Năm 1907 vua Thành Thái yêu nước bị giặc Pháp phế truất đầy ra Vũng Tầu. Hoàng tử Vĩnh San khi đó mới lên 8 tuổi được thực dân Pháp đưa lên làm vua, đặt niên hiệu là Duy Tân, vì chúng hy vọng nhà vua ít tuổi chỉ ngồi làm bù nhìn. Sọng trái với sự mong đợi của chúng, vua Duy Tân bẩm tính thông minh, giỏi đối đáp, có lòng yêu nước từ nhỏ.
Biết được những thông tin đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội ở Trung Kỳ là Thái Phiên, Trần Cao Vân đã thực hiện bằng mọi cách tiếp xúc với nhà vua. Kết quả vua Duy Tân nhận lời tham gia cuộc khởi nghĩa. Đầu năm 1914 Thái Phiên triệu tập cuộc họp các yếu nhân của Việt Nam Quang Phục hội của 5 tỉnh miền Trung quyết định khởi nghĩa. Vua Duy Tân báo cho Thái Phiên, Trần Cao Vân biết là đến hết ngày 10/5/1916 thì 2500 lính mộ tập trung ở Huế sẽ phải sang Pháp, nên phải khởi sự ngay. Thái Phiên, Trần Cao Vân quyết định khởi nghĩa vào tối ngày mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 5/ 1916 ở 5 tỉnh. Song các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa không biết rằng quân Pháp đã biết cuộc khởi nghĩa từ 2 ngày trước nên đã có kế hoạch ngăn chặn. Kẻ địch khẩn trương nhưng bí mật đối phó, ra lệnh giới nghiêm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế tước vũ khí của lính khố xanh, cho lính Pháp, lính khố đỏ tuần phòng nghiêm ngặt. Theo lời hẹn trước của Thái Phiên và Trần Cao Vân, vua Duy Tân cải trang như người bình dân: đầu chít khăn đen, mặc áo ngắn màu đỏ, quần vải trắng, chân đi đất, cùng bốn thị vệ tin cậy ra khỏi thành. Kế hoạch bị lộ, quân Pháp kịp thời đối phó, nhiều cánh quân khởi nghĩa chưa xuất phát đã bị bao vây, bị bắt. Vua và tùy tùng đi về hướng Tây - Nam Thừa Thiên, song vì có kẻ làm phản nên cả đoàn Khâm sứ Charles buộc triều đình Huế khép vua vào tội: "Vua một nước dưới quyền bảo hộ của Pháp đang chiến đấu với kẻ thù là Đức mà khởi loạn chống lại Pháp là phản bội, phải tội tử hình". Song bọn cầm quyền Pháp vẫn thuyết phục Duy Tân làm vua bù nhìn cho chúng. Khâm sứ Trung Kỳ điện ra Hà Nội mời Toàn quyền Đông Dương vào thuyết phục. Nhà vua vẫn trả lời: "Nếu ông buộc tôi tiếp tục ở lại ngôi vị Hoàng đế An Nam. Ông cần xem tôi như một vị hoàng đế đã trưởng thành. Tôi không cần cả Hội đồng Phụ chính lẫn lời khuyên của ông. Tôi sẽ điều hành công việc của đất nước tôi trên cơ sở như các quốc gia khác, trong đó có nước Pháp".
Bọn cầm quyền Pháp giao cho Thượng thư bộ Hộ là Hồ Đắc Trung thi hành án tử hình. Ông Trung bàn với các quan không nên tử hình vua, triều đình tán thành, làm vãn bản cứu vua. Nhờ đó vua Duy Tân chỉ bị đưa đi đày ở đảo Reunion ở Ấn Độ Dương.
Năm 1936 mặt trận Bình Dân Pháp do Đảng Cộng sản và các đảng cánh tả ở Pháp thành lập, lập Chính phủ thực hiện nhiều cải cách như phóng thích tù chính trị ở chính quốc và các thuộc địa. Cựu hoàng Duy Tân nắm lấy thời cơ đề cập đến quyền tự chủ của đất nước. Nhà vua dự cuộc mít tinh do Mặt trận Bình dân tổ chức tại cảng La Pointe des Galets, phát biểu tại diễn đàn, phía sau là lá cờ đỏ búa liềm. Ông yêu cầu Bộ trưởng Thuộc địa trả tự do cho ông, chuyển ông về sống tại Paris. Song yêu cầu này không được Chính phủ Pháp đáp ứng. Do bị sức ép của giai cấp tư sản và các thế lực cánh hữu cùng những biến động do phát xít Đức và Chủ nghĩa phát xít Ý gây ra, Mặt trận Bình dân phải tự giải tán, Chính phủ Bình dân đổ. Giấc mơ của cựu hoàng Duy Tân về độc lập dân tộc cũng bị dập tắt. Năm 1939, đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngày 18/6/1940, vua Duy Tân nghe được bản Hiệu triệu của Đờ Gôn người đứng đầu phe kháng chiến. Trong 2 năm sau, vua Duy Tân liên lạc được với tổ chức Pháp Tự do ở trong vùng, và bị chính quyền thân Đức bắt giam một tháng. Mùa thu năm 1942, phái Đờ Gôn chiếm được đảo Reunion, để thoát khỏi đảo, nhà vua đăng lính và làm điện báo viên trên tầu Léoperd. Do có sự can thiệp của Đờ Gôn ngày 18/6/1945, nhà vua được đưa về Paris. Tại đây nhà vua có các cuộc đi thăm Việt kiều, thăm lính thợ bị giam ở Kelarman... Nhà vua luôn luôn đả kích các lỗi lầm của Pháp ở Đông Dương... Quan điểm yêu nước của nhà vua đi ngược với âm mưu sử dụng nhà vua vào mục đích xâm lược Việt Nam. Vì vậy chúng đưa ông sang sư đoàn 9 bộ binh đóng ở Đức để chuẩn bị sang Viễn Đông tham chiến. Tại đây các hoạt động nhằm mượn đường quân sự trở về nước của nhà vua quá lộ liễu, bọn Pháp chuyển nhà vua qua trung đoàn thiết giáp cũng đóng ở Đức để cách ly. Ngày 29/10/1945, Đờ Gôn ký Nghị định đặc cách cho vua Duy Tân lên cấp tiểu đoàn trưởng. Ngày 14/12/1945, Đờ Gôn gặp nhà vua. Nhưng vua Duy Tân sau cuộc gặp đó đã tuyên bố rằng Chính phủ Pháp đã công nhận nền độc lập của Việt Nam, chờ cơ hội để ký kết việc thống nhất ba kỳ, viện trợ kinh tế và quân sự, cũng như giúp Việt Nam về phương diện ngoại giao và quốc phòng. Nhà vua không biết ngày 3/12/1945 bộ Thuộc địa Pháp đã ký Quyết định số 7312/102 trả Hoàng tử Vĩnh San về lại đảo Reunion, tiếp tục cuộc sống lưu đày từ năm 1916. Ngày 24/12/1945, vua Duy Tân rời Paris bằng chiếc máy bay Lockheed Lodester kiểu C60 và chiều 26/12/1945 trên chặng đường thứ hai từ Ford Lamy hướng về Bangui, phi cơ hết xăng (?) phải hạ cánh khẩn cấp xuống vùng đồi ở làng Bossakô và máy bay vỡ nát bốc cháy. Vua Duy Tân, hành khách và cả phi hành đoàn đều chết. Như vậy việc vua Duy Tân trên đường về đảo Reunion từ biệt vợ con để trở lại Paris chuẩn bị về "cầm cờ tái chiếm Việt Nam cho Pháp" không hề có. Trước sau vua Duy Tân vẫn là người yêu nước, chống Pháp.