởng tượng gối như một quả bóng, dùng một chân nhấn xuống để bóng xì hơi rồi lại nhấc chân lên. Làm đi làm lại nhiều lần, rồi đổi chân.