28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Phần III - Chương 1

Docsach24.com
iếm có một khách hàng nào mà nửa đêm lại vội vàng gõ cửa hiệu đồ điện mua cho được pin đèn, dù phải trả giá gấp đôi như ông Lưu Đỉnh.

Lúc đó, 0 giờ ngày 12 tháng 12 năm 1936 mà người đời cứ nhắc mãi là “song thập nhị”, “thư kí” của Trương Học Lương, đảng viên cộng sản Lưu Đỉnh đến hiệu đồ điện đập cửa dựng người chủ hiệu thức dậy để mua mấy cặp pin, “một phút cũng không được chậm trễ” rồi vội vàng trở về ngõ Kim Gia - tư dinh của phó Tổng Tư lệnh.

Sau khi nghe Trương Học Lương truyền lệnh, phản ứng đầu tiên của Lưu Đỉnh là phải cấp tốc điện báo cho Mao Trạch Đông, nhưng Trương lại giới nghiêm, “cúp” điện toàn thành phố Tây An, nên Lưu Đỉnh dùng pin vậy.

Tướng quân Trương Học Lương đã phát động cuộc bạo động từng kinh thiên động địa mà sử sách muôn đời mãi lưu - sự biến Tây An!

Phóng viên tạp chí “Đông Kinh tân văn” của Nhật Bản, ngày 16 tháng 1 năm 1993 đã sang tận Đài Bắc phỏng vấn “con người lịch sử” họ Trương, về sự biến Tây An. Ông Trương Học Lương nói, trước khi xảy ra sự biến ông chỉ gặp Chu Ân Lai một lần ở nhà thờ xứ Diên An, người ta cho rằng, do Trung Cộng xúi giục, điều đó hoàn toàn trái ngược với lòng yêu nước của ông. Trong hồi kí của mình, Lưu Đỉnh hoàn toàn nhất trí với Trương Học Lương, lúc 0 giờ ngày 12, sau khi nghe Trương thông báo tin “dữ” này, Lưu mới hay biết mọi điều, rằng Trương Học Lương và Dương Hổ Thành đã chủ động phát động cuộc binh biến 12 tháng 12. Tuy trước đây nhiều lần, hai tướng quân thông qua mật sứ đàm phán với Trung Cộng, chủ yếu là “kết thúc nội chiến, cùng nhau kháng Nhật”, nhưng chưa hề bàn đến dùng vũ lực để can gián Tưởng Giới Thạch.

“Mua pin trở về thì Tưởng Giới Thạch đã bị bắt, tôi vội vàng điện báo cho Bảo An, người phát tín hiệu là Bành Thiệu Côn”, Lưu Đỉnh nhắc lại.

Cảnh vệ của Chu Ân Lai lúc bấy giờ là Lưu Cửu Châu còn nhớ như in, rằng hôm đó mờ sáng ngày 12 tháng 12 năm 1936, Chu Ân Lai đã ngồi làm việc trong nhà hầm.

- Thưa Chu Phó chủ tịch, đồng chí dậy sớm quá!

- Tiểu Lưu đã biết Tưởng Giới Thạch bị bắt chưa? - Chu Ân Lai hỏi người cảnh vệ.

- A! - Lưu Cửu Châu la lớn.

- Theo chú, Tưởng Giới Thạch có bị chém không?

- Thưa Chu Phó chủ tịch, không ạ!

- Vì sao?

- Thưa Chu Phó chủ tịch, vì ông ấy đã là tù binh.

Chu Ân Lai cười thích thú và hết lời khen ngợi chú bé cảnh vệ Cửu Châu. Còn tại nhà hầm của Mao Trạch Đông, ngày 12 ông nhận được tin này, phản ứng đầu tiên của ông là ngạc nhiên, “Ha, sao Tưởng tiên sinh lại có ngày hôm nay?”- Thế cũng đã mười năm kể từ lúc “chia tay” nhau ở Quảng Châu, Mao - Tưởng hai người đối địch, thề cùng sống mái một phen, mà nay chỉ qua vài tiếng đồng hồ từ Tổng Tư lệnh tiên sinh trở thành tù nhân! Nhưng liền sau đó Mao Trạch Đông bỗng tư lự, sẽ xử trí ra sao? Quả là một vấn nạn! Xư-nua trong tác phẩm “Tạp chí Trung Cộng” viết: “Chu Ân Lai đã nói với Vương Bính Nam: cả một tuần nay chúng tôi không hề chợp mắt... đây có lẽ là quyết định khó khăn nhất trong đời chúng tôi”.

Quả vậy, nước cờ Tây An đã làm bạc đầu nhiều người, bên kia lẫn cả bên này. Tạm gác lại phần trí tuệ - đấu trí sẽ kể ở hồi sau, xin độc giả hãy cùng Trương Học Lương tiến về Hoa Thanh trì - hành cung cùng Tưởng Giới Thạch.

HOA THANH TRÌ CHÌM TRONG CHIẾN TRẬN

 

Sáng sớm ngày 12 tháng 12 năm 1936 - đó là thời khắc từng làm xoay chuyển cả lịch sử Trung Quốc và Hoa Thanh trì thuộc huyện Lâm Đồng phía đông thành Tây An cũng từng một thời là tiêu điểm quan tâm của thế giới.

Hoa Thanh trì toạ lạc tại phía nam thành Lâm Đồng cuối chân rặng tây bắc của Li Sơn. Năm Trinh Quan 18 Đường triều (Công nguyên 644), nơi đây đã dựng nên Thang Tuyền cung và trong “Trường hận ca”, Bạch Cư Dị có một khổ thơ miêu tả cảnh Dương Quý Phi ngâm tấm thân ngọc ngà giữa dòng suối nước nóng hiếm hoi này:

... Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì,

Ôn tuyền thuỷ hoạt tẩy ngưng chi.

Thị nhi phù khởi kiều vô lực,

Thủy thị tân thừa ân trạch thì...

Dịch giả tôi phải kính cẩn “nhờ” Tản Đà tiên sinh hạ bút chuyển ngữ áng Đường thi đẹp đẽ trên đây để bạn đọc đôi phần thư giãn trước khi vào trận chiến chôn danh thắng...

... Trời xuân lạnh suối tuôn mạch ấm,

Da mỡ đông kỳ tắm ao Hoa.

Vua yêu bận ấy mới là,

Con hầu nâng dậy coi đà mệt thay!... (1)

Ngày 22 tháng 10 năm 1936, từ Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch về Tây An “tị thọ”, trú tại Hoa Thanh trì, cho xây dựng nơi đây trở thành hành cung của ông. Ngày 29 Tưởng đi Lạc Dương - Hà Nam, sáng mồng 4 tháng sau về lại Hoa Thanh trì. Lúc bấy giờ Hoa Thanh trì có tám gian phòng, năm gian ở góc đông nam sát khe cạnh núi gọi là “ngũ gian sảnh”, ba gian còn lại tại lối chính đông. Ngũ gian sảnh cột hồng ngói xanh, cây cối um tùm ôm ấp, gian 1 dành cho kẻ hầu người hạ, gian 2 phòng ngủ của Tưởng Giới Thạch, gian 3 phòng làm việc, gian 4 phòng hội nghị, gian 5 chỗ ở của các thư kí. Ngũ gian sảnh là trung khu của hành cung, bốn bề có nhiều hiến binh, vệ sĩ cảnh giới nghiêm ngặt. Trước đây Hoa Thanh trì không có đèn điện, nhưng từ lúc trở thành hành cung, Tưởng Giới Thạch đã cho đặt hẳn một máy phát độc lập đảm bảo ban đêm sáng tựa như ngày.

Khác với Mao Trạch Đông, Tưởng thường ghi nhật kí, lần giở lại “Tây An bán nguyệt kí” của ông có đoạn: “Ngày 11 tháng 12 (năm 1936), sáng ra tản bộ quanh sân, trông lên Li Sơn, có hai người đối diện nhìn ta, khoảng chừng mười phút, lòng đã sinh nghi. Trước khi trở vào văn phòng lại thấy xe nhà binh trên con lộ Tây An - Lâm Đồng ầm ầm chuyển động về phía đông. Giờ làm việc đã điểm, ta vào bàn và không còn rảnh rỗi để suy xét...”. Thế là trước một ngày, Tưởng Giới Thạch với con mắt của một nhà quân sự đã phát hiện ra dấu hiệu khả nghi, nhưng vì “không rảnh rỗi để mà suy xét” nên mới ra nông nỗi này!

Chập tối hôm đó, Tưởng Giới Thạch triệu hội “Trương Dương Dự” cùng các tướng lĩnh về hành cung ăn cơm tối và luôn thể hội nghị bàn kế hoạch vây tiễu Hồng quân. Ý đồ của Tưởng, cũng ngày 12 sẽ hạ lệnh “tổng công kích tiễu Cộng” lần thứ 6. Trương Dương Dự là mật khẩu, chỉ ba người Trương Học Lương, Dương Hổ Thành và Dự Học Trung.

Thế nhưng “Dương Dự” không đến, còn Trương Học Lương kế hoạch cũng vậy, vì cả ba người đã liên danh tổ chức yến tiệc thiết đãi quan viên quân, chính trực hệ của Tưởng Giới Thạch từ Nam Kinh lên, đúng vào đêm 11 tại Tân Thành đại lầu ở Tây An. Nhận được lệnh của Tổng Tư lệnh, phó Trương đành dứt áo lên đường. Tưởng, Trương cùng ngồi một bàn và hãy nghe Tưởng miêu tả về Trương đêm hôm ấy, vẫn trích từ “Tây An bán nguyệt kí” - “Hán Khanh kim nhật” khác thường, thần sắc đổi thay, nói năng ấp úng, ta cảm thấy có điều gì đó, trước khi thiếp ngủ mà vẫn nghĩ không ra.

Quả vậy, vì trước dó “Hán Khanh” Trương Học Lương đã trịnh trọng tuyên bố với các cận thần, bộ hạ rằng ông và Dương Hổ Thành quyết định bắt giam Tưởng Giới Thạch, yêu cầu đình chỉ nội chiến, cùng nhau kháng Nhật.

Trương Học Lương cử ba đại tướng tiến về Lâm Đồng thực hiện sứ mạng lịch sử này. Người thứ nhất, doanh trưởng cận vệ đội - Tôn Minh Cửu, tâm phúc của Trương, lâu nay tham gia mọi việc cơ yếu, hoàn toàn tin cậy, chỉ có điều Tôn là sĩ quan du học ở Nhật, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều nên phải thêm hai đại tướng tả hữu hai bên. Người thứ hai, sư trưởng sư đoàn kị binh số 6 - Bạch Phượng Tường, và người thứ ba - Lưu Quế Ngũ, trung đoàn trưỏng trung đoàn số 18 thuộc sư của Bạch. Bạch, Lưu là hai tay lục lâm, bắn súng cực giỏi, nghe nói ban đêm tối đen, vẫy tay vẫn trúng. Hai người cũng không phải trực hệ với Trương Học Lương, nhưng ông lại tin dùng trong công việc cơ mật, vì ngoài tinh thần kháng Nhật rất kiên quyết của họ ra, Bạch và Lưu đều qua thử thách.

Lưu Quế Ngũ kể rằng, lần nọ tôi và phó Tổng Tư lệnh (chỉ Trương Học Lương) đang ngồi với nhau, bỗng phát hiện thấy khói của dây cháy chậm, ông vội vàng bỏ chạy và kêu to: mìn, mìn, tôi bình tĩnh tìm cho được quả mìn và ném nó ra ngoài cửa sổ. Tướng quân hỏi tôi: sao anh không chạy? và sờ lên ngực tôi xem thử tim đập ra sao, tôi trả lời: hạ quan có thể chạy tránh, nhưng bỏ mặc phó Tư lệnh cho ai? Ông cười và nói: anh thật can đảm. Ngày 8 tháng 12, lúc 2 giờ chiều, Trương Học Lương cho tôi hay về kế sách bắt giam Tưởng Giới Thạch, ông nói phải đưa tôi đến Hoa Thanh trì nghe Tổng Tư lệnh, uỷ viên trưởng giáo huấn, nhân thể có thời gian quan sát cho kĩ địa hình địa thế mà hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi giới thiệu tôi với Tưởng Giới Thạch xong, ông bỏ về, để mình tôi ở đó, hoàn toàn tin tưởng tôi, không sợ tôi “bán chủ cầu vinh”.

Còn Bạch, nhận được lệnh của Tưởng liền nhanh chóng về Tây An lĩnh đủ 12 khẩu súng lục, giao cho phó quan lau sáng từng khẩu một, phó quan ngớ người không hiểu để làm gì mà nhiều súng vậy. Bạch Phượng Tường giải thích: - Vùng núi Tây An có một con hổ hại người, phải nhắm trúng nó, mãi sau bộ hạ của ông mối hiểu “con hổ” hiện đang nằm ở Hoa Thanh trì.

Trương Học Lương còn nhớ, ngày đầu tiên trở thành quân nhân, ông đã nghe thân phụ căn dặn: “Con muốn làm người lính ư? Hãy cắt cái đầu của mình dắt vào lưng nịt!”. Thật đúng như vậy, khi hạ lệnh bắt giam Tưởng Giới Thạch, Trương Học Lương có cảm giác “đầu mình đã lìa khỏi cổ”.

Tôn Minh Cửu kể rằng, khoảng 10 giờ tối ngày 11 tháng 12 nhận được mật lệnh, tôi đến tư dinh Trương Học Lương ở ngõ Kim Gia, ông bảo tôi: “Bây giờ anh đi mời Tưởng uỷ viên trưởng về thành, nhưng cấm không được bắn chết ông ta”. Trương Học Lương như cảm thấy nếu cuộc “can gián binh lực” này mà thất bại thì hậu quả không biết sẽ ra sao. Ông nói: “Ngày mai vào giờ này, không khéo anh và tôi chưa hẳn sẽ gặp lại nhau, có thể tôi và anh đều chết cả”. Bản thân tôi phần nào cũng có tâm trạng như vậy, rằng đi mà không trở về, tôi cáo biệt vợ con, viết một chúc thư dắt vào túi áo trên, vạn nhất nếu mệnh hệ gì thì nhờ Ứng Đức Điền đưa Tôn Minh Xương - em tôi - đi khu đỏ Thiểm Bắc hoặc sang Liên Xô học tập...

Nửa đêm, Đông Bắc quân và Tây Bắc quân phối hợp hành động: quân Đông Bắc của Trương Học Lương tiến về Lâm Đồng bắt Tưởng, quân Tây Bắc của Dương Hổ Thành có nhiệm vụ giam giữ tất cả quan viên quân chính của Tưởng Giới Thạch ở thành phố Tây An. Trương Học Lương hạ lệnh Lưu Đa Thuyên - sư trưởng sư đoàn 105 làm tổng chỉ huy, chia làm hai tuyến, tuyến ngoài cảnh giới bốn bề Hoa Thanh trì, chặn quân của Tưởng phá vòng vây tháo chạy, tuyến trong do Tôn Minh Cửu, Bạch Phượng Tường, Lưu Quế Ngũ và Vương Ngọc Toán chọc thẳng vào Hoa Thanh trì bắt sống Tưởng Giới Thạch, chỉ huy tuyến này là Đường Quân Nghiêu - lữ đoàn trưởng.

Bố trí trận đồ rành mạch xong, Trương Học Lương mới cho Lưu Đỉnh biết mọi quân cơ, Lưu vội vàng mua pin đèn để chạy máy điện báo về cho Mao Trạch Đông ở Bảo An, lúc ấy các mũi tiến công đều đã lên đường. Lính tráng không rõ chân tướng sự việc ra sao, họ chỉ biết lệnh truyền: Trương phó Tổng Tư lệnh bị bắt giam ở Hoa Thanh trì, hãy mau mau đi cứu nguy cho Trương phó, bắt sống Tưởng tổng, chỉ có bắt sống Tưởng Giới Thạch thì mới giải thoát được Trương Học Lương. Theo trinh sát, đội cận vệ nội viên của Tưởng chỉ có khoảng 30 người, quân hiến binh vòng ngoài đồn trú gần miếu Vũ Vương khoảng 70 người.

Vương Ngọc Toán một đòn dẹp yên quân hiến binh ở miếu Vũ Vương, trong khi đó xe ô-tô chở đại đội trưởng Vương Hiệp - thuộc hạ của Tôn Minh Cửu và 15 binh sĩ đâm thẳng vào cổng chính Hoa Thanh trì phá vỡ rào chắn, giao tranh với lính gác cổng, tiếng súng đã đánh thức mọi người và xe của Tôn Minh Cửu cũng vừa ập tới. Phải băng qua lửa đạn Tôn Minh Cửu và Vương Hiệp mới lọt vào khu trung tâm của hành cung là Ngũ Giang sảnh, hai người thộc vào phòng ngủ của Tưởng Giới Thạch thì vắng vẻ lạ thường, trên bàn còn nguyên mũ, cặp da và răng giả của Tưởng, trên giá áo đại y đang treo ngay ngắn, chăn đệm vẫn còn hơi ấm, chứng tỏ người vừa tẩu thoát không lâu, và một cánh cửa sổ bên cạnh giường mở toang, đúng là Tưởng đã nhảy qua đây. Bạch Phượng Tường vào Lưu Quế Ngũ đến sau hay tin Tưởng Giới Thạch đã chạy trốn, liền chia nhau lùng sục. Tổng chỉ huy Lưu Đa Thuyên điện báo tình hình về Trương Học Lương. Trương toát mồ hôi khi nghe tin Tưởng tẩu thoát, vừa lúc ấy Tôn Minh Cửu cấp báo - tìm thấy một chiếc giày sau tường phía núi, lập tức lệnh truyền: càn Li Sơn!

Núi ấy tên gọi là Li Sơn, “li” là con ngựa có lông xanh tuyền, hình núi giống như tuấn mã, sắc núi quanh năm một màu thanh tú, nên mệnh danh như vậy. Từ xưa Li Sơn đã có tên tuổi, hỏa phong đài của Chu U Vương tương truyền từng lập trên đỉnh Li Sơn, lăng Tần Thủy Hoàng cũng đặt ở đây, rồi Hoa Thanh trì, Đường triều Hoa Thanh cung đều quần tụ dưới chân Li Sơn và nay Tưởng đang ẩn mình trên đó.

Quân Đông Bắc dàn hàng ngang theo Li Sơn, ai cũng hăm hở để trở thành người bắt sống Tưởng Giới Thạch và nhận thưởng một vạn quan. Đến lưng chừng núi, tiểu đội trưởng Trần Tư Hiếu bắt được một thị vệ của Tưởng, Tôn Minh Cửu chạy tới thì mới hay đó là cháu của Tưởng, tên gọi Hiếu Trấn, hầu hạ cạnh Tưởng. Tôn Minh Cửu dí súng lục vào đầu Tưởng Hiếu Trấn, làm cho y sợ hãi và đưa mắt chỉ tới nơi Tưởng Giới Thạch ẩn nấp.

Tưởng chân trần, đầu trần, vận áo lụa màu đồng, quần ngủ màu trắng, đứng trân trân trong đêm trường gió lạnh, tuy thất thế sa lưới nhưng vẫn oai vệ hất hàm:

- Các người là ai?

- Đông Bắc quân - Tôn Minh Cửu đáp. Tưởng Giới Thạch thở phào nhẹ nhõm.

- Trương phó Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho chúng tôi bảo vệ ủy viên trưởng, mời ủy viên trưởng về thành lãnh đạo chúng tôi kháng Nhật, giải phóng Đông Bắc.

Sau đó tình tiết ra sao? Trong “Tây hành mạn ký”, nhà báo Mỹ - Xư-nua đã miêu tả: Tôn Minh Cửu chào Tưởng Thạch, câu đầu tiên của Tưởng là: “Anh là đồng chí, mà lại nổ súng bắn ta”. Tôn trả lời: “Chúng tôi không nổ súng, chúng tôi chỉ yêu cầu ủy viên trưởng kháng Nhật cứu nước”. Tưởng vẫn cứ ngồi lì trên một tảng đá và khăng khăng: “Gọi Trương thiếu soái lên đây, ta mới xuống núi”. Tôn giải thích: “Trương thiếu soái không ở đây, quân lính trong thành đã khởi nghĩa, chúng tôi đến bảo vệ ủy viên trưởng”. Tưởng Giới Thạch xem chừng đã yên tâm và đòi ngựa, Tôn đáp: “Ở đây không có ngựa, nhưng tôi sẽ cõng ủy viên trưởng hạ sơn”. Tưởng do dự một lát rồi đồng ý để cho Tôn Minh Cửu cõng mình, xe ô-tô đã đợi họ dưới đó... Đằng đông, trời hửng đỏ, đêm Li Sơn vừa qua.

Màn một của sự biến Tây An đã khép, ở Lâm Đồng trên núi Li Sơn, Tưởng Giới Thạch bị nghĩa quán vây bắt giải về Tây An, nơi ấy chân tay của ông cũng bị tóm gọn. Trương, Dương thở phào nhẹ nhõm, thầy trò Học Lương và Minh Cửu vẫn lại gặp nhau, chúc thư của Tôn chỉ để làm kỷ niệm.

Chú thích:

(1) Xem Thơ Đường - Tản Đà dịch - NXB Trẻ 1989.